THIỀN ĐỊNH: “ĐỂ TÔI KỂ CHO NGÀI MỘT ĐIỀU BÍ MẬT” - TENZIN GYATSO - DESMOND TUTU - HỶ LẠC TỪ TÂM

THIỀN ĐỊNH: “ĐỂ TÔI KỂ CHO NGÀI MỘT ĐIỀU BÍ MẬT”
 TENZIN GYATSO - DESMOND TUTU - HỶ LẠC TỪ TÂM

-------o0o--------

Bí mật thực sự của sự giải thoát có thể chỉ đơn giản là mở rộng khoảng không chật hẹp này - khoảng cách giữa những sự kích thích và cách phản ứng. Thiền định dường như kéo dài hơn khoảng thời gian ngưng nghỉ này và giúp mở rộng khả năng lựa chọn cách phản ứng của chúng ta.
THIỀN ĐỊNH: “ĐỂ TÔI KỂ CHO NGÀI MỘT ĐIỀU BÍ MẬT” - TENZIN GYATSO - DESMOND TUTU - HỶ LẠC TỪ TÂM

THIỀN ĐỊNH: “ĐỂ TÔI KỂ CHO NGÀI MỘT ĐIỀU BÍ MẬT”
 TENZIN GYATSO - DESMOND TUTU - HỶ LẠC TỪ TÂM

-------o0o--------

Chúng tôi đến khu phức hợp của Đức Đạt Lai Lạt Ma vào buổi sáng sớm, khi mặt trời vẫn đang còn e ấp. Việc phải đi qua cổng gác an ninh đã nhắc nhở chúng tôi rằng không phải tất cả mọi người đều yêu thương Đức Đạt Lai Lạt Ma giống như cách mà Ngài đối với họ. Tôi quyết định thay đổi lại cách nhìn đối với thủ tục kiểm tra thân thể – không giống như những lần bị kiểm tra ở các sân bay, giờ đây tôi chỉ thấy nó như một thủ tục mát xa đơn giản chứ không còn là sự xâm phạm đến những vùng riêng tư hoặc xem nó như một lời cáo buộc về nguy cơ gây hại của mình nữa. Tôi hiểu được rằng cách nhìn của một người sẽ định hình nên thực tế mà người ấy phải trải nghiệm ra sao.

Đi thêm một quãng ngắn thì chúng tôi tới được tịnh thất riêng của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Về sau chúng tôi mới biết rằng có những người đã từng làm việc với Đức Đạt Lai Lạt Ma đến ba mươi năm mà cũng chưa bao giờ được mời vào trong khu vực này. Đây là nơi để Ngài nhập thất tịnh tu, cũng là một trong số ít nơi mà vị thầy của công chúng này có được một chút không gian yên tĩnh cho riêng mình. Và quả thực là một đặc ân lớn khi chúng tôi được chào đón vào trong khu vực không gian tu tập thiêng liêng của Ngài.

Nhìn từ phía bên ngoài, ngôi nhà của Đức Đạt Lai Lạt Ma là một cấu trúc bê tông màu vàng với phần mái màu xanh lá cây, tương tự như nhiều căn nhà khác ở Dharamsala. Những khung cửa và tường chủ yếu được làm bằng chất liệu kính để tận dụng được tối đa ánh sáng tự nhiên. Trên cùng là sân thượng, là nơi Đức Đạt Lai Lạt Ma đi tản bộ vào buổi sáng và ngắm nhìn ngôi nhà màu xanh thân yêu của Ngài ngập tràn những bông hoa phi yến màu tím, hồng, trắng đang bung nở, cùng hoa cúc vạn thọ tựa như những vầng mặt trời tí hon. Ở phía xa hơn, Ngài có thể phóng tầm mắt để bao quát toàn cảnh một vùng đồng bằng xanh tươi của Ấn Độ, hay chiêm ngưỡng dãy núi Dhauladhar chót vót vùi mình trong tuyết trắng quanh năm.

