BUỔI LỄ KỶ NIỆM: NHẢY MÚA TRÊN ĐƯỜNG PHỐ TÂY TẠNG - HỶ LẠC TỪ TÂM - ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA THỨ 14 – ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC DESMOND TUTU

BUỔI LỄ KỶ NIỆM: NHẢY MÚA TRÊN ĐƯỜNG PHỐ TÂY TẠNG

HỶ LẠC TỪ TÂM - ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA THỨ 14 – ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC DESMOND TUTU

Dịch: Thảo Yukimoon

-------o0o-------

“Hạnh phúc thật sự đến từ niềm vui của công việc đã được hoàn thành tốt, từ niềm say mê tạo ra những điều mới mẻ”.
BUỔI LỄ KỶ NIỆM: NHẢY MÚA TRÊN ĐƯỜNG PHỐ TÂY TẠNG - HỶ LẠC TỪ TÂM - ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA THỨ 14 – ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC DESMOND TUTU

Ở dưới cùng của một trong những tấm poster là một câu trích dẫn: “Hạnh phúc thật sự đến từ niềm vui của công việc đã được hoàn thành tốt, từ niềm say mê tạo ra những điều mới mẻ”. Đó là một câu trích dẫn của Antoine de Saint-Exupéry - tác giả của Hoàng tử bé, câu chuyện về một cậu bé xa nhà.

Khi chúng tôi rời khỏi thư viện, dàn hợp xướng các cô gái bắt đầu hát lại bài hát sinh nhật, và lần này có thêm một cây đàn Tây Tạng nữa.

Ngài Tổng Giám Mục và Đức Đạt Lai Lạt Ma được đưa đến chỗ hai chiếc ghế ở trung tâm của chiếc lều khổng lồ, nơi có treo những nút thắt vô tận và các biểu tượng khác của Tây Tạng. Xung quanh lều là các đường diềm màu đỏ, xanh lá cây và vàng. Dọc theo các cạnh của mái lều là những xâu chuỗi cờ cầu nguyện màu đỏ, xanh lá cây, vàng, trắng và xanh dương.

Gần hai nghìn trẻ em đã kiên nhẫn chờ đợi và sau đó được mời đứng dậy hát bài hát “If You’re Happy and You Know It” bằng tiếng Tạng. Vừa hát lũ trẻ vừa lúc lắc đầu, vỗ tay, lắc lắc hồng và dậm chân theo lời hát.

Những đứa trẻ ngồi khoanh chân ngoan ngoãn xung quanh Đức Đạt Lai Lạt Ma và Đức Tổng Giám Mục như những hoa văn trong một tấm thảm lớn. Các em trong khoảng 5-18 tuổi, học từ Mẫu giáo đến lớp Mười hai. Phía sau lũ trẻ là một số người lớn không biết bằng cách nào đã khám phá ra sự kiện này - và một người trong số họ đang vẫy vẫy lá cờ Nam Phi tràn đầy tinh thần yêu nước.

Đức Đạt Lai Lạt Ma đeo thiết bị nghe lên tai và bắt đầu nói chuyện với các em học sinh. Ngài quay sang người bạn mình, nói: “Vì Ngài cứ hay chê tiếng Anh của tôi rất kém, nên bây giờ tôi sẽ nói bằng tiếng Tây Tạng”. Đức Đạt Lai Lạt Ma vỗ vào cánh tay của Ngài Tổng Giám Mục một cách đùa cợt, khiến cho Đức Tổng Giám Mục phải giả bộ xoa xoa vào tay như thể bị thương. Lũ trẻ bật cười khúc khích nhìn hai người trưởng thành giảng hòa và nắm lấy tay nhau.

