NĂM GIA ĐÌNH PHẬT - TRÍCH: ĐẠO SƯ UỐNG RƯỢU - DZONGSAR JAMYANG KHYENTSE

NĂM GIA ĐÌNH PHẬT

ĐẠO SƯ UỐNG RƯỢU - DZONGSAR JAMYANG KHYENTSE

–––––o0o–––––

Có một sự cảm ứng giữa mỗi cá nhân và một vị bổn tôn, sức mạnh của điều đó tùy thuộc vào cảm giác, các yêu tố, đẳng cấp và kiểu gia đình Phật của mỗi cá nhân đó. Điều này quyết định cách chúng ta kết nối với một vị bổn tôn.
NĂM GIA ĐÌNH PHẬT - TRÍCH: ĐẠO SƯ UỐNG RƯỢU - DZONGSAR JAMYANG KHYENTSE

Trong Mật thừa, chúng ta không chỉ tìm kiếm một bậc thầy hay một người dẫn đường mà còn là một ai đó giống như bạn tri kỷ, một sự kết nối ở mức độ sâu sắc.

Tinh cách của mỗi cá nhân dựa trên sự cấu tạo cơ thể vật lý của họ và sự hợp tạo của tất cả những yếu tố vi tế. Điều này càng trở nên rõ ràng hơn trên con đường Mật thừa. Trong Kim Cương thừa, mỗi chúng sinh thuộc về nơi mà chúng ta gọi là năm gia đình Phật (ngũ bộ Phật) – Vajra (Kim Cương bộ), Ratna (Bảo bộ), Padma (Liên Hoa bộ), Karma (Nghiệp bộ) và Buddha (Phật bộ), trong đó có một hoặc hơn một gia đình là ảnh hưởng chủ đạo. Mỗi gia đình thị hiện theo một cách khác nhau. Đây không phải là một khái niệm thần bí; chúng là hữu dụng: những điều này thực sự hiện diện trong hệ thống của bạn (chính là biểu tượng của ngũ uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức – hiện diện trong thân thể bạn ở tâm sinh lý theo cách hiểu thế tục).

Gia đình Kim Cương bộ an dịu. Gia đình Bảo bộ dồi dào và luôn tăng trưởng. Gia đình Liên Hoa bộ thu hút. Gia đình Nghiệp bộ chắc chắn và mạnh mẽ. Và gia đình Phật bộ rộng lớn, có sức chứa bao la. Gia đình chủ đạo của bạn được cho là phản chiếu ở mức độ thế tục như những tâm trạng và lối sống của bạn. Thậm chí những gia đình này phản chiếu ở cả những mức độ thô hơn: hình dáng của bạn, khẩu vị của bạn trong âm nhạc và quần áo v.v. Và ở mức độ bên trong, các bộ Phật có thể ảnh hưởng đến cảm xúc của bạn. Ví dụ, một số người rất tình cảm và háo thắng, trong khi những người khác lại rộng rãi và thư giãn hơn. Một số khác lại rất cạnh tranh hoặc ghen tị.

Tất nhiên, bậc thầy mà bạn nhận được giáo lý cũng thuộc về một hoặc nhiều trong số năm gia đình này. Nhiều người thực hành Mật thừa nghiêm mật sẽ giữ bí mật về giáo lý, về chỉ dẫn cốt tuỷ, về thực tế rằng họ đang thực hành Mật thừa và trong một số trường hợp, ngay cả sự thật rằng họ là Phật tử. Theo cách này, họ cũng giữ kín kiểu gia đình Phật của họ.

Trong Kim Cương thừa có một khái niệm gọi là yidam, vị bổn tôn, là khái niệm gần như trùng hợp với khái niệm bậc thầy. Thực hành bổn sư du già, hay thành tựu pháp tu bậc thầy, yêu cầu bạn phải suy nghĩ rằng vị bổn tôn và bậc thầy là một. Nhưng khi chúng ta nói về vị bổn tôn, có vài điều chúng ta cần phải chú ý.

Có một sự cảm ứng giữa mỗi cá nhân và một vị bổn tôn, sức mạnh của điều đó tùy thuộc vào cảm giác, các yêu tố, đẳng cấp và kiểu gia đình Phật của mỗi cá nhân đó. Điều này quyết định cách chúng ta kết nối với một vị bổn tôn.

