TỪ BIỆT MẸ CHA - KEN HONDA – SỐNG KHÔNG HỐI TIẾC

Trong hành trình tìm kiếm bản thân mình, vì qua bận rộn với những vấn đề cá nhân mà thông thường chúng ta không mấy lưu tâm đến cha mẹ. Cho dù có lúc ta chú ý đến thì chắc cũng chỉ là khi họ bị bệnh hay khi bị họ xét hỏi, hối thúc: “Này, lo cưới nhanh chút đi chứ!”, “Chuyện con cái tính như thế nào rồi?”,…
TỪ BIỆT MẸ CHA - KEN HONDA – SỐNG KHÔNG HỐI TIẾC

TỪ BIỆT MẸ CHA

KEN HONDA – SỐNG KHÔNG HỐI TIẾC

---oOo---

Học cách trở thành bạn bè của cha mẹ

Trong hành trình tìm kiếm bản thân mình, vì qua bận rộn với những vấn đề cá nhân mà thông thường chúng ta không mấy lưu tâm đến cha mẹ. Cho dù có lúc ta chú ý đến thì chắc cũng chỉ là khi họ bị bệnh hay khi bị họ xét hỏi, hối thúc: “Này, lo cưới nhanh chút đi chứ!”, “Chuyện con cái tính như thế nào rồi?”,…

Ở tuổi 20 có rất nhiều bạn cảm thấy bối rối, không biết phải giao tiếp với cha mẹ mình theo cách nào cho phải, thậm chí có người còn trở nên xa cách với cha mẹ vì cái “tôi” quá lớn. Nhưng khi bước sang độ tuổi 30 thì sẽ khác, lúc này chúng ta sẽ có khả năng duy trì được khoảng cách tương đối, vừa phải về mặt tình cảm với hai đấng sinh thành. Nhất là những ai có con rồi sẽ càng thấu hiểu được nỗi lòng của cha mẹ, hiểu rằng: “Thì ra việc có con tuyệt vời đến thế.” Như một sứ mệnh thiêng liêng, bậc làm cha mẹ nào cũng mang sẵn một tình yêu thương dạt dào đối với con cái, chỉ có điều khi còn bé, ta không thể cảm nhận hết tình yêu đó. Mãi đến lúc đứng trên địa vị giống của cha mẹ, lúc đã thành mẹ thành cha, lần đầu tiên ta mới nhận ra được: “Hóa ra mình cũng đã được yêu thương nhiều xiết bao!”.

Khi nhận ra việc làm cha mẹ vĩ đại đến nhường nào thì cũng là lúc ta dần thấy thông cảm với cha mẹ mình và nghĩ rằng: “Dù còn khuyết điểm nhưng thật sự cha mẹ đã cố gắng hết sức”. Ngay cả những ai chưa có con thì khi đạt đến độ tuổi của cha mẹ khi sinh ra mình cũng sẽ nhận ra được những điểm chưa trưởng thành, chín chắn trong bản thân họ. Đó cũng là lúc họ bắt đầu thấu hiểu, cảm thông và cảm thấy gần gũi hơn với đấng sinh thành. Chính thời điểm đó, một mối quan hệ bình đẳng giữa cha mẹ và con cái mới được hình thành. Từ đó, chúng ta có thể trở thành người bạn tri âm, đồng điệu với cha mẹ mình. Trong khi mẹ cha còn khỏe mạnh, hãy tranh thủ hỏi người về lúc ta được sinh ra, về những thay đổi trong gia đình khi ấy, chắc chắn bạn sẽ có thể nhìn rõ thêm một khía cạnh mới mẽ và khác biệt của cha mẹ mình đấy!

Chuẩn bị để nói lời từ giã với cha mẹ.

Trừ trường hợp cha mẹ trường thọ hoặc nhiều người đã sớm bị mồ côi cha/mẹ từ ngay khi bước vào độ tuổi 30 thì trong độ tuổi này, rất nhiều trường hợp bị mất cha/mẹ vì nguyên nhân bệnh tật hay tai nạn. Ở các trường hợp như vậy thường cha/mẹ đột ngột khuất bóng mà không kịp từ giã con cái. Tôi được rất nhiều người mất cha hoặc mẹ do bệnh hiểm nghèo hay tai nạn kể lại rằng họ ân hận biết bao khi không thể nói lời từ giã với mẹ cha một cách chu đáo. Nếu lo sợ điều này, khi bước sang tuổi 30, trong lúc cả cha mẹ hãy còn đang khỏe mạnh, ta hãy chuẩn bị cho giây phút “từ biệt sinh ly” một cách thật nhân văn.

