ĐỐN NGỘ TIỆM TU - NGUYỄN THẾ ĐĂNG

ĐỐN NGỘ TIỆM TU

NGUYỄN THẾ ĐĂNG

-------o0o-------

“Cái gọi là đốn ngộ tiệm tu là chỉ người đã ngộ một cách triệt để nhưng vẫn chưa rửa sạch ngay một lần hết cả những vọng niệm tập khí trong tâm. Người ấy phải hòa cái ngộ với tất cả những gì gặp trong đời sống hàng ngày, hòa hợp cái ngộ với các biến cố bên ngoài. Hễ cứ một phần cảnh tướng bên ngoài hòa hợp với ngộ thì một phần Pháp thân được khai mở, và cứ...
ĐỐN NGỘ TIỆM TU - NGUYỄN THẾ ĐĂNG
  • Tổng quan về Thiền tông

Đốn ngộ tiệm tu là một vấn đề căn bản quan trọng trong Thiền tông, vì đó cũng là con đường Thiền tông. Thiền sư Phổ Chiếu (1158-1210) trong Tu Tâm Quyết nói:

“Phàm nhập đạo có nhiều cửa, nhưng nói chỗ cốt yếu thì chẳng ngoài hai cửa Đốn ngộ và Tiệm tu… Ngài Khuê Phong Tông Mật (đời thứ năm sau Lục tổ và cũng là tổ thứ năm của Hoa Nghiêm tông) rất thấu đáo về nghĩa trước ngộ sau tu. Ngài nói, ‘Biết băng nơi hồ là nước, nhờ mặt trời (trí huệ) mới tan ra. Ngộ phàm phu tức là Phật, nhờ pháp lực để huân tu. Băng tan thành nước mới có công dụng để giặt rửa. Vọng hết thì tâm rỗng suốt, mới ứng hiện diệu dụng thần thông sáng suốt’.”.

Theo lịch sử Thiền tông, Sơ Tổ Bồ-đề-đạt-ma đến Trung Hoa vào đầu thế kỷ thứ VI để “truyền bá chánh pháp Đại thừa” (Cảnh Đức Truyền Đăng Lục). Từ Sơ Tổ Đạt-ma truyền qua Tổ Huệ Khả, Tổ Tăng Xán, Đạo Tín, Hoằng Nhẫn, và tới Tổ thứ sáu là Huệ Năng (638-713).

Ngài Bồ-đề-đạt-ma dùng kinh Lăng-già bốn quyển “là yếu môn tâm địa Như Lai, sẽ giúp chúng sanh khai thị ngộ nhập tri kiến Phật”. Cho đến Ngũ Tổ, ngài dạy tâm địa pháp môn và lấy kinh Kim Cương làm chính, và Lục tổ ngộ nhờ Ngũ Tổ giảng cho nghe kinh Kim Cương.

Cho đến thời Năm Phái, chúng ta thấy các Thiền sư trích dẫn từ kinh điển khá nhiều. Như Lục Tổ Huệ Năng, tương truyền ban đầu là không biết chữ, thì ngài vẫn đề cập đến kinh luận: Bồ-tát giới kinh, Duy-ma-cật, Kim Cương, Đại Bát-niết-bàn, Đại Bát-nhã, Khai thị ngộ nhập của kinh Pháp Hoa, Ba Thân Bốn Trí, Năm phần hương Pháp thân… Các Thiền sư sau Tổ Huệ Năng cũng thế. Thiền sư Mã Tổ: nguồn tâm, Như Lai tạng, Thanh tịnh Pháp thân, Chân như, Phật tánh… Thiền sư Lâm Tế: Phật pháp, Kiến giải chân chánh, Phật Pháp thân, Phật Báo thân, Phật Hóa thân, kinh Lăng Nghiêm, Lâu đài của Di-lặc, Pháp giới Tỳ-lô-giá-na, Pháp giới vô sanh, Bốn cảnh vô tướng, Văn-thù, Quan Âm, Tam giới duy tâm vạn pháp duy thức…

Càng về sau, các Thiền sư ít nhắc tới kinh điển, chỉ nói nhiều đến ngữ lục, là lời của các Tổ. Còn trong những thế kỷ đầu của Thiền tông, những thiền sư lỗi lạc đều thông thạo, thậm chí y cứ vào kinh điển. Như thế bởi vì nếu Thiền tông là tông phái chỉ thẳng tâm Phật, tâm giác ngộ của Phật, thì kinh điển chính là lời Phật để khai thị tâm Phật này.

