TỪ VŨ TRỤ ĐẾN VŨ TRỤ - EDGAR MORIN & ANNE BRIGITTE KERN

TỪ VŨ TRỤ ĐẾN VŨ TRỤ

EDGAR MORIN & ANNE BRIGITTE KERN

TRÁI ĐẤT TỔ QUỐC CHUNG: TUYÊN NGÔN CHO THIÊN NIÊN KỶ MỚI

---o0o---

Từ những năm 1950 - 1970 trở đi, những tư tưởng vẫn được coi như vững chắc hơn hết về bản chất của hoàn vũ (universe), về bản chất của sự sống, và thậm chí cả về bản chất con người nữa, đều bị đổ nhào trước những bước tiến đồng hành được thực hiện trong môn vật lý học thiên thể, các khoa học về Trái đất, sinh học và cổ sinh học. Những tiến bộ mang tính chất cách...
TỪ VŨ TRỤ ĐẾN VŨ TRỤ - EDGAR MORIN & ANNE BRIGITTE KERN

Từ những năm 1950 - 1970 trở đi, những tư tưởng vẫn được coi như vững chắc hơn hết về bản chất của hoàn vũ (universe), về bản chất của sự sống, và thậm chí cả về bản chất con người nữa, đều bị đổ nhào trước những bước tiến đồng hành được thực hiện trong môn vật lý học thiên thể, các khoa học về Trái đất, sinh học và cổ sinh học. Những tiến bộ mang tính chất cách mạng hoá này mở rộng con đường đế nảy sinh một ý thức hành tinh mới mẻ.

TỪ VŨ TRỤ ĐẾN VŨ TRỤ (FROM COSMOS TO COSMOS)

Suốt nhiều thiên niên kỷ, hoàn vũ (universe) được hiểu là định tâm chung quanh Trái đất coi như “nữ hoàng”, Mặt trời và các hành tinh xoay chuyển vạch ra những quỹ đạo tôn trọng Trái đất với tính cách là Trung tâm. Các nhà thiên văn cổ đại đã nhìn rõ cái thế giới ấy: Ptolemy khẳng định điều này trong hệ thống mang tên ông, hệ thống được coi như có giá trị xác thực mãi đến buổi đầu của thời kỳ hiện đại.

Sau đó, với Copernic, Kepler và Galileo, Trái đất không còn là trung tâm của hoàn vũ nữa mà chỉ là một hành tinh hình cầu quay chung quanh Mặt trời theo quỹ đạo tròn y như các hành tinh khác. Thế là Mặt trời ở trung tâm của mọi thứ. Cho đến cuối thế kỷ XVIII, nó vẫn tiếp tục theo đúng trật tự bất di bất dịch, minh chứng hiển nhiên cho tính chất hoàn hảo của đấng Sáng thế thần thánh. Newton thiết lập các định luật điều khiển “vũ khúc các thiên thể” để tạo nên một cơ chế thiên thể hài hoà. Đến đầu thế kỷ XIX, Laplace đưa đấng Sáng thế thần thánh ra khỏi vũ trụ tự chủ [tự cung cấp) (self - sufficent) để nó trở thành một cỗ máy hoàn hảo vĩnh viễn. Thêm nữa, cho đến đầu thế kỷ XX, hoàn vũ vẫn được coi như “tĩnh” một cách bất di bất dịch, không hề sai lỗi gì. Thậm chí khi hoàn vũ đã bị Einstein tước bỏ hoàn toàn tính chất trung tâm ưu thế, nó vẫn được coi là không mang tính chất “được tạo dựng nên” (un - creatdness), tự chủ và thời gian tồn tại là vô cùng vô tận.

