ĐÁNH THỨC CON NGƯỜI PHI THƯỜNG TRONG BẠN, ANTHONY ROBBINS

NHỮNG TRẢI NGHIỆM THAM CHIẾU - SỢI CHỈ DỆT NÊN CUỘC ĐỜI

ĐÁNH THỨC CON NGƯỜI PHI THƯỜNG TRONG BẠN

ANTHONY ROBBINS

----o0o----

“Một khi trí óc con người đã đã mở rộng để chứa đựng một ý tưởng mới thì nó không thể quay lại kích thước ban đầu nữa”
ĐÁNH THỨC CON NGƯỜI PHI THƯỜNG TRONG BẠN, ANTHONY ROBBINS

“Một khi trí óc con người đã đã mở rộng để chứa đựng một ý tưởng mới thì nó không thể quay lại kích thước ban đầu nữa”

--OLIVE R WENDELL HOLMES

Nếu muốn hiểu vì sao người ta hành động như vậy, thì việc xem lại những trải nghiệm tham chiếu quan trọng và có sức ảnh hưởng lớn trong cuộc đời họ sẽ cho chúng ta nhiều manh mối. Người từng trải và chiến thắng nhiều nghịch cảnh rõ ràng có những trải nghiệm tham chiếu mạnh mẽ sẽ giúp họ xây dựng được sự tự tin vững chắc.

 Tham chiếu càng đa dạng và chất lượng càng tốt thì tiềm năng chọn lựa sẽ càng cao. Dù đây là thành phần cơ bản cho niềm tin, nhưng sở dĩ tôi gọi đó là lựa chọn “tiềm năng” là vì chúng ta thường thất bại trong việc nhận ra những tham chiếu có thể tiếp thêm sức mạnh cho ta. Ví dụ, một thanh niên có thể rất tự tin và khéo léo trên sân bóng nhưng khi bước vào lớp học, cậu ta không có được cảm giác chắc chắn giúp mình phát huy tối đa khả năng như khi giáp mặt với đối thủ trên sân. Nếu bước ra sân bóng cũng với thái độ nghi ngờ hay kém cỏi như trong lớp học, có lẽ cậu ta sẽ đá dở kinh khủng.

Điều gì quyết định những tham chiếu chúng ta lựa chọn sử dụng? Trạng thái cảm xúc sẽ tác động đến những “tập tin”- những ký ức, cảm xúc, cảm giác - được lưu giữ trong tiềm thức. Trong trạng thái sợ hãi, chỉ những tham chiếu liên quan đến cảm giác sợ hãi được tái hiện trong tâm trí, và kết quả là nỗi sợ nhân lên gấp bội. Nếu cảm thấy bị tổn thương bởi ai đó, ta có xu hướng nhớ lại những trải nghiệm đớn đau họ từng gây ra cho ta thay vì thay đổi trạng thái bằng cách nhớ đến những lúc họ cư xử ân cần, đầy yêu thương.

 THAM CHIẾU LÀ GÌ?

 Các tham chiếu là những kinh nghiệm, trải nghiệm trong cuộc sống mà bạn đã “khắc ghi” vào hệ thần kinh của mình- bất cứ điều gì bạn thấy, nghe, chạm, nếm hoặc ngửi đều được lưu trữ trong “tủ hồ sơ” não bộ. Một vài tham chiếu được lưu trữ một cách hữu thức, một số thì hoàn toàn vô thức. Một vài tham chiếu là kết quả từ những trải nghiệm của riêng bạn, một số khác thì bao gồm những thông tin tiếp nhận được từ người khác.

Và tất cả những tham chiếu của bạn, cũng như những trải nghiệm của loài người, đều có một phần nào đó bị bóp méo, bị xóa bớt đi và bị khái quát hóa khi được lưu lại trong hệ thần kinh.

 Rất nhiều tham chiếu được sử dụng để củng cố cho niềm tin. Như bạn đã biết ở chương 4, niềm tin chính là cảm giác chắc chắn về ý nghĩa của một điều gì đó. Nếu bạn tin rằng bạn rất thông minh, đó là do bạn đã kích hoạt những tham chiếu bổ trợ cho cảm giác chắc chắn đó, chẳng hạn như kinh nghiệm hoàn thành bài kiểm tra năng lực kinh doanh với kết quả xuất sắc… Trải nghiệm tham chiếu đóng vai trò như là những chiếc “chân bàn” nhằm bổ trợ cho “mặt bàn” ý tưởng “bạn là người thông minh”.

