PHẬT TÁNH - GAMPOPA - TRÀNG NGỌC GIẢI THOÁT

PHẬT TÁNH

GAMPOPA

Trích: Tràng Ngọc Giải Thoát; Khenpo Konchog Gyaltsen Rinpoche dịch; NXB Thiện Tri Thức.

---o0o---

Chúng ta cần đạt giác ngộ vô thượng bằng cách giải thoát chúng ta khỏi trạng thái mê lầm của sanh tử. Nhưng liệu những người thấp kém như chúng ta có thể thành tựu giác ngộ dù có cố gắng? Tại sao chúng ta sẽ không thể đạt đến giác ngộ nếu chúng ta cố gắng! Tất cả mọi chúng sanh, gồm cả chúng ta, đã có sẵn nguyên nhân nguyên thủy cho giác ngộ, đó là Như Lai tạng.
PHẬT TÁNH - GAMPOPA - TRÀNG NGỌC GIẢI THOÁT

Chúng ta cần đạt giác ngộ vô thượng bằng cách giải thoát chúng ta khỏi trạng thái mê lầm của sanh tử. Nhưng liệu những người thấp kém như chúng ta có thể thành tựu giác ngộ dù có cố gắng? Tại sao chúng ta sẽ không thể đạt đến giác ngộ nếu chúng ta cố gắng! Tất cả mọi chúng sanh, gồm cả chúng ta, đã có sẵn nguyên nhân nguyên thủy cho giác ngộ, đó là Như Lai tạng. Như có nói trong Kinh Vua của Đại Định:

Như Lai tạng thấm nhuần tất cả mọi chúng sanh lưu lạc. 

Kinh Tiểu Bát Niết Bàn nói

Tất cả mọi chúng sanh có Như Lai tạng.

Kinh Đại Bát Niết Bàn cũng nói:

Chẳng hạn, bơ thấm trong sữa, cũng thế Như Lai tạng thấm nhuần khắp mọi chúng sanh.

Và trong Kinh Trang Nghiêm Đại Thừa:

Dù tánh Như không khác đối với mọi chúng sanh nào, 

Người ta được gọi là Như Lai khi nó được hoàn toàn thanh tịnh.

Thế nên, tất cả mọi chúng sanh đều là tánh Như.

Bằng lý luận nào có thể chỉ ra rằng chúng sanh đều có Phật tánh? Bởi vì tất cả chúng sanh đều thấm nhuần bởi tánh Không của Pháp thân, bởi vì không có sự khác biệt nào trong bản tánh của Chân Như, và bởi vì mọi chúng sanh đều cùng một “gia đình”. Do ba lý do này, mọi chúng sanh đều có Phật tánh. Tantra Vô Thượng nói:

Bởi vì thân Phật toàn giác tỏa khắp,

Bởi vì không có phân biệt nào trong Chân Như, và

Bởi vì tất cả đều trong một “gia đình”,

Tất cả chúng sanh luôn luôn là Như Lai tạng.

Giải thích lý do thứ nhất “tất cả chúng sanh đều thấm nhuần bởi tánh Không của Pháp thân” nghĩa là Phật quả tối hậu là Pháp thân, Pháp thân là tánh Không trùm thấm khắp, và tánh Không trùm thấm khắp mọi chúng sanh. Thế nên tất cả chúng sanh là Phật tánh.

Nói “không có phân biệt nào trong tánh Chân Như” nghĩa là Chân Như của Phật đồng nhất với Chân Như của chúng sanh. Không có cái nào tốt hơn hay xấu hơn, không có gì lớn hơn hay nhỏ hơn, không có gì cao hơn hay thấp hơn. Thế nên tất cả chúng sanh đều là Phật tánh.

“Tất cả chúng sanh đều trong một gia đình” nghĩa là tất cả chúng sanh đều có thể được sắp vào trong năm gia đình Phật. Đó là:

Gia đình không nối kết, gia đình bất định,

Gia đình Thanh Văn, gia đình Độc Giác, và

Gia đình Đại Thừa

Đây là năm gia đình của Phật.

I. Gia đình không nối kết.

Thứ nhất, “gia đình không nối kết” ám chỉ những người có sáu tính chất như không quan tâm điều gì những người khác nghĩ, không khiêm hạ, không lòng bi... Acharya Asanga (Vô Trước) vĩ đại đã nói:

Dù nếu họ thấy khổ đau và những lỗi lầm của vòng sanh tử lẩn quẩn, họ không xúc động.

