TUỔI THƠ, SỰ THA HÓA VÀ NHỮNG TRẺ NHỎ THIÊNG LIÊNG - NGUYỄN THẾ ĐĂNG

TUỔI THƠ, SỰ THA HÓA VÀ NHỮNG TRẺ NHỎ THIÊNG LIÊNG

(Tết Nhi Đồng, trần tình với tuổi thơ của chính mình)

NGUYỄN THẾ ĐĂNG

-------o0o-------

Người nào có thể thuần hóa giác quan và giỡn đùa với chúng là một đứa bé linh thiêng...những đứa con nít linh thiêng, sẽ làm cái công việc thắp đèn, truyền đăng, cái công việc hệ trọng nhất mà cả trời - người đều tán thán.
TUỔI THƠ, SỰ THA HÓA VÀ NHỮNG TRẺ NHỎ THIÊNG LIÊNG - NGUYỄN THẾ ĐĂNG

Tuổi thơ, với phần đông chúng ta, bao giờ cũng là cái kỷ niệm êm đẹp nhất, huy hoàng nhất, hớn hở nhất của tất cả cuộc đời mình. Có lẽ vì có kinh nghiệm đó mà sau này, khi đã lớn, đối xử với trẻ em bao giờ chúng ta cũng dịu dàng, che chở, mong muốn kéo dài cho trẻ em những tháng ngày thần tiên đầm ấm mà chúng ta biết rồi sẽ mất đi và che giấu những điều xấu của cuộc đời trước mắt trẻ. Không ai trong chúng ta dám phá vỡ cái thế giới ngây thơ hài hòa, hồn nhiên không phân biệt, cái thế giới trong đó một chiếc lá cũng là tất cả mùa xuân, một góc vườn cũng là toàn thể vũ trụ, cái thế giới chưa biết đến lợi danh, chưa biết đến giành giật, chưa biết đến oán thù đó của trẻ em. Thậm chí trong thâm tâm, ai cũng nghĩ rằng làm ô nhiễm cái thế giới trong đó “tất cả đều là mình, mình là tất cả” đó của trẻ em là một tội ác.

Không chỉ các nhà văn, thi sĩ, các triết gia (như Lão Tử với “xích tử chi tâm”, cái tâm bé thơ) mong muốn trở lại thời tuổi nhỏ, trở về với cái thiên đường xưa chưa từng ô nhiễm của mình. Hình như ai trong chúng ta cũng tiếc nuối cái thiên đường trẻ thơ ấy, nhất là khi đau buồn bị bào mòn bởi những phiền não của cuộc đời người lớn.

Thiên đường đã mất, đó không phải là một thành ngữ văn chương, đó là một cảm giác nuối tiếc rất thật của những người lớn chúng ta khi nhìn lại thuở ấu thơ của mình.

Tha hóa là một chủ đề của Triết học duy vật của Karl Marx, chủ yếu nói về sự tha hóa của xã hội: sự tha hóa do người bóc lột người, trong mối tương quan bóc lột ấy, con người bị thoái hóa vì đã “đánh mất chính bản thân mình”. Đối với đạo Phật, ngoài sự tha hóa kinh tế - xã hội do các giai cấp bóc lột nhau, còn có sự tha hóa của sinh lý: sinh, lão, bệnh, tử; cũng có sự tha hóa của tâm lý: tham, sân, si, kiêu mạn, tật đố, nghi… Nhưng với đạo Phật, sự tha hóa căn bản, gốc rễ của mọi sự tha hóa khác là sự tự đánh mất bản tâm mình, bỏ quên Phật tánh mình. Ở đây chúng ta không đi xa, mà chỉ nói đến những cảm nhận cụ thể:

