THẬP ĐỊA - KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

THẬP ĐỊA - KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI

ĐƯƠNG ĐẠO

-----oo0oo-----

Con đường Phật giáo là “Các ác chớ làm, các thiện vâng làm, tự tịnh kỳ ý, lời chư Phật dạy”. Ba tiệm thứ tăng tiến là sự tự tịnh hóa ban đầu, càng đi sâu thì ba tiệm thứ càng vi tế vì càng có thêm nhiều phương tiện để cuối cùng giải trừ ô nhiễm chấp ngã và chấp pháp, đạt đến tâm kim cương vốn chưa từng ô nhiễm.
THẬP ĐỊA - KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

 

  1. A Nan, người thiện nam ấy khéo được thông đạt với Đại Bồ đề. Giác thông với Như Lai, cùng tột cảnh giới của Phật, gọi là Hoan hỷ địa.

Vào Hoan hỷ địa là thông đạt với Đại Bồ đề tức Pháp thân, hay còn gọi là Căn bản trí, Tự nhiên trí, Vô sư trí…. Duy thức tông gọi là Kiến đạo vị, địa vị thấy Đạo. Thiền tông gọi là thấy Tánh. Đại Ấn và Đại Toàn Thiện cũng chia các cấp bậc tu chứng theo Thập địa (xem chương Bốn cấp bậc của Yoga_Tánh Giác lộ toàn thân của Karma Chagmé, TTT, 2003 và Bốn thị kiến và Mười Địa_Phật Tâm của Longchenpa, TTT, 2000).

Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Thập Địa nói về Hoan Hỷ địa như sau :

‘‘Bồ tát như vậy liền vượt khỏi phàm phu mà vào vị Bồ tát, sanh vào nhà Như Lai… gọi là trụ bậc Bồ tát Hoan hỷ địa, vì đã tương ưng với Chân Như bất động…

Vì đã chuyển rời tất cả cảnh giới thế gian mà hoan hỷ, vì thân cận tất cả Phật mà hoan hỷ, vì xa lìa phàm phu mà hoan hỷ, vì dứt hẳn tất cả đường ác mà hoan hỷ, vì làm chỗ y chỉ cho tất cả chúng sanh mà hoan hỷ, vì thấy tất cả Như Lai mà hoan hỷ, vì sanh vào cảnh giới Phật mà hoan hỷ, vì đi vào tất cả tánh bình đẳng của tất cả Bồ tát mà hoan hỷ…’’

Tóm lại, Địa này ‘‘giác thông với Như Lai’’ nghĩa là đã trực tiếp thấy biết Chân Như, chứng được từng phần Pháp thân của chư Phật, do đó thấy biết cảnh giới Phật, thân cận với chư Phật.

Thập địa là nền tảng của Phật giáo, vì là nền tảng cho nên đều dùng chữ Địa. Có thấy biết trực tiếp Chân Như thì mới thực sự tin (Thập Tín), mới thực sự an trụ (Thập Trụ), mới thực sự thực hành hạnh tương ưng với Chân Như, ‘‘xứng tánh làm Phật sự’’ (Thập Hạnh), mới biết đâu là chỗ để hướng đến (Thập Hồi Hướng). Đây mới chính là Càn huệ địa đích thực.        

Từ Sơ địa trở lên Bồ tát luôn luôn lấy đại bi làm đầu mà tiến tới. Mỗi địa chứng được một phần Pháp thân, thì cũng đồng thời được một phần Báo thân và Hóa thân.

 

  1. Tánh khác nhập vào đồng, tánh đồng cũng diệt, gọi là Ly cấu địa.

Tánh khác là những tướng khác biệt do vọng thấy bây giờ nhập vào tánh đồng. Nhưng tánh đồng này là tánh Không-Minh nên tánh đồng cũng diệt vì trong tánh Không- Minh, đồng và khác chỉ là hý luận. Ly cấu địa là lìa cái dơ của tánh khác và cả cái dơ vi tế của tánh đồng.

 

  1. Thanh tịnh cùng tột, ánh sáng phát sanh, gọi là Phát quang địa.

Khi các tướng phân biệt diệt thì ánh sáng bổn nhiên của tánh lộ bày, gọi là Phát quang địa. Ánh sáng này trùm khắp trời đất.

