CHÚNG TA LUÔN CÓ NIỀM VUI - YONGEY MINGYUR RINPOCHE

CHÚNG TA LUÔN CÓ NIỀM VUI

YONGEY MINGYUR RINPOCHE

---o0o---

Mặt trời không ngừng chiếu sáng chỉ bởi vì có những đám mây trên bầu trời. Phật tánh của chúng ta luôn hiện hữu và có hiệu lực, ngay cả khi cuộc sống gặp khó khăn.
CHÚNG TA LUÔN CÓ NIỀM VUI - YONGEY MINGYUR RINPOCHE

Yongey Mingyur Rinpoche( sinh năm 1975) là một đạo sư dòng truyền thừa Kagyu và Nyingma của Phật giáo Tây Tạng. Mẹ ngài là hậu thế của hai vị vua Tây Tạng là Songtsen Gampo và Trisong Deutsen. Cha ngài là Tulku Urgyen Rinpoche - người được xem là một trong những đại đạo sư truyền giảng Dzogchen - Đại Toàn Thiện vào thời của ngài.

Yongey Mingyur Rinpoche là người hướng dẫn của Cộng đồng Thiền Tergar, một mạng lưới toàn cầu gồm nhiều nhóm và trung tâm thiền định.

-----------------

Mặt trời không ngừng chiếu sáng chỉ bởi vì có những đám mây trên bầu trời. Phật tánh của chúng ta luôn hiện hữu và có hiệu lực, ngay cả khi cuộc sống gặp khó khăn. Trong cuốn sách của mình, Trí huệ Vui vẻ, Yongey Mingyur Rinpoche chỉ cho chúng ta cách khám phá niềm vui và tánh giác vốn không bao giờ bị ảnh hưởng bởi những thăng trầm của cuộc sống.

Khi giảng dạy cho các nhóm lớn, tôi thường gặp phải một vấn đề khá xấu hổ. Cổ họng của tôi bị khô khi tôi nói chuyện, vì vậy tôi có xu hướng uống cạn ly nước của mình khá sớm trong buổi dạy. Lúc nào mọi người nhận thấy rằng ly của tôi đã cạn thì họ cũng rất vui lòng đổ đầy lại. Khi tôi tiếp tục nói, cổ họng tôi lại khô đi, tôi uống hết ly nước, và sớm hay muộn, ai đó lại rót đầy ly cho tôi. Tôi tiếp tục nói hoặc trả lời các câu hỏi, và lại một lần nữa có người rót đầy ly cho tôi.

Sau một thời gian — thường là trước khi buổi học dự kiến kết thúc — tôi nhận ra một cảm giác khá khó chịu, và một suy nghĩ thoáng qua trong đầu tôi: Ôi trời, buổi học này còn một tiếng nữa và tôi phải đi tiểu.

Tôi nói thêm một chút, trả lời một vài câu hỏi và liếc nhìn đồng hồ.

Bây giờ còn bốn mươi lăm phút và tôi thực sự phải đi tiểu.

Nửa giờ trôi qua và cảm giác muốn đi tiểu thực sự trở nên dữ dội. Ai đó giơ tay và hỏi, "Sự khác biệt giữa tánh giác thanh tịnh và sự tỉnh giác có điều kiện là gì?"

Và bây giờ tôi thực sự phải đi tiểu.

Câu hỏi này đi vào trọng tâm của lời dạy của Đức Phật về sự thật cao quý thứ ba. Thường được dịch là "sự thật về sự hoại diệt" (Diệt Đế), cái hiểu thấu suốt thứ ba về bản tánh của kinh nghiệm cho chúng ta biết rằng những hình thức đau khổ khác nhau mà chúng ta trải qua có thể được kết thúc.

Nhưng bây giờ tôi THỰC SỰ, THỰC SỰ phải đi tiểu.

Vì vậy, tôi nói với anh ấy, "Đây là một bí mật vĩ đại, mà tôi sẽ nói với bạn sau khi nghỉ giải lao một chút."

Với tất cả phẩm giá mà tôi có thể triệu tập, tôi đứng dậy khỏi chiếc ghế mà tôi đã ngồi, từ từ đi qua hàng người cúi chào, và cuối cùng đi vào phòng tắm.

Bây giờ, đi tiểu có thể không phải là ý tưởng của bất kỳ ai về một kinh nghiệm giác ngộ, nhưng tôi có thể nói với bạn rằng một khi tôi làm rỗng bàng quang, tôi nhận ra rằng cảm giác nhẹ nhõm sâu sắc mà tôi cảm thấy trong khoảnh khắc đó là một ví dụ thích hợp cho sự thật cao quý thứ ba: sự nhẹ nhõm đó đã luôn ở trong tôi như thể là những gì bạn có thể gọi là một điều kiện cơ bản. Tôi chỉ không nhận ra nó vì nó tạm thời bị che khuất bởi toàn bộ lượng nước đó. Nhưng sau đó, tôi đã có thể nhận ra và đánh giá cao nó.