Tuổi thơ qua đi, trở thành người lớn, tôi – kẻ viết bài này - càng ngày càng thấy mình thêm nhiều si mê, sân hận, tham lam, chiếm đoạt, giành giựt, ghét bỏ, kiêu mạn, phân biệt, nghĩa là có đủ tất cả những danh từ mà đạo Phật gồm chung lại thành hai chữ “phiền não”. Thế giới không còn hồn nhiên, mở rộng, không phân biệt. Giờ đây thế giới đã bị tôi chia cắt làm muôn mảnh: cái này là cái của tôi, cái này là cái của người ta, cái của tôi thì tốt hay xấu hơn cái của anh; đi đâu tôi cũng chỉ thấy có mình, quyền lợi mình, danh vọng mình, cơ sở mình, cả ngày đầu óc tôi quanh đi quẩn lại cũng chỉ có ta và cái của ta. Càng ngày tôi càng “nghèo” đi vì chính những “sở hữu” của mình (Sự giàu có của ông trưởng giả trong kinh Pháp Hoa liệu có liên quan gì với tình trạng “vô sở hữu” của kinh Đại Bát Nhã?).

Rồi nhìn những người già quanh tôi mà thấy càng lo cho mình: càng già người ta càng khó tính, càng cố chấp, càng thành kiến, càng cô độc, càng mê muội, càng kiêu căng… nghĩa là càng phiền não nặng hơn. Quả thật, không có sự tu dưỡng thì cái già là một cái gì rất đáng chán, và với riêng tôi cái “lão” kiểu ấy thì còn đáng sợ hơn cái “tử” nữa kia! Có đâu là cái hình ảnh “người già minh triết”, “ông già bé thơ” mà đạo học Đông phương vẫn thường ca ngợi?

Nhưng người ta không thể không trở thành người lớn. Đó là quy luật, là quá trình của phép biện chứng. Phép biện chứng của triết học Tây phương là: chánh đề, phản đề và tổng hợp đề. Với đời người thì chánh đề là tuổi thơ, phản đề là tuổi trưởng thành vào đời và tổng hợp đề là tuổi già. Ai cũng phải đi đến tuổi già, vấn đề là đi đến đó thế nào để tuổi già là tuổi đẹp đẽ chín muồi nhất, đúng như một tổng hợp đề đích thực nghĩa là vừa có cái thơ ngây trẻ trung tươi mới của tuổi thơ (chánh đề) lẫn cái kinh nghiệm đầy sử tính của tuổi trưởng thành.

Theo phép biện chứng, trong tổng hợp đề tuổi già vẫn có chánh đề là tuổi thơ và phản đề là tuổi trưởng thành, nhưng cả hai cái này đã được nâng cao, thăng hoa thành một phẩm chất mới: vẫn là ngây thơ nhưng không phải là cái ngây thơ không biết gì của con nít, vẫn là hiểu biết từng trải nhưng không phải là cái tri thức kinh nghiệm xơ hóa chết cứng để thành thành kiến chấp trước. Biện chứng tiến hóa là hình ảnh vòng tròn xoáy ốc, cái ở trên có dạng tương tự như các cái dưới, nhưng ở mức độ cao hơn, tinh chất hơn, thăng hoa hơn. Đó là ý nghĩa của sự thành tựu.

Cuộc đời lý tưởng theo đạo Phật là: chánh đề là tuổi thơ vô phân biệt, vô tâm theo nghĩa nguyên sơ, hồn nhiên vô tình như cây cỏ. Phản đề là tuổi trưởng thành phản tỉnh, đi vào thế giới sai biệt, đi vào ý thức phân biệt nhưng vẫn hành thiền, nghĩa là phân biệt mà vẫn trụ nơi tâm vô phân biệt, trực tiếp sống nơi hình tướng mà vẫn lìa tướng. Với hai chính đề và phản đề biết tu dưỡng đó, sẽ dẫn đến tổng hợp đề tuổi già lý tưởng là sống phân biệt như một người trưởng thành mà vẫn vô phân biệt như một tuổi thơ trong sạch, vô phân biệt mà hằng rõ thấu từng sự việc của thế giới sai biệt.

