BỪNG NGỘ, TRẢI NGHIỆM MANG TÍNH TOÀN CẦU - TRÍCH: NHỮNG KHOẢNH KHẮC XUẤT THẦN - NANCY K. NAPIER

BỪNG NGỘ, TRẢI NGHIỆM MANG TÍNH TOÀN CẦU

-Nancy K. Napier

-----o0o-----

Theo Hawkins và Watson, khoảnh khắc xuất thần với hầu hết chúng ta đều có xu hướng là “khoảnh khắc tràn đầy xúc cảm khi bỗng nhiên những điều tưởng chừng như một mớ hỗn loạn trở nên hoàn toàn rõ ràng...”. (Hawkins) và chúng ta cảm thấy “các mạch bắt đầu đập thật nhanh” (Watson). Cảm giác hào hứng và phấn khích đó, đôi khi đi cùng cả sự nhẹ nhõm, còn tác động đến những...
BỪNG NGỘ, TRẢI NGHIỆM MANG TÍNH TOÀN CẦU - TRÍCH: NHỮNG KHOẢNH KHẮC XUẤT THẦN - NANCY K. NAPIER

Trong lúc ngẫm nghĩ về vấn đề này... tôi đã trải qua một khoảnh khắc bừng ngộ “xuất thần”,

khoảnh khắc tràn đầy xúc cảm khi bỗng nhiên những điều tưởng chừng như một mớ hỗn loạn trở nên hoàn toàn rõ ràng và không có gì dễ hiểu hơn thế. Tất cả những gì tôi làm là tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu...

-Jeff Hawkins, On Intelligence

Khoảnh khắc tôi thấy toàn cảnh bức tranh, miệng tôi mở to và các mạch bắt đầu đập thật

nhanh.

-James Watson, The Double Helix

Những khoảnh khắc xuất thần có vẻ như là trải nghiệm toàn cầu của con người, cho dù chúng ta diễn tả nó bằng những cách khác nhau. Người Đức sẽ nói: “À, anh muốn nói đến những trải nghiệm AH-ha chứ gì”. Rồi họ sẽ khẳng định rằng toàn bộ ý tưởng về “AH-ha Erlebnisse” (những trải nghiệm AH-ha) xuất phát từ Đức, chứ không phải từ Mỹ. Người Ấn Độ sẽ nghiêng đầu sang một bên, tai tựa lên vai, và nói “OH-ho” khi họ nhận ra điều tôi đang muốn nói tới. Còn ở Việt Nam, họ sẽ ngả người tựa vào ghế và thốt lên: “AHH! Phải rồi!” để miêu tả Giây phút xuất thần, “khoảnh khắc bừng sáng” trong họ.

Hãy nghĩ đến giây phút khi bạn thấy tất cả bừng sáng. Có thể khi đó bạn đang cố gắng hiểu một vấn đề phức tạp hay đang tìm giải pháp cho vấn đề đó. Hoặc cũng có thể bạn đang tìm kiếm một ý tưởng hay một phương thức quản lý mới. Bạn đã thu thập các thông tin, vận dụng tất cả những kinh nghiệm và kiến thức của mình và cố gắng suy nghĩ theo một cách thật logic. Bạn đã nhìn vấn đề từ nhiều khía cạnh khác nhau. Bạn đã tìm ra một phương án khả thi nhưng khi thử nghiệm, nó không mang lại hiệu quả; bạn đã thử các cách tiếp cận khác nhưng có vẻ như chẳng có cách nào hợp lý cả. Bạn đã sắp bỏ cuộc đến nơi. Thế rồi, lúc bạn ít ngờ tới nhất thì... BÙM. Mọi thứ tự động vào đúng vị trí của nó. Bạn trải qua sự bừng ngộ bất ngờ, một giây phút xuất thần.

Những người nói tiếng Anh miêu tả giây phút xuất thần hay những khoảnh khắc bừng ngộ đến với họ đột ngột giống như vậy. Chúng ta thường nói “anh ta đã kết nối được những điểm chấm rời rạc”, “những mảnh ghép tự động rơi vào đúng chỗ”… Các chuyên gia còn dùng những biệt ngữ của riêng họ. Có người lại dùng phép so sánh để miêu tả cảm giác kỳ diệu đó. Đối với Chad Sarmento, một quản giáo, đó là những hình ảnh rõ nét qua một cặp kính mới:

Bạn cố đọc sách bằng một cặp kính không đúng số, tất cả đều mờ mờ, ảo ảo và thậm chí còn làm bạn bị đau đầu nữa. Rồi bạn có một cặp kính mới, bạn nói: Chuẩn rồi! Giờ mình đã làm được một điều gì đó!

