TÌNH QUÊ SUỐT BUỔI VUI KHÔNG DỨT - NGUYỄN THẾ ĐĂNG

Thiên nhiên chính là sự biểu hiện cái khuôn mặt xưa nay của con người, thiên nhiên không ở ngoài, như một đối tượng để chinh phục hay giảng hòa.
TÌNH QUÊ SUỐT BUỔI VUI KHÔNG DỨT - NGUYỄN THẾ ĐĂNG

TÌNH QUÊ SUỐT BUỔI VUI KHÔNG DỨT

NGUYỄN THẾ ĐĂNG

Trạch đắc long xà địa khả cư

Dã tình chung nhật lạc vô dư

Hữu thì trực thượng cô phong đỉnh

Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư

(Thiền sư Không Lộ (?-1119))

Chọn đất rồng rắn được một nơi

Tình quê suốt buổi mãi vui thôi

Có khi lên thẳng đầu ngọn núi

Hú dài một tiếng lạnh cả trời.

 

Ở đây chúng ta chỉ nói về câu thứ hai, “Dã tình chung nhật lạc vô dư”, tình quê suốt buổi mãi vui thôi, tình quê suốt buổi vui không dứt.

Tình quê là gì? Tại sao tình quê ấy khiến suốt ngày vui không dứt?

Tình quê là sự cảm nhận thiên nhiên, hòa mình với thiên nhiên, cảm thấy mình trống trải, bao la, và niềm vui là hòa mình vào sự bao la, khoáng đạt, hài hòa, hân hoan của đất trời.

Năm nào chúng ta cũng đi du lịch, thư giãn tâm hồn ở những miền núi non, sông biển. Những resort luôn luôn lấy thiên nhiên làm môi trường để người ta có dịp “xả” bớt căng thẳng của đời sống hiện đại. Và những ngôi chùa ngày xưa, luôn luôn nằm ở nơi khoáng đạt, vắng vẻ, phải chăng là để nhắc nhở và cho chúng ta tìm thấy lại một “tâm hồn cố quận”, một “quê hương” đã trở thành viễn xứ?

Có phải chúng ta có thể ngồi hàng giờ trên bãi biển để nghe và nhìn sóng vỗ, trò chơi đều đều không chán của biển, và chúng ta cũng không chán nghe và nhìn sóng, quên mất thời gian, nơi chốn. Có phải thiên nhiên dạy chúng ta thiền định?

 

Những Thiền sư là những người đã thấy và sống trong “thật tướng của tất cả các pháp”, thế nên đời sống các vị luôn luôn an vui, rộng mở, không bị bó buộc, tự do. Đó là một đời sống không cứng đọng, vì cứng đọng đi liền với khổ đau và cái chết; không trung tâm, nên ở đâu cũng hoan hỷ, an vui. Thấy cái gì cũng vui, nghe cái gì cũng vui, mọi biến cố xảy đến đều vui mừng, kỳ diệu như một phép lạ.

Longchen Rabjam (1308-1363), một trong những đại sư vĩ đại nhất của Đại Toàn Thiện (Maha-Ati, Dzogchen) Tây Tạng, vì thường trực sống một mình trên núi nên ngài có nhiều đoạn thơ ca ngợi niềm vui với thiên nhiên. Sau đây là đoạn một trích từ cuốn Phật Tâm, Buddha Mind, Một Hợp Tuyển những Tác phẩm của Longchenpa về Đại Toàn Thiện, của Tulku Thondup Rinpoche (bản dịch Việt của nxb Thiện Tri Thức):

“Một trong những tính cách nổi bật nhất trong những lời chỉ dạy của Longchenpa là sự nhấn mạnh của ngài vào sự hoà điệu với tự nhiên: sự bao la và vẻ đẹp an bình của tự nhiên bên ngoài là chỗ nương tựa và sự bao la của tỉnh giác an bình của bản tánh giác ngộ bên trong là mục tiêu. Bằng cách nhìn thấy sự an bình không nhiễu loạn, sự sáng tỏ không nhiễm ô và sự đơn giản không rối rắm của tự nhiên bên ngoài như nó vốn là và bằng cách nương dựa vào chúng, người ta có được cảm hứng để sự chứng ngộ trạng thái tự nhiên bên trong hiện bày. Ngài cảm kích, hân thưởng bản tánh của những hiện tượng bên ngoài và thấy những đức hạnh của chúng. Ngài nhấn mạnh rằng đối với người mới học, những hiện tượng tích cực bên ngoài là một căn cứ quan trọng để phát sanh tiến bộ thiền định. Những trích dẫn sau từ những tác phẩm của ngài nói lên những quan điểm của ngài về tự nhiên bên ngoài và bên trong.