Mãi đến năm 1923 khi thiên văn học khám phá ra sự tồn tại của những thiên hà khác, rồi chỉ ít lâu sau tìm được hàng triệu thiên hà nữa, hoá ra khối thiên hà của chúng ta gọi là Ngân hà chẳng qua chỉ là một trong vô số đó. Năm 1929, hiện tượng “chuyển dịch đỏ” (red shift) do ánh sáng của thiên hà phát ra khi chạy đi xa, như bằng chứng xác thực do Hubble phát hiện, đã cung cấp một chỉ định thực nghiệm về mặt hoàn vũ đang nở ra. Những thiên hà cứ di chuyển xa nhau trong một vận động trôi giạt chung của vũ trụ với những vận tốc khủng khiếp, và tiếp nối quá trình đổi rời ghê gớm này là hiện tượng sụp đổ trật tự vĩnh hằng của hoàn vũ.

Quan điểm này về hoàn vũ, “đang nở ra và phân tán” đến nửa sau thế kỷ XX đã trải qua một “tai biến” còn to hơn nữa. Năm 1965, Penzias và Wilson thu được những bức xạ đẳng hướng đến từ mọi phía “chân trời” của hoàn vũ. Thứ “nhiễu nền vũ trụ” này không thể cắt nghĩa được cách nào khác ngoài việc lý giải cho rằng đó là “dư lượng hoá thạch” (fossile residue) của một vụ nổ ban đầu, và thế là giả thuyết về một hoàn vũ đang dãn nở và lan truyền rộng ra với tính cách kết quả của một “tai biến khởi thuỷ” (primal catastrophe) đã bắt đầu thành hình (xem Ferris, 1988). Cùng thời gian đó, một giả định nữa được đề xuất cho rằng một thứ “ánh sáng mệnh lệnh” ban đầu (initial fiat lux) đã làm nảy sinh hoàn vũ dưới dạng bức xạ lên tới 1011 độ Kelvin, và thế là chỉ trong khoảnh khắc vô cùng chớp nhoáng với thời lượng 1 phần triệu giây đồng hồ đã tạo ra các hạt photon, quark, electron và neutrino. Tiếp sau, trong trạng thái tác động nhiệt rất mạnh để làm nguội dần bắt đầu, và hạt nhân cùng nguyên tử hyđrô được hình thành do các hạt cơ bản va chạm liên kết nhau. Vẫn còn một vấn đề cần tìm hiểu thêm, đó là bằng cách nào mà trong hoàn vũ nguyên thuỷ đồng chất ấy lại xuất hiện các dị biệt đầu tiên khiến cho tự thân nó có thể khiến cho hoàn vũ nứt ra thành các siêu thiên hà (metagalaxie) không đều nhau, tức là mẹ các thiên hà và các sao. Đến tháng Tư năm 1992 thì vệ tinh Cobe thu nhận được thông tin về vấn đề này, và nó cũng phát hiện ở những “diềm” (border) của hoàn vũ cách xa chừng 15 tỷ năm - ánh sáng những biến thiên vô cùng nhỏ về tỷ trọng của vật chất có lẽ ở thời gian chỉ vào khoảng 300.000 năm sau khi xảy ra biến cố đầu tiên coi như “gốc”.

Đến những năm 1960, xấp xỉ lúc khám phá lịch sử kỳ diệu này của vũ trụ (cosmos), trong hoàn vũ thể hiện những điều chưa hề một lần dám mơ tưởng, đó là: các quasar (1963), pulsar (1968), hố đen (black hole), và theo kết quả tính toán của các nhà vật lý thiên văn học thì chúng ta mới biết chỉ độ 10% vật chất, còn 90% nữa thì ở ngoài tầm với tới của các thiết bị phát hiện của chúng ta. Thế là chúng ta tồn tại trong một hoàn vũ chỉ cấu thành bởi các vì sao và hành tinh với mức độ rất hạn hẹp, còn những khối lượng khổng lồ trong vũ trụ thì không nhìn thấy được, đó là dạng vật chất “tối” (dark).

