NGHỆ THUẬT KHOAN DUNG & NGHỆ THUẬT VỊ KỶ - ESTHER & JERRY HICK

NGHỆ THUẬT KHOAN DUNG & NGHỆ THUẬT VỊ KỶ

Esther & Jerry Hick

-----o0o-----

Nghệ thuật Khoan dung có ảnh hưởng tới sức khỏe của tôi không?Jerry: Abraham, tôi muốn nhắc tới một loạt trải nghiệm mà tôi gọi là thực tiễn hằng ngày, và xin nhờ thầy bớt chút thời gian chỉ bảo cho tôi biết, thầy thấy “Nghệ thuật Khoan dung” áp dụng cho những điều kiện cụ thể này như thế nào. Trước hết là những gì liên quan đến sức khỏe. Tôi nhớ rằng khi còn nhỏ tôi đã...
NGHỆ THUẬT KHOAN DUNG & NGHỆ THUẬT VỊ KỶ - ESTHER & JERRY HICK

Nghệ thuật Khoan dung có ảnh hưởng tới sức khỏe của tôi không?

Jerry: Abraham, tôi muốn nhắc tới một loạt trải nghiệm mà tôi gọi là thực tiễn hằng ngày, và xin nhờ thầy bớt chút thời gian chỉ bảo cho tôi biết, thầy thấy “Nghệ thuật Khoan dung” áp dụng cho những điều kiện cụ thể này như thế nào. Trước hết là những gì liên quan đến sức khỏe. Tôi nhớ rằng khi còn nhỏ tôi đã từng có nhiều năm rất ốm yếu về mặt thể chất. Về sau, đến một giai đoạn tôi muốn vượt khỏi tình trạng đó và thực chất là suốt từ đó về sau tôi có sức khỏe thể chất cực kỳ tốt. “Nghệ thuật Khoan dung” áp dụng vào hai tình huống này như thế nào, từ chỗ cực kỳ ốm yếu chuyển sang cực kỳ khỏe mạnh?

Abraham: Khi bạn có quyết định về điều gì đó bạn mong muốn là bạn đã thực hiện được một nửa phương trình “Sáng tạo có chủ ý” về thứ đó. Bạn suy nghĩ với cảm xúc, và đó chính là “mong muốn”. Một nửa còn lại của phương trình “sáng tạo có chủ ý” chính là sự “Khoan dung”, hay sự kỳ vọng, để điều mong muốn xảy ra… Và như vậy, khi bạn nói “Tôi mong muốn và cho phép điều đó xảy ra”, bạn sẽ nhanh chóng tạo nên thứ bạn mong muốn dù đó là gì. Thật sự là bạn “cho phép” mình có được điều đó bằng cách không phản kháng lại, không dùng ý nghĩ khác để xua đẩy nó.

Bạn đã nghe chúng tôi nói rằng khi bạn ở trong trạng thái “Khoan dung”, bạn không có cảm xúc tiêu cực. Trạng thái “Khoan dung” là sự tự do vượt ra khỏi những gì tiêu cực, vì vậy khi bạn vạch ra ý định rõ ràng là phải đạt được điều gì đó và bạn cảm nhận duy nhất cảm xúc tích cực về điều đó, thì bạn đang ở trong trạng thái cho phép điều đó xảy ra. Và bạn thấy là bạn sẽ có điều đó.

Để khỏe mạnh chứ không ốm yếu, chắc hẳn là bạn phải nghĩ tới trạng thái khỏe mạnh. Khi cơ thể bạn ốm yếu thì dễ nhận thấy sự ốm yếu và cần phải có một sự mong mỏi, tập trung và sẵn sàng nhìn vượt qua hẳn những gì đang xảy ra. Bằng việc tưởng tượng một cơ thể khỏe mạnh hơn trong tương lai, hoặc nhớ lại lúc bạn khỏe mạnh hơn, ý nghĩ của bạn vào thời điểm đó sẽ khớp với mong mỏi của bạn, và bạn sẽ để cho tình trạng sức khỏe của mình được cải thiện. Chìa khóa của vấn đề là đạt tới những ý nghĩ làm bạn thấy dễ chịu hơn.

Khoan dung, từ chỗ bần hàn tới chỗ sung túc về tài chính

Jerry: Chủ đề tôi muốn thảo luận tiếp là sự thịnh vượng và giàu có. Khi tôi còn nhỏ, tôi sống trong cảnh nghèo khổ, nhà chẳng khác gì ổ chuột, đại loại thế. Và sau đó, năm 1965, tôi tìm được cuốn sách “Nghĩ giàu, làm giàu”, cuốn sách đã cho tôi cái nhìn khác về mọi việc, và từ đó trở đi, tình hình tài chính của tôi đi lên theo vòng xoáy. Từ chỗ sống trong chiếc xe buýt Volkswagen, tôi chuyển sang có mức thu nhập sáu, rồi sau đó là bảy chữ số.

Abraham: Bạn nghĩ điều gì đã xảy ra khi bạn thay đổi cách nhìn sự vật sau khi đọc cuốn sách đó?

