PHÓNG QUANG - KINH THỦ LĂNG NGHIÊM GIẢNG KÝ

PHÓNG QUANG

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM GIẢNG KÝ

–––––o0o–––––

Trong Tín Tâm Minh, Tam Tổ Tăng Xán nói: “Vô tại bất tại, thập phương mục tiền”. Vô tại bất tại: Không ở đây mà không chẳng ở đây, mười phương ngay trước mắt. Mười phương ở ngay trước mắt thì không phải có ở đây hay ở kia. Tức là tâm của bậc giác ngộ thấy suốt như vậy.
PHÓNG QUANG - KINH THỦ LĂNG NGHIÊM GIẢNG KÝ

CHÁNH VĂN:

“Khi ấy Đức Thế Tôn từ trên cửa mặt phóng các thứ hào quang. Hào quang ấy sáng chói như trăm ngàn mặt trời, khắp các cõi Phật, sáu thứ chấn động. Bấy giờ mười phương các cõi nước như số vi trần đồng thời hiện ra. Do oai thần của Phật khiến các thế giới hiệp thành một cõi. Trong cõi ấy, có các vị Bồ-tát lớn đều ở nơi nước của mình chắp tay lắng nghe lời Phật dạy.”

GIẢNG GIẢI:

Trước khi Phật chỉ dạy, Ngài dùng hình ảnh phóng quang để ngầm chỉ cho người khéo lanh lợi sẽ nhận được những ý khó nói, khó bàn. Trên khuôn mặt phóng các thứ hào quang: hào quang xanh, vàng, trắng, đỏ v.v… soi khắp các cõi Phật, sáng hơn cả trăm ngàn mặt trời. Một mặt trời thôi mình chịu không nổi, ở đây tới hơn cả trăm ngàn mặt trời chắc ai cũng lóa mắt hết?! Nhưng không phải vậy. Hào quang này sáng chói hơn cả trăm ngàn mặt trời nhưng trong đại chúng ai nhìn cũng bình thường, không bị chói mắt. Đó là đặc biệt. Hào quang đó soi khắp các cõi Phật, làm cho sáu điệu chấn động, các cõi Phật ở mười phương nhiều như các bụi, đồng thời hiện ra rồi hợp lại thành một cõi. Trong khi đó, các vị đại Bồ-tát ở nơi các cõi đó vẫn ở nơi cõi nước của mình chắp tay lắng nghe lời Phật ở bên Ta-bà này.

Đó là những điểm mình phải chú ý mới thấy được trong đó ngầm chỉ cái gì. Ở đây, Phật phóng hào quang thuyết pháp, chứ không phải phóng hào quang để biểu diễn thần thông. Tức là biểu hiện pháp thấy trực tiếp không qua lời nói. Chỗ chân thật không thể nói mà phóng hào quang là gián tiếp một lớp rồi. Nếu nói ra lại thêm một lớp nữa, theo lời nói suy nghĩ là qua một lớp nữa cho nên đi xa dần dần. Vậy thì từ khuôn mặt - nhớ kỹ là từ khuôn mặt - phóng các thứ ánh sáng, ánh sáng này sáng hơn cả mặt trời nhưng không làm cho người chói mắt. Đó là chỗ ngoài thức tình của mình suy nghĩ. Ngay cửa mặt, phóng ánh sáng ra soi khắp cả cõi nước mười phương, sáu điệu chấn động. Đó là ngầm chỉ ngay căn tánh hiện tiền của mình đây, phát minh ra tâm tánh chân thật sáng suốt thì nó sẽ soi khắp mười phương, không có gì ra khỏi nó, không cần cầu đâu khác nữa. Sáu điệu chấn động tức là sáu cách rung động.

Sáu cách chấn động này về sự thì có ba thứ thuộc về hình, và ba thứ thuộc về thanh. Ba thứ thuộc về hình: Thứ nhất là động, tức là nó lay động không yên. Thứ hai là khởi, là từ thấp dần dần lên cao. Thứ ba là dũng, tức bỗng nhiên nó vọt lên. Ba thứ thuộc về thanh: Thứ nhất là thuộc về chấn, tức là phát ra tiếng động âm ỉ, âm ỉ. Thứ hai là thuộc về hống, là tiếng động giống như một tiếng rống mạnh mẽ của loài thú, mạnh hơn tiếng chấn kia. Thứ ba là kích, tức là phát ra tiếng dội ầm ầm. Sáu cách chấn động đó là nói về sự. Còn về lý. Đây muốn nói vô minh và tình chấp kiên cố của người, ngay đây đều bị chấn động, lung lay tận gốc để rồi tan biến, lộ bày ra tánh thật.

