TRẬT TỰ

TRẬT TỰ

ĐÁNH THỨC TRÍ THÔNG MINH – J. KRISHNAMURTI

-----o0o-----

Chỉ tâm thức biết sự vô trật tự. Trạng thái “không biết”. Tự ngã là phần của văn hóa, nó là vô trật tự.
TRẬT TỰ

Chỉ tâm thức biết sự vô trật tự. Trạng thái “không biết”. Tự ngã là phần của văn hóa, nó là vô trật tự.

Chúng ta đang nói về trật tự. Trong một thế giới quá rối bời và phân chia, trong một thế giới quá bạo lực và tàn nhẫn, giá như người ta nghĩ rằng quan tâm chính của chúng ta là đem lại trật tự này, không chỉ trong chúng ta mà cả ở bên ngoài.

Trật tự không phải là thói quen ; thói quen trở nên tự động và mất mọi sức sống của nó khi con người chỉ trở nên trật tự theo cách máy móc. Trật tự, như chúng ta nói đây, không chỉ bao trùm đời sống riêng biệt của chúng ta mà còn mọi đời sống quanh chúng ta, bên ngoài, trong thế giới, và sâu xa bên trong. Bây giờ ý thức sự vô trật tự này, sự mê mờ rối rắm này, làm thế nào người ta đem lại trật tự trong chính mình mà không có bất kỳ xung đột nào và không trở nên quen thuộc, một lề thói, máy móc và loạn thần? Người ta đã quan sát những người rất trật tự kia ; họ có một sự cứng cỏi nào đó, họ không có sự mềm dẻo ; họ không nhanh nhẹn và trở nên cứng rắn, ích kỷ, bởi vì họ theo một khuôn mẫu riêng biệt mà họ cho là trật tự ; và dần dần điều đó trở thành một trạng thái loạn thần. Thế nên ý thức rằng loại trật tự này (thực chất là vô trật tự) sẽ trở nên máy móc và dẫn đến loạn thần, tuy nhiên người ta cũng cảm thấy phải có trật tự trong đời sống của mình. Bấy giờ làm thế nào nó xảy đến? Đó là điều chúng ta sắp cùng nhau xem xét sáng nay.

Người ta phải có trật tự vật lý. Thiết yếu phải có một thân thể có kỷ luật tốt, nhạy cảm, cảnh giác, bởi vì điều đó phản ứng trên tâm thức. Và làm sao người ta có một cơ thể nhạy cảm cao độ, nó không trở nên khô cứng, bị ép buộc vào trong một khuôn mẫu đặc thù – cái mà tâm thức nghĩ là trật tự và ép thân thể tuân thủ. Đây là một trong những vấn đề.

Bấy giờ phải có trật tự trong toàn bộ tâm thức, trí óc. Tâm thức là khả năng hiểu, quan sát một cách hợp luận lý, lành mạnh, khả năng vận hành toàn bộ, vẹn toàn, không manh mún, không vướng mắc trong những tham muốn, những mục tiêu và những ý định mâu thuẫn. Làm thế nào toàn bộ tính cách này của tâm thức có trật tự toàn diện, trật tự thân tâm mà không tuân thủ, gò ép theo một kỷ luật do tư tưởng chế tạo ra?

Trước tiên hãy thấy sự khó khăn của chúng ta, cái gì bao gồm trong tất cả điều này. Người ta phải có trật tự ; điều này tuyệt đối căn bản. Có trật tự của thế hệ trước, nó thực sự là vô trật tự toàn diện khi người ta quan sát những hoạt động của nó ở khắp thế giới, trong kinh doanh, trong tôn giáo, trong trường kinh tế, giữa những quốc gia và khắp nơi ; có vô trật tự toàn diện.

Phản ứng với cái đó có xã hội bi quan, thế hệ trẻ, làm gần như ngược với thế hệ già, nó cũng là vô trật tự – phải thế không? Một phản ứng là vô trật tự. Và làm thế nào tâm thức, với tất cả tinh tế của tư tưởng, với tất cả những hình ảnh do tư tưởng tạo ra, những hình ảnh nó đã xây lên về người khác và những hình ảnh về chính nó, những hình ảnh của “cái đang là” và “cái nên là” (bởi thế mà sống trong một trạng thái mâu thuẫn), làm thế nào một tâm thức như vậy có trật tự trọn vẹn, toàn thể bên trong chính nó, để cho không có manh mún, không có phản ứng với một khuôn khổ và không có mâu thuẫn của những đối nghịch mà từ đó sẽ sanh ra bạo lực? Bây giờ, thấy mọi điều này, làm sao tâm thức của bạn có trật tự trọn vẹn, toàn thể trong hành động và trong tư tưởng, trong mỗi chuyển động tâm lý và sinh lý?