 

  1. Ánh sáng cùng tột, giác tròn đầy, gọi là Diệm huệ địa.

Đến đây ánh sáng phát sanh cùng tột, như ngọn lửa mạnh tiêu trừ các nghiệp che chướng, do đó giác tròn đầy. Diệm huệ là trí huệ như ngọn lửa sáng.
 

  1. Tất cả đồng và khác không thể đến được, gọi là Nan thắng địa.

Khác là thế giới sanh tử, đồng là một vị Niết bàn. Khác là các tướng, đồng là tánh. Đến đây sự phân biệt giữa sanh tử và Niết bàn, giữa tướng và tánh không còn. Đại bi bao trùm sanh tử và Trí huệ thấu suốt Niết bàn tánh Không hợp nhất. Sự việc này rất khó đạt, vượt hàng Thanh Văn, nên gọi là Nan thắng.

 

  1. Tánh chân như vô vi thanh tịnh bày lộ rõ ràng, gọi là Hiện tiền địa.

Khi thanh tịnh đã tột, ánh sáng đã tột, sanh tử Niết bàn thành một vị, khi ấy tánh chân như Minh Không bày lộ rõ ràng trước mắt.

Mắt thấy cái gì thì cái đó là Chân Như, tai nghe tiếng gì thì tiếng đó là Chân Như, ý nghĩ thế nào thì ý nghĩ ấy là Chân Như.

 

  1. Tận cùng bờ mé Chân Như, gọi là Viễn hành địa.

Tận cùng bờ mé Chân Như, lúc này sanh tử lùi lại thật xa xôi, như còn như mất, gọi là đi xa (viễn hành).         

Kinh Hoa Nghiêm nói: ‘‘Bồ tát từ Sơ địa đến Đệ thất địa thành tựu trí công dụng phần, từ Đệ bát địa đến Đệ thập địa vô công dụng hạnh đều được thành tựu.

Ví như có hai thế giới, một thì tạp nhiễm, một thì thuần tịnh. Chặng giữa hai thế giới này khó qua được, chỉ trừ bậc Bồ tát có đại nguyện lực phương tiện trí huệ mới có thể qua được.

Từ Sơ địa đến Đệ thất địa, công hạnh tu tập đều lìa bỏ nghiệp phiền não, vì hồi hướng Vô thượng Giác ngộ, vì phần được đạo bình đẳng, nhưng chưa được gọi là hạnh siêu phiền não…. Từ Sơ địa đến Đệ thất địa, vì ngự chánh đạo nên chẳng bị lỗi lầm của phiền não làm lây nhiễm, nhưng chưa gọi là hạnh siêu phiền não. Nếu bỏ tất cả hạnh hữu công dụng, từ Đệ thất địa vào Đệ bát địa, ngự xe Bồ tát, thanh tịnh du hành thế gian, biết phiền não lỗi lầm chẳng bị lây nhiễm, mới gọi là hạnh siêu phiền não, vì được siêu quá khỏi tất cả’’.

 

  1. Một tâm Chân Như, gọi là Bất động địa.

Chỉ còn một tâm Chân Như, hết hẳn sanh tử. Đến đây mới gọi là hạnh vô công dụng, vô học, không tu nữa. Đến đây là trọn vẹn đạt đến Không, Vô tướng, Vô nguyện chung cho cả Bồ tát và Thanh Văn.

‘‘Bồ tát này vào tất cả pháp bổn lai vô sanh, vô khởi, vô tướng, vô tánh… là chỗ nhập của trí như như, lìa tất cả tưởng phân biệt tâm, ý, thức, không chỗ chấp lấy dường như hư không, vào tất cả pháp như tánh hư không, đây gọi là đắc Vô sanh pháp nhẫn’’.

Kinh Hoa Nghiêm gọi địa này là Bất động địa, Bất thối chuyển địa, Nan đắc địa, Đồng chân địa, Sanh địa, Thành địa, Cứu cánh địa, Biến hóa địa, Lực trì địa, Vô công dụng địa.