Ngay khi ánh sáng này phóng ra, trong chúng hội thấy rõ suốt hết mười phương cõi nước hiện trước mắt, rồi thông làm một cõi không còn cách biệt cõi này, cõi kia nữa. Người lanh lợi thì ngay đây ngộ liền. Mười phương cõi nước thông làm một cõi, không còn ranh giới ngăn cách kia đây, không còn gì chướng ngại, tức là ngay đây cái thấy thấy suốt qua tất cả, không có gì chướng ngại. Nếu phát minh được lẽ thật đó, tức thấy suốt qua hết.

Trong Tín Tâm Minh, Tam Tổ Tăng Xán nói: “Vô tại bất tại, thập phương mục tiền”. Vô tại bất tại: Không ở đây mà không chẳng ở đây, mười phương ngay trước mắt. Mười phương ở ngay trước mắt thì không phải có ở đây hay ở kia. Tức là tâm của bậc giác ngộ thấy suốt như vậy. Ngài Tăng Xán sanh sau Phật hơn cả ngàn năm mà cái thấy của Ngài khi giác ngộ cũng khế hợp với kinh, khế hợp với Phật không khác. Cũng để chứng minh cho lẽ thật này có đủ nơi mỗi người, chứ không phải chỉ riêng Phật thôi. Vì vậy ai tỏ ngộ đều thấy như nhau, không khác. Người tỏ ngộ rồi nghe tới đây sáng tỏ liền, không còn nghi. Tuy nhiên, cái thấy như Phật nhưng hạnh, đức chưa bằng Phật nên còn phải tu, không phải thấy như Phật là bằng Phật liền.

Thiền sư Viên Chiếu một lần lên tòa thuyết pháp, Ngài nhìn khắp đại chúng bảo: “Các ông hãy xem kìa, ánh sáng rực rỡ tốt lành đang chiếu soi khắp cả thế giới Tam thiên Đại thiên. Cả thảy trăm ức vi trần cõi nước, trăm ức biển cả, trăm ức núi Tu-di cho đến trăm ức mặt trời, mặt trăng ở bốn châu thiên hạ, cả đến những cõi Phật nhiều như vi trần đều cùng một lúc hiện ra trong ánh sáng này hết. Các ông có thấy không? Nếu thấy được thì chính các ông đang tự mình ở trong ánh sáng đó, nếu không thấy được thì cũng chớ có nói là ánh sáng tốt lành đó không có chiếu soi. Hãy tham cứu kỹ đi”. Cũng ánh sáng chân thật này, Ngài Viên Chiếu khai thị cho đại chúng. Thiền sư Viên Chiếu cũng là một con người như chúng ta mà Ngài thấy được ánh sáng đó, tại sao mình không thấy được? Ngài bảo nếu các ông không thấy được thì cũng chớ bảo ánh sáng này không có chiếu soi. Mỗi người hãy tự xét lại xem, tại nó không chiếu soi hay mình bỏ quên nó? Sáng được chỗ này, sẽ chuyển cái mê từ vô thủy kiếp. Đó là lẽ thật ngay nơi mình. Cái thấy của mình hiện giờ rất hạn hẹp. Nhìn bức tường là không thấy ra bên ngoài. Còn ở đây thấy suốt cả mười phương. Đã sống với cái thấy hạn hẹp của mình, mà nhiều người vẫn còn mê, bị vô minh che, ỷ lại, tự hào vào cái thấy của mình rồi sanh ngã mạn, kiêu ngạo. Tuy nghe Phật nói vậy cũng còn bị che. Có khi trong nhà hay trong chùa cũng thấy ngăn ngại với nhau nữa, đừng nói chi mười phương. Nằm hai đơn kế nhau, mà thấy chướng ngại nhau là cách biệt rồi. Khi cái ngã khởi lên che thì chung quanh chỉ thấy có cái ngã thôi. Mình tưởng chấp ngã là cao nhưng sự thật càng chấp ngã càng nhỏ lại, càng hẹp lại. Xả được nó thì càng rộng lớn, càng thênh thang, dù cho trăm ngàn cảnh vật ở trước mắt cũng thấy suốt hết. Tất cả chúng ta ở trong cái rộng lớn thênh thang như vậy mà không chịu nhận, lại tự nhốt mình ở trong cái nhỏ hẹp để chịu khổ. Phật gọi vô minh là đúng thực tế, chứ không nói bức ép mình, thiệt thòi mình.

