SỢ HÃI LÀ CHI PHÍ PHẢI TRẢ - SỨC MẠNH VÀ KHỔ ĐAU - ANDREW HOLECEK

SỢ HÃI LÀ CHI PHÍ PHẢI TRẢ

SỨC MẠNH VÀ KHỔ ĐAU

ANDREW HOLECEK

---o0o---

Đã đến lúc ta phải nhận ra rằng những tình huống khó khăn có thể được biến đổi thành sức mạnh tâm linh... Hãy tận dụng mọi chướng ngại của con đường
SỢ HÃI LÀ CHI PHÍ PHẢI TRẢ - SỨC MẠNH VÀ KHỔ ĐAU - ANDREW HOLECEK

Tôi biết cái này được gọi là bản ngã: nó ngăn chặn không cho con người thấy được sự hư không tuyệt đối… Bằng cách nào đó, tôi hiểu rằng cùng với sự xuất hiện của nỗi sợ hãi, cái bản ngã sẽ trỗi dậy cùng với mọi vũ khí của nó, vì rõ ràng, nỗi sợ bãi - cha đẻ của mọi điều bịa đặt - chính là hạt nhân mà nhờ nó, bản ngã được hình thành. Bản ngã và nỗi sợ hãi đều tồn tại trong ta, nhưng ta lại không thể phân biệt được chúng.

- BERNADETTE ROBERTS, Trải Nghiệm Vô Ngã

Đã đến lúc ta phải nhận ra rằng những tình huống khó khăn có thể được biến đổi thành sức mạnh tâm linh... Hãy tận dụng mọi chướng ngại của con đường

-PADMASAMBHAVA

NHỮNG BÀI GIẢNG hướng dẫn ta cách đối mặt với những gian khổ của con đường, và giúp ta đối trị với nỗi sợ hãi của bản thân. Bằng cách hiểu đúng bản chất của nỗi sợ hãi, ta có thể thúc đẩy cuộc hành trình diễn ra nhanh hơn và biết rằng nỗi sợ hãi không phải là dấu hiệu của sự thoái lui mà là tiến triển. Nếu không hiểu được điều này, nỗi sợ hãi trở thành tấm biển báo “Dừng lại” hay “Đừng vào”. Còn khi ta hiểu được bản chất của nỗi sợ hãi, nó trở thành nền tảng giúp ta phát triển.

Nỗi sợ hãi là gì, và tại sao nó lại có sức mạnh như thế? Nó chi phối cuộc sống của ta như thế nào? Sự thiếu hiểu biết chính là nguyên nhân phổ biến gây ra nỗi sợ hãi. Ta sợ những cái mình chưa biết. Ta lo lắng về cuộc phỏng vấn xin việc vì không biết nó sẽ diễn ra như thế nào. Ta hồi hộp trước khi hẹn hò, thuyết trình, phẫu thuật, đi xa, nghỉ hưu, hay mất việc vì không biết điều gì sẽ xảy ra. Dù đó là sự căng thẳng, hồi hộp của một đứa trẻ sắp vào phòng thi, hay nỗi lo sợ của một người đang đối mặt với cái chết, con người vốn dĩ có rất nhiều nỗi sợ hãi khác nhau.

Cấp độ sợ hãi cũng tương đương với mức độ thiếu hiểu biết. Nếu ta không biết rõ về đối tượng hẹn hò của mình, thì mức độ thiếu hiểu biết ấy sẽ hình thành sự hồi hộp. Nếu không biết gì về cái chết, thì mức độ của sự thiếu hiểu biết ấy sẽ hình thành nỗi sợ hãi. Càng biết nhiều, ta càng ít sợ hãi hơn. Nếu sự thiếu hiểu biết tương ứng với nỗi sợ hãi, thì kiến thức tương ứng với lòng can đảm. Tìm hiểu về cái chết, bạn sẽ không sợ nó nữa. Tìm hiểu về nỗi sợ hãi, ta sẽ không còn sợ hãi nữa.

 Ta không cảm thấy sợ không phải vì ta lảng tránh nỗi sợ hãi mà vì ta đã dám đối mặt và vượt qua nó. Nỗi sợ hãi là chi phí ta phải trả nếu muốn trưởng thành.

