NGŨ TRÍ NHƯ LAI - Đương Đạo Nguyễn Thế Đăng dịch và giảng - Kinh Phật Địa

                                                              NGŨ TRÍ NHƯ LAI

Kinh Phật địa –
pháp sư Huyền Trang Hán dịch

Đương Đạo Nguyễn Thế Đăng: dịch và giảng

Nhà Xuất Bản Thiện Tri Thức - 2022

-------o0o-------

Khi đã thấy tất cả thức là trí, thì tướng của hai chướng chuyển hóa thành trí, thành tánh thanh tịnh. Đây là thọ dụng hoà hiệp sự trí một vị, tất cả pháp trở thành Chân Như.
NGŨ TRÍ NHƯ LAI - Đương Đạo Nguyễn Thế Đăng dịch và giảng - Kinh Phật Địa

 

 

Nội Dung

I.     Chỗ Trụ Của Phật7

II. Pháp Giới Thể Tánh Trí17

III. Năm Trí Như La25

IV. Pháp Giới Thanh Tịnh (Pháp Giới Thể Tánh Trí)  35

V. Đại Viên Cảnh Trí53

VI. Bình Đẳng Tánh Trí81

VII.  Diệu Quan Sát Trí95

VIII. Thành Sở Tác Trí112

IX. Sự Trí Một Vị127

X. Kệ Tụng Tổng Kết137

-------o0o-------

  1. CH TR CA PHT[1]

Tôi nghe như vậy:

Một thời Thế Tôn, trụ ánh sáng tối thượng bảy báu trang nghiêm, phóng ánh sáng lớn chiếu khắp mười phương vô biên thế giới, vô lượng nơi chốn trang nghiêm kỳ diệu xen lẫn nhau, cùng khắp viên mãn không biên bờ. Vượt khỏi ba cõi, siêu xuất tất cả thiện căn thế gian, là chỗ ở của thức thanh tịnh tự tại cùng cực của Như Lai.”

Mở đầu, Kinh giới thiệu Phật, chỗ trú và những tính cách của Phật.

Phật trụ ở ánh sáng tối thượng bảy báu trang nghiêm, đây là chỗ trú thường hằng (thường trụ) của Phật. Ánh sáng đó chiếu khắp vô biên mười phương thế giới, nghĩa là tất cả vũ trụ, không sót một cái gì dù nhỏ đến đâu, đều đang ở trong ánh sáng ấy.

Trong ánh sáng này của Phật, vô biên thế giới, nơi chốn, sự vật hiển hiện trang nghiêm kỳ diệu.

Ánh sáng Phật soi thấu tất cả nơi chốn và sự vật khiến hiển hiện lên bản tánh của chúng là trang nghiêm kỳ diệu. Hơn thế nữa, ánh sáng Phật khiến chúng “xen lẫn nhau”, mở rộng “cùng khắp viên mãn không biên bờ”.

Như thế, ánh sáng Phật, trí huệ Phật làm hiện ra một vũ trụ trang nghiêm kỳ diệu, xen lẫn nhau cùng khắp không biên bờ. Đây là vũ trụ trong ánh sáng Phật, một Pháp Giới Nhất Chân, trong đó mọi thế giới, mọi sự đều “sự sự vô ngại”, nói theo thành ngữ của Kinh Hoa Nghiêm, vì xuất hiện trên nền tảng ánh sáng vô ngại.

Vũ trụ của Phật, pháp giới của Phật, vượt khỏi ba cõi thế gian, nhưng ba cõi thế gian luôn luôn nằm trong pháp giới của Phật, vì có cả “vô lượng trời, rồng, người, chẳng phải người…”. Pháp giới ấy “siêu xuất tất cả thiện căn thế gian’, nghĩa là luôn luôn thanh tịnh, chưa từng nhiễm ô, thanh tịnh một cách bổn nguyên.  Sở dĩ có ba cõi thế gian bởi vì cái thấy bất tịnh, nhiễm ô, tối tăm của chúng sanh mà hiển hiện thế giới sanh tử khổ đau.

Pháp giới ánh sáng này là “chỗ ở của thức thanh tịnh tự tại cùng cực của Như Lai”. Thức thanh tịnh cùng cực là bản tánh của thức, bản tánh của tâm, cũng là trí huệ bổn nguyên, vĩnh viễn chưa từng bị nhiễm ô, thanh tịnh suốt tất cả thời gian không gian của sanh tử của chúng sanh.

Thức thanh tịnh cùng cực này là bản tánh thanh tịnh của tạng thức A Lại Da:

Đại Huệ! Tạng thức A Lại Da Như Lai tạng này bản tánh thanh tịnh, chỉ vì khách trần nhiễm ô mà hóa bất tịnh” (Kinh Nhập Lăng Già).

Bản tánh của thức, trí huệ bổn nguyên là thực tại mà tất cả chúng sanh đều có, chỉ vì bị những nhiễm ô phiền não, chấp ngã chấp pháp tạm thời che khuất mà thôi.

Thế nên Kinh Đại Bát Niết Bàn nói:

Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Tất cả chúng sanh đều là Phật tánh

Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Dạ ma cung kệ tán nói:

Như tâm, Phật cũng vậy

Như Phật, chúng sanh đồng

Tâm Phật và chúng sanh

Cả ba không sai khác

Tất cả những thực hành, những pháp môn, những con đường của Phật pháp đều để tịnh hóa tâm thức con người, đưa nó trở lại bản tánh vốn thanh tịnh của thức, để thấy và sống trong Pháp giới ánh sáng thanh tịnh của chư Phật.

Đó cũng là chỗ tụ hội của chúng các đại Bồ tát, vô lượng trời, rồng, người, chẳng phải người, theo hộ vệ, giữ gìn mùi vị pháp hỷ lạc rộng lớn bao la, làm nghĩa lợi cho tất cả chúng sanh, diệt trừ các phiền não tai họa dơ bẩn, xa lìa các ma bằng những trang nghiêm.

Đạo tràng ánh sáng tối thượng bảy báu trang nghiêm nơi Phật thuyết pháp, là nơi tụ hội của chúng các đại Bồ tát. Các đại Bồ tát là các vị đã chứng vào Mười Địa của Pháp thân, của Phật địa, đã an trụ được, dù chưa trọn vẹn như Phật, vào Pháp thân, tức là “trụ ánh sáng tối thượng bảy báu trang nghiêm”.

Nơi đó cũng là nơi tụ hội của trời, rồng, người…, tất cả chúng các vị đại Bồ tát, là các con chính thức của Phật (Phật tử), giữ gìn pháp vị hỷ lạc, cam lồ của Phật pháp, để làm nghĩa lợi cho tất cả chúng sanh khiến họ thoát khỏi mê lầm, phiền não, buồn đau, tai họa… là những thứ gọi là ma chướng, ngăn che con đường đi đến hạnh phúc tối thượng của con người.

Đó là chỗ y cứ của tất cả trang nghiêm của Như Lai, đại niệm huệ hành lấy làm đường đi lớn, đại chỉ diệu quán lấy làm cổ xe lớn. Không, Vô tướng, Vô nguyện giải thoát làm cửa lớn đi vào. Vô lượng công đức trang nghiêm, các hoa vua báu lớn dựng lập trong đại cung điện.”

 

Tất cả trang nghiêm của Như Lai, vô lượng công đức trang nghiêm, đại cung điện làm bằng các hoa vua báu lớn là những công đức thanh tịnh biểu hiện trên nền tảng “thức thanh tịnh tự tại cùng cực của Như Lai.”

Để đi đến và tham dự pháp hội Đại thừa này phải có con đường lớn là “đại niệm, huệ hành”, cổ xe lớn là “đại chỉ diệu quán” và cửa lớn đi vào là Không, Vô tướng, Vô nguyện. Các pháp thực hành này càng sâu rộng thì sự hiểu biết lời Phật càng sâu rộng, càng thấy rõ chỗ trú ngụ và chỗ thuyết pháp của Phật.

“Đại niệm” là chánh niệm trực tiếp thức thanh tịnh cùng cực của Phật, cũng tức là “Tâm, Phật, chúng sanh, cả ba không sai khác”, cũng là bản tánh của tâm của mỗi chúng sanh.

Đại niệm là luôn luôn tìm cách nối kết và an trụ trong chỗ ở của Phật, chỗ ở của thức thanh tịnh cùng cực. Nói rằng tìm cách vì hành giả mới bắt đầu tin, mới thấp thoáng cảm nhận, thoáng thấy Thực Tại ấy. Nói theo kinh Lăng Nghiêm, cái mơ hồ cảm nhận, cái thoáng thấy ấy chỉ là mặt trăng thứ hai, chưa phải là mặt trăng thật, nhưng nếu không chánh niệm vào mặt trăng thứ hai này thì chẳng bao giờ có thể nhận biết để chánh niệm, an trụ vào mặt trăng thật.

“Huệ hành” hay sự thực hành trí huệ, luôn luôn thực hành trong trí huệ, như thí dụ “lấy làm đường đi”, đường thì phải luôn luôn đi. Trí huệ là gì? Khi nhìn mà không trụ, không vướng mắc vào một hình tướng nào, như nhìn một tấm gương trước mắt mà không theo đuổi, không dính với một hình bóng nào trong gương, khi ấy chúng ta thấy toàn thể tấm gương. Tấm gương này ở sau được gọi là Trí Đại Viên Cảnh, tức là Trí như tấm gương tròn sáng lớn.

Kinh Bahiya, Tiểu bộ kinh, nói: “Khi thấy chỉ là thấy, khi nghe chỉ là nghe, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Chính khi ấy ông giải thoát vì không có thời gian không gian.”

“Đại chỉ diệu quán”, Chỉ Quán hay thiền định và thiền quán, và Chỉ Quán đồng thời, là ba pháp thực hành quan trọng nhất trong việc tu tâm. Kinh Viên Giác đã nói chi tiết về ba pháp này, thành tựu hoàn toàn ba pháp này là “Như Lai xuất hiện ở thế gian”.

Nếu thực hành Trí như Tấm Gương thì chỉ, hay định, là tập trung vào tấm gương tâm này và quán là mở rộng cái thấy tấm gương để nó bao gồm toàn bộ sự vật, toàn bộ thế giới như là các bóng trong tấm gương ấy.

“Không, Vô tướng, Vô nguyện làm cửa lớn đi vào”. Không, Vô tướng, Vô nguyện là tánh Không. Tánh Không chính là thực tại Chân Như, chính là thức thanh tịnh cùng cực, là bản tánh của tâm.

Như thế, trong phần thứ nhất này, Kinh nói thức thanh tịnh cùng cực của giải thoát giác ngộ là tánh Không và quang minh. Thức thanh tịnh cùng cực là tánh Biết, và tánh Biết ấy là tánh Không và ánh sáng. Và để tương ưng, nối kết được với chỗ ở của Phật, thức thanh tịnh cùng cực, phải thực hành đại chỉ diệu quán, đại niệm huệ hành, và đi vào ba cửa giải thoát Không, Vô tướng, Vô nguyện.

 
  1. PHÁP GII TH TÁNH TRÍ

Đức Thế Tôn giác tối thanh tịnh, hiện hạnh chẳng hai, đến pháp vô tướng, trụ chỗ Phật trụ, đắc tánh bình đẳng của tất cả Phật, đến chỗ không còn che chướng, pháp không thể thối chuyển, chỗ làm vô ngại, đó là pháp chẳng thể nghĩ bàn. Đi trong pháp tánh bình đẳng ba đời, thân cùng khắp tất cả thế giới, trí không có nghi vướng với tất cả các pháp, thành tựu đại giác với tất cả các hạnh, trí không có nghi lầm với các pháp. Phàm chỗ hiện thân không thể phân biệt. Là chánh trí mà tất cả Bồ tát mong cầu, đắc Phật không hai, trụ bờ bên kia siêu việt, chẳng xen lẫn tạp loạn. Diệu trí giải thoát rốt ráo của Như Lai chứng Phật địa bình đẳng không có trung tâm và biên bờ, cùng tột pháp giới, tận tánh hư không, cùng tột mé vị lai”.

 

Đoạn này giảng về trí giác ngộ và hạnh của Phật. “Giác tối thanh tịnh” là đã hoàn toàn đạt đến “thức thanh tịnh tự tại cùng cực của Như Lai”, hay bản tánh của tâm, bản tâm, tánh giác, pháp thân, pháp tánh, chân như… Cái biết rốt ráo bản tâm pháp thân là “chánh trí mà tất cả Bồ tát mong cầu”. “Thành tựu đại giác” là thành tựu hoàn toàn tánh Giác hay tánh biết.

Đây là Trí Phật, chánh trí đại giác của Phật địa, hoàn toàn đạt đến “pháp tánh bình đẳng ba đời, thân cùng khắp tất cả thế giới”. Trí chứng đắc hoàn toàn pháp tánh này, chúng tôi lấy danh từ “pháp giới thể tánh trí” ở các kinh khác để đặt tên cho chương này.

“Hiện hạnh chẳng hai”. Hiện hạnh của chúng sanh là sanh tử, hiện hạnh của bậc Thanh Văn, Độc Giác là Niết bàn. Phật thì hiện hạnh chẳng hai nghĩa là sanh tử và Niết bàn chẳng hai, tự tại với cả sanh tử và Niết bàn.

“Pháp vô tướng”. Pháp tánh thì vô tướng. Khi đến pháp vô tướng thì tất cả các tướng tạo thành sanh tử trở lại bản tánh của chúng là vô tướng, khi ấy sanh tử không còn. Vô tướng là Niết bàn, khi ấy sanh tử tức là Niết bàn, Không, Vô tướng, Vô nguyện.

“Tánh bình đẳng của tất cả Phật” là pháp tánh, trong đó chỉ có một vị sanh tử và Niết bàn bình đẳng, một vị chư Phật và chúng sanh bình đẳng. Diệu trí của Phật là chứng hoàn toàn pháp tánh bình đẳng ấy, đó cũng là “Phật địa bình đẳng không có trung tâm và biên bờ, cùng tột pháp giới, tận tánh hư không, cùng tột mé vị lai”. Như thế, trí Phật thấu suốt tất cả không gian tất cả thời gian, biến tất cả không gian thời gian thành một vị pháp tánh Chân Như.

Hạnh hay hành động của Phật là “chỗ làm vô ngại”, như pháp tánh thì vô ngại với tất cả các pháp. Đi trong pháp tánh bình đẳng ba đời, mà pháp tánh chính là Pháp thân, nên thân cùng khắp tất cả thế giới. Với bậc giác ngộ, ba thân là một nên Pháp thân cùng khắp thì Báo thân và Hóa thân cũng cùng khắp.

“Thành tựu đại giác với tất cả các hạnh”, hạnh nào cũng là hạnh của đại giác, hạnh nào cũng là Chân Như, như thế “tự giác, giác tha, giác hạnh đều viên mãn”. Như khi thân tâm và thế giới đã biến thành vàng, đều là pháp tánh thì tất cả các hành động dù xuôi dù ngược đều là vàng, đều là pháp tánh. Trí không nghi lầm, vướng mắc với các pháp vì các pháp đều là đại giác, đều là vàng.

“Phàm chỗ hiện thân không thể phân biệt”, không còn phân biệt giữa thân mình và thân người, giữa tâm niệm của mình và tâm niệm của người, giữa thân tâm và thế giới, vì tất cả đồng một pháp tánh bình đẳng không phân biệt.

Kinh nói đến thân tâm giác ngộ và hạnh giác ngộ của Phật để những hành giả còn trên đường như chúng ta ham mê, vui thích mà nỗ lực thực hành, bởi vì “đó là chánh trí mà tất cả Bồ tát mong cầu.”

Cùng đầy đủ vô lượng đại Thanh Văn, tất cả đều điều thuận, đều là Phật tử. Tâm khéo giải thoát, huệ khéo giải thoát, giới khéo thanh tịnh, hướng cầu sự an lạc của pháp, nghe nhiều, giữ gìn và tích tập cái nghe, khéo suy nghĩ chỗ cần suy nghĩ, khéo nói chỗ cần nói, khéo làm chỗ nên làm. Huệ mạnh mẽ, huệ sắc bén, huệ bén nhạy, huệ thoát khỏi, huệ quyết trạch, đại huệ, quảng huệ và huệ không gì hơn, huệ bảo thành tựu. Đầy đủ ba minh. Đã đắc hiện pháp lạc trú đệ nhất, đại phước điền thanh tịnh, oai nghi tịch tịnh, đại nhẫn nhu hòa, thành tựu không giảm sút. Đã khéo vâng làm thánh giáo của Như Lai.

Các bậc Thanh Văn thường được Kinh điển Pali nói là “tâm khéo giải thoát và huệ khéo giải thoát.” Nhờ giới định huệ mà thân, khẩu, ý đã rủ sạch phiền não của sanh tử, do đó trụ trong “hiện pháp lạc trú đệ nhất”, tức Niết bàn, thành “phước điền thanh tịnh”, những thành tựu ấy không giảm sút gọi là “bất thối chuyển”. Các huệ đã mạnh để làm tiêu tan sanh tử, gọi là huệ bảo thành tựu. Tâm giải thoát, huệ giải thoát là sự hoàn toàn giải thoát khỏi sanh tử, an trú Niết bàn của bậc Thanh Văn.

Về mặt giải thoát, đã đạt đến mục đích và hoàn toàn thanh tịnh thì bậc Thanh Văn hơn Bồ tát, nên kinh để bậc Thanh Văn trước, rồi mới nói đến Bồ tát sau.

Lại có vô lượng đại Bồ tát, từ các cõi Phật cùng đến pháp hội. Các vị đều trụ Đại thừa, dạo đi trong pháp Đại thừa, với các chúng sanh tâm đều bình đẳng, lìa tất cả mọi thứ phân biệt và chẳng phân biệt, dẹp các ma oán, xa lìa tất cả niệm phân biệt trói buộc của Thanh Văn, Độc Giác. Giữ gìn pháp vị rộng lớn hỷ lạc, vượt khỏi năm sự sợ hãi, một đường hướng nhập vị bất thối chuyển, dứt trừ tất cả khổ não bức bách của địa chúng sanh, mà thường hiện tiền.

Bồ tát Diệu Sanh làm thượng thủ”.

Bồ tát đi theo con đường Đại thừa, không sớm nhập Niết bàn mà thực hành trí huệ để đạt đến bản tánh của tất cả mọi sự đồng thời với đại bi để cứu giúp chúng sanh đang khổ đau bức bách trong sanh tử. Như vậy con đường Bồ tát là đạt đến quả vị Phật đầy đủ trí huệ, đại bi và công đức để có thể lợi lạc nhiều nhất cho tất cả chúng sanh. Trên con đường thành Phật, lên đến địa nào, Bồ tát ở ngay nơi địa ấy mà làm lợi mình lợi người.

“Trụ Đại thừa, dạo đi trong pháp Đại thừa”, Đại thừa là gì? Đại thừa là “pháp tánh bình đẳng ba đời, thân cùng khắp tất cả thế giới”. Đi trong pháp tánh này, nên “với các chúng sanh tâm đều bình đẳng, lìa tất cả mọi thứ phân biệt và chẳng phân biệt.” Bình đẳng, không phân biệt là “thức thanh tịnh tự tại cùng cực của Như Lai”. Bình đẳng, không phân biệt giữa giác ngộ và chưa giác ngộ, giữa Niết bàn và sanh tử, vì đều cùng là một thức thanh tịnh cùng cực.

“Xa lìa tất cả niệm phân biệt trói buộc của Thanh Văn, Độc Giác”, niệm phân biệt của Thanh Văn và Độc Giác là còn phân biệt giữa sanh tử khổ đau và Niết bàn tịnh lạc, giữa chúng sanh và chư Phật, giữa thấp và cao…

Nhưng cũng lìa cả tâm chẳng phân biệt, vì với một Bồ tát, nếu hoàn toàn không phân biệt thì cũng chẳng có sanh tử và chúng sanh để độ thoát khỏi sanh tử. Với một Bồ tát, phân biệt chính là không phân biệt, không phân biệt chính là phân biệt.

Đó là Chỉ - Quán đồng thời. Chỉ là không phân biệt, Quán là phân biệt.

