TRÍ VÀ BI TRONG THẾ GIỚI HOA NGHIÊM - CỐT TỦY CỦA ĐẠO PHẬT - DAISETZ TEITARO SUZUKI

TRÍ VÀ BI TRONG THẾ GIỚI HOA NGHIÊM

CỐT TỦY CỦA ĐẠO PHẬT - DAISETZ TEITARO SUZUKI

–––––o0o–––––

Nguồn năng lực kích động pháp giới sự sự vô ngại là Tâm Đại Bi. Dưới tác động ấy, cái tôi nổ tung tràn lan ngoài giới hạn, và trở thành những cái tôi khác. Trái tim ấy giống như một thiên thể sáng ngời, tỏa ánh sáng vô biên biến nhập và dung thông tất cả thiên thể khác. Tất cả là một, một là tất cả. Cái gì động đến một là động đến tất cả; cái gì động đến tất cả...
TRÍ VÀ BI TRONG THẾ GIỚI HOA NGHIÊM - CỐT TỦY CỦA ĐẠO PHẬT - DAISETZ TEITARO SUZUKI

Đại khái, nội dung giáo lý Hoa Nghiêm cốt ở nhỡn quan phóng vào thế giới qua bốn từng như sau:

1. Một thế giới của sự: sự pháp giới.

2. Một thế giới của lý: lý pháp giới.

3. Một pháp giới của sự và lý hoàn toàn dung thông nhau không ngăn ngại: lý sự vô ngại pháp giới.

4. Một thế giới của sự và sự hoàn toàn dung thông nhau không ngăn ngại: sự sự vô ngại pháp giới.

Chữ pháp giới của hệ thống Hoa Nghiêm là dịch từ chữ phạn dharmadhatu. Chữ pháp hoặc dharma nghĩa rất bao quát, thông thường có nghĩa là muôn vật, có nghĩa là thực tại do giác quan tiếp nhận, là ý nghĩ, là nguyên lý điều hành kinh nghiệm của con người, và nhiều nghĩa khác. Còn giới – dhatu – ban sơ có nghĩa là phần tử hoặc thể chất, và nay có thể coi như đồng nghĩa với chữ thế giới hoặc vũ trụ thông thường. Vậy, theo Hoa Nghiêm, pháp giới có thể định nghĩa là thế giới hiển lộ đến cho một tâm trí chứng ngộ, nhưng muốn thấu triệt tất cả ý nghĩa ấy cần thể nhập trong sự sự vô ngại pháp giới, tức là thế giới cuối cùng của bốn thế giới nêu trên. Có thể lắm hầu hết các triết gia và đạo gia đã đạt đến cảnh trí lý sự vô ngại nhưng chưa phải là cảnh trí sự sự vô ngại. Có thể lắm các ngài ấy dạy đạo phiếm thần (pantheism), hoặc phiếm trung phần (panentheism), danh từ dùng riêng của một số triết gia Đức: có thể lắm các ngài hành trì theo mật giáo, nhưng chưa đạt đến kiến giải của pháp giới Hoa Nghiêm.

Để tiếp thông với Hoa Nghiêm, ta nên phân biệt hai hình thức trực giác, của cảm nghĩ và của tâm linh; và chính tâm linh mở cửa cho ta vào thế giới mới. Chỉ có tâm linh mới có thể nói là tổng hợp hai trực giác không gian thời gian, còn cảm nghĩ chỉ là một trực giác tĩnh, một khái niệm lẩn quẩn trong không gian, không đủ tư cách nắm lấy cuộc sống giữa dòng lưu chuyển. Trực giác tâm linh, trái lại, phóng thẳng vào trong cuộc sống; nó là thời gian mà cũng vừa là không gian; nó động với thời gian động, nó trụ với không gian trụ; lúc nào nó cũng chớp thoáng, cũng thoắt trôi, cũng “chuyển”, mà vẫn không hề lìa chỗ ban sơ, vẫn “hằng”. Nó thoát sanh từ nơi đương xứ - tại đây và bây giờ đây – rồi trở về nơi đương xứ. Hằng mà chuyển: chừng như nó đứng im một chỗ, vĩnh viễn trụ ở hiện tiền, mà vẫn lưu chuyển không ngừng, từng phút trong giờ, từng giây trong phút.

“Tôi tâm sự với anh hiện giờ đây mà vẫn chưa hề gặp anh từ vô lượng kiếp”

“Tôi nhập thiền ở đây mà lại chơi rong ngoài muôn dặm”.

Phải đâu đó là những kết luận hợp lý suy diễn ra từ những tiền đề nào đó có thể định nghĩa được, mà chính tiếng nói của trực giác đồng vọng lên từ một tâm cơ tinh luyện đến cao độ. Tiếng nói ấy truyền lại cơ sự diễn tiến trong thế giới Hoa Nghiêm sự sự vô ngại.

Câu chuyện Thiền sau đây giải rõ phần nào tinh thần ấy.