Mặc dù còn kém xa vẻ hùng tráng uy nghiêm của cung điện Potala mà Ngài đã ở khi còn trẻ, nhưng nơi cư trú giản dị này vẫn toát lên một vẻ thanh lịch và ấm áp mà chốn cung điện nghìn phòng lạnh lẽo, trống trải kia không có được.

Chúng tôi theo chân Đức Đạt Lai Lạt Ma và Ngài Tổng Giám Mục tiến vào phía bên trong, khi ánh mặt trời-làm-sáng-bừng-khoảnh-khắc-hiện-tại đang chảy tràn qua các khung cửa kính. Những tấm rèm được buộc gọn lại bằng dây cột, làm nổi bật lên mảng trần phía trên được sơn phối hai màu đỏ và đen. Những bức tranh thangka màu sắc tươi sáng sống động được treo dọc hành lang, và không gian trong phòng như nhỏ lại bởi những kệ sách xếp chồng lên nhau chứa đầy những pho kinh văn linh thiêng được dát viền vàng.

“Và đây là – nói thế nào nhỉ - phòng khách, cũng chính là tỉnh thức của tôi.” - Đức Đạt Lai Lạt Ma giới thiệu.

Thật hợp lý khi nói rằng phòng khách cũng chính là tịnh thất của Ngài, vì phần lớn cuộc đời Ngài luôn dành cho việc cầu nguyện và thiền định. Ngay khi bước vào phòng, đập vào mắt chúng tôi là một bàn thờ lớn được lồng trong kính, bên trong là bức tượng của một vị Phật với dáng vẻ hơi gầy gò. Dọc bên cạnh hộp kính bảo vệ là các bản kinh luận theo truyền thống của Tây Tạng, trông như các khối hộp hình chữ nhật. Chiếc bàn thờ này rất giống với những chiếc tủ ly kiểu cổ điển ở phương Tây, là nơi có thể trưng bày những món đồ bạc và đồ sứ xinh đẹp. Ở một cạnh của bàn thờ là chiếc máy tính bảng luôn hiển thị một mặt đồng hồ để báo giờ.

Khi bước hẳn vào bên trong, chúng tôi thấy một bàn thờ nữa cũng được lồng trong kính và nó còn lớn hơn nhiều so với cái phía trước. Đức Đạt Lai Lạt Ma giới thiệu với Ngài Tổng Giám Mục bức tượng của một vị Phật trong tư thế đứng ở vị trí trung tâm. - “Bức tượng này có từ thế kỷ thứ bảy. Thầy nói có đúng không nhỉ?” – Đức Đạt Lai Lạt Ma quay sang phía Jinpa để hỏi.

“Vâng ạ, từ thế kỷ thứ bảy.” – Jinpa xác nhận.

“Thầy ấy là thành viên của tu viện, nơi bức tượng này đã từng được thờ phượng”, Đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ về phía Jinpa để giải thích.

Bức tượng được biết đến với cái tên là “Kyirong Jowo”, nghĩa đen là “người anh đến từ Kyirong”. Tượng Phật này được tôn kính như là một trong những bảo tàng tôn giáo quý giá nhất của người dân Tây Tạng. Bức tượng được phục sức theo truyền thống của người Tây Tạng và trên đầu là một chiếc vương miện bằng vàng nạm đá quý. Bao xung quanh Ngài Kyirong Jowo là hàng tá những bức tượng Phật nhỏ hơn cùng những biểu tượng thiêng liêng khác nổi bật trên nền những bông hoa phong lan màu trắng và tím. Toàn bộ pho tượng được chạm khắc từ gỗ đàn hương rất tinh xảo và khuôn mặt được sơn vàng. Đôi mắt rộng, cặp lông mày thanh tú, viền môi cong, cả khuôn mặt của Ngài toát lên vẻ an bình. Cánh tay phải của bức tượng duỗi về phía trước, lòng bàn tay hướng lên với dáng vẻ cởi mở từ hòa, đón nhận và đầy rộng lượng.

“Thật tuyệt mỹ!” – Ngài Tổng Giám Mục thốt lên.

