365 NGÀY THIỀN JEAN SMITH

365 NGÀY THIỀN

JEAN SMITH

---o0o---

 53. Đôi khi bạn thấy có những người thẳng tay đập đánh đét con muỗi vừa chích họ một phát. Điều này gợi tôi nhớ đến câu cổ vũ trong Kinh Thánh: “Mắt đổi mắt, răng đổi răng.” Những người đó, vẫn cho rằng đạo đức của Cựu Ước là lỗi thời vì khắt khe quá, không ngần ngại giết chết con muỗi chỉ vì cái tội đã đốt họ. Như thế là bất công. Lời cổ vũ của Kinh...
365 NGÀY THIỀN JEAN SMITH

 

53. Đôi khi bạn thấy có những người thẳng tay đập đánh đét con muỗi vừa chích họ một phát. Điều này gợi tôi nhớ đến câu cổ vũ trong Kinh Thánh: “Mắt đổi mắt, răng đổi răng.” Những người đó, vẫn cho rằng đạo đức của Cựu Ước là lỗi thời vì khắt khe quá, không ngần ngại giết chết con muỗi chỉ vì cái tội đã đốt họ. Như thế là bất công. Lời cổ vũ của Kinh Thánh này có lẽ có cùng quan điểm với giới luật thứ nhất của Phật giáo, nhiều hơn ta nghĩ. Điều đó có nghĩa là dầu đau buồn hay nóng giận, cần phải thận trọng và đúng mực, đừng vượt quá mức “mắt đổi mắt, răng đổi răng.” Đó là một cách kiềm chế bạo lực, không phải cổ súy bạo lực. Vậy mà, ngày hôm nay, chúng ta thản nhiên giết các loài côn trùng, hoặc các con vật nhỏ bé khác, như con sóc, đơn giản chỉ vì chúng quấy rầy ta!

Chúng ta đều biết, cuộc sống không phải là bất khả xâm phạm. Một thứ gì đó phải chết đi để giúp một thứ khác sống. Nhưng trong trường hợp cần phải lấy đi một mạng sống vì một lý do cao thượng, và biết ăn năn, nghiệp báo có thể nhẹ bớt. Càng tu tập Thiền uyên thâm, bạn càng cảm thấy gần gũi với mọi hình thức của cuộc sống: khi một con muỗi đậu lên bàn tay bạn, hãy nhẹ nhàng thổi nó bay đi, và bạn cũng làm như thế đối với con kiến hay những loài côn trùng khác. Bạn sẽ không giết chúng nữa.

PHILIP KAPLEAU

AWAKENING TO ZEN

54. Viết về giới răn thứ nhất: “Không sát sinh” Robert Aitken kể rằng “có người hỏi Alan Watts tại sao ông ta ăn chay. Ông ta nói: ‘Vì lũ bò kêu to hơn các củ cà rốt.’ Câu trả lời này có thể dùng như một câu chỉ đạo. Nhiều người không ăn thịt đỏ, nhiều người không uống sữa. Nhiều người khác ăn những gì người ta dọn lên bàn, nhưng hạn chế mua những phẩm vật động vật...” Robert Aitken giữ một chế độ ăn chay chung chung nhưng nói rằng nếu được mời dự một bữa ăn tôi có thịt, ông vẫn ăn vì “con bò đã chết còn bà chủ nhà thì vẫn còn sống.”

HELEN TWORKOV

ZEN IN AMERICA

55. Tìm cách đơn giản hóa cuộc sống một cách phiến diện (Tôi có thể gạn bỏ được cái gì?), nhằm mưu cầu lợi ích cho bản thân (Tôi chỉ mong được bình an) là chuyện vẫn xảy ra bình thường, lòng mong muốn cho cuộc sống trở nên đơn giản chỉ là một khát vọng chất cao thêm vào những khát vọng khác. Thay vì thế, thật tình tôi muốn xem mỗi hoàn cảnh tôi gặp phải cũng có giá trị ngang với giá trị cuộc sống của tôi. Thực ra, mỗi cảnh ngộ tôi phải đương đầu chính là cuộc sống của tôi – cuộc sống của tôi chính xác được tạo từ những kết nối, từ dòng lưu thông năng lượng giữa “tôi” và “kẻ kia đang cùng tôi tương tác”. Quá trình vô tận đó là hoạt động của vũ trụ vô thường và tương tùy, và mục tiêu của tôi là chứng ngộ được mối kết nối mật thiết ấy, liên tục từng lúc.

Nếu mỗi hiện tượng bạn gặp chính là cuộc sống của bạn, bạn phải tự hỏi: tôi đang ăn, tiêu hóa và biến đổi thành xương tùy loại “thực phẩm – cuộc sống” nào? Vấn đề không phải là bớt sử dụng cái này, cái nọ để làm cuộc sống đơn giản hơn, hoặc dùng thêm vào để làm rườm rà thêm, vấn đề là tập trung vào những hoàn cảnh của cuộc sống. Làm thế nào để kết hợp một cách tốt đẹp nhất với những gì quanh ta? Làm thế nào đáp ứng lại thế giới với lòng tôn trọng?

JISHO WARNER

STONE CREEK ZENDO,

SEBASTOPOL, CALIFORNIA

56. Tất cả các Thiền sinh phải chuyên tâm lúc bắt đầu tọa thiền (ngồi quán tưởng). Ngồi kiết già hay bán già, mắt nhắm hờ, thấy được bản lai diện mục trước khi mẹ cha ra đời. Tức là thấy được cảnh giới trước khi cha mẹ sinh ra, trước khi đất và trời tách ra, trước khi mang hình hài con người. Cái gọi là bản lai diện mục sẽ hiện ra. Không màu sắc, không hình tướng. Giống như bầu trời trống không, sáng trong, không hình tướng.

Bản lai diện mục vốn không tên, nhưng được chỉ định theo từ ngữ như: bản lai diện mục, Thượng đế, Phật tánh, Chân Phật. Giống như một người sinh ra không tên và sau đó được gán cho nhiều tên khác nhau. Một nghìn bảy trăm công án và đề mục mà các Thiền sinh miệt mài nghiền ngẫm chỉ nhằm giúp họ thấy được bản lai diện mục của mình. Đấng Thế Tôn ngồi quán tưởng sáu năm trong tuyết giá giữa núi, thấy sao mai hiện ra và giác ngộ, và đó là thấy được bản lai diện mục của mình.

Cứ mỗi lần một tư niệm khởi hiện, hãy xua đi ... Tư niệm giống như những đám mây. Khi mây tan, trăng sẽ hiện ra. Vầng trăng của chân lý vĩnh cửu là bản lai diện mục.

ĐẠI ĐĂNG (DAITO, 1282 – 1334)

Trích từ A FIRST ZEN READER

57. Tu có nghĩa là tập, ngộ có nghĩa là đạt đến. Như thế, tu có nghĩa là tập cái nhân, ngộ có nghĩa là biết được cái quả.

TRÍ DI (CHIH I, 538-597)

STOPPING AND SEEING

 

Trích: 365 Ngày Thiền

Tác giả: Jean Smith

NXB Hồng Đức

Ảnh nguồn Internet

Bài viết liên quan