Để trưởng thành vượt qua giới hạn của bản ngã, ta phải diệt trừ nó. Ta lo sợ cho cái chết của bản ngã vì không biết điều gì sẽ xảy ra sau đó. Nhưng ta có thể tìm hiểu. A. H. Almaas viết:

Sự chuyển hóa... nghĩa là từ bỏ phần nhận thức trần tục của mình, và sự từ bỏ này có thể được trải nghiệm như là sự phân rã, chia cách, hoặc cảm giác như đang bị tách rời ra. Điều này có thể khiến bạn đau khổ hay lo sợ vì cảm giác xưa cũ của bạn về bản thân đang dần biến mất và bạn không biết điều gì sẽ xảy ra. Những gì bạn bám víu quá quen thuộc với bản thân, giờ đây, bạn từ bỏ nó để đi vào một vùng đất xa lạ. Nó giống như việc bạn nhảy xuống vực thẳm và điều đó quả thật đáng sợ.

Khi ta tiến xa hơn trên con đường tâm linh và bắt đầu chạm vào ngưỡng cửa của cái vô ngã, hư không, vào cái chết của bản ngã thì vũ khí của bản ngã bắt đầu xuất hiện để tự vệ. Vũ khí chính của nó là nỗi sợ hãi. Khi ta nhận ra mình không thật sự tồn tại, thì bản ngã xuất hiện cùng với vũ khí của nó để ngăn ta có được nhận thức này. Do đó, nỗi sợ hãi chính là hạt nhân của bản ngã. Ở dạng chủ động, nỗi sợ hãi, xuất hiện dưới hình thức của sự hoang mang khi bản ngã dần bị triệt tiêu; ở dạng bị động, nỗi sợ hãi khiến ta đi chệch hướng của con đường bằng sự biếng nhác. xao lãng. Dù ở dạng nào đi nữa, nỗi sợ hãi đều gây trở ngại đến sự trưởng thành của ta.

 Khi Freud còn là một bác sĩ trẻ, ông đã đến Pháp để chứng kiến một cuộc thử nghiệm của phương pháp thôi miên. Những gì ông chứng kiến đã làm thay đổi ngành tâm lý học phương Tây. Người ta yêu cầu người được thôi miên cầm dù lên rồi mở nó ra che trên đầu mình khi nhận được một tín hiệu nhất định. Ngạc nhiên thay, khi nhận được tín hiệu ấy, anh ta làm đúng như những gì mình được yêu cầu. Freud vô cùng ấn tượng với thử nghiệm này. Nhưng chính điều xảy ra sau đó mới khiến ông ngạc nhiên và thôi thúc ông nghiên cứu về sức mạnh của tiềm thức. Khi người thử nghiệm được hỏi tại sao mình lại làm điều ấy, anh ta lại đưa ra những lời giải thích hợp lý nhất cho hành động thiếu lý trí của mình, dù thực tế, anh ta không hề hiểu tại sao mình lại thực hiện hành động ấy.

Tương tự, ta đã yêu cầu tiềm thức của mình phải lảng tránh nỗi sợ hãi bằng mọi giá. Nó giống như thể bản ngã không ngừng thì thầm vào tiềm thức của ta là ta phải làm bất cứ thứ gì để lảng tránh được thực tế đau khổ về sự tồn tại của mình. Giống như người bị thôi miên, ta dành thời gian để mở chiếc dù, thực hiện

những hành động vô lý mà không hiểu được lý do tại sao mình lại làm như thế. Ta giống như đang đi theo đám đông, một đám đông đang đi về phía vực thẳm, và chỉ làm những gì người khác làm. Nhưng trong sâu thẳm tâm trí mình, ta chẳng hiểu chút nào về những hành động của mình.

“Đức Phật”, người thức tỉnh, ở đây có thể được hiểu là người được giải thôi miên. Thức tỉnh trên con đường tâm linh giúp ta đào xới lên những hạt giống tiềm thức cũng như nỗi sợ hãi đã chi phối mọi hành động của bản thân. Đó chính là sự thức tỉnh giúp ta đến gần hơn với sự thật. Nhưng sự thức tỉnh này đối với bản ngã không phải là một tin tức tốt lành.