“Ban đầu, có hai bức tượng giống nhau, cả hai đều được chạm khắc từ cùng một thân gỗ đàn hương. Và kể từ thời Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 5, một bức tượng đã được lưu giữ trong cung điện Potala.” – Đức Đạt Lai Lạt Ma kể lại.

Vị Tổ thứ năm - như cách mà mọi người thường gọi, sống vào thế kỷ thứ XVII, Ngài đã thống nhất miền trung Tây Tạng và chấm dứt được rất nhiều cuộc nội chiến. Có lẽ Ngài chính là Charlemagne của Tây Tạng, hoặc có thể nói rằng Ngài là cả Charlemagne và Đức Giáo Hoàng kết hợp lại.

Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục: “Trong khi một bức tượng nằm ở Potala, thì bức tượng này nằm ở miền Tây Tây Tạng. Giống như hai anh em, như một cặp sinh đôi vậy. Thế rồi, khi quân đội Trung Hoa phá hủy Potala, một bức tượng đã bị sát hại”.

Từ “sát hại” mà Ngài dùng nghe có vẻ không phù hợp lắm cho một bức tượng, nhưng việc Ngài nhân cách hóa để nói về sự tiêu vong của bức tượng ấy dường như chứa đầy hàm ý xót xa.

 “Sau đó các vị sư ở miền Tây Tây Tạng đã lén đem bức tượng này rời khỏi Tây Tạng và chuyển nó tới Ấn Độ. Khi ấy có một câu hỏi được đặt ra là liệu có nên mang bức tượng đi theo các nhà sư đó đến miền Nam Ấn Độ - nơi họ sẽ tái định cư, hay để bức tượng ở lại cùng tôi. Tôi đã thực hiện một vài cuộc khảo nghiệm bằng phương thức thần bí – dùng phương pháp tiên tri mà tôi nghĩ là trong văn hóa châu Phi của các Ngài cũng có những cách thức tương tự như thế. Và rồi bức tượng này... Phải nói thế nào nhỉ?”.

Ngài quay sang nói với Jinpa bằng tiếng Tây Tạng để nhờ anh ấy phiên dịch lại: “Việc tiên tri cho thấy rằng bức tượng này thích ở lại với người nào nổi tiếng hơn”.

Mọi người phá lên cười.

“Bây giờ tôi sẽ tiết lộ với Ngài một điều bí mật, một điều khá lạ thường. Ngài biết đấy, mỗi buổi sáng tôi đều cầu nguyện với bức tượng này. Rồi sau đó, tôi thấy vẻ mặt của bức tượng thay đổi”. Gương mặt Đức Đạt Lai Lạt Ma ánh lên vẻ tinh nghịch, nên thật khó để biết liệu Ngài ấy có đang trêu đùa Ngài Tổng Giám Mục hay không.

“Thật vậy hả?” – Ngài Tổng Giám Mục thốt lên, cố gắng không tỏ vẻ hoài nghi.

Đức Đạt Lai Lạt Ma lúc lắc đầu từ bên này sang bên kia như muốn nói: Có thể đúng mà cũng có thể không. Rồi Ngài Tổng Giám Mục tiếp tục hỏi: “Có phải bức tượng đã mỉm cười không?”.

“Vâng, quả thực bức tượng đã mỉm cười, rất giống nụ cười của Ngài.” - Đức Đạt Lai Lạt Ma vừa nói vừa cúi xuống để chạm trán mình vào trán của Ngài Tổng Giám Mục. Rồi Ngài vẫy ngón tay và nói thêm: “Ôi, nhưng đôi mắt thì không giống đôi mắt của Ngài vừa to vừa tròn”. Đôi mắt của Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng mở to ra với một vẻ mặt như thể rất bất ngờ, sợ hãi, hoặc giận dữ.

