TÍNH KHÔNG KHÔNG PHẢI LÀ KHÔNG CÓ GÌ - SỐNG CHẾT MỖI NGÀY -YONGEY MINGYUR RINPOCHE, HELEN TWORKOV

TÍNH KHÔNG KHÔNG PHẢI LÀ KHÔNG CÓ GÌ - SỐNG CHẾT MỖI NGÀY -YONGEY MINGYUR RINPOCHE, HELEN TWORKOV

----o0o----

Tâm là trống rỗng, thân là trống rỗng, cảm thọ là trống rỗng, nhưng chẳng phải là không có gì. Những con sóng nổi lên trong hình thức của cảm xúc, tham muốn và sân hận cũng đều trống rỗng, và năng lực của chúng cũng trống rỗng.
TÍNH KHÔNG KHÔNG PHẢI LÀ KHÔNG CÓ GÌ - SỐNG CHẾT MỖI NGÀY -YONGEY MINGYUR RINPOCHE, HELEN TWORKOV

Tâm là trống rỗng, thân là trống rỗng, cảm thọ là trống rỗng, nhưng chẳng phải là không có gì. Những con sóng nổi lên trong hình thức của cảm xúc, tham muốn và sân hận cũng đều trống rỗng, và năng lực của chúng cũng trống rỗng. Nhưng lực trống rỗng của những con sóng trống rỗng đó có quyền năng trống rỗng để đánh đổ một tâm thức về bản chất cũng là trống rỗng nhưng lại không tự biết về mình, và luôn bị nhồi nhét đầy những ý tưởng. Tuy nhiên, nếu chúng ta không tự vẽ lên những câu chuyện xung quanh các con sóng, thì sẽ thấy sóng cũng là nước, và sóng nước trống rỗng lại tan hòa vào đại dương trống rỗng, như nước đổ vào nước vậy. Không có gì to tát. Bản thân những cảm xúc không phải là vấn đề. Vấn đề nằm ở cách ta tương tác với những cảm xúc ấy.

Khi tỉnh dậy khỏi một giấc mơ, chúng ta có thể khóc cười, la hét và tin rằng chúng không có thực, trong khi cho rằng nỗi sợ hãi, hoảng loạn, niềm kiêu hãnh và sự xấu hổ đều là thực. Chúng ta đặt mình vào trong giấc mơ và nói: Đây không thật là tôi. Còn khi đặt mình vào trong nỗi sợ hãi và mê mờ thì quả quyết rằng: Đây thực sự là tôi.

Cơ thể này có thực hay không? Liệu có thứ gọi là cái tôi “thật” hay cái tôi “giả” không? Nagaseng nói rằng tên của ngài, danh vị, các bộ phận của cơ thể... đều không phải là giả. Tương tự như vậy, cái tên, thân thể, nỗi sợ hãi hay những phiền não của tôi cũng không là giả. Thuật ngữ vô ngã không có nghĩa “cái ngã giả”. Dẫu vậy, nó không thật theo cách mà chúng ta nghĩ. Chúng ta và vạn vật ở thế giới xung quanh đều không chắc thật, độc lập và thường hằng như vẫn tưởng. Nhận thức của chúng ta mới là giả. Các đối tượng của nhận thức không gia cũng không thật.

Hàng triệu người chết mỗi năm, nhưng nếu chúng ta, hoặc ai đó thân thiết được chẩn đoán mắc bệnh hiểm nghèo, chúng ta sẽ hỏi: Tại sao lại xảy ra chuyện này? Một câu hỏi còn đáng kinh ngạc hơn nữa đó là: Tại sao chúng ta có thể giữ mãi một cái nhìn rõ là sai lệch như vậy? Tay ta không thể giữ lấy nó, dây xích không thể cột nó lại, nhưng chính tâm thức này có đủ sức mạnh để giam hãm những nhận định vô cùng sai lệch của chúng ta về chính mình. Chỉ có một trở ngại duy nhất ngăn cản tôi thấy được tính không của mình, đó chính là những đám mây tâm đang bị mắc kẹt trong sự đóng khung của nỗi xấu hổ, sự bám chấp vào danh vị và việc chưa đủ khả năng hay chưa sẵn sàng để cho những đám mây này trôi qua. Biết như vậy thôi thì chưa đủ để có được tự tại, nhưng nó cho tôi thêm nhiệt huyết để thêm củi vào lửa.

Để nhận ra cuộc đời là sự đổi thay, chúng ta chỉ cần nhìn lại chính mình và những người xung quanh là sẽ có thừa thông tin để thấy rõ. Nhưng chúng ta không muốn thấy điều này, và chính sự khước từ đó mang tới dukkha – được dịch là “khổ đau”. Dukkha bao gồm nhiều khía cạnh, từ dằn vặt, đau đớn cho đến bất mãn, lo âu, kích động và bực mình. Mỗi một cấp độ phản ánh một trạng thái tâm phiền nhiễu khởi sinh khi chúng ta có thay thế thực tại “như nó là” bằng điều chúng ta “muốn nó là.

