KINH THỦ LĂNG NGHIÊM GIẢNG KÝ - HT. THÍCH THÔNG PHƯƠNG

HAI THỨ CĂN BẢN

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM GIẢNG KÝ

HT. THÍCH THÔNG PHƯƠNG

–––––o0o–––––

Thế nào là hai thứ căn bản? A-nan! Một là căn bản sanh tử từ vô thủy, chính là hiện nay ông và chúng sanh dùng tâm phan duyên làm tự tánh. Hai là Bồ-đề Niết bàn nguyên thanh tịnh thể từ vô thủy, tức là cái thức tinh nguyên minh của ông hiện nay hay sanh ra các duyên mà bị các duyên bỏ rơi nó.
KINH THỦ LĂNG NGHIÊM GIẢNG KÝ - HT. THÍCH THÔNG PHƯƠNG

CHÁNH VĂN:

“Phật bảo A-nan: “Tất cả chúng sanh từ vô thủy đến nay, các thứ điên đảo giống nghiệp tự nhiên nhóm lại như chùm ác-xoa. Những người tu hành không thành được đạo Vô thượng Bồ-đề mà chỉ thành Thanh Văn, Duyên Giác, ngoại đạo, chư Thiên, Ma vương và quyến thuộc của ma, đều do chẳng biết hai thứ căn bản, tu tập sai lầm, cũng như nấu cát mà muốn thành cơm, dù trải qua nhiều kiếp trọn không thể được.

Thế nào là hai thứ căn bản? A-nan! Một là căn bản sanh tử từ vô thủy, chính là hiện nay ông và chúng sanh dùng tâm phan duyên làm tự tánh. Hai là Bồ-đề Niết bàn nguyên thanh tịnh thể từ vô thủy, tức là cái thức tinh nguyên minh của ông hiện nay hay sanh ra các duyên mà bị các duyên bỏ rơi nó. Do chúng sanh bỏ rơi tánh bản minh này, nên tuy trọn ngày động dụng mà chẳng tự biết, uổng trôi vào trong các cõi.”

GIẢNG GIẢI:

Đây là Phật chỉ ra hai thứ căn bản: Cái gốc đi vào sanh tử luân hồi và cái gốc trở về Bồ-đề Niết-bàn. Nói đơn giản hơn là gốc của mê và ngộ. Trên đường tu giác ngộ phải nắm vững điểm này. Trước, Phật trách cho cái mê lầm điên đảo của chúng sanh, từ vô thủy đến nay các thứ điên đảo, giống nghiệp tự nhiên nhóm lại như chùm Ác-xoa. Vô thủy không phải là kiếp trước, mà từ lúc bất giác ban đầu cho đến bây giờ. Điên đảo là cái thấy lộn ngược. Nghĩa là mê chân mà nhận vọng, rồi lấy vọng làm chân. Hiện tại tuy biết vậy, mình cũng còn hơi hám đó chứ chưa hết. Bảo sống với cái chân, ai nghe cũng thích nhưng bảo làm thì không ai chịu làm vì còn mê lầm, điên đảo nhiều đời. Từ cái mê lầm, điên đảo huân thành những hạt giống nghiệp gọi là chủng tử, rồi theo những nghiệp đó mà chịu khổ, cho nên gọi là hoặcnghiệp-khổ như một chùm Ác-xoa. Ác-xoa là một loại quả bên Ấn Độ, thường sanh ra một chùm ba trái. Như do cái hoặc mê lầm, điên đảo rồi huân thành các chủng tử nghiệp. Do huân thành những chủng tử nghiệp mới chịu khổ lâu dài trong sanh tử, thành một chùm Hoặc-Nghiệp-Khổ. Ở trong đó lại chồng thêm hoặc nữa, tức là mê lầm chồng chất sâu thêm nữa, mỗi một lần sanh ra thì chồng thêm lớp mê nữa, rồi lại tạo nghiệp thêm nữa, rồi chịu khổ nữa. Trong khổ đó chồng thêm lớp hoặc nữa, đến bây giờ không biết bao nhiêu lớp. Bây giờ biết phát tâm Bồ-đề tu hành trở về giác ngộ nhưng vẫn còn bị nó che. Nghe biết, thấy hay nhưng chưa hết lòng để làm.

