TẠI SAO BẠN SỢ? - JEFFREY A. WANDS - GÕ CỬA THIÊN ĐƯỜNG

TẠI SAO BẠN SỢ?

JEFFREY A. WANDS - GÕ CỬA THIÊN ĐƯỜNG

-------o0o------

Ai cũng sợ. Điều quan trọng là ta ứng phó với nỗi sợ ra sao. Mặt tích cực là việc khảo sát nỗi sợ giúp ta hiểu bản thân mình rõ hơn. Và khi hiểu được nguồn gốc của nỗi sợ, chúng ta có thể kiểm soát nó thay vì để nó kiểm soát mình.
TẠI SAO BẠN SỢ? - JEFFREY A. WANDS - GÕ CỬA THIÊN ĐƯỜNG

Ai cũng sợ. Điều quan trọng là ta ứng phó với nỗi sợ ra sao. Mặt tích cực là việc khảo sát nỗi sợ giúp ta hiểu bản thân mình rõ hơn. Và khi hiểu được nguồn gốc của nỗi sợ, chúng ta có thể kiểm soát nó thay vì để nó kiểm soát mình. Về mặt tiêu cực, nếu chúng ta không đối diện với nỗi sợ, nó sẽ lớn mạnh lên và đến một lúc nào đó sẽ ngăn cản ta phát triển. Tôi thường so sánh nỗi sợ với căn bệnh nhiễm trùng lâu ngày không được chữa trị. Nếu được chữa ngay từ đầu, tình trạng nhiễm trùng sẽ biến mất nhanh chóng. Nhưng nếu không được chữa ngay, nhiễm trùng sẽ lan ra cho đến khi việc chữa trị trở nên vô cùng khó khăn và đau đớn.

Tôi có một thân chủ muốn xin lời khuyên về việc có nên nhận lời làm việc cho một công ty mới thành lập hay không giữa cơn khủng hoảng kinh tế. Cô là chuyên gia tổ chức sự kiện và công ty mới thành lập nhắm tới lĩnh vực tổ chức các buổi tiệc tưng bừng cho mọi khách hàng với giá cả phải chăng. Đây rõ ràng là thời điểm rất thích hợp để làm những việc như vậy. Nhưng thay vì nhìn vào những tình huống xấu có thể xảy ra và vì quá sợ thất bại, cô ta không thể tự mình đưa ra quyết định nào để đi tiếp.

Tôi giải thích với cô rằng cuộc đời cũng giống như một cuộc đua. Nếu chưa chạy đã nghĩ rằng thua thì sẽ không thể về đích được. Những suy nghĩ tiêu cực sẽ tiếp tục ngáng chân bạn trên đường và không cho bạn đạt được tốc độ cao nhất.

Tôi vốn sợ nói chuyện trước đám đông và điều này gây rất nhiều khó khăn cho tôi vì tôi thường tổ chức những sự kiện thu hút hàng trăm người đến nghe thuyết trình. Tôi đối đầu với nỗi sợ này bằng cách học nhìn đám đông là những con người xa lạ và tôi không gặp khó khăn khi nói chuyện với từng người riêng biệt. Tôi cũng tự nhắc mình từng con người này đến đây là để được nghe tôi nói chuyện nên tôi cần vượt qua được nỗi sợ của mình. Nhờ thay đổi cách nghĩ về vấn đề này tôi đã có thể chuyển hóa nỗi sợ thành động cơ giúp mình thành công trong những buổi nói chuyện với công chúng.

Cách chắc chắn nhất để hủy hoại thành công của mình là để nỗi sợ làm chủ. Có phải bạn sợ nghĩ đến một điều gì đó vì bạn sợ mình không thể có nó? Có phải bạn sợ dấn thân? Bạn có tin rằng điều bạn cần ít quan trọng hơn điều người khác ( hay tất cả mọi người khác) cần không? Có phải bạn sợ rằng nếu đến được nơi bạn hằng cố gắng thì nó lại chẳng như bạn từng tưởng tượng và có thể bạn sẽ đánh mất điều gì đó thậm chí còn tuyệt vời hơn trên đường đi đến đó? Có phải bạn sợ bắt đầu một việc gì mới bởi vì nghĩ rằng bạn không đủ giỏi? Nếu bạn còn là người cầu toàn thì có khả năng bạn sẽ luôn trì hoãn và rồi chẳng bao giờ làm gì cả. Nếu bạn có một ý tưởng tuyệt vời về kinh doanh hay về sản phẩm mà bạn lại sợ nó sẽ không thành hình đúng ý bạn đến nỗi bạn không làm gì để thực hiện nó, nhiều khả năng sẽ có lúc bạn ngồi xem bản tin trên TV về ai đó đã làm chính cái điều mà bạn nghĩ ra nhưng sợ không dám thực hiện đấy. Hoặc có thể bạn luôn tự nhủ phải có ai đó “thông minh” hơn bạn và đã nghĩ ra chuyện đó rồi nên bạn chẳng bao giờ bận tâm kiểm tra tính khả thi của nó.

