HAI LOẠI XUẤT THẦN - Nancy K. Napier

HAI LOẠI XUẤT THẦN

Nancy K. Napier

-----o0o-----

Các nhà doanh nghiệp là những người luôn theo đuổi những khoảnh khắc xuất thần mang tính sáng tạo. Họ “thấy” một cơ hội trong thị trường mà những người khác không thấy, họ ghép những mảnh thông tin đơn lẻ, cọc cạch lại với nhau để tạo thành cái mà chưa ai từng nghĩ đến, và họ nhìn nhận cùng một thông tin nhưng bằng những cách khác với hầu hết chúng ta. Họ sử dụng những...
HAI LOẠI XUẤT THẦN - Nancy K. Napier

Hai loại xuất thần

Khi bắt đầu cuộc phỏng vấn về tư duy bừng ngộ và những khoảnh khắc xuất thần, tôi đã sử dụng cụm từ “a ra rồi” để giải thích điều tôi muốn nói. Và thực sự, tất cả mọi người đều “ra rồi”. Nhưng trước đó, có người hỏi tôi “ra rồi” theo ý tôi có nghĩa là hiểu điều gì đó hay “ra rồi” có nghĩa là tìm ra được một cách tiếp cận mới, một cách tư duy mới về một vấn đề gì đó. Rõ ràng đó là hai loại “giây phút xuất thần” phô diễn.

Thật thú vị là hai loại trải nghiệm giây phút xuất thần này – hiểu thấu và sáng tạo – đi theo hai con đường giống nhau nhưng lại hàm chứa mức độ nhấn mạnh khác nhau về cách thức đạt đến khoảnh khắc xuất thần. Khi chúng ta cố gắng học hay hiểu một thứ gì đó (một thứ tiếng mới, những lý luận chính trị hay là học cách chơi đàn ghita chẳng hạn), có thể ta không cần đến nhiều kỹ thuật để tạo ra những ánh chớp bừng ngộ.

Nhưng khi chúng ta đối mặt với một vấn đề khó khăn, ta có thể sẽ phải viện đến những cách tiếp cận khác nhau để tạo ra sự bừng ngộ. Dù là trường hợp nào đi chăng nữa thì cũng đều trải qua những giai đoạn chung. Nhưng trước khi tìm hiểu về các giai đoạn của hành trình đến với những khoảnh khắc xuất thần, ta hãy khám phá hai loại xuất thần trước.

Giây phút xuất thần khi hiểu thấu – A hiểu rồi!

Ý tưởng ban đầu cho cuốn sách này đến với tôi khoảng mấy năm trước, khi Chris Petersen, huấn luyện viên trưởng môn bóng bầu dục ở Đại học Boise State, đưa ra một lời nhận xét ngẫu hứng.

Chúng tôi huấn luyện các cầu thủ bóng bầu dục trung bình trong khoảng bốn năm. Vài người trong số đó phải mất từ hai năm đến hai năm rưỡi để “hiểu ra rồi”. Hãy thử tưởng tượng xem sẽ tốt hơn biết bao nhiêu cho cả cầu thủ và huấn luyện viên nếu ta có thể đẩy nhanh quá trình “hiểu ra rồi”, nắm bắt được hệ thống, làm thế nào để hòa nhập và những điều phải làm ở trường đại học…

Trải nghiệm giây phút xuất thần khi hiểu thấu mang những đặc trưng chung ở hầu hết tất cả mọi người. Bỗng nhiêu ta thấy mình đã biết được tất cả những điều đã làm mình trăn trở suốt bao nhiêu lâu. Hãy nghĩ đến lúc chúng ta học đọc - sự phấn khích khi nhận ra được những con chữ mới hay đọc được một từ mà trước đó với ta hoàn toàn vô nghĩa. Hãy nhớ lại cảm giác khi bạn không còn bật bông những sợi dây đàn nữa mà bắt đầu tạo ra được những âm thanh thực sự. Khi chúng ta đặt được những mảnh ghép vào đúng chỗ của nó, chúng ta hiểu được toàn bộ bức tranh và mọi thứ bỗng nhiêu có nghĩa. Khi nghiên cứu sinh Brent Quam và nhóm của mình, qua một dự án tư vấn cho những người sáng lập và điều hành các doanh nghiệp mới thành lập (1 -2 năm) và những công ty nhỏ (3- 5 năm), khám phá ra rằng các công ty không phải là những nhóm biệt lập mà nằm trên cùng một quỹ đạo, thực tế bỗng nhiên trở nên hoàn toàn sáng tỏ (giống như những trải nghiệm về khoảnh khắc bừng ngộ). Họ nhận ra rằng những nhà sáng lập thường không nghĩ rằng họ sẽ trở thành “người chủ doanh nghiệp nhỏ trong tương lai” mặc dù đó là điều hiển nhiên nếu công ty của họ tồn tại đủ thời gian. Phát hiện này có nghĩa là những nghiên cứu sinh – và các công ty – có thể dự đoán được những loại vấn đề mà các nhà quản lý có thể gặp phải khi họ chuyển sang giai đoạn “làm chủ doanh nghiệp nhỏ”.

