SỰ BỀN BỈ TRƯỚC NỖI ĐAU KHÔN NGUÔI - SHARON SALZBERG - AN NHIÊN GIỮA NHỮNG BỘN BỀ

SỰ BỀN BỈ TRƯỚC NỖI ĐAU KHÔN NGUÔI

SHARON SALZBERG

AN NHIÊN GIỮA NHỮNG BỘN BỀ

---o0o---

Thấu cảm – sự cộng hưởng với những gì người khác đang cảm thấy – có thể là một viên gạch tuyệt vời để xây dựng lòng từ bi.
SỰ BỀN BỈ TRƯỚC NỖI ĐAU KHÔN NGUÔI - SHARON SALZBERG - AN NHIÊN GIỮA NHỮNG BỘN BỀ

* Sharon Salzberg là tác giả sách bán chạy nhất của Thời báo New York và là giảng viên về các phương pháp thiền định của Phật giáo ở phương Tây. Năm 1974, bà đồng sáng lập Hiệp hội Thiền Insight tại Barre, Massachusetts cùng với Jack Kornfield và Joseph Goldstein.

---

Nhiều năm trước, tôi có dịp ghé thăm Bệnh viện Quân đội Walter Reed tại Washington, DC, để tổ chức một chương trình dành cho đội ngũ y tá, cũng như để tham quan một trong những khu ở đó. Thật căng thẳng và khó khăn khi quan sát khu vực này. Những bệnh nhân ở đó dường như còn rất trẻ. Tôi thấy rất nhiều cha mẹ với gương mặt gượng gạo, cố gắng khích lệ con tìm kiếm thú vui gì đó – bất cứ thứ gì. Một người vợ khiển trách chồng mình vì đã tham gia cuộc chiến, trong lúc anh nằm trên giường bệnh với đôi mắt vô hồn. Một người đàn ông trẻ với một cơn đau khó ai thấu dường như không biết nên nằm nghiêng bên nào. Những chàng trai trẻ bị cụt chân cố gắng đi lên đi xuống cầu thang trên những chiếc chân giả và nạng. Giữa bệnh nhân và gia đình họ có một không gian đau khổ tồn tại. Một người bạn làm việc ở đó của tôi đã dắt tôi đi tham quan và sau đó nói rằng: “Chị biết đó, những người có thể làm việc ở đây không phải là những người dễ dàng đánh mất bản thân trong nỗi buồn rầu. Những y tá có thể trụ lại ở đây là những người đã chạm được đến sự bền bỉ sâu thẳm nhất của tâm hồn con người.”

Những người chăm sóc nói chung đều đặc biệt có nguy cơ rơi vào trạng thái kiệt quệ. Cảm giác bị choáng ngợp và không thể tiếp tục giúp đỡ là một tình trạng thường biết đến với cái tên suy giảm tình thương. Một sự đồng hóa mạnh mẽ với nỗi đau khổ thường là một phần động lực của những người làm việc trong ngành này. Trong khi suy giảm tình thương là thuật ngữ thông dụng hơn, Matthieu Rice một thầy tu Phật giáo đồng thời là một học giả, thích dùng cụm từ suy giảm thấu cảm hơn. Những nhà tâm lí cho chúng ta biết rằng, tuy có liên quan mật thiết với nhau, sự thấu cảm và tình thương có thể được phân biệt rạch ròi.

“Mật thiền: Hãy dành vài phút để ngẫm xem bạn muốn được người khác nhìn nhận thế nào khi kết thúc một cuộc họp, một bức e-mail, một cuộc gọi. Bạn muốn mình là người đáng sợ, lịch thiệp, quyết đoán, khúc chiết, cỡi mở hay kiên định? Bạn cảm thấy thế nào khi nhìn nhận người khác theo cách đó?”

Thấu cảm – sự cộng hưởng với những gì người khác đang cảm thấy – có thể là một viên gạch tuyệt vời để xây dựng lòng từ bi. Sự thấu cảm khơi dậy cảm giác đồng cảm, và lòng từ bi khơi dậy cảm giác ấm áp và quan tâm. Nhưng khi trái tim chúng ta chứng kiến xâm chiếm, nó sẽ trở thành thứ được biết đến với cái tên áp lực thấu cảm. Áp lực thấu cảm khơi dậy cảm giác choáng ngợp, mệt mỏi và kiệt sức.

