VÌ SAO CHÚNG SANH CHẲNG ĐƯỢC ĐẠI NIẾT BÀN? - KINH ĐẠI BÁT NIẾT BÀN

VÌ SAO CHÚNG SANH CHẲNG ĐƯỢC ĐẠI NIẾT BÀN?

KINH ĐẠI BÁT NIẾT BÀN

PHẨM  SƯ TỬ HỐNG BỒ TÁT THỨ HAI MƯƠI BA

Việt dịch: HT. Thích Trí Tịnh

-----o0o-----

Bạch Thế Tôn! Cứ theo nghĩa nầy thời tất cả chúng sanh chẳng cần tu hành, do năng lực của Phật tánh đều đáng được vô thượng Bồ Đề.
VÌ SAO CHÚNG SANH CHẲNG ĐƯỢC ĐẠI NIẾT BÀN? - KINH ĐẠI BÁT NIẾT BÀN

Bạch Thế Tôn! Nếu tất cả chúng sanh đều có Phật tánh thời sẽ quyết định được vô thượng Bồ Đề, cần gì phải tu tập tám thánh đạo?

Bạch Thế Tôn! Như trong kinh nầy nói người có bịnh nếu gặp đặng thuốc hay và người khám bịnh tùy theo bịnh mà cho ăn uống, hoặc chẳng được như vậy tất cả cũng đều được lành mạnh. Tất cả chúng sanh cũng như vậy, nếu gặp Thanh Văn, Bích Chi Phật, Chư Phật, Bồ Tát những bực thiện tri thức, nghe chánh pháp, tu tập thánh đạo hoặc chẳng được gặp được nghe, được tu tập, cũng đều sẽ được thành vô thượng Bồ Đề. Tại sao vậy? Vì do Phật tánh vậy.

Bạch Thế Tôn! Ví như không ai có thể ngăn mặt trời, mặt trăng đi vòng khắp bốn châu thiên hạ, tất cả chúng sanh cũng như vậy, không ai có thể ngăn trở làm cho có thể được đến vô thượng Bồ Đề. Tại sao vậy? Vì do Phật tánh vậy.

Bạch Thế Tôn! Cứ theo nghĩa nầy thời tất cả chúng sanh chẳng cần tu hành, do năng lực của Phật tánh đều đáng được vô thượng Bồ Đề.

Bạch Thế Tôn! Nếu Nhứt Xiển Đề phạm bốn tội trọng năm tội nghịch chẳng được vô thượng Bồ Đề lẽ ra cần phải tu tập, vì do Phật tánh quyết định sẽ được, chẳng phải do tu tập rồi sau mới được.

Bạch Thế Tôn! Ví như đá nam châm dầu cách xa sắt, nhưng do sức của nó mà sắt bị hút dính. Phật tánh của chúng sanh cũng như vậy, nên chẳng cần siêng năng tu tập thánh đạo.

Phật nói: “ Lành thay! Lành thay! Nầy Thiện Nam Tử! Như bên sông Hằng có bảy hạng người hoặc vì tắm rửa, hoặc vì sợ giặc cướp, hoặc vì hái hoa mà vào trong sông:

Người thứ nhứt vào nước thời chìm, vì yếu đuối lại chẳng biết lội.

Người thứ hai dầu bị chìm lại nổi lên nổi rồi lại chìm, vì người nầy có sức mạnh nên có thể nổi lên, vì chẳng biết lội nên lại chìm.

Người thứ ba chìm rồi liền nổi lên, nổi lên chẳng chìm nữa, vì người nầy thân nặng nên chìm, do sức mạnh nên nổi lên, vì biết lội nên không bị chìm nữa.

Người thứ tư vào nước bèn chìm, chìm rồi lại nổi lên, nổi lên rồi bèn chẳng chìm nữa mà ngó khắp bốn phương, vì người nầy thân nặng nên chìm, sức mạnh lại nổi lên, biết lội nên không chìm nữa, chẳng biết lên phía nào nên ngó khắp bốn phương.

Người thứ năm vào nước liền chìm, lại nổi lên rồi không chìm nữa, nhìn ngó phương hướng mà lội đi, vì có lòng sợ sệt.