Thiền sư Mục Châu ở thế kỷ thứ IX, đời vãn Đường, có một đệ tử làm quan đại phu tại triều. Ngày kia, người đệ tử đến muộn. Sư hỏi vì sao, Ông ta đáp:

“Con xem người ta cưỡi ngựa đánh cầu”.

Sư hỏi:

- Người ta có mệt không?

- Bạch thầy, mệt,

Sư lại hỏi:

- Ngựa có mệt không?

- Bạch thầy, mệt.

- Còn cây trụ gỗ kia cũng mệt chớ?

Câu hỏi bất thần khiến đại phu khựng, không biết sao trả lời.

Đêm ấy ông ta về nhà thức suốt đêm không ngủ được. Rạng ngày, ông chợt sáng trí. Ông chạy vội đến thiền sư, và bạch rằng ông đã hiểu. Thiền sư chụp hỏi ngay:

- Còn cây trụ gỗ kia cũng mệt chớ?

Quan đại phu đáp ngay:

- Bạch thầy, mệt

Sư Mục Châu gật đầu, mỉm cười.

Sau đó, về đời nhà Tống, một nhà Sư bình giảng câu chuyện trên có nhận xét rằng trừ phi cây trụ mệt thì không kể, ngoài ra không đâu thật sự có mệt cả.

Nguồn năng lực kích động pháp giới sự sự vô ngại là Tâm Đại Bi. Dưới tác động ấy, cái tôi nổ tung tràn lan ngoài giới hạn, và trở thành những cái tôi khác. Trái tim ấy giống như một thiên thể sáng ngời, tỏa ánh sáng vô biên biến nhập và dung thông tất cả thiên thể khác. Tất cả là một, một là tất cả. Cái gì động đến một là động đến tất cả; cái gì động đến tất cả là động đến một. Do đó mà thiền sư Mục Châu muốn đệ tử mình phóng sâu tầm mắt vào then máy huyền vi của cuộc chơi cầu lớn rộng hơn, là thế giới.

Vậy, nhân có Tâm Đại Bi thế giới Hoa Nghiêm sự sự vô ngại hưng khởi lên. Nhưng không phải tâm ấy chỉ phản chiếu hết một sự riêng này đến một sự riêng khác trong tấm gương của lý, vì nếu thế thì thế giới ấy hết sinh động mà chỉ còn là một đối tượng cho các bậc La hán và ẩn tu phản quán suông. Trái lại, tiếng nói chân thực của Trái Tim ấy dạy rằng ta chỉ thật là ta khi ta tan mất giữa vô số cái ta khác, hữu tình cũng như vô giác. Sự tương dung tương nhập đặc thù nhất của pháp giới ấy, nghĩa là của thế giới Hoa Nghiêm ấy, ta không thể đem trí thức suy luận ra mà phân tích được, mà phải trở về tự điểm phát nguyện, nghĩa là tự nguồn Đại Bi Tâm vậy.

Đại Bi tâm thì sáng tác – chiếu - còn Đại Trí thì tịnh quán – tịch; tuy hai mà một: chiếu tức là tịch, tịch tức là chiếu; thời gian tức là không gian, không gian tức là thời gian; tất cả đều viên dung ở điểm siêu tuyệt của đương xứ - hiện tại và hiện tiền – muôn vật đó tự dấy lên, hiển thị thế giới Hoa Nghiêm sự sự vô ngại. Đó chính là đối tượng của trực giác tâm linh trong ấy không có ai là người “hay hát”. Thế giới Hoa Nghiêm là thế giới của Chân Như vậy. Muôn vật điều phản chiếu trong tấm gương tư duy của Đại viên cảnh trí. Tư duy tức sáng tạo. Vậy phản chiếu nghĩa là khai sáng. Một vũ trụ mới luôn luôn được khai sáng lên từng phút từng giây chứng tỏ pháp giới lúc nào cũng là Đại Định. Đó là ý nghĩa của thuật ngữ Hải Ấn Đại Định – sagara mudra samadhi; và chính từ trạng thái định ấy hưng khởi lên thế giới sự sự vô ngại của Hoa Nghiêm; và cũng từ đó ta thoắt nhận ra cá nhân của ta, ứng lên từ điểm đương xứ, chỉ có ý nghĩa khi nó dung thông với những cá nhân khác, những cái tôi khác. Thật ra không hề có cái tôi cá nhân nào như ta tưởng; bám níu vào nó như một thực tại tối thượng của muôn vật quả là một ảo tưởng - ấy thế mà hầu hết chúng ta đều chấp vào nó. Nhưng nói thế lại vẫn không có nghĩa là phải chối bỏ đi cái thế giới của sự sự dị biệt này.

–––––o0o–––––

Trích “Cốt Tủy Của Đạo Phật”

Tác giả : Daisetz Teitaro Suzuki

Dịch giả: Trúc Thiên

Nhà xuất bản : An Tiêm, Năm 1968

Ảnh: Nguồn Internet

Bài viết liên quan