XEM XÉT NHỮNG NỀN TẢNG CỦA MỘT MỐI QUAN HỆ - SỐNG HẠNH PHÚC - ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA & HOWARD C.CUTLER, M.D.

XEM XÉT NHỮNG NỀN TẢNG CỦA MỘT MỐI QUAN HỆ

SỐNG HẠNH PHÚC - ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA & HOWARD C.CUTLER, M.D.

Dịch: Nguyễn Trung Kỳ

---o0o---

Những cuộc chuyện trò với Đạt Lai Lạt Ma ở Arizona bắt đầu bằng cuộc thảo luận về những nguồn mạch của hạnh phúc. Và bất chấp việc ngài chọn sống như một tu sĩ, các nghiên cứu đã cho thấy hôn nhân là một nhân tố thực sự có thể đem lại hạnh phúc.
XEM XÉT NHỮNG NỀN TẢNG CỦA MỘT MỐI QUAN HỆ - SỐNG HẠNH PHÚC - ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA & HOWARD C.CUTLER, M.D.

 

Những cuộc chuyện trò với Đạt Lai Lạt Ma ở Arizona bắt đầu bằng cuộc thảo luận về những nguồn mạch của hạnh phúc. Và bất chấp việc ngài chọn sống như một tu sĩ, các nghiên cứu đã cho thấy hôn nhân là một nhân tố thực sự có thể đem lại hạnh phúc. Nó đem đến những mối dây thân mật và gần gũi làm gia tăng sự thỏa mãn về sức khỏe và cuộc sống nói chung. có hàng ngàn cuộc điều tra với người Mỹ và người châu Âu cho thấy rằng, nói chung, những người có gia đình tỏ ra hạnh phúc và thỏa mãn với cuộc sống hơn những người độc thân hoặc ở góa - đặc biệt khi so sánh với những người ly dị hoặc ly thân. Một cuộc điều tra cho thấy rằng sáu trên mười người Mỹ đánh giá cuộc hôn nhân của họ là “rất hạnh phúc” thì cũng chấm điểm cho toàn bộ cuộc sống là “rất hạnh phúc”. Khi thảo luận về chủ đề quan hệ con người, tôi nghĩ việc đưa ra chủ đề về nguồn mạch chung của hạnh phúc con người là quan trọng.

Vài phút trước cuộc hẹn với Đạt Lai Lạt Ma, tôi ngồi với một người bạn trên hành lang bên ngoài khách sạn ở Tucson và thưởng thức một ly nước giải khát. Nhắc đến các chủ đề về tình cảm và hôn nhân, mà tôi định đem vào cuộc phỏng vấn, bạn tôi và tôi chẳng mấy chốc bắt đầu thương hại cho những người độc thân. Trong khi chúng tôi nói chuyện, một cặp thanh niên trông khỏe mạnh, có lẽ là dân đánh gôn, có vẻ đang trong một kỳ nghỉ hạnh phúc ngay lúc đỉnh cao mùa du lịch, ngồi vào một bàn gần chúng tôi. Họ có dáng dấp của một cặp trung lưu - có lẽ không còn trong tuần trăng mật nữa, nhưng vẫn còn trẻ trung và chắc chắn đang yêu. Tuyệt thật, tôi nghĩ.

Ngồi chưa được bao lâu, họ bắt đầu cãi nhau.

“... Em đã bảo anh mình trễ rồi mà!” cô gái gay gắt, giọng nói khản đặc rất lạ lùng, tiếng the thé của những dây thanh âm bị ngâm nhiều năm trong khói thuốc lá và rượu. “Giờ thì mình không còn thời gian để ăn nữa. Em không nuốt nổi nữa đây!”

“… nếu em không mất thời giờ chuẩn bị lâu như vậy...” chàng trai đốp lại ngay, giọng nói nhẹ hơn, nhưng mỗi âm thanh đều chứa đầy sự khó chịu và thù ghét.

Lại cãi nhau. “Em xong cả nửa tiếng rồi. Anh mới là người còn phải đọc báo thì có ...”

Và cứ thế tiếp tục. Không ngưng được. Giống như kịch sĩ Hy Lạp Euripides đã nói: “Cưới đi, chuyện sẽ ổn thôi. Nhưng khi một cuộc hôn nhân thất bại, thì những người ấy sống ở nhà như trong hỏa ngục.”