“À, bây giờ là đến buổi họp của chúng ta” - Nói thế nhưng khi Đức Đạt Lai Lạt Ma bước về phía ghế ngồi của mình, Ngài chợt dừng lại bên một chiếc bàn thờ khác nằm ở giữa phòng. Trên chiếc bàn tròn là một mô hình cây thánh giá với chúa Jesus bị đóng đinh trong y như thật được chạm khắc bằng đá cẩm thạch trắng. Bức tượng được chạm khắc chi tiết đến từng chiếc móng tay màu đen được gắn trên mỗi bàn tay. Bên cạnh đó còn có một bức tượng Đức Mẹ Madonna.

“Đây là bức tượng Đức Mẹ Madonna Đen đến từ Mexico.”

Bức tượng Đức Mẹ khoác trên mình một chiếc áo choàng dài, đầu đội vương miện và trên tay giữ quả cầu vàng của thế giới. Trong lòng Đức Mẹ là Chúa Jesus khi còn nhỏ.

“Đức Mẹ Maria là biểu tượng của tình yêu thương” - Đức Đạt Lai Lạt Ma nói, đưa tay về phía bức tượng trong một cử chỉ giống hệt với tư thế của bức tượng Phật bằng gỗ đàn hương lúc nãy. - “Thật tuyệt vời”.

Còn có một quả cầu màu xanh thẫm đặt trên một chiếc giá bằng vàng, có lẽ là một biểu tượng thiêng liêng khác nữa, như một lời nhắc nhở hữu hình theo quan niệm Phật giáo về sự tương thuộc lẫn nhau của vạn pháp. Sự thực hành cầu nguyện và những mối quan tâm của Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng giống như Ngài Tổng Giám Mục – luôn bao trùm khắp cả thế giới.

Đức Đạt Lai Lạt Ma đưa Ngài Tổng Giám Mục về ngồi trên một chiếc ghế nệm màu be to nặng có lưng dựa cao. Ngài

Tổng Giám Mục mặc một chiếc áo ngắn kiểu Tây Tạng màu xanh hải quân với hàng nút ở góc áo gần vai, khiến cho chiếc áo nôm giống như một cái túi vừa vặn, ấm cúng bao bọc lấy Ngài. Một thợ may có tay nghề cao, là cha của Lama Tenzin đã đặc biệt may chiếc áo ấy như một món quà để tặng Ngài. Khi Tổng Giám Mục ngồi xuống, thân hình nhỏ bé của Ngài gần như bị mất hút trong chiếc ghế nệm to lớn và đồ sộ ấy.

Những người còn lại trong số chúng tôi cũng bắt đầu ngồi xuống sàn. Thấy vậy, Đức Đạt Lai Lạt Ma ân cần hỏi xem liệu có cần lấy thêm ghế hay không, nhưng chúng tôi trả lời rằng được ngồi như vậy là hạnh phúc lắm rồi.

“Trước đây tôi cũng hay ngồi trên sàn nhà”, - Đức Đạt Lai Lạt Ma tâm sự. - “Nhưng rồi đầu gối của tôi bắt đầu có vấn đề, nên bây giờ thì tôi thích ngồi ở đây hơn.” - Ngài nói rồi chỉ tay vào một chiếc ghế rộng được bọc bằng vải mềm màu đỏ. Đoạn, Ngài khẽ nhấc chiếc áo choàng lên rồi ngồi xuống ghế. Trên bức tường ngay phía sau Ngài là một bức thangka có màu vàng, đỏ và xanh lá. Trước mặt Ngài là một chiếc bàn bằng gỗ thấp, bên trên đặt một chồng sách Phật giáo có hình dáng trông như những bản khắc văn chương dạng hình hộp nằm ngang. Hai chiếc đèn cao gầy tựa như hai chú lính canh đứng ở hai bên, có thể soi sáng chiếc bàn và những bản kinh Tây Tạng dài dằng dặc vào mỗi buổi sáng sớm khi Đức Đạt Lai Lạt Ma bắt đầu thực hành pháp. Một bình hoa tulip hồng và một cái bát màu vàng kim dành cho nghi thức tung gạo cũng được đặt trên bàn, khéo tô điểm thêm màu sắc cho không gian. Cuối cùng là sự góp mặt hữu ích của hai chiếc máy tính bảng mỏng manh trên một chiếc bàn chật chội, một chiếc để hiển thị thời tiết và một chiếc khác để nghe tin tức từ BBC News.

