TRÁI ĐẤT TRONG KHỦNG HOẢNG

TRÁI ĐẤT TRONG KHỦNG HOẢNG

TRÁI ĐẤT TỔ QUỐC CHUNG: TUYÊN NGÔN CHO THIÊN NIÊN KỶ MỚI

EDGAR MORIN – ANNE BRIGITTE KERN

-----o0o-----

Có những hình thức khổ đau của con người phát sinh từ các thảm họa tự nhiên như hạn hán, lũ lụt và đói kém.
TRÁI ĐẤT TRONG KHỦNG HOẢNG

Chế độ dã man mới

Có những hình thức khổ đau của con người phát sinh từ các thảm họa tự nhiên như hạn hán, lũ lụt và đói kém. Còn có những hình thức khác nảy sinh từ các hành vi dã man đang dai dẳng ngự trị nhưng không hề giảm bớt chút ác độc nào. Đó chính là những hành vi mà suy cho cùng đều là hậu quả của một chế độ dã man mới của giới quan chức - công nghệ - khoa học. Chính bản thân nó là không thể tách rời với tình trạng lôgic máy nhân tạo đang nắm chặt con người trong tay.

Khoa học không chỉ có khả năng soi sáng cho người ta mà còn mắc bệnh mù lòa khi nhìn vào quá trình của bản thân, và kết quả của khoa học chẳng khác gì “quả cấm” trong Kinh Thánh, thứ “trái cây hiểu biết” ấy chứa đựng các hạt giống đủ loại thiện / ác, tốt / xấu. Cùng với bước tiến của văn minh, công nghệ mang đến một chế độ dã man mới vừa vô danh, vừa có sức biến đổi (manipulative). Chữ “lý trí” không những có nghĩa là tính duy lý cực hạn, mà còn có nghĩa là thái độ cuồng nhiệt lôgic của hoạt động hợp lý hóa (duy lý hóa) kèm theo bệnh mù quáng khi nhìn vào các hiện hữu cụ thể và tính phức hợp của thực tại. Cái mà chúng ta đánh giá là bước tiến của văn minh cũng đồng thời là bước tiến của chế độ dã man.

Walter Benjamin (1970) đã có cái nhìn xác thực khi thấy rằng có chế độ dã man ở cội nguồn của các nền văn minh lớn. Freud (1930) đã có cái nhìn xác thực khi thấy rằng văn minh quyết chẳng phải đang thế chỗ cho dã man bằng cách dồn nén cái dã man vào chỗ sâu kín, mà chính là đang chuẩn bị để cho chế độ dã man thực hiện những đợt “phun trào” mới. Trong thời đại hiện nay, chúng ta nên thấy rõ nền văn minh khoa học - công nghệ trong khi vẫn là văn minh nhưng lại sản sinh một loại hình chế độ dã man riêng của nó.

Sự bất lực khi tiến hành cuộc đột biến siêu - công nghệ

Huyền thoại về “tiến bộ” đã sụp đổ, “phát triển” thì đang lâm bệnh; tất cả mọi thứ nguy cơ đe dọa toàn bộ nhân loại đều chí ít có vài ba trong số các nguyên nhân của chúng là do sự phát triển của khoa học và công nghệ (nguy cơ phá huỷ hàng loạt, nguy cơ sinh thái đối với sinh quyển, bùng nổ dân số).

Đến thời gian bản lề này của thiên niên kỷ, các phát triển khoa học - công nghệ dường như cũng có thể cho phép phục hồi được các năng lực chung: thay thế các dạng lao động quá - chuyên môn hóa bằng rôbốt, máy và điện toán, tổ chức một nền kinh tế phân phối để xóa bỏ tình trạng khan hiếm và đói kém ở Thế giới thứ ba và hội nhập những người bị đẩy ra ngoài lề, thay thế các hệ thống giảng dạy cứng nhắc bằng nền giáo dục tôn trọng tính phức hợp.