Đức Phật đề cập đến tình trạng khó xử này với một ví dụ tương tự khác nhưng nghiêm túc hơn, trong đó Ngài so sánh bản tánh cơ bản này với mặt trời. Dù luôn chiếu sáng nhưng mặt trời thường bị mây che khuất. Tuy nhiên, chúng ta chỉ có thể thực sự nhìn thấy những đám mây là bởi vì mặt trời đang chiếu sáng chúng. Theo cách tương tự, bản tánh cơ bản của chúng ta luôn hiện hữu. Trên thực tế, đó là điều cho phép chúng ta nhận ra ngay cả những thứ che khuất nó: một hiểu biết thấu suốt  có thể hiểu rõ nhất bằng cách quay lại câu hỏi được nêu ra ngay trước khi tôi đi vào phòng tắm.

Hai Loại Tánh Giác

Tinh tuý của mọi ý nghĩ phát sinh là tánh giác nguyên sơ.

- Pengar Jamphel Sangpo, Lời thỉnh cầu Ngắn của Vajradhara, do Maria Montenegro dịch

Trên thực tế, không có bí mật vĩ đại nào để thấu hiểu sự khác biệt giữa tánh giác thanh tịnh và sự tỉnh giác có điều kiện. Cả hai đều là tánh giác, có thể được định nghĩa một cách đại khái là khả năng nhận biết, ghi nhớ và theo một nghĩa nào đó, “phân loại” mọi khoảnh khắc kinh nghiệm.

Tánh giác thanh tịnh giống như một quả cầu pha lê trong suốt - bản thân nó không màu nhưng có khả năng phản chiếu bất cứ thứ gì: khuôn mặt bạn, người khác, tường, đồ nội thất. Nếu bạn di chuyển nó xung quanh một chút, có thể bạn sẽ thấy các phần khác nhau của căn phòng và kích thước, hình dạng hoặc vị trí của đồ nội thất có thể thay đổi. Nếu bạn mang nó ra bên ngoài, bạn có thể nhìn thấy cây cối, chim chóc, hoa lá — thậm chí cả bầu trời! Tuy nhiên, bất cứ điều gì xuất hiện chỉ là những ảnh hiện phản chiếu. Chúng không thực sự hiện hữu bên trong quả cầu pha lê, cũng như không làm thay đổi tinh tuý của nó theo bất kỳ cách nào.

Bây giờ, giả sử quả cầu pha lê này được bọc trong một mảnh lụa màu. Mọi thứ bạn nhìn thấy phản chiếu trong đó — cho dù bạn di chuyển nó xung quanh, mang nó đến các phòng khác nhau hay mang nó ra ngoài trời - sẽ được nhuộm ở một mức độ nào đó bởi màu của mảnh lụa. Đó là một mô tả khá chính xác về sự tỉnh giác có điều kiện: một quan điểm được tô màu bởi sự vô minh, ham muốn, chán ghét và hàng loạt những thứ che mờ khác. Tuy nhiên, những phản chiếu đã nhuộm màu này chỉ đơn giản là những ảnh hiện phản chiếu. Chúng không làm thay đổi bản tánh của cái phản chiếu chúng. Bản tánh của quả cầu pha lê là không màu.

Tương tự như vậy, tánh giác thanh tịnh tự nó luôn sáng tỏ, có khả năng phản ánh bất cứ điều gì, ngay cả những quan niệm sai lầm về bản thân nó là có giới hạn hoặc có điều kiện. Giống như mặt trời chiếu sáng những đám mây che khuất nó, tánh giác thanh tịnh cho phép chúng ta kinh nghiệm đau khổ tự nhiên và sự kịch tính không ngừng của đau khổ do chính mình tạo ra: tôi so với bạn, cái của tôi so với cái của bạn, cảm giác này so với cảm giác kia, tốt so với xấu, dễ chịu so với khó chịu , hoặc một khao khát tuyệt vọng cho sự thay đổi so với một hy vọng điên cuồng không kém về sự vĩnh cửu.

Sự thật về sự hoại diệt thường được mô tả là sự giải thoát cuối cùng khỏi sự cố chấp, thèm muốn, hay “khao khát”. Tuy nhiên, trong khi thuật ngữ “hoại diệt” dường như ngụ ý một điều gì đó khác biệt hoặc tốt hơn so với kinh nghiệm hiện tại của chúng ta, nó thực ra là một chủ đề về việc thừa nhận tiềm năng vốn có bên trong chúng ta.

