NHỮNG RUNG ĐỘNG TÍCH CỰC VÔ HÌNH - TRÍ TUỆ CỦA SỰ THA THỨ - ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA & VICTOR CHAN

NHỮNG RUNG ĐỘNG TÍCH CỰC VÔ HÌNH

TRÍ TUỆ CỦA SỰ THA THỨ - ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA & VICTOR CHAN

Dịch: Phạm Quốc Anh

---o0o---

ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA rời khỏi căn phòng đơn sơ của mình ở tầng trên cùng của Tu viện Tây Tạng tại Bồ Đề Đạo Tràng và bước xuống hai tầng bằng cầu thang phía ngoài. Chiếc xe hiệu Ambassador màu trắng đang đợi sẵn Ngài ở khoảng sân tấp nập bên dưới. Trông chiếc xe không khác gì một chiếc taxi lôi thôi mà người ta hay nhìn thấy tại các thành phố của Ấn Độ. Điểm đặc biệt nằm...
NHỮNG RUNG ĐỘNG TÍCH CỰC VÔ HÌNH - TRÍ TUỆ CỦA SỰ THA THỨ - ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA & VICTOR CHAN

 

ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA rời khỏi căn phòng đơn sơ của mình ở tầng trên cùng của Tu viện Tây Tạng tại Bồ Đề Đạo Tràng và bước xuống hai tầng bằng cầu thang phía ngoài. Chiếc xe hiệu Ambassador màu trắng đang đợi sẵn Ngài ở khoảng sân tấp nập bên dưới. Trông chiếc xe không khác gì một chiếc taxi lôi thôi mà người ta hay nhìn thấy tại các thành phố của Ấn Độ. Điểm đặc biệt nằm ở lớp bọc thép và những ô cửa sổ bằng kính nhuộm màu dày tới mức có thể làm chệch hướng đạn. Văn phòng Ngoại giao tại Delhi đã vận chuyển chiếc xe tới thành phố Lucknow gần đó để Đức Đạt Lai Lạt Ma sử dụng trong suốt cuộc hành hương tới Bồ Đề Đạo Tràng và những thánh địa Phật giáo khác gần đó.

Đức Đạt Lai Lạt Ma băng ngang chiếc xe và bước ra khỏi khuôn viên tu viện, với một đoàn tháp tùng gần năm mươi người: gồm các trợ lý và phụ tá của Ngài, một vài vị lạt ma khác và một nhóm gồm các cảnh binh Ấn Độ và Tây Tạng. Khu vực bên ngoài tu viện và cũng là trung tâm của Bồ Đề Đạo Tràng đã thông thoáng và an toàn. Một đám đông lớn người hành hương và các nhóm ủng hộ Đức Đạt Lai Lạt Ma đứng gọn hai bên lề đường, kiên nhẫn chờ đợi để được tận mắt nhìn thấy bóng dáng của nhà lãnh đạo Tây Tạng vĩ đại. Cảnh sát đã cấm các phương tiện lưu thông trên các con phố.

Đức Đạt Lai Lạt Ma vô cùng thích thú với đoạn đường ngắn đi tới Bảo Tháp Đại Giác linh thiêng này, chính là nơi đánh dấu sự kiện Đức Phật chứng ngộ. Đây là cơ hội để Ngài được giao tiếp với những con người bình thường. Thi thoảng, Ngài lẻn đi ra xa khỏi nhóm vệ sĩ để chào hỏi một ai đó trong đám đông.

Một đám đông những người ăn xin, phần lớn là phụ nữ trung niên mặc những bộ sari sặc sỡ, đang ngồi xổm phía bên ngoài cổng đền. Họ là tầng lớp bị cho là hèn kém ở Ấn Độ. Họ đã đi một quãng đường rất xa để tới được Bồ Đề Đạo Tràng nhằm kịp tham dự lễ Quán Đảnh Thời Luân năm 2002 – một nghi lễ kéo dài mười một ngày của Phật giáo phái Kim Cương Thừa được Đức Đạt Lai Lạt Ma làm chủ lễ trước hơn 200.000 Phật tử.

“Tại Bồ Đề Đạo Tràng này”, Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích với tôi, “một số lượng lớn người tham dự sẽ tới đây trong vài ngày để nhất tâm nghĩ về lòng vị tha. Do đó, sẽ có những rung động tích cực có thể được tạo thành, dù không nhìn thấy được bằng mắt thường. Nhưng dù rung động ấy có tích cực hay không, tôi dám chắc với anh rằng nó chắc chắn vô hại. Và tôi nghĩ rằng những người tới tham dự, trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, sẽ có thể cảm nhận được sự bình yên, thanh thản, và mãn nguyện. Đó thường là những gì xảy ra trong lễ Quán Đảnh Thời Luân”.