Trong kinh nói rõ chúng sanh bị ba thứ hoặc, nghiệp, khổ, lẩn quẩn trong đó thành kiếp của chúng sanh. Kiếp sống của chúng sanh chúng ta là như vậy đó chứ không gì hết, đừng có tự hào. Sống như vậy có gì vui không, có ý nghĩa gì không mà cứ chìm sâu trong đó, không chịu quay đầu trở lại?! Đó là chỗ Phật thức tỉnh chúng sanh. Phật dạy: “Những người tu hành không thành Vô thượng Bồ-đề, mà chỉ thành Thanh Văn, Duyên Giác, ngoại đạo, chư Thiên, Ma vương, quyến thuộc của ma”. Người có chí tu, có tỉnh, biết tu hành, nhưng không thành tựu được Vô thượng Bồ-đề mà lại thành Thanh Văn, Duyên Giác tức cũng còn giữa đường, trong kinh Pháp Hoa gọi là hóa thành chứ không phải bảo sở. Nhưng thành Thanh Văn, Duyên Giác cũng còn tốt, xa hơn nữa là rơi vào chư Thiên, ngoại đạo, Ma vương và quyến thuộc của ma thì thật đáng tiếc vô cùng. Như vậy lỗi tại ở chỗ nào? Đó là do không biết hai thứ căn bản mà tu tập lầm lộn. Tu giải thoát mà lấy vọng làm nhân cầu quả thật thì sao có được.

Lấy nhân sanh diệt mà tu thì được quả sanh diệt, còn muốn được quả không sanh diệt thì phải lấy nhân không sanh diệt mà tu. Nhân không sanh diệt là gì? Là chân tâm. Y theo chân tâm mà tu thì bảo đảm được quả không sanh diệt. Còn y theo vọng tâm này mà tu thì bảo đảm được quả sanh diệt, rõ ràng vậy thôi. Như là nấu cát mà muốn thành cơm thật uổng công.

Đây, Phật chỉ ra hai thứ căn bản:

1. Một là căn bản sanh tử từ vô thủy. Cái gốc sanh tử từ vô thủy kiếp đến nay, tức là từ lúc mới bất giác tới bây giờ. Chính là hiện nay đây các ông và chúng sanh dùng tâm phan duyên làm tự tánh. Không phải chỉ một mình Ngài A-nan thôi mà chỉ chung tất cả chúng sanh – có mình trong đó – do dùng tâm phan duyên làm tự tánh. Nếu còn sống với cái này là còn sanh tử dài dài, không ra khỏi. Sao gọi là dùng tâm phan duyên làm tự tánh? Phan duyên là tâm chạy theo cảnh, chạy theo trần, luôn luôn duyên ra bên ngoài, sống hướng ngoại. Đa số chúng ta sống hướng ngoại, thành thói quen. Tức là luôn luôn nương tựa duyên mà sống, có duyên là còn, mất duyên thì chết. Đã biết tu rồi, ngồi thiền bảo tâm đừng duyên gì hết, chịu không nổi. Tâm phải luôn luôn có duyên cái gì đó, hay duyên vào pháp tu cho có chỗ duyên. Ngồi mà không duyên chỗ nào hết thì ngủ, không biết gì hết. Nếu thật sự sáng rồi thì không duyên chỗ nào hết vẫn rõ ràng thường biết. Đó mới là chỗ sống của người giác ngộ. Không học đạo làm sao thấy được chỗ này?! Thường sống theo duyên, nhưng duyên luôn thay đổi, không đứng yên một chỗ để cho mình bám. Như vậy tâm cũng phải chuyển theo, cho nên bị lưu chuyển trong sanh tử. Lưu chuyển tức luôn bất an, sống trong bất an là khổ. Phật gọi vô thường, khổ, vô ngã là tam pháp ấn. Đây mới là cái khổ lớn của chúng sanh, chứ không phải cái khổ thiếu ăn, thiếu mặt, đói khát. Như vậy, dùng tâm phan duyên làm tự tánh là căn bản sanh tử từ vô thủy mà chúng sanh lầm trong đó.

2. Hai là thể Bồ-đề Niết-bàn vốn sẵn thanh tịnh từ vô thủy. Tức là cái thanh tịnh này là thể sẵn từ trong tự tánh, chứ không do tạo tác. Thể Bồ-đề Niết-bàn với căn bản sanh tử, hai cái đều từ vô thủy, đi song song với nhau. Tức là ngay trong sanh tử vẫn có sẵn cái thể thanh tịnh này, không phải rời ngoài sanh tử riêng có Bồ-đề Niết-bàn. Nói theo kinh Kim Cang: “Sanh tử tức không phải sanh tử”. Vậy người khéo thì ngay sanh tử liền ngộ thể Bồ-đề Niết-bàn, không phải tìm đâu xa. Đó là con đường đốn giáo, Thiền tông cũng đi theo con đường này. Ngay sanh tử ngộ ra Niết-bàn, nhận ra Niết-bàn. Nhưng ít ai chịu nhận.

