THIỀN QUÁN (QUÁN CHIẾU) - KARMAPA THỨ CHÍN WANGCHUG DORJE - ĐẠI ẤN THIỀN XÓA TAN BÓNG TỐI CỦA VÔ MINH

THIỀN QUÁN (QUÁN CHIẾU)

ĐẠI ẤN - THIỀN XÓA TAN BÓNG TỐI CỦA VÔ MINH

Karmapa thứ Chín Wangchug Dorje với bình giảng khẩu thuyết của Beru Khyentze Rinpoche - dịch từ tiếng Tây Tạng và biên tập bởi Alexander Berzin; NXB Thiện Tri Thức.

---o0o---

Chủ đề chính yếu phần hai là quán chiếu (vipasyana). Con cần ngồi trong tư thế căn bản như trước. Ở điểm này cách thức nhìn là cực kỳ quan trọng. Hai mắt không chớp nháy, dao động qua lại hay thay đổi sự chú mục, mà cần nhắm thẳng đằng trước (hơi cao lên) với sự tập chú mãnh liệt vào không gian trước mặt.
THIỀN QUÁN (QUÁN CHIẾU) - KARMAPA THỨ CHÍN WANGCHUG DORJE - ĐẠI ẤN THIỀN XÓA TAN BÓNG TỐI CỦA VÔ MINH

THIỀN QUÁN (QUÁN CHIẾU)

ĐẠI ẤN - THIỀN XÓA TAN BÓNG TỐI CỦA VÔ MINH

Karmapa thứ Chín Wangchug Dorje với bình giảng khẩu thuyết của Beru Khyentze Rinpoche - dịch từ tiếng Tây Tạng và biên tập bởi Alexander Berzin; NXB Thiện Tri Thức.

---o0o---

NHÌN VÀO TÂM AN ĐỊNH

Chủ đề chính yếu phần hai là quán chiếu (vipasyana). Con cần ngồi trong tư thế căn bản như trước. Ở điểm này cách thức nhìn là cực kỳ quan trọng. Hai mắt không chớp nháy, dao động qua lại hay thay đổi sự chú mục, mà cần nhắm thẳng đằng trước (hơi cao lên) với sự tập chú mãnh liệt vào không gian trước mặt.

Trong phần tu định, tâm thức đã trở nên trong sáng như một tấm gương. Với quán bạn khảo sát bản tánh của tấm gương này và những hình ảnh trong đó. Cách thức nhìn cũng hơi khác với đối với hai cái này. Trong tu định mắt bạn cần nhìn thẳng, thư giãn và tập chú. Với tu quán cái nhìn mãnh liệt hơn và hơi hướng lên cao. Điều này làm nâng cao và bén nhạy tâm thức. Sự khác biệt thì giống như cánh tay bạn khi để thoải mái và khi gập lại.

Hãy đặt tâm thức con vào một trạng thái an định hoàn hảo, tự nhiên, ở cấp độ của chính nó, không thi thiết giả tạo, không tự ý thức, không lo nghĩ và rồi làm cho tâm thức mạnh mẽ hơn khiến nó trở nên trong sáng, sống động, và chánh niệm của con luôn luôn cảnh giác để cho không có sự lang thang phóng tâm nào.

Bây giờ hãy nhìn cẩn thận kỹ lưỡng vào bản tánh của tâm con khi nó tròn đầy an định. Tự bản chất, tâm có một màu sắc, một hình tướng, một hình dạng gì không ? Nó có một khởi sanh, một dừng diệt, một kéo dài hay không ? Nó ở ngoài, bên trong, hay nó trụ ở đâu ? Ngoài trạng thái an định này, còn có cái thức nào khác tách lìa khỏi nó ? Hoàn toàn không có cái gì khác ngoài cái trống không không thể nhận dạng (như thế này hoặc như thế kia) này ư ? Hay là, trong trạng thái an định này, có cái thức dù không thể định nghĩa nhưng vẫn là một sự sống động, một cái thanh tịnh nguyên sơ, một sự rực rỡ không thể nói thành lời (như một người câm nếm đường) ? Bản tánh của tâm an định này, phải chăng là một cái tối đen hoàn toàn, hay nó là một sự sáng tỏ sống động, trong trẻo ?

Tất cả (những chứng biết) cốt yếu đều nhờ vào bản tánh thường trụ của thực tại của tâm này.

Nếu bạn chứng ngộ thật tánh của tâm bạn, Phật tánh của bạn, bạn có Giác Ngộ. Nếu mê mờ về nó và bao phủ trong bóng tối của vô minh, bạn có sanh tử và tự đem lại cho mình khổ đau.

Bởi thế, khi Guru của con hỏi con về thiền định của con, nếu con phun ra những ý niệm trí thức về nó, hay những diễn tả như con vẹt mà con đã từng nghe, hay dùng những Thiền ngữ khoa trương (mà con chẳng hiểu tí gì), hay, bởi do tâm thức con bị tám cảm nhận thế gian trói buộc, con nói rằng con đã có những ánh chớp và cái thấy diệu kỳ khi thực ra con không có nếu con trả lời như vậy, đó cũng giống như tự che tấm len lên hai mắt con. Con chỉ tự lừa dối chính mình. Và nếu con đã thọ giới, con đã phá vỡ lời nguyện không nói dối với Guru bằng những màu mè. Bởi thế hãy thực hành thận trọng. Chớ vá víu một kinh nghiệm nào đó từ trí tưởng tượng của con, mà hãy hoàn toàn thành thật và nói từ những kinh nghiệm và những huệ quán khai triển từ sức mạnh thiền định của mình.

Chớ bận tâm nếu cái bạn kinh nghiệm được có vẻ tầm thường vụng dại. Nếu sau khi nhìn vào tâm, bạn thấy nó là trắng, hãy thuật lại cho Thầy bạn. Ngài sẽ nói, chẳng hạn, hãy dò xét xem nó có phải màu vàng không. Nếu bạn trở lại và nói, “Nó màu vàng”, bấy giờ ngài sẽ nói, “Không, nó không vàng cũng không trắng.” Qua sự trao đổi, qua về thành thật như vậy, Thầy của bạn sẽ có thể dẫn dắt bạn nhận ra bản tánh của tâm. Khi bạn nhìn vào hay khảo sát tâm bạn với những câu hỏi không ngừng như trên, bạn có thể không nhận biết bản tánh của nó dù bạn có thể thấy nó. Bởi thế bạn phải nương dựa vào Thầy của bạn và hoàn toàn thành thật với ngài, nếu không ngài chẳng thể giúp bạn. Và như vậy sự giải thoát khỏi khổ, Giác ngộ và khả năng giúp đỡ người khác của bạn trở nên bấp bênh.

Như một mệnh lệnh, hãy siết chặt tỉnh giác của con và nhìn thẳng vào tâm. Rồi ngơi nghỉ một chút và sau đó tiếp tục nhìn. Vì cần thiết phải nhìn thẳng vào bản tánh của tâm thức khi nó an định, cách thức điều chỉnh nó xuyên suốt qua mọi thứ này là để tâm an trụ trong một trạng thái trong sáng, sáng chiếu như mặt trời không bị mây che.

Siết chặt tỉnh giác và nỗ lực nhìn vào bản tánh của tâm là cách thứ nhất để con nhận ra bản tánh của tâm. Để được như vậy, vị Thầy cần hỏi và huấn luyện đệ tử phù hợp với tâm thái và khả năng của họ. Để huấn luyện một số người, chẳng hạn có thể cần thúc đẩy và hỏi lập đi lập lại để thấy có phải họ có một cái hiểu trí thức, hay một kinh nghiệm chớp sáng, một cái thấy sâu xa bên trong (huệ quán) hay một kinh nghiệm vững chắc, và làm cho họ nhận ra mà không trộn lẫn với những Thiền ngữ vờ vĩnh. Tương tự đệ tử cũng phải tự nỗ lực trong đó. Đây là điểm thứ nhất của thiền quán : nhìn vào bản tánh của tâm an định.