Có điều này là chắc chắn: Những người ăn xin biết rằng họ sẽ không bị bỏ đói. Và họ biết rằng, khi đại lễ kéo dài hai tuần này kết thúc, mỗi người họ có thể về nhà với một ít tiền bố thí từ khách thập phương.

Những người ăn xin chẳng mảy may chú ý tới sự xuất hiện của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Họ đổ dồn ánh nhìn vào một nhóm người Tây Tạng đang khệ nệ khiêng một cái xô bằng nhôm lớn chứa đầy loại cơm trộn với nghệ vàng đang bước về phía họ. Bằng những động tác mau mắn, thuần thục, hai chàng trai trẻ xúc đầy cơm vào những chiếc chén bằng thiếc đang chìa ra xin ăn. Nghi thức này được thực hiện hai lần mỗi ngày. Có những đứa bé chừng năm, sáu tuổi gầy gò ốm yếu bò theo nhóm người Tây Tạng để xin cơm, những cái chân ốm như que tăm cứ vung vẩy qua lại trông như những chiếc đuôi. Đám trẻ chắc chắn cũng sẽ không bị bỏ đói – chừng nào Đức Đạt Lai Lạt Ma còn ở đây.

Tại lối vào của chính điện bên trong ngôi đền, Đức Đạt Lai Lạt Ma cởi bỏ đôi dép xỏ ngón bằng nhựa và quỳ lạy ba lần trên tấm chăn lụa màu đỏ sẫm được những người dự lễ trải trên sàn. Rồi Ngài bước qua một lối đi hẹp vào thánh điện nhỏ. Một bức tượng lớn của Đức Phật được đặt ở phía cuối căn phòng.

Đức Đạt Lai Lạt Ma bước gần tới ngai vàng, bức tượng Phật Thích Ca đứng sừng sững trước mặt Ngài. Ngài quỳ lạy thêm ba lần nữa. Một nhóm các nhà sư Sri Lanka trong lễ phục màu vàng tươi nổi bật thấp thoáng quanh đó. Họ là những vị tăng sĩ bảo hộ cho ngôi đền. Trong thánh điện chỉ có sự hiện diện của một nhóm các vị cao tăng Lạt Ma trong áo choàng đỏ thẫm cùng vệ sĩ của họ. Khắp không gian tràn ngập mùi thơm của nhang quyện cùng mùi cơ thể của vô số tín đồ đã từng tới đây lễ bái.

Tôi chen mình đứng cạnh Senge Rabten, trưởng nhóm vệ sĩ của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Anh chàng võ sư karate thấp người với chiếc đầu đinh đang nhón chân lên để chỉnh một chiếc quạt treo tường. Lóng ngóng mãi, cuối cùng anh cũng chỉnh được luồng gió về phía Đức Đạt Lai Lạt Ma. Tôi có thể nghe thấy tiếng của đám đông bên ngoài đang được binh lính mang vũ khí tự động giữ trật tự.

Một nhà sư Sri Lanka trao cho Đức Đạt Lai Lạt Ma một nhúm bùi nhùi đã được nhóm sẵn lửa. Hai cây nến màu tím hình xoắn ốc với hai chân đế bằng đồng đã được dựng sẵn trên gờ tường phía trước bức tượng. Đức Đạt Lai Lạt Ma cẩn trọng thắp từng cây nến một. Rồi Ngài ngước mắt lên nhìn bức tượng Phật Thích Ca và giơ tay phải lên thực hiện một cử chỉ tôn kính.

Tôi nheo mắt nhìn bức tượng đá cổ xưa có niên đại khoảng 1.700 năm. Khi được các nhà khảo cổ học người Anh khai quật vào giữa thế kỷ 19, phần đầu của bức tượng đã bị gãy lìa khỏi thân. Họ đã gắn đầu tượng vào lại thân trước khi đặt ở vị trí này trong chính điện. Tôi được biết rằng khi Đức Đạt Lai Lạt Ma nhìn thấy hình ảnh hết mực tôn kính này lần đầu tiên, Ngài cảm thấy rất buồn lòng khi nhìn thấy vết nối hiện ra rất rõ. Ngài đóng góp một khoản tiền lớn và kiến nghị bức tượng được sơn lại bằng màu vàng. Cơ quan nghiên cứu khảo cổ Ấn Độ đã cự tuyệt đề nghị này, nhưng cuối cùng lý lẽ tôn giáo đã giành phần thắng. Bức tường phía sau bức tượng được sơn màu xanh dương và được chiếu sáng trong ánh đèn dịu nhẹ, tạo hiệu ứng giống như một khung cửa sổ lớn nhìn ra bầu trời xanh tuyệt đẹp. Tôi đã cố nhìn mà không sao nhìn thấy được vết nối trên cổ bức tượng.