“Ngài Tổng Giám Mục Desmond Tutu là một trong những người bạn thân thiết nhất của thầy trên trái đất này,” - Đức Đạt Lai Lạt Ma bắt đầu. “Ngài ấy cũng đã và đang hỗ trợ cho sự nghiệp của người Tây Tạng một cách nhiệt tình. Các con là thế hệ có những người cha người mẹ phải chịu đau khổ, và các con cũng phải chịu nhiều đau khổ để có thể đến được nơi đây. Chính phủ Ấn Độ đã giúp chúng ta kể từ khi chúng ta bắt đầu cuộc sống lưu vong. Các tổ chức khác ở khắp nơi trên thế giới cũng đã giúp đỡ chúng ta, nhờ vào lòng tốt và tâm từ bi của họ mà các con có được cơ hội học tập tại đây. Vì vậy các con nên thật chăm học tập. Chúng ta đang trải qua một giai đoạn vô cùng khó khăn trong lịch sử đất nước, nhưng chúng ta có một nền văn hóa và ngôn ngữ thật sự rất phong phú. Vì vậy, cho dù các con là tu sĩ hay cư sĩ thì các con cũng nên đặt sự quan tâm khẩn thiết vào việc bảo tồn và phát huy văn hóa thông qua giáo dục. Văn hóa của chúng ta không nên chỉ tồn tại trong bảo tàng. Mọi người trên khắp thế giới đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề khó khăn và văn hóa của chúng ta có thể giúp đỡ thế giới.

Hôm nay, vị khách quan trọng ở đây là Ngài Tổng Giám Mục Tutu chứ không phải là thầy.”

Tiếp theo, đến lượt Đức Tổng Giám Mục đeo bộ thiết bị nghe lên, có một sợi dây nhỏ chạy dọc bên má xuống cổ và ôm vừa khít quanh tai của Ngài.

“Bây giờ chắc trong tôi giống Bono, phải không nhỉ?” – Ngài nói với một tiếng cười trong khi micro của Ngài vẫn đang được điều chỉnh.

“Thưa Đức Đạt Lai Lạt Ma, và tất cả các con – những đứa trẻ vô cùng xinh đẹp. Một số người đang ngồi tại đây thì không còn là trẻ con nữa đâu nhé. Thật là một vinh dự rất lớn lao và là một đặc ân cho bất cứ ai khi được hiện diện ở đây. Thầy và tất cả những người cộng sự của thầy đều rất, rất, rất tự hào và vinh dự khi được đến đây, tại Dharamsala này.

Và các thầy muốn nói mọi người ở đây, đặc biệt là những người trẻ, rằng: Có vẻ là một việc khó tin, nhưng một ngày nào đó các con sẽ được trở về một đất nước Tây Tạng tự do. Thầy và mọi người ở Nam Phi trong rất nhiều năm đã phải sống dưới một hệ thống chính trị bất công và áp bức. Và có nhiều, rất nhiều nhà lãnh đạo cũng như người dân của quốc gia thầy, bao gồm cả những đứa trẻ như các con đã phải sống lưu vong. Và tưởng chừng như các chuỗi bất công và áp bức đó sẽ không thể nào bị phá vỡ, tưởng chừng như các vị lãnh đạo của đất nước thầy đang phải ở đảo Robben – bị bỏ tù, sẽ không bao giờ còn có thể sống sót để trở về nhà. Nhưng rồi yow – ha ha!”

Ngay lập tức khán giả bật cười khi Ngài Tổng Giám Mục phát ra một tiếng kêu phấn khích và sau đó là tiếng reo hò chiến thắng.

“Nhưng rồi điều đó đã xảy ra. Nó thực sự đã xảy ra. Vào năm 1990, Nelson Mandela yêu quý của chúng ta và những người khác đã được ra tù. Và những người lưu vong cũng đã được trở về nhà.” – Đức Tổng Giám Mục dang rộng hai cánh tay như thể một cái ôm để chào đón họ về nhà. Sau đó, Ngài tiếp tục nói với sức mạnh của chính nghĩa và người tiên tri - như cách mà Ngài đã làm ở Nam Phi – đưa ra dự đoán về tương lai và kiên quyết với lời nói của mình: “Một ngày nào đó, tất cả các con cũng sẽ gặp lại Tây Tạng yêu dấu của mình. Các con sẽ được giải thoát khỏi sự áp bức đã từng đẩy các con phải đến đây”. Những tràng vỗ tay của lũ trẻ rộn rã cả không gian.