NHÌN VÀO TÂM CHUYỂN ĐỘNG HAY KHỞI TƯỞNG

Tiếp theo, để cắt tuyệt gốc rễ của vô minh, con phải khảo sát triệt để tâm chuyển động hay dòng tư tưởng, và phải nhận ra tâm động đó là cái gì. Tư thế ngồi thiền, cách thức nhìn và làm như trước. An trụ trong một trạng thái an lạc, sáng tỏ và vô niệm – đầy đủ cả ba, và rồi buông xả trong cái thanh tịnh nguyên sơ này. Hãy để cho một tư tưởng vụt chốc khởi lên từ trạng thái này, hoặc cố tình phát sanh một tư tưởng bất kỳ nào.

Hãy nhìn vào bản tánh của tư tưởng vừa dấy khởi. Hãy nhìn vào nó đúng lúc nó khởi. Nhìn vào sự kéo dài của nó, nó có màu sắc gì, hình tướng gì ? Có một chỗ nào từ đó nó khởi lên, chỗ nào cho nó tan mất ? Nó ở ngoài hay ở trong thân ? Nếu nó ở trong, thì ở giữa tim hay não ? Ở trong hay ở ngoài nó trụ như thế nào, sanh như thế nào ? Hãy tìm kiếm điều đó.

Bản tánh của tâm này là duyên sanh hay không nhân duyên ? Nó có sanh, có diệt, có màu hay hình thể ? Nếu có, nó như thế nào, hay con nghĩ nó không có những thứ ấy ? Nếu nói rằng nó không thể được nghĩ như vậy, thì còn một phương diện thức giác nào đó về nó mà cái biết ấy không sanh không diệt v.v... ? Khi nhìn vào một tư tưởng, có phải tất cả tư tưởng là không, thoát khỏi mọi tạo tác tâm thức, không sanh không diệt ? Sau khi nhìn vào một tư tưởng, có phải nó hoàn toàn biến mất, không để lại dấu vết ? Mọi tư tưởng xảy ra, có phải chúng xuất hiện nhưng không thể nhận dạng (là giống cái này hay giống cái kia) ? Hãy nhìn. Nếu nói rằng chúng xuất hiện nhưng không thể nhận dạng được, bấy giờ ngay lúc sanh khởi, có hay không có một tư tưởng với sự tác động của nó ?

Không cùng là những câu hỏi với một tư tưởng như “Tôi thấy bạn tôi hôm qua.” Tư tưởng này đang ở đâu ? Nó đến từ đâu ? Nó tạo thành bằng cái gì ? Tư tưởng này có cùng hình dạng với người bạn của bạn và hình ảnh người bạn của bạn có là một với bản thân người bạn của bạn không ? Khi tư tưởng này qua đi, nó không để lại dấu vết như một đám mây tan biến trong bầu trời, hay nó để lại dấu chân như đứa bé đi trên bờ biển ? Nếu nói tư tưởng này không có những đặc tính và không thể tìm thấy, bấy giờ tư tưởng suy nghĩ như vậy là thế nào, ở đâu ? Nếu một người câm không thể diễn tả những tư tưởng của nó ra lời nói, điều đó có phải là nó không có những tư tưởng ?

Khi tra vấn tư tưởng như vậy, bạn có thể “hỏi đến chết”. Nếu bạn bị những tên trộm quấy rầy, làm phiền muộn, và bạn bắt được một tên và bạn quất nó công khai giữa đám đông, làm như thế vài lần, những tên trộm sẽ không dám có ý nghĩ đến với bạn nữa và bạn sẽ thoát khỏi chúng. Sự việc như vậy sẽ xảy ra với những tư tưởng của bạn. Hỏi liên lỉ như vậy sẽ làm chúng hết sức sống và chúng sẽ không dám đến nữa. Và chúng có trở lại, thì chúng cũng yếu sức, không bạo dạn nữa. Theo cách này bạn sẽ đến chỗ thấy bản tánh của tâm và những tư tưởng của bạn.

Sau khi một tư tưởng khởi lên hay con làm một tư tưởng khởi lên, hãy nhìn vào nó mà không bám chấp nó. Dù nó vui hay buồn, hãy nhìn vào bản tánh của cảm giác vui buồn đó. Bất kể con có nhiều tư tưởng bao nhiêu, hãy nhìn vào chúng. Khi một vọng tưởng khởi lên mạnh mẽ, như một trong năm độc (tham, sân, si, kiêu mạn hay đố kỵ), hoặc con làm khởi lên một vọng tưởng, cũng hãy nhìn vào nó. Hãy chắc chắn không gia thêm những ý niệm thổi phồng con gán lên từ bên trong, mà hãy nhìn thẳng vào vọng tưởng, đối tượng của tư tưởng đó (một hình ảnh của kẻ thù) và tư tưởng trực tiếp trước đó, rồi kiểm điểm xem vọng tưởng đó có khác gì tâm không.

Khi con thấy rằng bản tánh của tư tưởng là một cái tỉnh giác sáng tỏ, bấy giờ hãy nhìn xem có sự khác biệt nào giữa cái tỉnh giác sáng tỏ con đã thấy trước kia khi tâm an định và cái tỉnh giác sáng tỏ con thấy bây giờ nơi một tư tưởng. Nếu không thấy khác biệt, hãy làm tư tưởng ấy tan biến trở lại và an trụ trong một trạng thái tỉnh giác sáng tỏ.

Trong trạng thái này, nếu có một tư tưởng khác thình lình nổi lên, bấy giờ hãy nhìn thẳng vào thực tánh của nó để thấy nó không cách gì làm biến chất hư hoại cái giác bổn nguyên, bình thường của con.

Khi một ngọn sóng nổi lên và chìm xuống, trong nền tảng đại dương có biến đổi gì ? Một đám mây có ngăn ngại được bầu trời chăng ?

Đây là điều con phải thấy, thế nên hãy nhìn cho rõ.

Tóm lại, khi Guru và đệ tử làm việc cùng nhau đạt đến kết luận này về những tư tưởng khởi lên như thế nào (nơi đệ tử) và y hiểu chúng như thế nào, bấy giờ gốc rễ của vô minh bị cắt đứt và thật nghĩa đạt được. Đó là điểm thứ hai (của thiền quán) : nỗ lực trong những phương pháp để nhìn thẳng vào bản tánh của tâm chuyển động để thấy và nhận ra bản tánh của nó.

NHÌN VÀO TÂM PHẢN CHIẾU NHỮNG HÌNH TƯỚNG VÀ VÀO TÂM TRONG TƯƠNG QUAN VỚI THÂN

Tiếp theo, để nhận ra sự không tách biệt giữa tâm và những hình tướng xuất hiện, con phải nhìn vào tâm khi nó đang phản chiếu một hình tướng (trong một tri giác đơn thuần). Với cách thức nhìn và tư thế thân như trước, mắt hãy nhìn tập trung và chú ý nhất tâm vào một đồ vật đặc biệt, như một cái bình, hình ảnh của con trong một tấm gương, núi Tu Di hay một hình thể trong không gian trước mặt con. Hãy nhìn nó kỹ lưỡng. Thả lỏng sự tỉnh giác về nó một ít, rồi nhìn nó trở lại.

Cũng như thế, hãy nhìn vào bản tánh của một âm thanh đối tượng của nhĩ thức và xem có sự khác biệt nào trong bản tánh giữa một âm thanh dễ chịu và khó chịu, hay một âm thanh trầm nặng và nhẹ nhàng. Hãy nhìn vào âm thanh của giọng nói của chính con và của một người khác v.v... Tương tự hãy nhìn vào hương, vị, xúc – hãy nhìn vào bất cứ cái gì xuất hiện. Lúc ấy, có phải hình tướng là cái gì biến mất bằng cách thôi hiện hữu ? Khi phản chiếu một hình tướng, có phải tâm và hình tướng là hai vật tách biệt ? Có phải hình tướng đi từ bên ngoài vào tâm hay tâm đi ra nắm lấy một hình tướng và nghĩ “Ta đang phản ảnh nó ?” Thật ra, tâm và những hình tướng xuất hiện (trên nó) là không thể tách lìa (như một mặt gương và những hình ảnh trên gương). Như thế, chỉ có sự sáng rỡ của một hình tướng và tánh Không mà không có đối tượng nào thực sự hiện hữu.

