MỘT ĐIỂM XUÂN QUANG CHỐN CHỐN HOA - Nguyễn Thế Đăng

MỘT ĐIỂM XUÂN QUANG CHỐN CHỐN HOA

NGUYỄN THẾ ĐĂNG

-------o0o-------

Một điểm linh quang hay một điểm xuân quang để chỉ trong bản tâm, trong bản tánh của tâm chỉ có một vị là ánh sáng, một vị bản tâm hay Chân tâm. Một điểm bản tâm này bao trùm trời đất, một điểm linh quang này cho phép tất cả mọi hiện hữu đều xuất hiện trong đó.
MỘT ĐIỂM XUÂN QUANG CHỐN CHỐN HOA - Nguyễn Thế Đăng

Bảo hàng học giả

Học giả phân vân chẳng biết sao

Mài chi gạch ngói uổng công lao

Bảo anh cửa người thôi nương dựa

Một điểm xuân quang chốn chốn hoa.

Thị học

Học giả phân phân bất nại hà

Đồ tương linh đích khổ tương ma

Báo quân hưu ỷ tha môn hộ

Nhất điểm xuân quang xứ xứ hoa.

 

Đây là bài thơ của Tuệ Trung Thượng Sĩ (1230 – 1291), chấm dứt bằng một câu nói về mùa xuân, mùa xuân bất tử.

 

Học giả phân vân chẳng biết sao”.

Ý thức luôn luôn rơi vào cạm bẫy của chính nó. Cạm bẫy đó là những khái niệm mâu thuẫn với nhau. Trong khi đó, thực tại thì, nói theo Trung luận và các kinh điển:

Chẳng sanh cũng chẳng diệt

Chẳng thường cũng chẳng đoạn

Chẳng một cũng chẳng khác

Chẳng đến cũng chẳng đi.

Ý thức thì suy nghĩ như thế này, nếu sanh thì không phải là diệt, nếu thường thì không phải là vô thường, nếu một thì không phải khác, nếu đến thì không phải là đi. Ý thức luôn luôn bị đóng băng trong những khái niệm và hoạt động trong những khái niệm đã đóng băng ấy.

Ý thức không thể vượt khỏi bốn câu (tứ cú): có, không, vừa có vừa không, không có không không. Để không bị loanh quanh trong chân lý tương đối, quy ước (thế đế) mà nhảy vào chân lý tuyệt đối, tối hậu, người ta phải vượt khỏi “tâm, ý, ý thức”.

 

Mài chi gạch ngói uổng công lao”.

Mài gạch ngói thì không thể thành tấm gương được. Câu chuyện mài gạch ngói như thế này.

Có vị tăng tên là Đạo Nhất hàng ngày chuyên ngồi thiền. Thiền sư Nam Nhạc Hoài Nhượng, đệ tử của Lục Tổ, hỏi: “Đại đức ngồi thiền để mong cầu cái gì?” Tăng đáp: “Để mong thành Phật”.

Sư Hoài Nhượng lấy một cục gạch mài trên phiến đá trước am của Đạo Nhất. Vị này hỏi:

“Sư làm gì thế”?

- Mài gạch để làm gương soi.

- Mài gạch lại có thể thành gương sao?

- Mài gạch nếu không thành gương thì ngồi Thiền há có thể thành Phật sao?

- Vậy thế nào mới đúng?

- Như trâu kéo xe, nếu xe không đi thì đánh xe là phải hay đánh trâu là phải?

Đạo Nhất lặng thinh. Sư Hoài Nhượng nói:

- Ông học ngồi Thiền hay học ngồi Phật? Nếu học ngồi Thiền thì Thiền không phải chuyện ngồi nằm, nếu học ngồi Phật thì Phật không có tướng nhất định. Đối pháp không trụ, chẳng nên nắm bỏ. Ông nếu ngồi Phật tức là giết Phật, nếu chấp tướng ngồi thì chẳng đạt chân lý Phật vậy”.

Nếu xe không đi thì đánh xe là phải hay đánh trâu là phải? Người bình thường hay chấp vào pháp môn và không nghĩ rằng pháp môn không quan trọng bằng người đang sử dụng pháp môn ấy. Tất cả các pháp môn là để thấy và sống được với người đang sử dụng pháp môn: người ấy là bản tâm, bản tánh của tâm, Phật tánh, “vô vị chân nhân” (TS. Lâm Tế), tự kỷ Phật…

Nếu chấp rằng chỉ có pháp môn ngồi Thiền mới là thấy được Phật thì không chừng sự bám chấp ấy lại che chướng việc thấy Phật, vì Phật không có tướng nhất định. Phật hay bản tâm không ở trong, không ở ngoài mà cũng ở trong ở ngoài. Phật là “không trụ, chẳng nên nắm bỏ”.

 

Bảo anh cửa người thôi nương dựa”.