Để có thể phân biệt sự thấu cảm, lòng từ bi và áp lực thấu cảm, Tiến sĩ Tania Singer đã nghiên cứu những vị tu sĩ Phật giáo chuyên thực hành pháp môn từ bi. Khi những vị tu sĩ này xem video về những con người trải qua đau khổ, kết quả quét fMRI não bộ cho thấy những hoạt động mạnh mẽ trong vùng não liên quan đến sự quan tâm, chăm sóc và kết nối xã hội tích cực. Tuy nhiên, đối với những người không hành thiền, những video này thường kích thích vùng não liên quan đến cảm giác buồn bã và đau khổ.

Sự khác biệt giữa áp lực thấu cảm và tình thương có liên quan trực tiếp đến sự suy giảm mức độ hạnh phúc trong giới bác sĩ và người chăm sóc sức khỏe 60% bác sĩ đang làm việc cho biết họ có những dấu hiệu kiệt quệ, bao gồm sự mệt mỏi tinh thần, chứng giải thể nhân cách (coi bệnh nhân như những đồ vật) và thiếu cảm giác mãn nguyện. Dĩ nhiên điều đó sẽ ảnh hưởng đến cách bác sĩ chăm sóc chúng ta; chất lượng điều trị sẽ thấp hơn tiêu chuẩn, sự bất mãn của bệnh nhân tăng lên cùng với những sai sót trong điều trị và kéo theo đó là những vụ kiện tụng. Tất thảy những động lực này, cùng với đó là sự suy giảm nghiêm trọng trong khả năng thể hiện lòng thương cảm, là những dấu hiệu đáng báo động của chứng kiệt quệ trong nghề bác sĩ.

Sự suy giảm thấu cảm nhân lên theo cấp số mũ bởi sự ngại ngùng gắn liền với việc thể hiện nỗi đau khổ và những cảm xúc không dễ chịu khác khi hành động đó được cho là thiếu chuyên nghiệp. Những người làm nghề chăm sóc mà luôn phải vật lộn để giữ tâm thái thờ ơ với đau khổ, tin rằng việc đó là cần thiết với đặc thù nghề nghiệp của mình nói rằng họ trải qua cảm giác thất bại, tự nghi ngờ buồn phiền, bất lực, tội lỗi, mất ngủ và khóc thường xuyên. Hậu quả của những nỗi đau không được thấu hiểu này chính là những thứ chúng ta không muốn những bác sĩ, y tá và những chăm sóc vướng phải: sự thiếu chú ý, mất bình tĩnh, khó chịu, mệt mỏi tinh thần và kiệt quệ.

Có một hình thức thờ ơ khác, bắt đầu với việc thừa nhận nỗi đau chúng ta đang chứng kiến và điều chúng ta cảm thấy, từ đó học cách có một mối quan hệ khác với nó. Tucker, một nhà tâm lý trị liệu, đã từng viết: “Tôi làm việc với những người đã từng bị bạo hành rất nặng nề. Khi tôi chứng kiến thế giới thực chứa đựng quá nhiều thứ khủng khiếp, phản ứng tự nhiên của tôi từng là ‘đi ngủ’, nghĩa là đóng cửa tâm hồn mình lại, để tôi không còn cảm thấy đau khổ nữa. Nhưng giờ đây, tôi cố mở rộng tấm lòng ra với bất kể điều gì xảy đến. Cơn “thèm ngủ mạnh mẽ vẫn còn đó, nhưng tôi đã làm theo nó nhiều lần và tôi biết điều gì sẽ xảy ra. Nếu tôi không sẵn sàng chấp nhận thực tại với một tấm lòng rộng mở cho dù thực tại có ra sao đi nữa, thì tôi không thể hiện diện trọn vẹn để giúp đỡ những người mà nỗi đau đã bám rễ quá sâu. Thực tại là tất cả những gì chúng ta có, nên tôi cố gắng giữ tâm thái cởi mở để đón nhận nó trọn vẹn. Trạng thái tỉnh ngủ chắc chắn khiến tôi khóc nhiều hơn, nhưng dù sao điều đó cũng có hơn vạn lần so với việc rơi vào tình trạng mất chú ý hay ‘sập nguồn hoàn toàn vào những lúc thế giới vận hành ngoài kì vọng của tôi.”

