SỐNG VỚI RẮN HỔ MANG - AJAHN CHAH - NHỮNG LỜI DẠY VƯỢT THỜI GIAN

SỐNG VỚI RẮN HỔ MANG

AJAHN CHAH

NHỮNG LỜI DẠY VƯỢT THỜI GIAN

---o0o---

Đức Phật đã để lại cho chúng ta những lời dạy này không phải chỉ để nghe hoặc đơn giản chỉ là để tiếp thu chúng ở mức độ hiểu biết suông. Chúng là những lời dạy mà thông qua sự thực hành chúng ta có thể chứng nghiệm chúng trong tâm của chúng ta.
SỐNG VỚI RẮN HỔ MANG - AJAHN CHAH - NHỮNG LỜI DẠY VƯỢT THỜI GIAN

Một bài Pháp ngắn được thuyết để làm lời giáo huấn cuối cùng dành cho một phụ nữ lớn tuổi người Anh. Người này đã tu tập hai tháng dưới sự hướng dẫn của Ajahn Chah vào cuối năm 1978 và đầu năm 1979.

Bài Pháp ngắn này được thuyết giảng là vì sự lợi lạc của một vị đệ tử mới, người chẳng bao lâu nữa sẽ quay trở về Luân-đôn (London). Mong rằng những lời dạy này sẽ giúp cho bà hiểu được giáo lý mà bà đã nghiên cứu và học hỏi tại Wat Pah Pong này. Nói theo cách đơn giản nhất thì đây là sự thực hành để thoát khỏi mọi khổ đau của vòng sinh tử luân hồi.

Với sự thực hành này, hãy nhớ phải lưu ý đến tất cả mọi sinh hoạt khác nhau của tâm – tất cả những gì bà thích và tất cả những gì bà không thích - giống như bà nhìn không rời mắt một con rắn hổ mang. Hổ mang là một loài rắn cực độc, đủ độc để gây tử vong nếu chúng ta bị nó cắn phải. Và các tâm trạng của chúng ta cũng giống như vậy. Những tâm trạng mà chúng ta ưa thích là độc, và những tâm trạng chúng ta không ưa thích cũng độc luôn. Chúng ngăn không để cho tâm của chúng ta được tự do và ngăn che không cho chúng ta hiểu sự thật như Đức Phật đã dạy.

Vì vậy, việc cần thiết là chúng ta phải cố gắng duy trì chánh niệm cả ngày lẫn đêm. Bất kể bà có thể đang làm gì: Đi, đứng, nằm, ngồi, nói chuyện... bà nên làm chúng với chánh niệm. Khi bà có thể tạo lập được sự chánh niệm này, bà sẽ thấy rằng sẽ có sự tỉnh giác đồng thời sinh khởi cùng với nó, và cả hai điều kiện này sẽ đem lại trí tuệ. Vì vậy, chánh niệm, tỉnh giác và trí tuệ sẽ làm việc cùng nhau và bà sẽ giống như một người tỉnh thức cả ngày lẫn đêm.

Đức Phật đã để lại cho chúng ta những lời dạy này không phải chỉ để nghe hoặc đơn giản chỉ là để tiếp thu chúng ở mức độ hiểu biết suông. Chúng là những lời dạy mà thông qua sự thực hành chúng ta có thể chứng nghiệm chúng trong tâm của chúng ta. Bất luận là chúng ta đi đâu hoặc làm bất cứ điều gì, chúng ta nên có [trong tâm] những lời dạy này. Khi chúng ta nói “có [trong tâm] những lời dạy này” hay “có sự thật” có nghĩa là chúng ta muốn ám chỉ rằng bất cứ điều gì chúng ta làm hoặc nói, chúng ta làm và nói với trí tuệ. Khi chúng ta suy nghĩ và quán chiếu, chúng ta làm điều đó với trí tuệ. Chúng ta nói rằng một người có chánh niệm và tỉnh giác kết hợp với trí tuệ theo cách như vậy là người gần gũi với Đức Phật.

