MỘT BẬC THẦY TÔN QUÝ - ĐẠO SƯ UỐNG RƯỢU - DZONGSAR JAMYANG KHYENTSE

MỘT BẬC THẦY TÔN QUÝ

ĐẠO SƯ UỐNG RƯỢU

DZONGSAR JAMYANG KHYENTSE

---o0o---

Một bậc thầy tốt thì giống như một bậc cha mẹ, người có mối quan tâm duy nhất là giúp bạn thấm nhuần những thói quen tốt nhất có thể.
MỘT BẬC THẦY TÔN QUÝ - ĐẠO SƯ UỐNG RƯỢU - DZONGSAR JAMYANG KHYENTSE

Mang đến cho bạn một môi trường đức hạnh

Một bậc thầy tốt thì giống như một bậc cha mẹ, người có mối quan tâm duy nhất là giúp bạn thấm nhuần những thói quen tốt nhất có thể. Một bậc thầy khiến cho bạn trở nên hào phóng, kỷ luật, kiên nhẫn, chịu khó, khích lệ bạn không được xao lãng, và có ảnh hưởng dẫn dắt bạn tìm kiếm sự thật, tánh không, sự vô lượng vô biên chính là bậc thầy mà bạn có thể tin tưởng. Một bậc thầy sẽ mang lại cho bạn những môi trường thiện hạnh, nơi bạn sẽ không bao giờ bị dựng dậy và dính mắc vào những giá trị thế tục của luân hồi như danh tiếng, bổng lộc, sự chú ý, là một sự dẫn dắt giá trị lớn.

Đã điều phục được thân, khẩu, và ý

Nếu bậc thầy còn phóng dật trong thân, khẩu và ý thì làm sao vị ấy có thể phục được tâm thức của người khác? Một bậc thầy còn nóng giận, phân biệt môn phái, bị ô nhiễm với những định kiến, những ám ảnh, sự ghen tị hay cạnh tranh, sân si thì cơ hội có thể dẫn dắt đệ tử một cách hiệu quả là rất mong manh.

Nhẹ nhàng và dịu dàng

Longchenpa nói rằng trong thời đại suy thoái này, chúng sinh có những cung bậc cảm xúc ở mức độ cao nhất và do đó rất mong manh. Bậc thầy phải thị hiện sự chăm sóc từ ái và tình yêu thương cao tột đối với đệ tử, nói với phong cách và những ngôn ngữ nhẹ nhàng nhất. Phê bình và trách mắng đệ tử liên tục sẽ khiến họ mệt mỏi và mất đi sự tự tin.

Có nhận thức thanh tịnh

Bậc thầy phải có nhận thức thanh tịnh về bậc thầy của mình, và nếu có thể, về tất cả các hiện tượng. Ở một mức độ cá nhân, bậc thầy phải có nhận thức thanh tịnh về học trò của mình. Nhận thức thanh tịnh là nền tảng của Kim Cương thừa. Ngay cả trong Đại thừa, nhận thức thanh tịnh là lực đẩy cơ bản khi bậc thầy dẫn dắt một đệ tử. Như Đức Phật Di Lặc đã nói, một bậc Bồ Tát phải biết được những chúng sinh khác đều có Phật tánh và họ có thể đạt được giác ngộ. Vì thế, một bậc thầy phải tự tin rằng những che chướng của học trò, dù có ẩn kỹ bao nhiêu, đều là tạm thời; chúng đều có thể được tịnh hóa và xóa bỏ. Không quan trọng việc đó mất bao nhiêu thời gian, không quan trọng việc đó khó nhọc như thế nào, một bậc thầy với một tri kiến mạnh mẽ của nhận thức thanh tịnh sẽ không từ bỏ đệ tử.

Không phán xét

 Một bậc thầy phải có khả năng nhìn được tiềm năng của đệ tử và biết rằng bất kỳ tính cách tiêu cực nào của đệ tử để lộ ra đều có thể chuyển hóa được và do vậy đệ tử đó phải là một người xứng đáng nhận được sự quan tâm của bậc thầy. Không nên có sự cạnh tranh, hay sự ưu ái dành cho những đệ tử có thể đạt được giác ngộ trước; đây không phải là cuộc đua.

