365 NGÀY THIỀN ĐỊNH - JEAN SMITH - 365 NGÀY THIỀN ĐỊNH

365 NGÀY THIỀN ĐỊNH

JEAN SMITH - 365 NGÀY THIỀN ĐỊNH

TRƯƠNG XUÂN HUY Dịch

-------o0o-------

Thấu hiểu tánh không của người cho, vật cho và người nhận, họ không vướng vào thiên kiến và chấp thủ.
365 NGÀY THIỀN ĐỊNH - JEAN SMITH - 365 NGÀY THIỀN ĐỊNH

 273. Chúng ta thường nghe nhiều người nói về hy -sinh, quên mình, phục vụ người khác, nhưng vì tất cả đều đặt trên căn bản của chấp ngã, những người đó trông chờ sớm hưởng được kết quả báo đền. Như thế đó là một điều thiện xấu xa, bất tịnh, tuy rằng vẫn có thể gọi đó là điều thiện.... Bao lâu mà cái chấp ngã chưa diệt, trong lúc trái tim mê hoặc với cái “Tôi” chưa dứt được, điều thiện chỉ là ảo tưởng và cái ác cũng vậy. Khi ảo tưởng vẫn còn chưa dẹp bỏ, họa chăng chỉ nhờ may mắn mà cái gọi là “điều thiện”, vốn dựa trên cái ngã, có thể làm được điều gì đó thật sự tốt. Chúng ta làm được chút ít điều thiện nhưng chỉ do tình cờ run rủi.

_Viện Chủ Tào Động Abora - The Tiger's Cave

274.

Eiichi Enomoto là tác giả của bài thơ “Chú Cua ẩn dật” này:

Cái mai này không phải do chính tôi tạo ra,

Tôi mượn từ Trời và Đất,

Sống qua từng ngày và mọi ngày.

Cuộc sống là một phối hợp giữa những của cải ta vay mượn và ai đó tặng cho ta. Không mượn sức lực của trời và đất, không ai có thể thực sống được, dầu chỉ là một giây lát. Không có sức lực vay mượn ấy, không thể thốt nên lời, không thấy, không nghe, không cất nhắc tay chân, tim ngừng đập, bao tử không làm việc. Ý thức được chân lý đó, chúng ta không chấp nhận tự tử.

_Thanh Sơn Tuấn Đồng (Shundo Aoyama) - Zen Seeds

275.

Trong Phật pháp, căn bản là không có điều gì dấu riêng cho mình, nên các bậc hiền nhân tu pháp bố thí quảng đại, cho đi cả thân xác, mạng sống và của cải tư hữu mà không chút hối tiếc trong tâm. Thấu hiểu tánh không của người cho, vật cho và người nhận, họ không vướng vào thiên kiến và chấp thủ.

_Bồ Đề Đạt Ma - Trích Từ The Transmission Of The Lamp

276.

Biến đổi tâm linh là một cụm từ để phát động nhập cuộc, nhưng chúng ta phải tham gia vào. Và sẽ có muôn vàn khó khăn. Sẽ có đau đớn, mệt mỏi, ngờ vực, và nghi vấn. Nhưng đó là phép tu tập vận dụng cả thân và tâm cùng lúc. Không phải chỉ ngồi xuống và quán tưởng là đủ nhưng phải giữ một ý thức năng động và cảm nhận được toàn bộ thân xác. Chúng ta vận hơi thở đưa đến tất cả những chỗ nào gây đau đớn, không phải chỉ nơi những vết thương thể chất mà cả nơi những vết thương của cuộc đời. Hơi thở len vào, dịu dàng, ấm áp và hàn gắn. Tư thế tọa thiền là một tư thế hồi phục, rộng mở và tỉnh thức. Hơi thở bình an lưu thông thoải mái khắp người chúng ta.

_Maurine Stuart - Subtle Sound

277. 

Theo nề nếp của riêng tôi, mỗi lần chắp tay lễ Phật, tôi đều ngâm nga bài thơ ngắn như sau: Người đảnh lễ và bày tỏ lòng tôn kính,

Và người nhận lễ và sự tôn kính,

Cả hai đều tánh không,

Vì vậy, sự đồng cảm là hoàn hảo.

_ Thích Nhất Hạnh - The Heart Of Understanding

278.

Theo quan điểm của Phật tánh đồng tính hay lưỡng tính, đàn bà hay đàn ông, là điều không quan trọng. Khi bạn đạt đến cảnh giới có thể để cho Phật tánh tự biểu hiện, hoặc bạn đã vượt qua được quan niệm nhị nguyên ta và người, cũng có nghĩa là nam hay nữ, sẽ không có vấn đề giới tính không chuẩn mực không có sự phân chia giới tính “đúng”. Hoạt động tình dục sai quấy, theo định nghĩa, phải xuất phát từ cái tự tư tự kỷ, từ mối quan tâm ích kỷ đến ham muốn của riêng mình. Để có mối quan hệ gắn bỏ, ta phải có mối quan tâm đến người khác. Nhưng nếu tiên khởi, bạn chỉ tìm cách thỏa mãn cho riêng mình, ấy chính là hoạt động tình dục sai quấy.

Cho dầu là đồng tính hay lưỡng tính, bạn không có gì phải xấu hổ. Nếu bạn không cảm nhận được cái Nhất Thể, và biểu hiện nó trong cuộc sống hàng ngày, xét về mặt tâm linh, đó mới là điều duy nhất khiến bạn phải xấu hổ... Giới luật thứ ba cấm tà dâm. Tà dâm, mặc dầu vẫn có một định nghĩa pháp lý, cũng có nghĩa rằng trong lúc sống với một người khác trong một mối quan hệ ổn thỏa, người ta làm ô uế mối quan hệ ấy bằng cách đồng thời có quan hệ với một người khác.