Những người tôn giáo đã nói rằng bạn chỉ có thể có trật tự bằng niềm tin vào một đời sống cao hơn, bằng niềm tin vào Thượng Đế, tin vào cái gì bên ngoài và bạn phải tuân thủ, chỉnh hợp, bắt chước làm theo niềm tin đó ; rằng nhờ kỷ luật bạn phải cưỡng bách toàn bộ bản chất của bạn và thay đổi cơ cấu của tinh thần cũng như trạng thái sinh lý của bạn. Và có một nhóm các nhà tính tình học nói rằng môi trường bắt buộc bạn cư xử ; nếu bạn cư xử không thích hợp thì nó sẽ hủy hoại bạn. Và người ta sống theo cách đó, theo niềm tin riêng biệt của họ, dù là niềm tin tôn giáo hay xã hội, kinh tế.

Mặc dù sự phân chia này trong thế giới, mâu thuẫn trong chúng ta cũng như trong xã hội, người ta đều nói phải có trật tự trong thế giới ; nhà quân sự nói vậy và những tu sĩ cũng nói vậy. Và trật tự có phải là máy móc? Trật tự có thể được đem lại bằng kỷ luật? Trật tự có thể được đem lại bằng tuân thủ, bắt chước và kiềm chế? Hay, có một trật tự chẳng ăn nhằm gì đến kỷ luật, đến kiềm chế như chúng ta biết, chẳng ăn nhằm gì với tuân thủ, chỉnh hợp, và vân vân?

Chúng ta hãy nhìn vào toàn bộ ý tưởng kiểm soát, kiềm chế này và tìm ra nó có đem đến trật tự hay không (nó không có nghĩa là chúng ta nói để chống lại sự kiềm chế). Chúng ta đang cố hiểu ; và nếu chúng ta hiểu, chúng ta có thể khám phá cái gì hoàn toàn khác. Tôi hy vọng các bạn đều theo dõi điều này và các bạn cũng quan tâm và đam mê cũng như tôi. Rốt cuộc là vô ích nếu chỉ nghe một cách ngẫu nhiên ý tưởng lý thuyết nào đó ; chúng ta không bàn luận những lý thuyết hay giả thuyết ; chúng ta đang quan sát thực tế cái đang diễn tiến, thấy cái gì sai. Chính nhận thức của việc thấy cái gì là sai, đó là chân lý. Bạn có hiểu không?

Bây giờ cái gì bao hàm trong kiểm soát, kiềm chế? Tất cả văn hóa, tất cả giáo dục của chúng ta và sự nuôi dưỡng trẻ em của chúng ta đặt nền trên đó ; và trong chúng ta có sự thôi thúc phải kiềm chế. Bây giờ cái gì bao hàm trong đó? Chúng ta không bao giờ tự hỏi tại sao chúng ta cần kiềm chế? Bây giờ chúng ta hãy đi vào câu hỏi này. Kiềm chế bao gồm một người kiềm chế và cái được kiềm chế. Xin bạn hãy chú ý điều này. Tôi tức giận và tôi phải kiềm chế sự tức giận của tôi ; và nơi nào có kiềm chế, nơi đó có xung đột ; “tôi phải” và “tôi không phải”. Và xung đột hiển nhiên làm méo mó tâm thức. Một tâm thức mạnh khỏe khi nó không có chút nào xung đột ; bấy giờ nó có thể vận hành không có bất kỳ ma sát nào và một tâm thức như vậy là một tâm thức lành mạnh, trong sáng, nhưng kiềm chế khước từ điều đó, bởi vì trong kiềm chế có xung đột và mâu thuẫn, có tham muốn bắt chước và tuân thủ một khuôn khổ – việc bạn nghĩ bạn phải làm. Rõ chứ?