Nếu bậc thầy phán xét nhiều quá, thời giờ quý báu sẽ bị lãng phí. Phán xét quá nhiều cho thấy một sự thiếu hiểu biết nhận thức cơ bản về duyên khởi và tính bình đẳng. Một con đường được thiết kế bởi một bậc thầy như vậy sẽ chứa đầy những sự hoảng loạn và khó khăn.

Tuân thủ tất cả các quy định trong giới luật của Đức Phật

Bậc thầy của bạn phải tin tưởng vào những gì ngài giảng dạy. Giáo lý cốt yếu nhất chính là là giới luật. Nếu bạn đủ may mắn có một bậc thầy trì giữ được giới luật và quy tắc ứng xử như được quy định trong giới luật, Bồ Tát thừa và Mật thừa, bạn có thể yên tâm rằng bậc thầy sẽ không bao giờ rời bỏ bạn. Bạn có thể yên tâm rằng, bậc thầy sẽ luôn luôn dạy dỗ bạn bởi vì ngài có những ràng buộc thệ nguyện để giảng dạy, giải thoát và cứu vớt tất cả chúng sinh thoát khỏi mê mờ.

Sợ điều sai trái

Các tôn giáo đều bắt nguồn từ con người muốn làm điều đúng đắn, thường với nền tảng của sự hổ thẹn, tội lỗi và sợ điều sai trái. Sự hổ thẹn là cụ tổ của hệ thống đạo đức và quy tắc hành xử. Mặc dù về mặt tối hậu thì Mật thừa chuyển hóa tất cả những khái niệm, nhưng khi nào đó còn là pháp thực hành của con người, chúng đều được gắn với một hình thái đạo đức hoặc quy tắc ứng xử nhất định. Do đó, ban đầu, ngay cả con đường Kim Cương thừa cũng sẽ được ràng buộc bởi những hình thức vô tận của quý chuẩn đạo đức và giá trị, sự hổ thẹn, tội lỗi và sợ điều sai trái.

Đối với những người mới bắt đầu, nỗi sợ hãi phạm phải đi sai trái có giá trị nhất định. Những hành giả Kim Cương thua gì giản là không thể sống theo lối sống của loài chó, đó là không băn khoăn gì về việc quan hệ tình dục với cha mẹ hoặc anh chị em ruột của mình. Họ cũng không thể giống như lũ mèo, vô là ăn của loài khác mà không có chút khái niệm gì về việc  ăn cắp.

Cho đến khi họ đạt được thành tựu như Đức Kukuraja vĩ đại, người mà có con chó cưng là vị phối ngẫu, thì cả học trò và bậc thầy lúc đó đều phải có những hiểu biết nhất định về những việc nên làm và những việc không nên làm.

Dễ tha thứ

Sự tha thứ là nguyên liệu chính của lòng bi mẫn. Bậc thầy của bạn phải có phẩm tánh về sự tha thứ để dẫn dắt bạn. Khi một bậc thầy tha thứ cho những hành động sai trái của bạn, đó là một chỉ dấu rằng ngài đã chấp nhận bạn như là bổn phận của ngài.

Khéo léo / Thiện xảo

Mặc dù hành trình là không có mục đích và kết quả là nằm ngoài ước vọng, mỗi người đều phải hiểu vượt ra ngoài ý của những câu nói này. Để được như vậy, mỗi người cần có con đường và vị dẫn đường. Vị dẫn đường phải dẫn dắt học trò đạt được mục tiêu không mục tiêu này.

Trong hầu hết các nghề nghiệp - xây dựng, lái xe taxi, y tế – đều có một công việc cụ thể phải hoàn thiện. Là một bậc thầy Kim Cương thừa cũng không có ngoại lệ: công việc của bậc thầy là khiến học trò giác ngộ. Nếu đó là một việc quá lớn, thì ít nhất, bậc thầy phải dẫn dắt được học trò đến một điểm mà người học trò có thể tự mình xoay sở một cách độc lập. Làm thế nào để bậc thầy đạt được điều này, những phương pháp đã được sử dụng không được viết ra cụ thể, nhưng phải được thực hiện nhanh nhất và ít đau đớn nhất có thể.