Sợ hãi và trưởng thành

Ta có thể tránh được mọi khó khăn bằng cách hiểu rằng sự trưởng thành vượt ngoài giới hạn của bản ngã có nghĩa là sự trưởng thành ấy vượt qua nhưng vẫn bao gồm bản ngã. Sự vượt qua này có thể giống như cái chết, nhưng nó chỉ là nỗi đau khổ đang lớn dần. Cái chết của bản ngã có nghĩa là ta phải từ bỏ những gì mình gắn bó vì sự trưởng thành của bản thân.

Khi ta phát triển chiều cao từ 1.5 lên thành 1.55 mét, ta không bỏ đi 1.5cm. Ta cao hơn những vẫn bao gồm 1.5 mét. Khi ta được 20 tuổi, ta không bỏ tuổi 19, ta lớn hơn nhưng vẫn bao gồm tuổi 19. Tương tự, khi trở thành người giác ngộ, ta không từ bỏ bản ngã mà bao gồm nó. Vì bản ngã luôn ở đó, nên ta vẫn có thể sử dụng nó, như ta sử dụng chiều cao 1.5 mét của mình.

Ta có thể khom người xuống ngang với chiều cao ấy giao tiếp với người khác, nhưng ta không còn sống với nó nữa. Ta đã cao hơn nó. Cách này tốt hơn nhiều đối nỗi ta không cần phải trở lại với chiều cao 1.5 mét. Đức Phật cúi xuống để nói chuyện với chúng ta, như cách ta cúi xuống để nói chuyện với một đứa trẻ hai tuổi, nhưng thật nực cười, xuẩn ngốc nếu một người lớn là sống như đứa trẻ 2 tuổi. Sau khi hạ thấp mình xuống bằng với chúng ta để giảng dạy về tâm linh, những bậc thầy đứng thẳng lên rồi đem ta theo với họ, kéo ta vào nhận thức siêu việt của họ.

  Không có quan điểm này, thì nhận thức siêu việt dường như không bao gồm con mắt bản ngã. Nó giống như cái chết. Nhưng với quan điểm “vượt qua nhưng không loại trừ”, ta có thể biến nỗi sợ hãi thành lòng can đảm. Thay vì chỉ có bóng đêm bao trùm lên cái chết, giờ đây ta trang bị cho nó bằng quan điểm giúp thắp lên ánh sáng. Giờ đây, ta biết rằng đây là một quan điểm sáng suốt, vượt qua cả bản ngã.

Thay vì trước đây được coi giống như một tấm biển báo “Dừng lại”, thì giờ đây nỗi sợ hãi trở thành tấm biển báo “Đi theo lối này để được trưởng thành”. Nỗi sợ hãi không chỉ là một dấu hiệu tốt, mà nó còn chỉ cho ta thấy mình cần phải đi đâu để được thức tỉnh.

Đối với sự tồn tại về mặt sinh học, nỗi sợ hãi có thể gây ra phản xạ “đấu tranh hay trốn chạy với những tình huống đe dọa đến sự sống, nhưng loại phản xa vô điều kiện này nên bị bỏ lại ở thế giới vật chất. Bằng cách biến phản ứng vật chất này thành những tình huống tâm linh, ta bỏ lỡ cơ hội trưởng thành. Ta nhầm lẫn những tình huống đe dọa đến sự sống với những cơ hội áp đảo bản ngã. Do đó, ta trốn chạy hoặc đấu tranh với cái lẽ ra nên tận dụng, nắm bắt. Để trưởng thành, ta cần đi thẳng về phía nỗi sợ hãi chứ không phải trốn chạy nó.

Nếu bạn thắc mắc không biết mình nên đi đâu trên con đường tâm linh, hãy nhìn vào những gì khiến bạn sợ hãi và bạn sẽ biết được bước đi kế tiếp. Hãy làm ngược lại với những điều bạn thường làm, với những gì bản ngã của bạn muốn làm. Bóng tối chính là ánh sáng tâm linh dẫn bạn tiến về phía trước, giống như ngọn hải đăng giúp bạn tìm được bến đỗ an toàn.

Bóng tối có thể không an toàn cho bản ngã, nhưng nó chỉ ra nơi ẩn náu của tinh thần. Bóng tối là nơi trú ẩn của sự thiếu hiểu biết, và để đạt được giác ngộ, bạn phải phơi bày nó ra ánh sáng. Mọi góc tối trong cuộc sống của bạn phải được đem ra ánh sáng, sự ngu dốt phải được chuyển hóa thành sự sáng suốt. Ta phải đi vào bóng tối để thắp sáng ngọn đèn.