Những hang động và những cánh đồng đáng yêu

                                                                              trong rừng bình an

Trang hoàng với ngàn hoa khiêu vũ và những

                                                                                dòng suối âm vang

Những nơi đó, chúng ta có thể ngắm nhìn không

                                                   lay động tâm thức mệt mỏi của chúng ta,

Và ở lại đó để hoàn thành những mục đích

                                                                     của đời sống quý giá là người

Tự nhiên bên ngoài lợi lạc cho sự khai triển tâm linh bên trong:

Trên đỉnh đồi, trong rừng, trên một hòn đảo

Thích thú và hài hòa suốt bốn mùa,

Hãy tham thiền nhất tâm không xao lãng

Về tánh sáng tỏ thoát khỏi mọi ý niệm…

 

Hỡi tâm thức, hãy nghe những đức hạnh của rừng

Những cây quý, vật cúng dường xứng đáng cho chư Phật,

Trĩu đầy trái cây lớn dần, rực rỡ.

Hoa nở và lá cây phát ra mùi hương dịu dàng,

Hương thơm khắp đầy không khí.

Những dòng suối núi âm vang điệu nhạc mê hồn của trống.

Sự mát lạnh của mặt trăng xúc chạm mọi sự,

                                                                                khoảng giữa cây cối

Phủ lấy áo mây dày.

Bầu trời trang hoàng bằng muôn vàn tinh tú.

Những đàn thiên nga bay quanh những hồ thơm ngát,

Chim và nai qua lại giữa an bình.

Những cây như ý, hoa sen và hoa loa kèn màu xanh

Đầy những con ong mật vo ve.

Cây cối chuyển động theo những điệu múa nhịp nhàng

Những cánh tay của dây leo thõng xuống

Gửi lời chào mừng đến những kẻ viếng thăm.

Những ao trong mát phủ đầy hoa sen

Rạng rỡ như những khuôn mặt tươi cười.

Những thảm cỏ xanh như bầu trời giáng hạ trên mặt đất

Những hang động yêu kiều với những chuỗi cây hoa

Như tinh tú mọc trong bầu trời trong sáng

Như chư thiên chơi đùa trong một vườn hoa.

Những con cu gáy phát tiếng ngọt ngào, làm say

                                                                                  bằng niềm vui…”

 

Tình quê, tình thiên nhiên như một cánh cửa rộng lớn bao la đưa con người vào thực tại. Thế nên, trong những nền văn hóa và tôn giáo đều có sự hướng đến thiên nhiên, như một sự tìm tòi một quê hương đích thực cho con người. Ngay cả khoa học, từ buổi ban đầu cho đến ngày nay, vẫn phải lấy thiên nhiên, tự nhiên làm cơ sở để tìm kiếm thực tại ban đầu, và có lẽ đó cũng là thực tại tối hậu của con người và vũ trụ.

Trong kinh Dịch, thường nói đến “vạn vật chi tình”, tình của vạn vật và “thiên địa chi văn”, văn vẻ của trời đất (Hệ từ thượng và hạ truyện); “thiên địa chi tâm”, tâm của trời đất (như quẻ Phục). Tình của vạn vật, tâm của trời đất, tình và tâm của thiên nhiên (tình quê) có lẽ sẽ được tìm thấy nơi thiên nhiên, để có thể vui suốt ngày và nói rộng ra, vui suốt đời như Thiền sư Không Lộ.

 

Thiên nhiên như một quà tặng của tự nhiên, con người khỏi phải tính toán, trả giá, chiếm đoạt; khỏi phải phòng thủ, che đậy, bác bỏ và do đó con người dễ cảm thông, dễ nhìn thấy thực tại đàng sau nó làm nền tảng cho nó biểu lộ, dễ nghe được tiếng nói âm thầm mà vang dội của nó. Thiên nhiên chính là sự biểu hiện cái khuôn mặt xưa nay của con người, thiên nhiên không ở ngoài, như một đối tượng để chinh phục hay giảng hòa.

Vua Trần Thái Tông (1218-1277) nói:

Ngàn sông có nước, ngàn sông nguyệt

Vạn dặm không mây, vạn dặm trời

Và:

Nước suối đổ hoài, không có ý

Mây rời khỏi núi, vốn vô tâm

Với một Thiền sư, cái tâm của trời đất ấy không là một đối vật vô tri vô giác ở bên ngoài mà chính là tâm Phật nơi mỗi chúng ta. Tuệ Trung Thượng Sĩ nói trong Phật tâm ca:

Tâm của vạn vật tức Phật tâm

Phật tâm lại cùng tâm ta hiệp

Pháp vốn như nhiên suốt cổ kim.

Chính vì như thế mà có niềm vui vô tận (lạc vô dư) của Thiền sư Không Lộ

Bài viết liên quan