 “Do kế hoạch chương trình của chúng ta, nên hôm nay tôi đã bắt đầu hành thiền từ lúc 2 giờ 30 phút sáng.”

“Ồ” – Ngài Tổng Giám Mục thốt lên, hẳn vẫn còn lấy làm lạ trước thói quen thức dậy rất sớm của Đức Đạt Lai Lạt Ma. “Rồi như thường lệ, tôi sẽ đi tắm và sau đó tiếp tục việc hành thiền. Ồ, Ngài cảm thấy ổn cả chứ? Nhiệt độ có thích hợp không?” – Đức Đạt Lai Lạt Ma dang rộng cánh tay với sự quan tâm ân cần.

Ngài Tổng Giám Mục mỉm cười và giơ một ngón tay cái lên để ra dấu thums-up. “Cảm ơn Ngài.” – Ngài Tổng Giám Mục trả lời khi hai người đã ngồi xuống bên cạnh nhau.

Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục cất lời: “Phần này là một chỉ dẫn sáng tỏ trong việc thiền quán về cái chết.” – Dường như Ngài đang chuẩn bị hướng dẫn chúng tôi cách hành thiền tập trung vào hơi thở chứ không phải hình dung đến sự tan hoại của cái thân thể vật lý của chúng ta. - “Chúng ta đang rèn luyện tâm thức của mình bằng cách trải nghiệm một quá trình rất chi tiết về những cảm thọ mà chúng ta sẽ phải kinh qua vào giây phút lìa đời”.

“Ừmmm”, - Ngài Tổng Giám Mục biểu lộ sự phấn khích với cặp mắt mở to, cứ như thể Ngài vừa được mời đến để hâm nóng tinh thần của một Thế vận hội tâm linh bằng một màn chạy marathon ngắn.

“Theo triết lý Phật giáo Kim Cương thừa, con người có nhiều mức độ tâm thức khác nhau trong quá trình trải qua sự chết” - Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích. Ngài đề cập đến truyền thống Phật giáo Mật tông bí truyền, là truyền thống tu tập nhằm giúp người học khám phá ra chân lý tối hậu, rốt ráo. - “Có một quá trình tan rã xảy ra song hành với khái niệm mà chúng ta gọi là sự chết. Ở mức độ thô thì nghĩa là các trạng thái tinh thần và thể chất của chúng ta đang đi tới hồi kết thúc. Sau đó thì sự tan rã mỗi lúc một xảy ra ở cấp độ vi tế hơn. Rồi đến lúc mà mức độ tan rã sau cùng hay là cấp độ vi tế nhất xảy ra, tâm thức nhìn thấy tịnh quang - một vùng ánh sáng rõ ràng vào lúc chết. Nhưng đó vẫn chưa phải là trạng thái chết hẳn. Nó vẫn đang trong quá trình hấp hối. Khi ấy cảm giác về mặt thân thể đã hoàn toàn chấm dứt. Hơi thở đã hết. Trái tim ngừng hoạt động, nó không còn đập nữa. Bộ não cũng thôi vận hành. Nhưng ở mức độ tinh vi nhất, tầng tâm thức vi tế vẫn còn, để chuẩn bị cho một kiếp sống mới”.

Dạng tâm thức vào lúc chết mà Đức Đạt Lai Lạt Ma đang miêu tả hoàn toàn vượt khỏi tính nhị nguyên và mọi giới hạn. Nó tồn tại dưới dạng tịnh quang. (Trong một bộ phim hài nổi tiếng của Hollywood mang tên Caddyshack, có một phần cảnh mà nhân vật của Bill Murray thủ vai – Carl, miêu tả câu chuyện tưởng tượng về câu lạc bộ đánh gôn dành cho Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 12 trên sông băng. Carl đòi trả tiền boa cho mình sau trận đấu và Đức Đạt Lai Lạt Ma đã trả lời thế này: “Ồ cậu sẽ, chẳng nhận được đồng nào cả, nhưng vào lúc chết, khi nằm trên giường bệnh, cậu sẽ nhận được chủ-hồn”. Có lẽ các nhà biên kịch đã tìm hiểu và biết được điều gì đó về tịnh quang trong thực hành thiền quán vào lúc chết).

Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích: “Thế nên trong tư tưởng Phật giáo, chúng tôi nói về trạng thái chết, trạng thái trung gian, và trạng thái tái sinh. Đối với cá nhân mình, tôi thực hiện loại thiền này năm lần trong một ngày. Do đó trên nền tảng cơ bản mỗi ngày, tôi trải qua sự chết và tái sanh – năm lần chết đi và năm lần sống lại. Vì tôi cho rằng trước khi cái chết thực sự đến thì tôi phải chuẩn bị sao cho tốt!”.

Khi nói những lời này, đôi mắt Ngài lấp lánh và nụ cười láu lỉnh của Ngài trở nên trầm lắng và dịu dàng.

“Nhưng tôi không chắc. Khi cái chết thực sự đến, tôi hy vọng tôi sẽ có khả năng áp dụng sự thực hành này một cách hiệu quả. Chẳng thể biết được. Vì vậy, tôi cần lắm những lời cầu nguyện của Ngài”.

“Người Trung Hoa nói rằng Ngài sẽ không được quyền quyết định hóa thân của Ngài là ai.” - Tổng Giám Mục nói, quay trở lại với mạch hài hước đã kéo dài suốt tuần đó. Với Ngài Tổng Giám Mục, Ngài chẳng muốn bỏ lỡ cơ hội để liên kết việc cầu nguyện với chủ đề chính trị, hay việc thiền định với những tư tưởng tích cực hoặc thậm chí là liên kết chúng với một trò đùa vui vẻ. Cho nên việc Ngài tuyên bố rằng chính phủ Trung Hoa sẽ tự quyết định việc tái sinh tiếp theo của Đức Đạt Lai Lạt Ma lập tức trở thành mồi cho một tràng cười giòn giã khác.

“Sau khi chết,” – Đức Đạt Lai Lạt Ma vừa nói vừa cười - “thì tôi thích được Ngài đi tìm hóa thân của tôi, muốn Ngài tiến hành điều tra tìm kiếm, chứ không phải là chính phủ Trung Hoa”.

Rồi câu chuyện cũng dần tan đi, cuộc đối thoại và những câu nói đùa đã chuyển thành một sự chiêm nghiệm trong yên tĩnh.

Đức Đạt Lai Lạt Ma tháo cặp kính xuống. Khuôn mặt đẹp và thân thuộc của Ngài lúc này bỗng nhiên trở nên hơi khác lạ. Gương mặt Ngài hình trái xoan thuôn dài, từ trên mái đầu đã cạo sạch tóc, xuống đến cặp lông mày hình tam giác và đôi mắt phong sương, chẳng khác nào những vách đá của dãy Himalaya hé mở nhẹ nhàng, chiếc mũi thẳng, rộng. Gò má của Ngài giờ đây trông như một tác phẩm được chạm khắc đã nhuốm màu kỳ vĩ. Đôi môi Ngài hơi mím lại thẳng đều, và kết thúc bằng chiếc cằm tròn mềm mại. Ngài nhìn xuống, như thể những ảo ảnh trong tâm trí đều đã bị đẩy cả ra ngoài, và giờ đây Ngài chỉ chú tâm vào cuộc hành trình hướng nội.

Đức Đạt Lai Lạt Ma đưa tay lên gãi nhẹ vùng thái dương, điều này khiến tôi cảm thấy thật yên lòng vì Ngài không phải là một nhà tu khổ hạnh khắc kỷ, kiểu người sẽ nhịn chịu cả sự ngứa ngáy và đau đớn của bản thân. Ngài quấn lại chiếc y đắp quanh vai cho thêm chặt và an trú dần vào tĩnh lặng, hai bàn tay khẽ đặt trên đùi.