Hãy nhìn vào thức (cái biết) đang làm công việc nhìn và vào năm loại đối tượng giác quan của thức, lần lượt từ sắc, thanh, hương, vị, xúc. Hãy nhìn xem có sự khác biệt nào giữa thức và sự xuất hiện của những đối tượng giác quan của nó hay không, và rồi tìm kiếm sự khác biệt giữa một xuất hiện (là đối tượng của một thức) và cái thức có sự xuất hiện đó như là đối tượng. Khi nhìn một vật, vật ấy có phải là cái gì ở bên ngoài kia, cứng đặc và thực có ?

Khi bạn nhắm mắt, vật kia có biến mất không ? Khi bạn lấy tay bịt mắt mình, sự sáng tỏ của hình tướng xuất hiện có mất đi chăng ?

Nếu con nói là không, bấy giờ không có sự khác biệt nào giữa cảnh và tâm và tâm đó có thể thấy rõ ràng cảnh không ngăn ngại, thoải mái, không nắm giữ cái gì như là đối tượng vật và trong đó không có cái gì xuất hiện thực sự. Nếu con nói không thể nghĩ là không có sự khác biệt giữa tâm và cảnh, mà cảnh là cái gì có thật ở bên ngoài, cứng đặc và thật có, bấy giờ cái tâm nghĩ như vậy là gì, ở đâu ? Hãy quan sát điều này.

Tương tự, hãy nhìn xem thân và tâm là như nhau hay khác biệt. Nếu chúng là một, thì thân là cái gì khởi diệt và tâm là cái gì bản tánh thường hằng, không sanh không diệt, làm sao có thể là một được ?

Dù những tri giác cũng như thân của bạn, thay đổi từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác và như vậy là vô thường, thì bản tánh của tâm là tánh giác trong sáng, rỗng rang, an lạc, là cái gì không thay đổi, thường hằng theo nghĩa không tùy thuộc nhân duyên hay hoàn cảnh. Bản tánh của tâm không khởi từ cái gì, từ nơi đâu khi bạn sanh ra hay thức dậy, cũng không diệt mất khi bạn chết hay ngủ. Tánh giác ấy trong bản chất vẫn là chính nó bất kể đối tượng nó biết là cái gì, là có hay không.

Và nếu thân và tâm là khác nhau, thì con có thể nhận biết được hai thứ tách biệt nhau. Nhưng tâm không phải là cái gì con có thể chỉ ra ở đây hay ở kia. Nó không hẳn ở trên hay phía dưới của thân thể, nó hoàn toàn thấm khắp thân. Sự kiện con có thể cảm nhận khắp thân đã nói lên điều đó.

Thân và tâm giống như cái nâng đỡ và cái được nâng đỡ (như cái tách và trà trong đó). Nhưng nếu con nói thân ở ngoài và tâm ở trong, như hai thứ tách biệt, như con người và áo quần của nó, bấy giờ khi có một cảm giác, con nghĩ chỉ có thân cảm giác, thì một xác chết cũng phải có những cảm giác. Nếu con nói chỉ có tâm là có cảm nhận, thì thân và tâm phải khác biệt và không liên quan gì nhau.

Bây giờ tâm là cái gì không thể bị giết hay bị tác động. Nếu khi thân con bị gai đâm, tâm con cảm nhận điều đó, bấy giờ khác nhau thế nào giữa điều này với ví dụ khi con đốt quần áo cũ, chẳng lẽ con đốt luôn người mặc quần áo ?

Khi con đâm chích thân, chẳng lẽ con cũng chích vào tâm ? Sau khi quán chiếu điều này triệt suốt, con phải đến một kết luận vững chắc.

Cụ thể, bạn phải xác quyết tâm và thân không phải một cũng không phải khác. Nói theo quy ước, chúng giống như cái nâng đỡ và cái được nâng đỡ, nhưng một cách tối hậu chúng không phải là hai cái hiện hữu tự thân chia xẻ nhau một tương quan như vậy.

Về điều này con cũng phải thấu hiểu rằng bất cứ cảm giác nào khởi lên đều giống như sóng và tâm con như nước. Vì khi con chú tâm vào sự thấu hiểu này con cắt lìa khỏi trạng thái này để đạt thực nghĩa của thật tánh của thực tại, nên con phải nhìn vào tâm con như thế ấy. Đó là điểm thứ ba của thiền quán.

NHÌN VÀO CÙNG LÚC TÂM AN ĐỊNH VÀ TÂM CHUYỂN ĐỘNG

Một lần nữa hãy an trụ tâm con trong một trạng thái sáng tỏ thanh tịnh và tánh Không và hãy nhìn vào bản tánh của nó. Bấy giờ hãy làm cho một tư tưởng khởi lên và nhìn vào bản tánh của nó. Hãy xem thấy bản tánh của hai cái này – tâm an định và tâm chuyển động – là đồng hay khác. Sau khi nhìn, nếu con thấy chúng là khác, thì chúng khác nhau thế nào ? Tâm an định và tâm chuyển động có liên tiếp lần lượt như những hạt khi con lần chuỗi hạt ? Tâm an định có giống như một cánh đồng và tâm chuyển động là lúa mọc trong đó ? Hay chúng giống như một cuộn dây và những sợi của cuộn dây đó và con không thể tách những sợi mà vẫn còn cuộn dây ? Nếu thế, thì khi tâm được an định không có tư tưởng nào khởi lên, nó cũng đang chuyển động, và khi tâm chuyển động, nó cũng đang an định ? Có một sự khác biệt lớn giữa tâm chuyển động có thể suy nghĩ ra mọi sự và tưởng ra không cùng các thứ và tâm an định an trụ không chút dao động. Nhưng nếu con nghĩ rằng hai cái là khác nhau trong bản tánh, thì đó là sự khác nhau về màu sắc, hình dáng... chăng ? Khác nhau về sanh, trụ, diệt, hay về quá khứ, hiện tại, tương lai, hay về thường và vô thường ? Hãy nhìn thấy chúng khác nhau thế nào.

Khi con biết qua tham thiền những tư tưởng thật sự là gì, bấy giờ con thấu hiểu bản tánh của cả hai tâm an định và tâm dao động chỉ là một. Cách thức của chúng là luân phiên sanh khởi, khi tâm an định thì không có gì chuyển động và khi tâm chuyển động thì không có gì an định. Như nước và các sóng, chính chỉ là tâm tác động và vận hành. Tất cả là chính nó. Khi con hiểu rằng cả tâm an định và tâm chuyển động không gì khác hơn là tánh Không sáng ngời, trong suốt, bấy giờ con có được chút hiểu biết.

Tâm như một tấm gương, nó luôn luôn cùng một sự sáng tỏ trống không dù có phản chiếu vật hay không.

Bây giờ khi con khởi ra một tư tưởng và rồi tham thiền, có phải tư tưởng đi vào trong một tánh Không sáng tỏ hay nó tan biến và sau đó nhường chỗ cho tánh Không sáng tỏ ?

Nói cách khác, có giống như bóng tối của đêm tan vào sự sáng tỏ của ngày ? Hay giống như bóng tối tan biến và nhường chỗ cho ánh sáng ban ngày ?

Hay là chính tư tưởng sống động là một tánh Không sáng tỏ ? Nếu con nghĩ rằng nó giống như một trong hai điều trên, con phải thành khẩn hỏi Guru và rồi nỗ lực quán chiếu một lần nữa, cố gắng thấy xác quyết những sự việc ấy thực sự là thế nào.

Những cách thức thấy bản tánh của tâm có thể làm theo ba loại.

Những cách này là nhìn vào tâm an định, tâm chuyển động hay nghĩ tưởng, tâm phản chiếu một hình tướng, tâm trong quan hệ với thân và tâm an định và tâm chuyển động cùng một lúc.

Những người nhảy băng phát triển quán trước rồi sau đó là định, hay đôi khi họ phát triển cả hai cùng lúc khi trước đó họ chưa làm cái nào. Có những người lập tức cùng lúc phát triển cả định và quán khi chỉ được dạy những mô tả về chúng. Đây là nhờ năng lực tu hành của họ ở những đời trước.