Người thứ sáu vào nước liền lội đi, đến chỗ cạn thời đứng lại, vì để xem giặc cướp gần hay xa.

Người thứ bảy đã qua đến bờ kia leo lên núi lớn không còn sợ sệt, thoát khỏi giặc cướp lòng rất vui sướng.”

Nầy Thiện Nam Tử! Sông lớn sanh tử cũng như vậy, có bảy hạng người vì sợ giặc phiền não mà muốn lội qua sông sanh tử, nên xuất gia cạo tóc thân mặc pháp phục. Đã xuất gia rồi gần gũi bạn ác nghe theo lời của họ mà lãnh thọ tà pháp. Họ bảo rằng thân chúng sanh tức là năm ấm, năm ấm gọi là năm đại, chúng sanh nếu chết thời năm đại dứt hẳn, đã dứt hẳn cần gì tu tập những hạnh nghiệp lành dữ, do đây nên biết rằng không có lành dữ cũng như không có quả báo lành dữ. Hạng ngừoi nầy gọi là Nhứt Xiển Đề, gọi là dứt căn lành, vì căn lành đã dứt nên chìm trong sông sanh tử không thể ra được, vì nghiệp ác của họ quá nặng, vì họ không có đức tin, như người thứ nhứt bên bờ sông Hằng.

Nầy Thiện Nam Tử! Nhứt Xiển Đề có sáu nhơn duyên phải chìm trong ba đường ác không thể thoát được: Một là vì tâm ác quá thạnh, hai là vì chẳng thấy đời sau, ba là vì ưa huân tập phiền não, bốn là vì xa lìa căn lành, năm là vì nghiệp ác ngăn cách, sáu là vì gần gũi bạn ác. Lại có năm điều khiến họ chìm trong ba đường ác: Một là làm việc phi pháp đối với các Tỳ Kheo, hai là làm việc phi pháp đối với các Tỳ Kheo Ni, ba là tự do dùng của vật của chúng Tăng, bốn là làm việc phi pháp với mẹ, năm là sanh sự thị phi đối với năm bộ tăng. Lại có năm điều làm cho họ chìm trong ba đường ác: Một là nói không quả báo thiện ác, hai là giết chúng sanh phá Bồ Đề tâm, ba là ưa nói lỗi lầm của pháp sư, bốn là chánh pháp nói là phi pháp, còn phi pháp nói là chánh pháp, năm là vì tìm lỗi của chánh pháp mà đến nghe học. Lại có ba điều làm cho họ chìm trong ba đường ác: Một là nói Đức Như Lai vô thường nhập diệt vĩnh viễn, hai là nói chánh pháp vô thường dời đổi, ba là nói chúng tăng thiệt có thể hoại diệt.

Người thứ hai muốn qua khỏi sông lớn sanh tử, vì dứt mất căn lành nên chìm không thoát được. Nói rằng thoát khỏi tức là gần gũi bạn lành thời được tín tâm, chính lá tin bố thí và quả bố thí, tin nghiệp lành và quả lành, tin nghiệp ác và quả ác, tin sanh tử là khổ, là vô thường hư hoại. Do được tín tâm nên tu tập tịnh giới, trì tụng, biên chép giải thuyết mười hai bộ kinh, thường thích bố thí, khéo tu trí huệ. Vì độn căn nên lại gặp bạn ác, do đây nên không thể tu tập thân giới tâm huệ, trở lại thọ lấy tà pháp, hoặc gặp thời kỳ ác ở nơi cõi nước ác, nên dứt mất những căn lành mà phải chìm luôn trong sanh tử, như người thứ hai bên sông Hằng.

Người thứ ba muốn qua khỏi sông sanh tử, vì dứt mất căn lành nên chìm đắm ở trong sông. Người nầy gần gũi bạn lành nên được nổi lâu, tin Đức Như lai là bực nhứt thiết trí thường hằng không biến đổi, vì chúng sanh mà nói đạo vô thượng, tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, Như lai chẳng phải diệt độ, Pháp và Tăng cũng không hoại diệt. Nhứt Xiển Đề nếu chẳng dứt ác pháp của họ thời trọn không thể được vô thượng Bồ Đề. Phải biết rằng cần phải xa lìa rồi sau mới đặng. Do tín tâm nên tu tịnh giới, tu tịnh giới rồi thọ trì đọc tụng biên chép giải thuyết mười hai bộ kinh, vì chúng sanh mà rộng tuyên dương lưu bố, ưa bố thí, tu tập trí huệ, do căn trí lanh lợi nên trụ vững nơi tín huệ không thối chuyển, như người thứ ba bên sông Hằng.

