TAKESHI FURUKAWA - MÌNH LÀ CÁ, VIỆC CỦA MÌNH LÀ BƠI -THÁO PHANH CHO HÀNH ĐỘNG

THÁO PHANH CHO HÀNH ĐỘNG

TAKESHI FURUKAWA - MÌNH LÀ CÁ, VIỆC CỦA MÌNH LÀ BƠI

Như Nữ dịch - NXB: Thế Giới, 2018- Ảnh: nguồn internet

-------o0o-------

Bản năng tồn tại của con người là luôn muốn an tâm, an toàn cho bản thân, do đó về cơ bản, chúng ta luôn tránh xa những nguy hiểm. Thế nhưng, để trưởng thành, chúng ta lại không thể không tiến vào vùng nguy hiểm đấy.
TAKESHI FURUKAWA - MÌNH LÀ CÁ, VIỆC CỦA MÌNH LÀ BƠI -THÁO PHANH CHO HÀNH ĐỘNG

 

Trong thời gian tìm việc, tôi từng đến một buổi giới thiệu về công ty của Pasona, công ty tuyển dụng, phái cử hàng đầu Nhật Bản. Bài diễn thuyết hôm đó do chính Yasuyuki Nambu, một trong ba nhà sáng lập công ty Pasona (hai người khác là Masayoshi Son và Hideo Sawada) trình bày. Yasuyuki Nambu là người nhanh nhạy và khả năng hành động của ông cực kỳ đáng sợ.

Trong thời gian tìm việc, ông đã quyết định khởi nghiệp và thành lập công ty. Ông bắt đầu việc kinh doanh từ lúc còn chưa biết cách trao danh thiếp và đã gây dựng nên thế hệ đầu tiên của tập đoàn Pasona.

Điều đặc biệt ở ông chính là khả năng hành động phi thường. Nếu ông đã quyết định làm bạn thân với tổng thống Mỹ, ông sẽ đi ăn với tổng thống để kết bạn; nếu đột nhiên ông nói sẽ di dân sang Mỹ thì ngay lập tức ông sẽ chuyển sang Mỹ luôn; nếu ông nói nuôi thỏ trong công ty thì ông sẽ bắt tay ngay vào việc này. Tôi thực sự đã bị sốc trước năng lực hành động không giới hạn của ông.

Và kim chỉ nam của Nambu chính là “nếu đắn đo, hãy hành động”.

Chính bản thân ông cũng từng nói: “Cảm giác đắn đo bắt nguồn từ việc bên trong con người mình có một phần nào đó muốn thực hiện. Nếu là như vậy thì trong cuộc đời ngắn ngủi này, tôi muốn được hối hận vì đã làm hơn là hối hận vì không làm. Chính vì vậy, những lúc đắn đo, tôi sẽ quyết định dứt khoát”.

Vậy tại sao nhiều người lại không thể hành động quyết đoán như ông Nambu?

Tâm lý của con người có hai vùng. Một vùng là Comfort zone (vùng thoải mái) hay còn gọi là khu vực an toàn. Vùng này bao gồm có thể thực hiện một cách thoải mái như những việc mà bản thân bạn có thể làm, đã có kinh nghiệm hay gặp một người đã từng gặp…

Vùng thứ hai gọi là Uncomfort zone (vùng nguy hiểm) hay còn gọi là khu vực nguy hiểm. Khu vực này bao gồm những việc khiến bạn cảm thấy nguy hiểm như những việc chưa làm bao giờ, chưa có kinh nghiệm, gặp một người xa lạ...

Bản năng tồn tại của con người là luôn muốn an tâm, an toàn cho bản thân, do đó về cơ bản, chúng ta luôn tránh xa những nguy hiểm. Thế nhưng, để trưởng thành, chúng ta lại không thể không tiến vào vùng nguy hiểm đấy.

Ngay cả trong công việc, nếu cứ trốn tránh những thách thức mới hay những nguy cơ thì không thể làm nên thành công. Và nếu bạn không nâng cao mức độ trưởng thành của bản thân, bạn cũng không thể tồn tại.

Những “chiếc phanh” ngăn cản chúng ta mạnh dạn bước vào vùng nguy hiểm ấy chính là những suy nghĩ như sau: “Dù có làm gì cũng chẳng có ý nghĩa gì nữa”, “nó quá sức với mình”, “sợ thất bại”, “dù mình không làm thì cũng có người khác làm”...

Nếu bạn còn luẩn quẩn với đống lý do ấy thì bạn chỉ mãi ngăn cản hành động của chính mình. Để bản thân có thể trưởng thành hơn, bạn cần phải dỡ bỏ hết những chiếc phanh gây cản trở ấy đi.

-------o0o-------

 

 

Bài viết liên quan