QUYẾT ĐỊNH VỊ TRÍ CỦA MÌNH - TUỔI 30 HOÀI BÃO – KEN HONDA

 

QUYẾT ĐỊNH VỊ TRÍ CỦA MÌNH

TUỔI 30 HOÀI BÃO – KEN HONDA

–––––o0o–––––

Nếu như những năm tháng rực rỡ nhất của tuổi 20 là khoảng thời gian quý giá để ta tìm kiếm chỗ đứng cho mình thì đến năm 30 tuổi ta sẽ quyết định “vị trí” đó. Rất nhiều người bắt đầu khẳng định bản thân bằng cách tìm cho ra “chỗ đứng” của mình. Chỗ đứng của ta, nếu nói theo công việc thì đó chính là lĩnh vực chuyên môn. Đó cũng có thể là vị trí trong gia đình...
QUYẾT ĐỊNH VỊ TRÍ CỦA MÌNH - TUỔI 30 HOÀI BÃO – KEN HONDA

Ta Đang Làm Gì? Trong Lĩnh Vực Nào?

Nếu như những năm tháng rực rỡ nhất của tuổi 20 là khoảng thời gian quý giá để ta tìm kiếm chỗ đứng cho mình thì đến năm 30 tuổi ta sẽ quyết định “vị trí” đó.

Rất nhiều người bắt đầu khẳng định bản thân bằng cách tìm cho ra “chỗ đứng” của mình. Chỗ đứng của ta, nếu nói theo công việc thì đó chính là lĩnh vực chuyên môn. Đó cũng có thể là vị trí trong gia đình hay trong cộng đồng, xã hội.

Có thể nói, sự an tâm và cảm giác hạnh phúc khi thuộc về một nơi nào đó rất quan trọng, chính vì thế người ta luôn vất vả tìm kiếm “vị trí” của chính mình. Tuy nhiên. Những người có phần “vụng về” sẽ dễ dàng tìm thấy “chỗ đứng” hay “vị trí” của mình hơn. Vì sao vậy? Là bởi những người khôn ngoan, “khéo léo” dù làm việc gì cũng biết cách không cần hao tốn quá nhiều sức lực cho nên họ sẽ có bị ràng buộc bởi một nơi hay một thứ nhất định. Điều này sẽ dẫn đến việc họ sẽ có xu hướng bị dao động và bị xung quanh đánh giá là “không có lập trường vững vàng”.

Ví dụ như một anh chàng được vây quanh bởi nhiều cô gái tuyệt vời, trong đó có một người con gái dịu dàng, một cô gái có khí chất mạnh mẽ và một cô nàng có vóc dáng nóng bỏng như người mẫu. Vì thấy cô nào cũng tuyệt vời nên anh chàng ấy cứ lần lữa, phân vân, không gắn bó với ai cả nên cuối cùng chẳng còn ai ở lại cho anh ta lựa chọn. Tình cảnh ấy giống như khi ta chơi trò giành ghế ngồi, vì mải mê với điệu nhạc mà lúc nhạc đã ngừng chơi, ta vẫn không ngồi vào được cái ghế nào cả.

Bản thân ta muốn làm gì? Muốn làm về xây dựng hay là kinh doanh buôn bán? Làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin hay là lĩnh vực giáo dục? Muốn trở thành chính trị gia hay một nghệ sĩ? Nếu trước đó đó ta vẫn còn suy tư và bắt đầu hành động theo suy nghĩ đó thì đến độ tuổi 30, ta dần dần sẽ định hình được công việc mà ta cho là “Mình có thể sống bằng công việc này”.

Nếu bạn tìm ra thứ mà bạn cảm thấy có thể “rút hết xương tủy” cho nó thì bạn quả thật may mắn! Ngược lại nếu trong độ tuổi 30 mà bạn vẫn chưa có được cảm giác đó thì chẳng khác nào như cây cỏ không gốc rễ, và có nguy cơ là đến năm 40 tuổi bạn vẫn sẽ không thể gây dựng được thứ gì đáng kể. Vì thế trong độ tuổi 30 này, chúng ta cần quyết định thật rõ ràng phương hướng cho đời mình: “Mình sẽ sống và hoạt động ở lĩnh vực này!”. Tiếp đó ta cần nghĩ về việc mình sẽ gánh vác vai trò như thế nào trong lĩnh vực đó. Bạn phải nhìn cho rõ: Rốt cuộc mình muốn làm gì?

Cho tới lúc có thể quyết định, ta hãy cố gắng tập trung phát triển bản thân ở những lĩnh vực và công việc mà ta có cơ hội tham gia. Đó cũng là một cách để khám phá bản thân ở lứa tuổi 30 cuộc khám phá ở tuổi 30. Cuộc khám phá ở tuổi 30 này khác cuộc phiêu lưu đầy sôi động thời ta mới đôi mươi. Xét theo mặt nào đó đây là một hành trình mang ý nghĩa tinh thần và hướng vào nội tâm ta nhiều hơn. Việc hiểu rõ sự khác nhau giữa hai lứa tuổi là yếu tố quan trọng để ta xác định được đúng “chỗ đứng” của mình.

