NHỮNG GÌ LÀ RỐT RÁO THANH TỊNH - KINH MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT – PHẨM HÀNH TƯỚNG THỨ MƯỜI

Lúc học Bát nhã ba la mật, nếu đại Bồ Tát chẳng thấy Bát nhã ba la mật thời là học Bát nhã ba la mật được nhứt thiết chủng trí, vì bất khả đắc vậy.
NHỮNG GÌ LÀ RỐT RÁO THANH TỊNH - KINH MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT – PHẨM HÀNH TƯỚNG THỨ MƯỜI

NHỮNG GÌ LÀ RỐT RÁO THANH TỊNH

KINH MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT – PHẨM HÀNH TƯỚNG THỨ MƯỜI

----o0o----

Ngài Xá Lợi Phất hỏi: "Bạch đức Thế Tôn! Những gì là rốt ráo thanh tịnh?"

 Đức Phật nói: "Chẳng xuất, chẳng sanh, không được, không làm, đây gọi là rốt ráo thanh tịnh”.

 Bạch đức Thế Tôn! Nếu đại Bồ Tát học như vậy, đó là học những pháp gì ?

 Nầy Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát học như vậy, với các pháp là vô sở học. Tại sao vậy? Nầy Xá Lợi Phất! Các pháp tướng chẳng phải như chỗ chấp trước của kẻ phàm phu.

 Bạch đức Thế Tôn! Các pháp thiệt tướng thế nào có ?

 Nầy Xá Lợi Phất! Các pháp vô sở hữu. Hữu như vậy, vô sở hữu như vậy, nơi sự nầy mà chẳng biết thời gọi là vô minh.

 Bạch đức Thế Tôn! Những gì là vô sở hữu, nơi sự nầy chẳng biết nên gọi là vô minh?

 Nầy Xá Lợi Phất! Ngũ ấm đến thập bát giới là vô sở hữu, tứ niệm xứ đến pháp bất cộng là vô sở hữu. Tại sao vậy? Vì là nội không, nhẫn đến vô pháp hữu pháp không vậy.

 Ở trong đây, vì sức vô minh làm cho khát ái nên kẻ phàm phu vọng thấy phân biệt. Đây gọi là vô minh. Kẻ phàm phu nầy bị nhị biên trói buộc nên chẳng biết, chẳng thấy các pháp vô sở hữu. Do đây mà nhớ tưởng phân biệt chấp trước nơi sắc, nhẫn đến pháp bất cộng.

 Nơi pháp vô sở hữu, vì chấp trước nên người nầy sanh ra sự phân biệt biết và thấy. Đây là kẻ phàm phu chẳng biết, chẳng thấy. Chẳng thấy, chẳng biết những gì? Chẳng thấy, chẳng biết sắc, nhẫn đến chẳng thấy, chẳng biết pháp bất cộng. Do cớ nầy mà sa vào hàng phàm phu như trẻ nít.

 Người nầy chẳng ra khỏi. Chẳng ra khỏi chỗ nào? Chẳng ra khỏi Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới, chẳng ra khỏi trong pháp của Thanh Văn, Bích Chi Phật.

 Người nầy cũng chẳng tin. Chẳng tin những gì? Chẳng tin sắc không, nhẫn đến chẳng tin pháp bất cộng không.

 Người nầy cũng chẳng an trụ. Chẳng an trụ nơi đâu? Chẳng an trụ nơi lục ba la mật, chẳng an trụ bực bất thối chuyển, nhẫn đến chẳng an trụ pháp bất cộng.

 Do duyên cớ nầy mà gọi là phàm phu như trẻ nít. Cũng gọi là kẻ chấp trước. Chấp trước những gì? Chấp trước sắc, nhẫn đến ý thức giới, chấp trước tham, nhẫn đến tà kiến, chấp trước tứ niệm xứ, nhẫn đến Phật đạo.

 Bạch đức Thế Tôn! Đại Bồ Tát học như vậy, có phải cũng là chẳng học Bát nhã ba la mật, chẳng được nhứt thiết chủng trí chăng?

 Nầy Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát học như vậy cũng là chẳng học Bát nhã ba la mật, chẳng được nhứt thiết chủng trí.

 Tại sao vậy? Vì đại Bồ Tát nầy không phương tiện nên nghĩ tưởng phân biệt chấp trước Bát Nhã, Thiền na, Tỳ lê gia, Sằn đề, Thi la và Đàn na ba la mật, nhẫn đến nghĩ tưởng, phân biệt, chấp trước pháp bất cộng và nhứt thiết chủng trí. Vì duyên cớ nầy nên đại Bồ Tát học như vậy cũng là chẳng học Bát nhã ba la mật, chẳng được nhứt thiết chủng trí.

 Bạch đức Thế Tôn! Nếu như vậy thời đại Bồ Tát phải học Bát nhã ba la mật như thế nào mới là học Bát nhã ba la mật được nhứt thiết chủng trí?

 Nầy Xá Lợi Phất! Lúc học Bát nhã ba la mật, nếu đại Bồ Tát chẳng thấy Bát nhã ba la mật thời là học Bát nhã ba la mật được nhứt thiết chủng trí, vì bất khả đắc vậy.

 Bạch đức Thế Tôn! Tại sao gọi là bất khả đắc?

 Nầy Xá Lợi Phất! Vì tất cả pháp nội không nhẫn đến vô pháp hữu pháp không vậy”.

 

Bài viết liên quan