Điều này ám chỉ những năng khiếu từ những đời trước như ở những vị Lama tái sanh (Tulku).

Những người tiến bộ dần dần thì phát triển định và quán theo những cấp bậc. Ở đây sự giải thích nói ra dành cho loại sau và nó phải được dạy sau khi đánh giá những kinh nghiệm đệ tử đã trải qua.

Khi nhìn, con phải an trụ trong một trạng thái sáng tỏ không có bám trước nào, như một đứa bé nhìn những bức vẽ trong chùa. Hãy nỗ lực cao độ để nhìn theo cách này và từ bỏ giải đãi. Hãy xa lìa những ám ảnh hấp dẫn và không có những nhu cầu như trước kia. Hãy có một tâm từ bỏ và niềm tin, sự kính ngưỡng và tôn kính thương yêu đối với Guru của con. Hãy làm cho chánh niệm của con vững chắc để tâm con không đi lang thang và hãy thực hành trong một trạng thái không vọng lập giả tạo, không ràng buộc bởi những hy vọng hay lo toan. Hãy chỉ chú ý đến những kiếp tương lai của con mà không để cho mình đi vào những quan tâm cuộc đời bao giờ cũng thay đổi. Nếu con cố gắng nhìn vào tâm (với Động Lực Giác Ngộ của Bồ đề tâm), bấy giờ con có thể chứng ngộ nhanh chóng và chắc chắn tánh giác nguyên sơ của sự quán chiếu. Bởi thế hãy quyết trạch về tâm an định và tâm chuyển động. Đây là điểm thứ tư về thiền quán.

NHẬN RA BẢN TÁNH CỦA TÂM AN ĐỊNH

Nếu con tu hành bằng cách nhìn vào bản tánh của tâm như thế theo những chỉ dạy miệng về tâm, thì thực sự không cần vị Thầy phải làm cho con nhận biết bản tánh đó. Nó sẽ tự hiển lộ với con từ bên trong. Tuy nhiên có một số người không nhận ra nó dù điều đó đang xảy ra. Những người khác chỉ có một hiểu biết trí thức khô khan về nó do nghe và đọc và mặc dầu họ không chịu khai triển kinh nghiệm hoặc quán chiếu lại nói rằng họ có nó và diễn tả nó theo Thiền ngữ. Vị Guru phải có thể phân biệt những loại người này và về phần đệ tử phải thực hành bằng cách đem tất cả những chỉ dạy đó vào trong tâm mình.

Sau khi bạn đã khảo sát hay nhìn vào bản tánh của tâm và đạt đến một xác quyết về nó, bạn phải kinh nghiệm nó trong thiền và nhận ra kinh nghiệm theo điều bạn đã xác định trước đây. Bởi thế vị Guru là cần thiết, vì qua những đối đáp và chất vấn ngài sẽ dẫn bạn đến sự xác quyết về tánh của tâm bạn và ấn khả cho bạn khi bạn đã có một kinh nghiệm tham thiền chân thật hay một quán chiếu, một cái thấy rõ ràng về nó. Đây là điều có nghĩa là một vị Guru khai thị cho bạn, làm cho bạn nhận biết bổn tâm hay nói chính xác, giới thiệu cho bạn vào trong nó.

Sau đây là cách thứ nhất để làm cho những người mới học nhận ra bản tánh của tâm khi họ nhìn thẳng vào nó. Hãy nhìn vào bản tánh của tâm an định theo cách đã làm ở trước. Bản tánh của tâm an định là một cái sáng ngời, trong trẻo và sống động chứ không phải là một cái trống không vô vị. Trong trạng thái an định này có một cái biết sáng tỏ, rỗng rang, rực rỡ, lưu thông không thể định nghĩa. Con không thể nói nó giống cái này cái kia, có màu này, dạng kia... Nó không thể diễn tả bằng lời hay xác định là cái này cái kia. Dầu nó không thể nhận dạng, cái biết nguyên sơ, thanh tịnh, sáng rỡ, sống động soi chiếu rõ ràng mọi vật không ngăn ngại vẫn thường trực nơi con trong mọi lúc. Cái giác này không phải là cái gì trước kia con chưa từng thấy mà bây giờ mới thấy ; hay trước kia con chưa từng kinh nghiệm mà bây giờ mới kinh nghiệm.

Nó luôn luôn có mặt như vậy trong bất cứ hoàn cảnh nào, vì tánh của tâm là thường trụ.

Nhưng con phải biết từ những chiều sâu của lòng con rằng nó không thể chỉ ra hay nói giống thế này thế kia.

Nếu con chỉ có một hiểu biết khô khan, tự mãn của trí thức rằng nó là một trạng thái sáng tỏ và tánh Không trong sáng, rực rỡ, không thể định nghĩa, thì con sẽ không có tiến bộ nào. Bởi thế, chớ làm như vậy. Nhưng nếu sự thấu hiểu này được rút ra từ trong sự thực hành tham thiền của chính con, bấy giờ con thật sự đã có sự quán thấy sâu xa vào bản tánh của tâm an định. Bởi thế ngoài sự tham thiền rõ ràng trước mắt một cách có ý thức về bản tánh, không có cách gì để thấy nó.

Nếu vị Thầy giới thiệu con vào nó sớm quá, con sẽ bị kẹt vào vào cái hiểu trí thức khô khan và sẽ dần dần chán nản. Bấy giờ bất kể những thứ gì khác ngài cố giảng giải cho con, chúng cũng chỉ sẽ gây tai hại. Bởi thế vị Thầy không nên cố gắng làm cho con nhận biết tánh trước khi con đã sẵn sàng thấy tánh.

Nếu vị Thầy cố gắng làm cho bạn nhận ra tánh trước khi bạn đã có kinh nghiệm tham thiền nào, bạn sẽ chỉ có một cái hiểu trí thức. Bởi vì sự tự mãn của bạn, bạn sẽ trở nên khô chán, mất đi mọi cảm kích, mến phục sự sâu xa của những giáo lý. Cố chấp và hạn hẹp, bạn sẽ cảm thấy mình đã hiểu mọi sự và do đó sẽ làm hư hỏng mọi nỗ lực của Guru để dạy cho bạn. Như một tảng đá trong nước, bạn sẽ không hấp thụ thứ gì ngài nói và như vậy bạn sẽ không thể nào tiến bộ. Bởi thế tốt hơn là Guru nên giữ gìn không dạy bản tánh của tâm, vì e rằng ngài làm điều đó sớm sẽ làm đệ tử chán nản, khô kiệt.

Nếu con không cắt đứt dòng tư tưởng của con, con sẽ không thấy tánh của tâm an định. Nếu không thấy bản tánh này, con không thể nhận ra nó là gì. Và nếu không nhận ra nó, bấy giờ sự tham thiền của con sẽ không trở thành một con đường thật sự.

Khi con có những kinh nghiệm và những ân huệ tuyệt vời trong tham thiền, hãy nhìn vào chúng. Dù khi sự việc diễn tiến nghèo nàn, hãy cố gắng lập đi lập lại gia tăng sự sáng tỏ.

Nói cách khác, khi bạn đau đớn, chớ buông lung mà hơn nữa hãy nhìn vào bản tánh của cái tâm đang kinh nghiệm sự đau đớn đó và cố gắng tăng cường và chú tâm vào sự sáng tỏ của nó. Điều này tương tự với kỹ thuật được dùng để loại trừ vọng tưởng lang thang trong những thiền định quán tưởng tantra, cụ thể là tăng cường sự sáng tỏ của quán và những hoạt động lạc lõng của tâm thức sẽ biến mất.

Chỉ dạy những phương pháp để trau dồi loại thực hành như vậy gọi là giáo huấn bằng miệng. Khi con biết làm thế nào để tham thiền, đó gọi là giáo huấn bằng miệng kết thúc. Bấy giờ nếu con tu hành trạng thái này mà không có vọng động nào, thì sẽ không có khó khăn trong việc khai triển những kinh nghiệm và quán chiếu. Bởi thế, để chắc chắn đạt được bản tánh sau khi đã thấy nó và đã cắt đoạn mọi nghi ngờ của con, cần thiết có một Guru giới thiệu con vào nó (nói cách khác, làm cho con nhận ra nó).