Sự hoại diệt — hay giảm thiểu đau khổ — là có thể vì tánh giác về cơ bản là sáng tỏ và không có điều kiện. Sợ hãi, xấu hổ, tội lỗi, tham lam, tranh đua, và vân vân .. chỉ đơn giản là những tấm màn che, những quan điểm được kế thừa và củng cố bởi những nét văn hóa, gia đình và kinh nghiệm cá nhân của chúng ta. Đau khổ giảm sút đi, theo sự thật cao quý thứ ba, đến mức chúng ta buông bỏ toàn bộ khuôn khổ của sự bám chấp.

Chúng ta hoàn thành được điều này, không phải bằng cách kìm hãm những mong muốn, những ghét bỏ, những cố chấp của chúng ta hoặc cố gắng “suy nghĩ khác đi”, mà là bằng cách hướng tánh giác của chúng ta vào bên trong, kiểm tra những suy nghĩ, cảm xúc và cảm giác gây rắc rối cho chúng ta và bắt đầu chú ý đến chúng— và thậm chí có thể đánh giá cao chúng — như những biểu hiện của chính bản thân tánh giác.

Nói một cách đơn giản, nguyên nhân của nhiều căn bệnh mà chúng ta gặp phải cũng là cách chữa trị. Tâm bám chấp cũng là tâm giải phóng chúng ta.

Phật tánh

Khi bạn đang sống trong bóng tối, tại sao bạn không tìm kiếm ánh sáng? - Kinh Pháp Cú, do Eknath Easwaran dịch

Để giải thích điều này rõ ràng hơn, tôi phải gian lận một chút, đưa ra một chủ đề mà Đức Phật không hề đề cập rõ ràng trong giáo lý của Ngài trong lần chuyển pháp luân đầu tiên. Nhưng theo như rất nhiều vị thầy của tôi đã thừa nhận, chủ đề này được ngụ ý ở lần chuyển pháp luân thứ nhất và thứ hai. Nó không giống như thể Ngài đang giữ lại một điều mặc khải vĩ đại nào đó mà sẽ chỉ được truyền lại cho những học sinh giỏi nhất và sáng suốt nhất của ngài. Thay vào đó, giống như một người thầy có trách nhiệm, trước hết ngài tập trung vào việc giảng dạy các nguyên tắc cơ bản trước khi chuyển sang các chủ đề nâng cao hơn. Hãy hỏi bất kỳ giáo viên tiểu học nào về tính thực tiễn của việc dạy tính toán cho trẻ em chưa nắm vững các kiến thức cơ bản về cộng, trừ, hoặc nhân, chia.

Chủ đề là Phật tánh— không liên quan đến hành vi hoặc thái độ của một người đắp y áo có màu đi loanh quanh, xin ăn! Phật là một thuật ngữ tiếng Phạn có thể tạm dịch là “người tỉnh biết”. Như một danh hiệu chính thức, nó thường đề cập đến Siddhartha Gautama, người thanh niên đã thành tựu giác ngộ cách đây hai ngàn năm trăm năm ở Bồ Đề Đạo Tràng - Bodhgaya.

Phật tánh, tuy nhiên, không phải là một danh hiệu chính thức. Đó không phải là đặc tánh dành riêng cho Đức Phật trong lịch sử hoặc cho những người thực hành Phật giáo. Đó không phải là thứ được tạo ra hoặc tưởng tượng ra. Đó là cốt tuỷ hay tinh tuý vốn có của mọi chúng sinh: một tiềm năng vô hạn để hành động, nhìn ngắm, lắng nghe hoặc kinh nghiệm bất cứ điều gì. Do bởi Phật tánh, chúng ta có thể học hỏi, chúng ta có thể phát triển, chúng ta có thể thay đổi. Chúng ta có thể tự thân trở thành Phật.

Phật tánh không thể được mô tả bằng các khái niệm tương đối. Nó phải được kinh nghiệm trực tiếp, và kinh nghiệm trực tiếp không thể định nghĩa bằng lời. Hãy tưởng tượng bạn đang nhìn vào một không gian rộng lớn đến mức vượt quá khả năng mô tả của mình - Grand Canyon chẳng hạn. Bạn có thể nói rằng nó rất lớn, những bức tường đá ở hai bên đều có màu đỏ, và không khí khô và có mùi thoang thoảng như tuyết tùng. Nhưng cho dù bạn mô tả nó tốt như thế nào, thì mô tả của bạn không thể thực sự bao hàm được kinh nghiệm sự hiện diện của một thứ gì đó quá rộng lớn. Hoặc bạn có thể thử mô tả quang cảnh từ đài quan sát của tháp Đài Bắc 101 tầng, một trong những tòa nhà cao nhất thế giới, được ca ngợi là một trong “bảy kỳ quan của thế giới hiện đại”. Bạn có thể nói về bức tranh toàn cảnh, cách những chiếc xe và những người bên dưới trông giống như những con kiến, hoặc sự khó thở của chính bạn khi đứng quá cao so với mặt đất. Nhưng nó vẫn sẽ không truyền đạt được sự sâu rộng trong kinh nghiệm của bạn.