Jerry: À, điều tôi nhớ nhất là lần đầu tiên kể từ khi trưởng thành, tôi đã bắt đầu tập trung chỉ vào cái mà mình mong muốn, đại thể là như thế. Nhưng tôi muốn nghe quan điểm của thầy về hiện tượng này.

Abraham: Bạn đã đạt đến chỗ hiểu rằng bạn có thể có được điều mình mong muốn. Từ kinh nghiệm cuộc sống thì mong muốn đó đã có, nhưng khi đọc cuốn sách đó thì bạn đi đến chỗ tin rằng điều đó là có thể. Cuốn sách khiến bạn bắt đầu chấp nhận để mong muốn trở thành hiện thực.

Khoan dung, quan hệ và nghệ thuật vị kỷ

Jerry: Một lĩnh vực khác khá rộng lớn mà tôi muốn nói tới là các mối quan hệ. Đã có những quãng thời gian tôi cảm thấy khó có thể chấp nhận để bạn bè mình có suy nghĩ, niềm tin và cả những hoạt động “không thích hợp” của bản thân họ.

Abraham: Khi bạn dùng từ “chấp nhận” ở đây thì bạn có ý gì?

Jerry: Lúc đó tôi cảm thấy là họ phải suy nghĩ và hành động theo cách mà tôi muốn họ nghĩ và hành động. Và khi họ không làm như tôi muốn, điều đó làm tôi cực kỳ khó chịu và thường là tức giận.

Abraham: Và như vậy, khi bạn quan sát họ làm gì, nói gì thì bạn có cảm xúc tiêu cực, đó là dấu hiệu của việc bạn không ở trong trạng thái “Khoan dung”.

Nghệ thuật vị kỷ có phải là vô đạo đức?

Jerry: Và lúc đó tôi nghĩ rằng mình thực sự không vị kỷ và rất vị tha. Nói cách khác, tôi không bao giờ là một người vị kỷ và cũng mong họ bớt vị kỷ và trở nên vị tha hơn. Và thực tế rằng họ không như tôi muốn là một điều khó chịu đối với tôi. Sau đó tôi tìm thấy cuốn sách “Nghệ thuật vị kỷ” [The Art of Selfishness] của David Seabury, và nó đã khiến tôi nhìn nhận sự vị kỷ theo cách khác, và tôi có thể hiểu được rất nhiều thứ tiêu cực ở phía mình nhờ cách nhìn mới đó.

Abraham: Điều quan trọng là bạn cho phép mình chú ý tới điều mình mong muốn. Và có những người gọi đó là sự “ích kỷ”, theo cách phán xét và không tán thành. Còn chúng tôi nói với bạn rằng nếu bạn không có cái nhìn lành mạnh về bản thân, nếu bạn không cho phép bạn mong muốn, kỳ vọng nhận được những điều bạn mong muốn, bạn sẽ không bao giờ có chủ ý trong sáng tạo và bạn sẽ không bao giờ có được trải nghiệm làm bạn thỏa mãn.

“Không khoan dung với bản thân cũng chính là nguồn gốc của việc không khoan dung với kẻ khác. Thường thì người nào không tán thành một phẩm chất nào đó nơi bản thân mình sẽ nhận thấy phẩm chất tương tự ở người khác, và cũng sẽ không tán thành nó. Và như vậy, chấp nhận, tán thành, quý trọng và khoan dung đối với bản thân là bước đầu tiên để quý trọng, tán thành và khoan dung người khác. Điều đó không có nghĩa là bạn phải đợi cho tới khi mình hoàn hảo, theo tiêu chuẩn của bản thân, hay đợi người khác hoàn hảo theo tiêu chuẩn của họ, vì sẽ chẳng bao giờ có sự hoàn hảo như thế - vì các bạn luôn thay đổi, trưởng thành”. Điều đó có nghĩa là bạn cần tìm và dự định tìm thấy nơi bản thân bạn những gì bạn muốn thấy, hay tìm thấy ở người khác những gì bạn muốn thấy.

Chúng tôi thường bị cáo buộc là truyền dạy sự vị kỷ, và chúng tôi đồng ý là chúng tôi làm việc đó. Mọi thứ bạn tiếp nhận là từ quan điểm vị kỷ và nếu bạn không đủ vị kỷ để duy trì sự kết nối và hòa hợp với cái “Nội thể” rộng lớn và thông thái hơn của bạn thì bạn cũng không có gì để mang cho người khác. Khi đủ vị kỷ để quan tâm tới cảm xúc của mình, bạn có thể tận dụng “Hệ thống dẫn dắt” của bạn để hòa hợp với năng lượng hùng mạnh của Nguồn (Source), và khi đó bất kỳ ai may mắn trở thành đối tượng chú ý của bạn sẽ được lợi”

-----o0o-----

Trích “Luật Hấp Dẫn – Những Bài Giảng Cơ Bản Của Abraham”

Đức Tĩnh dịch

NXB Thế Giới, 2017

Ảnh: nguồn Internet

Bài viết liên quan