Thành ra, giữa thời gian bản lề của thiên niên kỷ chúng ta đang ở trong một hoàn vũ mà ngay từ buổi đầu đã chứa đựng điều “không thể biết” (Unknowable) “không thể đo lường và hiểu” (Unfathomable) và “không thể hình dung” (Inconceivable) được. Chúng ta đang ở trong một hoàn vũ ra đời từ một thảm hoạ và chỉ có thể được tổ chức nhờ một bất toàn (imperfection) vô cùng nhỏ và một sức phá hoại lớn lao đến kinh ngạc (phản - vật chất: antimatter). Chúng ta đang ở trong một hoàn vũ tự-tạo dựng, tự-lập và tự-tổ chức đã khởi động bằng một sự kiện/sự cố nằm ở ngoài tầm hết thảy mọi năng lực hiện nay của chúng ta về trí tuệ. Chúng ta đang ở một hoàn vũ trong đó có hệ sinh thái nảy sinh do đòi hỏi của tổ chức hoàn vũ, và quả thật là không đáng kể gì cả (mọi thực tại tự tổ chức đều sử dụng đến năng lượng; hoàn vũ của chúng ta sử dụng năng lượng vô cùng to lớn phát sinh từ vụ cháy bùng đầu tiên; nhưng thử hỏi năng lượng ấy đến từ đâu?). Chúng ta đang ở trong một hoàn vũ trở thành có tổ chức thông qua phân rã (disintegration, hay phân ly/ly khai).

Thêm vào đó, còn có thêm nhiều kỳ bí cực kỳ kinh ngạc, chẳng hạn sự tiêu huỷ (annilation) các phản-hạt (antiparticle) diễn ra ngay tại thời điểm hình thành chúng, tức là sự phá huỷ hầu như trọn vẹn phản-vật chất bởi vật chất, nếu không thế thì (đây cũng là điều rất kỳ bí và rất đáng kinh ngạc) sẽ có một hoàn vũ của phản - vật chất gặp hoàn vũ của chúng ta theo một cách thức nào đó không biết rõ, hoặc có thể hoàn vũ của chúng ta sẽ chỉ là một nhánh của thể đa hình nào đó. Chúng ta đang ở trong một hoàn vũ rất gần tình trạng “không thể có được” (the impossible), một tình trạng mà ví thử không có một tỷ trọng vật chất được xác định thật chuẩn xác thì hoặc sẽ lập tức co ngót ngay khi vừa được tạo thành hoặc cứ bành trướng để mở mãi mà không sinh ra được các thiên hà hay các sao. Chúng ta đang ở trong một hoàn vũ gần các giải thiên hà va đập lẫn nhau, các thiên thế xô đẩy va chạm và nổ tung, trong đó các ngôi sao chẳng thể coi là các khối “đèn báo hiệu” hình cầu gắn trên bầu trời như trước nữa, mà chính là các trái bom khinh khí di chuyển chậm chạp, những thứ động cơ phun lửa. Chúng ta đang ở trong một hoàn vũ luôn luôn vận động hỗn loạn và tình trạng hỗn loạn ấy điều khiển tác động của hoàn vũ thông qua cuộc đối thoại giữa trật tự với vô trật tự, mà ở đó tuy rằng chỉ là những địch thủ thiên nhiên song đều là đồng phạm gây nên các tổ chức thiên hà, sao, hạt nhân và nguyên tử. Chúng ta đang ở trong một hoàn vũ với bao nhiêu câu hỏi nan giải và thú vị nhưng chắc chắn rồi cũng được giải đáp, chí ít là giải đáp được từng phần, song nhất định sẽ chẳng bao giờ câu trả lời sẽ quay về khái niệm đơn thuần cơ giới như trước, chẳng bao giờ quay về quan niệm coi Mặt trời là trung tâm, và trong cái hoàn vũ này sẽ xuất hiện thêm những hiện tượng khác còn kỳ bí hơn, kinh ngạc hơn so với những điều chúng ta đã khám phá được.