Tổng quát, có hai điều cần trong tham thiền, là định và quán. Định là khi tâm con đã được đặt trong trạng thái tự nhiên, buông xả của nó và con đã có sự an trụ tâm trong trạng thái tự nhiên, sáng rỡ của nó sau khi mọi tư tưởng đã bình lặng trong chỗ của chúng (đã nhìn vào chúng ngay khi chúng sanh khởi). Tâm thức quy ước của con không buông lung trong động niệm nào về những ràng buộc của đời sống thế gian này. Nó an lạc và thanh tĩnh, tất cả vọng tưởng bình lặng trong một giấc ngủ ngon. An định nhất tâm vào bản tánh của đức hạnh, tâm con trụ bất cứ nơi đâu mà con đặt để nó bao lâu con muốn. Nó nằm dưới sự kiểm soát, điều khiển của con. Thậm chí con không cảm thấy hơi thở ra vào nữa. Nếu tham thiền của con như vậy, đó là một trạng thái đặc trưng của định.

Những kinh nghiệm và ân huệ vụt sáng của an lạc, sáng tỏ và vô niệm là rất quan trọng. Dù chúng không được coi như là những quán chiếu, nhưng con không thể quán chiếu nếu không có chúng. Nếu con trau dồi chúng mà không có bất kỳ bám luyến hấp dẫn nào và ở yên trong trạng thái định này mà không để mình sa vào bất kỳ loại hôn trầm, dao động hay vô ký nào, con sẽ đến chỗ biết và kinh nghiệm bản tâm con là gì – dù không thể diễn tả nó, vì nó vượt khỏi mọi ngôn ngữ, tư tưởng. Nó không thể nói, như lạc thú tình dục của một người trưởng thành trẻ tuổi. Là một hợp nhất của sáng tỏ và tánh Không, nó thoát khỏi mọi cực đoan do tâm thức tạo tác, và không thể định nghĩa. Nó không biến chất bởi bất kỳ tư tưởng ý niệm nào về Pháp. Nó không nhiễm ô bởi bất kỳ tư tưởng ý niệm nào thuộc thế gian. Nó không thể dính dáng với tư tưởng ý niệm nào, đó là một trạng thái vô niệm hay một trạng thái của định.

Một cái giác ở trong trạng thái của chính nó, ở nơi mức độ của chính nó, trong nơi chốn của chính nó được gọi là nguồn gốc của tất cả những phẩm tính thiện, tốt lành, cái tâm bình thường hay đơn giản, tâm. Nếu con không biết nó, con có vô minh hay không tỉnh giác và vòng sanh tử luân hồi. Nhưng nếu con biết nó, đó gọi là tỉnh giác, tánh giác nguyên sơ, Niết Bàn, tánh giác bổn nguyên của sự đồng thời, trạng thái bổn nguyên, Tịnh Quang, hay quán chiếu. Thế nên ngay đây con cần phân định rõ ràng khởi nguồn của sanh tử hay Niết Bàn.

Nếu bạn nhận biết tâm, nó là Niết Bàn ; nhưng nếu bạn không nhận biết tâm, nó hiện cho bạn sanh tử. Như thế bản tánh của sanh tử và Niết Bàn là một. Sự khác biệt của chúng tùy theo sự tỉnh giác của bạn về bản tánh của chúng hay không.

Khi Thầy của con đưa con vào bản tánh của tâm, con sẽ nhận biết nó như gặp một người bạn cũ bạn từng biết đã lâu. Một sự nhận ra như vậy gọi là nhận biết tâm. Tánh đó không phải là cái gì tạo ra bởi trí thông minh phân biệt lớn lao của đệ tử hay lời chỉ dạy miệng thiện xảo của một vị Thầy.

Nó luôn luôn có mặt ở đây và là cái gì bạn có thể nhận ra chỉ qua thực hành thiền.

Từ vô thủy tâm con vốn đã như vậy, nhưng vì vọng tưởng che mờ, nên con không nhận ra nó. Nhưng giờ đây dòng tư tưởng của con đã bị cắt và con được dẫn nhập vào nó, con biết nó.

Tâm là sự sáng tỏ nguyên thủy không thể ý niệm. Dù nó vô tự tánh, tuy nhiên nó tùy thuận cho những hình tướng trong sáng. Tính chất của tâm là vốn là tánh giác sáng tỏ, trống không. Nó nguyên sơ và tỉnh giác không hề gián đoạn. Đó là tánh. Khi con có một nhận biết rõ ràng về nó, hãy trau dồi sự nhận biết đó mọi lúc mọi thời không xao lãng. Những lợi lạc từ đó thì vượt ngoài mọi tưởng tượng.

Bởi thế khai triển quán chiếu thấu suốt vào tánh của tâm an định và nhận ra nó, đó là sự giới thiệu, khai thị thực sự đầu tiên của vị Thầy. Hãy đem nó vào lòng, thực hành nó và trau dồi, nuôi dưỡng nó một cách liên tục. Điều này cực kỳ quan trọng. Đây là điểm thứ năm của thiền quán : nhận ra tánh của tâm và hộ trì nó.

NHẬN RA BẢN TÁNH CỦA TÂM CHUYỂN ĐỘNG HAY TÂM NGHĨ TƯỞNG

Cách thứ hai nhìn vào bản tánh của tâm chuyển động hay tâm nghĩ tưởng làm cắt đứt gốc rễ của vô minh. Có hai điểm về việc này : (1) được giới thiệu vào tâm vô niệm và (2) được giới thiệu vào tâm chuyển động hay những tư tưởng. Cái thứ hai nói đến sự giới thiệu vào tâm chuyển động khi một tư tưởng đã khởi lên hay con làm cho một tư tưởng khởi lên.

Điểm thứ nhất như sau. Con đã nhìn vào tâm nguyên sơ, sáng tỏ, rực rỡ, vô niệm và an định, nó là một tánh tỉnh giác thoát khỏi hôn trầm và dao động. Con biết rằng bản tánh của tâm ấy không sanh không diệt, nhưng con không nghĩ một cách ý niệm, “Nó không sanh không diệt, không màu, không dạng...” Làm như vậy là sự quán chiếu thấu suốt vào tâm vô niệm.

Ý niệm hóa về vô tự tánh của trạng thái vô niệm của tâm là rơi vào một biên kiến làm cho vô tự tánh biến thành một “vật”.

Về điểm thứ hai, nếu con nói rằng mọi tư tưởng vốn là tánh Không không sanh không diệt, tức là con đã thấy tánh Không theo lối văn tự (và rơi vào chấp đoạn). Chúng thực là một sự sống động linh hoạt không lưu lại dấu vết, chúng không có sanh, có trụ, có diệt và không thể ý niệm như là màu sắc gì, hình dạng gì... Thấu hiểu rõ điều này là con đã khai triển được một ít hiểu biết. Hơn nữa, con phải nhận biết rằng chúng không thể nhận dạng như cái này hay cái kia và như thế mà không có suy nghĩ ý niệm, “Chúng không thể nhận dạng như thế này thế kia.” Và không có một bám trước hay mâu thuẫn nào (trong tâm con giữa những tư tưởng vừa là sống động và trống không, con phải nhận biết) rằng những tư tưởng ngay khi khởi lên tức là lặng dứt, cả hai việc đó rõ ràng là đồng thời (như hình vẽ trên mặt nước). Thêm nữa, con phải có sự quán chiếu rằng không có chút khác biệt nhỏ nhất nào giữa những tư tưởng và đối tượng của tư tưởng, giữa tâm khi an định và tâm khi chuyển động, giữa tâm quá khứ và tâm hiện tại, giữa tư tưởng quá khứ và tư tưởng hiện tại... Chúng đều là tánh giác sáng rỡ và trong suốt.