Mặc dù Phật tánh thách thức sự diễn tả, nhưng Đức Phật đã cung cấp một số đầu mối chỉ dẫn hoặc bản đồ có thể giúp hướng chúng ta đến kinh nghiệm tuyệt vời không thể diễn tả được đó. Một trong những cách mà Ngài mô tả nó là về ba phẩm tánh: [1] trí huệ vô biên, đó là khả năng thấy biết bất cứ điều gì và tất cả mọi thứ — quá khứ, hiện tại và tương lai; [2] khả năng vô hạn, bao gồm một sức mạnh vô hạn để nâng đỡ bản thân và những chúng sinh khác khỏi bất kỳ hoàn cảnh đau khổ nào; và [3] tình yêu thương – tâm đại bi vô lượng, một cảm giác vô hạn về mối liên hệ với muôn loài, một tấm lòng rộng mở đối với những người khác như là một động lực để tạo ra những điều kiện giúp tất cả chúng sinh phát triển hưng thịnh.

Không còn nghi ngờ gì nữa, có rất nhiều người nhiệt thành tin vào lời mô tả của Đức Phật và khả năng rằng, thông qua học tập và thực hành, họ có thể đạt được kinh nghiệm trực tiếp về trí huệ, năng lực và tâm đại bi vô hạn. Có lẽ nhiều người khác nghĩ rằng đó chỉ là một mớ vô nghĩa.

Lạ lùng thay, trong nhiều bài kinh, Đức Phật dường như rất thích trò chuyện với những người ngờ vực những gì Ngài phải nói. Rốt cuộc, Ngài chỉ là một trong số nhiều người thầy đi khắp Ấn Độ vào thế kỷ thứ tư trước Công nguyên — một tình huống tương tự như tình huống mà chúng ta thấy trong hiện tại, trong đó đài phát thanh, các kênh truyền hình và Internet tràn ngập các giảng viên và giáo lý của nhiều giáo phái khác nhau. Tuy nhiên, không giống như nhiều người cùng thời với Ngài, Đức Phật không cố gắng thuyết phục mọi người rằng phương pháp mà ngài đã tìm thấy để giải thoát khỏi đau khổ là phương pháp đúng đắn duy nhất. Một chủ đề phổ biến xuyên suốt nhiều bài kinh có thể được tóm tắt theo thuật ngữ hiện đại là, “Đây chỉ là những gì tôi đã làm và đây là những gì tôi đã nhận ra. Đừng tin bất cứ điều gì tôi nói bởi vì tôi đã nói như vậy. Hãy thử nghiệm nó cho chính mình.”

Ngài không chủ động ngăn cản mọi người cân nhắc những gì Ngài đã học và cách Ngài học nó. Thay vào đó, trong những bài giảng về Phật tánh, Ngài đã trình bày cho người nghe dưới dạng thử nghiệm suy nghĩ, mời họ khám phá trong kinh nghiệm của chính họ về những cách mà các phương diện của Phật tánh thỉnh thoảng xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày. Ngài đã trình bày thử nghiệm này dưới dạng giống như một ngôi nhà trong đó có một ngọn đèn được thắp sáng và các tấm che hoặc cửa chớp đã kéo xuống. Ngôi nhà đại diện cho quan điểm dường như vững chắc về điều kiện thể chất, tinh thần và cảm xúc. Ngọn đèn tượng trưng cho Phật tánh của chúng ta. Cho dù các tấm che và cửa chớp được kéo chặt đến đâu, chắc chắn một chút ánh sáng từ bên trong ngôi nhà sẽ chiếu qua.

Bên trong, ánh sáng từ ngọn đèn tạo độ sáng tỏ để phân biệt giữa một cái ghế, một cái giường hay một tấm thảm. Khi nó xuyên qua các tấm che hoặc cửa chớp, chúng ta có thể kinh nghiệm ánh sáng của trí huệ đôi khi như là trực giác, thứ mà một số người mô tả là “cảm giác mách bảo" về một người, một tình huống hoặc sự kiện.

Tình yêu thương - nhân ái và Tâm Đại bi tỏa sáng qua cửa chớp trong những khoảnh khắc chúng ta trợ giúp hoặc an ủi ai đó một cách vô tư, không phải vì tư lợi hay nghĩ rằng chúng ta có thể nhận lại được gì đó, mà chỉ vì đó có vẻ là điều đúng đắn cần phải làm. Nó có thể là một việc đơn giản như cho mọi người một bờ vai để khóc khi họ đau khổ hoặc giúp đỡ ai đó qua đường hoặc nó có thể liên quan đến một cam kết lâu dài hơn, chẳng hạn như ngồi bên giường của một người ốm hoặc sắp chết. Tất cả chúng ta cũng đã từng nghe về những trường hợp cực kỳ nguy hiểm trong đó một người nào đó, thậm chí không nghĩ đến rủi ro đối với tính mạng của mình, mà nhảy xuống sông để cứu một người lạ đang chết đuối.