Lấy một thí dụ cụ thể, là các niệm. Ở Sơ địa, vì mới tương ưng với Chân Như tánh Không, nên khi niệm khởi bèn đưa nó trở về Chân Như tánh Không. Đây gọi là có công dụng. Còn ở Địa thứ Tám, thì khi niệm khởi, dĩ nhiên đây là niệm tốt, không còn niệm xấu, niệm ấy tự động tan vào tánh Không. Sự tự động tan vào tánh Không ấy hoàn toàn đến nổi dù có niệm khởi nhưng vẫn là Vô niệm. Đây gọi là vô công dụng đạo, hoàn toàn đắc Không, Vô tướng, Vô niệm, Vô tác.

Nói theo ba a tăng tỳ kiếp, thì đến đây là xong a tăng kỳ kiếp thứ hai. Đệ bát địa Bồ tát tương đương với vị A La Hán nhưng thay vì nhập Niết bàn, thì với vị Bồ tát, chư Phật hiện ra khuyên phải nhớ lại bổn nguyện không bỏ chúng sanh mà tiếp tục cho đến thành Phật.

 

  1. Phát cái dụng Chân Như, gọi là Thiện huệ địa.

A Nan, các Bồ tát ấy từ đây về trước công hạnh tu tập đã xong, công đức được viên mãn, cũng gọi địa này là Tu tập vị.

Từ Sơ Hoan hỷ địa, gọi là Kiến đạo vị, sau đó là Tu tập vị, đến Địa thứ Chín này là hoàn tất Tu tập vị, hoàn toàn không tu nữa. Chia theo Duy thức tông và các tông khác, thì từ đây cho đến thành Phật gọi là Cứu cánh vị.

Kinh Hoa Nghiêm nói: ‘‘Bồ tát này có Bốn vô ngại trí… được trí vô ngại thiện xảo như vậy, được Phật pháp tạng làm đại Pháp sư, được nghĩa đà la ni, pháp đà la ni, trí huệ đà la ni, quang chiếu đà là ni, thiện huệ đà la ni…’’. Còn nhiều diệu dụng khác của Chân Như xin đọc trong Kinh Hoa Nghiêm.         
 

  1. Bóng Từ mây Diệu trùm biển Niết bàn, gọi là Pháp vân địa.

Bồ tát này được chư Phật quán đảnh. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Đại Bồ tát Thọ Chức cũng như vậy: vì trí thủy của chư Phật rưới vào đầu nên gọi là thọ chức, vì đây đầy đủ trí lực Như Lai nên dự vào hàng chư Phật…”.

Bóng từ là từ bi, mây diệu là trí huệ, đến đây viên mãn, trùm khắp pháp giới. Từ Tư lương vị là bắt đầu hai sự tích tập công đức và tích tập trí huệ, hai sự tích tập ấy đến đây là viên mãn.

 

ĐẲNG GIÁC VÀ DIỆU GIÁC

 

Như Lai ngược dòng trở lại, còn vị Bồ tát như vậy thuận dòng mà đến. Ranh giới của Giác giao tiếp nhập vào nhau, gọi là Đẳng giác.

A Nan, từ tâm Càn huệ đến Đẳng giác rồi, cái giác này mới được Sơ Càn huệ địa trong tâm Kim cương.    
 

Đẳng giác là cái giác bình đẳng với chư Phật. Phật vì tâm đại bi mà ngược dòng trở xuống. Bồ tát này thuận dòng đi lên, cả hai cái giác giao tiếp nhập vào nhau.

Đẳng giác tuy là cái giác không còn ranh giới với Phật nhưng mới được Sơ Càn huệ địa trong tâm Kim cương. Tâm Kim cương là tâm Phật.

Bước đầu tiên của con đường vẫn là một tâm Kim cương bất hoại, bất sanh bất diệt vốn tự sẳn đủ ấy. Nhưng có thể nói bốn mươi vị đầu thì chỉ mới nắm bắt được bóng dáng tỏa sáng của viên kim cương. Phải vào Thập Địa mới thật nắm bắt, thấy biết được viên kim cương. Và phải tới Đẳng giác thì mới thật sự chứng ngộ được viên kim cương trong bản chất cốt lõi của nó.

 

Như vậy, lớp lớp tu đơn, tu kép mười hai địa vị mới cùng tột Diệu giác, thành Vô thượng đạo.