Khi con khởi ra một tư tưởng hay khi một tư tưởng tan biến, đó không phải là nó trở về tánh Không sáng tỏ. Hơn nữa, tư tưởng ngay khi đang khởi tự thân nó là tánh Không sáng tỏ. Khi con chứng ngộ hay có được cái quán chiếu này, bấy giờ con đã nhận ra bản tánh của tư tưởng.

Không có một chút khác biệt dù nhỏ nhất nào giữa trạng thái vô niệm và trạng thái quán chiếu chân thật vào sự kiện rằng những tư tưởng chuyển động, tâm an định và bản tánh của bản thân những tư tưởng cả ba đều trống rỗng, sáng tỏ và rạng ngời. Cho hai trạng thái đó khác biệt là một nhận xét của tâm thức chưa nhận ra chúng.

Trước kia, khi con chưa nhận ra bản tánh của những tư tưởng, con không thể đem chúng vào trong thiền định của con. Đó là vô minh. Nhưng giờ đây con đã nhận biết chúng, con có thể thiền định về chính những tư tưởng và như thế chúng trở thành tánh giác hay tánh giác nguyên sơ. Bây giờ con có thể lấy những tư tưởng làm gốc rễ của thiền định. Trước kia tự những tư tưởng che tối chính chúng, và bởi thế con không thấy được chúng.

Chúng quá dày đục, chúng che tối tự tánh của chúng. Nhưng bây giờ chúng trong suốt ; bạn có thể nhìn suốt qua chúng.

Thiền định hiện giờ này về những tư tưởng ý niệm được biết là đặc trưng hơn một cách đặc biệt so với thiền định về trạng thái vô niệm. Bởi thế bất cứ tư tưởng nào khởi lên, con cần xem nó như cái để nhận biết. Khi những tư tưởng không khởi, chúng ở trong trạng thái không sanh khởi này. Không cần gì gom chúng trở lại. Do đó, không lưu tâm gì đến hy vọng hay lo lắng, hãy đem chính những tư tưởng của con vào trong bản tánh của thiền định của con.

Những tư tưởng không gì khác hơn là tâm. Tâm này, rỗng lặng tự nhiên, là Pháp thân, bản tánh rỗng sáng, trong trẻo, trong đó không có cái gì được làm cho rỗng lặng hay cái gì làm cho rỗng lặng. Khi con đạt được cái quán chiếu này, lúc ấy con đã có sự quán chiếu thấu suốt vào tánh của tư tưởng. Con đã nhận biết Pháp Thân, nó là sự hợp nhất của Sáng Tỏ và Tánh Không.

Như thế bạn phải chứng ngộ rằng những tư tưởng chính là tánh Không sáng tỏ, khởi và lặng ngay cùng lúc, như một dấu tay trên mặt nước. Chúng không có kéo dài (trụ) và không có khoảng cách thời gian giữa khởi và lặng. Cũng không có không gian giữa hai tư tưởng như thể chúng là hai vật tách lìa nhau bởi khoảng không gian. Đây là cái gọi là “tự nhiên tịch diệt”, dịch theo nghĩa đen là “tự-giải thoát”.

Tóm lại, con phải nhận biết bất kỳ tư tưởng sanh khởi nào. Nhất tâm và không tạo tác, hãy chú tâm ngay vào thực tánh của chúng, không phóng dật, và tu hành trạng thái này. Đây là sự giới thiệu, khai thị thực sự thứ hai bản tánh của tâm bởi vị Thầy. Tuy nhiên, nhận ra bản tánh như vậy chưa đủ. Con phải hộ trì sự tương tục (của cái biết này). Đó là điểm thứ sáu của thiền quán.

NHẬN RA BẢN TÁNH CỦA TÂM PHẢN CHIẾU CẢNH VẬT VÀ CỦA TÂM TRONG LIÊN HỆ VỚI THÂN

Sự giới thiệu, đưa vào thứ ba là làm cho nhận ra bản tánh của tâm đang phản chiếu một hình tướng và đây là sự không thể tách rời của tâm và cảnh. Khi con nhìn vào loại nào trong năm trần cảnh (sắc, thanh, hương, vị, xúc), đối tượng là rõ ràng không ngăn ngại nhưng con không thể nghĩ nó là vật gì ở bên ngoài, cứng đặc và thực có, và tâm sống động đang nhìn nó thực sự không nắm bắt cái gì – cả hai cái này, tâm và cảnh không phải là một cũng không phải khác. Tuy nhiên con không nên tạo thêm ý niệm chúng không phải một cũng không phải khác.

Làm như thế tức là ngụ ý rằng “sự không phải cả hai” đó là một loại bản chất nội tại thực có trong chúng.

Tương tự, thân và tâm không phải là một cũng không phải khác. Chúng không thể tách rời, một hợp nhất của sáng tỏ và tánh Không, của hình tướng và tánh Không, như sự phản chiếu của mặt trăng trong nước.

Nếu sự phản chiếu hay hình tướng của mặt trăng trong nước và nước là một, thì khi bạn đặt tay trên nó, hình tướng phải còn đó. Nếu chúng là khác, bạn phải có thể lấy hình tướng của mặt trăng khỏi nước.

Hơn nữa, bất cứ cảm giác nào con có, như nóng hay lạnh, cũng chỉ là những hình tướng xuất hiện. Bởi vì con không nhận biết chúng là hình tướng và tánh Không hợp nhất, tâm thức con gán tên, đặt nhãn cho chúng và như thế con có vô số bám nắm. Nhưng ngoài sự gán tên đó, trên cấp độ tối hậu, bất cứ cảm giác thân tâm nào con có đều không có căn cứ thực hữu nào cho sự gán tên. Con phải có được sự quán chiếu này.

Trong một giấc mộng, bạn có một thân và bạn thấy nhiều hình tướng, chúng có vẻ như thực và hiện hữu tự thân. Nhưng khi bạn thức dậy, bạn thấy rằng tất cả là do tâm thức bạn và xuất hiện cho tâm thức bạn. Chúng không có căn cứ thực sự nào cho sự có mặt của chúng hay để cho bạn gán tên “đây là thân tôi” v.v... Cũng đúng như vậy với cái chết khi quy chiếu với những kinh nghiệm của đời sống bạn. Khi bạn thức dậy khỏi vô minh và thấy cái mà bạn cho là cụ thể và thực có thực ra chỉ là trống không mọi hiện hữu.

Tất cả mọi hình tướng, mọi cảnh đều từ tâm. Nếu bạn nghĩ có ma quỷ, bạn sẽ thấy chúng. Nếu bạn không tin nơi chúng, bạn sẽ không thấy chúng. Một lần Jetsun Milarepa đang thiền định trong một hang động, bỗng chú ý đến một lỗ hổng trên vách, ngài thầm hỏi không biết lỗ hổng đó có con ma nào trong đó chăng. Ý nghĩ vừa mới khởi thì một con yêu tinh cỡi trên một con hươu xuất hiện và hỏi ngài, “Tại sao ngài gọi tôi ? Sự chấp ngã của ngài truyền đến tôi. Hãy bình lặng tâm ngài và rồi tôi sẽ bỏ đi.” Tương tự như vậy, chính vì bạn ngu mê nghĩ rằng những hình tướng là những vật thực có, cứng đặc, “ở bên ngoài” mà bạn tin chúng hiện hữu như thế. Điều này không là gì ngoài sự mê tín.

Tất cả hình tướng là những phản chiếu của tâm, không có hiện hữu chân thật, nội tại như cái gì cứng đặc “ở bên ngoài”, hiện hữu tự chúng. Chẳng hạn, có những đại Lama đến Bồ Đề đạo tràng và thấy nó như một cõi trời và dân chúng ở đó là những hóa thần. Với một người ăn xin, nó sẽ xuất hiện như một địa ngục. Và với mỗi người trong họ, đấy là thực tại. Hãy xem một ly nước. Chúng sanh địa ngục thì thấy nó là nước đồng sôi, một quỷ đói thấy là mủ và máu, một con cá thấy là nhà ở, một người thấy là nước và một vị trời thấy là rượu tiên. Mỗi cái thấy này chỉ là một hình tướng xuất hiện cho tâm và từ tâm. Sự vật gì xuất hiện cho bạn, đó chỉ là tâm bạn. Tất cả mọi hình tướng xuất hiện cho tâm và từ tâm, bởi vì chúng xuất hiện như là thật và “ở bên ngoài”, trong khi thực ra không phải như vậy.