Năng lực thường biểu hiện ở cách chúng ta sống sót qua những sự kiện khó khăn. Ví dụ, một người thực hành Phật giáo lâu năm mà tôi gặp gần đây đã đầu tư rất nhiều vào thị trường chứng khoán vào những năm 1990, và khi thị trường suy thoái vào cuối thập kỷ ấy, anh ấy đã mất tất cả. Nhiều bạn bè và đối tác của anh ấy cũng đã mất rất nhiều tiền, và một số người trong số họ đã trở nên hơi điên loạn. Một số mất tự tin vào bản thân và khả năng ra quyết định của họ; một số rơi vào trầm cảm nặng; những người khác, như những người bị mất tiền trong cuộc sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 1929, đã nhảy ra khỏi cửa sổ. Nhưng anh ấy không đánh mất tâm của mình, sự tự tin của mình hay rơi vào trạng thái trầm cảm. Từ từ, dần dần, anh bắt đầu đầu tư trở lại và xây dựng một nền tảng tài chính mới vững chắc.

Nhìn thấy sự bình tĩnh rõ ràng của anh ấy khi đối mặt với những sự kiện suy thoái kinh khủng như vậy, một số bạn bè và cộng sự của anh ấy đã hỏi làm thế nào mà anh ấy có thể giữ được sự cân bằng của mình. “Chà,” anh ấy trả lời, “Tôi có tất cả số tiền này từ thị trường chứng khoán, sau đó nó trở lại thị trường chứng khoán và bây giờ nó đang quay lại. Các điều kiện thay đổi, nhưng tôi vẫn ở đây. Tôi có thể đưa ra các quyết định. Như vậy, có thể một năm tôi sống trong một ngôi nhà lớn và ngủ trên chiếc ghế dài của một người bạn trong năm tiếp theo, nhưng điều đó không thay đổi thực tế là tôi có thể chọn cách nghĩ về bản thân và tất cả những điều đang xảy ra xung quanh tôi. Trên thực tế, tôi tự cho mình là người rất may mắn. Một số người không có khả năng lựa chọn và một số người không nhận ra rằng họ có thể lựa chọn. Tôi đoán mình là người may mắn vì tôi thuộc loại người có thể nhận ra năng lực lựa chọn của mình.”

Tôi đã nghe những lời tương tự từ những người đang chống chọi với bệnh mãn tính, từ chính họ, cha mẹ họ, con cái họ, các thành viên khác trong gia đình hoặc bạn bè. Ví dụ, một người đàn ông tôi gặp gần đây ở Bắc Mỹ, đã nói rất nhiều về việc duy trì công việc và mối quan hệ của anh ta với vợ con trong khi tiếp tục đến thăm người cha đang mắc bệnh Alzheimer. “Tất nhiên rất khó để cân bằng tất cả những điều này,” anh nói. “Nhưng đó là những gì tôi làm. Tôi không thấy có cách nào khác."

Chỉ một câu nói đơn giản như vậy, nhưng nhẹ nhõm làm sao! Mặc dù anh ấy chưa bao giờ tham gia một buổi thuyết giảng về Phật pháp nào trước đây, chưa bao giờ nghiên cứu tài liệu và không nhất thiết là Phật tử, nhưng sự diễn tả của anh ấy về cuộc sống của mình và cách anh ấy tiếp cận nó thể hiện một cách tự nhiên cả ba khía cạnh của Phật tánh: trí huệ thấy biết sâu rộng hoàn cảnh của mình, khả năng lựa chọn cách diễn giải và hành động theo những gì anh đã thấy, và thái độ yêu thương và đại bi tự phát.

Khi tôi lắng nghe anh ấy, tôi chợt nhận ra rằng ba đặc điểm này của Phật tánh có thể được tóm gọn trong một từ duy nhất: lòng dũng cảm — cụ thể là sự dũng cảm để là, chỉ như chúng ta đang là, ngay tại đây, ngay lúc này, với tất cả những nghi ngờ và không chắc chắn của chúng ta. Đối mặt trực tiếp với kinh nghiệm mở ra cho chúng ta khả năng nhận ra rằng bất cứ điều gì chúng ta trải qua — yêu thương, cô đơn, ghét bỏ, ghen tị, vui vẻ, tham lam, đau buồn, và vân vân.... — về bản chất, là biểu hiện của tiềm năng Phật tánh cơ bản không giới hạn của chúng ta.