Nếu không thêm bước thấu hiểu đó vào, sự thờ ơ của chúng ta sẽ không phục vụ ta (hoặc những người chúng ta đang cố gắng giúp đỡ) trong vai trò một kĩ năng hành xử chân thật. Nó khi đó cũng chỉ là một cách khác để trốn tránh khỏi sự thật rằng mọi chuyện đang khó khăn thế nào và ta bị tác động ra sao bởi những điều đang diễn ra.

Một nhân viên trong tổ chức nhân đạo tên Marianne Elliott đã học được điều này tại Afghanistan trong khi quan sát những chiến lược tránh né của đồng nghiệp, và trong khi xử lí những cảm xúc của mình cũng như tìm ra cách đối diện với vấn đề.

 “Trong thế giới của những nhà hoạt động nhân đạo và phát triển cộng đồng mà tôi đang sống, có một giá trị to lớn được đặt vào sự thờ ơ về mặt cảm xúc, khả năng giữ được cái đầu lạnh trong bất kì tình huống nào”. Chúng có bao giờ tác động đến cô không - tất cả những nỗi đau khổ tệ hại nhất, và cảm thấy như cô chẳng thể làm gì đó ngăn chúng xảy đến?

“Dĩ nhiên, điều đó rất khó khăn. Tôi được nhắc hết lần này đến lần khác là phải thờ ơ đôi chút với chúng, duy trì khoảng cách theo tính chất công việc, giữ lại chính kiến cho bản thân. Nếu không, bạn sẽ không thể nào làm việc được. Tôi hiểu những điều mọi người nói với tôi, nhưng áp lực phải ép bản thân thờ ơ với cảm xúc làm tôi thấy mình như phải rũ bỏ một phần bản tính đã đưa tôi vào với công việc này từ buổi ban đầu, cũng chính là phần giúp cho tôi làm việc hiệu quả hơn. Dường như việc thờ ơ đôi chút cũng không đem lại lợi ích cho các đồng nghiệp của tôi.

Một số người có biểu hiện của lo âu mãn tính, như rối loạn máy cơ mặt hay mất ngủ. Một vài người khác mỗi tuần lại say bí tỉ để quên đi tất thảy những chuyện tào lao đó, một trong số họ nói vậy. Một người bạn chung nhà với tôi chui ngay vào giường khi chúng tôi đi làm về và không lộ diện cho đến sáng hôm sau. Có vẻ như anh ấy cắm đầu vào chơi game. Tất những điều này được cộng đồng của tôi chấp nhận hơn là việc tôi òa lên khóc nức nở, nhưng tôi không chắc rằng cách xử lí đúng có phải trông như vậy không?”

Để có thể đối mặt với đau khổ theo cách cởi mở nhưng thật sự bền vững để “trường kì kháng chiến”, chúng ta cần dừng nỗ lực kiểm soát đau khổ lại. Nếu không, chúng ta chắc chắn sẽ rơi vào tình trạng suy giảm thấu cảm. Dù bạn là người chăm sóc của một lớp học với những đứa trẻ có nhu cầu đặc biệt, một bệnh nhân có tuổi, một đứa trẻ vị thành niên khó hiểu, hay một cộng đồng không có giải pháp rõ ràng cho vấn đề trước mắt, bất kì mối quan hệ chăm sóc tinh tế nào cũng dựa trên sự cân bằng: sự cân bằng giữa việc mở lòng hết sức có thể và chấp nhận giới hạn của những gì mình có thể làm; và sự cân bằng giữa lòng từ bi và sự tĩnh tại.