Pháp vị rộng lớn hỷ lạc là pháp tánh, pháp thân, Phật tánh, trong đó không có năm sự sợ hãi là không còn tất cả phiền não do chấp ngã. Giữ gìn pháp vị rộng lớn hỷ lạc, an trú trong pháp vị ấy, trong pháp tánh ấy, nghĩa là trí huệ và đại bi thường hiện tiền thì có thể dứt trừ tất cả khổ não bức bách của chúng sanh. Bồ tát không hề lìa pháp vị pháp tánh mà cứu độ chúng sanh khỏi khổ não của họ, nghĩa là Bồ tát nối kết được pháp tánh với chúng sanh, chúng sanh với pháp tánh, ở trong pháp tánh mà cứu độ. Nói cách khác, Bồ tát nối kết được Niết bàn với sanh tử, chúng sanh với giác ngộ, vì cả hai đều cùng một pháp tánh bất nhị.

Bồ tát Diệu Sanh làm thượng thủ để được đức Thế Tôn giảng cho năm pháp, năm trí của giác ngộ, nhờ đó chúng ta có thể thấy rõ con đường Phật đạo để thực hành.

  1. NĂM TRÍ NHƯ LAI

Bấy giờ đức Thế Tôn bảo Bồ tát Diệu Sanh: Diệu Sanh ông nên biết, có năm pháp gồm trong (nhiếp) địa đại giác. Thế nào là năm pháp? Đó là:

1/ Pháp giới thanh tịnh, 2/Đại viên cảnh trí, 3/ Bình đẳng tánh trí, 4/ Diệu quan sát trí, 5/ Thành sở tác trí.

Địa đại giác là địa Phật, địa giác ngộ. Trong đó có năm pháp:

1/ Pháp giới thanh tịnh: là sự thanh tịnh vốn sẵn của toàn bộ pháp giới. Sự thanh tịnh này là tuyệt đối bởi vì không có vô minh và giác ngộ, không có sanh tử và Niết bàn, không có Nền tảng, Con đường và Quả, không có cái Thấy, Thiền định, Hạnh và Quả, không có thanh tịnh và bất tịnh, vượt khỏi chuyển động và bất động nên không có nghiệp hành động và nghiệp bất động…

Trong Mật giáo Ấn – Tạng, thay vì Bốn trí như trong kinh này thì có đến Năm trí, gọi là Ngũ trí Như Lai. Thật ra cũng không khác vì Mật giáo lấy Pháp giới thanh tịnh làm trí trung tâm, gọi là Pháp giới thể tánh trí, với Phật Tỳ Lô Giá Na (Vairocana) ở trung tâm làm đại diện.

Trong Ba thân Phật, Mật giáo còn có thân thứ tư là Tự tánh thân (Svabhavikakaya), là bản tánh của Ba thân và hợp nhất Ba thân. Tự tánh thân là pháp giới thanh tịnh, về mặt trí gọi là pháp giới thể tánh trí.

Pháp giới là Tâm, Tâm là pháp giới. Cho nên chứng ngộ Tâm là chứng ngộ pháp giới, giác ngộ Tâm là giác ngộ pháp giới.

2/ Đại viên cảnh trí, Trí như tấm gương tròn sáng. Đại viên cảnh trí y trên pháp giới thanh tịnh mà thành lập, không thể ra ngoài pháp giới thanh tịnh. Pháp giới thanh tịnh là Tự tánh thân, thì Đại viên cảnh trí là Pháp thân (Dharmakaya)

Tấm gương tròn sáng này in hình bóng của tất cả vũ trụ, tất cả mọi hiện hữu dầu vi tế đến đâu. Nói cách khác, tất cả vũ trụ đều hiện hình bóng (ảnh hiện) trong đó. Đại viên cảnh trí thì có vô minh và giải thoát giác ngộ, có chúng sanh và chư Phật, có thanh tịnh và nhiễm ô, có trí huệ chứng ngộ và thức trôi lăn… Tất cả các hình bóng này đều có trong tấm gương vô hạn này.

Nhưng tấm gương bao giờ cũng tròn sáng, không vì vô số hình bóng chiếu vào trong đó mà bị nhiễm ô. Bóng không thể dính cứng vào gương, gương cũng chẳng lưu giữ bóng. Như vậy gương vốn giải thoát, vốn thanh tịnh như pháp giới thanh tịnh. Đứng về mặt thân thì Đại viên cảnh trí là Pháp thân, “Pháp thân của tất cả chư Phật”.

Trí như tấm gương sáng thì có đủ ba phẩm tính của pháp giới thanh tịnh, đúng hơn, tấm gương ấy chính là pháp giới thanh tịnh: tánh Không, quang minh và năng lực. Tánh Không là sự giải thoát ở khắp mọi chỗ. Quang minh, ánh sáng là phẩm tính vốn có của tấm gương. Ánh sáng này thấu thoát qua mọi bóng hình hiện nơi tấm gương, nghĩa là ánh sáng không bị ô nhiễm bởi các bóng hình. Và năng lực là khả năng, tiềm năng cho sự hiện bóng như huyễn tất cả mọi sự; hiện bóng, hóa hiện mà không nhiễm ô gì đến tấm gương.

Với chúng sanh, vì trí đã bị nhiễm ô thành thức, nên phải chuyển hóa thức thành trí. Thức căn bản, nền tảng A Lại Da sẽ được chuyển hóa thành Đại viên cảnh trí trong quá trình tịnh hóa.

 

3/ Bình đẳng tánh trí là trí kinh nghiệm tánh bình đẳng, tức tánh Không trùm khắp, không chỗ nào không có của pháp giới thanh tịnh, cụ thể là tánh bình đẳng của trí như tấm gương sáng. Mặt gương sáng thì bình đẳng ở khắp mọi chỗ: chỗ nào cũng là tấm gương sáng, không cao thấp, không khác biệt, không chỗ này sáng hơn chỗ kia, không tăng không giảm, không dơ không sạch.

Không những mặt gương bình đẳng ở tất cả mọi chỗ mà các bóng hình trong gương cũng đều bình đẳng, vì tất cả bóng đều là gương.

Với Đại thừa, trí huệ tánh Không và từ bi là hợp nhất, nên trong bình đẳng tánh trí thì từ là vô duyên từ và bi là đồng thể đại bi. Trong từ bi này, vị ấy nhìn tất cả chúng sanh là bình đẳng, thậm chí bình đẳng với các bậc thánh và với mọi vật.

Với chúng sanh, bình đẳng tánh trí là do thức mạt na tức thức chấp ngã chuyển hóa thành. Hay nói cách khác, hết chấp ngã thì đây là bình đẳng tánh trí.

4/ Diệu quan sát trí. Diệu quan sát trí và Bình đẳng tánh trí, và cả trí thứ tư là Thành sở tác trí, đều lấy Đại viên cảnh trí làm nền tảng, căn bản. Có thể nói chính từ Đại viên cảnh trí mà có Bình đẳng tánh trí và Diệu quan sát trí và Thành sở tác trí vì cả ba trí sau đều nằm trên cùng một mặt gương Đại viên cảnh trí.

Bình đẳng tánh trí là sự bình đẳng, vô phân biệt của tấm gương. Và chính trên tánh bình đẳng, vô phân biệt của Bình đẳng tánh trí mà có Diệu quan sát trí, tức là trí quan sát thấy sự sai biệt, khác nhau một cách tương đối của các hình bóng trong tấm gương. Các hình bóng có khác biệt, có khác nhau nhưng vẫn ở trên nền tảng bình đẳng, vô phân biệt của Bình đẳng tánh trí, thế nên sự khác biệt này chỉ là tương đối.

Các hình bóng trong gương có sai biệt, có khác nhau nhưng đồng là tấm gương, đồng là tánh bình đẳng, tánh Không của tấm gương. Tướng thì khác biệt, nhưng tánh thì không khác biệt, bình đẳng. Tướng khác biệt hiện hình trên tánh bình đẳng, nên khác biệt mà không khác biệt, không khác biệt mà khác biệt. Thế nên trí này được gọi là Diệu.

Diệu là thấy khác biệt nhưng thật không khác biệt, thấy mọi sự khác biệt nhưng vẫn là Một.

5/ Thành sở tác trí. Trí thành tựu các việc làm, các Phật sự. Sự thành tựu Phật sự không dứt này là do biến hiện thành Hóa thân ở khắp tất cả thế giới.

Thành Sở tác trí là sự biểu hiện của ba trí ở trên nơi bình diện các căn và các đối tượng của các căn, cụ thể là nơi thế giới mà người bình thường gọi là “vật chất”.

  • Tất cả bốn trí này lấy pháp giới thanh tịnh làm nền tảng để biểu hiện, thế nên có cùng một bản tánh thanh tịnh của pháp giới thanh tịnh. Có thể nói pháp giới thanh tịnh là Thể, bốn trí là Dụng. Bốn trí là sự biểu lộ, sự lưu xuất của pháp giới thanh tịnh ở nơi thế giới, do đó có sự tịnh hóa của bốn trí ở nơi chúng sanh, và diệu dụng giáo hóa, cứu độ ở chư Phật và Bồ tát.

Từ đại viên cảnh trí đến thành sở tác trí đều lưu xuất từ nền tảng pháp giới thanh tịnh, ở chúng sanh thì nhiễm ô, chư Phật thì không còn nhiễm ô, nhưng cả hai đều cùng một nền tảng pháp giới thanh tịnh.

  • Bốn trí này chứa đựng hai sự thanh tịnh của Phật quả:
  1.  - Sự thanh tịnh vốn sẵn, bổn nhiên của pháp giới thanh tịnh. Điều này Thành Duy Thức Luận gọi là chuyển đắc hay chuyển chứng vì chứng đắc cái vốn có sẵn.
  2. - Sự thanh tịnh do tịnh hóa hai chướng chấp ngã và chấp pháp. Điều này Thành Duy Thức Luận nói là chuyển xả (“chuyển xả biến kế sở chấp trên y tha khởi”) hay chuyển diệt (“chuyển diệt sanh tử có sở y là chân như, mà chuyển chứng Niết bàn có sở y chân như”).
  • Năm trí này trong suốt Kinh đều có chữ Như Lai ở trước. Thay vì dịch Đại viên cảnh trí của Như Lai, ở đây dịch là Như Lai đại viên cảnh trí để nhấn mạnh năm trí chính là Như Lai. Các Bồ tát trong các địa Pháp thân tu hành dần dần để chứng ngộ năm trí Như Lai này.
  •  Năm trí này mỗi chúng sanh đều có và luôn luôn sống trong đó, nhưng bị che khuất bởi vô minh, phiền não. Kinh Đại Bát Niết Bàn nói: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”. Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm Dạ Ma cung kệ tán, nói:

Như tâm, Phật cũng vậy

Như Phật, chúng sanh đồng

Tâm, Phật, và chúng sanh

Cả ba không sai khác.

  •  Đại viên cảnh trí là Pháp thân, nên đại viên cảnh trí là nền tảng cho ba trí sau. Các Bồ tát ngộ Pháp thân Đại viên cảnh trí, dần dần nhập sâu hơn thì các trí sau dần dần xuất hiện.

 

  1. PHÁP GII THANH TNH (PHÁP GII TH TÁNH TRÍ)

 

Diệu Sanh nên biết, pháp giới thanh tịnh giống như hư không, tuy khắp trong thảy thảy sắc tướng nhưng chẳng thể nói có thảy thảy tướng, thể chỉ một vị. Như vậy, Như Lai pháp giới thanh tịnh, tuy cùng khắp thảy thảy loại tướng, biết các cảnh giới, nhưng chẳng thể nói có thảy thảy tướng, thể chỉ một vị”.

Như hư không tuy khắp trong tất cả sắc tướng, nhưng chẳng thể nói có tất cả tướng, bởi vì tất cả tướng chính là hư không, tất cả tướng chỉ là một vị hư không. Pháp giới thanh tịnh cũng thế, các sắc tướng, các cảnh giới xuất hiện trong đó, nhưng không khác với pháp giới thanh tịnh, tất cả chỉ là một vị pháp giới thanh tịnh. Các cảnh giới gồm mọi tất cả cảnh giới thanh tịnh của thánh và bất tịnh do nghiệp của phàm.

Pháp giới thanh tịnh là tánh Không, không bị ô nhiễm với các sắc tướng, là tánh sáng để các sắc tướng có thể nương dựa mà hiện hình, là tánh huyễn vì chứa đựng các sắc tướng mà chẳng thể nói có: Cả ba tánh này chỉ một vị.

“Như Lai pháp giới thanh tịnh biết các cảnh giới”, pháp giới thanh tịnh là cái biết, tánh biết bổn nguyên, nên gọi là Trí pháp giới thể tánh trí. Thấy thí dụ từ Đại viên cảnh trí mà nói, tấm gương xuất hiện tất cả các hình bóng trong gương, nhưng nói tấm gương “có” các hình bóng là không đúng. Chữ có hàm ý “khác”, trong khi các hình bóng không khác tấm gương, các hình bóng là tấm gương, cả hai cùng một bản tánh gương, cả hai cùng một vị.

Trong tánh mà thấy có các tướng đứng riêng và khác biệt với tánh là sai lầm. Cái thấy đúng là trong tánh không có các tướng, tất cả tướng là tánh, chỉ một vị tánh.

Về mặt thực hành bản tánh của tâm, bản tâm chúng ta là pháp giới thanh tịnh, chỉ vì phiền não chướng và sở tri chướng mà không thấy biết, không chứng ngộ được. Để thấy và chứng được, dù chỉ phần nào, chúng ta phải thực hành Chỉ (Định), Quán (Quán) và Chỉ Quán đồng thời.

Khi khởi lên một ý tưởng, tạo liền ngay một tướng, bằng Định và Quán, chúng ta đưa tưởng và tướng ấy về nguồn phát sanh của chúng, về pháp giới thanh tịnh vốn vô tướng. Hoặc là chúng ta thấy tướng và tưởng ấy chẳng bao giờ lìa và không khác với pháp giới thanh tịnh, nghĩa là tướng và tưởng ấy là tánh Không, tánh biết, tánh sáng và tánh huyễn.

Thực hành như thế cho đến thuần thục, để thấy biết “sắc tức là Không, Không tức là sắc”, và tánh Không này, theo Kinh Đại Bát Nhã cũng là tánh Như. Chân Không là Chân Như.

Pháp giới thanh tịnh càng hiện rõ thì “thảy thảy loại tướng” càng mờ dần, cho đến khi “chẳng thể nói có thảy thảy tướng”, “thể chỉ một vị” là Chân Như.

Lại như hư không tuy khắp các sắc tướng chưa từng lìa bỏ, nhưng chẳng bị lỗi các sắc tướng làm nhiễm ô. Như vậy, Như Lai pháp giới thanh tịnh tuy cùng khắp tất cả tâm tánh chúng sanh, do là chân thật nên chẳng lìa bỏ, nhưng chẳng bị lỗi các chúng sanh kia làm nhiễm ô”.

Câu trên là nói về sắc tướng, về cảnh. Câu này nói về tâm thức của chúng sanh.

Pháp giới thanh tịnh ở khắp các tâm thức nhiễm ô của chúng sanh, nhưng do là cái chân thật độc nhất nên chưa từng lìa bỏ, ở đâu có tâm thức ở đó có pháp giới thanh tịnh. “Chân thật nên chẳng lìa bỏ”, chân thật là luôn luôn hiện hữu suốt cả ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai. Chân thật là thường trụ, thường hằng, đó chính là tánh giác, “thức thanh tịnh cùng cực của Như Lai”.

Pháp giới thanh tịnh là bản tánh của mọi sắc tướng mọi tâm thức, bản tánh ấy không bị lỗi là các sắc tướng, các tâm thức làm nhiễm ô. Pháp giới thanh tịnh là Như Lai tánh, là bản tánh của tâm chúng sanh, là cái chân thật thường trụ nên chưa từng lìa bỏ tâm chúng sanh, nhưng không bị lỗi nhiễm ô bởi tâm chúng sanh. Pháp giới thanh tịnh là chung cho Phật và chúng sanh, chỉ có điều chúng sanh thì còn bị ô nhiễm, che mờ.

Tướng và tâm của chúng sanh, đó là nghiệp tạo ra sanh tử, không thể làm nhiễm ô pháp giới thanh tịnh. Trái lại pháp giới thanh tịnh chiếu suốt qua tất cả tâm tánh nhiễm ô của chúng sanh.

Thiền định thiền quán để thấy nơi tâm thức chúng sanh của mình vẫn thường có, thường hiện diện Như Lai pháp giới thanh tịnh, hay tánh biết, ánh sáng của nó thấu thoát qua mọi vọng tưởng phiền não nhiễm ô, đó là thực hành để thấy và chứng pháp giới thanh tịnh chưa từng nhiễm ô.

Như tấm gương Đại viên cảnh trí, sự trống không và ánh sáng của nó thấu suốt qua tất cả những hình bóng trong gương, nó chẳng hề lìa các hình bóng, nhưng các hình bóng chẳng thể nào nhiễm ô, ngăn ngại được tấm gương, chẳng thể nào làm mất tính trống không và ánh sáng vốn có của gương. “Chẳng thể nói tấm gương có thảy thảy loại tướng”, các tướng chỉ là sự xuất hiện như huyễn trên tấm gương vốn là tánh Không và ánh sáng.

 

Lại như hư không gồm chứa tất cả thân ngữ ý nghiệp mà hư không ấy không có khởi sanh, tạo tác. Như thế, Như Lai pháp giới thanh tịnh gồm chứa tất cả trí biến hóa làm sự lợi ích cho chúng sanh mà pháp giới thanh tịnh không có khởi sanh tạo tác”.

Như hư không gồm chứa tất cả hoạt động thân ngữ ý, tất cả trí biến hóa, tất cả những hóa thân của các bậc giác ngộ làm lợi ích cho chúng sanh, pháp giới thanh tịnh vẫn không khởi sanh, không tạo tác và cũng không bị nhiễm ô bởi tất cả hoạt động thân ngữ ý biến hóa của các bậc giác ngộ. Pháp giới thanh tịnh không vì các hoạt động thanh tịnh của các bậc thánh mà thêm tốt, cũng không vì các hoạt động bất tịnh của chúng sanh mà bớt tốt.

Pháp giới thanh tịnh là môi trường tiềm năng cho mọi sự hóa hiện, dù tốt dù xấu, dù cao dù thấp, của mọi bóng hình trong đó. Pháp giới thanh tịnh không có khởi sanh tạo tác, nghĩa là các bóng hình hóa hiện một cách tự phát trên tấm gương mà không thể làm ô nhiễm tấm gương.

Thực hành là thiền định thiền quán pháp giới thanh tịnh hay bản tánh của tâm hay tánh biết không khởi sanh, không tạo tác này để nhận biết Nền tảng không khởi sanh, không tạo tác, không ô nhiễm của mọi hoạt động thân ngữ ý biến hóa của tất cả các bậc giác ngộ.

 

Lại như trong hư không, thảy thảy sắc tướng hiện sanh hiện diệt nhưng hư không ấy vô sanh, vô diệt. Như thế, trong Như Lai pháp giới thanh tịnh, các trí biến hóa làm sự lợi ích cho chúng sanh hiện sanh hiện diệt, nhưng pháp giới thanh tịnh không sanh không diệt.”

Một nghĩa của hư không là tự đủ cho chính nó, không cần một cái gì khác để có thể là hư không. Như thế hư không là hoàn toàn tự do tự tại, vô sanh vô diệt.

Như Lai pháp giới thanh tịnh là Pháp thân, là tánh Không, là tánh biết, như hư không, không sanh không diệt. Các trí biến hóa là các hóa thân thì có sự xuất hiện sanh, xuất hiện diệt, nhưng các xuất hiện có sanh có diệt ấy chẳng tác động gì đến Pháp thân tánh biết vô sanh vô diệt. Các tướng do hoạt động của trí biến hóa của thánh hay do nghiệp nhiễm ô của phàm đều chẳng thể làm sanh diệt, làm dơ sạch, làm tăng giảm Pháp thân tánh Không – Giác, như Bát nhã tâm kinh nói.

Lại như trong hư không thảy thảy sắc tướng hiện tăng hiện giảm nhưng hư không ấy không tăng không giảm. Như thế, trong Như Lai pháp giới thanh tịnh hiển thị Như Lai thánh giáo cam lồ có tăng có giảm, nhưng pháp giới thanh tịnh không tăng không giảm.”