Khi rời khỏi nơi này [để về với cuộc sống cũ], bà nên thực hành để đưa mọi thứ quay trở lại tâm của chính mình. Hãy nhìn cái tâm của bà với sự chánh niệm và tỉnh giác này và phát triển thứ trí tuệ này với sự có mặt của ba điều kiện chánh niệm, tỉnh giác và trí tuệ, “sự buông bỏ” sẽ sinh khởi.

Bà sẽ biết sự sinh khởi và hoại diệt không ngừng của mọi hiện tượng. Bà nên biết rằng cái mà đang sinh khởi và hoại diệt chỉ là sự sinh hoạt của tâm. Khi một cái gì đó sinh khởi, nó sẽ hoại diệt và tiếp theo sau đó là những sinh khởi và hoại diệt khác. Trong con đường của Dhamma, chúng ta gọi sự sinh diệt ấy là sinh và tử”. Tất cả chỉ có vậy thôi!

Một khi khổ sinh khởi, nó liền hoại diệt. Và khi khổ đã hoại diệt, nó sẽ sinh khởi trở lại. Chỉ có khổ sinh khởi và hoại diệt. Một khi thấy được như vậy, bà sẽ có thể biết một cách liên tục sự sinh và sự diệt này, và khi cái biết của bà đã được liên tục như vậy, bà sẽ thấy rằng thật sự thì mọi thứ trên đời cũng chỉ có bấy nhiêu đó thôi. Tất cả mọi thứ chỉ là sinh và diệt, như thể không có bất cứ thứ gì là thường hằng. Chỉ có sinh và diệt đúng theo bản chất của nó – vậy thôi!

Loại tri kiến này sẽ làm sinh khởi cái cảm giác an nhiên, tự tại đối với thế gian. Cái cảm giác như vậy sinh khởi khi chúng ta thấy rằng trong thực tế không có cái gì đáng được ham muốn, chỉ có sự sinh khởi và hoại diệt, một chúng sinh được sinh ra và rồi theo sau đó là cái chết. Đây là khi tâm đạt đến “sự buông bỏ” bằng cách để cho mọi thứ vận hành theo bản chất thiên nhiên của chính nó. Sự vật và các hiện tượng sinh khởi và rồi hoại diệt ngay trong tâm của chúng ta, chúng ta biết điều đó. Khi hạnh phúc sinh khởi, chúng ta biết; khi bất toại nguyện sinh khởi, chúng ta biết. Và việc “biết hạnh phúc” này có nghĩa là chúng ta không đồng hóa với nó, xem nó như là của chúng ta. Khi chúng ta không còn tự động hóa mình với hạnh phúc và đau khổ và không còn bám níu vào chúng, chúng ta đơn giản sẽ được bỏ lại [để cùng vận hành] với đường lối thiên nhiên của sự vật và các hiện tượng.

Vì vậy, chúng ta nói rằng sinh hoạt của tâm cũng giống con rắn hổ mang với nọc độc gây chết người. Nếu chúng ta không động đến nó thì con rắn đơn giản chỉ việc đi con đường của nó. Mặc dầu nó có thể là rắn cực độc nhưng chúng ta sẽ không sao cả bởi do chúng ta không đến gần nó hoặc nắm lấy nó. Nó sẽ không cắn chúng ta. Con rắn hổ mang chỉ hành động một cách tự nhiên theo những gì mà nó thường làm. Bản chất của nó là vậy! Nếu là người sáng suốt, bà cứ mặc kệ nó. Tương tự như vậy, bà cứ mặc kệ những gì là tốt cũng như mặc kệ những gì là không tốt. Hãy để cho nó tồn tại theo đúng bản chất thiên nhiên của chính nó. Hãy để mặc những gì bà ưa thích và những gì bà không thích, giống như cách ta không động đến con rắn hổ mang.