Các Ngữ lục là lời của Tổ, trong khi đó lời của Phật được gọi là kinh. Chính các Thiền sư cũng gọi là ngữ lục, chứ không gọi kinh, chỉ trừ lời Lục Tổ được đời sau gọi là kinh. Các Thiền sư chỉ dùng từ đại ngộ chứ không dùng từ giác ngộ, là từ chỉ dành riêng cho Đức Phật. Chẳng hạn, lời các Thiền sư nói về tánh Không có thể rất trực tiếp, cụ thể, nhưng không thể vượt ngoài lời của Phật về tánh Không trong kinh Đại Bát-nhã.

Thế nên ngày nay nếu người học đạo chúng ta một cách cực đoan không quan tâm đến kinh, cho đó là “giáo” thì Thiền tông của chúng ta đã bỏ qua cội nguồn sức mạnh Phật pháp, và cũng bỏ qua sự nối kết với truyền thống Phật giáo đã có từ trước đến tận Đức Phật. Chúng ta cũng lơ là với chính truyền thống của Thiền tông, được cho là truyền từ Đức Thích-ca qua những bậc long tượng như ngài Mã Minh, tác giả Luận Đại thừa Khởi tín, ngài Long Thọ, vị sáng lập ra Không tông, ngài Thế Thân, vị sáng lập ra Duy thức tông. Đây là hai tông chính của Đại thừa, với rất nhiều tác phẩm “kinh điển” của Phật giáo.

  1. Đốn ngộ

Bây giờ chúng ta đi đến vấn đề chính, tức là Đốn ngộ. Nói đến đốn ngộ thì phải có câu hỏi: Đốn ngộ là đốn ngộ cái gì? Xác định được đối tượng của đốn ngộ chúng ta sẽ thấy được cái chung của mọi tông phái Phật giáo cũng như sự liên hệ của Thiền tông với truyền thống Phật giáo.

Chữ đốn ngộ được Lục Tổ dùng nhiều nhất, và khái niệm đốn tiệm đã được nói đến trong các kinh, chẳng hạn trong kinh Lăng Già do Sơ Tổ truyền cho các đệ tử Trung Hoa. Ngài Bồ-đề-đạt-ma thì dùng chữ “con đã đắc pháp” với Huệ Khả. Ngài Huệ Khả dùng chữ “ngộ” đối với Tăng Xán. Ngài Tăng Xán “ấn chứng chỗ Đạo Tín đại ngộ, thấy rõ Phật tánh”. Ngài Huệ Năng cũng nói, “Chánh giáo xưa nay không có đốn tiệm. Do vì tâm người có bén có lụt mà người mê thì tiệm tu, người ngộ thì đốn khế hợp. Tự biết bản tâm, tự thấy bản tánh thì không có gì sai khác. Thế nên lập ra cái giả danh gọi là đốn, tiệm”. (Phẩm Định Huệ).

Vậy thì đốn ngộ là đốn ngộ cái gì? Đó là đốn ngộ “tự tánh hay bản tánh, bản tâm”. Ở phẩm Sám Hối, tự tâm ấy chính là “Pháp thân, tự tâm Phật”:

“Sự việc này phải biết từ trong tự tánh khởi. Mọi lúc mọi thời niệm niệm tự tịnh tâm mình, tự tu tự hành, thấy Pháp thân của chính mình, thấy tâm Phật của mình, tự độ, tự răn nhắc mình… Trước tiên, ta truyền năm phần hương tự tánh Pháp thân, rồi sẽ trao pháp Sám hối vô tướng”.

Cũng trong phẩm Sám Hối, Lục Tổ nói, “Thanh tịnh Pháp thân Phật chính là tự tánh vốn thanh tịnh của người đời”. Danh từ Pháp thân được Lục Tổ nói đến nhiều lần trong kinh Pháp Bảo Đàn. Thiền sư Mã Tổ, đời thứ hai sau Lục Tổ, nói Pháp thân là mục tiêu của Thiền:

“Như trời nổi mây, chợt có rồi không, như vẽ hình trên nước, không có dấu vết. Không sanh không diệt là đại tịch diệt. Ở trong ràng buộc thì gọi là Như Lai tạng, ra khỏi ràng buộc thì gọi là Thanh tịnh Pháp thân”.