Cái thể nguyên sẵn thanh tịnh từ vô thủy đó là gì?

Thể đó là thức tinh nguyên minh của mỗi người hiện nay đây chớ không đâu khác. Nó hay sanh ra các duyên mà lại bị các duyên bỏ sót nó. Đó là chỗ các ông phải ngộ trở lại. Thức tinh là cái gì? Chữ tinh là tinh ròng; nguyên là ban đầu, tinh khôi chưa lẫn lộn, chưa biến đổi. Vậy thức tinh tức là cái thức còn nguyên từ ban đầu chưa bị thay đổi, chưa bị che mờ. Đó là chỉ cho cái gốc của các thức, còn nguyên ban đầu. Hay nói rõ hơn là cái gốc rõ biết sẵn có từ ban đầu, không phải cái thức phan duyên này. Cái thức phan duyên này có duyên nó mới biết, nó sống ký sanh. Còn nguyên minh là cái sẵn sáng suốt từ ban đầu. Đây mới là thể Bồ-đề Niết-bàn, cái thể này là thể chung cho các thức. Trong thể này lần lượt sanh ra các thức. Các thức sanh ra rồi dậy sóng theo duyên, quên mất chính nó. Gọi là nhận các duyên làm tự tánh. Đó là chỗ phân chia mê ngộ đi vào các cõi.

Chính vì chúng sanh bỏ rơi cái tánh bản minh sẵn đó cho nên trọn ngày động dụng mà không tự biết, uổng trôi vào các cõi, bị lưu chuyển. Mình giải theo chữ nghĩa quen rồi mắc kẹt chữ nghĩa hoài, giờ nói rõ hơn. Thức tinh nguyên minh là cái thể biết vốn sẵn ở trong tự tánh. Nó sẵn ở trong tự tánh cho nên gọi là ban đầu, nó còn tinh chứ không phải là cái theo duyên. Đây là cái biết vốn sẵn ở trong tự tánh, tức là cái biết còn nguyên thủy từ ban đầu, không phải nhờ duyên mới biết. Nhưng nó lại không giữ tự tánh lại hay sanh các duyên. Tức là nó biết tất cả, biết cái này, biết cái kia, biết cái nọ, biết đủ thứ hết. Rồi nó tự đồng hóa nó với những thứ biết kia. Buồn nó thành cái buồn, vui nó thành cái vui v.v… thành đủ thứ sai biệt. Chính vì đồng hóa với các thứ biết kia thành ra quên mất chính nó, lấy mấy cái kia làm tự tánh. Đó là bỏ rơi cái bổn minh, tức là cái vốn sáng suốt sẵn có, là cái biết sẵn có, cho nên mới thành mê. Rồi trọn ngày động dụng mà tự mê không còn tự nhớ biết, chỉ có nhớ cái biết theo duyên đó thôi. Cho nên mới trôi vào các cõi thành lưu chuyển. Như vậy thì ngay trong sanh tử có “thể” Bồ-đề Niết-bàn rõ ràng. Nói uổng trôi vào các cõi thành lưu chuyển, chứ sự thật nó vẫn sẵn đó thôi, không trôi đi đâu hết. Cho nên mình học không để mắc kẹt chữ nghĩa. Nghe nói trôi, cho rằng nó trôi thì không phải vậy. Nó sẵn thanh tịnh từ vô thủy thì có trôi đi đâu. Nếu thật nó bị trôi theo các duyên tức là nó bị sanh diệt. Cho nên mới thấy rõ nghĩa Phật nói không sai, dùng chữ rất chính xác, “uổng trôi” thôi, không phải “thật trôi”. Tức là luống uổng mà bị trôi theo, thật đáng tiếc! Học kinh vậy mới thấy lý thú, chứ còn đọc chữ nghĩa không thì không thấy cái gì hay hết.