Nguyên tắc này được ngụ ý trong "tiên lượng tích cực" của sự thật cao quý thứ ba. Bất kỳ sự khó chịu nào mà chúng ta cảm thấy — vi tế, mạnh mẽ hoặc đâu đó ở giữa — giảm xuống tới mức độ mà chúng ta vượt qua sự cố chấp dựa trên một cái nhìn rất giới hạn và có điều kiện về bản thân và bắt đầu xác định năng lực kinh nghiệm bất cứ điều gì. Cuối cùng, chúng ta có thể tự mình tìm đến nghỉ ngơi trong Phật tánh — chẳng hạn như cách một con chim có thể nghỉ ngơi khi trở về tổ của mình. Khi đó, đau khổ chấm dứt. Không có gì phải sợ, không có gì để chống lại. Ngay cả cái chết cũng không thể làm phiền bạn.

Trí huệ Vui vẻ

Bạn sẽ thành công nếu bạn kiên trì; và bạn sẽ tìm thấy niềm vui khi vượt qua những trở ngại.

- Helen Keller

Bên trong những điểm yếu và sự không hoàn hảo mà chúng ta nhận biết được là chìa khóa để nhận ra sức mạnh thực sự của mình. Bằng cách đối mặt với những cảm xúc phiền não và những vấn đề xảy ra trong cuộc sống, chúng ta khám phá ra một kinh nghiệm về hạnh phúc mở rộng ra bên ngoài cũng như bên trong. Nếu tôi không phải đối mặt với sự hoảng sợ và lo lắng mà tôi đã cảm thấy trong phần lớn tuổi trẻ của mình, tôi sẽ không có được vị trí như ngày hôm nay. Tôi sẽ không bao giờ tìm thấy can đảm hoặc sức mạnh để lên máy bay, đi du lịch vòng quanh thế giới và ngồi trước khán giả là những người xa lạ để truyền đạt lại trí huệ mà tôi đã học được không chỉ qua kinh nghiệm của bản thân mà còn là những kinh nghiệm của những bậc thầy thực sự vĩ đại đã hướng dẫn và giảng dạy cho tôi.

Tất cả chúng ta đều là Phật. Chúng ta chỉ là không nhận ra điều đó. Chúng ta bị giới hạn theo nhiều cách trong một cái nhìn hạn chế về bản thân và thế giới xung quanh thông qua điều kiện văn hóa, sự nuôi dạy của gia đình, kinh nghiệm cá nhân và khuynh hướng sinh học cơ bản hướng tới việc phân biệt và đo lường kinh nghiệm hiện tại cũng như hy vọng tương lai và nỗi sợ hãi đối với kho ký ức thần kinh.

Một khi bạn cam kết phát triển một sự tỉnh biết về Phật tánh của mình, chắc chắn bạn sẽ bắt đầu thấy những thay đổi trong kinh nghiệm hàng ngày của mình. Những thứ từng khiến bạn gặp rắc rối dần dần mất đi sức mạnh làm bạn khó chịu. Bạn sẽ trở nên khôn ngoan hơn về mặt trực giác, thoải mái hơn và cởi mở hơn. Bạn sẽ bắt đầu nhận ra những trở ngại là những cơ hội để phát triển hơn nữa. Và khi cảm giác ảo tưởng về giới hạn và tính dễ bị tổn thương của bạn dần biến mất, bạn sẽ khám phá sâu bên trong mình sự vĩ đại thực sự của người và cái mà bạn là.

Trên hết, khi bạn bắt đầu thấy tiềm năng của chính mình, bạn cũng sẽ bắt đầu nhận ra nó ở mọi người xung quanh. Phật tánh không phải là một phẩm chất đặc biệt dành cho một số ít có đặc quyền. Dấu hiệu thực sự của việc nhận ra Phật tánh của bạn là nhận ra nó thực sự bình thường như thế nào — khả năng nhìn thấy rằng mọi sinh vật sống đều có nó, mặc dù không phải ai cũng nhận ra nó ở trong chính mình. Khi đó, thay vì đóng cửa trái tim của bạn với những người la mắng bạn hoặc hành động theo một số cách có hại khác, bạn thấy mình trở nên cởi mở hơn. Bạn nhận ra rằng họ không phải là những người "ngốc nghếch", mà là những người, giống như bạn, muốn được hạnh phúc và bình yên. Họ chỉ hành động như những kẻ ngu ngốc bởi vì họ không nhận ra bản tánh thực sự của mình và bị choáng ngợp bởi cảm giác dễ bị tổn thương và sợ hãi.