Sau khi thắp nến và chiêm bái bức tượng, Đức Đạt Lai Lạt Ma rời khỏi thánh điện. Ngài rẽ phải và bước vòng quanh tòa tháp trung tâm của ngôi đền.

Ngay trước khi bước tới cổng đến, Ngài đột ngột dừng bước và đi về hướng bên phải, nơi một đám đông người Tây Tạng đang căng thẳng xô lấn các nhân viên an ninh. Cùng với các vệ sĩ, Đức Đạt Lai Lạt Ma bước về phía một chàng trai trẻ đang ngồi cạnh một bà lão có vẻ ngoài đặc trưng của người Mông Cổ, hai bím tóc bện dài thả xuống trước ngực. Chàng trai cỡ ngoài đôi mươi, trên tay cầm một cây gậy. Tuy anh vẫn mở mắt, Đức Đạt Lai Lạt Ma đoán anh là người khiếm thị. Nhà sư Tây Tạng cúi mình xuống, cầm tay chàng trai trẻ và nói với anh bằng giọng trầm ấm. Ngài muốn biết chàng trai khiếm thị này từ đâu tới, và anh đã được thăm khám gì chưa. Tôi thấy kinh ngạc trước khả năng kỳ lạ của Đức Đạt Lai Lạt Ma trong việc nhận ra những mảnh đời khốn khó và những người khuyết tật trong đám đông.

Sau này tôi được biết rằng chàng trai trẻ ấy tên là Lobsang Thinley, đã đi cùng mẹ tới đây từ vùng Machen thuộc huyện Amdo, tỉnh Thanh Hải (Trung Quốc), nằm ở phía đông bắc Tây Tạng. Anh bị mất thị lực vào năm 15 tuổi, là di chứng của một chấn thương sau khi bị ngã từ trên cao xuống. Sau phẫu thuật, anh nhìn thấy lại được đôi phần, nhưng không lâu sau thì bị mù hẳn. Suốt nhiều năm ròng, mẹ anh tuyệt vọng tìm kiếm cách chữa trị cho con trai, dẫn anh tới bệnh viện trung ương tại Tứ Xuyên và Bắc Kinh. Tại đó, anh được phẫu thuật thêm một lần nữa và được điều trị bằng cách phương pháp châm cứu. Tất cả đều không có tác dụng. Các dây thần kinh thị giác đã bị tổn thương quá nhiều, và các bác sĩ nói rằng anh sẽ không còn có thể thấy ánh sáng được nữa.

Khi biết tin Đức Đạt Lai Lạt Ma lần đầu tiên trong 15 năm sẽ chủ trì lễ Quán Đảnh Thời Luân tại Bồ Đề Đạo Tràng vào năm 2002, anh quyết tâm tham dự bằng được. Anh muốn được ở gần Đức Đạt Lai Lạt Ma, muốn được nghe Ngài giảng thuyết pháp. Gia đình và bạn bè hết sức can ngăn anh: hành trình từ đông bắc Tây Tạng tới Nepal và Ấn Độ băng qua dãy núi Himalaya vô cùng nguy hiểm và khắc nghiệt. Nhưng anh bỏ hết ngoài tai. Mẹ anh đã bán hết trang sức và gia súc, vay mượn thêm từ bà con họ hàng để có đủ tiền chuẩn bị cho chuyến đi này. Bà vẫn nuôi hy vọng một ngày đôi mắt của con bà sẽ được chữa khỏi. Có lẽ họ sẽ gặp may ở Ấn Độ, cái nôi của Phật giáo.

Sau khi trao đổi nhanh với hai mẹ con, Đức Đạt Lai Lạt Ma quay người bước đi. Chàng trai trẻ vẫn nắm chặt tay Ngài, chưa muốn buông ra. Đức Đạt Lai Lạt Ma nói với một người phụ tá rằng Ngài muốn bác sĩ Tseten Dorji Sadutshang, một trong những bác sĩ riêng của Ngài và là Giám đốc bệnh viện Delek tại Dharamsala, đích thân thăm khám cho chàng trai để xem có thể chữa trị được cho anh hay không. Rồi Ngài rời khỏi Bảo Tháp Đại Giác và bước về phía Tu viện Tây Tạng.

 

Trích: Trí Tuệ Của Sự Tha Thứ

Tác giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma & Vitor Chan

Dịch: Phạm Quốc Anh

NXB SaiGonBooks - NXB Thế Giới

Ảnh nguồn Internet

Bài viết liên quan