Cũng giống như thế, khi một cô bé tuối mới lớn “a hiểu rồi” rằng thế giới không xoay xung quanh mình, khi cha mẹ của một đứa bé kém may mắn sớm phải lìa bỏ cõi đời này chấp nhận thực tế rằng tai nạn đã xảy ra, thì đó chính là những khoảnh khắc xuất thần mà người ta có thể thốt lên: “Giờ mình đã hiểu rồi”, “thì ra là thế”, và “sao trước kia mình lại không nghĩ đến nhỉ?” Và những khoảnh khắc đó có thể đến với tất cả mọi người, ở mọi lứa tuổi, 80 cũng như 20. Loại xuất thần thấu hiểu này xảy ra khi ta hiểu một điều gì đó mà những người khác trước ta đã hiểu rồi – chứ không phải là tạo ra thông tin mới, ta chỉ sử dụng những kiến thức sẵn có và kết hợp chúng lại với nhau để thấy được “bức tranh toàn cảnh rộng lớn hơn”.

Thậm chí cả những bậc “cáo già” cũng có thể trải qua những khoảnh khắc xuất thần thuộc loại này. Sau 24 năm tại Thượng viện, George McGovern đã nghỉ hưu vào năm 1981, ông đi diễn thuyết khắp nơi trên thế giới, kiếm tiền và theo đuổi một giấc mơ ấp ủ từ lâu. Ông mua một công ty kinh doanh đã có 43 năm tuổi đời, đang được điều hành và hoạt động rất hiệu quả, The Stratford Inn. – một nhà hàng, một khách sạn, và một khu trung tâm hội nghị ở Connecticut. Ba năm sau, công ty phá sản.

Trong một bài báo sau đó khoảng một thập kỷ, McGovern đã chia sẻ những khoảnh khắc xuất thần của chính mình. Một thời gian dài sau khi rời Thượng viện, ông đã nhận ra rằng nhiều chính sách, đạo luật mà mình ủng hộ có một phần trách nhiệm trong sự thất bại của ông với tư cách là một doanh nhân. Rất nhiều trong số những “nguyên tắc, quy định của liên bang, của bang và của địa phương được thông qua với mục đích giúp thúc đẩy tạo thêm công ăn việc làm, bảo vệ môi trường, tăng ngân sách cho trường học, bảo vệ khách hàng khỏi nguy cơ hỏa hoạn” chứa đựng những đòi hỏi mang tính quan liêu, rất bất lợi cho các doanh nghiệp nhỏ. Theo lời ông:

Tôi ước rằng những năm đương chức, tôi có kinh nghiệm thực tế về những khó khăn mà những người làm kinh doanh phải đối mặt. Nếu có những kiến thức đó, tôi đã có thể là một Thượng nghị sĩ tốt hơn và một ứng cử viên Tổng thống thấu hiểu hơn.

Đó là một khoảnh khắc xuất thần dạng thấu hiểu: McGovern đã nhận ra một điều mà những người khác đã biết, chỉ có ông là không biết.

Khoảnh khắc xuất thần thuộc loại này khá phổ biến, chẳng hạn như khi một cậu bé mới lớn nhận ra được sự khác biệt giữa quyền và đặc quyền, khi một nhà quản lý trẻ hiểu rằng phong cách điều hành của mình không thích hợp với những nhân viên chuyên ngành dưới quyền, hay khi những nhà xuất bản hiểu được ảnh hưởng to lớn của việc suy giảm số lượng độc giả ở lứa tuổi dưới 40. Về cơ bản, kiểu xuất thần này xảy ra khi một người, một thành viên của tổ chức có tất cả những thông tin cần thiết và bỗng nhiên lần đầu tiên “thấy” hoặc hiểu nó một cách trọn vẹn.

Khoảnh khắc xuất thần sáng tạo – Eureka!