Thế nên kiềm chế không phải là trật tự. Hiểu điều này thì rất quan trọng. Người ta không bao giờ có thể có trật tự bằng kiềm chế, bởi vì trật tự hàm ý vận hành sáng tỏ, thấy toàn bộ, không méo mó ; nhưng ở đâu có xung đột, ở đó phải có méo mó. Kiềm chế cũng bao gồm đè nén, tuân thủ, chỉnh hợp và phân chia giữa người quan sát và cái được quan sát. Chúng ta sắp tìm ra cái gì hành động hay đem lại trật tự mà không có kiềm chế. Không phải chúng ta từ chối toàn bộ cơ cấu kiềm chế, nhưng chúng ta thấy sự sai lầm của nó và bởi thế, từ đó chân lý của trật tự hiện bày. Chúng ta có theo nhau, không phải trên lời nói mà thực sự làm nó khi chúng ta tiếp tục đi, bởi vì chúng ta đang cố gắng sáng tạo một thế giới hoàn toàn khác, một văn hóa khác, để đem lại một con người sống mà không có ma sát. Chỉ một tâm thức như vậy, có thể sống không méo mó mới biết thương yêu là gì. Và kiềm chế trong bất kỳ hình thức nào cũng nuôi dưỡng méo mó, xung đột và một tâm thức không khỏe mạnh.

Văn hóa cổ đã nói rằng bạn phải có kỷ luật, và kỷ luật này bắt đầu khi còn nhỏ ở nhà, rồi ở trường trung học và đại học và suốt cả đời sống. Bây giờ từ “kỷ luật” nghĩa là học ; nó không có nghĩa là rèn luyện, tuân thủ, đè nén vân vân. Và một tâm thức học vào mọi lúc, thực sự ở trong một trạng thái trật tự, nhưng một tâm thức không học, nó nói “Tôi đã học rồi”, một tâm thức như vậy đem lại vô trật tự. Bản thân tâm thức chống lại bị rèn luyện, trở nên máy móc, tuân thủ và đàn áp, mọi cái này hàm ý kỷ luật. Và tuy nhiên chúng ta nói phải có trật tự. Như thế nào trật tự này hiện diện mà không có kỷ luật theo nghĩa thường chấp nhận của từ này?

Thấy vấn đề, nó rất phức tạp, đâu là sự trả lời của chúng ta? Nếu bạn vận dụng tâm thức bạn, nếu bạn thực sự quan tâm sâu xa vào vấn đề của câu hỏi này, không chỉ bên trong bạn mà còn bên ngoài, đâu là sự đáp ứng của bạn? Làm sao bạn tìm thấy một sự trả lời cho sự thúc bách cần có trật tự này, cái ấy không tùy thuộc vào kiềm chế, vào kỷ luật, vào tuân thủ và nó hoàn toàn từ khước mọi thẩm quyền – nó là tự do, phải không? Nếu có hình thức thẩm quyền nào, bấy giờ trong sự chấp nhận thẩm quyền ấy, bèn có tuân thủ, có đi theo ; và điều đó nuôi dưỡng mâu thuẫn và do đó vô trật tự.

Thế nên, không kiềm chế, theo nghĩa thường dùng của từ “kỷ luật”, và một sự từ khước toàn bộ cơ cấu và bản chất của quyền uy, cái này phủ nhận tự do. Và tuy nhiên phải có trật tự ; hãy thấy sự phức tạp của điều này. Có quyền uy của luật pháp, của cảnh sát, quyền công dân của mỗi người ; nhưng phải có tự do đối với quyền uy của những bậc trưởng lão với đức tin của họ, và quyền uy của những đòi hỏi của chính mình, kinh nghiệm, kiến thức của mình ; bởi vì tất cả những cái đó bác bỏ tự do.