Một định nghĩa đẹp đẽ về lòng từ bi mà tôi rất thích là “sự rung động của trái tim để phản ứng lại với đau khổ”. Nhưng lòng từ bi có một kẻ thù luôn kề cận, đó là việc bị nhấn chìm bởi nỗi đau chúng ta chứng kiến. Rơi vào tay kẻ thù kề cận này đồng nghĩa với việc bị kiệt sức, trống rỗng, cảm thấy không thể nào quan tâm hoặc thậm chí không thể đối bị đau khổ nữa. Nếu không đạt được một mức độ cân bằng nào đó, chúng ta sẽ dễ dàng buông tay để bản thân rơi vào trạng thái hoàn toàn bị choáng ngợp.

Sự tĩnh tại chính là trạng thái tĩnh lặng rộng lớn, cho phép ta nhìn nhận sự việc theo bản chất của chúng. Sự tĩnh tại là tiếng nói của trí tuệ, chất giọng rõ ràng của trí thông minh. Nó nhắc chúng ta về những điều ta không thể biết ở thời điểm hiện tại, những thứ chúng ta không thể kiểm soát và cuối cùng là những thứ không nằm trong tầm tay của ta. Quan điểm mà sự tĩnh tại đem lại không phải là sự thờ ơ. Nó không có nghĩa là vô cảm, cũng không có nghĩa là thiếu quan tâm. Sự tĩnh tại chắc chắn không có nghĩa là vờ như ta đang quan tâm với một sự thờ ơ giả định, bắt buộc. Thay vào đó, sự tĩnh tại là một dạng cân bằng đến từ việc nhìn nhận vạn vật đúng với bản chất của chúng.

Ví dụ, với tấm lòng yêu thương và từ bi, chúng ta có thể mong muốn ai đó được chữa lành, sống tốt hơn, ngừng cư xử theo lối tự hủy hoại bản thân, hay đơn giản chỉ cần họ khác đi. Chúng ta có thể muốn thể chế ít cứng nhắc hơn, cộng đồng linh hoạt hơn, bánh xe công lí quay nhanh hơn. Tất cả những điều đó đều là tự nhiên. Lòng quyết tâm, sự kiên quyết và cam kết là những viên gạch để chúng ta xây nên ngôi nhà của sự nỗ lực thay đổi. Cùng lúc đó, trí tuệ ẩn trong sự tĩnh tại nói với chúng ta rằng, “Vâng, tôi sẽ ở đó, tôi sẽ nỗ

lực và tôi sẽ làm việc, nhưng xét cho cùng thì khi không phải mọi việc đều do tôi và ý chí của tôi quyết định.”

Thế giới này không phải do một mình chúng ta tạo ra, và chúng ta không có đặc quyền để khiến cho nỗi khổ của một người biến mất (ước gì ta có thể!). Chúng ta cần thực hành buông bỏ. Buông bỏ không phải là gạt người khác qua bên, phủ nhận hết những khổ đau của họ. Điều đó giống như việc nhìn vào một bức tranh khổng lồ và chân thực về cuộc sống, để làm vơi bớt sự nóng vội và nỗi thất vọng trong ta.

Sự tĩnh tại không làm cho lòng từ bi của chúng ta yếu đi mà ngược lại. Với sự tĩnh tại, chúng ta có thể hiện diện mà không bị vướng mắc vào một định kiến cực đoan được xây dựng trên sự kì vọng, sự thờ ơ và nhu cầu được thỏa mãn của bản thân. Sự tĩnh tại ban tặng cho tình thương sự kiên nhẫn, và ban tặng cho lòng từ bi sự dũng mãnh. Không dễ để có thể hiện diện rõ ràng trước đau khổ mà không bị rơi vào tuyệt vọng - để vượt qua cảm giác bất lực hoặc vô dụng của bản thân khi có thay đổi một số chuyện. Nhưng chúng ta luôn có thể tìm ra được trạng thái cân bằng này, và kèm theo đó là sự bền bỉ.