Loại bừng ngộ thứ hai là khoảnh khắc xuất thần mang tính sáng tạo. Trong loại này, người ta xem xét một kiến thức đã có sẵn và cố gắng hiểu xem thông tin nào còn thiếu cần sắp xếp lại thông tin nào, có thể xem xét những thông tin đó từ một khía cạnh nào khác không hay có thể thực hiện điều gì trong những điều kiện ngặt nghèo. Kết hợp những thông tin mới hoặc những thông tin mà trước đó không có mối liên hệ với nhau thường tạo ra những sản phẩm mới, những cách tiếp cận mới để tư duy hoặc giải quyết một vấn đề. Có tần suất xuất hiện thấp hơn loại xuất thần mang tính chất hiểu thấu, khoảnh khắc bừng ngộ sáng tạo lại có thể đóng vai trò rất quan trọng khi những vấn đề mà ta phải đối mặt càng ngày càng trở nên rắc rối, phức tạp.

Có vô số những ví dụ về khoảnh khắc xuất thần sáng tạo trong lịch sử và cả ở những người tôi đã phỏng vấn. Ví dụ trong lịch sử có thể kể đến là Archimedes khi ông xem xét mối quan hệ giữa thể tích và khối lượng (Eureke!) từ một khía cạnh khác. Copernicus đập vỡ quan điểm lúc đó đang chiếm thế thượng phong về mối quan hệ giữa trái đất và mặt trời (rằng trái đất quay xung quanh mặt trời) không phải bằng cách tạo ra những thông tin mới mà bằng cách sắp xếp lại những thông tin đã có sẵn để giải thích sự bất tương đồng trong quan sát.

Các nhà doanh nghiệp là những người luôn theo đuổi những khoảnh khắc xuất thần mang tính sáng tạo. Họ “thấy” một cơ hội trong thị trường mà những người khác không thấy, họ ghép những mảnh thông tin đơn lẻ, cọc cạch lại với nhau để tạo thành cái mà chưa ai từng nghĩ đến, và họ nhìn nhận cùng một thông tin nhưng bằng những cách khác với hầu hết chúng ta. Họ sử dụng những điều kiện bất thuận lợi – sự nhỏ bé, vô danh, với nguồn lực hạn chế - làm những cú huých để theo đuổi những ý tưởng khác biệt.

Như Steve Jobs đã nhắc đến trong bài phát biểu khai mạc trong lễ phát bằng ở trường Đại học Stanford vào năm 2005, cuộc đời ông bị tác động bởi ba kinh nghiệm độc lập. Đầu tiên, ông bỏ trường đại học rồi đến kỳ ngay sau đó lại đăng ký học một lớp luyện chữ đẹp, đơn giản vì thích thôi. Bằng cách kết hợp hai dấu chấm hoàn toàn rời rạc – quy tắc của nghệ thuật viết chữ đẹp (tức là tượng hình và biểu tượng) và máy tính, ông đã tạo ra những biểu tượng mà suốt gần ba thập kỷ sau đó đã trở thành quen thuộc trên giao diện của hầu hết những người dùng máy tính trên toàn thế giới. Thứ hai, ông nhận được thông báo sa thải công khai từ Apple, công ty mà ông đã sáng lập. Những điều đó đã cho ông tự do, thoát khỏi tất cả những yếu tố kìm hãm để theo đuổi sự nghiệp tiếp theo của mình (NeXT). Và cuối cùng, ông được chuẩn đoán bị ung thư tuyến tụy, một trong những căn bệnh ung thư nghiêm trọng nhất, căn bệnh đã thúc đẩy ông thực hiện những điều quan trọng nhất đối với mình. Những thành tựu của ông – iPod, iPhone và nhiều nhiều nữa – là những giây phút xuất thần sáng tạo có ảnh hưởng cực kỳ to lớn đến thế giới hàng tiêu dùng và công nghệ toàn cầu.

Jobs và những người từng trải nghiệm giây phút xuất thần mang tính sáng tạo đều tìm ra những thông tin mới hoặc kết hợp những thông tin sẵn có theo cách mà người khác không sử dụng. Nó vượt xa khỏi việc hiểu thấu những khái niệm mà người khác đã hiểu, nó tạo ra một điều gì đó – một sản phẩm, một dịch vụ, một quy trình – mang giá trị cao. Vậy chúng ta đạt đến hai loại xuất thần này như thế nào?

-----o0o-----

Trích: Những Khoảnh Khắc Xuất Thần

Tác giả: Nancy K. Napier

Người dịch: Phương Oanh – Minh Hiếu

Nhà xuất bản Đại Học Kinh Tế Quốc Dân, 2011

Ảnh: nguồn Internet

Bài viết liên quan