Cuộc cãi vã leo thang nhanh chóng, đã đặt dấu chấm hết sớm cho những than vãn của chúng tôi về đời sống độc thân. Bạn tôi chỉ còn biết trợn mắt và trích một câu trong Seinfeld, anh nói: “Ôi dào ơi! Tôi thật muốn cưới vợ ngay đây!”

Chỉ vài khoảnh khắc trước đó, tôi hoàn toàn có ý định bắt đầu cuộc nói chuyện bằng cách xoáy vào ý kiến của Đạt Lai Lạt Ma về những niềm vui và đức hạnh của tình yêu và hôn nhân. Thay vì vậy, tôi vào căn phòng của ngài ở khách sạn và gần như trước khi ngồi yên vị, tôi đã hỏi: “Tại sao ngài cho rằng những mâu thuẫn thường nảy sinh trong hôn nhân?”

“Khi đương đầu với những xung khắc, dĩ nhiên là chuyện có thể rất phức tạp,” đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích. “Có thể có nhiều yếu tố xen vào đó. Vì thế, khi chúng ta cố tìm hiểu các trục trặc nảy sinh trong quan hệ, thì giai đoạn đầu tiên trong quá trình này là chủ động suy nghĩ về bản chất và cơ sở nền tảng của mối quan hệ đó.

“Vì thế, trước hết, người ta phải nhìn nhận rằng có những loại quan hệ khác nhau, và hiểu được sự khác nhau giữa chúng. Lấy thí dụ, tạm đặt vấn đề hôn nhân qua một bên, ngay cả trong những tình bạn thông thường, chúng ta có thể nhận ra rằng có nhiều kiểu bạn bè khác nhau. Một số tình bạn dựa trên sự giàu có, quyền lực hoặc địa vị. Trong những trường hợp này, tình bạn của họ còn tiếp tục chừng nào ta còn duy trì được tiền bạc, quyền lực và địa vị. Một khi những nền tảng ấy không còn nữa, tình bạn ấy cũng bắt đầu cắp nón ra đi. Mặt khác, có một loại tình bạn khác. Những tình bạn không dựa trên sự xét đến của cải, quyền lực và địa vị mà đặt trên cảm xúc thật của con người, một cảm xúc gần gũi trong đó có hương vị của sự chia sẻ và kết nối. Loại tình bạn này là cái tôi muốn gọi là tình bạn chân thật, vì nó không bị ảnh hưởng bởi tình trạng của cải, quyền lực hay địa vị của cá nhân, dù là tăng hay giảm. Nhân tố nuôi dưỡng một tình bạn chân thật là cảm xúc hay tình cảm. Nếu thiếu điều đó, ta sẽ không thể duy trì một tình bạn chân thật. Dĩ nhiên, chúng ta đã nhắc đến điều này trước đây, và tất cả những điều này là hiển nhiên, nhưng nếu ta đang gặp phải vấn đề trong quan hệ, thì thông thường điều rất hữu ích là hãy đứng sang một bên mà suy nghĩ về nền tảng của mối quan hệ ấy.

“Cũng thế, nếu ai đó đang gặp phải những vấn đề với người bạn đời của mình, thì điều hữu ích là xem lại nền tảng cơ sở của mối quan hệ. Chẳng hạn, anh vẫn thấy các mối quan hệ thường dựa rất nhiều vào sự thu hút tức thời về tình dục. Khi một đôi vừa gặp nhau, nhìn thấy nhau chỉ một vài dịp, họ có thể yêu điên cuồng và rất hạnh phúc,” ngài cười, “nhưng bất cứ quyết định gì về hôn nhân vào lúc ấy sẽ rất là mong manh. Theo một ý nghĩa nào đó, cũng như người ta có thể trở nên mất trí vì cường độ mạnh mẽ của nóng giận hay ghen ghét, thì một cá nhân cũng có thể theo cách nào đó trở nên mất trí do sức mạnh của sự đam mê hay dục vọng. Và đôi khi anh thậm chí có thể gặp phải những hoàn cảnh trong đó một người có thể cảm thấy: ‘Ôi, bạn trai hoặc bạn gái tôi không thực sự là người tốt, không phải người đàng hoàng, nhưng tôi vẫn cảm thấy cuốn hút nơi người ấy.’ Vậy, một mối hệ dựa trên những hấp dẫn ban đầu như quan thế là không đáng tin cậy, rất không bền vững, vì nó dựa vào một hiện tượng nhất thời chóng qua. Cảm giác ấy rất ngắn ngủi, vì thế sau một thời gian ngắn, sẽ chết.” Ngài nhịp nhịp ngón tay. “Vì thế chúng ta không ngạc nhiên lắm nếu loại quan hệ ấy gặp rắc rối, và một cuộc hôn nhân dựa trên nó sẽ chẳng chóng thì chầy gặp đủ thứ chuyện... Nhưng anh nghĩ gì nào?”