Các vị bổn tôn có rất nhiều thị hiện: thân nam, thân nữ, một đầu, nhiều đầu, với vị phối ngẫu, không có phối ngẫu, và trong muôn vàn màu sắc. Theo đó, họ thực hiện nhiều hoạt động khác nhau, như làm an dịu, chinh phục, và thu hút. Họ cũng giữ những công cụ như hoa sen, bánh xe hoặc thanh kiếm. Những công cụ này có chức năng giống như thương hiệu của các vị. Tất cả những đặc tính này có thể tương ứng với tâm trạng, các yếu tố, sự hợp tạo và sự ưa thích của mỗi học trò khác nhau. Một số sẽ thích Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi màu vàng với thanh kiếm thương hiệu của ngài hơn hình tướng của ngài màu trắng với bông sen trắng thương hiệu. Nhiều người có xu hướng thích Đức Bồ Tát Quan Thế Âm cùng với bông sen thương hiệu của ngài. Những biểu tượng và màu sắc này không chỉ gợi lên sự tò mò và hứng thú, mà chúng còn thậm chí thâm nhập hoặc kích hoạt những nhân tố tự nhiên, tâm trạng và cảm xúc của của mỗi chúng sinh.

Tại những lễ quán đảnh, đôi khi chúng ta có những phương pháp như tung hoa ngẫu nhiên vào mạn-đà-la: hướng của bông hoa rơi xuống sẽ chỉ vị bổn tôn hoặc nguyên tố hoặc hoạt động có liên quan đến mỗi cá nhân. Nhưng bởi vì tất cả những vị bổn tôn đều có chung một bản tánh, những người mới bắt đầu không cần dành nhiều thời gian suy nghĩ về điều này.

Nói một cách chính xác, bậc thầy và học trò có mối liên hệ nguyên tố (cốt yếu). Điều này có thể hiển hiện rất rõ ràng. Một số bậc thầy có thể tạo cảm hứng tâm linh cho bạn nhanh hơn những vị khác. Đôi khi chỉ một từ nói về Bồ đề tâm mà bạn đã nghe từ hàng ngàn bậc thầy khác bỗng nhiên mang trọn vẹn ý nghĩa khi được thốt ra từ miệng bậc thầy của bạn. Có một sự kết nối ở một mức độ sâu sắc hơn.

Ngày nay, thật hiếm người có được sự kiên nhẫn và hiểu biết cần thiết để xác định và kết nối với bậc thầy và bổn tôn phù hợp với kiểu gia đình Phật của họ. Có được kiến thức này có thể giúp họ hiểu được cách thức và lý do tại sao có những kết nối mang lại kết quả và những kết nối không mang lại điều gì. Biết được rằng một mức độ kết nối sâu hơn là có khả năng xảy ra có thể giúp mở rộng phạm vi tìm kiếm (bậc thầy), và phục vụ như một hình thức duy trì khi mối quan hệ bậc thầy-đệ tử đã được thiết lập.

NYOSHUL LUNGTOK

Bậc thầy Nyoshul Lungtok của thế kỷ XIX đã dành hàng năm trời nghiên cứu và thực hành để nhận ra được bản tánh của tâm, nhưng những mong mỏi từ trái tim của ngài không được toại nguyện. Cuối cùng, một ngày kia, ngài được giới thiệu với Patrul Rinpoche vĩ đại, người là chìa khóa dẫn dến sự chứng ngộ của ngài. Tất cả những gì Patrul Rinpoche đã nói là: “Con có thể nhìn thấy sao trên trời không?”, và chỉ thế thôi. Trong vòng bảy ngày, vòng luân hồi đã dừng lại với Nyoshul Lungtok. Trải nghiệm quá mãnh liệt đến mức ngài không còn biết cách xoay sở với thế giới xung quanh ngài nữa. Mọi thứ dường như trở thành một nơi hoàn toàn khác biệt.

Chúng ta, với tất cả những vướng mắc và định kiến, không thể tưởng tượng được những gì mà Nyoshul Lungtok đã trải nghiệm, Chúng ta khăng khăng rằng áo sơ mi thì chỉ có thể được mặc từ trên xuống và không bao giờ mặc từ dưới lên, một cánh cửa thì chỉ là một cánh cửa và đó là lối duy nhất, chỉ có cánh cửa đó mới mở vào nhà tắm. Nhưng đối với Nyoshul Lungtok, một thứ gọi là cánh cửa không đơn thuần chỉ là một cánh cửa nữa mà có thể là một trần nhà, hoặc một bữa ăn trưa, hoặc một ngọn núi; một trần nhà cũng không đơn thuần chỉ là một trần nhà nữa, mà có thể tương tự như cầu thang. Mọi thứ đều có thể đang là và đã là một thứ hoàn toàn khác biệt; không có gì là cứng đặc. Đàn ông là phụ nữ và phụ nữ là đàn ông. Về cơ bản, toàn bộ những hệ thống thế tục dựa trên lý trí của ngài bị tháo rời khỏi các khớp nối của chúng – mọi bám chấp về hình dạng, màu sắc, con số, và các ý tưởng đều biến mất – từ đó ngài đã đạt được những gì được biết đến trong các giáo lý là “trải nghiệm của đại tự nhiên”.