Sự thiếu hiểu biết

Sự thiếu hiểu biết là trở ngại cuối cùng và nguy hiểm nhất của sự thức tỉnh. Đây không chỉ là sự thiếu hiểu biết về mặt lý thuyết, không biết một cái gì đó về mặt trí tuệ. Mối bận tâm của ta về sự thiếu hiểu biết quá sâu sắc, trừu tượng đến nỗi ta thậm chí không biết là mình không biết. Ta nghĩ mình đã thức tỉnh trong khi thực tế ta chỉ là kẻ mộng du. Để hiểu được bản chất của sự thiếu hiểu biết, trước hết ta phải tìm kiếm nó.

Cách duy nhất để làm được điều này là can đảm bước vào những ngóc ngách tối tăm của cuộc sống – bóng tối và nỗi sợ hãi chính là tay sai của sự ngu dốt.

Đức Phật từng dạy về klesha, một từ tiếng Phạn có nghĩa là sự biến đổi đột ngột về cảm xúc, hay thuốc độc. Trong đạo Phật, có 3 loại thuốc độc là căn nguyên của tội lỗi, từ cụ thể đến trừu tượng: hung hãn, đam mê, và ngu dốt hay tham, sân, si. Nhiều tín đồ Phật giáo thường nói đến “sự tấn công của cảm xúc biến đổi”, nghĩa là bị chi phối bởi một cảm xúc mà họ không thể kiểm soát được. Tôi luôn biết khi mình bị tính hung hãn hay nỗi đam mê tấn công, nhưng tôi chưa bao giờ có thể nói: “Mình đang bị sự ngu dốt tấn công”. Đây là một sự trớ trêu vì tôi liên tục bị sự ngu dốt tấn công.

 Nếu tôi nhìn thấy thế giới tách biệt với mình, đó là bằng chứng cho thấy tôi đang bị sự ngu dốt tấn công. Nếu tôi thấy nỗi khổ đau của bạn tách biệt với nỗi khổ đau của tôi, nghĩa là tôi đang chịu sự tấn công ấy. Sự ngu dốt có thể diễn ra âm thầm, nhưng nó không thụ động. Nó là thành phần mạnh nhất của luân hồi. Với sức mạnh khủng khiếp, nó không ngừng phân chia thực tế thành cái tôi của ta và người khác, để lại sự đau khổ bất tận cho con người. Sự trớ trêu ở đây là ta không thể nhìn thấy nó. Nó quá gần với ta.

- Trong suốt đêm Đức Phật đạt được sự khai ngộ, Ngài đã phát hiện ra 12 mắt xích (nidanas) trói buộc ta vào sự tồn tại của kiếp luân hồi. Mắt xích đầu tiên chính là sự ngu dốt. Theo định nghĩa, sự ngu dốt có nghĩa là không nhìn thấy.

 Vì sự ngu dốt rất mơ hồ, nên ta không thể trực tiếp đối mặt với nó. Ta phải hiểu rằng nỗi sợ hãi chính là biểu hiện chủ động của sức mạnh “bị động” này. Do vậy, đối với người rèn luyện tâm linh, nỗi sợ hãi chính là quà tặng. Nó chỉ cho ta biết nơi mình cần đi để đưa sự ngu dốt ra ngoài ánh sáng. Những bậc giác ngộ không cảm thấy sợ hãi vì họ không có sự ngu dốt, nhưng họ chỉ có thể đạt được cấp độ này bằng cách trực tiếp đối mặt với nỗi sợ hãi và phơi bày nguyên nhân sâu xa của nó ra ngoài ánh sáng. Họ biến bóng tối thành ánh sáng bằng cách can đảm bước vào bóng tối.