Như vậy, đốn ngộ là đốn ngộ Pháp thân. Có đốn ngộ, thấy được Pháp thân là do phá bỏ được một phần chấp ngã chấp pháp, gỡ bỏ được một phần che chướng của hai thứ phiền não chướng và sở tri chướng.

Pháp thân của chư Phật cũng là cái vốn có của tất cả chúng sanh, có điều chưa hiển lộ. Pháp thân là chỗ tu chỗ chứng của con đường Đại thừa. Đó cũng là Nền tảng chung, Con đường (có thể khác biệt), và Quả chung của mọi tông phái Phật giáo. Thiền tông là một tông phái Phật giáo, cùng chung với tất cả tông phái khác ở chỗ Nền tảng cho sự tu hành là Pháp thân và Quả là Pháp thân đã hiển lộ trọn vẹn.

Ngay cả  Thanh Văn thừa và Duyên giác thừa cũng cùng chung một Pháp thân này, bởi vì Pháp thân cũng chính là Niết-bàn. Các vị A-la-hán tương đương với vị Bồ-tát ở địa thứ tám chứng Vô sanh pháp nhẫn, có điều các vị A-la-hán thì nhập Niết-bàn, còn vị Bồ-tát thì tiếp tục đi đến địa thứ mười để thành Phật. (Xem phẩm Thập địa, kinh Hoa Nghiêm).

Pháp thân là nền tảng chung cho mọi tông phái, và Tịnh Độ tông cũng y vào sự chứng đắc Pháp thân đến mức độ nào để lập Cửu phẩm. Trong kinh A-di-đà có từ A-bệ-bạt trí, tức là Bất thối chuyển, một trong những từ để chỉ địa thứ tám. Thế nên có những vị Thiền sư đã ngộ và rồi quy hướng về Tịnh Độ như Vĩnh Minh Diên Thọ (904-975), tổ thứ ba tông Pháp Nhãn đồng thời cũng là tổ thứ sáu tông Tịnh Độ.

Ngộ, hay đại ngộ, hay đốn ngộ thì phải vào được Pháp thân này. Pháp thân là nền tảng để thật sự giải thoát khỏi sanh tử và giác ngộ. Ngộ ít nhất là phải vào địa thứ nhất, sơ Hoan Hỷ địa, tức là vào một phần mười của mười phần Pháp thân. Cũng có thể một lần đại ngộ vượt lên đến địa thứ ba hay thứ tám, nhưng dù có đến đâu cũng phải nằm trong mười địa của Pháp thân. Chúng ta cũng biết nhiều vị Thiền sư như Bạch Ần và Hư Vân đã nói, “Đại ngộ thì cả chục lần, còn tiểu ngộ thì không đếm hết”.

Cũng có vị đốn ngộ đốn giác nhảy một cú lên đến địa thứ mười, trường hợp này rất hiếm hoi trong Phật giáo. Nhưng dù có nhảy lên đến địa thứ mười hay thậm chí vượt qua khỏi cả địa thứ mười, thì cú nhảy đó cũng phải băng qua mười địa, chứ không phải ở ngoài mười địa.

Đại Toàn Thiện (Dzogchen) là một giáo lý cao nhất và đốn nhất của Phật giáo Ấn-Tạng. thì trong tác phẩm Phật Tâm của Longchen Rabjam (1308-1363), một trong vài vị tổ lỗi lạc nhất của Đại Toàn Thiện, cũng có nói đến Mười địa là con đường căn bản của giải thoát và giác ngộ (Xem: Những chứng đắc bốn thị kiến Đại Toàn Thiện và Mười Địa, Phật Tâm, Nxb. Thiện Tri Thức, 2000).

Trong Đại Ấn, Thiền xóa tan bóng tối và vô minh (Nxb Thiện Tri Thức, 2001), Karmapa thứ Chín, Wangchug Dorje (1556-1603) khi chỉ bày con đường Đại Ấn đã tham chiếu vào Mười Địa của Đại thừa (chương Những lợi lạc của những thực hành, những giai đoạn và những con đường theo Đại Ấn).

