TÔI KHÔNG BIẾT - J.KRISHNAMURTI NÓI VỀ TỰ DO

TÔI KHÔNG BIẾT

J.KRISHNAMURTI NÓI VỀ TỰ DO

---o0o---

Nếu con người thực sự đi đến trạng thái nói rằng: “Tôi không biết” thì điều này thể hiện rất rõ một ý thức khiêm tốn lạ thường; không kiêu ngạo dựa vào kiến thức, không phải do cái “tôi” trả lời để gây ấn tượng.
TÔI KHÔNG BIẾT - J.KRISHNAMURTI NÓI VỀ TỰ DO

Nếu con người thực sự đi đến trạng thái nói rằng: “Tôi không biết” thì điều này thể hiện rất rõ một ý thức khiêm tốn lạ thường; không kiêu ngạo dựa vào kiến thức, không phải do cái “tôi” trả lời để gây ấn tượng. Khi bạn thực sự nói: “Tôi không biết”, vốn rất ít người đủ khả năng nói như vậy, trong trạng thái lúc đó, mọi sợ hãi đều chấm dứt bởi vì mọi ý muốn biết, muốn nhớ đều chấm dứt, mọi thắc mắc trong phạm vi của cái đã biết đều không còn nữa. Bấy giờ, một điều kỳ diệu xuất hiện. Nếu bạn đang theo dõi điều tôi trình bày, không phải chỉ theo khái niệm, ngôn từ mà là thực sự kinh nghiệm điều đó, bạn sẽ thấy khi bạn nói: “Tôi không biết”, mọi điều kiện đều ngừng bặt. Và lúc đó trạng thái của tâm là gì? Bạn có hiểu tôi đang nói gì không? Tôi có trình bày rõ ràng không? Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là bạn cần chú ý đến điểm này, nếu bạn cũng quan tâm đến nó.

Bạn biết đấy, chúng ta đang tìm kiếm Cái Vĩnh Cửu - vĩnh cửu theo nghĩa thời gian - một cái gì đó kéo dài vô tận. Chúng ta thấy rằng mọi thứ về chúng ta đều biến đổi, tuôn chảy, được sinh ra, lụi tàn và chết đi, và sự tìm kiếm của chúng ta luôn luôn là để thiết lập Cái Vĩnh Cửu trong vòng cái đã biết. Nhưng cái thực sự thiêng liêng vốn nằm ngoài sự đo đếm của thời gian, nó không tìm thấy được trong vòng cái đã biết. Cái đã biết chỉ vận hành thông qua tư tưởng, tức là phản ứng của ký ức trước một thách thức. Nếu tôi nhận ra điều đó và muốn chấm dứt tư tưởng, tôi phải làm gì? Chắc chắn, tôi phải, thông qua tự biết mình, tỉnh giác về toàn bộ tiến trình tư duy của tôi. Tôi phải thấy rõ ràng rằng bất kỳ tư tưởng nào, dù là tinh tế, kiêu ngạo, ti tiện, hay ngu dốt... đều có nguồn gốc từ cái đã biết, từ trong ký ức. Nếu tôi thấy điều đó thật rõ ràng, bấy giờ, đứng trước một vấn đề rộng lớn, tâm mới đủ sức nói: “Tôi không biết”, bởi vì vấn đề vốn không có giải đáp. Bấy giờ, mọi câu trả lời của các đạo sư, của Chúa, của Phật đều không có ý nghĩa; bởi vì nếu chúng có một ý nghĩa thì ý nghĩa ấy được sinh ra từ bộ sưu tập những ký ức - là cái là điều kiện hoá, quy định.

Như vậy, nếu tôi thấy ra sự thật của tất cả những điều này và thật sự gạt bỏ mọi câu trả lời - hành động mà tôi chỉ có thể làm khi có sự khiêm tốn vô cùng của sự không biết này, thì bấy giờ xuất hiện tâm trạng như thế nào? Khi không có phản ứng của ký ức, tâm trạng nào nói rằng: “Tôi không biết liệu có Thượng đế hay không, liệu có tình yêu hay không”. Vui lòng đừng trả lời ngay lập tức câu hỏi cho chính mình, bởi vì nếu bạn trả lời câu hỏi đó thì sẽ chỉ là sự thừa nhận những gì bạn nghĩ nó nên là hoặc không nên là. Nếu bạn nói: “Đó là một trạng thái phủ định, bạn đang so sánh nó với một cái gì đó mà bạn đã biết; do đó cái trạng thái khi bạn nói: “Tôi không biết”, trạng thái ấy không hiện hữu.

---o0o---

Tác giải: J.KRISHNAMURTI;

Trích: J.KRISHNAMURTI NÓI VỀ TỰ DO;

Từ Hóa Hoàng Lan biên soạn;

Ảnh: Nguồn Internet.

Bài viết liên quan