Giống như nhiều người khác, tôi thường tìm cách trốn chạy nỗi sợ hãi của mình. Nhưng khi có được lòng can đảm để đối mặt với nỗi sợ hãi, để biến nó thành cơ hội, thì phần thưởng tôi nhận được còn lớn hơn cả cái giá tôi phải trả. Khi nghĩ đến việc tham gia khóa tu hành dài hạn lần đầu tiên, tôi cảm thấy niềm vui vẻ hào hứng ban đầu nhanh chóng bị thay thế bởi nỗi sợ hãi. Tôi phải mất 8 năm mới có đủ lòng can đảm và sự chuẩn bị, nhưng tôi vẫn đi theo sau nỗi sợ hãi. Tôi coi nó là người dẫn đường đáng tin của mình, và nó đã dẫn tôi đến với sự trưởng thành thật sự. Bạn dễ “đi theo niềm hạnh phúc” hơn là “đi theo nỗi sợ hãi”, nhưng nỗi sợ hãi giúp ta đi đúng hướng, còn niềm hạnh phúc có thể khiến ta chệch hướng. .

Những người rèn luyện tâm linh thường được gọi là chiến binh. Trungpa Rinpoche từng dạy về “con đường thiêng liêng của chiến binh”, còn Don Juan luôn đề cao các chiến binh tâm linh. Ở Tây Tạng, người tập thiền được gọi là “người can đảm”. Ý nghĩa sâu xa của Thánh chiến ám chỉ đến kẻ thù thật sự chính là sự ngu dốt. Đây là cuộc Thánh chiến vĩ đại, cuộc chiến lại ma quỷ, cám dỗ trong chính bản thân ta. Ta can đảm đối mặt với tâm trí của mình cũng như nỗi che đậy cho sự ngu dốt.

Tôi vẫn tiếp tục áp dụng nguyên tắc “đi theo nỗi hãi” kỳ lạ này, nhưng tôi làm điều ấy có chừng mực. Vấn đề ở đây không phải là khao khát tìm kiếm tâm linh. Nếu ta liều lĩnh, hấp tấp đối mặt với bất kỳ tình huống đáng sợ nào, động cơ của ta có thể không thích hợp, và ta vẫn chưa chuẩn bị tinh thần để gánh chịu hậu quả. Con đường này chỉ là con đường ở giữa, và lời khuyên “đi theo niềm hạnh phúc” cũng nên được cân nhắc kỹ. Có được can đảm để đi theo niềm hạnh phúc của mình cũng không phải là điều dễ dàng, và ta sẽ quay trở lại với vấn đề này trong phần 3. Nhưng nếu chỉ đi theo niềm hạnh phúc, ta sẽ cảm thấy mệt mỏi, còn nếu đi theo nỗi sợ hãi, ta sẽ thay đổi. Điểm mấu chốt ở đây là ta nên coi nỗi sợ hãi là cơ hội giúp mình trưởng thành.

Sợ hãi ánh sáng

Cuốn sách mang tên Cuốn Sách Về Cái Chết Của Người Tây Tạng hay Tử Thư Tây Tạng, vốn là một trong những tài liệu giảng dạy chính về Phật giáo, hướng dẫn cho ta cách đối phó với không chỉ cái chết mà với mọi tình huống khó khăn. Cuốn sách nói về cuộc sống này lại chứa đựng một luận thuyết về cái chết. Có lẽ, các tác giả của cuốn sách nhận ra rằng nó đề cập quá nhiều đến sự sống, nên đã giảm bớt bằng cách hướng thông điệp của mình vào cái chết. Cái chết quá khủng khiếp đến nỗi ta dễ dàng nhận thấy những bài học trong cuốn sách được áp dụng ra sao – đối với người thật sự muốn có những lời chỉ dẫn không khoan nhượng như thế này. Nhưng những bài đọc được lặp đi lặp lại của cuốn sách cho thấy được ý nghĩa sâu sắc của nó. Đây chính là cuốn sách tuyệt vời dạy ta cách sống như thế nào.

Cuốn sách mô tả rằng, ở cuộc sống kiếp sau, ánh sáng mãnh liệt sẽ xuất hiện với chúng ta. Lời chỉ dẫn là hãy ở cùng với nó, đừng nhìn đi chỗ khác. Đây quả thực là điều không dễ, không chỉ vì ánh sáng ấy quá mạnh, mà những ánh sáng khác êm dịu, hấp dẫn hơn cũng xuất hiện cùng lúc. Đương nhiên, có một sự cám dỗ vô cùng mạnh xúi giục ta quay về phía ánh sáng êm dịu hơn. Theo cuốn sách này, trung thành với ánh sáng mạnh chính là cách giúp ta giải thoát. Nếu đi về hướng ánh sáng êm dịu hơn, ta sẽ đi chệch khỏi con đường tâm linh.