Việc thực hành của bạn có thể bắt đầu bằng khát vọng đơn giản là làm tốt hơn, tiếp cận tất cả các hoạt động của bạn với sự tỉnh giác và hiểu biết thấu suốt hơn, và mở rộng trái tim của bạn sâu sắc hơn hướng về những người khác. Động lực là một yếu tố quan trọng duy nhất trong việc xác định xem kinh nghiệm của bạn là do đau khổ hay bình yên. Trí huệ và tâm đại bi thực sự phát triển cùng một nhịp độ. Khi bạn càng để ý hơn, bạn sẽ càng dễ thấy động lòng từ bi hơn. Và khi càng mở lòng với người khác, bạn càng trở nên khôn ngoan và chú ý hơn trong mọi hoạt động của mình.

Tại bất kỳ thời điểm nào đó, bạn có thể chọn đi theo dòng chảy của những suy nghĩ, cảm xúc và cảm giác để củng cố một nhận thức về bản thân như là dễ bị tổn thương và có giới hạn — hoặc bạn có thể ghi nhớ rằng bản tánh chân thật của bạn là thanh tịnh, không bị điều kiện ràng buộc và không thể bị tổn hại. Bạn có thể vẫn chìm trong giấc ngủ của sự vô minh hoặc nhớ rằng bạn đang và luôn luôn tỉnh thức. Dù bằng cách nào, bạn vẫn đang thể hiện bản tánh không giới hạn của con người thật của mình. Sự vô minh, dễ bị tổn thương, sợ hãi, giận dữ và ham muốn là những biểu hiện của tiềm năng vô hạn trong Phật tính của bạn. Không có gì sai hay đúng khi đưa ra những lựa chọn như vậy. Kết quả của việc thực hành Phật pháp chỉ đơn giản là sự thấy biết những điều này và những kích động tinh thần khác là không hơn không kém so với những lựa chọn có sẵn cho chúng ta bởi vì bản tính thực của chúng ta là vô hạn.

Chúng ta chọn vô minh bởi vì chúng ta có thể. Chúng ta chọn tỉnh giác bởi vì chúng ta có thể. Luân hồi và niết bàn chỉ đơn giản là những quan điểm khác nhau dựa trên những lựa chọn mà chúng ta đưa ra khi xem xét và hiểu về kinh nghiệm của mình. Không có gì huyền diệu về niết bàn và không có gì xấu xa hay sai lầm về luân hồi. Nếu bạn xác định coi mình là người có giới hạn, sợ hãi, dễ bị tổn thương hoặc bị đau đớn bởi kinh nghiệm trong quá khứ, hãy chỉ biết rằng bạn đã chọn như vậy. Cơ hội để kinh nghiệm bản thân theo cách khác hơn luôn có sẵn.

Về bản chất, con đường Phật pháp đưa ra sự lựa chọn giữa sự quen thuộc và sự thực hành. Không nghi ngờ gì nữa, có một sự thoải mái và ổn định nhất định trong việc duy trì các kiểu suy nghĩ và hành vi quen thuộc. Bước ra ngoài vùng thoải mái và quen thuộc đó đòi hỏi phải chuyển sang một cảnh giới kinh nghiệm xa lạ mà có vẻ thực sự đáng sợ, một cảnh giới không thoải mái. Bạn không biết nên quay lại với những gì quen thuộc nhưng đáng sợ hay là tiến về phía trước tới những gì mà cũng có thể đáng sợ chỉ đơn giản là vì nó không quen thuộc.

Theo một nghĩa nào đó, sự không chắc chắn xung quanh lựa chọn để nhận ra toàn bộ tiềm năng của bạn tương tự như những gì một số học trò của tôi đã nói với tôi về việc chấm dứt một mối quan hệ lạm dụng: có một sự miễn cưỡng hoặc cảm giác thất bại nào đó liên quan đến việc từ bỏ mối quan hệ.

Sự khác biệt cơ bản giữa việc cắt đứt một mối quan hệ lạm dụng và bước vào con đường thực hành Phật giáo là khi bạn bước vào con đường thực hành Phật giáo, bạn sẽ chấm dứt một mối quan hệ lạm dụng với chính mình. Khi bạn chọn nhận ra tiềm năng thực sự của mình, bạn dần dần bắt đầu thấy mình ít coi thường bản thân hơn, quan điểm của bạn về bản thân trở nên tích cực và lành mạnh hơn, đồng thời cảm giác tự tin và niềm vui được sống của bạn tăng lên. Đồng thời, bạn bắt đầu nhận ra rằng mọi người xung quanh bạn cũng đều có tiềm năng như nhau, cho dù họ có biết hay không. Thay vì đối phó với họ như những mối đe dọa hoặc kẻ thù, bạn sẽ thấy mình có thể nhận ra và cảm thông với nỗi sợ hãi và nỗi bất hạnh của họ. Bạn sẽ tự nhiên phản ứng lại với họ theo những cách nhấn mạnh các giải pháp hơn là các vấn đề.