“Vâng, tôi đành phải đồng ý với ngài về điều đó thôi,” tôi trả lời. “Dường như trong bất cứ một mối quan hệ nào, ngay cả những quan hệ nồng nàn nhất, thì niềm đam mê ban đầu rồi cũng lắng xuống. Một nghiên cứu nọ đã cho thấy rằng những ai xem nỗi đam mê và lãng mạn ban đầu là cái cốt yếu cho mối quan hệ của họ thì đều có thể đi đến vỡ mộng và ly dị. Một nhà tâm lý học xã hội, Ellen Berscheid, tôi nhớ là ở Đại học Minnesota, đã xét vấn đề này và kết luận rằng việc coi trọng sự ngắn ngủi nửa vời của tình yêu đam mê có thể phá hỏng một mối quan hệ. Bà và các đồng nghiệp cảm thấy rằng sự gia tăng tỷ lệ ly hôn trong hai mươi năm qua phần nào đó có liên hệ với việc càng ngày người ta càng gán tầm quan trọng lớn hơn cho những kinh nghiệm tình cảm tích cực và cao độ trong đời họ - những kinh nghiệm như tình yêu lãng mạn. Nhưng vấn đề là những loại kinh nghiệm ấy có thể thực sự rất khó nuôi dưỡng theo thời gian...”

“Điều này dường như rất đúng,” ngài nói. “Vì thế, khi nói về những mối quan hệ của con người, anh có thể thấy được tầm quan trọng lớn lao của việc xem xét và tìm hiểu bản chất nền tảng của mối quan hệ.

“Bây giờ, trong khi một số mối quan hệ được đặt nền tảng trên sự hấp dẫn tức thời về tính dục, anh có thể có những kiểu quan hệ khác nữa, trong đó con người trong trạng thái tĩnh lặng của tâm trí sẽ nhận thúc rằng, nói về hình thức bề ngoài, bạn trai hay bạn gái tôi có lẽ không lôi cuốn lắm, nhưng cậu ấy, cô ấy quả thực là người tốt, một người tử tế, lịch thiệp. Một mối quan hệ được xây dựng trên đó tạo thành mối dây liên kết bền vững hơn nhiều, vì có một sự tương thông đích thực ở bình diện con người và cá nhân của hai bên...”

Đạt Lai Lạt Ma dừng trong chốc lát như thể đang nghiền ngẫm vấn đề cho kỹ, rồi nói thêm: “Dĩ nhiên, tôi phải nói lại cho rõ rằng người ta có thể có được một mối quan hệ tốt đẹp và lành mạnh có cả sự hấp dẫn tính dục như một thành phần trong đó. Vậy thì, hẳn có thể có hai loại quan hệ chính dựa trên sự thu hút về tính dục. Một loại thuần túy dựa trên ham muốn tình dục. Trong trường hợp này, động cơ hay sự thúc đẩy đằng sau mối liên kết thực sự chỉ là sự thỏa mãn chóng qua, cái khoái lạc nhất thời. Trong loại quan hệ ấy, mỗi cá nhân liên hệ với nhau không phải như những con người, mà đúng hơn là như những đồ vật. Loại quan hệ ấy không lành mạnh cho lắm. Nếu mối quan hệ chỉ đặt trên ham muốn tình dục mà không có một thành tố tôn trọng lẫn nhau, thì mối hệ hầu như trở nên giống việc mãi dâm, trong đó chẳng bên nào tôn trọng bên nào cả. Một mối quan hệ xây dựng chủ yếu trên ham muốn tình dục thì giống như căn nhà xây trên tảng băng, ngay khi băng tan, tòa nhà sẽ sụp đổ.