Việc cố gắng thành công không phải lúc nào cũng dễ dàng, điều bạn cần làm là tự tin vào khả năng của mình và mạnh dạn hành động.

Cũng cần chỉ ra sự khác biệt giữa khái niệm sống không sợ hãi và sống bất chấp. Bạn không nên sống một cách bất chấp mà nên sống một cuộc đời trọn vẹn, nghĩa là không cho phép những nỗi sợ ngăn cản mình thực hiện những việc mà bạn hoàn toàn có khả năng thành công.

Theo kinh nghiệm của tôi, hầu hết chúng ta sợ những gì mình không biết. Nhưng nếu cứ sống trong sợ hãi thì bạn đâu còn thời gian và tâm trí để tiếp thu kiến thức và biến cái không biết thành biết. Càng khám phá những tình huống mới bạn càng trở nên thân thuộc với nó và nỗi sợ càng giảm đi. Thêm nữa, mỗi lần khám phá nỗi sợ và đi vào lãnh địa mới, bạn càng xây dựng lòng tin cho mình để tiếp tục đối phó với tương lai luôn như thế, bởi cuộc đời là một hành trình liên tục, khiến ta luôn phải học hỏi và trưởng thành mỗi ngày.

  • Có Phải Nỗi Sợ Do Bạn Tự Tạo Ra?

Phần lớn nỗi sợ phản chiếu suy nghĩ trong ta. Ví dụ, bạn đang ngồi đọc sách trên ghế đá trong công viên vào một ngày mùa xuân nắng ấm. Bạn cảm thấy thư thái, thoải mái cho đến khi có ai đó đến ngồi cạnh và làm bạn mất tập trung. Bạn bắt đầu tự hỏi người này là ai, sao lại chọn ngồi cạnh bạn, liệu người đó có động cơ nào khác không, và tự nhiên chẳng vì lí do gì bạn lại trở nên dè chừng anh chàng tội nghiệp mà có thể cũng chỉ đang tận hưởng một ngày đẹp trời y như bạn. Nếu sợ đi thang máy, bạn sẽ bắt đầu thêu dệt trong đầu những điều xấu có thể xảy ra ngay khi vừa bước vào thang máy. Nào là thang máy chắc sẽ bị kẹt và bạn sẽ bị nhốt trong đó hàng giờ mà chẳng có ai đến cứu… cứ thế cho đến khi bạn thực sự khiến mình bị tê liệt bởi chính nỗi sợ chỉ do trí tưởng tượng của mình tạo ra.

Winston Churchill từng có một câu nói rất nổi tiếng: “Tôi là một người lạc quan. Những vai khác đối với tôi chẳng có ích lợi gì cả”. Điều Churchill đã hiểu những nhiều người trong chúng ta không hiểu được là khi chọn nhìn ly nước đầy, chúng ta chọn nhìn đời một cách lạc quan. Còn khi nhìn ly nước vơi, chúng ta chọn nhấn mình trong chính sự tiêu cực và mảng đen tối của mình.

“Hãy nhận thức rằng khoảnh khắc hiện tại là tất cả những gì bạn có. Hãy biến hiện tại thành tâm điểm của đời bạn.”

_ Eckhart Tolle

Sao không trì hoãn sự lo lắng cho đến khi điều không hay thực sự xảy ra? Tôi không nói rằng bạn nên sống vô trách nhiệm và không suy tính đến tương lai. Hãy học cách chấp nhận rằng bạn sẽ không kiểm soát được những điều chưa xảy đến và có thể không bao giờ xảy đến nên bạn có thể an nhiên hưởng thụ những điều đang xảy ra ngay lúc này.

Một vấn đề khi lo lắng là việc bạn lo lắng thường không xảy ra mà một việc khác lại xuất hiện. Thế là, bạn lại trách mình đã lo lắng không đúng chuyện. Gần đây, tôi có nhận được một cú điện thoại của một người phụ nữ gọi đến đài và bảo rằng cô ta “không thể chấp nhận” sự ra đi của bố mình chỉ vì ông không mất giống như lý do mọi người đã dự đoán. Ông có nhiều vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe mà theo cô có thể lấy đi sinh mạng của ông bất cứ lúc nào, nhưng ông lại ra đi hoàn toàn bất ngờ sau một cơn xuất huyết não, một chuyện mà không ai có thể nghĩ tới được. Cô ta lại cho rằng đáng ra mình “phải biết trước” điều này. Nhưng làm sao cô ta biết trước được. Tất cả mọi lo lắng trên thế giới đều không thể thay đổi dược những điều sẽ đến.

-------o0o------

Trích: Gõ Cửa Thiên Đường

Tác giả: Jeffrey A. Wands

Người dịch: Bảo Hòa

Nhà xuất bản Tri Thức, 2011

Ảnh: nguồn internet

 

Bài viết liên quan