Đó là sự nhiệm mầu của đạo Phật, ở giữa đời mà không nhiễm ô, làu làu không vướng mắc, trái lại còn làm việc tích cực phụng sự cho đời. Cái công thức đời sống không ô nhiễm đó, trích vài ý từ kinh Kim Cang: “chẳng trụ vào sắc thanh hương vị xúc pháp mà bố thí; làm việc mà chẳng trụ vào tướng ta, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ giả; thấy các tướng chẳng phải tướng tức thấy Như Lai; lìa hết thảy tướng gọi là chư Phật…”

Biện chứng giải thoát ngay nơi cõi giới này được diễn tả qua câu nói của một thiền sư: trước đây 30 năm, khi chưa tu thì núi là núi, sông là sông (đó là chánh đề tuổi thơ vô phân biệt theo lối vô ký, tự nhiên). Đến khi biết tu, núi không là núi, sông không là sông (đó là phản đề sống trong cảnh giới sai biệt mà vẫn không phân biệt, tướng mà chẳng phải là tướng). Và bây giờ, chuyện tu hành đã xong, thì núi vẫn là núi, sông vẫn là sông. (Thực tướng đời sống hiện tiền nơi tâm phân biệt mà vô phân biệt).

Ở đây chúng ta không đi xa hơn, vì đó chỉ là những ý niệm lý thuyết. Muốn thực hành, muốn sống được cái đời sống đầy kinh nghiệm mà vẫn ngây thơ, ngây thơ mà vẫn đầy kinh nghiệm ấy, thì phải có một vị thầy hướng dẫn mới khỏi sai lầm. Và thật phước đức cho những ai có được một vị thiện tri thức chỉ dạy cho mình cái không sanh, lão, bệnh, tử giữa cuộc đời sanh, lão, bệnh, tử để chúng ta vẫn đi giữa biển sanh tử trùng trùng mà vẫn “vào rừng không động cỏ, vào biển chẳng dậy sóng”:

Nhập lâm bất động thảo

Nhập thủy bất lập ba.

Chỉ xin nói tiếp là chỉ có đạo Phật, nhất là thiền, mới có thể dẫn ta đi qua cuộc đời trưởng thành và thế giới phân biệt mà không ô nhiễm để về già khỏi trở thành một ông già khó tính, cau có, bất mãn, nuối tiếc, cố chấp như tất cả những ai đang sống theo lối “tự nhiên” lối sống mà đạo Phật gọi là sanh tử luân hồi.

Vâng, nếu chúng ta sống được quá trình biện chứng hướng thượng của đạo Phật (mà người ta gọi là sự tu hành) như thế, thì chúng ta sẽ khỏi bị quá trình tha hóa để trở thành “già” theo nghĩa xấu, mà trở thành một ông già con nít, một ông già đầy minh triết đồng thời là một đứa con nít mới mẻ vô tư, như bất cứ hình ảnh của vị thiền sư nào cũng chứng tỏ: Tuệ Trung Thượng sĩ với Phóng cuồng ca, Bố Đại Hòa thượng, Phổ Hóa Thiền sư… “Ông già - con nít” là một thể thống nhất biện chứng của hai mặt mâu thuẫn: ông già là sự lịch lãm kinh nghiệm khôn ngoan của thế gian và con nít là sự trẻ trung vĩnh cửu. Nói theo danh từ kinh điển, thì ông già - con nít là sự nở hoa của sai biệt trí (hay hậu đắc trí) trên mặt đất của vô sai biệt trí (hay căn bản trí). Hay nói theo ngôn ngữ Tây phương, những vị đó là những đứa con nít linh thiêng.

Trong một dịp về thăm Huế cùng với một cô em con cậu, mẹ người Pháp và sinh tại Pháp, không biết gì về văn hóa Việt Nam và tiếng Việt, thấy tượng Đức Di Lặc và sáu đứa bé, cô ta chú ý và hỏi tôi. Tôi cũng giảng giải sơ rằng đó là vị Phật tương lai, còn sáu đứa con nít leo trèo trên lưng trên cổ là sáu giác quan, sáu tên giặc phá phách nhiễu loạn, nhưng một khi hàng phục điều ngự được thì thành những đứa trẻ vô tội, và người hoàn thiện giỡn đùa với các đứa bé giác quan đã trở thành hiền lành đó. Người nào có thể thuần hóa giác quan và giỡn đùa với chúng là một đứa bé linh thiêng. Dùng chữ “đứa bé linh thiêng” một danh từ Tây phương, cô ta hiểu ngay và vui sướng ra mặt.