Cuốn sách tiếp tục mô tả về những kết quả của việc trung thành với ánh sáng mạnh hoặc bị quyến rũ bởi ánh sáng êm dịu hơn ở trạng thái sau khi chết. Những bài học này có thể được áp dụng vào cuộc sống như sau: Ánh sáng mạnh tượng trưng cho những thách thức giúp ta phát triển. Nó tượng trưng cho một vùng đất xa lạ, có nhiều tiềm năng, nhưng đáng sợ. Ánh sáng ấy là lời chào đón nồng hậu có lớp vỏ bọc đáng sợ. Nó còn tượng trưng cho sự thật khắc nghiệt mà ta không muốn thừa nhận, cho khía cạnh khốc liệt của thực tại.

Ngược lại, những ánh sáng êm dịu, hấp dẫn tượng trưng cho sự tiện nghi và thói quen. Chúng cám dỗ ta bằng cảm giác về sự an toàn và thân quen. Ta đuổi theo ánh sáng êm dịu khi cố gắng giải quyết tình huống bằng cách nói dối, quanh co, hay chỉ nói những gì người khác muốn nghe. Ánh sáng mãnh liệt tượng trưng cho nơi ta cần phải đến; còn ánh sáng êm dịu tượng trưng cho nơi ta muốn đến.

Con đường tâm linh được hình thành để thôi thúc ta can đảm bước ra khỏi vùng đất an toàn, dễ chịu, vượt qua ánh sáng êm dịu, do đó, nó luôn có đầy rẫy những thách thức của ánh sáng mạnh. Nếu ta chấp nhận thách thức, ánh sáng ấy sẽ đem lại điều diệu kỳ. Trungpa Rinpoche nói:

Điểm mốc mà ta có thể đi xa hơn về phía ánh sáng mãnh liệt xa lạ, hoặc quay trở lại với ánh sáng êm dịu, quen thuộc chính là cánh cổng dẫn ta đến với điều kỳ diệu. Nó mang tính cá nhân. Ta cảm thấy như bị ép buộc, bị làm phiền, quấy rầy trong suốt quá trình rèn luyện. Tất cả mọi nỗi bực bội cũng như trở ngại bắt đầu xuất hiện cùng lúc, bà ta muốn ở bên trong lãnh địa của mình. Ta không muốn bước qua khỏi các ranh giới... Ta sợ có thể tự hủy diệt nếu bước ra khỏi vùng đất của sự sinh tồn quen thuộc.

Những ranh giới cản trở này luôn xuất hiện, và ta thật sự không muốn cố gắng nữa. Nhưng sự cố gắng là rất cần thiết. Ta có thể nói: “Ta đã tặng tất cả tiền của, tài sản. Ta đã cống hiến hết sức lực. Ta đã ký xong mọi giấy tờ. Ta trả hết nợ nần. Ta đã làm tất cả mọi việc”. Nhưng vẫn còn một cái gì còn sót lại. Ta vẫn bỏ lỡ một điều quan trọng. Những việc này rất dễ làm. Lúc này đây, vấn đề là ở chỗ từ bỏ đi chân, tay mình. Những điều này vẫn còn dễ làm. Ta có thể từ bỏ tóc, cạo sạch râu, cởi bỏ hết quần áo của mình. Nhưng ta lại không biết cách từ bỏ trái tim và bộ não của mình như thế nào. Khi ta từ bỏ được trái tim cũng như trí não mình, điều kỳ diệu sẽ xuất hiện .

 Khi ta bước ra khỏi con đường trần tục để tiến vào con đường tâm linh, ta đã vượt qua được cột mốc đầu tiên. Ta phát hiện ra được tính không trọn vẹn của ánh sáng êm dịu trong cuộc sống và bước về phía ánh sáng mãnh liệt. Đây chỉ là cột mốc đầu tiên. Con đường tâm linh có rất nhiều bước ngoặt vì nó ẩn chứa những cơ hội giúp ta trưởng thành. Trungpa Rinpoche nói tiếp:

Ta thấy mình đang ở tại một cột mốc, khi ấy ta có thể cố gắng bước thêm một bước nữa. Cột mốc ấy xuất hiện khi ta nghĩ mình đã đi quá xa. Có một lời cảnh báo mơ hồ nào đó, và cùng lúc ấy, có lời mời gọi hấp dẫn xuất hiện. Chắc chắn, tại cột mốc ấy, ta bắt đầu nao núng, chần chừ vì ta phải mất quá nhiều nỗ lực, công sức để đi xa hơn. Ta cảm thấy mình đã bỏ ra đủ công sức cũng như đã cố gắng đủ, và không muốn đi xa hơn nữa. Những người như thế sẽ không muốn đối đầu với rủi ro dạng này: “Ồ, không? Ta đã đi quá xa rồi, ta không nên đi thêm nữa. Hãy quay về thôi”

 

Ánh sáng mãnh liệt không dễ tìm, vì nó thường ẩn trong bóng tối. Không biết được điều gì sẽ xảy ra khi ta vượt qua một cột mốc, hoặc việc phải đối mặt với vùng đất xa lạ, là những gì ta phải trải qua để đến được với ánh sáng mãnh liệt. Chính cảm giác lo sợ về cái chưa biết, cùng với niềm hy vọng về cơ hội đang chờ đợi ta phía trước, tạo thành ánh sáng mãnh liệt. Ánh sáng mãnh liệt chỉ cho ta thấy đường đi cùng với nỗi gian khổ ta phải vượt qua. Nó vừa sáng, vừa tối tăm.

Ánh sáng mãnh liệt và ánh sáng êm dịu trong Cuốn Sách Về Cái Chết Của Người Tây Tạng truyền tải thông điệp này: Con đường trần tục thoạt đầu rất dễ đi nhưng càng về cuối, càng có nhiều trở ngại; con đường tâm linh lúc đầu có rất nhiều trở ngại, nhưng càng về cuối càng dễ đi. Con đường trần tục vốn rất quen thuộc, bằng phẳng, đơn giản. Dù cũng có những lúc đau thương, nhưng nó vẫn là một cuộc sống dễ chịu. Cho đến đoạn cuối của con đường. Khi ấy, giấc mơ của cuộc sống vật chất biến thành cơn ác mộng. Mọi thứ trong thế giới vật chất đều tan biến, ta mất tất cả những gì mình biết và yêu thương. Với nỗi đau khổ tột cùng, ta buộc phải đối mặt với cái chết.

Ngược lại, con đường tâm linh ẩn chứa đầy khó khăn, gian khổ, và những điều xa lạ. Dù cũng có những khoảnh khắc hạnh phúc, nó vẫn là một cuộc sống khó khăn. Cho đến đoạn đường cuối cùng. Cơn ác mộng của cuộc sống tâm linh biến thành giấc mơ diệu kỳ. Mọi thứ thuộc về tâm linh xuất hiện với ta. Ta có được tất cả những gì mình yêu thương, trân trọng. Với sự thanh thản, ta bước vào cuộc sống vĩnh cửu. Trong bản nhạc giao hưởng bất hủ mang tên Hồi Sinh của Gustay Mahler, đoạn cuối có đề cập đến sự biến đổi tâm linh này:

Ôi, Đau Khổ, người liên kết mọi thứ,

Ta đã bị kéo ra khỏi ngươi!

Ồ Thần Chết, kẻ kiểm soát mọi thứ,

Giờ đây lại bị kiểm soát!

Bởi đôi cánh ta đã tìm thấy cho mình,

Trong sức mạnh mãnh liệt của tình yêu thương,

Ta bay lên không trung

Để đến được với ánh sáng mà không ai nhìn thấy! - Ta chết để được sống muôn đời.

Quan điểm này giúp thay đổi mối quan hệ của ta với sự gian khổ cũng như với những cái chết không tránh khỏi của con đường. Con đường này rất gian nan lúc ban đầu nhưng càng về sau càng bằng phẳng, dễ đi. Abraham, một giáo phụ Do Thái, đã đề nhấn mạnh đến điều này bằng một câu nói súc tích: “Kẻ chết trước khi mình thật sự chết sẽ không chết khi thật sự chết”

---o0o---

Trích: “ Sức Mạnh Và Khổ Đau”

Andrew Holecek

Biên dịch: Thu Sao – Khôi Nguyên

Nhà Xuất Bản Lao Động – 2012

Ảnh: Internet

Bài viết liên quan