Dù khi họ nghe mọi phẩm tính vĩ đại của Phật, họ không có lòng tin.

Họ không khiêm hạ, không nghĩ đến điều những điều người khác nghĩ, không có chút lòng bi, và

Không có một chút tiếc nuối khi họ tái phạm những hành động bất thiện.

Những người lưu giữ sáu thuộc tính này không có cơ may làm việc hướng đến giác ngộ.

Điều này cũng được giải thích trong Kinh Trang Nghiêm Đại Thừa:

Có một số người chỉ phạm những hành động bất thiện 

Có một số người nhất mực hủy hoại những phẩm tính tốt Có một số người thiếu đức hạnh dẫn đến giải thoát

Thế nên, những người không có đức hạnh thì không có nguyên nhân của giác ngộ.

Nói chung, những người có những thuộc tính này thuộc về gia đình không nối kết. Họ sẽ lang thang trong sanh tử một thời gian lâu dài, nhưng như vậy không có nghĩa là họ không bao giờ thành tựu giác ngộ. Nếu họ cố gắng, cuối cùng họ sẽ giác ngộ. Đức Phật nói trong kinh Hoa Sen Trắng của Đại Bi:

A Nan! Nếu một chúng sanh không có một cơ may thành tựu giác ngộ thì sẽ quán tưởng Phật trong không gian và dâng cúng một đóa hoa cho hình ảnh ấy, kết quả sẽ đem chúng sanh ấy đến Niết bàn. Cuối cùng người ấy sẽ thành tựu giác ngộ, thế nên, Niết bàn có thể đạt được đối với người ấy.

II. Gia đình bất định.

Bản chất gia đình bất định dựa vào những điều kiện hỗ trợ. Nếu họ thân cận với một vị thầy Thanh Văn, hội họp với những người bạn Thanh Văn, hay nghiên cứu những bản văn Thanh Văn khác nhau, bây giờ những người ấy sẽ thức tỉnh trong gia đình Thanh Văn.

Họ sẽ nghiên cứu và theo con đường này và trở thành thành viên của gia đình Thanh Văn. Cũng thế, nếu những người ấy gặp một vị thầy Độc Giác hoặc một vị thầy Đại thừa, bấy giờ họ sẽ trở thành thành viên của gia đình Độc Giác hoặc gia đình Đại thừa.

III. Gia đình Thanh Văn.

Gia đình Thanh Văn gồm những người sợ sanh tử luân hồi và khát khao đạt đến Niết bàn, nhưng những vị này có ít lòng bi. Có nói rằng:

Người sợ phải thấy đau khổ của sanh tử

Và mong cầu đạt đến Niết bàn

Nhưng ít quan tâm làm lợi lạc cho chúng sanh

Đó là dấu hiệu của gia đình Thanh Văn.

IV. Gia đình Độc Giác.

Gia đình Độc Giác gồm những người có ba thuộc tính trên và thêm sự kiêu ngạo giữ bí mật những bản sắc của những vị thầy của họ, và ưa thích ở trong những nơi chốn cô tịch. Có nói rằng:

Sợ nghĩ về sanh tử, khát khao về Niết bàn,

Ít lòng bi, kiêu ngạo

Bí mật về những vị thầy của mình, và ưa thích cô tịch

Một người thông minh hiểu rằng đó là những dấu hiệu của những gia đình Độc Giác.

Thế nên hai gia đình Thanh Văn và Độc Giác dấn thân vào thừa của họ và dù họ hoàn thành những kết quả của những thực hành của họ, những kết quả ấy không phải là Niết bàn rốt ráo.

Họ an trụ như thế nào khi họ hoàn thành những kết quả của họ? Họ duy trì những trạng thái không phiền não của định, nhưng những trạng thái này đặt nền trên dấu in tâm linh vi tế nhất của vô minh. Bởi vì những đại định ấy không có phiền não, họ tin rằng họ đã hoàn thành Niết bàn và ở yên như vậy.

