PHẬT PHÁP NHƯ LÀ GIẢ DƯỢC – THẾ NÀO LÀ PHẬT TỬ? - DZONGSAR JAMYANG KHYENTSE

PHẬT PHÁP NHƯ LÀ GIẢ DƯỢC – THẾ NÀO LÀ PHẬT TỬ?

Dzongsar Jamyang Khyentse

-----o0o-----

Nhiều người cho rằng những giới luật nghiêm khắc và những thực hành đạo đức là bản chất của đạo Phật, nhưng đó chỉ là một thành phần nhỏ của những phương pháp thiện xảo và phong phú của Đức Phật. Ngài biết rằng ngay từ đầu không phải tất cả mọi người đều có thể hiểu những sự thật tối hậu. Thật khó cho nhiều người trong chúng ta chấp nhận những khái niệm như...
PHẬT PHÁP NHƯ LÀ GIẢ DƯỢC – THẾ NÀO LÀ PHẬT TỬ? - DZONGSAR JAMYANG KHYENTSE

Nhiều người cho rằng những giới luật nghiêm khắc và những thực hành đạo đức là bản chất của đạo Phật, nhưng đó chỉ là một thành phần nhỏ của những phương pháp thiện xảo và phong phú của Đức Phật. Ngài biết rằng ngay từ đầu không phải tất cả mọi người đều có thể hiểu những sự thật tối hậu. Thật khó cho nhiều người trong chúng ta chấp nhận những khái niệm như “địa ngục chỉ là sự cảm nhận về sự giận dữ của chính bạn”, chứ chưa nói gì tới khái niệm về Không. Đức Phật chẳng muốn anh chàng Jack rơi vào “địa ngục” của cá nhân, nhưng Ngài không thể nói với Jack là hãy tự ứng xử với những nhận thức hay sự hung hãn của anh ta bởi vì Jack là một kẻ ngốc. Vì lợi ích của Jack. Đức Phật dạy rằng có một địa ngục ở bên ngoài và rằng để tránh phải đi tới đó và bị đun sôi trong vạc dầu, Jack phải dừng ngay lại những hành vi bất thiện, những hành động và cảm thọ tiêu cực. Những giáo lý này trải rộng trong những môi trường Phật giáo; chúng ta thường nhìn thấy những cảnh giới địa ngục được vẽ trên tường của những ngôi chùa Phật giáo, với những cơ thể đang bị cháy và hẻm núi băng khủng khiếp. Những hình ảnh đó có thể được hiểu theo nghĩa đen hay là nghĩa bóng, tùy theo khả năng của người học. Những người có khả năng cao biết rằng nguồn gốc của địa ngục hàng ngày – nỗi khổ đau của chúng ta – phát sinh từ nhận thức của chính chúng ta. Họ hiểu rằng chẳng có ngày phán quyết nào cả, và cũng chẳng có quan tòa nào hết. Khi Milarepa xuất hiện trong cái sừng bò, Rechungpa sắp trở thành một đại sư. Ngài có khả năng trí huệ to lớn để hiểu tính Không và đủ nhận thức để có thể thực sự nhìn thấy Milarepa ở trong sừng bò; nhưng nhận thức của ngài chỉ dừng lại ở đó chứ chưa thể cùng thầy của mình trốn vào trong cái sừng bò. Mục tiêu cuối cùng của Đức Phật là khiến cho Jack hiểu, giống như những đệ tử cấp cao này [tức là Milarepa và Rechungpa], rằng chẳng có địa ngục nào tách rời khỏi những nóng giận và sự vô minh của chính anh ta. Bằng cách giảm thiểu ngay lập tức những hành động tiêu cực của mình, Jack sẽ bớt dính mắc vào những nhận thức sai lầm, những nghi ngờ, và sự hoang tưởng của mình.

Về mặt thực hành, từ nghiệp báo (karma) đồng nghĩa với Phật giáo. Nó thường được hiểu như là một loại hệ thống đạo đức về sự đền đáp – nghiệp “xấu” và nghiệp “tốt”. Nhưng nghiệp báo đơn giản chỉ là quy luật nguyên nhân và kết quả (nhân quả) mà thôi, chứ không bị lầm lẫn với phẩm hạnh hay đạo đức học. Chẳng có ai, kể cả Đức Phật, đặt ra một loại thanh chắn để phân biệt những gì là tiêu cực hay tích cực. Bất kỳ một động cơ hay một hành động nào điều khiển chúng ta ra khỏi những sự thật như là “mọi sự vật cấu thành thì vô thường” đều có thể đưa tới những hậu quả tiêu cực, hay là nghiệp xấu (ác nghiệp). Và bất kỳ một hành động nào đưa chúng ta tới gần với việc hiểu sự thật là “mọi cảm thọ đều khổ” có thể tạo ra những hậu qua tích cực, hay là nghiệp tốt (thiện nghiệp). Cuối cùng, không phải là Đức Phật phán xét, chỉ có bạn mới biết động cơ thực sự đằng sau những hành động của bạn mà thôi.