“Thầy rất vinh dự được làm bạn của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Thầy hay khoe khoang điều này ở những chỗ khác, Thầy giả vờ làm bộ khiêm tốn, và không nói cho quá nhiều người biết rằng thực ra Ngài ấy là một người bạn rất, rất thân yêu của thầy. Thầy chỉ nói: Ôi, các bạn biết không, ông ấy nghịch lắm. Ông ấy rất là phiền. Nếu mà tôi đội mũ là ông ấy sẽ dỡ nó ra khỏi đầu tôi rồi đội lên đầu ông ấy.

Các con biết sao không? Thế giới ủng hộ các con. Thế giới yêu mến Đức Đạt Lai Lạt Ma. Thầy cũng muốn gửi lời cảm ơn tới chính phủ Ấn Độ, những người Ấn Độ đã mở rộng vòng tay chào đón các con, bởi vì họ đã gìn giữ cho chúng ta một kho báu tuyệt vời. Họ gìn giữ cho chúng ta một kho báu vĩ đại mà nếu không thì đã bị mất đi rồi. Và vì vậy thầy muốn nói với các con, tất cả các con và mọi người ở đây... Ooh, nhìn xem các con xinh đẹp đến thế nào. Oh, yo, yo, yo, yo. Ooh Ooh! Một ngày nào đó, các con sẽ lại nhảy múa và ca hát trên đường phố Tây Tạng, quê hương của các con. Chúa phù hộ cho các con”.

Đến lúc này thì đám trẻ còn vỗ tay to hơn trước. Các em đã cố tỏ ra lịch sự và lễ phép, nhưng bạn có thể thấy được niềm hy vọng của chúng giờ đây đã được đánh thức như thế nào. Tôi nhìn gương mặt của những đứa trẻ, từ những cô bé, cậu bé học sinh lớp lớn sắp trở thành những chàng trai và cô gái trưởng thành, là thế hệ lãnh đạo tiếp theo của Tây Tạng, cho đến những em học sinh còn rất nhỏ, là những đứa trẻ mà ký ức về việc phải lìa xa gia đình vẫn còn rất mới và vết thương của sự chia ly vẫn còn chưa lành. Tôi cảm thấy trái tim mình nghẹn lại. Nước mắt bỗng chảy dài trên má khi tôi nhớ lại nỗi thống khổ của các em mà chúng tôi vừa được nghe khi ở thư viện, và hình dung về cảnh cha mẹ chúng cũng đang phải chịu khổ đau không kém. Không khó để tưởng tượng xem việc được nhảy múa trên đường phố Tây Tạng - đoàn tụ với gia đình mình - có ý nghĩa đến thế nào đối với lũ trẻ. Điều đó giá trị hơn tất cả mọi thứ.

Sau một vài câu hỏi của các học sinh lớp lớn, một chiếc bánh khổng lồ nhiều tầng với những cây nến chơi khăm của chúng tôi đã được mang lên sân khấu. Cùng lúc đó, các giáo viên bắt đầu đi phát những miếng bánh vuông nho nhỏ cho tất cả học sinh. Đó là một cách thật khéo léo để chia bánh, vì chúng tôi chắc sẽ mất cả ngày nếu phải cắt từng lát bánh rồi lần lượt chia cho mỗi bé.

Một nhóm học sinh lớp lớn lên sân khấu - lần này, một nhóm các cậu bé chơi guitar và trống khi dàn hợp xướng của các cô gái bắt đầu hát bài “We are the world?”. Ngay sau đó, toàn trường đã cùng cất tiếng hát chung với họ: “Chúng ta là cả thế giới, chúng ta là những đứa trẻ. Chúng ta là những người tạo nên một ngày tươi sáng hơn. Vì vậy, hãy bắt đầu trao tặng cho nhau”.