Thánh giáo là giáo pháp của Phật thể hiện qua ngôn ngữ, kinh điển và cuộc đời của Phật. Giáo pháp này được thịnh hay suy còn tùy thuộc vào sự thực hành của con người. Những tướng này tùy thuộc vào những nguyên nhân và điều kiện, nên sự xuất hiện của chúng có tăng có giảm, thuộc về chân lý tương đối, thế đế. Nhưng tinh túy của ngôn ngữ, kinh điển, sự thị hiện của Phật, và của sự thực hành là chân lý tuyệt đối, chân đế. Tinh túy hay nền tảng này là pháp giới thanh tịnh thì không tăng không giảm, thường trụ như hư không.

Pháp giới Không – Giác thanh tịnh này là chỗ quy y chân thật, là nền tảng cho mọi thực hành, mọi chuyển thức thành trí, nên tất cả cuộc đời hành giả là thấy được và an trụ trong đó.

Lại như trong hư không, sắc tướng mười phương vô biên vô tận, nên cõi hư không này vô biên vô tận. Nhưng hư không này không đi, không đến, không động không chuyển. Như thế, trong Như Lai pháp giới thanh tịnh dựng lập sự lợi ích an vui cho chúng sanh, thảy thảy tác dụng vô biên vô tận, nên pháp giới thanh tịnh vô biên vô tận nhưng pháp giới thanh tịnh không đi, không đến, không động, không chuyển”.

Trong pháp giới thanh tịnh vô biên, vô tận như hư không, các bậc giác ngộ và chứng ngộ dựng lập sự lợi ích an vui cho chúng sanh, dựng lập thảy thảy tác dụng vô biên vô tận, nhưng dựng lập trên nền tảng pháp giới thanh tịnh không đi, không đến, không động, không chuyển. Thảy thảy dựng lập đều trên nền tảng tánh Không, nên chính các sự dựng lập ấy cũng là tánh Không, như huyễn.

Pháp giới thanh tịnh là tánh Giác, nên dựng lập, mọi lợi ích an vui cho chúng sanh, thảy thảy tác dụng vô biên vô tận, nhưng tất cả đều là việc làm của tánh Giác hay Trí huệ bổn nguyên.

Như Kinh Duy Ma Cật nói: “Từ gốc vô trụ lập tất cả pháp”. Với các Bồ tát, dựng lập mà không dựng lập; không dựng lập mà dựng lập. Ở trong tánh Không – Giác mà làm việc, nên bất cứ tướng nào được phương tiện lập nên đều là tướng Không – Giác.

Sanh tử là có đi có đến, có động có chuyển. Pháp giới thanh tịnh phá tan sanh tử có đi có đến, có chuyển có động và những nghiệp chuyển động hư vọng của nó, vì pháp giới thanh tịnh không đi không đến, không động không chuyển.

Thiền định thiền quán để ngộ nhập pháp giới thanh tịnh là thiền định thiền quán tính không sanh không diệt, không tăng không giảm, không đi, không đến, không động, không chuyển của pháp giới thanh tịnh. Thực sự thấy được những tính cách ấy là thấy trực tiếp pháp giới thanh tịnh, do đó sanh tử tiêu tan.

Không những thế, hãy thiền định thiền quán tất cả mọi tướng trong pháp giới thanh tịnh đều là tướng Không – Giác. Tánh tướng đều Không – Giác, đó là pháp giới thanh tịnh hiện tiền.

Lại như trong hư không, ba ngàn thế giới hiện hoại hiện thành mà cõi hư không không hoại không thành. Như thế trong Như Lai tịnh pháp giới hiện vô lượng tướng thành Đẳng chánh giác, hoặc lại thị hiện nhập đại Niết bàn mà pháp giới thanh tịnh chẳng phải thành Đẳng chánh giác, chẳng phải nhập tịch diệt”.

Đây là thí dụ thứ bảy ví Như Lai pháp giới thanh tịnh như hư không.

Trong hư không ba ngàn thế giới cùng với số phận của từng chúng sanh và lịch sử của từng quốc gia xuất hiện tướng thành tướng hoại nhưng hư không thì không thành không hoại. Cũng vậy, trong Như Lai pháp giới thanh tịnh xuất hiện tướng thành Giác ngộ của các đức Phật hoặc sự thị hiện nhập đại Niết bàn của các ngài, nhưng những sự xuất hiện, thị hiện ấy không hề hấn gì đến pháp giới thanh tịnh, vì trong pháp giới thanh tịnh không có thành Phật hoặc nhập diệt. Trong pháp giới thanh tịnh không có những tướng xuất hiện, dù là tướng Giác ngộ hay tướng nhập đại Niết bàn. Trong pháp giới thanh tịnh hoàn toàn vượt khỏi mọi trở thành, mọi hoại diệt, mọi thời gian, mọi không gian. Vì pháp giới thanh tịnh là Như Lai, vốn là Giác ngộ, vốn là tánh Giác, vốn là tịch diệt, nên không có sự Giác ngộ và tịch diệt nào thêm nữa.

Vốn Giác ngộ nghĩa là vốn là Ánh sáng, chưa từng có bóng tối, đây là phương diện Chiếu của pháp giới thanh tịnh hay tánh Giác thanh tịnh. Vốn tịch diệt vì chưa từng có cái gì khởi sanh, vì vốn là vô sanh, đây là phương tiện Tịch của pháp giới thanh tịnh hay tánh Giác. Tịch – Chiếu chính là Chỉ - Quán bổn nguyên của pháp giới thanh tịnh hay tánh Giác. Nói là bổn nguyên vì pháp giới thanh tịnh vốn là như vậy, vốn là Tịch Chiếu thanh tịnh, từ vô thủy đến vô chung.

Lại như có thảy thảy sắc tướng nương vào hư không, bị biến đổi, hư hoại, tiêu tan, nhưng cõi hư không chẳng bị biến hoại, cũng không khó nhọc. Như thế, nương nơi Như Lai pháp giới thanh tịnh mà trong cõi chúng sanh có thảy thảy các hủy phạm của nghiệp thân ngữ ý trong các pháp học nhưng pháp giới thanh tịnh chẳng phải do đó mà biến đổi cũng chẳng nhọc nhằn”.

Hư không không vì những nghiệp xấu tốt của chúng sanh trong đó mà bị biến đổi, khổ nhọc. Như Lai pháp giới thanh tịnh cũng thế. Pháp giới thanh tịnh không những không bị nhiễm ô, biến hoại, nhọc nhằn bởi những hủy phạm của nghiệp thân ngữ ý của chúng sanh, mà còn thanh tịnh đến độ không có, chưa từng có và mãi mãi không hề có, các nghiệp xấu hủy phạm ấy. Vì nói như Kinh Viên Giác: “Tất cả là tánh Giác”.

 

Lại như nương nơi hư không, đất đai, núi lớn, ánh sáng, nước lửa, Đế thích và quyến thuộc, cho đến mặt trời mặt trăng… có đủ các thứ, nhưng cõi hư không chẳng phải các tướng ấy. Như thế, nương nơi Như Lai pháp giới thanh tịnh, có các uẩn giới, định, huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, nhưng pháp giới thanh tịnh chẳng phải các tướng ấy.”

Trong hư không có các thế giới, đất đai, núi sông, ánh sáng, đất nước lửa gió, các chúng sanh từ chư thiên cho đến các chúng sanh thấp nhất, các tướng ấy nương hư không, mà xuất hiện nhưng hư không chẳng phải có cũng chẳng là tất cả các tướng ấy. Trong Như Lai pháp giới thanh tịnh những uẩn thanh tịnh của giải thoát là giới, định, huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến nương nơi pháp giới thanh tịnh để hiện hữu, để làm lợi lạc cho chúng sanh, đưa chúng sanh đến giải thoát giác ngộ, nhưng pháp giới thanh tịnh chẳng phải có cũng chẳng phải giới hạn trong các tướng thanh tịnh giải thoát ấy.

Pháp giới thanh tịnh tuyệt không có các tướng của thánh và của phàm, là Không Vô tướng, Vô tác hay Vô nguyện tuyệt đối.

 

Lại như trong hư không có thảy thảy nhân duyên chuyển vần sanh khởi, tam thiên đại thiên vô lượng thế giới xoay vần, nhưng cõi hư không không có khởi, không có làm. Như thế trong Như Lai pháp giới thanh tịnh có đầy đủ vô lượng tướng, có chư Phật chúng hội chuyển pháp luân, mà pháp giới thanh tịnh không có khởi, không có làm.”

Trong Như Lai pháp giới thanh tịnh, có chư Phật và chúng hội chuyển pháp luân, đầy đủ vô lượng tướng trang nghiêm có các cõi Tịnh độ của chư Phật, nhưng pháp giới thanh tịnh không có khởi không có làm. Lấy Đại viên cảnh trí làm thí dụ, trong tấm gương pháp giới thanh tịnh có tất cả hình bóng trang nghiêm của các cõi Tịnh độ, có chư Phật chuyển pháp luân, nhưng tấm gương không khởi không làm các hình bóng đó. Bóng là bóng, gương là gương; gương chẳng dính dáng gì với bóng, bóng chỉ là sự hóa hiện tự phát trên mặt gương tánh Không và ánh sáng như là nền tảng, môi trường cho mọi sự hóa hiện.

Ở trên là mười thí dụ pháp giới thanh tịnh giống như hư không, không bị ô nhiễm, sanh diệt, dơ sạch bởi mọi tướng mà nó chứa đựng. Hơn nữa mọi tướng mà nó chứa đựng cũng như hư không, không sanh không diệt, không đi không đến, không hoại không thành.

Điều quan trọng nhất với mỗi chúng ta là thân tâm, thế giới của chúng ta đang ở trong, không thể ra ngoài pháp giới thanh tịnh ấy, như con cá trong đại dương. Thân tâm thế giới của chúng ta đang ở trong pháp giới thanh tịnh, thấm đẫm pháp giới thanh tịnh.

Pháp giới thanh tịnh này ở trong, thấu suốt qua tất cả bốn trí từ đại viên cảnh cho đến thành sở tác trí.

Để có những hiểu biết, kinh nghiệm và những chứng ngộ pháp giới thanh tịnh đang bao bọc quanh mình, chúng ta phải thiền định thiền quán, nghĩa là tham thiền về nó. Khi những tà kiến đã rơi rụng, chánh kiến về nó sẽ hiện rõ. Một khi đã thấy phần nào thực tại pháp giới thanh tịnh này, chúng ta liên tục duy trì, giữ gìn cái thấy ấy, trong khi ngồi thiền và cả sau thời ngồi thiền, gọi là hậu thiền định. Duy trì, hộ trì, bảo nhậm cái thấy ấy, pháp giới thanh tịnh càng ngày càng hiện rõ, rộng mở bao la như hư không vô biên, và sâu thẳm không cùng vì nó là nền tảng chứa đựng tất cả mọi hiện hữu. Nó là tánh Giác chứa đựng tất cả thức giác ngộ của các Bồ tát Pháp thân và tất cả thức nhiễm ô của chúng sanh mà vẫn hằng hằng thanh tịnh. Nó càng hiện rõ bao nhiêu, các tướng tạo thành sanh tử hư vọng của chúng ta càng mờ đi cho đến biến mất.

Đối với các bậc giác ngộ, các đại Bồ tát, tất cả hiện hữu chỉ là một vị pháp giới thanh tịnh, một vị Chân Như, một vị tánh Giác.

  1. ĐI VIÊN CNH TRÍ

Lại nữa, Diệu Sanh! Đại viên cảnh trí là như gương tròn đầy, nương vào gương ấy mà các hình bóng ảnh hiện. Như thế, y nương nơi gương trí Như Lai các hình bóng của sáu xứ, sáu cảnh, sáu thức ảnh hiện. Duy lấy gương tròn đầy làm thí dụ, nên biết, gương trí Như Lai tròn đầy, bình đẳng, thế nên gương trí gọi là Đại viên cảnh trí”.

Đại viên cảnh trí là trí như tấm gương (cảnh) tròn đầy (viên). “Trí” là sự hiểu biết thấu suốt mọi sự, mọi bóng hình hiện trong gương. Trí là tánh Giác. “Đại” là rất, hoàn toàn. “Viên” là tròn đầy, viên mãn, hoàn hảo. Đại viên nhắc chúng ta nhớ đến Đại viên mãn hay Đại toàn thiện (Dzogchen, Maha-Ati). Thế nên tấm gương ấy là đại viên mãn, đại toàn thiện, và trong tấm gương ấy tất cả mọi bóng hình hiện hữu đều đại viên mãn, đại toàn thiện, nghĩa là hoàn toàn tròn đầy, viên mãn không thiếu sót chút mảy may nào. Tóm lại, Đại viên cảnh trí là tấm gương Chân Như, chữ Chân Như sẽ được dùng ở bài kệ cuối kinh, “Nhất thiết pháp Chân Như, nhị chướng thanh tịnh tướng”. Tấm gương Chân Như đó là “Như Lai đại viên cảnh trí”.

Đại viên cảnh trí đặt nền trên pháp giới thanh tịnh. Nói cách khác, pháp giới thanh tịnh là nền tảng, là bản tánh, là tinh túy của Đại viên cảnh trí. Ở trước nói pháp giới thanh tịnh là Tự tánh thân, thì Đại viên cảnh trí là Pháp thân.

Đại viên cảnh trí không khác pháp giới thanh tịnh, là biểu lộ của pháp giới thanh tịnh ở chư Phật và các Bồ tát đã chứng ngộ từng phần Pháp thân, gọi là Pháp thân Bồ tát. Vì tất cả chúng sanh cũng vẫn ở trong pháp giới thanh tịnh nên mỗi chúng sanh đều có Đại viên cảnh trí, chỉ có điều Đại viên cảnh trí ở nơi chúng sanh thì bị che mờ vì vô minh phiền não.

Đại viên cảnh trí là pháp giới thanh tịnh giống như hư không, nên được ví như tấm gương sáng tròn đầy. Đại viên cảnh trí cũng giống pháp giới thanh tịnh là gồm chứa các hình bóng của ba cõi, của chúng sanh và chư Phật, của nghiệp tốt nghiệp xấu, nhưng tất cả các hình bóng trong gương chẳng thể dính kết vào gương, chỉ là “ảnh hiện”.

Mọi ảnh hiện của ba cõi đều có trong gương, nhưng sự trống không và ánh sáng của gương xuyên suốt qua mọi ảnh hiện mà không bị chướng ngại, không ô nhiễm. Gương vẫn là gương, và bóng hiện ảnh vẫn là vô sanh.

Đại viên cảnh trí là “gương trí Như Lai bình đẳng”. Như Lai có nghĩa là tất cả Như Lai. Đại viên cảnh trí là tấm gương trí hay tánh Giác chung của tất cả chư Phật, là “Pháp thân của tất cả chư Phật”, cũng là Pháp thân Phật tánh vốn có của tất cả chúng sanh. Suốt cả kinh, dịch ‘Như Lai’ mà không dịch ‘của Như Lai’ để nói rõ kinh này là Quả thừa chứ không phải Nhân thừa.

Quả thừa là sự tu hành, chuyển hóa thức thành trí của hàng phàm phu đặt nền tảng trên Quả đã có sẵn, tức là “gương trí Như Lai tròn đầy, bình đẳng”, “Như Lai đại viên cảnh trí”. Quả thừa là quả đã có sẵn của chư Như Lai, y trên quả đã có sẵn ấy mà thực hành. Còn Nhân thừa là tạo ra các nhân để các nhân này tạo thành quả, tạo thành đại viên cảnh trí.

Tấm gương ấy trống không, tất cả bóng hình sắc tướng có thể in vào nhưng không dính vào được, đây là tánh Không. Tấm gương ấy là Trí, nghĩa là tánh Giác. Tấm gương ấy luôn luôn sáng tỏ, đây là tánh sáng. Ánh sáng của tấm gương là chỗ nương cho tất cả các bóng hình trong gương. Không có ánh sáng vỗn sẵn của tấm gương thì không có bóng hình nào hiển hiện. Và tấm gương ấy cho phép mọi xuất hiện tốt xấu của sáu cõi, đây là năng lực hóa hiện như huyễn của tấm gương.

Gương trí Như Lai bình đẳng”. Bình đẳng về mặt tánh là toàn thể tấm gương, chỗ nào cũng là tánh Không, tánh sáng và hiện bóng như huyễn. Bình đẳng về mặt tướng là các hiện tướng có vẻ khác nhau nhưng đều ở trên tấm gương, đều là gương, và sự xuất hiện của chúng bình đẳng như huyễn, như mộng. Bình đẳng về mặt tánh là toàn thể tấm gương là Chân Như, bình đẳng về mặt tướng là bóng hình nào trong gương đều có bản tánh là gương, bóng hình nào cũng là Chân Như.

Làm sao nhận biết được tấm gương đại viên cảnh trí mà mỗi người, không trừ một ai, đều ở trong đó và luôn luôn hiện tiền trước mặt mỗi người? Bất cứ lúc nào chúng ta tin mình đang sống trong tấm gương ấy và nhận thấy tâm mình như tấm gương lớn sáng tròn đầy trước mặt chúng ta trong đó hiện bóng thân tâm, thế giới, chúng sanh thì đó là sự bắt đầu tương ưng với đại viên cảnh trí. Càng tương ưng, càng nối kết thì sự tương ưng nối kết này càng rộng lớn. Và những phiền não, kiến chấp càng rơi rụng bớt thì tấm gương càng hiện rõ. Ngược lại tấm gương càng hiện rõ thì những phiền não, kiến chấp càng tiêu tan.

 

Như gương tròn sáng có người phước lớn treo lên chỗ rất cao, không bị lay động, có vô lượng chúng sanh qua lại, nơi đó họ quán sát đức tự thân thêm hay mất, vì muốn giữ gìn đức, bỏ đi những thất đức.

Như thế, Như Lai treo Đại viên cảnh trí ở pháp giới thanh tịnh không gián đoạn, không chút lay động, vì muốn khiến vô lượng vô số chúng sanh quán sát cái nhiễm cái tịnh, để giữ gìn cái tịnh, xả bỏ các cái nhiễm vậy”.

Tấm gương đại viên cảnh trí được treo ở nơi pháp giới thanh tịnh nên có đủ phẩm tính của pháp giới thanh tịnh, nghĩa đầy đủ trong sáng, không nhiễm ô, không gián đoạn, không lay động. Hơn nữa, tấm gương đại viên cảnh trí ấy luôn luôn ở trước mắt mỗi người, “khiến cho vô lượng chúng sanh quán sát cái nhiễm để xả bỏ, cái tịnh để giữ gìn.”

Tấm gương đại viên cảnh trí ấy là bản tâm mỗi người, là tánh Giác của mỗi người, là khuôn mặt xưa nay của mỗi người, nhờ đó có thể quán sát những cái nhiễm cái tịnh ở nơi tâm mình, mà giữ gìn cái tịnh bỏ đi cái nhiễm. Con đường Phật giáo là sự tịnh hóa tấm gương này, như câu thứ ba trong bài kệ của Đức Phật Thích Ca lập lại bài kệ của chư Phật, “Tự tịnh tâm ý”.

Tấm gương tâm càng được tịnh hóa, càng bớt nhiễm ô thì sự thanh tịnh vốn có của tấm gương càng hiển lộ. Các cấp bậc Bồ tát được lập ra để cho thấy mức độ thanh tịnh của bản tâm Đại viên cảnh trí, mức độ được tịnh hóa của tấm gương bản tâm.

Xả bỏ các cái nhiễm là xả bỏ cái chấp ngã chấp pháp làm che mờ tấm gương tâm. Làm sao để tịnh hóa chấp ngã chấp pháp khiến chúng tan dần vào đại viên cảnh trí? Một cách tịnh hóa là: sống cả ngày, đi đứng ngồi nằm… mọi hoạt động của thân tâm và thế giới bên ngoài đều được thấy là những bóng hình trong tấm gương tâm. Với sự quán chiếu liên tục này các bóng hình thân tâm, thế giới dần dần tiêu dung thành tấm gương tâm đại viên cảnh trí.

Lại như gương tròn đầy cực thiện sáng sạch, ánh sáng không vết dơ chiếu soi khắp. Như thế Như Lai đại viên cảnh trí ở nơi Phật trí vĩnh viễn lìa dứt tất cả vết dơ phiền não chướng và sở tri chướng nên cực thiện sáng sạch làm định y chỉ, do được nhiếp trì nên sáng soi thanh tịnh không vết dơ. Làm sự lợi lạc cho tất cả chúng sanh, ánh sáng soi khắp”.

