PHÁP THÂN VÀ SẮC THÂN THEO LỜI DẠY CỦA LỤC TỔ HUỆ NĂNG - Nguyễn Thế Đăng

PHÁP THÂN VÀ SẮC THÂN

THEO LỜI DẠY CỦA LỤC TỔ HUỆ NĂNG

Nguyễn Thế Đăng

-------o0o-------

Cho nên để có thể chuyển hóa sanh tử thành Niết bàn, Lục Tổ dạy phải thấy tánh, nghĩa là thấy biết bản tánh của các tướng kết thành sanh tử. Bản tánh của tất cả các tướng chính là pháp tánh, pháp thân, Niết bàn. Thấy biết bản tánh của các tướng thì y vào nền tảng ấy của các tướng mà chuyển hóa chúng. Như thế là pháp thân hóa, Niết bàn hóa toàn bộ sanh tử. Không cần phải từ...
PHÁP THÂN VÀ SẮC THÂN THEO LỜI DẠY CỦA LỤC TỔ HUỆ NĂNG - Nguyễn Thế Đăng

Thông thường, người thực hành đạo Phật tìm cách tránh thoát cái vô thường, cái sanh diệt để chứng nhập cái không vô thường, cái không sanh không diệt. Vấn đề tương quan giữa cái sanh diệt và cái không sanh diệt được Lục Tổ Huệ Năng trực tiếp trả lời cho tăng Chí Đạo và tăng Chí Triệt Hành Xương và quan nội thị Tiết Giản. Sau đó Huệ Trung quốc sư, đệ tử trực tiếp của Lục Tổ cũng có những giảng nghĩa về vấn đề này.

Sau đây chúng ta sẽ tìm hiểu về cái thấy, quan điểm của hai vị về không sanh diệt và sanh diệt như thế nào.

 

Có vị tăng tên là Chí Đạo đến xin chỉ dạy, thưa rằng: Kẻ học đạo này từ khi xuất gia xem Kinh Niết Bàn đã hơn mười năm mà chưa rõ đại ý, xin Hòa thượng xuống ơn chỉ dạy.

Sư nói: Ông nghi như thế nào?

Thưa: Tất cả chúng sanh đều có hai thân là sắc thân và Pháp thân. Sắc thân thì vô thường, có sanh có diệt. Pháp thân thì thường, không tri không giác.

Kinh nói: ‘Sanh diệt diệt rồi, tịch diệt là vui’, chẳng rõ thân nào tịch diệt, thân nào thọ vui. Nếu nói sắc thân, thì khi sắc thân diệt rồi, bốn đại phân tán, hoàn toàn là khổ, khổ thì không thể nói vui được. Còn như nói Pháp thân tịch diệt, tức đồng như cỏ cây gạch đá, cái gì thọ được vui?

Lại pháp tánh là cái thể của sự sanh diệt, năm uẩn là cái dụng của sự sanh diệt, một thể năm dụng. Sanh diệt là thường còn, sanh thì từ thể khởi ra dụng, diệt thì thu dụng về thể. Nếu cho rằng có sanh lại tức loài hữu tình chẳng đoạn chẳng diệt. Nếu cho rằng chẳng sanh lại, tức là vĩnh viễn về nơi tịch diệt, đồng với vật vô tình. Như thế thì tất cả các pháp đều bị Niết bàn cấm cản đè nén, sanh còn chẳng được, có gì là vui?

(Phẩm Cơ Duyên)

Thông thường, người bình thường có quan niệm rằng, tất cả chúng sanh đều có hai thân, sắc thân hay thân thể, thì vô thường, có sanh có diệt, còn pháp thân thì thường, không sanh không diệt. Sắc thân do bốn đại hợp thành, thì rõ ràng là có sanh có diệt, đó là khổ.  Còn pháp thân, theo Kinh Đại Bát Niết Bàn, pháp thân là “sanh diệt diệt rồi, tịch diệt là vui”. Pháp thân là Niết bàn tịch diệt và không chứa sanh tử sanh diệt, nên tăng Chí Triệt nói, “Như thế tất cả các pháp đều bị Niết bàn cấm cản đè nén, sanh còn chẳng được, có gì là vui?”

Đi xa hơn, sự tách biệt không thể hòa giải giữa sắc thân và pháp thân là sự tách biệt không thể hòa giải giữa một bên là sanh tử, bên kia là Niết bàn. Từ đó người ta quan niệm rằng phải từ bỏ, thậm chí phá hủy sanh tử để được Niết bàn. Giải thoát là giải thoát khỏi sanh tử để đạt đến Niết bàn, thực tại tối hậu.

Quan niệm từ thô sơ cho đến vi tế này khiến đạo Phật được xem là bi quan, yếm thế, ‘chán đời’.

 

Sau đây chúng ta phân tích sơ lược những lời của Lục Tổ Huệ Năng cho tăng Chí Triệt để hiểu về quan điểm Đại thừa và Đại thừa rốt ráo mà Lục Tổ gọi là “tối thượng thừa” là như thế nào.