“Trải nghiệm đại tự nhiên” là một trong những thuật ngữ của Dzogchen – Đại Toàn Thiện, nhưng ngày nay, nhiều lạt-ma, đặc biệt là những lạt-ma trẻ, trở nên say sưa với khái niệm “tự nhiên”, “không tạo tác” và toàn bộ chủ đề câu chuyện trở thành giống như một trò cười. Không ai trong chúng ta thực sự biết tự nhiên là gì. Chúng ta tưởng tượng là nó phải liên quan tới điều gì đó xảy ra mà không cần nỗ lực gì cả, và cũng chỉ thế thôi. Với lý luận giới hạn trong nhận thức của chúng ta, chúng ta chỉ có thể suy đoán. Chúng ta chỉ có thể nỗ lực mô tả những gì nằm bên kia dãy núi xa bằng cách suy đoán logic và trí tưởng tượng: chúng ta có thể sử dụng những dãy núi mà chúng ta đã biết để làm đối tượng tham khảo và tưởng tượng rằng cũng kiểu cây ấy cùng quang cảnh ấy sẽ nằm ở phía sau dãy núi mà ta chưa đi đến. Nhưng chúng ta không thể tự mình nhìn thấy.

HỌC TRÒ CỦA NGÀI NYOSHUL LUNGTOK

Sau trải nghiệm của ngài Nyoshul Lungtok về sự tự nhiên, ngài trở thành một bậc đạo sư vĩ đại. Một trong những học trò của ngài hoàn toàn mù chữ và chưa từng bao giờ đọc được bất cứ một dòng kinh nào của giáo lý Dzogchen. Pháp thực hành duy nhất mà ông có thể làm với sự tự tin là trì tụng chú Kim Cương Thượng Sư của Đức Liên Hoa Sinh: OM AH HUNG VAJRA GURU PEMA SIDDHI HUNG. Mặc dù vậy, điểm mạnh lớn nhất của ông ấy là ông cảm thấy một lòng sùng mộ vô cùng to lớn đối với ngai Nyoshul Lungtok. Người đệ tử này đã thực hành nhiều năm, và mặc dù người này không hề có một chút kinh nghiệm tâm linh nào, lòng sùng mộ dành cho bậc thầy của vị ấy giữ nguyên không thối chuyển, ngay cả khi Nyoshul Lungtok đã mất đi. Thế rồi, vào một ngày sau nhiều năm trôi qua, khi vị ấy đang pha trà trên một đống lửa, bỗng dưng có một tia lửa bắn ra khỏi đống lửa. Một sự đau xé khiến vị ấy giật mình vì bị cháy thịt, vị ấy đã khóc thét với tiếng kêu “AH TZA TZA!”. Thông thường, thói quen và những suy nghĩ phân tán của chúng ta thường gắn kết với nhau quá chặt đến nỗi ta khó có thể tìm thấy một khoảng trống nào giữa chúng; không có cơ hội nào để trí tuệ thậm chí lẻn qua, chưa nói đến việc nhìn thẳng vào nó trong một khoảng thời gian dài. Vào giây phút bị đau xé thịt đó, mọi ý nghĩ dừng lại cũng là lẽ tự nhiên. Người bình thường sẽ tiếp tục khởi suy nghĩ ngay sau một khoảnh khắc. Nhưng nhờ vào công đức của mình, học trò của ngài Nyoshul Lungtok đã có thể giữ cho tâm thức mình không bị nhiễu loạn trong vòng bảy ngày, và qua đó vị ấy đã được chuyển hóa. Trước đây, vị ấy thường rất kỹ tính về món trà – những chi tiết như số lượng lá trà được dùng để pha và nhiệt độ chính xác của nước đều rất quan trọng với vị ấy – nhưng từ khoảnh khắc mà tia lửa chạm vào tay của vị ấy, những chi tiết tinh tế khi chuẩn bị món trà không còn quan trọng với vị ấy nữa. Thậm chí nếu người ta pha phân bò hầm nhừ cho vị ấy uống, thì vị ấy cũng không để ý.

Đối với vị học trò này của Nyoshul Lungtok, tất cả những tương tác và nhận thức thông thường giữa chủ thể và đối tượng ngừng tồn tại, và một chiều kích phi thường, không thể tưởng tượng nổi của thế giới đã được mở ra. Để chúng ta cố gắng tưởng tượng chính xác điều này vận hành như thế nào thì hơi khó khăn một chút ở giai đoạn này; chúng ta chỉ có thể nói chuyện về nó và lờ mờ phỏng đoán nó sẽ xảy ra như thế nào.

–––––o0o–––––

Trích “Đạo Sư Uống Rượu”

Tác giả: Dzongsar Jamyang Khyentse

Người dịch: Pema Trần

Công ty Cổ Phần Sách Thái Hà

NXB. Hà Nội

 

Bài viết liên quan