Về phương tiện thiện xảo hay thủ thuật đưa đệ tử đến đốn ngộ, thì những hành động như đánh, hét… cũng có ở những tông phái khác và không có gì là kỳ quái cả. Chẳng hạn như sự khai thị của Tilopa cho Naropa về Pháp thân. Đây là hai vị tổ Ấn Độ của phái Kagyu Tây Tạng. “Sau nhiều thử thách và thực hành, trải qua nhiều kinh nghiệm tâm linh trong nhiều năm, một hôm cả hai đi đến một dòng sông và Naropa cầu xin Tilopa ban thêm cho chỉ dạy. Ngài đã đi đến sự chỉ dạy cuối cùng. Tilopa cầm lên một chiếc giày đánh vào đầu Naropa, và nói, ‘Không có gì nữa để dạy, sự chứng ngộ sau cùng ở nơi chính tâm con’. Vào lúc đó, những màn che chướng cuối cùng tan biến khỏi tâm Naropa. Bất cứ điều gì Tilopa đã chứng ngộ về bản tánh của tâm thì Naropa cũng chứng ngộ. Naropa đã hoàn thành Đại Ấn”.

Nếu trở lại thời Đức Phật, chúng ta thấy nhiều trường hợp tức thời đạt đến bậc Nhập lưu cho đến quả A-la-hán khi nghe Đức Phật thuyết pháp hoặc thậm chí chỉ nhìn thấy Ngài. Trong kinh Đại thừa, sau một thời thuyết pháp có nói bao nhiêu vị đắc “pháp nhãn tịnh” (con mắt pháp trong sạch, Kiến đạo vị) bao nhiêu vị đắc “vô sanh pháp nhẫn” (địa thứ tám).

 

  1. Tiệm tu

Trước khi trở về phương Tây, Tổ Bồ-đề-đạt-ma hỏi chỗ sở đắc của bốn đệ tử hàng đầu. Tổ lần lượt nói người được phần da, người được phần thịt, người được phần xương, và Huệ Khả sau cùng được phần tủy. Như thế, sự chứng ngộ Pháp thân có cấp độ cạn sâu. Dĩ nhiên người nào còn cạn thì phải tiếp tục Nhập, tức là tiếp tục tiệm tu.

Lục Tổ được Ngũ Tổ giảng cho kinh Kim Cương, đến câu “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” thì ngay lời nói đại ngộ, “nào ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh…” Sau đó, từ giã Ngũ Tổ. Khi lên thuyền cầm chèo, ngài nói, “Mê thì thầy độ, ngộ rồi thì tự độ. Nay đã được ngộ, chỉ nên tự ngộ tự độ”.

Tự độ là lấy tự tánh, tức là “vị thầy bên trong,” mà tự độ. Đây là tiệm tu. Lục Tổ cũng nói “đốn ngộ đốn tu” (phẩm Đốn Tiệm) chứ không nói đốn ngộ thành Phật.

Khi Huệ Minh đại ngộ sau lời nói của Lục Tổ, Tổ bèn nói, “Ông được như vậy thì ta với ông cùng một thầy Hoàng Mai, hãy khéo tự hộ trì”.

Khi thấy một phần Pháp thân hay tự tánh rồi thì có thể “tự tu tự hành, tự ngộ tự độ”. Đây là tiệm tu. Dĩ nhiên chúng ta không nên hiểu chữ tu này một cách thô sơ, tầm thường, vì một người đã đạt đến Pháp thân, đã đạt đến Căn bản trí, đã đạt đến Trí huệ Bát-nhã thì “tu mà không tu, chứng mà không chứng”.

“Khéo tự hộ trì” là công phu tiệm tu sau khi ngộ. Cùng nghĩa với những từ này còn có từ “bảo nhậm”, “trưởng dưỡng thánh thai”, “thấy tánh khởi tu”… 

Đốn ngộ là một niệm tương ưng với Pháp thân. Tiệm tu là niệm niệm tương ưng với Pháp thân, liên tục sống trong thực tại Pháp thân. Lục tổ dùng chữ niệm niệm này nhiều trong kinh Pháp Bảo Đàn:

“Niệm niệm mở chỗ thấy biết của Phật” (phẩm Cơ Duyên); “Ở trong niệm niệm tự thấy bản tánh thanh tịnh, tự tu tự hành, tự thành Phật đạo” (phẩm Diệu Hạnh); “niệm niệm thấy tánh” (phẩm Quyết Nghi); “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học là phải thấy tánh mình, thường hành chánh pháp” (phẩm Sám Hối); “Thấy tánh là công, bình đẳng là đức. Niệm niệm không ngăn trệ, thường thấy bản tánh, diệu dụng chân thật, gọi là công đức”; “Niệm niệm không gián đoạn là công, tâm làm bằng thẳng là đức. Tự tu tánh là công, tự tu thân là đức” (phẩm Quyết Nghi).