Thấy hiện trạng của thế giới như nó đang là, quan sát hệ thống văn hóa, xã hội, kinh tế, tôn giáo và giáo dục của chúng ta và tương quan trong gia đình của chúng ta, chúng ta nhận ra rằng tất cả đều đặt nền trên quyền uy, thẩm quyền này. Và nó đã gây ra sự mê mờ toàn bộ, khổ đau lớn lao, những cuộc chiến tranh và sự phân mảnh của thế giới cũng như sự chia rẽ của con người. Quan sát điều này, người ta cần phải đem lại trật tự như thế nào? Đó là vấn đề của các bạn – các bạn có hiểu không? Bạn sẽ trả lời câu hỏi này thế nào nếu bạn thực sự quan tâm sâu xa và nồng nhiệt khi cố gắng đem lại trật tự cho đời sống bạn, cũng như ở bên ngoài? Bạn sẽ hướng về ai – những quyển sách, những tu sĩ, những triết gia, những guru – để tìm ra làm sao sống một đời sống hoàn toàn trật tự, từ chối mọi tuân thủ, mọi quyền uy, mọi kỷ luật và kiềm chế? Bạn phải trả lời câu hỏi này. Chúng ta đi đến vấn đề một cách tươi mới, tươi mới theo nghĩa chúng ta không biết làm sao đem lại trật tự từ sự hỗn độn này. Nếu bạn nói, trật tự phải thế này thế nọ, bấy giờ bạn phản ứng lại “cái đang là”, bạn tuyên bố điều gì chống lại “cái đang là”, một phản ứng không có gì vững chắc. Thế nên chúng ta tiếp cận vấn đề một cách mới mẻ ; chúng ta đã chỉ khảo sát sự kiện thật của cái đang tiếp diễn trong thế giới và trong chúng ta, sự kiện thật. Bây giờ chúng ta sẽ cùng nhau tìm ra trật tự là gì. Bạn đừng chấp nhận điều gì diễn giả nói, chớ hoàn toàn chắc chắn về điều này, bởi vì nếu bạn làm như vậy thì sự tương quan của chúng ta sẽ hoàn toàn thay đổi. Nhưng nếu chúng ta cùng nhau khảo sát, hoàn toàn chú tâm vào chủ đề, đó là, khi hiểu trạng thái mê mờ rối loạn trong thế giới và thấy sự vô minh trong chính chúng ta, trong mọi cuộc đời chúng ta, chúng lòe loẹt tạp sắc thế nào, thấu hiểu sự kiện thực của điều này, bấy giờ chúng ta cần sự mãnh liệt và đam mê để khám phá cái gì là trật tự.

Chúng ta đang tìm ra, trước hết, cái gì có nghĩa là học bằng cách quan sát “cái đang là” và học từ cái đó. Học ở đây là phân từ hiện tại, nghĩa là một chuyển động thường trực của việc học, không phải đã học và rồi áp dụng kiến thức ấy, nó hoàn toàn khác với cái đang học mọi lúc. Bạn có thấy sự khác nhau? Chúng ta đang cùng nhau học ; chúng ta không chứa chấp kiến thức và rồi hành động theo kiến thức đó ; trong việc này có mâu thuẫn và do đó có kiềm chế, trong khi một tâm thức đang học thường trực thì không có quyền uy, không có mâu thuẫn, không có kỷ luật, mà chính bản thân việc học đòi hỏi trật tự. Xin hãy quan sát chính bạn. Bạn có ở trong một trạng thái học – hay chờ đợi được nói cho trật tự là gì? Hãy xem chính bạn. Nếu bạn đang chờ đợi tìm ra từ người khác trật tự là gì, bấy giờ bạn lệ thuộc vào nhân vật ấy, cuốn sách ấy, tu sĩ ấy, cơ cấu ấy và vân vân. Trạng thái tâm thức bạn thế nào, bạn có hiểu kiềm chế và mọi hàm ý của nó, hiểu ý nghĩa đầy đủ của kỷ luật và bạn cũng trọn vẹn ý thức quyền uy sẽ kéo theo những gì? Nếu bạn đã hiểu, bấy giờ bạn tự do ; nếu khác đi, bạn không thể học. Học nghĩa là một tâm thức tò mò, không biết, nó khao khát tìm ra, quan tâm thích thú. Tâm thức của bạn có như vậy, quan tâm thích thú? Bạn có nói tôi không biết trật tự là gì nhưng tôi sắp tìm ra? Tâm thức bạn có rất tò mò, đam mê và quan tâm sâu xa, và do đó sẵn sàng học, không từ người khác mà học cho chính bạn bằng hành động quan sát? Kiềm chế và quyền uy, điều với bạn có nghĩa là kỷ luật, thì ngăn cản quan sát. Bạn có thấy điều này không? Một tâm thức chỉ có thể học khi nó tự do, khi nó không biết, khác đi thì bạn không thể học.