Rồi có một cảm giác đến ngay sau sự bừng ngộ, khi một người đã “hiểu ra”, giờ đây toàn bộ giải pháp cho vấn đề mới rõ ràng làm sao.

“Đôi khi, tôi tỉnh dậy giữa đêm khuya và nghĩ: “Ồ, thì ra là phải thế này”. Điều đó hoàn toàn hợp lý và tôi tự hỏi làm sao mà trước đây mình không hề nghĩ ra? Nó rõ ràng đến vậy mà, sao mình có thể không thấy chứ?

-Jaimie Barker, điều tra viên hiện trường vụ án

Theo Hawkins và Watson, khoảnh khắc xuất thần với hầu hết chúng ta đều có xu hướng là “khoảnh khắc tràn đầy xúc cảm khi bỗng nhiên những điều tưởng chừng như một mớ hỗn loạn trở nên hoàn toàn rõ ràng...”. (Hawkins) và chúng ta cảm thấy “các mạch bắt đầu đập thật nhanh” (Watson). Cảm giác hào hứng và phấn khích đó, đôi khi đi cùng cả sự nhẹ nhõm, còn tác động đến những giác quan khác.

Vào ngày 3/3/1887, Annie Sullivan gặp cô bé 7 tuổi, Helen Keller. Bà trở thành giáo viên của Keller và một người bạn đồng hành trong suốt 49 năm cho đến khi Sullivan qua đời. Khi họ gặp nhau lần đầu tiên, Sullivan đã viết lên tay Keller từ “búp bê” (món quà bà mang đến cho cô bé) và từ “bánh”. Keller có vẻ không hiểu chúng. Nhiều năm sau, Keller nhớ lại rằng một tháng sau hôm đó, vào ngày 5/4/1887, Sullivan đã giúp cô trải nghiệm một khoảnh khắc xuất thần, khoảnh khắc có ảnh hưởng sâu sắc đến câu chuyện về cuộc đời phi thường của Keller:

Chúng tôi đi xuống con đường dẫn đến chòi bên giếng, mùi hương mật ong thơm ngào ngạt khắp nơi. Ai đó đang kéo nước, cô giáo đặt tay tôi xuống dưới vòi nước. Khi dòng nước mát lạnh chảy qua tay tôi, cô đánh vần từ “nước” vào bàn tay kia của tôi, ban đầu thì từ từ, sau đó nhanh dần. Tôi đứng im, toàn bộ sự chú ý của tôi tập trung vào chuyển động của những ngón tay cô. Bỗng nhiên, tôi cảm nhận một ý thức mơ hồ như thể một điều gì đó đã bị lãng quên, cảm giác phấn khích khi tư duy quay trở lại, và bằng một cách nào đó, bí ẩn của ngôn ngữ đã hé mở với tôi.

Trong một tiếng sau đó, Keller đã học được cách đánh vần 30 từ và liên tục đòi Sullivan dạy tiếp. Cuối cùng, Keller đã tốt nghiệp trường Radcliffe và trở thành một diễn giả, một nhà hoạt động nổi tiếng trong những vấn đề từ chính trị đến người khuyết tật.

Sức mạnh của sự bừng ngộ: Những mảnh ghép rời rạc bỗng nhiên tự rơi vào đúng chỗ của nó.

Những ý tưởng hòa trộn vào nhau một cách đầy ý nghĩa. Và cảm giác đó – nhẹ nhõm, vui vẻ và hào hứng. Ồ, giá như mọi thứ đơn giản như thế.

-----o0o-----

Trích: Những Khoảnh khắc Xuất Thần

Tác Giả: Nancy K. Napier

Dịch: Phương Oanh & Minh Hiếu

Nhà Xuất Bản KinhTế Quốc Dân-2011

Ảnh: nguồn Internet

Bài viết liên quan