Hãy xem một người mặc cùng một bộ quần áo dày vào mùa hè và mùa đông. Mùa hè thì anh ta cho chúng là nặng, mùa đông thì mỏng và nhẹ. Đâu là căn cứ cho sự gán ghép này ? Không thể có một căn cứ hiện hữu cho tự thân áo quần : đó hoàn toàn là hình tướng. Với mọi cảm giác đều như vậy.

Bất cứ hình tướng nào xuất hiện trước mặt con (như một ngón tay chẳng hạn), hãy nhìn vào nó và chú tâm vài phút. Rồi thư giãn sự chú ý một chút. Ban đầu mọi chi tiết còn sắc nét. Nhưng sau một lúc, hình ảnh phai dần ngay nơi chỗ của nó hoặc do con chán hay không muốn nhìn nữa, hoặc mắt con mờ và chảy nước mắt. Nhưng khi con nhìn vào nó một chút nữa, một hình tướng sống động không thể nắm bắt lại hiện ra. Nó lại đến vào chỗ cũ của nó.

Đến đây con cần thấu hiểu rằng tâm của con và những hình tướng đến với tâm và từ tâm là chẳng thể tách biệt. Chúng là sự hợp nhất của hình tướng và tánh Không, rõ ràng mà không có đối vật. Bởi vì có hình tướng phản chiếu này của thực tánh thường trụ của thực tại, cũng được biết như là đặc trưng hiển lộ của tâm, không có hai sự vật tách biệt, khác nhau – tướng bên ngoài và tâm bên trong. Sự vinh quang của chính tâm khởi lên không ngăn ngại : tất cả là như vậy.

Những hình tướng xuất hiện như là những đối tượng để nắm lấy và các thức nắm lấy chúng, cả hai đều là sự khởi sanh của mê lầm. Vào lúc đó, những hình tướng này không thể xem là tách rời một bên, ở ngoài ; chúng xuất hiện vì chúng là sự tự-mê lầm của tâm. Bởi thế, tâm chính là những hình tướng. Ngoài tâm ra, không có vật gì như là một hình tướng có thể được kiến lập dù cho ở cấp độ vi tế nhất có được hiện hữu tự thân như là một đối vật tách biệt.

Một bù nhìn thấy ở xa xuất hiện như một người. Hình tướng xuất hiện này là cái gì, trừ phi đối với tâm bạn ?

Trước kia, vì vô minh hay sự bám nắm của tâm che ám, con không thể thấy điều này. Nhưng bây giờ dòng tâm thức ý niệm bám nắm đã bị cắt đứt, con có thể nhận ra tự tánh của tâm và không có cảnh. Không bám níu vào những hình tướng, con thấy rằng những hình tướng rỡ ràng và rỗng lặng và không làm gì có đối vật. Chúng là những tia sáng của Pháp thân, những hình tướng xuất hiện khởi lên đồng thời với tánh Không, như một chồi cây và cái bóng của nó.

Như thế khi một người bạn của bạn xuất hiện trước bạn, hãy nhìn đích xác hình tướng của anh ta và an trụ trong cái ở đây và bây giờ. Chớ nghĩ, “Ồ, anh ta thật là một người bạn tốt”, hay “Quả là một người bạn quá quắt, anh ta không hề viết thơ.” Chớ bám vào một ý niệm về nhân vật này như là một quan niệm không thay đổi, hiện hữu nội tại, cứng đặc và thực có. Hãy rộng mở rỗng rang, tươi mới và tự nhiên, không hy vọng, lo toan hay thành kiến và hãy chứng nghiệm sự bất khả phân của hình tướng và tánh Không. Hãy an trụ với hình tướng rỗng không của nhân vật và không trụ vào những ý niệm cố định.

Bây giờ hãy hộ trì tánh giác này mà không có bất kỳ tạo tác nào. Hãy thả dây cương cho sáu căn, trần, thức và trau dồi sự thực hành với bất kỳ cái gì xuất hiện với tâm.

Sáu căn, trần, thức là thức, năng lực nhận thức và những đối tượng của các khả năng thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc và suy nghĩ. Chứng nghiệm rằng một thức và một căn và một trần cả ba đều tương thuộc, không có tự tánh riêng và cần thiết cho một nhận thức, như vậy chỉ thoải mái buông xả và tỉnh giác với bất cứ cái gì xảy đến.

Với tâm thức thoải mái và thong dong trong trạng thái này, hãy an trụ không tạo tác trong thực tánh của thực tại. Chớ cố gắng thành tựu an lạc, sáng tỏ, tánh Không hay cái siêu việt. Không đeo bám quá khứ. Không nghĩ đến tương lai. Không có những tư tưởng về hiện tại. Không thiền định bằng ý niệm tri thức. Để tâm con ở nơi cấp độ của nó, cội nguồn của nó, lưu thông tự do trong cái bây giờ và ở đây, không một chút cố gắng hay lo toan, hãy an trụ trong trạng thái tự nhiên của bản tâm. Hãy đặt mình trong trạng thái bất nhị của hình tướng và tánh Không, bất nhị của âm thanh và tánh Không, bất nhị của an lạc và tánh Không, bất nhị của tánh giác và tánh Không, bất nhị của sáng tỏ và tánh Không. Khi con hiểu với tri giác thuần túy, trần trụi sự bất nhị của hình tướng và tánh Không như vậy, nói rõ ra là những hình tướng hiển lộ không ngăn ngại nhưng không thể nắm bắt như thế nào, bấy giờ con có quán chiếu thấu suốt vào những hình tướng (phản chiếu trong tâm). Con đã nhận ra Pháp Thân, nó là sự hợp nhất của tánh Không và hình tướng. Nếu con hộ trì tương tục trạng thái này, con sẽ khai triển những kinh nghiệm và huệ quán vững chắc và thiêng liêng. Nhận ra bản tánh của tâm phản chiếu các hình tướng xuất hiện là sự giới thiệu, khai thị thứ ba. Đó là điểm thứ bảy của thiền quán : hãy trau dồi sự thực hành của con theo cách này.

NHẬN RA CÙNG LÚC BẢN TÁNH CỦA TÂM AN ĐỊNH VÀ TÂM CHUYỂN ĐỘNG

Tiếp theo là sự giới thiệu vào sau khi đã nhìn thấy tâm an định và tâm chuyển động là một hay khác. Khi con đã phân tích tâm an định và tâm chuyển động là một hay khác, con hiểu từ bản tánh của hai cái để làm thế nào đem những tư tưởng vào tham thiền, vì hai tâm ấy chỉ là một. Cách thức hiện diện của chúng là chúng lần lượt nối nhau. Khi tâm an định, nó không chuyển động và khi nó chuyển động, nó không an định. Nhưng tác nhân cho cả hai chỉ là tâm độc nhất và bản tánh của cả hai là sáng tỏ, rỗng rang sáng ngời. Không có gì ngoài tâm tánh ấy.

Hơn nữa, không phải sau khi con khởi lên một tư tưởng mà con mới thấy sự rỗng rang sáng ngời đó. Cũng không phải tư tưởng biến mất thì nó tan vào tánh Không sáng tỏ hay có tư tưởng khác thế vào chỗ của nó. Hơn nữa, những tư tưởng bất chợt khởi lên chính bản thân chúng là tánh Không sáng tỏ. Khi con đạt được cái quán chiếu hay hiểu biết này, con biết tánh thường trụ của tâm.

Trạng thái an định và trạng thái chuyển động có thể ví như những ngón tay của cùng một bàn tay.

Cả hai đều cùng một bản tánh như bàn tay, nhưng nếu là ngón này thì không phải ngón kia.

Khi tâm an định, nó là một cái rạng rỡ trong sáng trong trạng thái vô niệm. Khi nó chuyển động với những tư tưởng, bản tánh của chính những tư tưởng này là cái rỗng không rạng rỡ. Không có gì khác ngoài cái ấy.