Kinh tiếp tục nói về những tính cách của Đại viên cảnh trí khiến chúng ta có thể thực hành để thấy và sống được Đại viên cảnh trí.

Ở đây nói về Đại viên cảnh trí của các bậc giác ngộ, “Đại viên cảnh trí ở nơi Phật trí”.

Tấm gương tròn sáng lớn Đại viên cảnh trí có ba đặc tính:

  • Cực thiện: nghĩa là không có những vết dơ phiền não chướng và sở tri chướng che ám. Phiền não chướng là do chấp ngã sanh ra và sở tri chướng là do chấp pháp sanh ra. Cực thiện là không có ngã (vô ngã) và không có pháp (vô pháp). Tấm gương là tánh Không, sự tự do giải thoát sẵn có.
  • Cực sáng sạch, ánh sáng không vết dơ chiếu soi khắp. Ánh sáng (quang minh) này là đức tính tự nhiên vốn có của tấm gương. Tánh Không và ánh sáng của tấm gương soi suốt qua mọi ảnh hiện mà không bị ngăn ngại, ô nhiễm. Thế nên hễ còn thấy có tướng, còn vướng mắc nơi tướng thì biết tấm gương chưa sáng sạch.
  • Ánh sáng cực thiện không vết dơ này soi chiếu khắp làm lợi lạc cho tất cả chúng sanh. Tánh Không và ánh sáng của tấm gương làm nhớ lại và dẫn dắt chúng sanh trở lại bản tâm Đại viên cảnh trí cực thiện sáng sạch của chính họ. Đây là năng lực làm lợi lạc của tấm gương.

Như thế để tương ưng với tấm gương Đại viên cảnh trí, hành giả cần xóa bỏ chấp ngã và chấp pháp để sự trống không và ánh sáng của tấm gương tự tâm hiển lộ. Khi đã thấy phần nào tấm gương, hành giả liên tục an trụ trong cái tự do bao la và ánh sáng soi khắp của tấm gương, điều này sẽ làm lợi lạc cho chúng sanh. Và khi hoạt động làm lợi lạc cho chúng sanh, hành giả tiếp tục xóa bỏ chấp ngã và chấp pháp, tiếp tục an trụ trong tấm gương. Y chỉ nơi tánh Không, ánh sáng và năng lực vô tận của tấm gương trong tấm gương đại viên cảnh trí, người ta vừa tự giác vừa giác tha, hành Bồ tát hạnh. Đây gọi là “ngộ, nhập” đại viên cảnh trí.

 

Lại như gương tròn đầy làm chỗ nương duyên cho các bản chất, thảy thảy hình bóng tướng mạo sanh khởi. Cũng như thế Như Lai đại viên cảnh trí, trong tất cả thời làm chỗ nương cho các duyên nên thảy thảy bóng trí (trí ảnh) tướng mạo sanh khởi.”

Tấm gương đại viên cảnh trí không phải là không có bóng nào. Nó in bóng tất cả ba cõi, chúng sanh và các bậc chứng ngộ. Nhưng chúng sanh thì phiền não, khổ đau vì chấp vào các bóng ấy là thật, là ‘vật chất’ thật. Các bóng hình thì nương duyên nơi gương, nhưng gương là không có duyên, là vô duyên, nên các bóng là duyên sanh như huyễn. Làm chỗ nương duyên là thế nào? Cụ thể, ánh sáng của gương không xóa đi các bóng mà xuyên qua các bóng, khiến cho “thảy thảy hình bóng tướng mạo sanh khởi”.

Ví như gương tròn làm chỗ nương duyên cho các bản chất, tức là các sự vật, mà có đủ thứ hình bóng tướng dạng sanh khởi trong gương. Các bản chất ấy, với người trí huệ đã thấy và sống phần nào đại viên cảnh trí, đều là duyên sanh vô tự tánh nên tuy gương có hiện bóng nhưng bóng ấy là duyên sanh vô tự tánh nên gọi là bóng trí. Bóng trí nghĩa là bóng được thấy bởi trí, hiện hình trong gương trí nên không thật, như huyễn vì vô tự tánh.

Với người thường, hoàn toàn sống trong thức thay vì trí, thì những hình bóng trong gương ấy là thật, và do đó duyên theo các cái không thật mà cho là thật ấy nên trôi lăn trong sanh tử. Cũng là bóng trong gương, nhưng với các Bồ tát và chư Phật sống trong trí huệ thì đó là “bóng trí” (trí ảnh), còn đối với chúng sanh thì có thể gọi là bóng thức (thức ảnh), và chính cái thức làm cho chúng sanh rơi vào phân biệt cho là thật có để lạc vào sanh tử.

Bóng trí là những bóng hiện trong tấm gương đại viên cảnh trí, nhưng với chúng sanh thì đại viên cảnh trí bị nhiễm ô nên các bóng ấy được cho là có thật, trở thành những tướng che khuất tấm gương đại viên cảnh trí. Bóng trí có đầy đủ cả ba tính chất của mặt gương đại viên cảnh trí: trống không (tánh Không), ánh sáng thấu thoát (tánh sáng) và xuất hiện như huyễn. Bóng thức thì thấy tách lìa với mặt gương và tách lìa với các bóng thức khác. Do đó bóng thức tạo ra một thế giới phân mảnh, trong khi bóng trí nằm trong một thế giới Nhất Chân, Nhất Chân pháp giới.

Thế nên, với Duy thức tông hay Du già hành tông, mục tiêu là chuyển thức thành trí, tức là chuyển sanh tử thành Niết bàn. Trong đại viên cảnh trí của các bậc giác ngộ, vẫn có các hình bóng trong gương, nhưng những hình bóng ấy là trí, là tánh Giác. Chính vì có chung các bóng hình trong gương các ngài mới hoạt động để độ thoát chúng sanh (trong gương) được. Sự khác biệt ở chỗ các ngài thấy các hình bóng trong gương là trí, là tánh Giác, thấy sanh tử do thức tạo thành của chúng sanh là Niết bàn của trí huệ.

“Như Lai đại viên cảnh trí trong tất cả thời làm chỗ nương cho các duyên sanh khởi các bóng trí”: tấm gương luôn luôn làm chỗ nương cho các duyên khởi hiện thành các bóng trí, nhưng gương “sáng sạch, ánh sáng không vết dơ” nghĩa là không bị ô nhiễm bởi các bóng. Thế nên bản tánh của gương là không có duyên với bóng nào cả, gương là vô duyên. Thiền định và thiền quán gương vốn vô duyên, vốn là tánh Không, thì sẽ thấy được tấm gương.

Lại nữa, thấy các bóng, các sự vật khởi hiện từ “ánh sáng không vết dơ” của đại viên cảnh trí, hiện hữu và tiêu tan trong ánh sáng ấy thì sẽ thấy được tấm gương sáng sạch ấy.

 

Như trên gương tròn đầy chẳng phải một hay nhiều bóng hình khởi hiện, nhưng trên gương không có các bóng hình, vì gương này không có động, không có tạo tác. Trên Như Lai đại viên cảnh trí cũng như vậy, chẳng phải một hay nhiều bóng hình khởi hiện. Nhưng trên đại viên cảnh trí không có các bóng hình, vì gương trí này không có động, không có tạo tác.”

Chẳng phải gương tròn đầy khởi hiện các bóng hình, vì gương tròn vốn không có các bóng hình, vì nó vốn không động không tạo tác. Đại viên cảnh trí cũng như vậy, không có sự khởi hiện của một hay nhiều bóng hình, vì đại viên cảnh trí vốn không có các bóng hình, không động, không tạo tác, vì là tánh Không, Vô tướng. Các bóng hình được nói là “chẳng khởi hiện”, vì chúng tự xuất hiện một cách tự phát, bởi vì chúng là không thật, như huyễn, như mộng; chúng là vô sanh. Thế nên tấm gương chẳng dính dáng gì với các bóng.

Trong tấm gương, có sắc tướng, có bóng nhưng theo nghĩa “sắc tức là Không, Không tức là sắc”. Vì tấm gương đại viên cảnh trí không có động, không có tạo tác nên các bóng, các sự vật trong đó thật ra cũng không động, không tạo tác. Tánh Không vốn không động, nên các sắc, thanh… cũng không động. Thế nên khi quan sát các bóng, các sự vật, chung quanh, thấy thật ra chúng không động thì chúng ta bèn nhận ra tấm gương không động. Ngược lại, khi nhận ra tấm gương không động, vô sanh, chúng ta sẽ nhận ra các bóng, các sự vật trong đó cũng không động, vô sanh.

Các bóng hình cũng là duyên sanh, nên là tánh Không, do đó có hiện nhưng không có thật trong tấm gương. Các bóng hiện ấy là không thật, nên nói “không phải một, không phải nhiều”. Hiện mà thật không hiện, nên như huyễn như mộng.

Tấm gương là tánh Không, các bóng hình là tánh Không nên tấm gương và các bóng hình vốn là giải thoát.

Thiền định thiền quán liên tục sự không khởi hiện, không đến không đi của các bóng trong gương, người ta sẽ thấy ra tấm gương không có một hay nhiều bóng hình khởi hiện.

 

“Lại như gương tròn đầy cùng các bóng hình chẳng phải hợp, chẳng phải lìa, chẳng tụ tập mà hiện các duyên kia. Như Lai đại viên cảnh trí cũng như vậy, cùng các bóng hình, chẳng phải hợp chẳng phải lìa, chẳng tụ tập mà chẳng tan mất vậy.”

Tấm gương đại viên cảnh trí chẳng phải hợp với các bóng hình, vì nếu hợp, bóng hình sẽ dính cứng vào gương. Cũng chẳng phải lìa, vì nếu lìa thì không thể thấy bóng hình trong gương. Gương chẳng tụ tập các bóng hình vì gương không động, không tạo tác. Tuy không động, không làm, mà hiện các duyên là các bóng hình chẳng tan mất.

Thấy các bóng, các sự vật “chẳng phải hợp, chẳng phải lìa, chẳng tụ tập”, đó là thấy tánh Không của tấm gương đại viên cảnh trí. Các sự vật chẳng phải hợp, chẳng phải lìa, chẳng tụ tập vì chúng đều vô tự tánh, thậm chí nói như Kinh Đại Bát Nhã thì “chúng chẳng đến với nhau”. Thấy được như vậy tức là thấy tánh Không, thấy tấm gương đại viên cảnh trí.

Gương chẳng hợp, chẳng lìa, chẳng tụ tập, chẳng tạo tác, chẳng hiện mà các bóng hình có hiện (“hiện các duyên kia”), nên các bóng hình là như huyễn như mộng, là huyễn hiện.

Thấy tấm gương là tánh Không vô nhiễm và các bóng hình trong đó chỉ là duyên hiện như huyễn như mộng trên ánh sáng của tấm gương, và ánh sáng này thấu thoát qua mọi hình bóng, tức là tham thiền về đại viên cảnh trí.

Có nhiều ứng dụng để thấy tấm gương đại viên cảnh trí. Chẳng hạn, “bóng hình chẳng lìa gương”, khi quán sát sâu vào một bóng hình, ta sẽ thấy tấm gương, như Bát nhã tâm kinh nói, “sắc tức là Không, Không tức là sắc”, nghĩa là bóng tức là gương, gương tức là bóng.

Khi thấy các ý tưởng, các niệm khởi lên đều vô tự tánh, trống không như hư không, khi ấy chúng ta thấy tấm gương Không, tức đại viên cảnh trí.

Hoặc như Kinh Viên Giác nói: “Biết huyễn tức lìa, lìa huyễn tức giác”. Giác ở đây là tấm gương đại viên cảnh trí.

Lại như gương tròn đầy sáng khắp tất cả chỗ của mặt gương, làm chỗ nương duyên cho các bóng hình khởi hiện khắp. Như Lai đại viên cảnh trí cũng như vậy, sáng soi chẳng dứt vô lượng các hạnh thiện, làm chỗ nương duyên cho các bóng trí khởi hiện khắp.

Nghĩa là các bóng hình trí của Thanh Văn thừa, các bóng hình trí của Độc Giác thừa, các bóng hình trí của vô thượng Đại thừa. Vì muốn khiến cho các bậc Thanh Văn thừa nương vào Thanh Văn thừa mà lìa thoát; bậc Độc Giác do nương vào Độc Giác thừa mà lìa thoát; bậc Đại thừa nương vào vô thượng thừa mà lìa thoát.”

Ánh sáng vốn có của tấm gương đại viên cảnh trí làm chỗ nương duyên cho các bóng hình khởi hiện khắp, nghĩa là ánh sáng của tấm gương không xóa tan các bóng hình, mà xuyên qua, thấu thoát qua chúng khiến cho các bóng hình khởi hiện khắp.

Ánh sáng tự thân của đại viên cảnh trí khiến cho các bóng trí của Thanh Văn thừa, Độc Giác thừa và Bồ tát thừa có thể khởi hiện và duy trì khiến người của ba thừa có thể lìa thoát những ô nhiễm chấp ngã và chấp pháp. Dùng chữ của Kinh Pháp Hoa, ánh sáng ấy là Nhất thừa. Bản tánh tự tâm của mỗi chúng sanh là tánh Không, ánh sáng và năng lực duyên khởi hiện khắp, nhưng ánh sáng ấy không bị ngăn ngại, lu mờ.

Tu hành đại viên cảnh trí là nương y theo ba thể tánh căn bản của trí ấy: tánh Không – tánh Giác, ánh sáng và năng lực. Ba thể tánh căn bản này luôn luôn hiện tiền.

Đại viên cảnh trí luôn luôn hiện tiền trước mặt mỗi chúng sanh, như Đức Phật nói trong kinh Đại Bát Niết Bàn, “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”. Đại viên cảnh trí là cội nguồn cho sự xuất hiện thân tâm, thế giới, chúng sanh và các bậc thánh chung quanh chúng ta. Thế nên chúng ta phải nương theo các xuất hiện ấy để trở lại cội nguồn, chấm dứt sự lang thang lạc lõng trong thế giới sanh tử tạo thành bằng những bóng hình hư giả không thật này.

 

Như trong gương tròn đầy có bóng lớn, đó là bóng đất lớn, núi lớn, cây lớn, dinh thự lớn, mà gương tròn đầy này chẳng đồng đẳng với các số lượng kia. Trên Như Lai đại viên cảnh trí cũng như vậy, có các bóng trí từ Cực hỷ địa đến Phật địa cùng với tất cả bóng trí các pháp thế gian và xuất thế gian, mà đại viên cảnh trí chẳng phải các phần lượng kia”

Trên mặt gương đại viên cảnh trí có phản ánh tất cả các sự vật thế gian, như núi sông, đất đai, nhà cửa, chúng sanh cho đến các cấp độ xuất thế gian từ Sơ Hoan hỷ địa (Cực hỷ địa) cho đến Phật địa nhưng tấm gương tâm ấy chẳng đồng đẳng với các phần tử bóng hình ấy, dù các bóng hình ấy được ở trong trí, được nhìn thấy bởi trí, nên gọi là bóng trí. Gương chẳng phải, chẳng đồng đẳng với tất cả bóng.

Thế nên gương vốn không ô nhiễm, vốn giải thoát dù bóng có số lượng bao nhiêu, có sai biệt khác nhau bao nhiêu, có phân mảnh bao nhiêu. Gương vốn giải thoát và các bóng trong gương cũng vốn tự giải thoát.

Tấm gương đại viên cảnh trí mỗi chúng sanh đều có, dù còn bị nhiều che ám, vẫn luôn luôn hiện tiền trước mặt mỗi chúng ta. Để thấy tấm gương trí này, trước hết phải tin là mình luôn luôn có nó, mình không thể ra khỏi nó. Các hình tướng đang được thấy nghe, hay, biết đều là những xuất hiện theo duyên trong tấm gương trí. Nhận biết những hình tướng xuất hiện ấy là sự hiện hình trên tấm gương trí, chúng ta nhận ra tấm gương trí.

Các tướng sở dĩ xuất hiện là do các giác quan (căn), các đối tượng của giác quan (trần), và các thức tập hợp lại mà thành. Thế nên chúng là duyên sanh, vô tự tánh. Tâm không phân biệt để thấy “các phần lượng kia” là có thật, có tách lìa nhau, thì tất cả các tướng đều hợp lại thành tấm gương, một tấm gương không có chia cách, tách lìa. Một niệm tâm không phân biệt thì trước mắt là tấm gương trí tròn sáng thanh tịnh, hiểu biết thấu suốt tất cả.

Kinh Kim Cương nói, “Phật bảo Tu Bồ Đề: Phàm hể có tướng đều là hư vọng. Thấy các tướng chẳng phải tướng tức thấy Như Lai.”

Đây là thấy đại viên cảnh trí: Trong tấm gương ấy mọi xuất hiện là bóng trí (trí ảnh), đều là sự xuất hiện, hiện tướng của trí, không phải là sự xuất hiện của thức phân biệt. Mọi bóng xuất hiện chỉ một vị là gương.

 

Lại như gương tròn đầy chẳng phải chỗ bóng hình của các chất chướng ngại khởi duyên. Như Lai đại viên cảnh trí cũng như vậy, chẳng phải là chỗ khởi duyên bóng trí cho các bạn xấu ác nhiếp người nghe tà pháp làm chướng ngại chúng sanh, vì đó chẳng phải là pháp khí vậy.”

Các chất chướng ngại là các chất làm ngăn trở tính chất tốt đẹp, sáng sạch, thông suốt của gương. Các bóng hình xấu, tối tăm chẳng thể khởi duyên, phát triển và sáng tỏ, hoàn thiện thêm trong tấm gương sáng được. Cũng như vậy, đại viên cảnh trí là “cực thiện, cực sáng sạch” nên không phải là chỗ cho cái xấu, cái tà hiện hữu và phát huy.

Nói rộng ra, các chất chướng ngại là các phiền não, khổ đau của chúng sanh không thể khởi duyên, phát sanh làm nhiễm ô đại viên cảnh trí của Phật mặc dù trong đại viên cảnh trí vẫn thấy có chúng sanh cùng những duyên nghiệp khổ đau của họ. Thấy có các bóng hình ấy mới có thể độ họ, sửa chữa cho họ, nhưng những hình bóng ấy được nhìn thấy qua đại viên cảnh trí, nên kinh nói là “bóng trí”. Tóm lại trong đại viên cảnh trí của các Bồ tát pháp thân vẫn có bóng hình tất cả chúng sanh, các sai lầm và khổ đau của họ, nhưng vì được thấy qua đại viên cảnh trí thanh tịnh của các ngài, nên đối với các ngài, những bóng hình ấy đều được tịnh hóa, nên gọi là “bóng trí”. Thế nên kinh Kim Cương nói: “Bồ tát diệt độ vô lượng vô số vô biên chúng sanh như vậy mà thật không có chúng sanh nào được diệt độ”. Vì tất cả là gương vậy.

Tóm lại, cõi sanh tử khổ đau chúng sanh thấy và kinh nghiệm thì đối với Bồ tát là cõi thanh tịnh, tất cả đều là một vị tấm gương.

Lại như gương tròn đầy chẳng phải chỗ bóng hình các chất tối tăm khởi duyên. Như Lai đại viên cảnh trí cũng như vậy, chẳng phải chỗ bóng trí của chúng sanh ngu muội thích ác khởi duyên, vì đó chẳng phải là pháp khí vậy”.

Tấm gương đại viên cảnh trí luôn luôn sáng và thiện, không có lỗi lầm trong đó nên không duyên với tối tăm, vô minh và xấu ác. Trái lại đối với các nghiệp thiện và sáng tỏ thì nó luôn luôn hỗ trợ, làm tăng trưởng, vì đó là môi trường tánh Không, ánh sáng và năng lực cho tất cả những hạt giống giải thoát và giác ngộ.

Thanh tịnh không khởi duyên cho bất tịnh, ánh sáng không khởi duyên cho bóng tối. Nghiệp xấu ác, tối tăm của chúng sanh vẫn hiện bóng, nhưng trong đại viên cảnh trí của Bồ tát, nghiệp xấu ác, tối tăm ấy không còn là xấu ác, tối tăm mà đã được chuyển hóa, vì Bồ tát thấy các loại bóng đều là gương. Riêng phần chúng sanh vì chưa chuyển hóa thức thành trí được, nên vẫn phải chịu nghiệp xấu ác, tối tăm của họ.