Một nền văn minh “siêu - công nghệ” (metatechnological) là có thể hình dung được, mà hình dung được một cách chuẩn xác với vai trò trợ giúp và hội nhập của công nghệ, với việc kiểm soát lôgic hiện hành các máy nhân tạo bởi các chuẩn tắc của con người, cũng như với việc từng bước du nhập lôgic phức hợp vào các máy điện toán (quá trình này vừa khởi đầu mới đây), và theo lộ trình ấy sẽ du nhập vào cả các máy nhân tạo nữa.

Sự bất lực trong việc thực hiện cuộc đột biến lớn về công nghệ / kinh tế  / xã hội thể hiện không chỉ ở tình trạng bất cập của tri thức công nghệ và kinh tế, mà còn ở tình trạng thiếu hụt và khiếm khuyết của phương thức tư duy công nghệ trị - kinh tế trị hiện đang giữ vị trí thống lĩnh. Nó còn thể hiện ở sự yếu kém của tư duy chính trị, tức là chưa đủ sức để đưa tư duy phức hợp vào cuộc sống thực tiễn và chưa hình dung được một dự án thiết kế lớn. Có một biểu hiện ở sự bất lực khi cố né tránh cuộc khủng hoảng của tính hiện đại mà không biết xoay trở bằng bất cứ phương tiện nào ngoài cách trông cậy vào một thứ chủ nghĩa hậu - hiện đại đã quá nghèo nàn.

Cuộc chạy đua mù quáng lên phía trước

Cuộc chạy đua bộ ba khoa học / công nghệ / công nghiệp đã chỉ đạo hành trình phiêu lưu của nhân loại hiện nay không nằm trong phạm vi kiểm soát; tăng trưởng không chịu sự kiểm soát, tiến triển của tăng trưởng sẽ dẫn dắt đến vực thẳm.

Cái nhìn quá lạc quan của Bacon, Descartes và Marx, trong đó coi nhân loại đã là chủ của công nghệ ắt cũng trở thành người chủ của tự nhiên, thật sự đã mở đường cho cái nhìn của Heisenberg và Gehlen (xem Morin 1969) trong đó nhân loại trở thành công cụ của sự phát triển “siêu - sinh học” do công nghệ lôi kéo đi. Vậy chúng ta cần cự tuyệt hai huyền thoại chính yếu của phương Tây: cuộc chinh phục tự nhiên (với tính cách là đối tượng) mà chiến thắng là thuộc về con người (với tư cách là những chủ thể độc nhất trên hoàn vũ), và cái “vô hạn” sai lầm mà tăng trưởng kinh tế vẫn coi là phương hướng để tự lao vào kèm theo các khái niệm gắn chặt vào đó như phát triển và tiến bộ. Chúng ta cần cự tuyệt các thứ duy lý cục bộ, khép kín và kèm theo nó là những kiểu duy lý hóa trừu tượng và mê sảng vẫn quen thói lên án mọi ý định muốn đưa chúng quay trở lại lý tính phê phán là “phi - duy lý”. Chúng ta cần tự giải thoát khỏi sự trói buộc của chuẩn thức “homo sapiens faber”, theo đó khoa học, công nghệ đảm nhiệm và hoàn thành được sự nghiệp phát triển nhân loại.

Tấn bi kịch của phát triển và trình độ kém phát triển trong khái niệm phát triển, cuộc chạy đua cuống cuồng trong khoa học - công nghệ cũng như bệnh mù lòa do tư duy manh mún vụn vặt và quy giản gây nên đã ném chúng ta vào cuộc phiêu lưu không kiểm soát được nữa.

ĐẤU TRANH SỐNG VÀ CHẾT

Khủng hoảng ư?