Ngũ Tổ cũng nói về niệm niệm này: “Vô thượng bồ-đề cần ở ngay lời nói mà biết bản tâm mình, thấy bản tánh mình, vốn chẳng sinh chẳng diệt. Ở trong mọi lúc mọi thời, niệm niệm tự thấy, muôn pháp không trệ ngại. Một cái chân, tất cả đều chân, muôn cảnh tự như như” (phẩm Tự Thuật).

Các Thiền sư thường có một thời gian dài sau khi ngộ để bảo nhậm, hộ trì. Lục Tổ ở mười lăm năm trong rừng với những thợ săn. Quốc sư Huệ Trung tu ở núi hơn bốn mươi năm. Thiền sư Quy Sơn ở núi một mình hơn bảy năm. Quốc sư Đại Đăng của Nhật Bản được thầy mình dạy, “Trước khi ấn chứng chính thức công khai, ngươi phải tiếp tục tu hành hai mươi năm”. Rồi Đại Đăng sống như người ăn xin gần cầu Ngũ Điều hai mươi năm, sau đó được thầy giới thiệu với vua để làm Quốc sư. Các Thiền sư sau khi ngộ thường đi đến các Thiền sư lỗi lạc để tham vấn, thỉnh ích, gọi là hành cước, du phương.

Tại sao lại phải tu tiếp sau khi ngộ? Bởi vì ngộ là chứng đạt một phần Pháp thân, cần phải tu tiếp cho đến khi giải thoát, không còn tu nữa (Vô công dụng đạo ở địa thứ tám của Đại thừa, địa vị Vô học của Thanh Văn thừa). Ngộ rồi vẫn còn một phần phiền não chướng và sở tri chướng, vẫn còn bốn tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ mạng ở mức vi tế phải tiêu trừ cho hết. Trong kinh Lăng Nghiêm, khi ngài A-nan đại ngộ thấy Pháp thân (Tiêu điên đảo tưởng trong ức kiếp, chẳng trải tăng-kỳ được Pháp thân), vẫn xin Đức Phật xét trừ cho mê lầm vi tế (Đại hùng, Đại lực, Đại từ bi; mong xét trừ cho lầm vi tế).

Nói đến những mức độ chứng ngộ, chúng ta thấy Thiền sư Lâm Tế có Tứ liệu giản, tông Tào Động có Ngũ vị quân thần, và Thiền tông về sau hay dùng Mười Bức Tranh Chăn Trâu. Tông Lâm Tế về sau có đặt ra Ba quan cũng vì việc tu sau ngộ. Ngộ là vượt qua Tổ sư quan hay Sanh tử quan, thực sự bước vào cõi đất không có sanh tử nhưng vẫn còn dây dưa với phiền não sanh tử, nên còn phải vượt qua hai quan nữa là Trùng quan và Lao quan mới hoàn toàn giải thoát.

Nếu so với một pháp môn Đốn giáo của Ấn-Tạng là Đại Toàn Thiện (Dzogchen), thì Ngộ là cái Thấy, còn phải Thiền định và Hạnh mới đắc Quả. Với Đại thừa cũng vậy, Ngộ là Kiến đạo vị (địa vị thấy đạo, thấy Pháp thân), từ nền tảng Pháp thân này còn phải thực hành (Tu tập vị) cho đến lúc không còn gì để tu nữa.

Thiền sư Quy Sơn, đời thứ tư sau Lục Tổ, nói: “Nếu thật ngộ được bản tâm thì người ấy tự biết, tu với chẳng tu chỉ là lời nói hai đầu. Còn đối với người mới được một niệm đốn ngộ thì vẫn còn tập khí nhiều đời từ vô thủy chưa thể chóng sạch, cần phải dần dần tịnh trừ dòng nghiệp thức, tức là tu vậy. Từ nghe nhập được chân lý, nghe lý thâm diệu, tâm tự tròn sáng, không rơi vào chỗ nghi lầm, tự biết tạo sinh kế. Nói tóm lại ‘chỗ đất chân lý không thọ nhận một mảy bụi, nhưng trong cửa muôn hạnh chẳng bỏ một pháp’. Nếu được như vậy tức là một đao xông thẳng vào, tình phàm thánh sạch, bày lộ chân thường, lý sự không hai, tức Phật như như”.