Lại như gương tròn đầy chẳng phải chỗ bóng hình các chất xa lạ (viễn chất) khởi duyên. Như Lai đại viên cảnh trí cũng như vậy, chẳng phải chỗ bóng trí của nghiệp bất tịnh chứa chấp của chúng sanh chẳng tin khởi duyên, vì chẳng phải là pháp khí vậy”.

Các nghiệp bất tịnh của chúng sanh chẳng tin chẳng thể khởi duyên trong đại viên cảnh trí của một bậc chứng ngộ Pháp thân… vì đó là các chất xa lạ với sự thanh tịnh, chiếu sáng và một vị bình đẳng của gương trí.

Như thế, với ba điều sau cùng này, các thứ chướng ngại, tối tăm, bất tịnh không thể khởi duyên trong đại viên cảnh trí vốn vô ngại, sáng khắp và một vị. Đại viên cảnh trí là nơi an toàn cho những Bồ tát pháp thân vì không còn bị những chất xấu ác, tối tăm, bất tịnh khởi duyên trong đó. Cho nên trí như gương tròn sáng này là chỗ an trụ của Bồ tát để tự giác – giác tha trên con đường Bồ tát. Nhờ gương trí, những pháp thiện càng ngày càng tăng thêm, phát huy và những pháp xấu ác bị chính gương trí ngăn chặn, không thể sanh trưởng.

Sự thực hành là không để cho các thứ xấu ác, chướng ngại, tối tăm và khác chất, khác vị làm nhiễm ô đại viên cảnh trí vốn có nơi mình, vốn chính là bản tâm của mình. Đồng thời giữ gìn, duy trì, hộ trì, bảo nhậm sự thanh tịnh, sáng tỏ vốn có của đại viên cảnh trí. Thực hành như thế cho đến lúc nhận ra đại viên cảnh trí nơi mình vốn thanh tịnh, không ô nhiễm, sáng tỏ một cách bổn nguyên và tự do vô ngại cho những hiện bóng.

Kinh Phật địa chủ yếu nói đến trí chứ không lấy hệ thống tám thức chuyển thành bốn trí như Luận Thành Duy Thức của Bồ tát Thế Thân làm cơ sở để giảng giải và thực hành. Chủ trương của Kinh Thập Địa đi từ trí chứ không đi từ thức, nghĩa là đi từ Quả chứ không đi từ Nhân, và đứng nơi quan điểm, cái thấy từ trí thì tạng thức vốn thanh tịnh như Kinh Nhập Lăng Già nói:

“Đại Huệ! Tạng thức Như Lai tạng này bản tánh thanh tịnh, chỉ vì khách trần nhiễm ô mà hóa bất tịnh… Đại Huệ! Như Lai tạng Tạng thức này là cảnh giới Phật, là chỗ hành của các Bồ tát trí thanh tịnh tùy thuận nghĩa như ông vậy. Thế nên ông và các đại Bồ tát nên chuyên cần quán sát Như Lai tạng Tạng thức, chớ chỉ nghe xong bèn tưởng là đủ.”

Tóm lại, Kinh Phật Địa chủ yếu là thấy bản tánh của Tạng thức A lại da vốn là thanh tịnh và y vào tánh thanh tịnh sáng khắp vốn có này mà tu, nghĩa là thức A lại da luôn luôn hiện hữu trên nền tảng hay bản tánh thanh tịnh của nó là đại viên cảnh trí. Đó là đi từ tánh ra tướng. Còn Luận Thành Duy Thức là đi từ thức vào trí, đi từ tướng vào tánh. Cả hai đều bổ túc nhau tùy theo trường hợp, hoàn cảnh của hành giả. Cái trước là y vào tánh, trụ trong tánh (trí) vốn thanh tịnh và dẹp yên những vọng tưởng vọng động của thức. Cái sau là ở nơi thức, chuyển hóa thức dần dần thành trí, chuyển hóa tướng dần dần thành tánh, nhưng sự chuyển hóa này cũng phải dựa trên nền tảng đại viên cảnh trí vốn thanh tịnh mà làm.

Khi tất cả đời sống trở thành những bóng trí được đặt vào trong đại viên cảnh trí thì tất cả mọi hiện hữu, mọi hoạt động đều được bao gồm trong và chuyển hóa thành đại viên cảnh trí. Khi ấy mọi hiện hữu, mọi sự sống trở thành Báo thân công đức của Pháp thân đại viên cảnh trí.

VI. BÌNH ĐNG TÁNH TRÍ

Lại nữa, Diệu Sanh! Bình đẳng tánh trí là do mười tướng viên mãn mà thành tựu”.

 Bình đẳng tánh trí là gì? Là tánh bình đẳng của đại viên cảnh trí, nghĩa là tánh bình đẳng của tất cả mặt gương trí và của tất cả bóng hình in vào trong đó.

 Tánh bình đẳng của đại viên cảnh trí là sự bình đẳng của tánh Không, ánh sáng và năng lực duyên hiện trên khắp mặt gương. Bình đẳng tánh trí là sự bình đẳng của tất cả bốn trí, nghĩa là sự bình đẳng của đại viên cảnh trí cho đến thành sở tác trí. Bình đẳng tánh trí là sự bình đẳng của trí và thức, của tướng và tánh, nói rộng ra, của sanh tử và Niết bàn. Tất cả các thức và đối tượng của chúng đều chuyển thành trí, vì bản tánh của thức chính là trí, tâm và cảnh đều là chân như. Đây là Báo thân: tất cả tướng đều là tánh, tất cả bóng là gương, một vị pháp tánh thanh tịnh.

 Bình đẳng tánh trí là do mười tướng viên mãn, thế nên ở những kinh điển khác thường nói," Viên mãn Báo thân". Bình đẳng tánh trí là báo thân viên mãn. Viên mãn là toàn khắp tròn đầy, không thiếu hụt chỗ nào. Bình đẳng tánh trí là bình đẳng viên mãn khắp mọi thời gian, mọi không gian. Mọi nơi mọi chỗ trên tấm gương đại viên cảnh trí đều bình đẳng viên mãn, đây là bình đẳng tánh trí.

 “Chứng đắc các tướng hỷ ái tăng thượng bình đẳng với pháp tánh là thành tựu viên mãn vậy”.

Pháp tánh là bản tánh của mọi sự. Các Kinh dùng nhiều từ để chỉ pháp tánh: tánh Không, Như Lai tạng, Pháp thân, Chân Như, bản tánh của tâm, tánh Giác…

Con đường Bồ tát từ Sơ Hoan hỷ địa cho đến Giác ngộ hoàn toàn thì các tướng hoan hỷ, yêu thương (hỷ, ái) tăng thêm càng lúc càng nhiều. Các tướng hoan hỷ yêu thương ấy luôn luôn nằm trong pháp tánh, bình đẳng với pháp tánh cho đến lúc thành tựu viên mãn pháp tánh bình đẳng, tức là bình đẳng tánh trí. Khi các tướng ấy thành tựu viên mãn pháp tánh bình đẳng, thì các tướng ấy cũng trở thành viên mãn. Hay đúng hơn, các tướng ấy đạt đến bản tánh viên mãn của chính chúng.

Các cấp bậc, các địa của Mười địa đều bình đẳng với pháp tánh nghĩa là đều bình đẳng trong Phật địa.

 “Chứng đắc tất cả lãnh thọ do duyên khởi bình đẳng với pháp tánh là thành tựu viên mãn vậy”.

 Tất cả những lãnh thọ, cảm nhận, kinh nghiệm của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, cho đến cảm nhận về cái tôi (thức mạt na) và tạng thức a lại da đều là duyên khởi, chúng bình đẳng với pháp tánh tánh Không, và khi ấy chúng thành tựu viên mãn hay đạt đến bản tánh viên mãn của chính chúng.

 Chẳng hạn, một ý tưởng vừa khởi lên, vừa duyên khởi, thì bình đẳng với pháp tánh và tan ngay vào pháp tánh. Đó gọi là bình đẳng với pháp tánh. Tất cả duyên khởi là pháp tánh, đó là bình đẳng tánh trí.

Tất cả mọi phần đoạn của không gian, mọi phần đoạn của thời gian đều bình đẳng. Nói cách khác đó là trạng thái không có thời gian và không gian, không có bốn tướng ta, người, chúng sanh, thọ mạng. Không, Vô tướng, Vô niệm, Vô trụ là bình đẳng tánh trí.

Bình đẳng tánh trí là tấm gương không có trung tâm và không trụ vào một bóng hình, một điểm nào cả. Thế nên khi tâm không có trung tâm và không trụ vào đâu cả, người ta bắt đầu nhận ra bình đẳng tánh trí.

 “Chứng đắc pháp tánh bình đẳng xa lìa các tướng khác nhau và tướng chẳng phải khác nhau là thành tựu viên mãn vậy”.

 Các tướng khác nhau (dị tướng) là tự tướng. Tướng chẳng phải khác nhau (phi tướng) là cộng tướng. Xa lìa tất cả các tự tướng và cộng tướng do thức tạo ra là pháp tánh bình đẳng, tức là bình đẳng tánh trí. Tánh bình đẳng xuyên qua và là nền tảng của các tướng sai biệt, đây là bình đẳng tánh trí. Và tánh bình đẳng này cũng xuyên qua, thông thấu tất cả những cấp độ Bồ tát để chúng thành bình đẳng, thành một trong Phật địa.

  Tất cả các tướng hoan hỷ vui thích, tất cả lãnh thọ, tất cả tự tướng cộng tướng đều bình đẳng với pháp tánh, với pháp thân, với Chân Như, đó là bình đẳng tánh trí. Và khi bình đẳng với pháp tánh, chúng trở thành viên mãn.

  Tóm lại, tất cả thức phân biệt chuyển thành bình đẳng tánh trí, vô phân biệt, tất cả sanh tử chuyển thành Niết bàn, tất cả thế gian chuyển thành Chân Như.

Cái làm cho chúng ta không thấy được sự bình đẳng mà chỉ thấy sự khác biệt, sự bất bình đẳng, sự bất toàn là tâm phân biệt. Và càng lạc vào sự bất bình đẳng, vào tâm phân biệt chừng nào thì càng lạc vào sanh tử khổ đau chừng đó. Thức thì phân biệt, trí thì vô phân biệt. Chuyển hóa thức thành trí là chuyển hóa sự phân biệt thành vô phân biệt. Và khi thức chuyển thành trí thì tất cả đời sống là sai biệt mà không sai biệt, không sai biệt mà sai biệt. Khi ấy đời sống trở lại bản tánh bình đẳng và viên mãn của nó.

Cho nên trong sự thấy, cần phải thấy mọi cái được thấy là bình đẳng. Trong sự nghe, cần phải nghe tất cả mọi cái được nghe đều bình đẳng. Trong sự suy nghĩ, cần phải thấy mọi ý tưởng là bình đẳng. Thực hành như thế lâu dần chúng ta sẽ thấu hiểu sự bình đẳng của mọi sự là gì. Cho đến mức hoàn toàn thì bình đẳng tánh trí chính là pháp giới thanh tịnh.

Bình đẳng tánh trí là sự kết nối nền tảng, sự kết nối bổn nguyên tất cả mọi sự, mọi chúng sanh với nhau. Sự kết nối ấy phải hiện tiền trong đời sống hàng ngày, tất cả chúng sanh cùng Một Phật tánh.

  “Đại từ giúp đỡ rộng lớn bình đẳng với pháp tánh là thành tựu viên mãn vậy”.

  Tâm từ có ba thứ: 1/ Từ duyên với chúng sanh, 2/ Từ duyên với pháp, 3/ Từ không có nhân duyên. (vô duyên từ)

  Đại từ rộng lớn cho đến lúc bình đẳng với pháp tánh, là một với pháp tánh, khi ấy pháp tánh tánh Không là một với đại từ. Trong các kinh, khi nói đến Phật, bậc chứng ngộ hoàn hảo tánh Không, đều nói Phật là đại từ đại bi.

Đại từ giúp đỡ rộng lớn là nói về hạnh giúp đỡ của Bồ tát. Hạnh giúp đỡ này càng lúc càng tương ưng, càng bình đẳng với pháp tánh. Như vậy bình đẳng tánh trí gồm cả trí hoạt động vì lợi lạc cho chúng sanh, như thể hiện rõ ràng qua diệu quan sát trí và thành sở tác trí ở sau. Đại từ hoạt động một cách bình đẳng là hoạt động trong sự thật “Tất cả là Một”.

  “Đại bi không đợi cầu xin, bình đẳng với pháp tánh là thành tựu viên mãn vậy”.

  Đại từ, đại bi rộng lớn và thâm nhập để thành một với pháp tánh, không sanh không diệt, không dơ không sạch, không tăng không giảm. Trong các kinh khác nói đại bi bình đẳng với pháp tánh bằng thành ngữ "đồng thể đại bi".

   Nếu lấy gương trí mà nói thì bình đẳng tánh trí là sự bình đẳng trên tất cả mặt gương, sự bình đẳng của tất cả các bóng, và gương và bóng bình đẳng với đại từ đại bi. Nói cách khác, toàn thể tấm gương là đại từ đại bi và tất cả các bóng là đại từ đại bi. Khi ấy toàn thể tấm gương và tất cả các bóng trở thành viên mãn hay trở lại bản tánh viên mãn của chúng.

Đại bi hoạt động trên nền tảng năng lực của pháp tánh. Năng lực đó là năng lực hóa hiện thành các bóng trên tấm gương đại viên cảnh trí. Trong pháp tánh đại từ đại bi, tất cả mọi hình thức của đời sống là sự biểu lộ của đại từ đại bi.

Tùy theo các chúng sanh thích gì thì thị hiện bình đẳng với pháp tánh là thành tựu viên mãn vậy”.

  Sự thị hiện do từ bi của các đại Bồ tát và chư Phật là từ pháp tánh hay đại viên cảnh trí nên bình đẳng với pháp tánh hay đại viên cảnh trí. Sự thị hiện từ gương, bởi gương thành các bóng trong gương, mà kinh gọi là các" bóng trí". Các bóng trí ấy bình đẳng với gương trí và bình đẳng với nhau, nhưng đã là thị hiện thì như huyễn như mộng vì chỉ là bóng của gương mà thôi vậy.

  Về thực hành, khi một ý tưởng" khởi hiện, thị hiện", nó bình đẳng với pháp tánh, là một với pháp tánh hay bản tánh của tâm. Và tiếp theo, nó tự nhiên, tự động tan vào pháp tánh. Như một làn sóng từ đại dương khởi hiện, thị hiện trên mặt đại dương và lại tiêu tan vào đại dương, không để lại dấu vết. Nếu không có sự thị hiện này thì cũng không có sự hoạt động của từ bi. Cần yếu là sự “thị hiện” ấy bình đẳng với pháp tánh, nghĩa là không có sự phân mảnh trong tướng ta, người, chúng sanh, thọ mạng.

  Bình đẳng tánh trí là nền tảng bình đẳng, là trí bổn nguyên, là tánh giác cho mọi xuất hiện, nên mọi xuất hiện là bình đẳng tánh trí, là sự xuất hiện của tánh giác.

  “Tất cả chúng sanh kính nhận lời dạy thì bình đẳng với pháp tánh, là thành tựu viên mãn vậy”.

  Chúng sanh là những người được nhận lãnh lời dạy thì bình đẳng với pháp tánh: chúng sanh không tách biệt với pháp tánh, chúng sanh là sự biểu hiện, hiện tướng của pháp tánh tánh Không và từ bi. Như vậy, Bồ tát đang thuyết pháp, chúng sanh đang nhận lãnh giáo pháp và giáo pháp đang được thuyết, cả ba bình đẳng, đều là pháp tánh, không cách hở mảy may. Cả ba đều bình đẳng vì đều là những bóng trí trong đại viên cảnh trí.

Như thế hoạt động của Bồ tát bình đẳng với pháp tánh, là biểu lộ của chính pháp tánh. Hoạt động chính là giải thoát.

  “Thế gian tịch tịnh đều đồng một vị bình đẳng với pháp tánh, là thành tựu viên mãn vậy”.

  Thế gian được thấy trong bản tánh của nó là tịch lặng và thanh tịnh, đều đồng một vị pháp tánh, một vị chân như. Tất cả các bóng trí hiển hiện trong tấm gương đại viên cảnh trí đều đồng một vị tịch lặng và thanh tịnh của tấm gương. Tất cả tướng đều là tánh, đó là một vị. Thấy một vị là thấy tánh, bất nhị không hai.

  Bình đẳng tánh trí là thấy thân tâm mình là một với tất cả thân tâm của tất cả chúng sanh, là một với tất cả thế giới và tất cả sự vật, bởi vì đều là hiện tướng của cùng một tánh Không, một ánh sáng và một năng lực của từ bi. Tất cả hiện hữu đều không cách hở mảy may, đều toàn thiện viên mãn, đây là bình đẳng tánh trí.

Cụ thể, thấy thân tâm mình và thiên nhiên, núi sông, cây cối, trái đất là một cơ thể sống, chúng là những biểu hiện của một bình đẳng tánh trí, một trí huệ, một từ bi.

  “Các pháp khổ vui thế gian một vị bình đẳng với pháp tánh là thành tựu viên mãn vậy”.

  Các pháp khổ vui thế gian là những bóng xuất hiện trong gương, chúng là một vị với tấm gương.

  Sở dĩ chúng ta không thấy là một vị, không thấy được bình đẳng tánh trí vì tâm thức phân biệt và chấp ngã của chúng ta. Đã lạc khỏi bình đẳng tánh trí liền có khổ vui, lợi hại, vinh nhục, khen chê, yêu ghét…

  Khổ vui của thế gian là do nghiệp. Để có thể " nhẫn" được nghiệp của thế gian thì phải thấy tất cả các nghiệp thế gian đều nằm trong đại viên cảnh trí và bình đẳng tánh trí, nghĩa là tất cả các nghiệp thế gian đều là một vị bình đẳng với pháp tánh. Khổ là do những nghiệp xấu ác, tội lỗi của con người. Để có thể nhẫn chịu và thương yêu được chúng phải nhìn từ bình đẳng tánh trí, nghĩa là nhìn từ tánh Không và đại từ đại bi. Nhìn từ tánh Không thì chúng chẳng phải thật có chẳng phải thật không, như huyễn như mộng. Nhìn từ đại từ đại bi thì mới có thể tha thứ và thương yêu chúng. Nghiệp bình đẳng với pháp tánh thì có thể nhẫn với nghiệp, vì khi ấy đây là cái nhẫn của pháp tánh tánh Không và đại từ đại bi. Khi ấy nghiệp khổ vui của thế gian chỉ là những bóng trí trong tấm gương, chẳng phải có chẳng phải không, như huyễn.

Có thấy các nghiệp của thế gian là một vị bình đẳng với pháp tánh thì mới bình tĩnh, thản nhiên làm việc nơi thế gian và với chúng sanh được.

Tóm lại thiền định thiền quán tánh bình đẳng của tất cả các pháp, và các pháp bổn lai thanh tịnh, đây là thực hành bình đẳng tánh trí.

  “Tu hành gieo trồng vô lượng công đức rốt ráo bình đẳng với pháp tánh là thành tựu viên mãn vậy”.

  Tu hành gieo trồng vô lượng công đức, những cái này tạo nên Con đường tự giác, giác tha của Bồ tát. Tất cả công đức gieo trồng của một Bồ tát hòa nhập làm một với đại dương công đức viên mãn của tất cả chư Phật, chư Bồ tát quá khứ, hiện tại vị lai. Đây là nghĩa “rốt ráo bình đẳng với pháp tánh”, không còn ta và của ta, người và của người; tất cả nằm trong đại dương bình đẳng và viên mãn của pháp giới.

Con đường gồm vô lượng công đức ấy rốt ráo, hoàn toàn bình đẳng, là một với pháp tánh, tức là với Quả. Tất cả con đường công đức, không sót một cái gì, đều trở thành Quả, vì đã vốn nằm trong Quả, đây là Phật địa. Như thế, không một hiện hữu nào, một hành động nào không nằm trong Quả vốn đã có sẵn như pháp giới vốn thanh tịnh và viên mãn.