 Chúng ta có đủ các trải nghiệm để hỗ trợ bất kỳ ý tưởng nào mà mình muốn. Hãy mở ra các trải nghiệm có sẵn. Chủ động tìm kiếm những trải nghiệm giúp mở rộng nhận thức về năng lực bản thân và con người thật sự của bạn, cũng như sắp xếp, tổ chức lại các tham chiếu theo cách thích lệ khơi dậy sức mạnh tiềm ẩn.

-- “Chỉ có thể tìm thấy được tri thức của thế giới trong chính thế giới rộng lớn này, chứ không phải trong một cái hộc.”

---LORD CHESTERFIELD

Cách đây không lâu, tôi có nghe chuyện về một người đàn ông đã tìm thấy 35.000 bảng Anh trong một chiếc túi  trên đường. Anh ta tức khắc tìm và trả lại chiếc túi cho người chủ của nó. Hóa ra đó là tiền tiết kiệm của một bà lão sáu mươi tám tuổi. Ai nghe qua câu chuyện cũng đều muốn ca tụng người đàn ông này, nhưng anh ta lẫn tránh giới truyền thông và từ chối việc quay phim làm phóng sự. Anh quả quyết rằng việc hoàn trả lại số tiền là việc làm đúng đương nhiên phải làm.  Tại sao như vậy? Rõ ràng là các tham chiếu trong quá khứ của anh đã hình thành trong anh một niềm tin rằng nhận vinh danh cho những việc làm đúng thì chẳng đúng đắn cho lắm.

 Hãy hình dung những tham chiếu của ta - cả những điều được xem là tốt, hoặc xấu- giống như chiếc ốc vít khổng lồ trong “kết cấu” hệ thống điều khiển được dựng lên bởi các tham chiếu và những yếu tố khác (trạng thái, các câu hỏi, giá trị, và niềm tin) giúp ta quyết định những điều phải làm trong cuộc sống. Chúng ta có một nguồn tham chiếu vô tận có thể được sử dụng theo bất kỳ cách thức mong muốn nào. Và mỗi ngày ta lại có thêm những trải nghiệm mới bổ sung cho nguồn cung bất tận này.

 Một trong những thước đo mức độ thông minh của một người là cách người đó sử dụng các tham chiếu sẵn có. Bạn sẽ dệt lên một tấm màn để rồi trốn nấp đằng sau nó? Hay là bạn dệt ra một tấm thảm nhiệm màu có thể đưa bạn lên những tầm cao không ai sánh kịp? Bạn có thường chủ động “đào xới” trong “kho tàng” trải nghiệm sống của mình và lôi ra những “kho báu” ký ức khích lệ mạnh mẽ tinh thần bạn không?

 Có lẽ một trong những điều giá trị nhất của các tham chiếu là chúng mang lại cảm giác chắc chắn. Nếu không có chúng, chúng ta sẽ sống trong nỗi sợ hãi hoặc là luôn nghi ngờ.

 Cách sử dụng nguồn tham chiếu sẽ quyết định cảm nhận của chúng ta, bởi vì điều gì đó là tốt hay xấu là đều phải được căn cứ vào cái mà bạn dùng để so sánh. Hội thảo Date With Destiny (Hội ngộ với Số Phận) là một trong những môi trường học tập yêu thích nhất của tôi bởi vì tôi có thể liên tục quan sát các tham chiếu đã hình thành nên hành vi của mọi người như thế nào. Cùng xuất thân từ gia đình nghèo khổ hoặc gia đình tan vỡ, nhưng một số số người đã xây dựng niềm tin rằng cuộc đời họ chẳng đáng để sống, trong khi những người khác lại dùng chính hoàn cảnh éo le của mình để tạo động lực học hành, phát triển bản thân, làm giàu, hào phóng sẻ chia và dễ thông cảm với người khác.

 Thuở nhỏ, Oprah Winfrey đã bị cưỡng hiếp và bị đối xử rất tàn bạo, nhưng ngày nay chương trình của cô đã làm rung động hàng triệu con tim khán giả truyền hình. Chỉ bằng cách chia sẻ những kinh nghiệm từ chính bản thân, Winfrey đã giúp nhiều người chữa lành tổn thương quá khứ của họ. Hàng triệu người cảm thấy gần gũi với cô bởi họ biết rằng cô thật sự hiểu họ, hay nói một cách chính xác là cô cũng có những tham chiếu đau đớn giống như họ.