 

Tu đơn là tu một địa vị. Nhưng trong một địa vị ấy có và thông với tất cả các địa vị, đó là tu kép. Một trụ thì có cả chín trụ kia, một địa thì có cả chín địa kia. Chẳng hạn, Sơ địa tu Bố thí ba la mật, thì Bố thí có cả chín Ba la mật kia hỗ trợ. Tu kép là tu đồng bộ những cái khác cùng một lúc.

Tu đơn, chẳng hạn, là tu riêng Chỉ. Tu kép là vừa Chỉ vừa Quán. Tu kép là vừa tu Trí, vừa tu Bi, vừa tu Hạnh…. Tóm lại, tu một pháp, nhưng trong pháp ấy có tất cả các pháp khác. Đây là Bồ tát hạnh để thành Phật.   

Tu đơn, tu kép mười hai địa vị, từ Sơ địa cho đến Diệu giác được trọn vẹn thì thành Vô thượng đạo, thành Phật.

 

Các địa này đều do trí Kim cương quan sát như huyễn mười thứ thí dụ sâu xa, trong Xa ma tha dùng các pháp Tỳ bà xá na của Như Lai mà thanh tịnh tu chứng, lần lượt thâm nhập.

A Nan, như thế đều dùng ba tiệm thứ tăng tiến, khéo thành tựu năm mươi lăm vị trong con đường chân thật của giác ngộ.

Hành quán như vậy, gọi là chánh quán, nếu quán khác đi, gọi là tà quán.

 

Viên kim cương tâm có ba đức tính:

  • Bất động, bất hoại, hay là Tịch, hành giả phải dùng Chỉ (Xa ma tha) hay Định để thâm nhập.
  • Sáng chiếu khắp cả, biến tất cả thành như huyễn, hay là Chiếu, hành giả phải dùng Quán (Tỳ bà xá na) để tương ưng thâm nhập. Quán này là quán như huyễn, gồm mười thứ thí dụ :
  1. Như huyễn
  2. Như sóng nắng
  3. Như trăng trong nước
  4. Như hoa đốm giữa hư không
  5. Như tiếng vang từ hang
  6. Như thành Càn thát bà
  7. Như mộng
  8. Như bóng
  9. Như hình tượng
  10. Như biến hóa

Càng thấy như huyễn bao nhiêu thì càng đi sâu vào viên Kim cương bấy nhiêu và càng đi sâu vào viên kim cương bao nhiêu thì càng thấy như huyễn bấy nhiêu.

  • Trong suốt, thanh tịnh, không ô nhiễm nhưng có đủ màu sắc diệu dụng. Sự thực hành công đức khiến hành giả tương ưng và chứng ngộ được công đức của tâm kim cương vốn là trong suốt, thanh tịnh, vô nhiễm khắp cả, đồng thời có đủ tất cả các chiếu hiện. Kinh Pháp Hoa, Đức Phật nói: “Hiện nay ba cõi này, đều là của ta cả” (Phẩm Phương tiện, thứ 3).

Con đường Phật giáo là “Các ác chớ làm, các thiện vâng làm, tự tịnh kỳ ý, lời chư Phật dạy”. Ba tiệm thứ tăng tiến là sự tự tịnh hóa ban đầu, càng đi sâu thì ba tiệm thứ càng vi tế vì càng có thêm nhiều phương tiện để cuối cùng giải trừ ô nhiễm chấp ngã và chấp pháp, đạt đến tâm kim cương vốn chưa từng ô nhiễm. Các địa vị được chia thành năm mươi lăm vị là chia theo sự thanh tịnh, sự tịnh hóa ít hay nhiều. Có điều người tu cần biết là sự tịnh hóa không phải ở ngoài tâm kim cương mà tịnh hóa trên chính tâm kim cương. Như chùi bụi bẩn trên mặt gương, chính nơi chỗ chùi là mặt gương.

 

-----oo0oo-----

Trích: "Kinh Lăng Nghiêm - Hành Giải"

Dịch và giảng giải: Đương Đạo

NXB Thiện Tri Thức-2016

Ảnh: Nguồn internet

­­­

Bài viết liên quan