  Tóm lại, cuối cùng tất cả thế đế đều trở thành chân đế, tất cả sanh tử đều trở thành Niết bàn. Bình đẳng tánh trí là thấy tất cả bình đẳng với pháp tánh, nghĩa là chúng sanh bình đẳng với chư Phật, thế giới bình đẳng với Tịnh độ, và hoạt động của tất cả chúng sanh bình đẳng với pháp giới thanh tịnh. Không những tất cả đều bình đẳng, mà tất cả đều viên mãn, cho nên tất cả đều là công đức của Báo thân. Thế nên các kinh khác đều nói “Viên mãn Báo thân Phật”.

  Trong hệ thống tám thức, chuyển thức thành trí, thì thức chấp ngã mạt na được chuyển hóa thành bình đẳng tánh trí. Không có sự chấp ngã chấp pháp gây ra sự bất bình đẳng để pháp giới không còn là một vị thì lúc ấy là bình đẳng tánh trí. Tất cả căn, trần, thức đều biến thành công đức viên mãn của Báo thân.

VII.  DIỆU QUAN SÁT TRÍ

   “Lại nữa, Diệu Sanh! Diệu quan sát trí là, thí như thế giới giữ gìn cõi chúng sanh, Như Lai diệu quan sát trí cũng như vậy, bảo nhậm, giữ gìn tất cả môn tổng trì (đà la ni) môn tam ma địa (samadhi), các diệu pháp giảng nói vô ngại của chư Phật”.

   Như thế giới giữ gìn cõi chúng sanh, Như Lai diệu quan sát trí bảo nhậm, giữ gìn những gì thấy nghe, học được từ năm giác quan và ý thức thu thập được. Đó là các môn tổng trì, các tam ma địa và các diệu pháp giảng nói vô ngại của chư Phật.

   Theo hệ thống tám thức, thì diệu quan sát trí do ý thức, tức thức thứ sáu, chuyển hóa thành trí, cho nên có đủ những đặc tính của ý thức: biết phân biệt, gìn giữ những điều học được từ bên ngoài. Diệu quan sát trí hay ý thức đã chuyển hóa, đã được tịnh hóa khỏi nhiễm ô, phân biệt sai lầm và phiền não, có nhiệm vụ như một cánh cửa, sau năm cánh cửa của năm giác quan, giữ gìn và truyền gửi những thông tin bổ ích ("thiện và tịnh") vào đại viên cảnh trí (thức thứ tám chuyển hóa thành) và cất giữ ở đó.

Ở con người, ý thức là thức phân biệt mạnh nhất và là yếu tố chính để dẫn con người vào sanh tử, nhưng nó cũng là yếu tố biết nhận định phân biệt đúng sai, tốt xấu, do đó là thức hoạt động mạnh nhất để giải thoát, để chuyển thức a lại da thành đại viên cảnh trí và thức chấp ngã mạt na thành bình đẳng tánh trí.

Sự chuyển hóa của ý thức phân biệt thành diệu quan sát trí là do y vào nền tảng đại viên cảnh trí bao la và sáng tỏ và y vào bình đẳng tánh trí không phân biệt, thấy tất cả pháp là bình đẳng. Chính trên nền tảng hai trí đã có trước này mà ý thức được chuyển hóa thành diệu quan sát trí.

“Diệu quan sát trí vô ngại biết thảy thảy vô lượng nhân duyên thức tướng”: diệu quan sát trí phân biệt các tướng, các thức tướng nhưng vẫn ở trong sự trống không và sáng tỏ của đại viên cảnh trí, và quan sát từ nền tảng bình đẳng của bình đẳng tánh trí. Như thế, diệu quan sát trí là phân biệt mà không phân biệt, quan sát mà không có “cái tôi và cái của tôi”, không từ một trung tâm, không có chủ thể quan sát và đối tượng được quan sát.

Nếu đại viên cảnh trí là Chỉ Quán, (“đại chỉ, diệu quán” được nói ở Chương I) Tịch Chiếu ở tận cội nguồn, ở mặt thể, thì diệu quan sát trí cũng như vậy nhưng ở bên ngoài, ở mặt dụng, nghĩa là ở mặt tướng, “thức tướng”. Diệu quan sát trí dựa trên nền tảng Chỉ, Tịch của tánh Không - Giác, để thể hiện phương diện Quán, Chiếu tất cả các tướng, do đó có tên là “diệu quan sát”.

   Diệu quan sát trí là "bảo nhậm, giữ gìn". Thế nên thiền định thiền quán sâu hơn, chúng ta sẽ thấy diệu quan sát trí là nền tảng của ý thức phân biệt. Do đó khi ý thức vừa khởi phân biệt thì có thể biết ý thức khởi trên nền tảng diệu quan sát trí, thức khởi trên trí, đây là cửa vào thực hành diệu quan sát trí, quan sát thế giới, chúng sanh, giáo pháp.

   “Lại như các chúng sanh trong thế giới ấy tức thời khởi ra (đốn khởi) thảy thảy vô lượng nhân duyên thức tướng. Như Lai diệu quan sát trí cũng như vậy, có thể tức thời khởi ra diệu trí vô ngại biết tất cả thảy thảy vô lượng nhân duyên thức tướng”.

   Chức năng căn bản của diệu quan sát trí là "biết" tất cả tướng của thức, biết tất cả những tướng sai biệt do nhân duyên sai biệt của các thức, khởi ra mà vẫn là diệu trí vô ngại, không dính mắc.

   Tại sao gọi là thức tướng? Là tướng của thức, tướng do thức sanh ra, có thức là có tướng. Diệu quan sát trí biết các tướng, sự khác biệt của các tướng, cũng tức là sự sai biệt của các thức. Điều quan trọng là “vô lượng nhân duyên thức tướng” đều không ra ngoài đại viên cảnh trí như những cái bóng không ra ngoài gương.

Diệu quan sát trí phát sanh và có nền tảng là đại viên cảnh trí và bình đẳng tánh trí nên biết và ngắm xem mà vẫn thấy các đối tượng là Không, ánh sáng, như huyễn (đại viên cảnh trí) và bình đẳng một vị (bình đẳng tánh trí).

   “Như Lai diệu quan sát trí có thể tức thời khởi ra (đốn khởi) diệu trí vô ngại biết và ngắm xem (câu sau) tất cả thảy thảy vô lượng nhân duyên thức tướng”: diệu quan sát trí có thể tức thời khởi ra vì diệu quan sát trí luôn luôn và sẵn có trong đại viên cảnh trí. Như đại viên cảnh trí là tấm gương sáng rộng lớn không ngằn mé, diệu quan sát trí cũng mở rộng không ngằn mé như vậy. “Diệu trí vô ngại biết tất cả thức tướng” là ánh sáng của diệu quan sát trí nhận biết tất cả các bóng hình nhưng thấu thoát qua mọi bóng hình. Như thế, thấy biết mà vẫn giải thoát.Nói cách khác, diệu quan sát trí là diệu dụng của đại viên cảnh trí. Diệu quan sát trí là đại viên cảnh trí biết phân biệt và ngắm xem; biết phân biệt và ngắm xem tất cả bóng trí trong đại viên cảnh trí.

Như thế tất cả những đối tượng được biết và ngắm xem của diệu quan sát trí đều nằm trong đại viên cảnh trí và bình đẳng tánh trí. Những đối tượng ấy là tánh Không – Giác, ánh sáng, hóa hiện như huyễn và bình đẳng một vị. Những đối tượng ấy là Chân Như, thế nên trí quan sát này được gọi là Diệu, bởi vì nó thấy cái diệu nơi sự vật, con người và thế giới. Tóm lại, trí này được gọi là diệu vì thấy nghe hay biết tất cả mọi sự là sự biểu lộ của Chân Như

   “Lại như trong thế giới, ngắm xem thảy thảy vườn rừng sông hồ... trang nghiêm rất đổi vui thích. Như Lai diệu quan sát trí cũng như vậy, ngắm xem thảy thảy Phật pháp các ba la mật đa, pháp Bồ đề phần, mười lực, bốn vô uý, mười tám pháp bất cọng trang nghiêm rất đỗi vui thích."

   Ngắm xem (ngoạn), thưởng ngoạn của diệu quan sát trí là nhìn thấy một cách vui thích nhưng chẳng dính dáng gì đến đối tượng, như một người quan sát, người chứng kiến không bị ô nhiễm, xa lìa, ở ngoài mọi hiện tướng.

“Bảo nhậm, giữ gìn, ngắm xem” cho thấy sự thọ dụng, như thế diệu quan sát trí là tự thọ dụng thân hay là Báo thân.

   Chính khi quan sát mà các bóng hình hiển hiện, và quan sát bằng trí, chứ không phải bằng thức, nên bóng hình ấy được gọi là bóng trí (trí ảnh). Sự quan sát bao trùm cả thế gian và xuất thế gian, những sự vật của thế gian và những pháp của Phật giáo. Như ở trước trong phần nói về đại viên cảnh trí, “có các bóng trí từ Cực hỷ địa đến Phật địa cùng với tất cả các pháp bóng trí thế gian và xuất thế gian”.

   Từ đại viên cảnh trí đến bình đẳng tánh trí, vẫn còn "ở trong", " ở trên" cho đến diệu quan sát trí thì " ra ngoài", "xuống dưới". Ra ngoài, xuống dưới hiểu theo nghĩa tiếp xúc trực tiếp với thức tướng, với cảnh, đi xuống với những sự vật cụ thể, với thế gian.

   Như thế diệu quan sát trí cũng là đại viên cảnh trí, có đầy đủ những tính chất của đại viên cảnh trí, nhưng đi xuống tầng thế giới" vật chất." Đây cũng là cái biết, cái thấy ở tầng thức tướng, sắc tướng của thế giới sai biệt. Như thế nghĩa là diệu quan sát trí dựa vào nền tảng tánh Không, ánh sáng và lực hóa hiện như huyễn của đại viên cảnh trí mà quan sát.

   Chính ở đây là chỗ phân chia con đường sanh tử và con đường Niết bàn. Thấy tướng, có ý thức và lạc vào ý thức phân biệt các tướng, đó là sanh tử. Không chấp tướng và thức là thật có, biết học các Phật pháp để đi đến bản tâm vốn thanh tịnh, đến " chỗ ở của thức thanh tịnh tự tại cùng cực của Như Lai," đó là con đường giải thoát giác ngộ.

   Diệu quan sát trí là quan sát tấm gương tròn sáng tức đại viên cảnh trí với đầy đủ bóng hình trong đó mà không có lỗi lầm lạc vào phân biệt của một trung tâm quan sát, tức là một cái tôi, một mạt na thức.

   Theo Đại thừa, căn bản trí hay vô phân biệt trí là chứng ngộ bản tánh căn bản của mọi hiện hữu là tánh Không. Từ nền tảng căn bản trí này dần dần có được phân biệt trí hay hậu đắc trí. Nhờ hậu đắc trí biết phân biệt này mà Bồ tát có thể ở trong thế giới sai biệt để độ chúng sanh. Diệu quan sát trí là hậu đắc trí này.

   “Lại như trong thế giới, núi sông, ao hồ, mặt trời mặt trăng, trời tứ thiên vương, trời ba mươi ba và trời dạ ma, trời đâu suất đà, trời lạc biến hóa, trời tha hóa tự tại, trời phạm thân .v.v...xen nhau trang hoàng đẹp đẽ. Như Lai diệu quan sát trí cũng như vậy, quan sát sự xen nhau trang hoàng đẹp đẽ của thế gian, xuất thế gian, nhân quả thịnh suy đến sự viên chứng vô dư của Thanh Văn, Độc Giác và Bồ tát”.

   Diệu quan sát trí này quan sát thấy biết các thế giới và các chúng sanh, các bậc thánh sống trong đó; tất cả là sự trang hoàng đẹp đẽ cho vũ trụ, đúng hơn cho đại viên cảnh trí. Bởi vì đại viên cảnh trí là tấm gương nhưng chẳng phải trống không, mà có tất cả các bóng thế gian và xuất thế gian, như là sự trang hoàng đẹp đẽ. Sự khác biệt là do nhân quả thịnh suy mà có, nhưng tất cả đều xảy ra trong nền tảng đại viên cảnh trí (“tấm gương bất động”) và bình đẳng tánh trí (“bình đẳng với pháp tánh”) nên với bậc chứng ngộ, chúng đều là sự trang hoàng cho tấm gương đại viên cảnh trí. Quan sát và thấy biết từ nền tảng và trong nền tảng như vậy nên thấy các sự khác biệt do nhân quả thịnh suy đều là đẹp đẽ, kỳ diệu (diệu) và trí quan sát ấy cũng được gọi là "diệu" quan sát trí. Đẹp đẽ, kỳ diệu (diệu) là bóng trí của tánh Không – Giác, tánh sáng và như huyễn.

   Quan sát để thấy được cái diệu là thế nào? Là thấy tất cả mọi hiện hữu núi sông, trời đất, phàm thánh đều là hiện tướng của đại viên cảnh trí. Thấy tất cả bóng đều là gương và là hiện tướng của gương. Khi ấy mọi sắc đều là Phật sắc, mọi thanh đều là Phật thanh, mọi hương đều là Phật hương, mọi vị đều là Phật vị....

“Quan sát sự xen nhau trang hoàng đẹp đẽ của thế gian, xuất thế gian”: diệu quan sát trí là tự thọ dụng thân hay là Báo thân.

   “Lại như thế giới làm chỗ thọ dụng lớn cho chúng sanh. Như Lai diệu quan sát trí cũng nhu vậy, bày hiện (thị hiện) tất cả chúng hội chư Phật, mưa cơn mưa pháp lớn khiến cho chúng sanh hưởng thọ cái vui lớn của pháp”.

   Như thế giới là chỗ thọ dụng lớn cho các chúng sanh, Như Lai diệu quan sát trí làm hiển hiện tất cả chúng hội chư Phật, thuyết pháp như mưa lớn làm cho chúng sanh hưởng thọ cái vui của pháp.

Thị hiện nghĩa là ảnh hiện, hiện bóng. Tất cả các bóng đều được thị hiện, được phóng xuất ra từ đại viên cảnh trí cho đến diệu quan sát trí, và diệu quan sát trí biết phân biệt, “ngắm xem rất đỗi vui thích” các bóng trí này.

   Diệu quan sát trí thị hiện, bày hiện tất cả những bóng hình của thế giới, và người dù chỉ kinh nghiệm ít phần trí này cũng được thọ dụng, hưởng thụ: từ những cảnh vật thiên nhiên của trái đất cho đến những chúng hội chư Phật tràn ngập cái vui của pháp. Thế nên mỗi người cần mở rộng trí này để có thể chiêm ngưỡng, hiểu biết và yêu thương thế giới cho đến vũ trụ. Như thế chúng ta dần dần đi vào trí huệ nền tảng, tức là đại viên cảnh trí.

   “Như trong thế giới có năm nẽo đường, đó là : địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, làm người, làm trời. Trên Như Lai diệu quan sát trí cũng như vậy, vô biên nhân quả năm đường sai biệt hiển hiện đầy đủ”.

   Diệu quan sát trí quan sát, làm hiển hiện năm nẽo đường sai biệt do nhân quả là nhờ ba đặc tính cùng chung với hai trí trước:

   - Tánh Không : sự trống không bao la, không trụ chấp, không bám dính của tấm gương.

   - Ánh sáng : không có chỗ tối tăm nên có thể hiển hiện tất cả bóng hình và thấu thoát qua tất cả mọi bóng hình.

   -  Năng lực : hiển hiện vô ngại, không bị che ám, làm méo mó.

   Ai cũng có diệu quan sát trí, ai cũng ở trong diệu quan sát trí của Phật. Nhưng tánh Không, ánh sáng, năng lực của tấm gương hiển hiện đến đâu là do mức độ tịnh hóa tấm gương, tịnh hóa phiền não chướng và sở tri chướng, tịnh hóa thức phân biệt hư vọng của mỗi người để tấm gương không bị che mờ, méo mó.

Chúng ta thấy Kinh nói các câu “Diệu quan sát trí thị hiện, bày hiện, hiển hiện”, nhưng có bốn câu dùng chữ “trên”, “trên Như Lai diệu quan sát trí”. Diệu quan sát trí thấy biết tất cả các bóng trí, nhưng những bóng trí này đều ở “trên” mặt gương, không dính vào gương được. Như thế diệu quan sát trí thấy biết, ngắm xem nhưng không ô nhiễm, vẫn là trí tịch – chiếu thấy tất cả các cảnh nhưng không nhiễm ô bởi cảnh. Đây là một nghĩa của chữ Diệu

   “Như trong thế giới có các cõi dục, cõi sắc, cõi vô sắc, trên Như Lai diệu quan sát trí cũng như vậy, vô biên nhân quả sai biệt của ba cõi hiển hiện đầy đủ”.

   Chứng ngộ tánh Không (tấm gương) là căn bản trí, tự nhiên trí hay vô phân biệt trí. Từ căn bản trí vô phân biệt này dần dần hiển hiện phân biệt trí hay hậu đắc trí. Diệu quan sát trí là phân biệt trí hay hậu đắc trí, phân biệt rõ ràng các cõi, các chúng sanh trong đó và nhân quả sai biệt của họ. Lấy thí dụ như tấm gương tánh Không, trên đó hiển hiện mọi bóng hình, phân biệt hết thảy mọi bóng hình nhưng vẫn là tánh Không, nên phân biệt mà vô phân biệt, vô phân biệt mà phân biệt.

   Vô phân biệt và phân biệt không hai, đại viên cảnh trí và diệu quan sát trí không hai, mặc dù có thể nói diệu quan sát trí là cái dụng, diệu dụng của đại viên cảnh trí.

   Diệu quan sát trí thấy sắc thanh hương vị xúc pháp, nhưng chúng không khác nhau và không khác với tánh Không: "Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác sắc; sắc tức là Không, Không tức là sắc" (Bát nhã tâm kinh). Do đó diệu quan sát trí có thể thấy ba cõi sanh tử là như mộng, như huyễn để có thể ở trong đó với chúng sanh mà cứu độ họ.

   Về mặt từ bi, diệu quan sát trí thấy tất cả bóng hình, nhưng đều ở trong Vô duyên đại từ, Đồng thể đại bi; do đó dầu thấy nghiệp báo và lỗi lầm của ba cõi, nhưng do đại từ đại bi của bình đẳng tánh trí mà có thể tha thứ và thương yêu chúng sanh ba cõi. Cao tột của đại từ đại bi là thấy tất cả, kể cả nhân quả nghiệp báo, là sự biểu hiện của đại từ đại bi.

    “Như trong thế giới có các núi vua cao lớn hiển hiện, trên Như Lai diệu quan sát trí cũng như vậy, có chư Phật Bồ tát oai thần diễn nói giáo pháp sâu xa rộng lớn”.

   Tất cả các đoạn kinh nói về diệu quan sát trí đều lấy thế giới làm thí dụ, "Như trong thế giới ...". Nếu thế giới có tất cả núi sông, đất đai, con người, thánh và phàm và mọi hoạt động của họ, thì diệu quan sát trí bao trùm tất cả vũ trụ, các cõi Phật, các sự giáo hóa của chư Phật, Bồ tát.

   Như vậy để thấy và hiểu mọi sự, mọi hoạt động giáo hóa của chư Phật, mọi nhân quả thịnh suy của chúng sanh, cần phải ngộ nhập diệu quan sát trí, và diệu quan sát trí càng rộng lớn thì sự học và giảng nói của hành giả càng được sâu rộng, sự hiểu biết thế gian càng rõ ràng.

Diệu quan sát trí là con mắt thấy biết tất cả, nhưng con mắt ấy không có trung tâm ở đâu cả, không có biên bờ giới hạn. Một con mắt thấy biết tất cả nhưng không có chỗ trụ (vô sở trụ).

   “Như trong thế giới có đại dương rộng lớn sâu thẳm chẳng thể nghiêng động, trên Như Lai diệu quan sát trí cũng vậy, tất cả thiên ma ngoại đạo, dị luận chẳng thể làm nghiêng đảo, lay động giáo pháp của pháp giới sâu thẳm”.