Trong một cuộc luận bàn về đệ tử Tu Bồ Đề (Subhuti), Đức Phật nói: “Những ai nhìn thấy Đức Phật như là một hình tướng và những ai nghe Đức Phật như là một âm thanh đều có kiến giải sai lầm.” 400 năm sau, đại học giả Phật học người Ấn Độ là Long Thọ (Nagarjuna) xuật hiện. Trong bộ luận nghiên cứu triết học Phật giáo nổi tiếng của ngài, ngài đã dành cả một chương có tên là “Phân tích Đức Phật” và kết luận rằng cuối cùng thì không hề có một vị Phật nào ở bên ngoài cả. Đến tận ngày nay, chẳng có gì khác thường khi nghe những câu nói Phật giáo như thế này: “Nếu nhìn thấy ông Phật trên đường đi, hãy giết ông ta đi.” Điều này dĩ nhiên có nghĩa bóng; chắc chắn người ta sẽ không giết Đức Phật. Điều đó có nghĩa là vị Phật thực sự không phải là một đấng cứu độ hiện hữu bên ngoài, bị ràng buộc bởi thời gian và không gian. Mặt khác, một người tên Tất Đạt Đa đã xuất hiện trên trái đất này trở thành Đức Phật Cồ Đàm và bước đi khất thực với đôi chân trần trên những đường phố ở Ma Kiệt Đà (Magadha). Vị Phật ấy đã tuyên pháp, săn sóc những người bệnh tật và thăm lại cả gia đình mình ở Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu). Lý do những người Phật tử sẽ không bàn cãi về một vị Phật vật lý xuất hiện vào thế kỷ thứ V trước Công nguyên ở Ấn Độ - là vì chúng ta có những chứng liệu lịch sử rằng Ngài đã trở thành nguồn cảm hứng trong hàng thế kỷ tại Ấn Độ. Ngài là một vị thầy vĩ đại, người đầu tiên trong một dọc dài những vị thầy và những học trò có kiến thức cao. Chỉ có thế mà thôi. Tuy vậy, đối với một người tuy tầm châm lý nghiêm túc thì cảm hứng là tất cả mọi sự.

Ngài Tất Đạt Đa đã sử dụng rất nhiều phương tiện thiện xảo để gây cảm hứng cho mọi người. Một ngày nọ, có một vị sư để ý thấy một vết rách trên chiếc y của Đức Phật và xin phép Đức Phật để khâu lại cho Ngài, nhưng Đức Phật từ chối. Ngài tiếp tục bước đi và khất thực với chiếc y bị rách như thế. Khi ngài tiến tới nơi ở của một người phụ nữ nghèo khổ, các vị sư cực kỳ bối rối vì họ biết rằng người phụ nữ kia chẳng có gì để cúng dường (cho Đức Phật). Khi người phụ nữ thấy chiếc y bị rách của Ngài, bà muốn khâu lại chiếc y bằng một sợi dây nhỏ mà bà có. Ngài Tất Đạt Đa chấp nhận và tuyên bố rằng đức hạnh của bà cho phép bà có thể tái sinh trong đời sau như là một nữ hoàng ở cõi trời. Nhiều người nghe được câu chuyện đều tràn ngập cảm hứng để thể hiện lòng quảng đại của chính họ.

Trong một câu chuyện khác, Ngài Tất Đạt Đa cảnh báo một người bán thịt rằng giết súc vật là tạo nghiệp xấu. Nhưng người bán thịt nói: “Đây là tất cả những gì tôi biết, là nghề kiếm sống của tôi”. Ngài Tất Đạt Đa bảo người bán thịt rằng ít nhất là hãy hứa là không giết thịt từ lúc hoàng hôn cho tới bình minh. Ngài không thuận cho người bán thịt giết súc vật vào ban ngày, nhưng Ngài hướng dẫn người đó giảm dần những hành động xấu ác. Đây là những ví dụ về những phương tiện thiện xảo mà Đức Phật đã sử dụng để giảng pháp. Ngài không nói rằng bởi vì người phụ nữ nghèo khổ vá áo cho Ngài nên người ấy sẽ được sinh thiên, như thế Ngài là đấng thần linh. Chính sự quảng đại của bà tạo nên hạnh vận của bà.

Bạn có thể nghĩ rằng đó là sự nghịch lý. Đức Phật tự mâu thuẩn với chính mình, nói rằng Ngài không thực sự hiện hữu, rằng mọi sự vật đều là Không, và rồi lại dạy đạo đức và sự cứu rỗi. Nhưng những phương cách đó là cần thiết để không gây hoảng sợ cho những người chưa sẵn sàng tiếp nhận tính Không. Họ được an tâm và được chuẩn bị để tiếp nhận những giáo lý thật sự. Điều này giống như là nói rằng có một con rắn và vứt cái cà vạt ra ngoài cửa sổ. Vô số những phương pháp như thế chính là con đường. Tuy nhiên, cuối cùng chính con đường đó cũng bị rời bỏ, giống như bạn rời bỏ con thuyền khi bạn đã sang bờ bên kia. Bạn phải lên bở một khi bạn đã tới nơi. Ngay lúc đã thể hội hoàn toàn, bạn phải từ bỏ cả đạo Phật. Con đường tâm linh là một giải pháp tạm thời, một thứ giả dược được sử dụng cho tới khi tính Không được lĩnh hội.

-----o0o-----

Trích: Thế Nào Là Phật Tử?

Tác Giả: Dzongsar Jamyang Khyentse

Dịch Giả: Trần Tuấn Mẫn – Nguyễn Thị Tú Oanh

NXB: Lao Động, CT Sách Thái Hà, in năm 2015

Ảnh : nguồn  Internet

Bài viết liên quan