Khi con có quán chiếu rằng mọi hình tướng, mọi cảnh chỉ là những vẽ vời của tâm như những sóng trên nước và rốt ráo không thể kiến lập như một hiện hữu thật sự, độc lập, đây là sự nhận ra những hình tướng là tâm. Khi con phân tích bản tánh của tâm này để thấy nó có đi, có ở, có đến hay không và có quán chiếu rằng tâm không thể kiến lập như có đi, có ở, có đến, như ngựa, voi trong mộng, rốt ráo không có hiện hữu thực sự, đây là sự nhận ra tâm là tánh Không.

Hơn nữa, khi con có quán chiếu rằng những hình tướng khác nhau tự nhiên khởi lên từ tánh Không sáng tỏ thanh tịnh mà không ngăn ngại như mặt trăng trong nước, đây là sự nhận ra tánh Không là tự nhiên khởi. Tánh giác rỗng sáng tự nhiên khởi lên này tự tại với mọi tạo tác của tâm thức, không biến đổi, không tách lìa ngăn che với Đại lạc và nó tự nhiên khởi lên như vậy. Khi con tin chắc rằng nó khởi lên và lặng xuống ngay cùng khoảnh khắc như sự cuốn lại và mở ra của một con rắn, đây là sự nhận ra tự khởi và tự lặng đồng nhất.

Cái tâm mà con cần nhận biết là cái giác bình thường, nó có thể tưởng ra bất cứ cái gì và mọi sự, cái giác đó là hoàn toàn giác và hoàn toàn vô ngại tùy duyên. Bản thân nó được gọi là sự hợp nhất của sáng tỏ và tánh Không, Đại Lạc, Đại Ấn, cái Ấn Vĩ Đại của tánh Không. Khi con nhận ra nó, đây gọi là quán chiếu của Đại Ấn. Bởi thế hãy đặt tâm con vào trạng thái tánh giác của chính nó mà không có gì để thiền định về và không để cho nó lang thang dù chỉ một khoảnh khắc. Hãy buông xả và thong dong không có bất kỳ hy vọng và lo sợ nào, hy vọng thiền định của con sẽ tốt hay sợ nó sẽ xấu. Do hộ trì trạng thái tự nhiên của cái giác bình thường của con, con sẽ nhìn thấy trong khoảnh khắc này của tại đây và bây giờ Đại Ấn của tánh Không như sự mở rộng trong sáng của không gian quang đãng.

Bây giờ định đã được hòa nhập với quán, những kinh nghiệm cao cả và những quán chiếu siêu việt sẽ xảy ra. Đây là thực sự đi vào con đường Giải Thoát. Tánh Không là sự hiện hữu của tâm, sáng tỏ là đặc tính biểu lộ của tâm, và sự hợp nhất của hai cái ấy là bản tánh của tâm. Có nhiều tên để gọi cái sáng rỡ sống động này với bản tánh an lạc, sáng tỏ và trần trụi (vô niệm). Nó vượt khỏi mọi biên kiến của tâm thức tạo tác như tốt hay xấu, sanh, trụ, diệt, có và không, thường hay vô thường, nó vượt khỏi mọi ngôn ngữ, tư tưởng, không thể định nghĩa nhưng có thể kinh nghiệm. Nó được gọi là tinh túy của tánh giác nguyên sơ vĩ đại, cái hiện tiền tự nhiên vĩ đại, tánh thường trụ của cách thức trong đó mọi vật hiện hữu, tánh giác thanh tịnh, bản tánh chân thật của mọi sự vật, tánh bình đẳng của của sanh tử và Niết Bàn, là Đại Lạc, Phật tánh, trí huệ ba la mật, toàn giác, tánh Không thường trụ tối thượng...

Bởi vì mọi vật được hiểu bởi tâm nên cái đó được gọi là Duy Tâm. Bởi vì nó thoát khỏi mọi cực biên hay ở giữa, nên gọi là Trung Đạo. Bởi vì nó khó hiểu đối với mọi người, nên nó là cái che dấu, hay Tantra bí mật. Bởi vì nó phá hủy mọi vọng tưởng mê lầm, nên gọi nó là Kim Cương thừa. Bởi vì nó thấy tinh túy của Phật quả, nó gọi là Pháp Thân.

Tóm tắt, cái mà con phải nhận biết thì thoát khỏi mọi thi thiết giả tạo của tâm thức vốn bám lấy nhị nguyên, nói cách khác đó là tánh giác nguyên sơ của bất nhị, tánh bình đẳng của sanh tử và Niết Bàn, Đại Lạc thoát khỏi tạo tác nhân duyên, Đại Ấn của tánh Không. Hơn nữa, con phải trôi nổi trên đại dương sanh tử với cái nhìn thành tâm và sự kính trọng thương yêu (đối với Guru của con), người mà con xem là cốt yếu để sống còn. Rồi hãy liên tục ở cạnh ngài để xin gia hộ mà không bao giờ cảm thấy đủ. Và rồi hãy tin chắc sự gia hộ và những ban phước của ngài đổ xuống trên con.

Khi con nhận ra rằng có cái tánh sáng rỡ rõ ràng này như là phần của bản thân con, không ngăn che, không ẩn kín, hiện tiền rõ ràng, con đã đạt đến Đại Ấn nền tảng. Nhìn vào tánh ấy là Đại Ấn con đường. Chứng ngộ tánh ấy hoàn toàn tin chắc là Đại Ấn quả. Bởi thế hãy hoan hỷ tự tu theo như vậy.

Bây giờ sự có được thân người đã trở thành có ý nghĩa. Con đã thực sự bước vào con đường Giải Thoát và làm cho sanh tử có lúc kết thúc. Bởi thế hãy tham thiền tốt và với sự vui mừng, và trau dồi như vậy trong một thời gian dài. Điều ấy cực kỳ quan trọng. Đã nhìn vào tâm an định và tâm chuyển động và đã được đưa vào bản tánh của chúng, con đã nhận ra rằng những hình tướng là tâm, tâm là tánh Không, tánh Không là tự nhiên tự khởi tự lặng, nghĩa là Tịch Diệt. Đây là Đại Ấn, ngón tay chỉ thẳng Pháp Thân. Hãy trau dồi sự thực hành đại ấn liên tục. Hãy theo nó cho đến cùng. Không để cho nó chỉ là một kiến thức khô cứng, hãy chắc chắn đặt nó lên dòng tâm thức của con. Đây là điểm thứ tám của Thiền quán.

TÓM TẮT

Đây là phần chính của bản văn, giới thiệu vào định và quán. Trước hết con cần tập trung vào việc thấy tánh của tâm và rồi dần dần con sẽ nhận ra nó tùy theo những kinh nghiệm khai mở và sự hiểu biết về những kinh nghiệm đó. Tất cả chúng đều tương quan với nhau. Trong những bản văn khác, có thể có những khai thị phù hợp với mỗi cách với những kinh nghiệm sanh khởi và được hiểu, điều đó là đúng. Nhưng ở đây ta đã liên kết sự khai thị hợp với bốn cách nhìn và không dùng nhiều lời. Những đưa vào này phù hợp với những quán chiếu chân thật và đạt đến thật nghĩa, phải được phối hợp và áp dụng bởi từng cá nhân theo căn cơ và những quán chiếu tiến bộ của nó. Điều ta đã viết ra, phù hợp với cách thức chung nhờ đó những kinh nghiệm khai triển và những chứng đắc đạt được.

Nếu từ ban đầu con được giới thiệu, khai thị về bản tánh (trước khi con đã sẵn sàng), sự khai thị có thể làm con nhàm chán. Nếu một người đã quen với Pháp trở nên nhàm chán, những kinh nghiệm và quán chiếu sẽ khó phát triển nơi dòng tâm thức của nó. Bởi thế ta đã sắp đặt cách sự giới thiệu, khai thị được làm như ở đây để loại bỏ mối nguy hiểm kia. Đến đây kết thúc phần chánh của sự thực hành.

---o0o---

Ảnh: Nguồn Internet.

 

Bài viết liên quan