Cuối cùng, trí huệ vui vẻ đưa đến việc lựa chọn giữa sự khó chịu khi nhận ra những phiền não tinh thần của bạn và sự khó chịu khi bị chúng kiểm soát. Tôi không thể hứa với bạn rằng sẽ luôn dễ chịu khi chỉ đơn giản là nghỉ ngơi trong sự tỉnh biết về những suy nghĩ, cảm xúc và cảm giác của bạn — và nhận thấy chúng là những nhân tố tạo sự tương tác của tâm thức và cơ thể bạn. Trên thực tế, tôi có thể đảm bảo rằng việc nhìn nhận bản thân theo cách này đôi khi sẽ cảm thấy vô cùng khó chịu.

Nhưng điều đó tương tự như khi bắt đầu bất cứ thứ gì mới, cho dù đó là đến phòng tập gym, bắt đầu một công việc hay bắt đầu một chế độ ăn kiêng. Những tháng đầu tiên luôn khó khăn. Thật khó để học tất cả các kỹ năng bạn cần để thành thạo một công việc; thật khó để thúc đẩy bản thân tập thể dục; và thật khó để ăn uống lành mạnh mỗi ngày. Nhưng sau một thời gian, khó khăn giảm dần; bạn bắt đầu cảm thấy thích thú hoặc thành công, và toàn bộ cảm giác về bản thân của bạn bắt đầu thay đổi.

Thiền định cũng hoạt động theo cùng một cách. Trong vài ngày đầu tiên, bạn có thể cảm thấy rất tốt, nhưng sau một tuần hoặc lâu hơn, việc luyện tập sẽ trở thành một thử nghiệm. Bạn không có thời gian, ngồi không thoải mái, bạn không thể tập trung hoặc bạn chỉ cảm thấy mệt mỏi. Bạn va phải một bức tường, giống như những vận động viên chạy bộ khi họ cố gắng chạy thêm nửa dặm ngoài bài tập của họ. Cơ thể nói, "Tôi không thể," trong khi tâm thức nói, "Tôi nên làm." Cả hai giọng nói đều không đặc biệt dễ chịu; trên thực tế, cả hai đều có một chút đòi hỏi.

Phật giáo thường được gọi là “con đường trung đạo” bởi vì nó đưa ra một lựa chọn thứ ba. Nếu bạn không thể tập trung vào âm thanh hoặc ánh nến thêm một giây nữa, thì hãy dừng lại ngay. Nếu không, việc thiền tập sẽ trở thành một việc mọn. Cuối cùng bạn sẽ nghĩ, “Ồ không, 7 giờ 15 rồi. Tôi phải ngồi xuống và trưởng dưỡng tính giác”. Không ai có thể tiến bộ theo cách đó. Tuy nhiên, nếu bạn nghĩ rằng bạn có thể tiếp tục trong một hoặc hai phút nữa, thì hãy tiếp tục. Bạn có thể ngạc nhiên bởi những gì bạn học được. Bạn có thể khám phá ra một suy nghĩ hoặc cảm giác cụ thể đằng sau sự phản kháng của mình mà bạn không muốn thừa nhận. Hoặc bạn có thể đơn giản thấy rằng bạn thực sự có thể cho tâm thức nghỉ ngơi lâu hơn bạn tưởng. Chỉ riêng khám phá đó thôi cũng có thể giúp bạn tự tin hơn vào bản thân.

Nhưng phần tốt nhất trong tất cả là cho dù bạn thực hành trong bao lâu, hoặc bạn sử dụng phương pháp nào, mọi kỹ thuật thiền định của Phật giáo cuối cùng đều tạo ra tâm đại bi. Bất cứ khi nào bạn nhìn vào tâm của mình, bạn không thể không nhận ra sự giống nhau giữa mình với những người xung quanh. Khi bạn nhìn thấy mong muốn hạnh phúc của chính mình, bạn không thể tránh khỏi việc nhìn thấy mong muốn tương tự ở những người khác. Và khi bạn nhìn rõ vào nỗi sợ hãi, tức giận hoặc chán ghét của chính mình, bạn không thể không thấy rằng mọi người xung quanh bạn đều cảm thấy sợ hãi, tức giận và chán ghét như nhau. Đây là trí huệ - không phải từ việc học trong sách vở, mà là từ sự tỉnh thức của trái tim, sự  nhận biết mối liên hệ của chúng ta với người khác và con đường dẫn đến niềm vui.

Được trích từ Trí huệ Vui vẻ: Chấp nhận Thay đổi và Tìm kiếm Tự do, bởi Yongey Mingyur Rinpoche. © 2009 bởi Yongey Mingyur Rinpoche. Được xuất bản bởi Harmony Books, một bộ phận của Random House, Inc.

---o0o---

Tác giả: Yongey Mingyur Rinpoche

Người dịch: BH.

Nguồn: HTTPS://WWW.LIONSROAR.COM/WE-ALWAYS-HAVE-JOY/

Bài viết liên quan