SUY NIỆM MỖI NGÀY - LEV TOLSTOY - SUY NIỆM MỖI NGÀY

SUY NIỆM MỖI NGÀY

LEV TOLSTOY - SUY NIỆM MỖI NGÀY

-----o0o-----

Nếu bạn mong đợi một phần thưởng cho tình yêu của mình, thì đó không phải là chuyện tình yêu chân thực. Cái phẩm chất cốt tủy của tình yêu là hiến tặng những phúc lành cho tất cả những ai ở xung quanh bạn – và không đòi hỏi cái gì đáp lại.
SUY NIỆM MỖI NGÀY - LEV TOLSTOY - SUY NIỆM MỖI NGÀY

Gần 100 năm sau khi nó được biên soạn, cuốn sách này – tác phẩm vĩ đại cuối cùng của Tolstoy, vẫn còn nguyên giá trị như khi nó được xuất bản lần đầu tiên. Chiều sâu minh triết của Tolstoy, đức tin của ông, và sự thông minh của ông chiếu sáng xuyên suốt một cách rực rỡ. Những tư tưởng của ông là sự chắt lọc cái tinh hoa nhất của dăm bảy ngàn năm của kinh nghiệm con người, và chúng vẫn tươi mới, chân thực, và có thể áp dụng bây giờ, như chúng đã từng như vậy. Tolstoy dạy người đọc suy ngẫm, kinh ngạc, cười, và nhất là hiểu “thân phận con người” với sự sáng tỏ và mối đồng cảm sâu xa. Đây là một tác phẩm “cổ điển” và phi thời gian: Chicken Soup (Súp gà cho linh hồn).

Tolstoy giữ cái “cẩm nang” cho một cuộc sống tốt này trên bàn làm việc của ông trong suốt những năm cuối cùng đời mình cho đến phút cuối (thậm chí ông còn yêu cầu trợ lý của mình, V. Chertkov, đưa ông xem bản in thử trên giường chết của ông). Ông có thói quen đọc nó cho gia đình và trân trọng giới thiệu nó cho bạn hữu ông. Bây giờ, trong thời đại mà sự “nhận biết về tâm linh” đang ngày càng tăng, thì kiệt tác này – một cuốn sách “tự giúp mình” vĩ đại, một lần nữa, có thể cung cấp cho người đọc khắp nơi nguồn cảm hứng và an ủi, và như ông đã ước, “giúp họ trong cuộc sống và lao động của họ”.

Cấu trúc của Wise thoughts for every day thì công phu, tỉ mỉ, nhưng cũng linh hoạt. Mỗi tháng được chia thành 4 tiểu mục – mối quan hệ của chúng ta với thượng đế, những thách thức của chúng ta, những hành động của chúng ta, và cuộc sống tâm linh của chúng ta – chúng ta quán xuyến nhiều chủ để khác nhau, một chủ đề cho mỗi ngày.

Trích đoạn dưới dây là một số chủ đề để mỗi ngày chúng ta cùng suy niệm.

1. Đức tin

Tuân theo quy luật của Thượng đế là làm cái mà Thượng đế muốn chúng ta làm, chứ không phải làm cái mà Ngài không muốn chúng ta làm.

Tôn giáo đích thực không phải là tin vào một biến cố siêu nhiên hay tuân theo những luật tắc và nghi lễ. Tôn giáo đích thực là thái độ mà một người có đối với những người khác và với cái thế giới vô hạn – một thái độ dựa trên trí tuệ và kiến thức đương thời.

Những đức tin và tôn giáo khác nhau có nhiều quy luật và quy tắc khả biến khác nhau, và cũng có một vài quy luật và quy tắc bất biến và vĩnh cửu. Những quy luật vĩnh cửu này chính là tôn giáo đích thực.

Những ai mà đặt tôn giáo vào hàng thứ hai trong đời mình, họ không có tôn giáo nào cả.