Nếu những trạng thái của họ không phải là Niết bàn rốt ráo, người ta có thể nói rằng Phật không nên dạy hai con đường ấy, Có một lý do nào không khi Phật dạy những con đường như vậy? Có. Chẳng hạn như có những nhà buôn lớn từ cõi Diêm Phù Đề này vượt đại dương tìm ngọc báu. Sau nhiều tháng trên biển, họ hoàn toàn mệt mỏi và kiệt sức, nghĩ rằng, “Không có cách gì được ngọc lúc này.” Họ nản chí và chuẩn bị trở lui, trưởng đoàn nhà buôn hóa hiện ra một hòn đảo lớn và để những người đi theo nghỉ ngơi ở đó. Sau vào ngày khi họ đã nghỉ ngơi khỏe khoắn, vị thuyền trưởng nói, “Chúng ta chưa hoàn thành mục tiêu của mình. Bây giờ chúng ta cần đi xa hơn để lấy ngọc”.

Tương tự, chúng sanh không có can đảm thì sợ hãi khi nghe về trí huệ Phật. Họ tin rằng đạt đến quả Phật là một việc vô cùng khó khăn vĩ đại, và nghĩ, “Tôi không có khả năng làm việc này”. Có những người khác không thích thú đi vào con đường, hay có người đi vào con đường nhưng quay lui. Đối trị với những vấn đề này, Phật giới thiệu hai con đường này, và cho phép họ nghỉ ngơi trong những trạng thái ấy. Như Kinh Hoa Sen Trắng của Pháp Cao Cả nói:

Cũng thế những vị Thanh Văn

Nghĩ rằng họ thành tựu Niết bàn,

Nhưng họ chưa hoàn thành Niết bàn tối hậu

Đã được Phật khai thị. Họ chỉ nghỉ yên.

Khi những vị Thanh Văn và Độc Giác đã ở yên trong những trạng thái ấy, Phật hiểu và khuyến khích họ đạt đến Phật quả. Phật khuyến khích họ như thế nào? Ngài đánh thức họ bằng thân, ngữ và tâm trí huệ của Ngài.

Bằng “tâm trí huệ” là ánh sáng tỏa ra qua trí huệ của Phật và chạm đến thân ‘tâm thức’ của các vị Thanh Văn và Độc Giác. Khi ánh sáng chạm đến, họ ra khỏi những đại định không có phiền não. Bấy giờ Phật xuất hiện bằng sắc thân trước mặt họ. Với ngữ, Ngài nói:

Hỡi các vị tăng! Các vị chưa hoàn tất sự nghiệp, các vị chưa hoàn tất mọi điều mà các vị được đề nghị làm. Kinh nghiệm Niết bàn của các vị không phải là Niết bàn tối hậu. Bây giờ các vị tăng phải làm việc cho giác ngộ. Các vị cần đạt đến sự thành tựu của một vị Phật.

Bài kệ trong Kinh Hoa Sen Trắng của Pháp Cao Cả: 

Các vị, những nhà sư, hôm nay ta tuyên bố

Các vị chưa hoàn thành Niết bàn tối hậu

Để hoàn thành trí huệ bốn nguyên của bậc Toàn Giác, 

Các vị phải kiên nhẫn lớn lao

Nhờ đó, các vị sẽ thành tựu trí huệ của bậc Toàn Giác.

Được Phật thúc đẩy như vậy, những Thanh Văn và Độc Giác trau dồi Bồ Đề tâm. Họ thực hành con đường Bồ tát trong nhiều kiếp vô biên và cuối cùng thành tựu giác ngộ. Kinh Đi đến Lanka thuật lại điều giống như vậy. Kinh Hoa Sen Trắng của Pháp Cao Cả cũng nói:

Những vị Thanh Văn này chưa hoàn thành Niết bàn

Bằng cách triệt để thực hành con đường Bồ tát,

Họ sẽ thành tựu Phật quả.

V. Gia đình Đại thừa.

Loại gia đình nào là Đại thừa? Tóm tắt: 

Phân loại, định nghĩa, những đồng nghĩa,

Lý do nó cao hơn những gia đình khác,

Những đặc tính nguyên nhân, và những dấu hiệu 

Sáu cái này bao gồm gia đình Đại thừa.

A. Phân loại.

Gia đình này có hai loại: gia đình bản tánh tự nhiên và gia đình có thể thực hành một cách hoàn hảo.

B. Định nghĩa.

Gia đình bản tánh tự nhiên là từ vô thủy đã có tiềm năng phát triển mọi phẩm tính Phật thông qua tánh Như. Gia đình có thể thực hành một cách hoàn hảo có tiềm năng hoàn thành mọi phẩm tính Phật thông qua năng lực tự làm quen thuộc trong thiện căn. Như thế, cả hai đều có cơ may thành tựu giác ngộ.