   Diệu quan sát trí là sự biểu hiện của đại viên cảnh trí ra thế giới bên ngoài, nó bao trùm thế giới nên chẳng có cái gì dù của thiên ma, ngoại đạo, dị luận có thể làm nghiêng đổ được.

   Bất cứ khi nào chúng ta nhìn thân tâm, thế giới, chúng sanh, thấy tất cả nhưng gương tâm chẳng động, khi ấy chúng ta bắt đầu thoáng thấy, tương ưng một chút với diệu quan sát trí. Và cần tiếp tục thiền định về tấm gương diệu quan sát trí thấy mà bất động này. Hoạt động, hành động trong tấm gương ấy, chúng ta sẽ dần dần nhận ra sự hiện hữu thường thấy thường nghe mà vốn bất động của tấm gương, tức là trí huệ nền tảng đại viên cảnh trí.

   Diệu quan sát trí chính là pháp giới sâu thẳm, thường thấy thường nghe mà bất động này.

   “Lại như trong thế giới các núi lớn nhỏ bao quanh, Như Lai diệu quan sát trí cũng như vậy, chẳng mờ tối với tất cả tự tướng cộng tướng bao quanh”.

   Tự tướng là tướng riêng, ví dụ sắc thanh hương vị xúc pháp, mỗi cái đều có tướng riêng. Cộng tướng là tướng chung, như vô thường là cọng tướng của sáu cái trên.

   Diệu quan sát trí như tấm gương, ánh sáng của nó thấu thoát, xuyên qua mọi bóng hình trong gương, không có chỗ nào mờ tối, nên thấu hiểu cọng tướng và tự tướng của mọi sự vật trong gương.

   Thấy, nghe, hay, biết mà chẳng thấy, nghe, hay biết, chẳng nhiễm ô, chẳng nghiêng đảo là diệu quan sát trí vì tất cả đều bình đẳng là tánh Không, ánh sáng và năng lực của bình đẳng tánh trí và đại viên cảnh trí. Khi thấy biết quan sát được như vậy thì tất cả bóng trí trở thành sự trang nghiêm cho đại viên cảnh trí. Các bóng trong gương trở thành sự trang nghiêm cho tấm gương.

Đại viên cảnh trí là Pháp thân, và Bình đẳng tánh trí và Diệu quan sát trí là Báo thân. Trí thứ tư Thành sở tác trí là Hóa thân.

VIII. THÀNH S TÁC TRÍ

   “Lại nữa, Diệu Sanh ! Thành sở tác trí là như thân nghiệp chúng sanh chuyên cần gắng sức do đó tìm cầu quay cuồng theo thảy thảy lợi danh, giàu có, công việc. Như Lai thành sở tác trí cũng như vậy, thân hóa nghiệp chuyên cần do đó thị hiện thảy thảy các việc công xảo, bẻ dẹp tất cả phiền não kiêu mạn của chúng sanh, dùng lực phương tiện thiện xảo dẫn dắt chúng sanh khiến nhập thánh giáo, thành thục giải thoát”.

   Trong hệ thống tám thức của Duy thức, thành sở tác trí là do năm thức giác quan chuyển thành trí.

Trong ngữ cảnh của kinh này, thành sở tác trí là đại viên cảnh trí biểu lộ thành mắt, tai, mũi, lưỡi, thân nơi một con người. Với một Bồ tát pháp thân, thành sở tác trí là đại viên cảnh trí biểu lộ nơi thế giới vật chất, với chúng sanh, thực vật và động vật. Nếu đại viên cảnh trí là pháp thân, thì thành sở tác trí là hóa thân để làm việc trong ba cõi.

   Cụ thể, hóa thân thành sở tác trí là biểu lộ của đại viên cảnh trí và làm việc trong đại viên cảnh trí là thế nào? Mắt thấy cái gì thì cái đó là pháp thân chân như, tai nghe cái gì thì cái đó là pháp thân chân như…Như vậy không còn các giác quan (căn) và đối tượng (cảnh), mà tất cả là sự biểu lộ của pháp giới thanh tịnh. Tất cả là Phật.

Thành sở tác trí là trí thành tựu những việc, những sự nghiệp ở thế gian ba cõi. Thành sở tác trí là sự thành tựu của ba trí trước ở mặt thế gian, và chỉ có ở chư Phật mới hoàn hảo. Trong Kinh Hoa Nghiêm có nói đến ảnh hưởng và công việc của Bồ tát từ Sơ địa rộng lớn dần lên đến Thập địa và Phật địa.

   Ở trên nói chúng sanh trong ba cõi, nhưng đứng về thành sở tác trí mà nói thì tất cả thân tâm mình, thế giới, chúng sanh đều chuyển thành tịnh độ, đều là pháp giới thanh tịnh. Cho nên nói cứu độ chúng sanh mà thật không có cứu độ. Như khi thân tâm, thế giới, chúng sanh đã trở lại bản tánh của chúng thì tất cả đồng một chất vàng. Chẳng lẽ nói vật bằng vàng này làm cho vật khác thành vàng?

Nghiệp (karma) là hành động, hoạt động. Thành sở tác trí là hành động (“nghiệp hóa thân”) của hóa thân Phật, Bồ tát, và hóa thân này sanh khởi từ"pháp thân của tất cả chư Phật" , hay là từ đại viên cảnh trí của chư Phật. Sanh khởi từ pháp thân, tức là thân giác ngộ của tất cả chư Phật, nên hóa thân có những phẩm tính của thân giác ngộ.

   Những hóa thân gồm hóa thân về thân, về ngữ, và về ý. Hóa thân về thân, ngữ, ý là hóa thân của thân giác ngộ, của ngữ giác ngộ và của ý giác ngộ. Ở đây bắt đầu nói về hóa thân về thân hay hóa nghiệp của thân. Các việc công xảo tức là tất cả mọi công việc ở đời nằm trong ngũ minh : nội minh ( Phật giáo), thanh minh (ngôn ngữ), nhân minh (lý luận), công xảo minh (thủ công, công nghiệp), y phương minh (y khoa), tóm lại là mọi công việc, sự nghiệp của đời.

   Nhờ hóa thân về thân này dùng lực phương tiện thiện xảo có thể hóa độ chúng sanh, dẹp bỏ được tất cả phiền não cho họ và dẫn dắt họ vào con đường giải thoát và giác ngộ.

   Mười đoạn nói về thành sở tác trí đều nói đến "lực phương tiện thiện xảo" cho thấy thành sở tác trí là phương tiện thiện xảo diệu dụng của đại viên cảnh trí.

   “Lại như chúng sanh thọ dụng thân nghiệp, do đó thọ dụng đủ thứ cảnh giới sắc thanh hương vị xúc pháp, Như Lai thành sở tác trí cũng như vậy, thọ thân hóa nghiệp, do đó Như Lai đến mọi thứ chỗ sanh của chúng sanh, thị hiện đồng loại sanh mà ở địa vị cao. Do thị hiện đồng loại sanh nên nhiếp phục tất cả chúng sanh khác loài, dùng lực phương tiện thiện xảo ấy nên dẫn dắt các chúng sanh khiến vào thánh giáo, thành thục giải thoát”.

   Chúng sanh thọ thân là do các nghiệp chúng sanh mà thành thân. Chư Phật, chư Bồ tát cũng thọ thân vật chất để độ chúng sanh, nhưng đây là hóa thân, do nghiệp là sự thành tựu của tánh Không, ánh sáng, đại từ bi, nguyện lực và lực phương tiện thiện xáo mà thành, nghĩa là do sự thành tựu ba trí trên, đại viên cảnh trí, bình đẳng tánh trí và diệu quan sát trí.

   Thị hiện hóa thân là biến hóa ra thành những bóng trong tấm gương đại viên cảnh trí để tiếp xúc và giáo hóa cho chúng sanh là những bóng khác trong gương. Dẫn dắt chúng sanh vào thánh giáo, thành thục giải thoát là chỉ dạy cho chúng sanh sự thật rốt ráo rằng họ chính là tấm gương đại viên cảnh trí vốn thanh tịnh và bất động chứ chẳng phải là những bóng hình chuyển động và vô thường sanh già bệnh chết.

   Hóa thân luôn luôn biết và chẳng lìa pháp thân, nên luôn luôn ở trong trí huệ, biết tất cả bóng hình của mình và của người đều như huyễn như hóa. Do đó cũng thấy thân thọ dụng nghiệp của chúng sanh như bóng hóa, nên nghiệp của chúng sanh chẳng ảnh hưởng đến thân hóa của mình. Đồng thời chẳng lìa khỏi đại từ bi thấy tất cả bóng đều là một tấm gương, nên chẳng hề dứt hoạt động hóa hiện vì chúng sanh khổ đau.

   Khiến vào thánh giáo, thành thục giải thoát là chỉ dạy cho vào đại viên cảnh trí để thành thục giải thoát.

   “Lại như chúng sanh lãnh thọ thân nghiệp nên chúng sanh lãnh thọ nghiệp quả thiện ác đã làm. Như Lai thành sở tác trí cũng như vậy, lãnh thọ thân hóa nghiệp, do đó Như Lai thị hiện lãnh thọ bổn sanh, bổn sự, các hạnh khó tu, dùng lực phương tiện thiện xảo ấy dẫn dắt các chúng sanh khiến vào thánh giáo, thành thục giải thoát”.

   Chúng sanh thì lãnh thọ nghiệp quả thiện ác của thân nghiệp, chư Phật, Bồ tát thì lãnh thọ nghiệp của hóa thân, nghiệp ấy là tạo ra sự sanh, các sự việc, các hạnh khó tu trong đời mình để hóa độ chúng sanh. Nghiệp của hóa thân là do đại nguyện, đặt nền trên trí huệ tánh Không và từ bi, do đó mà có thân hóa và nghiệp hóa.

Vì thân là bóng trong gương, bóng trí, như huyễn hóa, nên những việc làm (nghiệp) của thân hóa ấy cũng như huyễn hóa, dẫn dắt chúng sanh như huyễn hóa.

   Làm mà không làm, tạo nghiệp mà không tạo vì như bóng trí, như người huyễn là như vậy. Người huyễn hóa thì thấy thế gian và chúng sanh như huyễn hóa, do đó việc làm (nghiệp) cũng như huyễn hóa.

Chúng sanh lãnh thọ thân nghiệp nên Bồ tát cũng lãnh thọ thân hóa nghiệp để giáo hóa cứu độ chúng sanh. Tất cả mười điểm của thành sở tác trí đều là hoạt động vì chúng sanh nhưng vẫn giải thoát trong chính hoạt động ấy. Tóm lại, thành sở tác trí là sự thể hiện hợp nhất của đại từ đại bi và trí huệ tánh Không.

  “Lại như ngữ nghiệp của chúng sanh làm vui mừng an ủi, nên chúng sanh đàm luận với nhau, làm vui mừng an ủi lẫn nhau. Như Lai thành sở tác trí cũng như vậy, ngữ hóa nghiệp làm vui mừng an ủi, nên Như Lai tuyên nói thảy thảy pháp tùy chỗ làm an vui, văn nghĩa xảo diệu, chúng sanh trí nhỏ dù mới nghe pháp vẫn tin, dùng lực phương tiện thiện xảo ấy dẫn dắt các chúng sanh khiến vào thánh giáo, thành thục giải thoát”.

   Ngữ nghiệp do biến hóa của chư Phật, Bồ tát là để đem pháp đến cho chúng sanh, khiến chúng sanh vui mừng, được an ủi, an vui. Sự giác ngộ, trí huệ tánh Không và đại từ đại bi được hóa hiện thành, thể hiện thành ngôn ngữ để làm lợi lạc cho chúng sanh.

   Nhưng ngôn ngữ ấy chỉ là biến hóa, hóa nghiệp, là hành động như hóa, như huyễn. Nên trong Kinh Kim Cương, Đức Phật nói :

   "Nếu có người nói Như Lai có thuyết pháp tức là phỉ báng Phật, không hiểu chỗ ta nói."

   Trong Kinh Nhập Lăng Già, Đức Phật nói:

   “Ta cùng chư Phật và chư Bồ tát không nói một chữ nào, không đáp một chữ nào”.

Pháp thân thì không nói, không sanh không diệt, không tăng không giảm, không dơ không sạch, đây là chân lý tuyệt đối và tối hậu (chân đế). Còn hóa thân thì có nói, có sanh có diệt, có tăng có giảm, có dơ có sạch, đây là chân lý tương đối và quy ước (thế đế). Chư Phật và các đại Bồ tát đều có hai thân: pháp thân (chân đế) và hóa thân (thế đế).

   Lại như ngữ nghiệp phương tiện của chúng sanh, do đó chúng sanh chỉ bảo cho nhau công việc, chê ác khen thiện, cho đến ra mệnh lệnh. Như Lai thành sở tác trí cũng như vậy, khởi ra phương tiện ngữ nghiệp biến hóa, do đó Như Lai lập ra chỗ học chân chánh, chê trách các phóng dật, khen ngợi sự chẳng phóng dật. Lại thành lập hạng tùy tín hành và tùy pháp hành. v.v...dùng lực phương tiện thiện xảo ấy dẫn dắt các chúng sanh khiến vào thánh giáo, thành thục giải thoát”.

   Công việc (nghiệp) của lời nói (ngữ) là phương tiện biến hóa của Phật, Bồ tát để giáo hóa chúng sanh. Sự biến hóa này là vô tận, như pháp tánh thì vô tận. Sự biến hóa ra phương tiện ấy là vì chúng sanh, vì từ bi với chúng sanh bởi vì chúng sanh không biết mình đang sống trong vô minh huyễn hóa nên khổ đau không dứt. Sở dĩ có các hóa thân lời nói của thành sở tác trí là do từ bi, và lực phương tiện thiện xảo ấy là lực của đại từ đại bi.

“Chê trách các phóng dật”, cho đến la rầy, phạt tội cần biết rằng chúng đều phát xuất từ lòng từ bi của các bậc thầy, muốn chúng sanh bỏ xấu, giữ tốt chứ không phải các vị làm vì chính các vị.

   Tùy tín hành là hành giả dựa lòng tin vào lời chỉ bảo của người khác, của các vị thầy mà thực hành. Tùy pháp hành là dựa vào pháp hay pháp tánh mà thực hành.

   “Lại như ngữ nghiệp biện luận tuyên dương của chúng sanh, do đó chúng sanh lần lượt khai thị chỗ chẳng rõ nghĩa, tuyên nói các luận. Ngữ nghiệp biến hóa biện giải của Như Lai thành sở tác trí cũng như vậy, do đó Như Lai đoạn trừ vô lượng nghi hoặc cho chúng sanh, dùng lực phương tiện thiện xảo ấy dẫn dắt chúng sanh khiến vào thánh giáo, thành thục giải thoát”.

   Vì lời nói biện giải biến hóa của Như Lai thành sở tác trí có thể đoạn trừ vô lượng nghi hoặc cho chúng sanh, nên sự biến hóa của lời nói ấy là vô tận. Vì mê lầm, nghi hoặc của chúng sanh là vô tận nên lực phương tiện biến hóa thiện xảo cũng vô tận, do trí huệ và từ bi vô tận.

   Thành sở tác trí là diệu dụng biến hóa thành thân ngữ ý của đại viên cảnh trí, mà tấm gương đại viên cảnh trí thì không biên bờ, trùm khắp, bất động, nên diệu dụng biến hóa thành các bóng trí phương tiện cũng vô lượng.

   Trong các kinh khác, có nói đến Bồ tát Vô Tận Ý, Vô Tận Tạng để chỉ nền tảng pháp thân là vô tận và từ đó sự lưu xuất thành thân, ngữ, ý của chư Bồ tát, chư Phật là vô tận.

   “Lại như ý nghiệp chọn lựa, quyết định của chúng sanh, do đó chúng sanh chọn lựa quyết định nên làm hay không nên làm. Ý hóa nghiệp quyết định của Như Lai thành sở tác trí cũng như vậy, do đó chọn lựa quyết định tám vạn bốn ngàn tâm hạnh sai biệt của chúng sanh, dùng lực phương tiện thiện xảo ấy dẫn dắt chúng sanh khiến vào thánh giáo, thành thục giải thoát”.

   Ý nghiệp, hành động của ý, của thành sở tác trí là biết chọn lựa và quyết định bệnh nào trong tám vạn bốn ngàn phiền não của tâm hạnh sai biệt của chúng sanh để chỉ dạy pháp môn nào trong tám vạn bốn ngàn thứ cho ứng hợp.

   Chúng ta thấy, thân hóa nghiệp có ba, ngữ hóa nghiệp cũng có ba, và ý hóa nghiệp có đến bốn, tức là ý hóa nghiệp quan trọng nhất, vì nó trực tiếp trừ bỏ mê lầm và dẫn dắt chúng sanh vào giải thoát, thành thục giải thoát.

  Trong các kinh khác, như Nhập Lăng Già, Thắng Man…có nói đến “ý sanh thân” tức là thân nương vào ý mà hóa sanh của các Bồ tát để hóa độ chúng sanh.

Lại như ý nghiệp tạo tác của chúng sanh, do đó chúng sanh tạo tác thảy thảy các nghiệp được sanh khởi. Ý hóa nghiệp tạo tác của Như Lai thành sở tác trí cũng như vậy, do đó Như Lai quán sát các hành động được làm của chúng sanh, làm và không làm, hoặc được hoặc mất, khiến cho lấy bỏ mà tạo tác các đối trị, dùng lực phương tiện thiện xảo ấy dẫn dắt chúng sanh khiến vào thánh giáo, thành thục giải thoát”.

   Ý hóa nghiệp của Phật, Bồ tát quán sát các hành động tạo tác của chúng sanh và tùy theo đó mà tạo tác các đối trị hổ trợ thêm cho hành động tốt, giải tan hành động xấu, tiến đến giải thoát và giác ngộ.

   Ý hóa là ý hóa hiện trên mặt gương trống không, không ô nhiễm của đại viên cảnh trí, như những bóng hình không căn cứ, không gốc rễ. Thế nên ý tạo tác mà không tạo tác, sanh khởi mà không sanh khởi, cho nên làm việc cho chúng sanh mà vẫn giải thoát vì không có ý tạo tác, không có pháp đối trị được tạo tác và không có chúng sanh là đối tượng cho sự tạo tác.

   “Lại như ý nghiệp phát khởi của chúng sanh, do đó chúng sanh phát khởi các nghiệp. Ý hóa nghiệp phát khởi của Như Lai thành sở tác trí cũng như vậy, do đó Như Lai vì muốn tuyên nói pháp đối trị cho chúng sanh, hiển bày danh cú văn tự họ ưa thích, dùng lực phương tiện thiện xảo dẫn dắt chúng sanh khiến vào thánh giáo, thành thục giải thoát”.

   Ý hóa nghiệp của thành sở tác trí được phát khởi thành câu nói, chữ viết để dẫn dắt chúng sanh vào đại viên cảnh trí khiến họ giải thoát. Đối với chúng sanh, vì họ có tám vạn bốn ngàn phiền não nên Phật pháp cũng có tám vạn bốn ngàn pháp đối trị.

   Qua đây, chúng ta thấy Tứ vô ngại giải hay Tứ vô ngại biện nằm trong thành sở tác trí của một vị Phật, Bồ tát, do đặt nền trên đại viên cảnh trí là tánh Không vô ngại.

   “Lại như ý nghiệp lãnh thọ của chúng sanh, do đó chúng sanh lãnh thọ khổ vui. Ý hóa nghiệp lãnh thọ của Như Lai thành sở tác trí cũng như vậy, do đó Như Lai nói chỗ định và bất định, phản vấn ký, mặc trí ký, phân biệt ký, tùy theo chúng sanh nên thọ lãnh các nghĩa quá khứ, hiện tại, vị lai, dùng lực phương tiện thiện xảo ấy dẫn dắt chúng sanh khiến vào thánh giáo, thành thục giải thoát.”

Có bốn cách trả lời :

-  Nhất hướng ký là trả lời nhất định như vậy, trước sau như một.

- Phân biệt ký là phân biệt mà trả lời.

- Phản vấn ký là trả lời bằng cách hỏi lại.

- Mặc trí ký là trả lời bằng cách im lặng.

