ĐỂ HỌC HỎI CÁI TRÍ PHẢI YÊN LẶNG - QUYỂN SÁCH CỦA CUỘC ĐỜI – J. KRISHNARMURTI

Học hỏi là một việc và thu được hiểu biết là một việc khác. Học hỏi là một tiến trình liên tục, không là một quy trình của thêm vào, không là một quy trình mà bạn thâu lượm và tiếp theo từ đó hành động. Hầu hết mọi người trong chúng ta thâu lượm kiến thức như là ký ức, như là lý tưởng, lưu trữ nó như là kinh nghiệm, và từ đó hành động. Đó là, chúng ta hành động từ hiểu...
ĐỂ HỌC HỎI CÁI TRÍ PHẢI YÊN LẶNG - QUYỂN SÁCH CỦA CUỘC ĐỜI – J. KRISHNARMURTI

ĐỂ HỌC HỎI CÁI TRÍ PHẢI YÊN LẶNG

QUYỂN SÁCH CỦA CUỘC ĐỜI – J. KRISHNARMURTI

–––––o0o–––––

Ngày 8 tháng giêng:

Quan sát bằng cảm xúc mãnh liệt

Đối với tôi có vẻ rằng là học hỏi khó khăn kinh ngạc, cũng như lắng nghe vậy. Chúng ta không bao giờ thật sự lắng nghe bất kỳ điều gì vì cái trí của chúng ta không tự do; đôi tai của chúng ta nhồi nhét đầy ứ những sự việc mà chúng ta biết rồi, vì thế lắng nghe trở nên khó khăn cực kỳ. Tôi nghĩ - hay đúng hơn nó là một sự thật - rằng là nếu người ta có thể lắng nghe điều gì đó bằng tất cả thân tâm của người ta, bằng khí lực, bằng sức sống, lúc đó chính cái động thái đang lắng nghe là một yếu tố tự do, nhưng rủi thay bạn lại không bao giờ lắng nghe, vì bạn đã không bao giờ học hỏi về nó. Xét cho cùng, bạn chỉ học hỏi khi bạn dành toàn thân tâm của bạn đến một điều gì đó. Khi bạn dành toàn thân tâm bạn đến toán học, bạn học hỏi; nhưng khi bạn ở trong một trạng thái mâu thuẫn, khi bạn không muốn học hỏi nhưng bị cưỡng bách để học hỏi, lúc đó nó chỉ trở thành một quy trình tích luỹ. Để học hỏi giống như đang đọc một quyển sách có vô số nhân vật; nó bắt buộc sự chú ý hoàn toàn của bạn, không là sự chú ý mâu thuẫn. Nếu bạn muốn học hỏi về một chiếc lá - một chiếc lá của mùa xuân hay một chiếc lá của mùa hè - bạn phải thật sự ngắm nghía nó, nhìn sự đối xứng hài hoà của nó, kết cấu của nó, chất lượng của chiếc lá đang sống. Có vẻ đẹp, có khí lực, có sức sống trong một chiếc lá đơn chiếc. Vì thế để học hỏi về chiếc lá, đoá hoa, đám mây, mặt trời lặn, hay một con người, bạn phải quan sát bằng tất cả cảm xúc mãnh liệt.

Ngày 9 tháng giêng:

Để học hỏi, cái trí phải yên lặng

Để khám phá bất kỳ điều gì mới mẻ bạn phải bắt đầu riêng mình bạn; bạn phải bắt đầu một chuyến đi được tước bỏ trần trụi, đặc biệt về hiểu biết, bởi vì rất dễ dàng, qua hiểu biết và niềm tin, để có những trải nghiệm; nhưng những trải nghiệm kia rõ ràng chỉ là những sản phẩm của tự chiếu rọi và vì vậy hoàn toàn không thật sự, hoàn toàn giả dối. Nếu bạn dự tính khám phá cho chính mình điều gì là cái mới mẻ, sẽ không tốt lành gì cả khi vác theo gánh nặng của cái cũ kỹ, đặc biệt là hiểu biết - cái hiểu biết của người khác, dù tầm cỡ bao nhiêu. Bạn sử dụng hiểu biết như một phương tiện của tự chiếu rọi, an toàn, và bạn muốn được hoàn toàn chắc chắn rằng bạn có cùng những trải nghiệm như đức Phật hay chúa Giê-su hay vị X. Nhưng một người mà đang tự bảo vệ chính mình liên tục nhờ vào hiểu biết hiển nhiên không phải là một người tìm kiếm sự thật.... Để khám phá sự thật không có con đường....Khi bạn muốn tìm được một điều gì đó mới mẻ, khi bạn đang thử nghiệm một điều gì đó, cái trí của bạn phải rất yên lặng, phải vậy không? Nếu cái trí của bạn chật ních, nhồi nhét đầy những sự kiện, hiểu biết, chúng hành động như một vật ngăn cản đến cái mới mẻ; việc khó khăn cho hầu hết mọi người trong chúng ta là rằng cái trí đã trở nên quá quan trọng, quá ảnh hưởng đến độ nó ngăn cản liên tục đến bất kỳ điều gì mà có lẽ là mới mẻ, đến bất kỳ điều gì mà tồn tại đồng thời với cái đã được biết. Suy cho cùng hiểu biết và kiến thức thu được do học tập là những ngáng trở cho những người muốn tìm kiếm, cho những người muốn cố gắng để hiểu rõ cái đó mà không thời gian.