Có người cứ tưởng rằng tình thế hỗn loạn và xung đột của Kỷ nguyên toàn Hành tinh cũng là trạng thái “bình thường” thôi, những vô trật tự của nó chẳng qua cũng là các thành phần không thể tránh nổi trong tính chất phức hợp của nó, hòng bằng cách ấy mà né tránh dùng chữ khủng hoảng giờ đây nghe như đã nhàm tai và trở thành một từ khó chịu rồi.

Có lẽ chúng ta cũng nên nhớ lại những chuyện được gọi là khủng hoảng (Morin, 1994). Cuộc khủng hoảng tự bộc lộ bằng mức gia tăng (hoặc đúng hơn là phạm vi mở rộng toàn diện) các tình huống không chắc chắn thông qua những sự cố hủy hoại trong điều hành hay liên hệ ngược âm (làm cho các chuyển hướng bị trung hòa), bằng sự phát triển liên hệ ngược dương (tăng trưởng không kiểm soát được), hoặc bằng sự gia tăng các hiểm họa và cơ hội (hiểm họa về suy thoái hay cái chết, cơ hội tìm kiếm giải pháp hay cứu nguy).

Nếu thận trọng xem xét thực trạng hành tinh, chúng ta thấy rõ:

- Các tình thế không chắc chắn đang leo cao ở mọi lĩnh vực, tính chất mất hết khả năng của bất cứ thứ tương lai học nào coi như được đảm bảo, còn các kịch bản tương lai có thể xảy ra thì nhiều vô kể.

- Sự phá huỷ các yếu tố điều chỉnh (kể cả sự phá huỷ xảy ra mới đây của “thế cân bằng khủng khiếp”); sự phát triển của liên hệ ngược dương đang gia tăng, như trong tăng trưởng dân số; những phát triển không kiểm soát được của tăng trưởng công nghiệp và của khoa học - công nghệ;

- Những hiểm họa chết chóc đang đứng trước mặt toàn thể nhân loại (vũ khí hạt nhân, đe dọa sinh quyển), và cùng lúc có cả cơ hội để cứu nguy cho loài người thoát khỏi các hiểm họa đó, bắt đầu ý thức về chính những hiểm hoa đó.

Cuộc đa - khủng hoảng

Chắc sẽ bổ ích nếu có thể sắp xếp thứ hạng các vấn đề “khủng hoảng” thế nào để tập trung được sức chú ý vào vấn đề tối hệ trọng hay vấn đề chính yếu.

Hiểu theo một ý nghĩa, cuộc phiêu lưu không thể kiểm soát được của khoa học - công nghệ là vấn đề chính yếu: nó thống trị vấn đề phát triển và vấn đề văn minh, nó ảnh hưởng tới quá trình động trỗi dậy của dân số và nguy cơ sinh thái. Nhưng đến hôm nay mới bàn đến việc kiểm soát cuộc diễu hành của khoa học - công nghệ thì e rằng trên thực tế khó lòng giải quyết nổi tấn thảm kịch của phát triển hay tính chất bấp bênh của nền văn minh chúng ta, và nó cũng không chữa trị được bệnh mù lòa phát sinh từ thứ tư duy manh mún và qui giản, không xóa bỏ nổi vấn đề dân số cũng như đe dọa sinh thái. Vả chăng, vấn đề khoa học - công nghệ phụ thuộc hoàn toàn vào các vấn đề của nền văn minh mà văn minh thì bây giờ đang lệ thuộc vào khoa học - công nghệ. Nó không thể đem ra xử lý một cách biệt lập mà cần được nhìn nhận từ nhiều góc độ căn cứ vào các khu vực của hành tinh.