Mọi người cùng nhau đưa cánh tay lên đầu và vẫy tay theo điệu nhạc, khi đó Ngài Tổng Giám Mục cũng đứng dậy để nhảy điệu boogie vẫy tay với niềm vui không thể kiềm chế. Ngài khuyến khích cả Đức Đạt Lai Lạt Ma đứng dậy và nhảy múa cùng mình. Là một tu sĩ Phật giáo Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã thọ giới cấm nhảy múa, nhưng hôm nay Ngài đã đứng dậy để nhảy múa lần đầu tiên trong đời. Ngài bắt đầu lắc lư và đánh tay qua lại. Lúc đầu còn lúng túng như một cậu học sinh cấp hai trên sàn nhảy, sau đó Đức Đạt Lai Lạt Ma bắt đầu cười sảng khoái khi Đức Tổng Giám Mục cổ vũ Ngài. Họ nắm lấy tay nhau và đung đưa theo điệu nhạc, tôn vinh niềm hỷ lạc chân thật của tình bằng hữu, niềm hỷ lạc chân thật của mối liên hệ không thể phá vỡ giữa tất cả chúng ta, niềm hỷ lạc chân thật của một thế giới đại đồng.

Phía sau các Ngài là hai biểu tượng nút thắt vô tận của Tây Tạng được thêu đính vào mái lều, nó tượng trưng cho sự vô thường, sự phụ thuộc lẫn nhau của hết thảy sự sống, và cũng là sự hợp nhất của từ bi và trí tuệ. Giữa các nút thắt là hình ảnh hai chú cá vàng với đôi mắt mở to, tượng trưng cho chúng sinh hữu tình nhập thế với cặp mắt sáng suốt của trí tuệ và không sợ bị chìm đắm trong biển khổ sinh tử, giống như cá tự do bơi lội giữa dòng nước.

Khi bài hát của ban nhạc học sinh kết thúc thì Đức Tổng Giám Mục bắt đầu hát, giọng nam cao thông thường của Ngài đã nén xuống thành một âm trầm sâu lắng và vang dội: “Happy birthday to you... happy birthday to you... happy birthday, dear Your Holiness... happy birthday to you...".

Nối tiếp giọng hát của Ngài là ca khúc “Chúc mừng sinh nhật” được hát bằng tiếng Tây Tạng. Lúc này Đức Đạt Lai Lạt Ma đang cố dập tắt ngọn lửa từ đám nến đã cháy gần hết, nhưng ngọn lửa đã bắt đầu lan xuống chiếc bánh sinh nhật.

“Chờ đã, chờ đã” – Ngài Tổng Giám Mục ngăn lại, khuyên Đức Đạt Lai Lạt Ma đừng vội dập tắt ngọn lửa nhỏ đang bắt đầu cháy trên chiếc bánh, mà hãy thổi tắt nó đúng cách. Ngài quay lại lũ trẻ: “Thầy có thể mời một hoặc hai bạn nhỏ giúp các thầy thổi ngọn nến không? Hãy lên đây nào”. Có hai cô bé, một bé mặc đồng phục trường và một bé nhỏ hơn, thắt bím tóc, mặc một chiếc váy màu xanh lá cây, được đưa lên sân khấu giữa các Ngài.

“Một, hai, ba!” Họ thổi nến, nhưng sau đó ngọn lửa lại bùng lên. Ngài Tổng Giám Mục phì cười khi họ cứ thổi xong lửa lại cháy tiếp. Đến lần thứ ba, khi Ngài Tổng Giám Mục không thể nhịn nổi mà đứng đó cười, thì Đức Đạt Lai Lạt Ma cùng với hai đứa trẻ tiếp tục kiên trì thổi nến cho đến khi ngọn lửa tắt hẳn đi.

Những đứa trẻ được hướng dẫn cùng nhau giơ cao miếng bánh bằng cả hai tay và cùng nhau đọc tụng một lời cầu nguyện trước khi ăn, gửi lời cảm ơn đến các giáo viên, cảm ơn sự dạy dỗ của họ, cảm ơn cộng đồng - và có lẽ còn cảm ơn cho một ngày nào đó các em sẽ được đoàn tụ với gia đình.

-------o0o-------

Trích: “Hỷ Lạc Từ Tâm”
Đức Đạt Lai Lạt Ma Thứ 14 – Đức Tổng Giám Mục Desmond Tutu
Dịch: Thảo Yukimoon
Nhà Xuất Bản Đà Nẵng – Saigonbooks - 2019
Ảnh: Đức Đạt Lai Lạt Ma Thứ 14 – Đức Tổng Giám Mục Desmond Tutu  - Nguồn internet

 

Bài viết liên quan