Ngày 10 tháng giêng

Học hỏi không là trải nghiệm

Từ ngữ học hỏi có tầm quan trọng lớn lao. Có hai loại học hỏi. Đối với hầu hết mọi người trong chúng ta học hỏi có nghĩa là sự tích luỹ của kiến thức, của trải nghiệm, của kỹ thuật công nghệ học, của một kỹ năng, của một ngôn ngữ. Cũng có học hỏi thuộc tâm lý, học hỏi qua trải nghiệm, hoặc là những trải nghiệm tức khắc của cuộc sống, mà để lại một dư âm nào đó, hoặc là những trải nghiệm của truyền thống, của chủng tộc, của xã hội. Có hai loại học hỏi phương cách để tiếp cận cuộc sống này: thuộc về tâm lý và thuộc về vật chất; kỹ năng bên trong và kỹ năng bên ngoài. Thật sự ra không có vạch mức giới hạn giữa hai loại học hỏi; chúng chồng phủ lên nhau. Lúc này chúng ta không đang lưu ý đến cái kỹ năng mà chúng ta học hỏi qua luyện tập, cái kiến thức kỹ thuật mà chúng ta có được qua học tập. Điều gì mà chúng ta lưu tâm là sự học hỏi thuộc về tâm lý mà chúng ta đã có được qua những thế kỷ hay đã thừa hưởng như truyền thống, như hiểu biết, như kinh nghiệm. Việc này chúng ta gọi là học hỏi, nhưng tôi ngờ vực không hiểu nó có là học hỏi không. Tôi không đang nói về học hỏi một kỹ năng, một ngôn ngữ, một phương pháp kỹ thuật, nhưng tôi đang thắc mắc về một cái trí luôn luôn học hỏi thuộc tâm lý. Nó đã học hỏi và với điều gì nó đã học hỏi nó đem ra để đương đầu với thách thức của cuộc sống. Nó luôn luôn đang diễn dịch cuộc sống hay thách thức mới theo điều gì mà nó đã học hỏi được. Đó là việc gì mà chúng ta đang làm. Đó là học hỏi à? Bộ học hỏi không ngụ ý một sự việc nào đó mới mẻ, một sự việc nào đó mà tôi không biết và tôi đang học hỏi hay sao? Nếu tôi đang thêm vào cái gì tôi đã biết rồi, nó không còn là học hỏi nữa.

Ngày 11 tháng giêng:

Học hỏi có thể thực hiện được khi nào?

Để tìm hiểu và để học hỏi là chức năng của cái trí.Qua từ ngữ học hỏi tôi không có ý nói về sự vun quấy của ký ức hay sự tích luỹ của hiểu biết, nhưng muốn nói về cái khả năng để suy nghĩ rõ ràng và sáng suốt mà không có ảo tưởng, để khởi đầu từ những sự kiện chứ không phải từ những niềm tin và những lý tưởng. Không có học hỏi nếu tư tưởng khởi đầu từ những kết luận. Hiển nhiên để có được thông tin hay kiến thức không phải là để học hỏi. Học hỏi ngụ ý sự yêu quý hiểu biết và sự yêu quý làm một việc vì chính việc đó. Học hỏi chỉ có thể được khi không có sự ép buộc thuộc bất kỳ loại nào. Và sự ép buộc sử dụng nhiều hình thức, phải vậy không? Có sự ép buộc qua ảnh hưởng, qua quyến luyến hay đe doạ, qua khuyến khích thuyết phục, hay những hình thức tưởng thưởng tinh tế. Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng học hỏi được khuyến khích nhờ vào sự so sánh, trong khi trái nghịch của nó mới là đúng sự thật. So sánh gây ra sự thất vọng và rõ ràng chỉ khuyến khích tánh đố kỵ ganh ghét, mà được gọi là ganh đua. Giống như những hình thức dụ dỗ khác, so sánh ngăn cản học hỏi và nuôi dưỡng sợ hãi.

Ngày 12 tháng giêng:

Học hỏi không bao giờ tích luỹ

Học hỏi là một việc và thu được hiểu biết là một việc khác. Học hỏi là một tiến trình liên tục, không là một quy trình của thêm vào, không là một quy trình mà bạn thâu lượm và tiếp theo từ đó hành động. Hầu hết mọi người trong chúng ta thâu lượm kiến thức như là ký ức, như là lý tưởng, lưu trữ nó như là kinh nghiệm, và từ đó hành động. Đó là, chúng ta hành động từ hiểu biết, hiểu biết kỹ thuật công nghệ, hiểu biết như trải nghiệm, hiểu biết như truyền thống, hiểu biết mà người ta nhận được qua những xu hướng theo đặc tính riêng của từng người; với nền tảng đó, với tích luỹ đó như hiểu biết, như trải nghiệm, như truyền thống, chúng ta hành động. Trong quy trình đó không có học hỏi. Học hỏi không bao giờ tích luỹ; nó là một chuyển động liên tục. Tôi không hiểu có khi nào bạn đã từng suy xét câu hỏi này: học hỏi là gì và thu thập được hiểu biết là gì?....Học hỏi không bao giờ tích luỹ. Bạn không thể nào lưu trữ học hỏi và tiếp theo từ kho lưu trữ đó hành động. Bạn học hỏi khi bạn đang vận hành theo. Vì vậy không bao giờ có một khoảnh khắc của quay trở lại ý tưởng cũ hay là kém hơn trong chất lượng hay là sa sút về năng lượng.

–––––o0o–––––

Trích: Quyển Sách Của Cuộc Đời

Tác Giả: J. Krishnamurti

Biên Dịch: Lê Tuyên

NXB: Tổng Hợp Tp. Hồ Chí Minh.

Ảnh: Nguồn Internet

Bài viết liên quan