Thật ra đang có nhiều tác động ngược qua lại giữa các vấn đề, các cuộc khủng hoảng và các đe doạ. Đó cũng là trường hợp các vấn đề về sức khỏe, dân số, môi trường, lối sống, văn minh và phát triển. Đó cũng là trường hợp cuộc khủng hoảng về tương lai đang thúc đẩy những thứ chủ nghĩa dân tộc tai ác, tính chất bất ổn kinh tế và quá trình Ban-căng hóa tràn lan, tất cả đều diễn ra thông qua những tác động ngược qua lại. Từ một nhãn quan rộng lớn hơn, cuộc khủng hoảng của “nhân quyền” (anthroposphere) và cuộc khủng hoảng của sinh quyển (biosphere) là gắn liền mật thiết qua lại với nhau, và những khủng hoảng thời quá khứ, hiện tại và tương lai cũng thế cả.

Phần lớn các khủng hoảng đó có thể tìm hiểu tường tận như những tập hợp đa - khủng hoảng (polycrisis) của những khủng hoảng đan kết vào nhau, chồng lấp lên nhau: tình trạng này rất sát hợp với cuộc khủng hoảng của phát triển, khủng hoảng của mọi xã hội trong đó có một số mới được đẩy ra khỏi trạng thái tê liệt miên man, chế độ chuyển quyền độc đoán và bất động, và một số khác thì hối hả tăng tốc đến nỗi chóng mặt choáng váng, kết cục là bị dẫn dắt tới một ngày mai mù quáng và vận động do biện chứng của những phát triển của khoa học - công nghệ và sự đổ vỡ giấc mộng cuồng vọng của con người.

Như vậy là mới tạm nêu thử một trong những vấn đề thuộc “loại số một” mà tất cả các vấn đề khác đều phụ thuộc. Thật ra, không phải chỉ có duy nhất một vấn đề mang tầm quan trọng sống còn mà có nhiều vấn đề sống còn như thế, và chính tình hình liên kết qua lại phức hợp giữa các vấn đề, các đối kháng, các khủng hoảng, các quá trình không kiểm soát được tạo thành cuộc khủng hoảng toàn diện của hành tinh đã gây nên vấn đề sống con số một.

Tăng tốc

Mức độ trầm trọng hay bề sâu của khủng hoảng có thể đo lường bằng mức độ của liên hệ ngược dương và tầm quan trọng của những hiểm họa chết người.

Một điều chắc chắn là, toàn bộ lịch sử công nghệ - kinh tế của phương Tây suốt từ cuối thế kỷ XVIII đến nay có thể xem như một quá trình phát triển cực kỳ mạnh mẽ của liên hệ ngược dương, tức là một quá trình không kiểm soát nổi, tự - nuôi dưỡng thêm, tự - tăng cường và tự - tăng tốc khiến cho các xã hội cổ truyền bị huỷ hoại về cơ cấu và cùng chịu chung số phận ấy là lối sống và văn hóa của các xã hội này. Quá trình phá hoại đó đồng thời cũng là sự sáng tạo (sáng tạo nền văn minh, các hình thức văn hóa mới, thi ca, âm nhạc, v.v...).

Vấn đề hôm nay là tìm hiểu phải chăng các sức mạnh tụt hậu và phá hoại sẽ vượt hẳn các sức mạnh tiến bộ và sáng tạo, phải chăng chúng ta đã bước quá một cái ngưỡng cực hạn trong quá trình gia tốc tăng cường có thể dẫn tới một con đường bùng nổ.

Tăng tốc đang vượt trội ở mọi lĩnh vực của cuộc sống. Nhịp độ thay đổi tự bản thân nó cũng đang tăng tốc. Thông qua tăng tốc công nghệ, với phương tiện liên lạc bằng “fax”, đường sắt cao tốc, chuyển phát và cung ứng nhanh, máy bay phản lực siêu âm, chính con người chúng ta cũng tăng tốc. Cả một nền văn minh đang bị đưa vào cuộc chạy hối hả cuống cuồng vọt lên phía trước.