Vì vậy, một người sáng suốt sẽ có loại thái độ này đối với các tâm trạng khác nhau sinh khởi trong tâm. Khi tốt sinh khởi, chúng ta cứ mặc kệ để cho nó tốt nhưng chúng ta biết nó. Chúng ta hiểu bản chất của nó. Và, cũng như vậy, chúng ta cũng mặc kệ cái không tốt, chúng ta để nó vận hành đúng theo bản chất của nó. Chúng ta không nắm lấy nó bởi vì chúng ta không muốn gì cả. Chúng ta không muốn điều ác, chúng ta cũng không muốn điều thiện. Chúng ta không muốn nặng cũng như không muốn nhẹ, không muốn hạnh phúc cũng như không muốn đau khổ. Cứ [thực hành] theo cách này cho đến khi nào mong muốn của chúng ta kết thúc thì sự an bình sẽ được kiến lập vững chắc.

Khi loại an bình này đã thiết lập trong tâm của chúng ta, chúng ta có thể nương tựa vào nó. Loại an bình này – chúng ta nói – đã sinh khởi từ sự rối ren. Sự rối ren đã kết thúc. Đức Phật gọi việc đạt được sự giác ngộ rốt ráo là “dập tắt”, theo cùng một cách như lửa đã bị dập tắt. Chúng ta dập tắt lửa ở nơi nó xuất hiện. Bất cứ nơi nào nóng thì đó cũng chính là nơi chúng ta có thể làm cho nó mát mẻ. Và với sự giác ngộ thì cũng như vậy. Níp-bàn (Nibbāna) được tìm thấy trong vòng luân hồi (samsāra). Sự giác ngộ và si mê tồn tại ở cùng chỗ, giống như nóng và lạnh. Nóng do từ lạnh mà có và lạnh thì cũng do từ nóng mà ra. Khi nóng bức sinh khởi, sự mát mẻ sẽ biến mất, và khi có sự mát mẻ thì nóng bức sẽ không còn nữa. Nibbana và samsāra cũng giống như nhau theo cách như vậy.

Chúng ta được khuyên là hãy chấm dứt samsāra, có nghĩa là chấm dứt cái vòng rối ren bất tận. Việc chấm dứt sự rối rắm này là sự dập tắt lửa. Khi ngọn lửa bên ngoài bị dập tắt thì sẽ có sự mát mẻ. Khi những ngọn lửa tham, sân, si bên trong được dập tắt thì đó cũng là sự mát mẻ.

Đây là bản chất tự nhiên của sự giác ngộ, nó là sự dập tắt lửa, làm mát mẻ những gì nóng bức. Đây là sự an bình. Đây là sự kết thúc samsāra. Khi bà đạt được sự giác ngộ thì nó là như vậy đấy. Nó là sự chấm dứt của sự xoay chuyển và thay đổi không ngừng, chấm dứt mọi si mê trong tâm của chúng ta. Chúng ta nói về sự giác ngộ dưới dạng hạnh phúc bởi vì đây là cách mà con người thế gian hiểu về cái lý tưởng này là như vậy, nhưng trong thực tế thì nó vượt ra ngoài. Nó vượt ra ngoài cả hạnh phúc và đau khổ. Nó là sự an bình hoàn hảo.

Vì bà phải lên đường, hãy giữ lấy lời dạy mà sự dành cho bà ngày hôm nay và quán chiếu nó. Những ngày bà đã ở lại đây quả không mấy dễ dàng và sự không có nhiều cơ hội để hướng dẫn cho bà, nhưng chính trong thời gian này, bà đã có thể nghiên cứu học hỏi ý nghĩa thật sự của sự thực hành. Mong rằng sự thực hành này có thể đưa bà đến với hạnh phúc. Mong nó sẽ giúp cho bà trưởng thành trong sự thật. Mong bà sẽ thoát khỏi cái khổ của sinh và tử.

Theo: Living With the Cobra

---o0o---

Trích: “Những Lời Dạy Vượt Thời Gian”

Ajahn Chah

Dịch: Supanna Thiện Trí

Nhà Xuất Bản Hồng Đức – 2018

Ảnh: Internet

Bài viết liên quan