“Chúng ta nâng tầm bản thân bằng những nghĩ suy của mình”

--ORISON SWETT MARDEN—

Những hình ảnh tưởng tượng trong đầu- những điều chưa bao giờ xảy ra- cũng là một nguồn tham chiếu tuyệt vời! Không ai tin rằng con người có thể chạy một dặm trong khoảng thời gian chưa đầy bốn phút, nhưng Roger Bannister đã tự tạo nên cảm giác chắc chắn rằng có thể chinh phục mốc giới hạn này thông qua các tham chiếu tưởng tượng. Ông liên tục hình dung ra viễn cảnh phá vỡ “bức rào” một dặm bốn phút, lắng nghe và cảm nhận bản thân sẽ vượt qua được rào cản này cho đến khi chúng trở thành những căn cứ tham chiếu khẳng định chắc chắn ông sẽ thành công.

 Cần nhớ là trí tưởng tượng hiệu nghiệm gấp mười lòng quyết tâm. Khi trí tưởng tượng được tuôn trào, chúng sẽ cho ta cảm giác chắc chắn và một tầm nhìn vượt xa các giới hạn trong quá khứ. Điều gì sẽ xảy ra nếu Thomas Edison nếu bỏ cuộc khi nỗ lực đầu tiên trong việc sáng chế bóng đèn điện bị thất bại? Hoặc là bỏ cuộc sau lần thứ một tram. May cho chúng ta là ông đã kiên trì thử cả ngàn lần. Ông có thể lấy những thất bại này để làm cơ sở chứng tỏ ý tưởng của ông là không khả thi, nhưng thay vào đó ông lại xem mỗi lần “thất bại” là bài học kinh nghiệm củng cố cho niềm tin rằng ông đang tiến gần đến giải pháp.

 Vì vậy, đừng hướng về quá khứ bằng cách sử dụng kính chiếu hậu làm vật dẫn đường. Hãy học hỏi từ quá khứ chứ đừng sống trong quá khứ, chỉ tập trung vào những điều thúc đẩy bạn.

 ĐỌC SÁCH CHÍNH LÀ CÁCH BỒI BỔ TRI THỨC

 Chúng ta không nhất thiết giới hạn các tham chiếu của mình quanh những kinh nghiệm cá nhân. Chúng ta vẫn có thể tiếp thu những bài học kinh nghiệm từ người khác.

 Tôi quan tâm đến những người đã thành công, đóng góp cho xã hội và có thể tác động lớn đến cuộc sống của nhiều người khác. Tôi đã đọc tiểu sử của những người thành công và thấy rằng vừa xuất thân từ hoàn cảnh hay điều kiện như thế nào,  khi họ có niềm tin vững chắc và liên tục cống hiến, thì cuối cùng thành công cũng sẽ đến với họ. Tôi lấy đó làm nguồn tham chiếu cho bản thân, xây dựng niềm tin rằng tôi có thể thực sự định hình nên số phận cuộc đời mình.

 Không cần phải đi sâu vào cô tịch như người nhập định để khám phá vẻ đẹp và sức mạnh của việc nuôi dưỡng “chiếc rương kho báu” đầy những ký ức và tham chiếu tưởng tượng. Đọc sách, xem phim,nghe nhạc, tham dự các hội thảo, giao lưu với mọi người ... cũng sẽ mở ra cho bạn nhiều ý tưởng mới. Tất cả các tham chiếu đều có quyền năng riêng. Bạn sẽ không bao giờ biết cái nào có thể thay đổi, hoàn toàn cuộc sống của bạn đâu!

 Việc đọc một cuốn sách tuyệt vời sẽ cho bạn khả năng tư duy giống như tác giả- trải qua những giây phút diệu kỳ khi lang thang trong khu rừng Arden (tác phẩm As You Lite It của đại văn hào William Shakespeare); bị đắm tàu và lưu lạc Đảo giấu vàng (Một tác phẩm cùng tên của Robert Louis Stevenson); “sắm vai” thành Henry  David Thoreau trò chuyện với thiên nhiên ở Walden… Bạn bắt đầu nghĩ, cảm nhận và tưởng tượng giống như họ. Các tham chiếu của họ trở thành của bạn, và chúng sẽ đọng lại rất lâu sau khi đã gấp trang cuối cuốn sách lại.

----o0o----

Trích: “Đánh Thức Con Người Phi Thường Trong Bạn”

Anthony Robbins

Dịch: TriBookers

Nhà Xuất Bản Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh-2017

Bài viết liên quan