C. Những đồng nghĩa.

Những đồng nghĩa với từ “gia đình” là tiềm năng, hạt giống, khối và bản tính.

D. Tính chất cao hơn.

Những gia đình Thanh Văn và Độc Giác là thấp hơn bởi vì họ chỉ tịnh hóa xong phiền não chướng. Đại thừa thì cao hơn và nó tịnh hóa hoàn toàn cả hai chướng phiền não chướng và sở tri chướng, những che ám vi tế đối với giác ngộ. Thế nên gia đình Đại thừa cao hơn và vô thượng.

E. Những đặc tính nguyên nhân.

Những đặc tính nguyên nhân là gia đình “thức tỉnh” và gia đình “chưa thức tỉnh”. Gia đình thức tỉnh đã thành tựu quả một cách hoàn hảo, và những dấu hiệu thì rất rõ ràng. Gia đình chưa thức tỉnh chưa thành tựu trọn vẹn quả, và dấu hiệu thì không rõ ràng. Cái gì làm cho gia đình này thức tỉnh? Gia đình này có thể thức tỉnh nhờ thoát khỏi những nguyên nhân hỗ trợ bất lợi và nhờ sự nâng đỡ của những điều kiện thuận lợi. Nếu trái lại, họ không thể thức tỉnh.

Có bốn điều kiện bất lợi: Sinh ra trong những hoàn cảnh bất lợi, không có khuynh hướng đến giác ngộ, đi vào những điều kiện sai lầm,và bị những che ám nặng nề. Có hai điều kiện thuận lợi: điều kiện bên ngoài là có một vị thầy, và điều kiện bên trong là một tâm thức với mong muốn Pháp quý báu và vân vân. 

F. Những dấu hiệu.

Những dấu hiệu của gia đình này biểu lộ tính chất Bồ tát. Kinh Mười Địa Cao Cả nói:

Gia đình những Bồ tát thông tuệ

Có thể được nhận biết bởi những dấu hiệu của nó

Như lửa được biết bởi khói

Và nước được biết bởi những con chim nước.

Trong trường hợp này, có loại dấu hiệu nào? Thân và ngữ họ dịu dàng tự nhiên không nhờ vào thuốc thang. Tâm họ ít dối trá và có lòng từ và sự trong sáng đối với chúng sanh. Kinh Mười Địa Cao Cả nói:

Không khắc nghiệt hay kiêu căng,

Không dối trá hay xảo quyệt

Có một thái độ từ bi và trong sáng đối với tất cả chúng sanh Đây là một Bồ tát.

Nói cách khác, trong bất cứ hành động chuẩn bị nào, một Bồ tát luôn luôn trao dồi lòng bi với tất cả chúng sanh, có một khuynh hướng lớn lao đối với những giáo lý Đại thừa, không ngần ngại chịu đựng những khó nhọc và thể hiện một cách hoàn hảo thiện căn của những ba la mật (những hoàn thiện). Như thế, Kinh Trang Nghiêm Đại thừa nói:

Phát triển lòng bi ở giai đoạn chuẩn bị,

Tận tụy muốn hiểu biết, kiên nhẫn,

Hoàn thành những đức hạnh

Đó là những dấu hiệu của gia đình Đại thừa.

Như thế, trong năm gia đình này, những người trong một gia đình Đại thừa là rất gần với nguyên nhân của giác ngộ. Những gia đình Thanh Văn và Độc Giác rồi cuối cùng cũng sẽ đạt đến Phật quả, nhưng xa với nguyên nhân hơn và sẽ mất nhiều thời gian. Gia đình không nối kết thì lang thang trong sanh tử trong một thời gian dài, nhưng điều này không có nghĩa họ tuyệt đối sẽ không đạt đến Phật quả. Họ có thể đạt đến Phật quả, nhưng trong thời gian rất lâu dài. Thế nên, bởi vì tất cả chúng sanh thuộc về một trong những gia đình này, nên tất cả chúng sanh đều có và thuộc về Phật tánh.

Như vậy do ba lý do trên, tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Hơn nữa, hãy xem những thí dụ bạc trong quặng, dầu trong hạt mè và bơ trong sữa. Từ quặng bạc chúng ta có thể sản xuất ra bạc, từ hạt mè chúng ta có thể sản xuất ra dầu, và từ sữa chúng ta có thể sản xuất ra bơ. Cũng thế, chúng sanh có thể thành Phật.

---o0o---

Ảnh: Nguồn Internet

Bài viết liên quan