Đó không nhất thiết phải là một cuộc từ biệt thấm đẫm nước mắt mà ngay từ những phút giây thường ngày, bạn hãy thể hiện cho mẹ cha biết được rằng bạn yêu kính và biết ơn họ đến nhường nào! Nếu hằng ngày ta đều có thể bộc lộ lòng tri ân đến bậc sinh thành thì kể cả khi có bất trắc xảy đến, sẽ không có nhiều điều khiến ta ân hận. Tất nhiên, không thể nào có chuyện nỗi đau được xoa dịu một cách nhanh chóng nhưng việc biểu lộ tình cảm yêu thương, lòng biết ơn của mình cho cha mẹ một cách thường xuyên sẽ đem đến cho ta sự bình an, yên ổn trong tâm hồn.

Người nào có được quan hệ tốt đẹp với mẹ cha sẽ luôn có nền tảng và  bản lĩnh vững vàng, một đời sống tâm tinh thần ổn định, yên bình. Còn nếu không thể kết nối trọn vẹn về mặt tinh thần với chính cha mẹ của mình, cuộc sống của người đó sẽ nhuốm màu buồn phiền, mệt mỏi. Thế nhưng dù có bất đồng với phụ huynh như thế nào đi nữa thì sâu thẳm trong tâm hồn ta vẫn không thể xa rời kí ức tuổi thơ, và ta vẫn sẽ mãi là một đứa trẻ không lớn khôn mỗi khi trở về bên cạnh mẹ cha. Việc chuẩn bị sẵn sàng để từ biệt cha mẹ ở lứa tuổi 30 sẽ giúp giải tỏa mối lo âu trong ta, để ta cảm thấy mình trưởng thành, hoàn chỉnh, “thành nhân” đúng nghĩa. Nếu tiến thêm một bước, tức là có thể thiết lập quan hệ bình đẳng như bạn bè tri kỉ với bậc phụ mẫu, bạn sẽ đạt được khả năng thể hiện bản sắc riêng của bản thân trong bất kì hoàn cảnh nào. Để làm được những điều đó, việc trước tiên ta cần làm là hòa giải với cha mẹ của mình nếu trong quá khứ đôi bên có bất đồng, gút mắc.

Thời gian còn được ở bên cha mẹ thực sự ngắn hơn ta tưởng

Nếu có thể kết nối với cha mẹ từ nơi sâu thẳm tâm hồn, chúng ta sẽ có thể cảm nhận được sự kì diệu của sợi dây sinh mệnh truyền qua nhiều thế hệ từ trong cơ thể mình. Trường hợp ngược lại, nếu vẫn không thể hòa giải với cha mẹ. cảm giác muốn đối kháng, đấu tranh ngay với một phần trong bản thân ta sẽ không thể tiêu biến và kết quả là ta sẽ không thể yêu thương bản thân mình trọn vẹn. Chỉ khi nào ta có thể hết lòng yêu kính cha mẹ thì ta mới có thể yêu thương bản thân mình hoàn toàn và tuyệt đối.

Thời gian chúng ta ở bên cha mẹ tưởng là dài nhưng thực ra rất ngắn ngủi. Nhiều người vào khoảng tuổi 18 đã  bắt đầu cuộc sống độc lập, rời xa gia đình để đi làm hoặc lên đại học. Cứ cho rằng độ tuổi để một đứa trẻ có thể trò chuyện như một con người hoàn chỉnh về tư duy là tuổi lên 8 thì ta chỉ có khoảng 10 năm được “giao tiếp” thực sự với cha mẹ. Trong 10 năm đó thì nửa sau, gồm 5 năm từ 14 – 18 tuổi, chúng ta thường rơi vào trạng thái cáu kỉnh, thích phản kháng và hành động theo cách mà chính mình cũng không thể hiểu nổi, nên có lẽ khoảng thời gian này ta cũng không có nhiều sự giao tiếp hiệu quả với mẹ cha. Nếu tính kĩ ra thì thời gian thực sự ta cùng trải qua với cha mẹ chỉ là vài năm ngắn ngủi mà thôi.