Hơn nữa, chúng ta hiện đang ở trên một giải thiên hà ở ngoài hiên, ở rìa, đó là Ngân hà hình thành 8 tỷ năm sau thời điểm ra đời của hoàn vũ, và giải Ngân hà cũng như các thiên thể lân cận của nó hình như vẫn đang bị hút về một khối tuy không nhìn thấy những khối lượng hẳn là vô cùng to lớn mệnh danh “Great Attractor” (Khối hấp dẫn khổng lồ). Thành ra chúng ta đang du hành trên một quỹ đạo của một “thần dân” hèn mọn trong đế chế Ngân hà và hình thành 13 tỷ năm sau khi hoàn vũ ra đời, tức là 5 tỷ năm sau Ngân hà, cũng tức là chúng ta đang sinh sống trên một hành tinh bé nhỏ khai sinh cách đây 4 tỷ năm.

Tất cả những điều trên đây tuy vừa mới được khám phá song sẽ được biết rõ cả, thế nhưng mặc dầu được phổ cập rộng rãi trên sách báo và các tiết mục truyền hình về các nhà khoa học Hawking và Reeves, vũ trụ (cosmos) mới này hiện vẫn chưa thâm nhập tâm trí chúng ta, tưởng như con người chúng ta vẫn cứ tiếp tục sinh sống tại trung tâm của hoàn vũ, trên Trái đất “tĩnh lực” và dưới một Mặt trời vĩnh hằng. Những điều mới phát hiện đó cũng không kích thích được bất cứ thái độ hiếu kỳ, kinh ngạc hay suy ngẫm nào ở đa số các nhà triết học chuyên nghiệp, kể cả những người phải xử lý những nội dung thế giới quan. Lý do của tình trạng này chắc chắn là môn triết học của chúng ta đã làm tê liệt thái độ ngạc nhiên vốn là nguyên nhân đã giúp cho môn triết học ra đời. Nền giáo dục của chúng ta xưa nay vẫn dạy chúng ta phải phân cách, phải chia nhỏ ra để xếp vào từng ngăn riêng, phải cô lập các khái niệm, chứ đâu có dậy phải liên kết các khái niệm với nhau, cho nên nó làm chúng ta quen hình dung và quan niệm nhân loại như một hòn đảo nằm ngoài cái vũ trụ bao bọc chúng ta, ngoài vật chất vật lý học đã cấu thành nên chúng ta.

Như vậy, chúng ta biết được rằng, mặc dầu không mong muốn biết, chúng ta phát sinh từ thế giới này, rằng mọi hạt cơ bản tạo nên chúng ta đều hình thành cách đây đã 15 tỷ năm, rằng các nguyên tử cacbon của chúng ta được cấu tạo ở một mặt trời đã có trước Mặt trời của chúng ta, rằng các phân tử của chúng ta là sinh ra trên Trái đất nếu không phải chúng đến nơi đây theo con đường các thiên thạch. Chúng ta biết, tuy không muốn biết, rằng chúng ta là con cháu của vũ trụ này, cái vũ trụ mang đến sự ra đời, sự sống và chết chóc của chúng ta.

Đó chính là cái cớ bởi sao chúng ta vẫn không biết phải làm thế nào để trụ vững trong vũ trụ, làm thế nào để kết nối các câu hỏi của chúng ta về hoàn vũ, các câu hỏi về bản thân chúng ta. Chúng ta không cảm nhận cái thích thú khi tư duy về vận mệnh vật thể và vận mệnh Trái đất của chúng ta. Chúng ta chưa từng rút được những suy luận từ vị thế của mép ngoài và ngoại vi của hành tinh nhỏ bé rất xa xôi của chúng ta cũng như từ vị thế của chúng ta trên hành tinh ấy.

Từ nay, chính vũ trụ là nơi ở của chúng ta, cũng như định vị vận mệnh, suy tư, ý tưởng, khát vọng, lo âu và quyết định của chúng ta.

---o0o---

Trích: “Trái Đất Tổ Quốc Chung: Tuyên Ngôn Cho Thiên Niên Kỷ Mới”

Tác giả: Edgar Morin - Anne Brigitte Kern

Người dịch: Chu Tiến Ánh

NXB: Khoa Học Xã Hội – 2002

Ảnh: nguồn internet

Bài viết liên quan