“Nhanh” có thể là lựa chọn một đường vòng, bởi vì đối với một số học trò, ngắn có nghĩa là dài. “Không đau đớn” có thể có nghĩa là chọn những lối đi đầy phong cảnh đẹp bởi vì những lối đi tắt có thể không thoải mái, không có điểm nghỉ ngơi và không có đệm nghỉ, điều này có thể khiến một số đệ tử trở nên nản chí và hoàn toàn rời bỏ con đường. Và đối với một số đệ tử khác, con đường không có đường nào là con đường tốt nhất. Cho dù cách nào, bạn cần một người với đủ phương tiện thiện xảo để chỉ cho bạn con đường.

 Bậc thầy phải có nhiều phương pháp để lựa chọn. Khi một đầu bếp giỏi nhận một đệ tử, ông ta có thể làm những phép thử như giấu công thức nấu ăn hoặc chủ động bỏ đi một vài nguyên liệu chính. Những phương tiện này dạy cho học trò cách tự suy nghĩ. Một bậc thầy giỏi có thể làm như vậy.

Không phải lúc nào cũng dễ dàng nhận biết được bậc thầy có những kỹ năng gì. Một vài bậc thầy rất chuyên về học thuật có thể nói cho bạn biết chính xác trang sách nào bạn nên đọc, ấn bản nào của kinh văn, và có thể nhớ chính xác ngày tháng phát hành. Điều này thật ấn tượng nếu như bạn là một sinh viên đại học, nhưng nếu bạn đi theo một con đường tâm linh, thì đây có lẽ không phải là những điều bạn cần. Điều bạn cần là một người có thể chuyển hóa những kiến thức học thuật như thế thành những điều có ích trên con đường tu tập của bạn, một người có thể dạy bạn cách học.

Đức Phật rất thiện xảo. Có những lần ngài tán dương đức tính hào phóng như một phẩm tánh quan trọng tối hậu, dạy về sự không hiện hữu của Đức Phật và sự mê mờ của tất cả chúng sinh. Có những lần khác ngài kể những câu chuyện bắt đầu bằng “Khi tôi là một con khỉ..” như thể là có một cái tôi, như thể là có một con khỉ, và như thể là có đủ quá khứ, hiện tại và tương lai. Ngài tuyên bố: “Bất cứ ai nói những từ Phật tánh đều nên được tôn kính như một bậc thầy” Nhưng rồi ngài lại quay ra và nói: “Tất cả những hiện tượng giả hợp đều là vô thường, tương tự như nói đống rác kia là vàng bạc. Khi ngài thận trọng, ngài có the 9 thành người thận trọng nhất. Kiểu dạy dỗ như thế này đã ngâm vào cách thực hành Phật pháp đến tận ngày nay.

Vào ngày mà đức vua Ashoka cúng dường một ngàn đồng vàng cho tất cả chư tăng, người quét vườn của tu viện (người sãi) đã cúng dường một trái phúc bồn tử duy nhất cho một vị tăng bị khát. Đêm hôm đó, khi vị tăng trưởng tràng đang kể tên những người đã cúng dường trong thời cầu nguyện buổi tối, vị ấy đã về tên người sãi quét chùa đầu tiên (trước cả đức vua Ashoka). Chúng ta phải suy nghĩ như vậy. Cúng dường một trái phúc bồn tử là một món quà lớn lao, và một đống vàng phủ đầy Trái đất sẽ không đủ để đổi lấy một từ của giáo pháp. Bậc thầy phải sở hữu được cả sự linh hoạt và sự cứng nhắc.

---o0o---

Trích: “Đạo Sư Uống Rượu”

Dzongsar Jamyang Khyentse

Dịch: Pema Trần

Nhà xuất bản Hà Nội-Thaihabooks

Ảnh: Internet

Bài viết liên quan