Tôi nghĩ trong chúng ta có rất nhiều bạn từng trải qua thời niên thiếu vô tư, thậm chí là hơi vô tâm, đến lứa tuổi đôi mươi thì thi thoảng mới chạm mặt cha mẹ, cũng không có nhiều cuộc trò chuyện thực sự với phụ huynh. Nếu là như vậy thì rốt cuộc chúng ta có thể hiểu được cha mẹ mình bao nhiêu? Cứ thế, phần lớn chúng ta đã bước sang tuổi 30 mà vẫn không thể hiểu được những khía cạnh thực sự trong con người mẹ cha. Chúng ta bươn chải trong cuộc sống, cố làm quen với những con người xa lạ, cố hiểu những người dưng ngoài kia nhưng lại chưa bao giờ hiểu được trọn vẹn đấng sinh thành của mình. Điều đó không phải đáng tiếc lắm sao?

Hiểu về cha mẹ cũng là cách để hiểu rõ bản thân mình

Khi nghĩ về vấn đề: “Cha mẹ ta rốt cuộc là những người như thế nào?”, chúng ta có thể tìm thấy gợi ý cho câu hỏi: “Ta là ai?”.

Lý giải bản thân là một điều mà hiếm ai có thể làm được. Đặc biệt là ta khó có thể nhận ra khuyết điểm của chính mình. Tuy nhiên, nếu dành thời gian quan sát cha mẹ, ta có thể nhanh chóng nhận ra những điểm còn thiếu sót của bản thân bởi con cái thường “thừa hưởng” cả những điểm khiếm khuyết của cha mẹ. Dù có thể khi nghe người bạn đời nhận xét rằng: “Về điểm này thì đúng là em/anh rất giống bố/mẹ của em/anh đấy!” bạn sẽ tỏ ra không vừa ý, thậm chí là phản bác lại nhưng có lẽ từ sâu trong suy nghĩ thầm kín, bạn cũng giật mình đôi chút phải không?

Cha mẹ là nguồn cội của chúng ta. Điểm nào ta càng không thích ở cha mẹ mình thì tính cách đó càng được tô đậm ở ta. Rất nhiều mối bất hòa giữa cha mẹ và con cái cũng vì  nguyên nhân là quá giống nhau mà ra. Chính vì thế, nếu ta không nhìn thẳng vào “con người tiêu cực” của mình, chúng ta sẽ mải miết sống mà cứ như trốn chạy một điều gì đó! Hãy hòa giải với hai đấng sinh thành và kết nối với họ như những người tri âm tri kỉ, bạn sẽ thấy điều kỳ diệu xảy ra! Mỗi lần lập lại hay tạm chia xa, những cảm xúc rưng rưng, gắn bó với cha mẹ sẽ giúp cuộc đời của bạn thêm hoàn thiện và chan chứa tình yêu thương.

Làm sao để vấn đề của cha mẹ mình không kéo dài đến đời con cái?

“Ta sẽ trở thành một người như thế nào?” là câu hỏi được rất nhiều người thắc mắc ngay từ lúc còn thơ bé. Thậm chí cả khi lớn lên, câu hỏi ấy vẫn có thể chưa được giải đáp. Bạn có bao giờ nghĩ rằng cha/mẹ là hình mẫu lý tưởng của mình không? Nếu có thì xin chúc mừng bạn, bạn thuộc về số 10% ít ỏi những người lấy cha/mẹ ra làm hình mẫu đấy. Đúng vậy, thực tế khá đáng buồn khi hầu hết các bậc cha mẹ đều không thể trở thành người truyền cảm hứng cho chính con cái của mình về tương lai. Thêm vào đó, đứa con nào cũng hay đánh giá, nhìn nhận về cha mẹ mình một cách khắt khe và mang tính phê bình.

Song chúng ta cần phải có cái nhìn tỉnh táo và khách quan hơn về những điểm mình không thích ở cha mẹ. Nếu chúng ta không chịu giải tỏa những vấn đề khúc mắc với các đấng sinh thành thì khi chính ta trở thành người làm cha/mẹ, chắc chắn con cái ta sẽ tiếp tục phải “thừa hưởng” những vấn đề giống như vậy. Vì vậy, bạn hãy hòa giải với cha mẹ mình và xây dựng mối quan hệ thật tốt đẹp với con cái của mình nhé!

---oOo---

Trích “Sống Không Hối Tiếc”

Tác giả: Ken Honda

Người dịch: Nguyễn Thanh Tâm

NXB Văn Hóa – Nghệ Thuật, 2017

Ảnh: Nguồn internet

Bài viết liên quan