Lúc đầu tâm trí của tôi còn khá nhiều loạn tưởng. Đã có một lúc tôi rất khó để giữ tập trung, đầu óc cứ suy nghĩ về những câu hỏi sắp tới, về chiếc camera đang ghi hình ở xung quanh, về những người khác ở trong phòng, và tôi còn nghĩ rằng sẽ ra sao nếu mọi thứ đều được như ý và mọi người đều có được những gì mà họ cần. Rồi đến khi nhìn ngắm khuôn mặt của Đức Đạt Lai Lạt Ma, các tế bào thần kinh gương trong não tôi dường như đã chịu sự cộng hưởng với trạng thái tâm thức của Ngài mà chính tôi đang được chứng kiến. Các tế bào thần kinh gương này cho phép chúng ta thực hiện mô phỏng người khác và trải nghiệm được những trạng thái nội tâm giống như họ. Cơ chế này đóng vai trò quan trọng tạo nên sự đồng cảm giữa chúng ta với nhau. Tôi bắt đầu cảm thấy ngứa râm ran ở trán, và rồi một sự tập trung rõ rệt xảy ra, như thể những phần khác trong bộ não của tôi bắt đầu trở nên tĩnh lặng và bình an, như thể mới hoạt động đều đang tập trung cho cái điều mà các bậc thấy tâm linh thường gọi là con mắt thứ ba, hay như các nhà thần kinh học gọi là sự kích hoạt của vỏ não ở giữa trán.

Daniel Siegel đã giải thích với tôi rằng sự liên kết thần kinh được tạo ra bởi vùng não quan trọng này với nhiều vùng não khác có tác động đến mọi thứ, từ việc điều tiết cảm xúc cho đến nhân cách đạo đức. Và Đức Đạt Lai Lạt Ma cùng với nhiều nhà khoa học khác đã đề xuất rằng thiền định rất hữu ích cho những quá trình này. Ông giải thích rằng thiền định dường như tiếp cận và làm dịu các cấu trúc phản ứng cảm xúc của não bộ. Chúng ta được di truyền khả năng phản ứng “hoặc-là-chiến-hoặc-là-biến” của vùng não này và vùng hạch hạnh nhân từ những thế hệ tổ tiên của chúng ta. Thực hành quay vào bên trong sẽ giải phóng chúng ta khỏi phản ứng này, để giúp chúng ta không bị mất kiểm soát hoặc loạn trí khi phải đối mặt với những tình huống căng thẳng.

Bí mật thực sự của sự giải thoát có thể chỉ đơn giản là mở rộng khoảng không chật hẹp này - khoảng cách giữa những sự kích thích và cách phản ứng. Thiền định dường như kéo dài hơn khoảng thời gian ngưng nghỉ này và giúp mở rộng khả năng lựa chọn cách phản ứng của chúng ta. Ví dụ, chúng ta có thể mở rộng khoảng ngừng nghỉ tạm thời giữa những lời khó chịu của vợ hay chồng mình với phản ứng tức giận hoặc tổn thương của mình hay không? Liệu chúng ta có thể “chuyển kênh” trên hệ thống đài phát thanh tâm trí - từ kênh phát thanh phẫn nộ chính đáng cho bản thân: “Sao cô ta hặc anh ta dám nói với tôi như thế?”, chuyển sang kênh phát thanh từ bi thấu hiểu: “Cô ấy hoặc anh ấy chắc hẳn đang cảm thấy vô cùng mệt mỏi”?

--------o0o-------

Trích: “Hỷ Lạc Từ Tâm”
Tác giả: Tenzin Gyatso Desmond Tutu & Douglas Abrams
Người dịch: Thảo Yukimoon
Nhà xuất bản Đà Nẵng
Ảnh: Dalai Lama 14 - Tổng Giám Mục Nam Phi Desmond Tutu & Douglas Abrams-  nguồn Internet

Bài viết liên quan