Thế thì, tâm thức bạn có tự do để quan sát thế giới và quan sát chính bạn? Bạn không thể quan sát nếu bạn nói “Cái này đúng” và “Cái kia sai”, “Tôi phải kiểm soát”, “Tôi phải đè nén”, “Tôi phải vâng lời”, “Tôi phải không vâng lời” – bạn theo dõi chứ? Và nếu bạn nói rằng tôi phải sống một cuộc sống được chấp nhận thì bạn không thể học ; nếu bạn tuân thủ, bạn không tự do để học. Bạn có tuân thủ khi để tóc dài? Tôi có đang tuân thủ khi tôi mặc một áo thun và quần dài? Xin hãy tìm ra. Tuân thủ không chỉ ở khuôn khổ quốc gia, cơ cấu riêng biệt của xã hội hay ở đức tin, mà còn có sự tuân thủ trong những việc nhỏ. Và một tâm thức như vậy không có khả năng học, bởi vì đàng sau sự tuân thủ này có một cảm giác sợ hãi lớn lao ; người trẻ cũng như người già đều có nó và đó là tại sao họ tuân thủ. Nếu tất cả cái này tiếp tục, bạn không tự do để học.

Và phải có trật tự, cái gì sống động và đẹp đẽ, không phải là một vật máy móc – trật tự của vũ trụ, trật tự hiện hữu trong toán học, trật tự trong thiên nhiên, trong tương quan giữa những loài vật, một trật tự mà con người đã hoàn toàn từ khước, bởi vì trong bản thân chúng ta đang ở trong vô trật tự, nghĩa là chúng ta đang phần mảnh, mâu thuẫn, sợ hãi và mọi thứ như vậy.

Bây giờ tôi tự hỏi, và bạn tự hỏi, tâm thức có thể học được chăng, bởi vì nó không biết trật tự là gì. Nó biết phản ứng với vô trật tự, nhưng tâm thức phải khám phá nó thực sự có thể tự do để quan sát. Nói cách khác, tâm thức của bạn đang có ý thức kiềm chế, kỷ luật, thẩm quyền và sự đáp ứng thường trực của phản ứng – bạn có ý thức toàn bộ cơ cấu ấy? Bạn có rõ mọi thứ này trong chính bạn khi bạn sống ngày này sang ngày khác? Hay bạn chỉ rõ biết khi nó được chỉ ra cho bạn? Xin hãy thấy sự khác biệt. Nếu bạn rõ biết toàn bộ vấn đề mê lầm, kỷ luật, kiềm chế và đè nén, nó là tuân thủ, bởi vì bạn đã và đang quan sát, sống, và xem, bấy giờ nó là của bạn; cái kia chỉ là loại second-hand (đồ vật cũ đã xài rồi được mua lại). Bây giờ nó là gì?

Với phần đông chúng ta, nó là loại secod-hand, bởi vì chúng ta là người thuộc loại second-hand, phải không? Tất cả kiến thức của chúng ta là second-hand, tất cả những truyền thống của chúng ta là second-hand. Vậy thì chúng ta có ý thức rằng nó chính là tri giác trực tiếp của chúng ta, chứ không phải cái kiến thức second-hand được học từ người khác? Bây giờ, nếu nó được học từ người khác, người ta phải lìa bỏ nó hoàn toàn, phải không? Bạn phải lìa bỏ mọi cái đã được diễn giả nói về những hàm ý của kiềm chế, kỷ luật, quyền uy và vân vân ; bấy giờ bạn biết rằng cái đã được chỉ ra cho bạn phải được loại bỏ hoàn toàn để học. Nếu bạn đã loại bỏ điều những người khác, kể cả diễn giả, đã nói, bấy giờ bạn đang thực sự học, phải vậy không?

Bây giờ, chúng ta hãy cùng tìm ra trật tự nghĩa là gì. Làm sao bạn tìm ra trật tự nghĩa là gì khi bạn không biết gì về nó? Bạn chỉ có thể làm điều này bằng cách tra hỏi trạng thái của tâm thức đang cố gắng tìm ra trật tự là gì. Tôi chỉ biết cái gì là vô trật tự, tôi quen thuộc đầy đủ với nó, toàn bộ văn hóa của vô trật tự trong xã hội hiện nay ; tôi biết nó rất rõ. Nhưng tôi không biết trật tự là gì ; tôi có thể lý thuyết hóa về nó, nhưng những lý thuyết, tưởng tượng, suy diễn không phải là trật tự ; bởi thế tôi lìa bỏ chúng. Thế nên tôi thực sự không biết trật tự là gì.