2. Linh hồn

Có hai lối đi trong đời: Một là sống cho thể xác, và lối kia, cho linh hồn. Nếu bạn sống cho thể xác, sự thể sẽ trở nên rõ ràng rằng, những lạc thú xác thịt vốn mong manh, sẽ yếu đi qua năm tháng, và kết thúc với cái chết. Trái lại, nếu bạn sống cho linh hồn, thì những niềm vui của đời sẽ gia bội với thời gian, và cái chết sẽ không còn đáng sợ.

Vậy thì, chúng ta là ai? Không là gì cả. Quả thật, chúng ta không là gì cả. Nhưng cái “không là gì” này lại có khả năng hiểu chính nó và cái nơi chốn của nó trên thế gian này.

Khi bạn nhìn chính mình như là một hữu thể vật chất, bạn trở thành một câu đố không thể giải đối với chính bạn. Trái lại, ngay khi bạn hiểu rằng “cái tôi nội tại” của mình là cái linh hồn bị giam nhốt trong thân xác này, thì câu đố biến đi này, và thế gian trở thành dễ hiểu.

Nếu chúng ta so sánh sức mạnh thể chất của mình với những sức mạnh của thiên nhiên, thì chúng ta không là gì cả. Nếu chúng ta nhìn vào linh hồn mình – nó vốn là một phần của linh hồn thiêng liêng – thì chúng ta hiểu rằng, chúng ta là một cái gì đó ở bên trên cái phần còn lại của thế gian này.

3. Một linh hồn trong tất cả

Đa số mọi người nghĩ rằng chỉ có họ mới là quan trọng, và những người khác thì không. Tuy nhiên, có những người nhân ái và khôn ngoan, họ hiểu rằng cuộc đời của những người khác và những thú vật, thì cũng quan trọng như đời của chính họ, và họ thực tình quan tâm đến mọi sinh vật. Đối với những người như thế, sống và chết đều dễ dàng.

Có một thời, khi tất cả mọi người đều ăn thịt người, và nghĩ rằng họ không đang làm gì sai trái. Bây giờ, ngày càng có thêm nhiều người hiểu rằng ăn thịt súc vật là xấu. Thời điểm sẽ đến, khi mà mọi người sẽ nghĩ rằng việc giết mổ và ăn thịt cừu, bò cái, hay lợn, thì cũng xấu như việc giết hại một con người.

Mọi sinh vật, người và thú, thì được kết nối mật thiết với nhau. Khi một sinh vật khổ thì những sinh vật khác cũng khổ nữa. Tương tự như vậy, khi một người hạnh phúc thì niềm hạnh phúc trải ra và khiến cho kẻ khác hạnh phúc.

Bạn sẽ hiểu cuộc đời này chỉ khi nào bạn thấy chính mình trong mọi người.

4. Thượng đế

Đừng tìm Thượng đế trong những ngôi đền. Ngài hiện diện, và đang sống bên trong bạn. Hãy trao mình cho Thượng đế, và bạn sẽ luôn luôn vui sướng và hạnh phúc.

“Một người trầm tư có thể cảm nhận sự hiện diện của linh hồn chính mình và linh hồn đại đồng – Thượng đế. Nhưng ngay khi y cố làm sáng tỏ và giải thích những ý tưởng này, y phải khiêm cung ngừng lại, và không thể chạm vào bức màn vốn che phủ chúng. Mọi dân tộc đều rao giảng cái linh hồn tối thượng vĩ đại kia, gọi nó bằng những cái tên khác nhau và mặc cho nó những trang phục khác nhau. Bên dưới những cái tên và trang phục này, chỉ có một Thượng đế duy nhất”.

Kẻ hướng dẫn đời ta và cuộc sống của toàn thế gian, là Thượng đế.

Thượng đế mong muốn cái tốt lành cho tất cả. Nếu bạn cũng ao ước điều tốt lành cho tất cả, thế thì Thượng đế sống bên trong bạn.

Người ta có thể tránh việc nói tên Thượng đế, nhưng người ta không thể tránh việc chấp nhận sự hiện hữu của Ngài. Không có gì hiện hữu, nếu Ngài không hiện hữu.