“Tuy nhiên, có một loại quan hệ thứ nhì, cũng dựa trên sự thu hút tình dục, nhưng trong đó sự hấp dẫn về thể xác không phải là nền tảng chủ yếu cho mối quan hệ. Trong loại quan hệ thứ hai này, có một sự thấu hiểu sâu xa giá trị của người kia, dựa trên việc ta cảm thấy người kia tốt, tử tế, hiền hậu, và theo đó, ta tôn trọng và đề cao người kia. Bất cứ mối quan hệ nào dựa trên điều đó sẽ lâu dài hơn, đáng tin cậy hơn. Nó thích đáng hơn. Và để thiết lập nên mối quan hệ ấy, điều trọng yếu là dành đủ thời gian để biết rõ nhau theo nghĩa đích thực, để biết rõ những đặc tính căn bản của nhau.

“Vì thế, khi bạn bè tôi hỏi tôi về việc hôn nhân của họ, tôi thường hỏi họ đã biết nhau được bao lâu. Nếu họ nói là vài tháng, khi ấy tôi thường nói: ‘Ô, thế thì quá ít.’ Nếu họ nói một vài năm, khi ấy xem ra tốt hơn. Vì họ không chỉ biết về khuôn mặt và hình dáng của nhau, mà tôi nghĩ là cả bản chất sâu xa hơn của người kia nữa...”

“Điều đó giống như câu trích của Mark Twain, không một ai biết tình yêu hoàn hảo thực sự là gì, chừng nào họ chưa cưới nhau được một phần tư thế kỷ...”

Đạt Lai Lạt Ma gật đầu nói tiếp: “Đúng... Vì thế, tôi nghĩ có nhiều vấn đề xảy ra chỉ vì chưa đủ thời gian để biết về nhau. Dù sao đi nữa, tôi nghĩ nếu người ta muốn xây dựng một mối quan hệ thực sự thỏa mãn họ, thì cách tốt nhất để mang lại điều này là tìm hiểu bản chất sâu xa của người kia, và quan hệ với nhau trên bình diện ấy, thay vì chỉ dựa trên các đặc tính bề ngoài. Và trong loại quan hệ này, có một vai trò dành cho sự yêu thương chân thật.

“Tôi đã nghe nhiều người tuyên bố rằng hôn nhân của họ có ý nghĩa sâu xa hơn là chỉ có quan hệ tình dục, rằng hôn nhân là hai người tìm cách ràng buộc đời sống họ với nhau, chia sẻ những thăng trầm của cuộc sống với nhau, chia sẻ một sự thân mật nào đó. Nếu lời tuyên bố ấy là thành thật, thì tôi tin rằng đó là nền tảng phù hợp để xây dựng một mối quan hệ. Một mối quan hệ lành mạnh cần phải bao gồm một cảm thức trách nhiệm và dẫn thân cho nhau. Dĩ nhiên, sự tiếp xúc về mặt thân xác, quan hệ tính dục phù hợp hoặc thông thường giữa hai người có thể đem lại một sự thỏa mãn nhất định, có thể có một tác động an thần cho mỗi người. Nhưng, xét cho cùng, về mặt sinh học, mục đích chính của một quan hệ tình dục là sinh sản. Và để thành công trong việc đó, anh cần phải có một cảm thức dấn thân cho con cái, để chúng được sống và vươn lên. Vì thế, phát triển một khả năng trách nhiệm và dấn thân là điều trọng yếu. Không có nó, mối quan hệ chỉ đem lại sự thỏa mãn tạm thời. Chỉ là giải trí mà thôi.” Ngài cười lớn, một nụ cười dường như thấm đẫm sự ngạc nhiên trước sự bao la của hành vi con người.

 

---o0o---

Trích: Sống Hạnh Phúc

Tác giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma và Howard C.Culter, M.D.

Dịch: Nguyễn Trung Kỳ

NXB Lao Động - NXB Nhã Nam

Ảnh nguồn Internet

Bài viết liên quan