Tâm thức tôi biết rõ vô trật tự là gì, nó xảy đến như thế nào, qua văn hóa và sự điều kiện hóa của văn hóa đó và của con người ; tôi biết tất cả cái đó là vô trật tự toàn bộ. Bây giờ, tôi thực sự không biết trật tự là gì, thế thì cái gì là trạng thái của tâm thức nói tôi không biết? Cái gì là trạng thái của tâm thức khi nó nói, “Tôi thực sự không biết?” Đó có phải là trạng thái của tâm thức chờ đợi một sự trả lời, chờ đợi được nói cho nghe, hy vọng tìm thấy trật tự? Nếu nó chờ đợi, mong được nói, bấy giờ đó không phải là trạng thái chúng ta đang nói đây, trạng thái không biết. Trạng thái “không biết” không chờ đợi được nói cho, nó không hy vọng một sự trả lời ; nó cực kỳ sống động, nhưng nó không biết ; nó biết vô trật tự là gì và bởi thế nó khước từ trọn vẹn. Khi một tâm thức như vậy nói, “Tôi không biết”, bấy giờ nó hoàn toàn tự do. Nó đã bác bỏ sự vô trật tự và bởi vì nó tự do, nó đã tìm thấy trật tự. Bạn có hiểu điều này không? Thật sự kỳ diệu nếu bạn đi vào nó cho chính bạn.

Tôi không biết trật tự là gì và tôi không chờ đợi bất kỳ ai nói cho tôi. Và bởi vì tâm thức tôi đã khước từ mọi sự vô trật tự, một cách toàn bộ, không nắm lại một vật gì, đã làm trống không nội dung một cách trọn vẹn, nó là tự do ; thế nên nó có khả năng học. Và khi tâm thức hoàn toàn tự do, nghĩa là không phân mảnh, bấy giờ nó ở trong một trạng thái trật tự. Bạn có hiểu điều này không?

Bây giờ, tâm bạn có ở trong trật tự toàn thể, nếu không chớ đi xa hơn. Không ai cả, thầy, guru, bậc cứu độ, triết gia, không ai có thể dạy bạn trật tự là gì ; trong khi khước từ toàn bộ mọi thẩm quyền, bạn thoát khỏi sợ hãi, và do đó bạn có thể tìm ra trật tự là gì. Bây giờ, bạn có rõ biết tâm thức bạn, chính bạn, đời sống bạn, rõ biết đời sống hàng ngày của bạn, cuộc sống gia đình bạn, tương quan của các bạn với nhau? Và trong đời sống ấy bạn rõ biết lề thói hàng ngày, sự đơn điệu, mệt mỏi chán nản của việc đến chỗ làm? Bạn có ý thức những cãi lộn, những hung bạo, bạo lực, của mọi sự, chúng là kết quả của một một văn hóa vô trật tự toàn diện, đó là cuộc đời của bạn? Bạn không thể chọn nhặt ra từ sự vô trật tự ấy cái gì bạn nghĩ là trật tự. Bạn có ý thức rằng đời bạn là vô trật tự và nếu bạn không có quan tâm, đam mê, nồng nhiệt, ngọn lửa để tìm thấy trật tự, bấy giờ bạn sẽ chọn nhặt ra cái bạn nghĩ là trật tự từ mớ vô trật tự ấy. Bạn có thể quan sát chính mình với sự thành thật lớn lao, không đạo đức giả hay nói bóng gió, tự chính mình biết rằng đời bạn là vô trật tự, và bạn có thể gạt tất cả qua một bên để tìm ra trật tự là cái gì? Bạn biết đó, gạt qua một bên sự vô trật tự thì không quá khó khăn ; chúng ta làm to chuyện nó, quan trọng hóa nó. Nhưng khi bạn thấy cái gì rất nguy hiểm, một vực thẳm, một con thú dữ, một người với khẩu súng, bạn tránh nó tức thì, phải không? Không biện luận, không ngần ngại, không trì hỗn, có hành động trực tiếp tức thời. Cũng như vậy, khi bạn thấy sự nguy hiểm của vô trật tự, có hành động tức khắc, nó là sự bác bỏ toàn bộ văn hóa đã đem lại vô trật tự, cái vô trật tự đó là chính bạn.

SAANEN

20 tháng Bảy 1971

-----o0o-----

Trích: “Đánh Thức Trí Thông Minh”

Tác giả: J. Krishnamurti

Việt dịch: Nguyễn An Cư

NXB Thiện Tri Thức, 2004

Ảnh nguồn: Internet

Bài viết liên quan