Chúng ta cần vươn tới việc ý thức được rằng bước nhảy vọt tệ hại lên phía trước như thế càng ngày càng ít biểu hiện sự tiến bộ, hoặc chủ yếu chỉ biểu hiện một bộ mặt khác của tiến bộ. Đúng như Walter Benjamin (1970) đã nói khi đề cập một thiên thần bị đẩy đi trong một trận bão táp dữ dội: “Trận bão này chính là cái chúng ta vẫn mệnh danh là tiến bộ” (p. 260)

Vậy thì phải chăng chúng ta đang ra sức chạy tới hiện tượng tự - phá hoại? Hay tới một đột biến chăng?

Liên hệ ngược dương cứ chạy mãi lên phía trước, xét theo khả năng tiềm ẩn, cũng có thể sản sinh một đột biến, nhưng muốn thế cần phải đảm bảo cho các lực lượng kiểm soát và điều chỉnh giữ được thế mạnh hơn.

Cho nên, một vấn đề cần nêu lên, đó là phải chế ngự quyền cai trị của công nghệ đang đè nặng lên các nền văn hóa, lên văn minh và tự nhiên, chừng nào thứ cai trị này vẫn còn đe dọa những đối tượng ấy. Đó là phải hãm nó ở mức chậm lại để tránh thoát được cả hiện tượng bùng nổ lẫn vỡ tung từ trong ra. Đó là phải giảm tốc đáng kể tới mức đủ khả năng để điều chỉnh, kiểm soát và chuẩn bị cho sự đột biến. Đó là những lời hiệu triệu kêu gọi tiến hành một cuộc cải biến mang tính chất cách mạng hóa. Chúng ta phải tạo dựng điều kiện cho một ngày mai khác trước. Điều quan tâm trăn trở về khả năng vượt lên trong thời gian bản lề của thiên niên kỷ mới, phải là suy tư ấy.

Giai đoạn thanh gươm Damocles

Cuộc khủng hoảng hành tinh nằm ở ngay trung tâm các quá trình đang tồn tại không thể kiểm soát được mà chính quá trình này cũng nằm ngay ở trung tâm của cuộc khủng hoảng hành tinh. Một trong những đặc điểm của cuộc khủng hoảng này là ngày càng trầm trọng để dẫn tới các hiểm họa chết chóc khắp toàn cầu.

Trái bom ném xuống Hiroshima năm 1945 mở đầu giai đoạn mới trong đó hiểm họa hạt nhân mãi mãi treo lơ lửng trên đầu toàn thể loài người. Tình huống “lưỡi gươm Damocles kề cổ” này xuất hiện cùng với việc tạo dựng những kho vũ khí khổng lồ thừa sức để huỷ diệt gấp nhiều lần toàn bộ nòi giống loài người chúng ta, cùng với những tên lửa triệt hạ hàng triệu sinh mạng hiện đang giấu kín với số lượng hàng nghìn trong những hầm ngầm, có thể vượt các đại dương bằng tàu ngầm hạt nhân hay máy bay ném bom siêu hạng bay suốt không cần dừng dọc đường. Vũ khí hạt nhân đang được phổ biến tràn lan, ngày càng “vi hình hóa”, tức là nhỏ gọn mà sức huỷ diệt không kém rùng rợn, và rất có thể sớm lọt vào tay bọn nắm quyền lực vô hạn mà đầu óc điên loạn hoặc bọn khủng bố.

Đồng thời, thanh gươm Damocles đầy sức uy hiếp khủng khiếp cũng mở rộng phạm vi đe dọa đến sinh quyển, tại đây các phế phẩm và độc hại thải ra từ sự phát triển công nghệ - đô thị đã gây nguy cơ chết chóc bằng cách đầu độc hệ sinh thái của chúng ta.

-----o0o-----

Trích: “Trái Đất Tổ Quốc Chung : Tuyên Ngôn Cho Thiên Niên Kỷ Mới”

Tác giả: Edgar Morin, Anne Brigitte Kern

Việt dịch: Chu Tiến Ánh

NXB Khoa Học Xã Hội - 2002

Ảnh: nguồn Internet

Bài viết liên quan