 

Sư nói: Ông là con họ Thích sao lại học tập tà khiến đoạn thường của ngoại đạo mà bàn luận pháp tối thượng thừa? Cứ như ông nói, thì ngoài sắc thân còn có riêng pháp thân, lìa sanh diệt mà cầu nơi tịch diệt, lại suy diễn Niết bàn thường vui mà nói có thân thọ dụng. Ấy là tiếc giữ, mê đắm cái vui thế gian”.

 

Người bình thường cho đến người thực hành đã hơn mười năm như tăng Chí Triệt cũng khó mà có một chánh kiến về sắc thân và pháp thân, cho nên tăng Chí Triệt phải đi gặp một vị Tổ, một đạo sư để quyết trạch, giải quyết, xác định cho.

Nếu thực sự đạt được một phần pháp thân, người ấy sẽ tin và thấy hiểu rằng pháp thân và sắc thân không tách biệt. Pháp thân, với trí huệ và từ bi, có thể bao trùm sắc thân, bao trùm sanh tử, để chuyển hóa mà không loại bỏ sắc thân và sanh tử thành Niết bàn pháp thân.

 

Ông nay phải biết: Phật vì tất cả các người mê, họ nhận năm uẩn hòa hiệp làm tướng ngoại trần, rồi ham sống ghét chết, niệm niệm trôi lăn, chẳng biết là mộng huyễn hư giả, uổng chịu luân hồi, lấy Niết bàn thường lạc chuyển thành tướng khổ mà trọn ngày cầu kiếm”.

 

Người thực hành cần dùng thiền định và thiền quán để thấy điều này. Ai là kẻ dẫn dắt mình vào sanh tử? Thế nào, nói như Kinh Lăng Nghiêm là “bội giác hiệp trần”, (phản bội lại tánh giác nơi mình mà hòa hiệp và chạy theo trần tướng)?

Niết bàn pháp thân vốn có sẳn, thậm chí người ta vẫn luôn luôn ở trong đó: “lấy Niết bàn thường lạc chuyển thành tướng khổ mà trọn ngày cầu kiếm”. Chỉ vì nhận các tướng ngoại trần cho là thực tại rốt ráo, bỏ quên “Niết bàn thường lạc” vốn là bản tánh, là nền tảng của mọi xuất hiện hình tướng, nên trôi lăn theo các tướng khiến tạo ra sanh tử khổ đau.

Cho nên để có thể chuyển hóa sanh tử thành Niết bàn, Lục Tổ dạy phải thấy tánh, nghĩa là thấy biết bản tánh của các tướng kết thành sanh tử. Bản tánh của tất cả các tướng chính là pháp tánh, pháp thân, Niết bàn. Thấy biết bản tánh của các tướng thì y vào nền tảng ấy của các tướng mà chuyển hóa chúng. Như thế là pháp thân hóa, Niết bàn hóa toàn bộ sanh tử. Không cần phải từ bỏ hay hủy hoại sanh tử, vì bản tánh và hiện tướng của sanh tử là Niết bàn, là Pháp thân.

Thấy tánh tức là thấy thật tánh. Thật tánh này là tánh không hai của tất cả các pháp, tánh không hai của sanh tử và Niết bàn, của tướng và tánh:

Tiết Giản bạch: Thế nào là kiến giải Đại thừa?

Sư nói: Sáng và không sáng, người phàm thấy là hai; người trí thì rõ thông tánh chúng không có hai, tánh không hai tức là thật tánh. Thật tánh này nơi phàm ngu chẳng giảm, nơi hiền thánh chẳng tăng, trụ phiền não mà chẳng loạn, ở thiền định mà chẳng lặng, chẳng đoạn chẳng thường, chẳng đến chẳng đi, chẳng ở giữa hay ở ngoài, chẳng sanh chẳng diệt, tánh tướng như như, thường trụ chẳng đổi, gọi đó là Đạo”.

(Phẩm Hộ Pháp)

 

Vì thế Phật thương xót nên chỉ bày Niết bàn chân lạc, trong sát na không có tướng sanh, trong sát na không có tướng diệt, lại không có sanh diệt nào để diệt, đây là tịch diệt hiện tiền. Đang khi hiện tiền cũng không có cái lượng hiện tiền, mới gọi là thường lạc.

Cái lạc này không có người thọ cũng không có người không thọ, thế thì làm sao có tên một thể năm dụng? Huống gì lại nói Niết bàn cấm ngăn các pháp, làm cho vĩnh viễn chẳng sanh. Đó là báng Phật nhạo Pháp”.

 

Ở đây chỉ đề cập đến “một thể năm dụng”, liên quan đến chủ đề của bài này. Một thể là bản tâm, là pháp thân, năm dụng là năm giác quan, là sắc thân. Đối với tăng Chí Triệt, pháp thân thì không sanh không diệt, là Niết bàn, là thường lạc, còn sắc thân thì sanh diệt, là sanh tử, là khổ đau. Nhưng theo lời dạy của Lục Tổ, với người đã chứng nhập phần lớn pháp thân (ở những địa cao trong mười địa pháp thân) thì tất cả là không sanh không diệt, tất cả là Niết bàn, tất cả là thường lạc.