Như vậy, Phật muốn đánh thức chúng ta mỗi người phải tự nhớ trở lại, không phải “thật có trôi”. Vậy thì ngay đây ai ngộ được thì liền ngồi tại quê nhà. Chỗ này mỗi người cần quán sâu, quán kỹ chớ bỏ qua. Ngộ chỗ này rồi là vào thiền liền, mê chỗ này thì rời khỏi thiền. Thiền là ngay chỗ này, mê ngộ cũng ngay chỗ này, làm chúng sanh làm Phật cũng ngay chỗ này. Thành ra mình thấy được con đường Đốn giáo rõ ràng. Tất cả phải nghiền ngẫm kỹ để thấy nếu không có Phật thì ai có thể chỉ ra chỗ này cho chúng ta? Mới thấy ân Phật quá lớn đối với chúng sanh. Bây giờ được chỉ ra rồi mà không để toàn tâm thể nhận thì có phải phụ ơn lớn của Phật không? Người tu sáng được chỗ này mới cảm sâu ơn Phật, không thì chỉ nói suông ngoài miệng thôi. Hồi xưa Phật chỉ dạy, bây giờ tôi khơi thêm một lần nữa cho tất cả, mới thấy duyên lành hy hữu. Bao giờ quý vị gặp lại được lần nữa? Vậy mà không trân quý hay sao? Đó là chỗ mình phải biết để tu. Phật đã chỉ ra hai thứ căn bản, mình quán kỹ, hiểu sâu chỗ này tu suốt đời không hết.

Đây tóm tắt lại cho tất cả nắm rõ: Chính cái biết này là mê, cũng chính cái biết này là ngộ, không có cái gì khác chen vào. Nếu có cái gì khác chen vào thành hai người sao? Trong một mình mà có hai người, thì thành Phật phải thành hai ông Phật, không có chuyện đó. Vậy mê cũng cái biết này, ngộ cũng cái biết này, làm chúng sanh cũng cái biết này, làm Phật là cũng cái biết này. Ngay đó ngộ được chưa? Không ai khác chen vào thì còn phải đợi cái gì nữa? Cho nên người tu tới cuối cùng chuyển thức thành trí, tức chưa tu nó là thức, tu rồi nó là trí, thể đó vẫn không hai. Rõ thấu được đây rồi không còn phải sợ ai chê khen hay chỉ trích gì nữa hết. Người ta có chê cách mấy đi cũng không chạy khỏi cái biết này để mà chê. Tức là khi anh chê thì anh cũng lấy cái biết để chê cái biết, rõ ràng. Chớ còn anh là gỗ đá thì thôi khỏi chê. Mình thấy được chỗ này thì cười thôi, chê người ta mà mình cũng dính trong đó.

Nói xa hơn nữa, có những vị tu Thoại đầu nghe nói tới cái biết này liền chê. Nhưng các vị ấy quên rằng cây đá đâu có biết tham câu thoại đầu. Thứ hai, lúc tham mà không thật có biết câu thoại đầu thì lúc đó là vào hang quỷ rồi. Còn người tham thoại đầu thì phải rõ biết câu thoại đầu rõ ràng mới là sáng suốt, rồi mới thành khối nghi được. Nếu không có biết thì có nghi được không? Cái gì biết nghi? Thành ra cũng không chạy khỏi cái biết này. Rồi đến khi ngộ thì có biết không? Hiểu vậy rồi thì mình yên tâm tu tập. Cho nên, đây là chỗ mình cần phải quán sâu, cho thấu tột ngọn nguồn chứ không phải chỉ bàn luận ở trên chữ nghĩa thôi. Khi rõ rồi mới thấy cũng một chữ “biết” này, tùy người hiểu có cạn có sâu theo trình độ căn cơ. Đừng vội nghe “biết” liền chê. Thí dụ cái biết từ người đã sáng được tâm nói ra thì không giống với cái biết của người từ tâm phân biệt mà nói. Như người từ tâm sáng nói ra thì đó là cái biết chân thật. Nhưng người nghe đem tâm phân biệt, nghĩ về cái biết đó, thì cái biết đó là cái biết vọng. Nếu đem tâm sáng suốt để hiểu được cái biết đó mới thấy giá trị của cái biết đó. Cho nên tùy trình độ, không thể gộp chung. Mới thấy chỗ này rất sâu xa không thể xem thường.

–––––o0o–––––

Trích” Kinh Thủ Lăng Nghiêm Giảng Ký”

Dịch bản Kinh: H.T Thích Phước Hảo

Giảng: H.T Thích Thông Phương

Nhà Xuất Bản Hồng Đức

Bài viết liên quan