Xác Định Hướng Đi Của Cuộc Đời Mình

Nếu chưa xác định rõ chỗ đứng của mình thì ta không thể nào bắt đầu tích lũy thành quả!

Ví dụ như nếu tôi không xác định mình sẽ sống bằng nghề viết sách thì có khi tôi sẽ viện cớ: “ Mình quả là có muốn viết văn, nhưng mà…” rồi nhảy sang đi làm kinh doanh rồi cũng nên. Tương tự, nếu ta chọn làm công việc văn phòng trong khi thực sự lại muốn làm nghiên cứu thì ta không thể tích lũy được công trình xứng đáng với tư cách là một nhà nghiên cứu.

Một khi ta quyết định được công việc bản thân thực sự muốn làm thì một thế giới mới, tương ứng với lĩnh vực mới đó, bắt đầu mở ra trước mắt ta.

Ở tuổi 20, có thể ta vẫn chưa thể quyết định được chỗ đứng của mình cũng như chưa tìm ra được công việc thật sự phù hợp với bản thân. Tuy nhiên, khi đã bước sang độ tuổi 30, đừng chần chừ nữa mà hãy chọn lấy một việc một lĩnh vực mà ta nghĩ là mình làm tốt nhất hay ít nhất là mình phù hợp với nó và bắt tay vào làm ngay. Người ta nói, món quà lớn nhất mà tuổi trẻ nhận được chính là cơ hội nhận ra sai lầm và sửa chữa những sai lầm đó. Chính vì vậy, khi chọn bất kỳ một lĩnh vực nào mà bạn nghĩ “Phải chăng nó sẽ hợp với mình” thì cũng chẳng sao cả. Vì trong lúc làm thử nếu thấy sai lầm, ta có thể chọn đi hướng khác. Bạn nên thử bắt đầu với tâm thế như vậy! Vì nếu không làm thế thì ta sẽ mãi chẳng quyết định được, và trong khi người khác đang tích lũy thành quả qua từng ngày thì “phép cộng thâm niên” của bạn sẽ không bao giờ thực hiện được.

“Phép cộng thanh niên” là kiến thức, kinh nghiệm, tài năng, các mối quan hệ của một người được tích lũy theo thời gian. Và đương nhiên, nếu ta ở trong một lĩnh vực càng lâu thì càng có lợi thế. Tuy có hạn chế là bị mất cách nhìn nhận vấn đề theo phương pháp mới mẻ, song bù lại sẽ có kinh nghiệm dày dặn nên có thể hạn chế đến mức tối đa những sai sót, đảm bảo hiệu quả công việc ở mức an toàn.

Trong Lĩnh Vực Chuyên Môn Cũng Có 2 Dạng: Dạng Mục Tiêu Và Dạng Khai Phát

Khi viết quyển “Làm thế nào để những người bình thường trở thành triệu phú” (Nhà xuất bản Kodansha), tôi đã phỏng vấn nhiều triệu phú của Nhật Bản. Qua đó tôi đã nhận ra có 2 dạng để thành công, đó là: “Dạng hoàn thành mục tiêu” và “Dạng khai phát”.

“Dạng hoàn thành mục tiêu” thì đúng như tên gọi của nó dùng để chỉ những người biết đặt ra mục tiêu phấn đấu và thành công. “Dạng khai phát” gồm những người không tốn nhiều thời gian vào ngẫm nghĩ mà tập trung nỗ lực thực hiện những việc trước mắt sau đó nắm bắt được thời cơ và thế là thành công.

Thiết nghĩ ta có thể xác định lĩnh vực chuyên môn cho mình theo hai dạng: “Dạng hoàn thành mục tiêu” và “Dạng khai phát”. Kiểu người nếu có thể quyết định, xác lập mục tiêu cho lĩnh vực chuyên môn của mình từ lứa tuổi 20 thì gần như chắc chắn sẽ đi chọn con đường tiếp theo bằng chính lựa chọn của mình. Đã có rất nhiều người trở thành số 1 trên thế giới trong lĩnh vực của mình. Kiểu người dạng “khai phát” thì thường ban đầu bản thân họ không tự chủ động mà có thể do mệnh lệnh của cấp trên hay bị thúc ép từ gia đình, hoàn cảnh mà phải thay đổi chuyên môn. Rồi thình lình họ nhận ra, trong lĩnh vực ngẫu nhiên lựa chọn ấy, họ đã gặt hái thành quả tốt hơn mình nghĩ và thế là họ trở thành chuyên gia trong lĩnh vực đó.

Vấn đề ở đây không phải là dạng nào sẽ tốt hơn mà chỉ là có rất nhiều cách làm, cách nghĩ và cách cảm nhận khác nhau. Và việc của bạn đó chính là tìm ra cách thức phù hợp nhất với bản thân mình. Bằng cách đó, bạn hãy tạo nên vị trí xứng đáng cho mình nhé!

–––––o0o–––––

Trích “Sống Không Hối Tiếc - Tuổi 30 Hoài Bão”

Tác Giả: Ken Honda

Người Dịch: Nguyễn Thanh Tâm.

NXB Saigonbooks - NXB Văn Hóa Nghệ Thuật.

 

Bài viết liên quan