DALAI LAMA 14 - ĐỂ SỐNG ĐỜI CÓ Ý NGHĨA
Nguyên Hảo dịch
-------o0o--------
Đặt người khác lên hàng đầu; mình ở sau. Việc này cũng xuất phát từ điểm ích kỷ. Tôi xin giải thích. Bạn muốn hạnh phúc và không muốn đau khổ, và nếu bạn bày tỏ lòng tử tế, tình thương, tôn trọng đối với người khác, họ sẽ đáp ứng với sự tử tế. Nếu bạn tỏ ra giận dữ và thù ghét đối với người khác, họ sẽ phản ứng lại như vậy đối với bạn, và bạn sẽ mất đi sự hạnh phúc của mình. Do đó tôi nói, nếu bạn ích kỷ, bạn nên là người ích kỷ thông minh. Thông thường tính ích kỷ chỉ tập trung vào những nhu cầu của riêng bản thân, nhưng nếu bạn ích kỷ một cách thông minh, bạn sẽ đối xử với người ngoài cũng tốt như đối xử với người thân. Cuối cùng, cách này sẽ làm phát sinh nhiều thỏa mãn hơn, nhiều hạnh phúc hơn. Như vậy, ngay cả từ quan điểm ích kỷ, bạn cũng gặt hái được những kết quả tốt hơn bằng sự tôn trọng người khác, phục vụ người khác, và giảm bớt sự quy hướng vào bản thân.
Khi bạn quan tâm đến người khác, hạnh phúc của chính bạn tự động đong đầy. Hãy để ý đến những hành động vô đạo đức về thân và miệng, là nguyên nhân tái sinh vào những hoàn cảnh xấu. Với một người có cách nhìn nhỏ hẹp thì từ bỏ - chẳng hạn như từ bỏ việc giết hại – là để thoát khỏi động lực tạo thêm kinh nghiệm xấu trong tâm thức. Một người có cái nhìn rộng hơn một chút thì từ bỏ giết hại vì nghĩ rằng việc đó sẽ cản trở sự tái sinh vào một đời sống tốt đẹp có điều kiện tu tập để thoát khỏi sự tiếp nối của sinh tử luân hồi. Tuy nhiên, đối với người có lòng vị tha coi sự sống của kẻ khác cũng quan trọng như sự sống của chính mình thì từ bỏ sự giết hại là để bảo về sự sống của người khác. Lòng yêu thương người khác này tạo ra một sức mạnh lớn lao cho động lực kiềm chế sự giết hại. Những người có động lực quy ngã có thể nghĩ rằng nếu họ phạm một nghiệp xấu, họ có thể sám hối và tìm cách để làm tốt nghiệp, trong khi đó, người tôn trọng giá trị sự sống kẻ khác quan tâm đến sự đau khổ của kẻ khác và biết rằng sẽ không giúp được gì cho người kia với sự sám hối vì tội giết hại. Cũng như vậy đối với việc trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói chia rẽ, nói lời độc ác, và ngay cả, tôi nghĩ, nói chuyện vô ích.
Một cách khác mà sự quan tâm đến người khác có giá trị là đặt hoàn cảnh của chính bản tâm vào viễn cảnh rộng lớn. Về một phương diện nào đó, tôi rất buồn cho tình trạng của Tây Tạng, nhưng rồi tôi nhớ rằng tôi đã thọ Bồ Tát Nguyện và mỗi ngày suy ngẫm về lời cầu nguyện của Shantideva:
Bao lâu mà bầu trời còn hiện hữu
Và bao lâu mà chúng sanh vẫn còn,
Tôi nguyện ở lại để giúp đỡ
Giải phóng họ thoát khỏi mọi khổ đau.
Mỗi khi tôi nhớ lời nguyện nầy, toàn thể cảm giác nặng nề lập tức được đẩy ra, giống như áo quần nặng nề được cởi bỏ khỏi thân thể.
Thực hành lòng vị tha giải tỏa những nguyên nhân đặc biệt của lòng chán nản bằng việc đặt chúng trong một viễn cảnh rộng hơn; những nguyên nhân này sẽ không làm nản lòng bạn. Phần lớn những rắc rối, lo âu, và buồn rầu xảy ra cho một người trong cuộc đời này có nguyên nhân từ sự yêu mến bản thân mình. Như tôi đề cập ở trước, ích kỷ một cách thông minh không phải là xấu, nhưng ích kỷ một cách cạn cợt, chỉ quan tâm đến sự thỏa mãn tức thời, là phản động. Một viễn cảnh chật hẹp làm cho ngay cả một vấn đề nhỏ cũng trở nên khó chịu. Quan tâm đến tất cả chúng sanh mở rộng tầm nhìn của bạn, làm cho bạn trở nên hiện thực hơn. Trong chiều hướng này, một thái độ vị tha giúp giảm bớt sự đau khổ của bạn ngay bây giờ.
Lòng mong muốn thiết tha của tôi là bạn hãy thực hành tình thương và lòng lân mẫn cho dù bạn có tin tưởng vào tôn giáo hay không. Qua sự thực hành này, bạn sẽ nhận ra giá trị của lòng từ bi và lân mẫn đối với sự bình an tâm hồn của bạn. Sau hết, cho dù bạn có thể không quan tâm đến người khác, bạn rất quan tâm đến chính bạn – điều này không phải nói nhiều – do đó bạn muốn có một tâm hồn bình an và một đời sống hằng ngày hạnh phúc hơn. Nếu bạn thực tập nhiều hơn về lòng lân mẫn và tính vị tha, bạn sẽ tìm thấy bình an nhiều hơn. Không cần phải thay đổi đồ đạc trong nhà hoặc đổi sang một ngôi nhà khác. Hàng xóm của bạn có thể rất ồn ào hay rất khó khăn, nhưng bao lâu mà tâm hồn bạn có sự hòa dịu và an bình, những người hàng xóm sẽ không quấy rầy bạn nhiều. Tuy nhiên, nếu bạn dễ sinh cáu, ngay cả bạn thân của bạn viếng thăm, bạn cũng không thể thật sự vui vẻ. Nếu bạn an tĩnh, ngay cả kẻ thù cũng không thể quấy rầy bạn được.
Đó là lý do tôi nói rằng nếu là người thật sự ích kỷ, hãy nên là người ích kỷ thông minh. Với cách này, bạn có thể làm đầy động cơ ích kỷ để trở nên hạnh phúc. Điều đó là tốt hơn nhiều so với sự quy hướng vào bản thân hoặc ích kỷ một cách điên rồ, không đưa đến kết quả nào.
-------o0o--------
Trích “Để Sống Đời Có Ý Nghĩa”
DALAI LAMA 14
Nguyên Hảo dịch
NXB: Về Nguồn
Ảnh: Hình tượng của Đức Đạt Lai Lạt Ma được tạc vào năm 1993 tại điểm tham quan của Madame Tussauds ở London, Anh - Nguồn internet