5. Sự hợp nhất trong linh hồn

Khi một người chỉ sống cho thân thể mình, thì dường như chỉ có duy nhất một cái hiện hữu và quan trọng: “Tôi”. Tuy nhiên, có hàng triệu người mong ước được hạnh phúc như là những cá thể (riêng lẻ, tách rời), và họ mâu thuẫn với nhau, vì không ai hoàn toàn thỏa mãn. Cái “Tôi” của bạn nói với bạn rằng thân thể bạn thì không vĩnh cửu: Nó sẽ biến mất và chết đi với thời gian. Con đường ra khỏi sự mâu thuẫn này là chấp nhận rằng, cái “Tôi” của bạn thì không chỉ ở trong thân thể mà thôi, nó còn ở trong linh hồn, cái linh hồn mà sẽ được hợp nhất với những người khác bởi tình yêu, bởi vì linh hồn thì không chết.

Thân thể muốn cái tốt nhất cho chính nó, cho dù cái đó làm hại linh hồn. Còn linh hồn thì lại muốn cái tốt nhất cho chính nó, cho dù cái đó làm hại thân thể. Cuộc đấu tranh này sẽ biến đi chỉ khi nào bạn hiểu rằng, đời bạn không ở trong thân thể - nó sẽ biến đi và chết: Thân thể chỉ là nơi chốn mà linh hồn vĩnh cửu của bạn lưu trú tạm thời.

Một người có thể hiểu tình yêu tốt lành như thế nào, khi y hiểu thân xác y mong manh như thế nào.

6. Tình yêu đại đồng

Nếu bạn mong đợi một phần thưởng cho tình yêu của mình, thì đó không phải là chuyện tình yêu chân thực. Cái phẩm chất cốt tủy của tình yêu là hiến tặng những phúc lành cho tất cả những ai ở xung quanh bạn – và không đòi hỏi cái gì đáp lại.

Người ta sống không phải bằng những cái mà họ nghĩ về cuộc đời, mà chỉ qua tình yêu.

Bạn muốn sự tốt lành, và sẽ nhận được nó khi bạn mong muốn sự tốt lành cho hết thảy mọi người.

Có nhiều sự tốt lành trên thế gian này, nhưng chỉ có duy nhất một sự tốt lành chân thực: yêu người khác.

Tình yêu mà có một lý do thì không phải là tình yêu thuần khiết. Chỉ có tình yêu vô hạn chế, vô điều kiện mới là tình yêu vĩnh cửu. Tình yêu như thế không biến đi, mà liên tục tăng trưởng với thời gian.

7. Chân lý

Đừng tin bất cứ điều gì mà chỉ dựa vào lời nói của ai đó. Hãy suy nghĩ và phân tích mọi sự, rồi chấp nhận chỉ những điều được trí tuệ của bạn phê chuẩn.

Để sống một cuộc sống tốt, hãy sống bằng sự thật, và tìm kiếm sự hướng dẫn từ những vị hiền nhân sống trước bạn.

Chân lý chỉ đến với bạn nếu bạn dùng trí tuệ của mình.

Nếu bạn muốn biết chân lý, hãy tự giải phóng mình ra khỏi mọi ý tưởng về lợi lộc cá nhân, và rồi, hãy làm quyết định của bạn.

Mọi người đang tìm kiếm chân lý, việc này nhắc nhở tôi nhớ về một nông dân. Nhiệm vụ chính yếu của y là chọn lựa chân lý, như một nông dân chọn những hạt giống tốt nhất của mình, và rồi trồng chân lý này vào trong linh hồn, như người nông dân trồng những hạt giống của y. Những từ ngữ là những dụng cụ chủ yếu của bạn.

-----o0o-----

Trích: "Suy Niệm Mỗi Ngày (Wise Thoughts For Every Day) – Một Kho Tàng Minh Triết Tinh Túy

Tác Giả: Lev Tolstoy

Đỗ Tư Nghĩa dịch từ bản tiếng Anh 

Bản quyền bản tiếng Việt: Công ty TNHH Văn hóa Khai tâm, 2017

Ảnh: Nguồn Internet

Bài viết liên quan