Trong kinh có thêm một điểm nữa: Bấy giờ trong cõi nước thông hợp tất cả đó, các vị Bồ-tát lớn đều ở ngay cõi nước của mình lắng nghe lời Phật ở cõi Ta-bà này. Sướng không?! Vẫn ngồi ngay tại cõi nước của mình mà nghe tiếng pháp từ xa, không phải đi đâu hết. Tức là phát minh ra ánh sáng này thì ở trong đó thấy nghe các trần, không rời khỏi tự tánh, không đánh mất mình, không quên mình theo vật. Nghe được vậy là đâu có bị thanh trần chi phối. Ngược lại hễ nghe cái gì dính cái đó, quên mất tự tánh là rời khỏi bổn quốc. Nghe cái gì là phải đi đến chỗ đó mà nghe, không ngồi tại chỗ nghe được là mê tự tánh.

Thiền sư Cảnh Thanh một hôm đang ngồi, có ông tăng đứng kế bên, bên ngoài trời đang mưa.

Ngài hỏi: “Bên ngoài là tiếng gì vậy?”

Ông tăng đáp: “Tiếng mưa rơi”.

Ngài bảo: “Chúng sanh điên đảo quên mình theo vật”.

Đó là nghe mà rời khỏi bổn quốc rồi cho nên gọi là chúng sanh điên đảo, quên mình theo vật.

Ông tăng hỏi lại: “Còn Hòa thượng thì sao?”

Ngài đáp: “Vẫn chẳng quên mình”.

Ngài nghe mà vẫn không rời cõi nước của mình, vẫn chẳng quên mình. Nghe thì nghe nhưng vẫn ngồi tại cõi nước của mình thôi. Người lanh lợi ngay đó ngộ liền. Cho nên phóng ánh sáng đó là thuyết pháp, chớ không phải phóng ánh sáng biểu diễn thần thông. Nếu không học thiền, không thấy được ý ngoài lời, thì đọc kinh Đại thừa, nghe những đoạn như thế này chỉ nghĩ Phật thần thông cao siêu, rồi càng tưởng tượng ra thêm, không thấy được ý Phật thuyết pháp, thấy như chuyện của Phật không dính gì tới mình. Như vậy cũng để ngầm chỉ lẽ thật sẵn có ở nơi mình, nơi tất cả mọi người, chứ không phải chỉ có trong hội Lăng Nghiêm ngày xưa thôi. Phật thuyết pháp là để chỉ bày cho chúng sanh. Bây giờ mình thấy được ý Phật là đền ơn Phật, là hợp ý Phật. Và sáng được chỗ này thì mới thấy được đời tu thật có ý nghĩa. Nếu khéo nghiệm kỹ mới thấy một đoạn ngắn này thôi, chúng ta sống qua vô lượng kiếp cũng không hết. Đó mới là chỗ học của kinh Lăng Nghiêm, chứ không phải học phân tích chữ nghĩa.  Đừng học một chút rồi tự mãn, đóng kín cửa lòng mình, sẽ không thấy được những phương trời sâu xa rộng lớn. Đừng để cái ngã này che mờ, gạt mình. Như vậy càng học mình sẽ càng mở sáng ra nhiều vấn đề.

–––––o0o–––––

Trích” Kinh Thủ Lăng Nghiêm Giảng Ký”

Dịch bản Kinh: H.T Thích Phước Hảo

Giảng: H.T Thích Thông Phương

Nhà Xuất Bản Hồng Đức

 

Bài viết liên quan