Thiền sư Mã Tổ nói, “Tánh ấy vốn sẵn vậy, không vì tu đạo, ngồi thiền mà có. Không tu không ngồi đó là Thiền thanh tịnh của Như Lai. Nay đã thấy rõ lý ấy, chỉ cần chân chánh không tạo nghiệp, tùy duyên qua ngày, một y một nạp, đứng ngồi theo đó, giới hạnh huân thêm, gom chứa tịnh nghiệp. Được như vậy thì lo gì chẳng thông?”.

Thiền sư Đại An, sau khi được Thiền sư Bá Trượng chỉ thẳng cho bản tâm bằng câu nói, “Thật như người cỡi trâu đi tìm trâu”, về sau dạy chúng: “Đại An này ở Quy Sơn ba mươi năm, ăn cơm Quy Sơn, đại tiện ở Quy Sơn, mà không học Thiền Quy Sơn, chỉ coi chừng con trâu. Nếu nó lạc đường hay đi vào trong cỏ liền kéo nó lại. Nếu nó ăn lúa mạ của người liền đánh roi điều phục. Đến bây giờ thành con trâu trắng, suốt ngày sờ sờ trước mặt, có đuổi cũng chẳng đi”.

Thiền sư Lâm Tế lời lẽ mạnh bạo trực tiếp hàng đầu, cũng nói về tiệm tu trừ nghiệp:

 “Tùy duyên tiêu nghiệp cũ,

   Hồn nhiên mặc áo xiêm”.

Thiền sư Hám Sơn (1546-1623) nói: “Nếu hốt nhiên các tư tưởng vọng động dừng lại, ta thấy rõ tự tâm mình xưa nay thanh tịnh, viên mãn rực rỡ bao la và không có các tướng đối tượng. Đó gọi là ngộ. Không có gì ở ngoài tâm, không có gì để dụng công, không có gì để ngộ… Tuy nhiên các tham dục chấp ngã đã tích tập từ lâu bắt rễ trong chúng ta, rất khó mà dứt bặt. Các vị phải nhận thức rằng không dễ gì nhổ bật lập tức các gốc rễ của sanh tử luân hồi đã ăn sâu trong các vị từ vô thủy.

“Đạt được chân ngộ, người ta hòa tâm mình với tất cả hoàn cảnh của đời sống, rửa tất cả nghiệp và tham dục. Ngay cả những hoài nghi và biến dịch cũng hòa với chân tâm…

“Cái gọi là đốn ngộ tiệm tu là chỉ người đã ngộ một cách triệt để nhưng vẫn chưa rửa sạch ngay một lần hết cả những vọng niệm tập khí trong tâm. Người ấy phải hòa cái ngộ với tất cả những gì gặp trong đời sống hàng ngày, hòa hợp cái ngộ với các biến cố bên ngoài. Hễ cứ một phần cảnh tướng bên ngoài hòa hợp với ngộ thì một phần Pháp thân được khai mở, và cứ một phần vọng tưởng tiêu tan thì một phần trí huệ bổn nguyên lộ bày”.

Lục Tổ Huệ Năng có nhiều đệ tử đốn ngộ, Cảnh Đức Truyền Đăng Lục nói là có bốn mươi ba vị, nhưng chỉ ghi lại tiểu sử, công hạnh của mười chín vị. Mười chín vị này là những vị thầy nổi tiếng, là những hàng long tượng của Phật giáo.

Thiền sư Mã Tổ có tám mươi bốn đệ tử nhập thất, tức là vào được thất của Tổ, đã ngộ, đã vượt qua Tổ sư quan, nhưng chỉ có mười mấy người được ghi chép lại như những vị thầy trụ trì và xiển dương Thiền tông.

Như vậy, chúng ta có thể suy đoán rằng một vị thầy Thiền tông, một Thiền sư nối dòng truyền thừa là một vị chứng đắc rất sâu Pháp thân. Vị ấy không còn tu nữa, hoàn toàn giải thoát, tức là từ địa thứ tám trở lên. Có lẽ các vị tổ của các tông phái Đại thừa khác cũng như vậy.

-------o0o-------

Ảnh: nguồn internet

Bài viết liên quan