Kinh nghiệm dạy tôi rằng, cho dù bản thân vỡ ra bài học này rồi nhưng những thói quen cũ sẽ quay trở lại và chúng ta phải học lại nó, nhiều lần như vậy. Nghĩ đến những thói quen lừa lọc của tâm làm tôi nhớ đến một sự kiện xảy ra từ thời thơ ấu ở Nubri. Ngôi nhà của chúng tôi nằm ở đỉnh đồi, còn bọn con trai đồng lứa với tôi sống bên dưới. Cách bí mật để chúng tôi gặp nhau là tôi sẽ lẩn khỏi nhà, khum tay lên miệng và tạo thành tiếng con chim gọi đàn cúc-cu... cúc-cu... Nếu lũ bạn nghe thấy, họ sẽ cúc-cu lại và cả bọn cùng chạy đến một lùm cây nằm ẩn mình dưới những tán cây cao. Cành lá của chúng đã bện lại với nhau theo thời gian, một số tạo thành hình vòm cung, số khác móc vào nhau hoặc uốn cong xuống mặt đất.

Trong lùm cây, chúng tôi sẽ thi nhau để xem ai có thể trèo cao nhất và nhanh nhất. Giống như một con khỉ, tôi treo người lên cành cây bằng một tay, rồi đu lên những cành cao hơn nữa. Một ngày nọ, khi tôi đang đu từ cành này qua cành khác thì bỗng dưng nghe thấy một tiếng “rắc” thật to. Tôi ngã uỵch xuống đất bằng lưng với vật y phủ kín mặt, trong tay còn đang nắm một cành cây bị gãy. Cuối cùng, khi gỡ được vạt áo ra khỏi đầu, tôi thấy bà tôi đang đứng ngó chằm chằm. Tôi nằm yên không động đậy, chờ đợi bà mắng vì đã lén bỏ ra ngoài. Thay vào đó, bà ôn tồn nói: Đưa cho bà cành cây kia. Bà sẽ chỉ cho con một điều. Tôi ngồi dậy và đưa cành cây cho bà. Bà nói với tôi: Con tin rằng cành cây này rất khỏe và chắc, nhưng con hãy nhìn xem. Bên dưới lớp vỏ cây, phần gỗ đã bị mục ruỗng và mủn như bùn.

Những ngày tiếp theo, tôi dành hàng giờ để nghĩ về cái cây đó, cố gắng hiểu rằng mọi sự không giống như cách chúng hiện hữu. Đôi mắt đã lừa dối tôi. Cái cây đã phản bội tôi. Nếu tôi không thể tin vào vẻ ngoài của sự vật, vậy thì phải biết dựa vào đâu?

Tôi muốn có sự chắc chắn. Tôi muốn cái cây hứa rằng nó sẽ không gãy, rằng tôi sẽ không ngã. Làm thế nào chúng ta có thể sống trong một thế giới không có sự chắc chắn đây? Nơi mà không có bất cứ một thứ gì đáng tin cậy dù chỉ trong một giây? Thật là một ý tưởng khó có thể chấp nhận.

 Sau lần đó, mỗi khi tranh đua với những cậu bé khác, tôi phải nắm thử những cành ở trên cao trước khi nhả tay khỏi cành thấp. Nhưng nói chung, trải nghiệm này đem tới một bài học mà tôi cần phải học đi học lại. Làm thế nào để thấy cái cây không chỉ là một vật, mà giống một quá trình, một thực thể sống đang lớn lên, già đi, chết và chuyển hóa? Thế còn những người ta yêu thương nhất, hoặc... chính chúng ta thì sao?

Những bài học về vô thường không thể thẩm thấu qua một đêm. Những thói quen của chúng ta đã trở nên thâm căn cố đế. Chúng ta học, có được hiểu biết sâu sắc, nhưng lại không áp dụng, hoặc quá sợ hãi. Đức Phật đã chỉ ra sự lầm tưởng vô thường là thường hằng là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới khổ đau. Ngài được tôn xưng là bậc Đại Y Vương, người đã trao phương thuốc chữa lành cho căn bệnh luân hồi. Nhưng cho tới khi nào còn chưa thấy rõ căn bệnh của chính mình, ta sẽ không đón nhận phương thuốc chữa lành ấy.

----o0o----

Trích: "Sống Chết Mỗi Ngày”

Yongey Mingyur Rinpoche, Helen Tworkov

Sen Xanh Dịch

Nhà Xuất Bản Hà Nội – Thái Hà Book

Ảnh: Internet

 

Bài viết liên quan