Hãy chớ nương dựa vào ngôn ngữ, ý tưởng, khái niệm và làm việc trên mặt bằng ý thức tạo thành bằng những thứ ấy thì chỉ loanh quanh trong những mâu thuẫn căn bản không giải quyết được, không thể hài hòa, hội nhập chúng với nhau được. Thiền là tìm thấy nguồn tâm, từ đó những ý tưởng khởi xuất và lại tan vào trong đó, chứ không chạy theo các ý tưởng để phân biệt, so đo. Nguồn tâm ấy không bị ô nhiễm bởi các ý tưởng, các kinh gọi là bản tâm, Pháp thân, tánh Không, Phật tánh… Như sóng có thể vô số, nhưng không thể làm đại dương biến chất, sanh diệt, tăng giảm, dơ sạch.

 

Một điểm xuân quang chốn chốn hoa”.

Một điểm xuân quang là một điểm linh quang, thành ngữ để chỉ bản tâm. Trong kinh thường nói đến viên ngọc tâm, viên ngọc như ý.

Trên đỉnh tháp để cất giữ xá lợi hay thân xác của vị tăng, rõ nhất là các tháp Tây Tạng hiện nay, trên những lớp tượng trưng cho đất, nước, lửa, gió, không, thức, đều có một khối tròn là một viên ngọc, có ngọn lửa tỏa sáng, để chỉ một điểm linh quang này. Các tháp ở Việt Nam cũng thế, như tháp vua Trần Nhân Tông ở Ngọa Vân, Yên Tử. Các bảo tháp để các pháp khí Phật giáo cho tín đồ nhiễu quanh cũng có một viên ngọc tỏa sáng trên đỉnh, tượng trưng cho giác ngộ, Phật tánh, Phật tâm…

Một điểm xuân quang để chỉ bản tâm của mỗi người. Nhưng tại sao nói là “một điểm”, mà không nói các điểm? Một điểm vì trong bản tâm, trong Phật tâm, tất cả đều là một, đều là “một vị”, không có cái gì khác, cái gì ngoài. Không có chúng sanh ở ngoài mà cũng không có Phật ở ngoài.

Một điểm linh quang hay một điểm xuân quang để chỉ trong bản tâm, trong bản tánh của tâm chỉ có một vị là ánh sáng, một vị bản tâm hay Chân tâm.

Một điểm bản tâm này bao trùm trời đất, một điểm linh quang này cho phép tất cả mọi hiện hữu đều xuất hiện trong đó. Thế nên Thiền sư Huyền Sa Sư Bị (835 – 908) nói:

“Tột mười phương thế giới là một viên ngọc sáng”.

Thiền sư Nhật Bản Đạo Nguyên (thế kỉ 13) có giảng về Một Viên Ngọc Sáng (Chánh Pháp Nhãn Tạng) như thế này:

“Mắc viên ngọc ấy trong búi tóc hay dưới hàm được xem là đạo – chớ cố gắng chưng diện nó ra ngoài búi tóc hay hàm. Có một người bạn thân thiết cho các ông viên ngọc khi các ông say rượu. Vào lúc viên ngọc được đeo, người ta luôn luôn say rượu. Đang là như vậy là một viên ngọc sáng, nó là toàn thể thế giới trong mười phương. Cái đang là này, dù những khuôn mặt có vẻ thay đổi, dù quay hay không quay, nó vẫn là một viên ngọc sáng. Nó biết chính xác rằng viên ngọc vốn xưa nay tự là viên ngọc sáng như vậy. Viên ngọc sáng có sắc và thanh được thấy nghe như vậy. Vốn như vậy, nhưng càng lo rằng mình không phải là viên ngọc sáng, người ta sẽ nghi ngờ rằng nó không phải là viên ngọc. Lo âu và nghi ngờ, lấy và bỏ, làm và không làm, tất cả đều là cái thấy tạm thời của tâm lượng nhỏ hẹp. Thú vị là nó không phải vậy - những huy hoàng và ánh sáng của viên ngọc là vô hạn. Mỗi lóe sáng, mỗi tia sáng, mỗi lộng lẫy, mỗi ánh sáng là một phẩm tính của toàn thể thế giới trong tất cả mười phương. Ai có thể lấy chúng đi được?” (Shobogenzo – Thomas Cleary dịch, 1991 - Chánh Pháp Nhãn Tạng, Nguyễn An Cư dịch, nxb Thiện Tri Thức, 2003).

 

Một điểm xuân quang chốn chốn hoa”:

Trong bản tâm Phật tánh của mỗi người, trong viên ngọc tâm đang có sẳn nơi mỗi người, có một mùa xuân bất tử. Trong viên ngọc, mỗi sự vật đều là ngọc, đều tỏa ánh sáng và hương thơm khắp mười phương thế giới, để biến cuộc đời tầm thường chúng ta đang sống đây, thành “chốn chốn hoa”.

-------o0o-------

Bài viết liên quan