Hãy xem Vạn Hạnh Thiền sư, ông cũng là một đứa con nít linh thiêng. Rất khôn ngoan về việc đời, học thức rất rộng, ông đã lập nên cả một triều Lý, đưa Lý Công Uẩn lên ngôi, dời đô về Thăng Long, cho đào hồ, xây thành theo địa lý thời ấy để trở thành một kinh đô còn tồn tại cho đến ngày nay. Làm những việc đầy “mưu lược”, đầy “chính trị” như vậy, nhưng ông vẫn là một đứa trẻ, xem lịch sử biến thiên, cuộc đời lên xuống như một trò chơi:

Thân như chớp bóng có liền không

Cây cối xuân tươi, thu trụi trơn                

Tùy vận thịnh suy chi sợ hãi

Thịnh suy đầu cỏ, sớm sương vờn.

Hoặc như Trần Nhân Tông, ông vua được phong là anh hùng đầy chiến công qua hai lần chiến thắng Nguyên Mông, nhà thơ tài hoa, nhà chính trị lỗi lạc, nhà chiến lược của cả hai mặt dân tộc và đạo pháp, một ông già lão luyện đầy tính “thời sự, biến cố” lại vẫn chỉ là một đứa trẻ nhỏ chẳng để ý gì đến chuyện đời:

Đến thăm chớ hỏi nhân gian sự

Cùng dựa lan can ngắm núi xanh.

Một ông già “hữu vi” như vậy mà lại “vô vi” hết chỗ nói:

Muôn sự nước xuôi nước

Trăm năm lòng với lòng

Tựa lầu nâng sáo ngọc

Trăng sáng đầy ngực trong.

Đó là những đứa con nít linh thiêng trong tinh thần vô chấp “làm tất cả mà thật ra không làm gì cả” của đạo Phật. Và đó cũng là những đứa con đích thật của chư Phật Thế Tôn.

Nhưng tôi có anh bạn nói thẳng với tôi rằng: “Ông thì cứ một tý là Vạn Hạnh, một tý là Trần Nhân Tông. Vạn Hạnh đã chết rồi, Trần Nhân Tông cũng chết rồi!”. Tôi cũng trả lời thẳng đuột: “Chẳng qua là vì công việc năm nay của tôi là phải nghiên cứu về các vị ấy nên tôi hay nhắc nhở thế thôi. Vâng, Vạn Hạnh đã chết, Trần Nhân Tông cũng đã chết. Nhưng cái sinh ra Vạn Hạnh, sinh ra Trần Nhân Tông, cái đó không chết, không bao giờ chết”.

Vâng, cái Phật pháp đó không bao giờ chết, cả về mặt lý lẫn mặt sự, mặt tánh lẫn mặt tướng. Và trong mọi thời đại, luôn luôn có những đứa con nít thiêng liêng ra đời ở trong mọi hình thức để thắp sáng ngọn đèn chánh pháp. Bởi thế mà mỗi dịp Trung Thu, khi các em rước đèn trong các hẻm phố, ca hát “Tết Trung Thu em rước đèn đi chơi…” tôi cứ lững thững nghĩ rằng trong số những em bé ấy rồi sẽ có những em trở thành những đứa con nít linh thiêng, sẽ làm cái công việc thắp đèn, truyền đăng, cái công việc hệ trọng nhất mà cả trời - người đều tán thán. Nhưng chắc rằng với những đứa bé linh thiêng ấy, cái công việc nối truyền mạng mạch Phật pháp, cái công việc truyền đăng quan trọng dường kia cũng chỉ là việc “đốt đèn đi chơi” như tinh thần thiền học mà thôi.

_Giác Ngộ - 1991

-------o0o-------

Ảnh: nguồn internet

Bài viết liên quan