_Philip Kapleau - Awakening To Zen

279.

Bạn hãy vẫy, dầu chỉ một ngọn lá, sao cho nó biểu hiện được kim thân của Phật, qua đó, giúp Phật biểu hiện qua ngọn lá. Đó là một quyền năng mà bạn không thể hiểu được bằng cái tâm duy lý của bạn. Nó hoạt động tự do, phù hợp theo tình huống, theo cách tự nhiên nhất. Đồng thời, quyền năng ấy tác động đến các kiếp sống của chúng ta để thanh tịnh hóa và tịnh chỉ các hành, giúp ích cho tất cả chúng sinh.

_Đạo Nguyên Hy Huyền (Dogen, 200 – 1253) - Instructions For The Zen Cook

280.

Có một lần, Tướng quốc Ts’ui bước vào trong một ngôi chùa và thấy con chim sẻ ị trên đầu một pho tượng Phật. Ông hỏi: “Chim sẻ có Phật tánh không?”

Thiền sư Ju Hui (thế kỷ VIII) đáp: “Có, chim sẻ có Phật tánh”.

Tướng quốc Ts’ui lại hỏi: “Như thế, tại sao nó lại vãi lên đầu Phật như thế?”

Thiền sư trả lời: “Vậy tại sao nó không ị lên đầu một con chim cắt?”

_Đạo Viên (Tao Yuan Thế Kỷ XI) - The Transmission Of The Lamp

281.

Ngày xưa, có một vị sư suốt đời chỉ chăm chăm giữ gìn nghiêm nhặt mọi giới luật cửa Phật. Một đêm nọ, trong lúc dạo chơi bên ngoài, ông dẫm phải một cái gì đó vỡ đánh bóc dưới bàn chân. Tưởng mình dẫm phải một con ếch đang mang bọc trứng, nhà sư ân hận không nguôi, vì giới luật nhà Phật cấm cướp đi một mạng sống. Cuối cùng, khi đi ngủ, ông nằm mơ thấy hàng trăm con ếch đến kêu la đòi mạng.

Nhà sư cực kỳ lo lắng, nhưng sáng ngày hôm sau, nhà sư nhận ra rằng vật ông dẫm phải đêm hôm trước chỉ là một quả cà tím chín rục. Nỗi bất an của ông tan biến, và lần đầu tiên, ông hiểu ra ý nghĩa của câu nói rằng không hề có một thế giới khách quan. Và cuối cùng, nhà sư ngộ được cách tu Thiền.

_Zen Master Foyan - Trích Từ Zen Essence

 

282.

Giới luật là một lý tưởng, biểu hiện hành trạng và cách sống xứng đáng của một vị Phật, dầu Phật không nghĩ như thế. Nếu chúng ta tự nhận ra rằng không thể ngay tức khắc đạt đến chuẩn mực đó, cũng đừng nôn nóng. Trong cuộc sống, tất cả chúng ta đều có những tập quán và phương thức hành động chỉ chuốc cho chúng ta những phiền não. Cần phải hiểu rằng người hăng say tu tập tọa thiền sẽ phải nới lõng, và rốt cuộc, phá vỡ những phương thức đó - nói cách khác, đó là một chuyển động theo hướng dẫn của giới luật. Nhưng đó không phải là một chuyện đơn giản. Tiến trình đó có thể kéo dài nhiều, nhiều năm. Ngay cả sự Giác ngộ cũng không ngay lập tức xoay đổi được chiều hướng những thói quen – năng lực hay những thói quen – chủ lực đã thành nề nếp lâu đời ấy. Xin nhắc lại thêm một lần nữa, đừng quá nghiêm khắc đối với chính ngay chúng ta.

_Philip Kapleau - Awakening To Zen

283.

Dầu anh* biết hay không biết, khi có mặt nơi đây [tham dự một buổi nhiếp tâm tọa thiền], anh đang tạo nên nghiệp tốt. Ngồi hội đủ ba yếu tố căn bản của Phật giáo: giới, định và huệ. Điều hiển nhiên là nhiếp tâm giúp định lực của ta mạnh mẽ hơn lên và tâm thức ta vững vàng hơn; và một cách kém hiển nhiên hơn, anh nhận ra rằng ngồi giúp ta dần dần mở lớn đôi mắt tuệ nhãn như thế nào khi chân bản tính thanh tịnh được gột rửa khỏi những mê hoặc và ô trược qua lòng thành và toàn tâm. Về Giới luật, rõ ràng là trong lúc tọa thiền, không ai sát sanh, không ai trộm cắp hoặc nói lời vọng ngữ. Tuy nhiên, theo ý nghĩa sâu xa hơn, sự trì giữ giới luật có nền tảng trong tọa thiền vì qua tọa thiền, anh dần đoạn diệt được cái mê hoặc căn bản đưa đến phạm phải điều ác, mê hoặc cho rằng thế giới và ta là hai phần tách rời và khác biệt. Theo bản thể nội tại, không hề có sự phân tách đó. Thế giới không ở ngoài ta – thế giới là ta! Như thế, chúng ta chứng ngộ Phật tánh của mình, qua đó, một cách tự nhiên, tự phát, khởi hiện sự trì giữ giới luật.

_ An Cốc Bạch Vân (Hakuun Yasutani, 1885-1973) Trích Từ The Three Pillars Of Zen

* Đại sư nói với một học viên nam (Chú thích của người dịch)

-------o0o-------

Trích: 365 Ngày Thiền Định

Tác giả:

Trương Xuân Huy dịch

NXB: Hồng Đức & Cty Sách Thời Đại, 2013

Ảnh: nguồn internet

 

Bài viết liên quan