    Thành sở tác trí của ý nghiệp thì tùy theo chúng sanh nên lãnh thọ nghĩa gì thì dùng bốn cách trả lời trên. Thành sở tác trí là cái dụng ở đời của đại viên cảnh trí nên có đầy đủ tính chất của đại viên cảnh trí. Như tấm gương không có bóng mà hóa hiện bóng, sự phản chiếu là tức thời. Thành sở tác trí cũng đáp ứng tức thời như vậy, có ai hỏi thì tức thời đáp, như tấm gương sáng, có ai đến thì tức thời phản chiếu bóng của người ấy ngay mà tấm gương vẫn không động.

  

Thành sở tác trí nói hẳn về thân, ngữ, ý và cả ba đều là hóa và có chữ nghiệp, tức là hành động. Thân hóa, ngữ hóa, ý hóa cho nên thành sở tác trí là hóa thân, thân do biến hóa, của chư Phật, Bồ tát vậy. Và bởi vì là hóa thân, nên hành động (nghiệp) của hóa thân ấy cũng là nghiệp hóa, nghiệp huyễn ; đối tượng của hành động là chúng sanh cũng như hóa, như huyễn.

   Nhìn từ bình đẳng tánh trí thì tất cả việc làm, lời nói, ý tưởng của hóa thân đều bình đẳng với pháp tánh, nghĩa là bình đẳng một vị với hành động của thân, ngữ, ý của tất cả chúng sanh. Nếu không bình đẳng thì sẽ có người dạy và người được dạy, người thánh và người phàm, người nhiều và người ít…Như vậy tất cả là một trong Nhất Chân Pháp giới.

Bồ tát trong mọi hành động của thân ngữ ý làm lợi lạc cho chúng sanh mà biết tất cả những hành động thân ngữ ý ấy đều phát khởi từ tánh Không và tánh sáng và chính là tánh Không và tánh sáng thì đây là đang thực hành thành sở tác trí.

   Một cách rốt ráo, thân ngữ ý chuyển hóa thành thân, ngữ, ý giác ngộ, thân ngữ ý Phật. Đây là ý nghĩa của thành ngữ thường được nói trong Mật giáo: “Tức thân thành Phật” (Ngay nơi thân này thành Phật, ngay nơi thân này là Phật).

IX. S TRÍ MT V

   “Bấy giờ, đại Bồ tát Diệu Sanh bạch Phật rằng : Bạch Thế Tôn, chỉ độc nhất Như Lai nơi pháp giới thanh tịnh thọ dụng hoà hiệp sự trí một vị, hay các Bồ tát cũng có thể như vậy?

   Phật bảo Bồ tát Diệu Sanh : Bồ tát cũng có thể thọ dụng hoà hiệp sự trí một vị.

   Bồ tát Diệu Sanh lại bạch Phật : Những Bồ tát ở cấp độ nào thọ dụng hoà hiệp sự trí một vị?

   Phật bảo Diệu Sanh : Những Bồ tát chứng đắc vô sanh pháp nhẫn. Do Bồ tát ấy ở trong pháp vô sanh, khi đắc sự thấu hiểu nhẫn thì đối trị hai tưởng. Do dứt trừ hai loại tưởng ta và cái khác (tự tha) nên đắc tâm bình đẳng. Từ đó trở lên, nơi các Bồ tát ấy các tưởng mê lầm ta và cái khác không còn hiện tiền, thọ dụng hoà hiệp sự trí một vị.

   Sự là sự vật, sự việc, hiện tượng, sắc (vật chất). Trí là trí thấu rõ tánh Không.

Sự trí một vị là không còn thế giới sự vật, hiện tượng, sắc tướng: tất cả là trí, là tánh Giác. Tất cả các giác quan, ý thức, mạt na thức, a lại da thức đều chuyển hóa thành trí. Tất cả những kinh nghiệm có thể có được đều là trí. Tất cả mọi khởi niệm đều là tánh Giác

Và tất cả bốn trí đại viên cảnh, bình đẳng tánh, diệu quan sát, thành sở tác là một vị: một vị pháp giới thanh tịnh.

Nói theo Bát nhã tâm kinh, sắc tức là Không, Không tức là sắc. Không còn thế giới của sắc thọ tưởng hành thức.., không còn  thế gian sanh tử, tất cả chỉ là Không, là Như, là Chân Như.

  Đi đến tột cùng của Không thì Không – sắc một vị và ngược lại, đi đến tột cùng của sắc thì sắc – Không một vị. Đi đến tột cùng cuả trí thì trí – thức một vị và ngược lại, đi đến tột cùng của thức thì thức – trí một vị. Đi đến tột cùng của trí thì trí – sự một vị, và ngược lại, đi đến tột cùng của sự thì sự – trí một vị.

Bồ tát ở cấp độ nào thọ dụng được hoà hiệp sự trí một vị? Kinh trả lời, "những Bồ tát chứng đắc vô sanh pháp nhẫn." Vô sanh là pháp nhẫn là Bồ tát pháp thân Đệ bát địa, "vô công dụng đạo", nghĩa là đã vào "con đường không tu nữa," đã hoàn toàn chứng đắc pháp vô sanh. Pháp vô sanh tức là Không, Vô tướng, Vô nguyện, là Pháp thân. Vô sanh pháp nhẫn là hết sự ô nhiễm của thức phân biệt, hoàn toàn an trụ trong đại viên cảnh trí.

 

   Bắt đầu vào được pháp vô sanh, pháp thân tánh Không, khi vào được Sơ Hoan Hỷ địa, " ở trong pháp vô sanh." Ở trong pháp thân tánh Không mới có " sự thấu hiểu nhẫn", tức là hiểu được tánh Không của nhẫn, rồi tiếp tục thực hành cho đến chứng đắc, tánh Không ở địa vị vô sanh pháp nhẫn. Khi biết được nền tảng chân thật là pháp thân tánh Không bèn có thể đối trị hai tưởng hư vọng là tưởng có ta (chấp ngã) và tưởng có cái khác ở ngoài ta (chấp pháp). Dứt trừ được vô minh về cái ta hư vọng và cái khác hư vọng thì dần dần tiến lên các địa cho đến vô sanh pháp nhẫn là thấy trí và bóng trí là một, tất cả là một vị tánh Không – Giác, tất cả là một vị tánh sáng và tất cả là hóa hiện như huyễn, không còn cái ta và cái khác, không còn tâm và cảnh.

   Theo hệ thống Kinh Đại Bát Nhã, tánh Không cũng là tánh Như, Chân Như. Hòa hiệp sự trí một vị là thấy tất cả là Chân Như, tất cả là một vị Chân Như.

   Nơi Bồ tát ấy tất cả thức phân biệt đã chuyển thành trí. Sắc, thọ, tưởng, hành, thức là trí, là hoạt dụng của trí. Sắc thanh hương vị xúc pháp là trí. Đây là sự hoà hiệp sự trí một vị, tất cả là trí, tất cả là Chân Như.

   "Diệu Sanh Bồ tát lại bạch Phật rằng : Xin mong Như Lai rộng nói thí dụ để cho các Bồ tát ngộ nghĩa rất sâu, tùy duyên giáo hóa rộng nói khắp nơi khiến các chúng sanh nghe rồi nhanh chóng ngộ vô sanh pháp nhẫn."

   Bồ tát Diệu Sanh xin Phật nói những thí dụ để các Bồ tát hiểu sâu nghĩa "hoà hiệp sự trí một vị", hầu có thể giảng nói rộng cho các chúng sanh nhanh chóng ngộ vô sanh pháp nhẫn.

   "Phật bảo Diệu Sanh: Thí dụ chư thiên cõi trời thứ ba mươi ba chưa vào được rừng Tạp lâm thì chưa thể được vô ngã, ngã sở hòa hiệp thọ dụng nơi sự hoặc nơi thọ. Nếu vào được rừng Tạp lâm, tức không có phân biệt thì tùy ý thọ dụng. Do rừng Tạp lâm có đức tính như thế, khiến cho chư thiên vào rừng này, các quả báo của chư thiên hoặc sự hoặc thọ, do không có tư duy phân biệt nên hoà hiệp thọ dụng.

   Như thế Bồ tát nếu chưa chứng được tâm bình đẳng và xả bình đẳng thì cùng tất cả Thanh Văn, Độc Giác không có khác nhau, vì còn hai tưởng nên chẳng thể an trụ thọ dụng hoà hiệp sự trí một vị.

   Nếu đã chứng đắc vô sanh pháp nhẫn, dứt trừ hai tưởng nên đắc tâm bình đẳng, bèn cùng Thanh Văn, Độc Giác khác biệt, do tâm bình đẳng mà có thể an trụ xả, thọ dụng hoà hiệp sự trí một vị”.

   Thí dụ như chư thiên cõi trời thứ ba mươi ba chưa vào được rừng Tạp lâm thì sự và thọ, vốn không có ta và của ta, còn phân hai nên không thể hoà hiệp thọ dụng một vị. Nếu vào được, không còn phân hai chủ thể và đối tượng, (“không có phân biệt”, “không có tư duy”) nên có thể hoà hiệp thọ dụng.

   Cũng thế, Bồ tát nếu chưa chứng được tâm bình đẳng và xả bình đẳng thì chẳng thể an trụ thọ dụng hoà hiệp sự trí một vị. Vì sao thế? Vì còn phân biệt nên có hai tưởng ta và cái khác, tức là tưởng có ngã và có pháp, chưa được vô sanh pháp nhẫn, vô ngã và vô pháp.

Còn Bồ tát chứng đắc Địa thứ Tám vô sanh pháp nhẫn thì đã dứt trừ hai tưởng ngã và pháp cho nên có thể an trụ thọ dụng hoà hiệp sự trí một vị. Tâm bình đẳng là tâm bình đẳng với pháp thân tánh Không, bình đẳng một vị với pháp tánh, bình đẳng một vị giữa sắc và Không. Xả bình đẳng là xả với tất cả các tướng, tướng của sanh tử cũng như của niết bàn, do đó xả bình đẳng là sanh tử (sự) và niết bàn (trí) bình đẳng. Đây là an trụ thọ dụng hoà hiệp sự trí một vị.

   Bồ tát vô sanh pháp nhẫn an trụ thọ dụng hoà hiệp sự trí một vị là sống trong pháp giới Nhất Tâm, pháp giới Chân Như.

   Ở đây có nói Bồ tát vô sanh pháp nhẫn thì khác biệt với các bậc Thanh Văn, Độc Giác, bởi vì các vị này còn phân biệt vi tế giữa sanh tử và niết bàn, muốn thoát khỏi sanh tử và chứng đắc một bề niết bàn, đó là sự chấp ngã và chấp pháp vi tế. Thế nên chưa đắc tâm bình đẳng, nghĩa là chưa đắc pháp tánh của sanh tử và niết bàn, chưa đắc tính bình đẳng của sanh tử và niết bàn. Các vị cũng chưa đắc xả bình đẳng, nghĩa là xả lìa sanh tử và xả lìa cả niết bàn.

   Lại nữa, Diệu Sanh, thí như thảy thảy dòng nước lớn nhỏ chưa vào đại dương, mỗi dòng khác nhau nương nơi nước ít hoặc nước khác loại. Nước có tăng có giảm, tùy theo nghiệp làm của nước mà mỗi mỗi khác nhau, nương giữ phần ít sanh mạng loài thuỷ tộc. Nếu vào đại dương thì chỗ nương không khác biệt, nước không khác biệt, nước không hạn lượng, nước không tăng giảm, chỉ một nghiệp rộng lớn nương giữ sanh mạng loài thuỷ tộc. Cũng như vậy, Bồ tát nếu chưa chứng nhập đại dương pháp giới thanh tịnh của Như Lai thì mỗi mỗi chỗ nương khác nhau, trí nhỏ, trí khác, trí có tăng giảm, tùy theo trí nghiệp chỗ làm mỗi khác, phần ít chúng sanh thành thục thiện căn nương ở nơi đó. Nếu đã chứng nhập đại dương pháp giới thanh tịnh của Như Lai thì chỗ nương không khác, trí không sai khác, trí không hạn lượng, trí không tăng giảm, thọ dụng hoà hiệp sự trí một vị, vô lượng chúng sanh thành thục thiện căn nương ở nơi đó.

   Bồ tát đã chứng nhập đại dương pháp giới thanh tịnh của Như Lai là Bồ tát địa thứ tám vô sanh pháp nhẫn, "ở trong pháp vô sanh". Như đại dương chứa tất cả mọi dòng nước không sai khác, không hạn lượng, không tăng giảm, trí của Bồ tát này là trí chứng nhập pháp giới thanh tịnh, tức là pháp giới thể tánh trí, có thể làm chỗ nương ở cho vô lượng chúng sanh.

    Thể nhập đại dương pháp giới thanh tịnh, khi ấy trí huệ, từ bi, hạnh nguyện, phương tiện của Bồ tát rộng lớn như đại dương. Đó là những công đức có sẳn trong đại dương.

   Những Bồ tát ở các cấp độ thấp, tuy cũng cùng một thứ nước, cùng một pháp tánh, nhưng còn là các dòng nước, còn hạn lượng nhiều ít, nên chỉ có phần ít chúng sanh thiện căn thành thục nương ở. Các vị này vì chưa được sự trí một vị, nên chưa được tự tại trong các sự sanh tử vì “trí” chưa chuyển hóa hoàn toàn “sự” sanh tử.

Trong “đại dương pháp giới thanh tịnh”, sự trí hoàn toàn hòa hiệp một vị, vì một là Chân Như mà tất cả cũng là Chân Như.

Tất cả kinh nghiệm từ thô cho đến tế của tám thức đều là “đại dương pháp giới thanh tịnh”. Vô sanh pháp nhẫn là cái đại dương pháp giới ấy luôn luôn ở trước mắt trong khi thức, khi thiền định, khi ngủ và cả khi chết. Vô sanh pháp nhẫn là tất cả mọi kinh nghiệm thế gian đều được chuyển hóa thành đại dương pháp giới thanh tịnh, mà Duy thức gọi là “chuyển thức thành Trí”

X. K TNG TNG KT

         “Bấy giờ Thế Tôn nói tụng:

Tất cả pháp Chân Như

Hai chướng tướng thanh tịnh

Pháp trí sở duyên kia

Tự tại vô tận tướng.”

   Khi đã thấy tất cả thức là trí, thì tướng của hai chướng chuyển hóa thành trí, thành tánh thanh tịnh. Đây là thọ dụng hoà hiệp sự trí một vị, tất cả pháp trở thành Chân Như.

   Tất cả sự, "sở duyên kia", đều được bao gồm trong pháp trí, tất cả bóng là gương. Tất cả pháp là Chân Như, và Chân Như là "tự tại vô tận tướng". Tất cả sóng là đại dương, tự tại vô tận như đại dương, không trong ngoài, lên xuống, sanh diệt, dơ sạch, tăng giảm.

   “Pháp trí sở duyên kia, tự tại vô tận tướng”, đây là đại viên cảnh trí, tấm gương thanh tịnh trong đó tất cả bóng đều là gương, đều thanh tịnh. Đây là pháp thân của tất cả chư Phật.

Trí Chân Như trải khắp

Tu tập chứng viên mãn

   Đây chủ yếu nói về bình đẳng tánh trí, bình đẳng trải khắp. Bình đẳng trải khắp này là trí chân như. Chân như bình đẳng trải khắp đại viên cảnh trí không trung tâm, biên bờ.

   Tu tập chứng viên mãn để nói đến các Bồ tát mới vào Sơ địa của Pháp thân, mới lần đầu thấy pháp thân (con đường thấy, kiến đạo vị) cần bước thêm trên 'con đường tu tập' tiến đến chứng viên mãn. Khi viên mãn thì đây là Viên mãn Báo thân Phật.

An lập chúng sanh, hai

Các thứ quả vô tận

   Đây nói về diệu quan sát trí, nhờ đó Bồ tát khai thị ngộ nhập cho chúng sanh Phật pháp, ban cho chúng sanh con đường giải thoát, an vui. Diệu quan sát trí là giáo hóa, đưa chúng sanh vào Phật đạo.

   “An lập chúng sanh, hai” là an lập chúng sanh vào hai trí, đại viên cảnh và bình đẳng tánh. Vào được hai trí này, diệu quan sát trí sẽ sanh khởi. Hai trí này là nền tảng của con đường Phật giáo, cho nên mọi khai thị của Bồ tát là chỉ cho thấy hai trí, cũng tức là an lập chúng sanh vào Pháp thân của tất cả chư Phật.

   Chính trong pháp thân đại viên cảnh trí và báo thân bình đẳng tánh trí này mà có “các thứ quả vô tận”.

“An lập chúng sanh, hai” cũng có thể hiểu là an lập chúng sanh vào hai tích tập, tích tập trí huệ và tích tập công đức. Hai tích tập này là con đường thành Phật, bởi vì Phật có danh hiệu là Lưỡng Túc Tôn, bậc có hai tích tập đầy đủ.

Thân ngữ, và tâm hóa

Nghiệp phương tiện thiện xảo

   Thân, ngữ và tâm ứng hóa ra từ đại viên cảnh trí và bình đẳng tánh trí (tức pháp thân và báo thân) là hóa thân thành sở tác trí. Nói cách khác, từ tánh Không và ánh sáng bình đẳng của pháp thân và báo thân biến hóa ra hóa thân để giáo hóa, cứu độ chúng sanh như hóa, như huyễn là thành sở tác trí.

   Hóa thân là nghiệp phương tiện thiện xảo, là thân ngữ tâm như huyễn hóa để làm nghiệp huyễn hóa ích lợi cho chúng sanh huyễn hóa.

Định và môn tổng trì

Hai vô biên thành tựu.

   Bốn trí gồm tất cả Phật pháp, tất cả định (samadhi) và tổng trì (dharani) và hai sự thành tựu là tích tập công đức vô biên và tích tập trí huệ vô biên. Bốn trí có tất cả những yếu tố của Phật quả : bốn vô sở uý, mười lực, mười tám pháp bất cộng, đại từ đại bi. Thế nên tu hành cho đến thành Phật là tu hành bốn trí.

Tự tánh pháp thọ dụng

Biến hóa sai biệt chuyển

   Tự tánh là bản tánh tự nó như vậy từ vô thuỷ đến vô chung. Đứng về thân mà nói, tự tánh pháp là tự tánh thân (svabhavikakaya), bao gồm và hợp nhất bốn trí và ba thân. Đức Phật là vị hoàn toàn thọ dụng tự tánh thân này.

   Tự tánh pháp hay tự tánh thân là pháp giới thanh tịnh, làm nền tảng thanh tịnh cho bốn trí và ba thân. Từ nền tảng pháp giới thanh tịnh này mà có đại viên cảnh trí, bình đẳng tánh trí, diệu quan sát trí và thành sở tác trí với trí huệ và công đức vô biên khiến cho sự tự lợi, lợi tha hoàn thành viên mãn. Biến hóa sai biệt chuyển là sự thị hiện, ứng hóa thành muôn ngàn sai khác làm lợi lạc cho ba cõi.

Tịnh pháp giới như vậy

Là chỗ chư Phật nói.

   Kinh Phật địa này nói rõ pháp giới thanh tịnh của chư Phật, trên đó an lập bốn trí từ đại viên cảnh đến thành sở tác, và những con đường thực hành từ Sơ địa đến Bát địa đến Vô thượng giác ngộ của chư Phật. Đó là con đường đi trong pháp thân để đến "Pháp thân của tất cả chư Phật". Pháp thân thì có đủ Báo thân và các Hóa thân. Đây là con đường Bồ tát để thành Phật.

   "Bấy giờ Thế Tôn nói kinh này xong, đại Bồ tát Diệu Sanh cùng các đại Bồ tát, các đại Thanh Văn, trời, người, a tu la...trong thế gian, tất cả đại chúng nghe lời chỉ dạy của Phật, đều rất hoan hỷ, tin nhận phụng hành".

Hoan hỷ bởi vì đã hiểu ít phần về bốn trí. Hoan hỷ thì tin nhận, nhưng cả hai điều này phần nhiều còn nằm trong thức chưa hoàn toàn chuyển hóa thành trí. Phải phụng hành là vâng làm, thực hành theo “không hở sót” thì mới có những kinh nghiệm và rồi những chứng ngộ trên con đường Bồ tát gồm đủ ba thân, Pháp thân, Báo thân, Hóa thân.         

 


Những đề mục của các chương do người dịch và giảng đặt ra, không có trong bản kinh của ngài Huyền Trang.[1]

 

 

Bài viết liên quan