 

Sự phân biệt pháp thân và sắc thân, Niết bàn và sanh tử, lạc và khổ, có thể nói là vấn đề lớn nhất đối với những người thực hành đạo Phật. Chỉ thế hệ sau, quốc sư Huệ Trung, đệ tử trực tiếp của Lục Tổ, đã trả lời cho một vị tăng như thế này, ở đây chỉ trích ra một đoạn:

“Quốc sư nói: Phật tánh ngay đây của tôi hoàn toàn không có sanh diệt. Phật tánh phương nam của ông thì nửa sanh nửa diệt, nửa chẳng sanh diệt.

Hỏi rằng: Phân biệt chỗ nào?

Quốc sư nói: Đây thì thân tâm nhất như, ngoài thân không có gì khác, thế nên toàn vẹn chẳng sanh diệt. Còn phương nam của ông thì thân là vô thường, thần tánh là thường, bởi thế mà nửa sanh nửa diệt, nửa chẳng sanh diệt”.

 

Lục Tổ nói tiếp cho tăng Chí Triệt bằng một bài kệ:

Hãy nghe kệ ta:

Vô thượng đại Niết bàn

Tròn sáng thường lặng chiếu

Phàm ngu gọi là chết

Ngoại đạo chấp là đoạn.

Các người cầu Nhị thừa

Thấy đó là vô tác

Đều thuộc tình suy tính

Gốc sáu hai kiến chấp

Vọng lập tên hư giả

Đâu phải chân thật nghĩa.

 

Niết bàn không phải là “chết”, là “đoạn”, không còn cái gì cả; không phải là “vô tác”, không có hoạt động nào cả; nói theo tăng Chí Triệt ở trên, “thì tất cả các pháp đều bị Niết bàn cấm cản đè nén”.

Sở dĩ có đủ thứ kiến chấp như vậy bởi vì đều nằm trong thức tình, “đều thuộc tình suy tính”, chưa chuyển hóa thức thành trí được.

 

Chỉ người vượt thức lượng

Thông đạt, không lấy bỏ

Vì biết pháp năm uẩn

Và ngã trong năm uẩn

Ngoài hiện các sắc tượng

Tất cả tướng âm thanh

Bình đẳng như mộng huyễn.

Không khởi (cái) thấy phàm thánh 

Không tạo (cái) thấy Niết bàn

Hai bên, ba thời dứt.

 

Niết bàn là không có ngã (vô ngã) và không có pháp (vô pháp); không còn sự phân biệt giả lập thành ngã và pháp. Như Thành Duy Thức Luận của Bồ tát Thế Thân, phần mở đầu, nói:

Do giả nói ngã - pháp

Có tướng ngã - pháp chuyển

Chúng nương thức biến hiện

Thức năng biến có ba.

Người vượt khỏi thức lượng thì không còn sống trong thức phân biệt mà sống trong trí, do đó không có không gian thời gian, “chỉ người vượt thức lượng, thông đạt (pháp thân) không lấy bỏ”. Người sống trong pháp thân thì không còn khởi phân biệt phàm thánh, sanh tử Niết bàn, không lấy không bỏ, cho nên “hai bên, ba thời dứt”.

 

Thường ứng dụng các căn

Mà chẳng khởi dụng tưởng

Phân biệt tất cả pháp

Chẳng khởi tưởng phân biệt.

Kiếp hỏa đốt cháy biển

Gió thổi núi chọi nhau

Chân thường tịch diệt lạc

Tướng Niết bàn như vậy.

Ta nay cưỡng nói ra

Khiến ông bỏ tà kiến

Ông chớ theo lời hiểu

Cho ông biết ít phần.

Chí Đạo nghe nói đại ngộ, hớn hở làm lễ rồi lui ra”.

 

Với người đã nhập vào pháp thân, thì các căn không bị phế bỏ mà trở thành chỗ ứng dụng của pháp thân, các căn được chuyển hóa thành Thành sở tác trí, trí làm việc và thành tựu những công việc ở cuộc đời vật chất (Xem Kinh Phật Địa, Đương Đạo dịch và giảng).

Tăng Chí Đạo nghe giảng xong thì đại ngộ, tức là vào được cửa pháp thân, “nhất niệm tương ưng”. Để chứng đắc hoàn toàn pháp thân như Lục Tổ, còn phải tu tập nhiều để “niệm niệm tương ưng”. Thế nên Lục Tổ mới nói, “Ta nay cưỡng nói ra, khiến ông bỏ tà kiến, ông chớ theo lời hiểu, cho ông biết ít phần”.
-------o0o--------

Ảnh: Nhục thân của Lục Tổ Huệ Năng

Bài viết liên quan