Người thứ tư muốn qua khỏi sông sanh tử, vì dứt căn ành nên chìm trong sông, vì gần gũi bạn lành nên được tín tâm đây gọi là nổi lên. Vì được tín tâm nên được thọ trì đọc tụng biên chép giải thuyết mười hai bộ kinh, rồi vì chúng sanh mà rộng tuyên dương lưu bố, ưa bố thí, tu tập trí huệ, do lợi căn nên đứng vững nơi tín huệ tâm không thối chuyển, quán sát khắp bốn phương, quán sát bốn phương đây là nói bốn quả Sa Môn, như người thứ tư bên sông Hằng.

Người thứ năm muốn lội qua sông sanh tử, vì dứt mất căn lành nên phải chìm trong sông, nhờ gần gũi bạn lành nên được tín tâm đây gọi là nổi lên, do tín tâm nên thọ trì đọc tụng biên chép giải thuyết mười hai bộ kinh, rồi vì chúng sanh mà rộng tuyên dương lưu bố, ưa bố thí, tu tập trí huệ vì lợi căn nên đứng vững nơi tín huệ không thối chuyển, không thối chuyển rồi bèn thẳng đến trước, thẳng đến trước, đây là nói quả Bích Chi Phật, dầu có thể tự độ nhưng chẳng độ đến chúng sanh, đây gọi là đi, như người thứ năm bên sông Hằng.

Người thứ sáu muốn qua khỏi sông sanh tử, vì mất thiện căn nên chìm trong sông, nhờ gần gũi bạn lành mà được tín tâm, đây gọi là nổi lên, do tín tâm nên thọ trì đọc tụng biên chép giải thuyết mười hai bộ kinh, rồi vì chúng sanh mà rộng tuyên dương lưu bố, ưa bố thí, tu tập trí huệ cho lợi căn nên đứng vững nơi tín huệ không thối chuyển, rồi bèn thẳng đến trước gặp chỗ cạn đứng lại chẳng đi nữa. Đứng lại chẳng đi là nói Bồ Tát vì muốn độ chúng sanh nên trụ lại quán sát phiền não, như người thứ sáu bên sông Hằng.

Người thứ bảy muốn thoát khỏi sông sanh tử vì mất căn lành nên chìm trong sông, nhờ gần gũi bạn lành mà được tín tâm đây gọi là nổi lên, do tín tâm nên thọ trì đọc tụng biên chép giải thuyết mười hai bộ kinh, rồi vì chúng sanh mà rộng tuyên dương lưu bố, ưa bố thí, tu tập trí huệ, do lợi căn nên đứng vững nơi tín huệ không thối chuyển, liền thẳng đến bờ kia, leo lên núi cao, lìa khỏi những sự khủng bố, hưởng nhiều sự an vui.

Nầy Thiện Nam Tử! Núi cao bên bờ kia dụ cho đức Như Lai, hưởng sự an vui dụ cho Phật thường trụ, núi cao lớn dụ cho Đại Niết Bàn.

Nầy Thiện Nam Tử! Những người ở bên bờ sông Hằng kia đều có đủ tay chân mà không thể qua được. Tất cả chúng sanh cũng như vậy, thiệt có Phật, Pháp, Tăng, Tam Bảo, đức Như Lai thường nói pháp yếu, có tám thánh đạo, có Đại Niết Bàn, mà chúng sanh đều chẳng thể được, đây chẳng phải lỗi của Như Lai cũng chẳng phải lỗi của thánh đạo và chúng sanh, nên biết rằng đều là lỗi ác của phiền não, do đây nên tất cả chúng sanh chẳng được Đại Niết Bàn.

-----o0o-----

Trích “Kinh Đại Bát Niết Bàn”

Việt dịch: HT. Thích Trí Tịnh

 

Bài viết liên quan