Sự kết hợp giữa lòng từ bi và sự tĩnh tại cho chúng ta khả năng để quan tâm chăm sóc sâu sắc mà không khiến ta bị quá tải hay mất khả năng đối mặt với vấn đề vì sự quan tâm đó. Khoảng thời gian ở Afghanistan đã giúp Marianne đạt được sự từ bi và tính tại của ngày hôm nay. “Những đông nghiệp ở Afghanistan đã dạy cho tôi rằng không việc gì phải xấu hổ khi rơi nước mắt vì một lí do chân chính. Ngồi bên một người phụ nữ có đứa con bị bắt cóc bởi một tên tướng  là một lí do chân chính. Gặp một người cha không có một chút gì cho con mình ăn là một lí do chân chính. Mỗi khi đồng nghiệp nhìn thấy tôi với giọt lệ rưng rưng trong khóe mắt khi đang chép vội những thông tin cần thiết, họ mỉm cười đồng tình. Marianne thật từ bi, họ nói với nhau, cô ấy cảm nhận được nỗi đau của nhân dân chúng ta’. Điều đó không sai. Tôi có thể cảm thấy nỗi đau của những người tôi gặp ở Afghanistan. Và từ những cuộc gặp gỡ đau xót đó, tôi nhận ra mình không cần phải sửa chữa vấn đề của họ. Bài học đơn giản đó, có lẽ hơn bất kì điều gì khác, cuối cùng đã giúp tôi hiện hữu trọn vẹn với người đứng trước mặt tôi. Khi tâm trí tôi không chạy đua để nghĩ ra một cách nào đó nhằm giúp đỡ, tôi có thể dành tất cả sự chú ý của mình cho người đang trò chuyện với tôi. Tôi cũng có thể đọc được những ẩn ý của những ai đang hiện diện ở đó trong im lặng, những người vợ, những người mẹ, những người dì, những cô con gái và những chị em của những người đàn ông đang nói”.

Mật thiền: Hãy đọc lại toàn bộ bức e-mail hai lần rước khi soạn lời hồi đáp

 Tâm từ dành cho bản thân và cho những người khác tạo ra bầu không khí quan tâm cần thiết, mà ở đó sự bền bỉ có thể đâm chồi nảy lộc. Việc suy nghĩ rằng chúng ta có thể hoàn toàn bỏ qua bản thân, tiếp tục dành hết nguồn tài nguyên và tài sản bên trong cho người khác là một điều phi thực tế. Và bên cạnh đó, chúng ta có xu hướng cô lập bản thân thay vì kết nối với người khác trong quá tải, mặc dù đó là những lúc ta cần sự gắn kết hơn bao giờ hết. Trên thực tế, cảm giác cô lập là một trong ngại mà những nhân viên của các khu nhà dành cho người bị bạo lực gia đình thường mô tả. Một trong những nhân viên này đã kể vắn tắt điều đó như sau: “Tôi không thể về nhà và nói với ông xã của mình về những câu chuyện tôi được nghe - không phải vì tính riêng tư của chúng, mà bởi vì chúng tôi cùng khó nghe. Làm sao mà tôi có thể bắt anh ấy gánh vác điều đó chứ?”

Những công việc nhiều hiểm nguy, liên quan đến bạo lực hay nhiều đau khổ đòi hỏi một cơ chế khoanh vùng đặc biệt. Như một cảnh sát từng nói: “Bà xã bạn không thực sự muốn nghe về cái xác đã thối rữa hơn một tuần mà bạn vừa phải vớt lên từ dưới hồ đâu.” Chúng ta có thể cần xây dựng một cảm giác về cộng đồng vững chắc hơn ở nơi làm việc, để ta có thể trò chuyện cởi mở về trải nghiệm của mình. Cùng lúc đó, chúng ta cần có những hành động để duy trì sự hiện diện về cảm xúc với những người bạn và gia đình của mình, để việc chứng kiến những nỗi đau to lớn không còn khiến chúng ta cảm thấy bị cô lập và đơn độc nữa. Đôi khi sự trầm lặng là một cách thể hiện yêu thương. Nghe có vẻ nghịch lí nhưng việc để công việc ở lại nơi làm việc có thể giúp bảo vệ những mối quan hệ cá nhân của ta và tăng cường tính đoàn kết của đoàn thể tại chỗ làm. Việc kết nối với những sức mạnh nội tại trong chính chúng ta, với một cộng đồng và với bức tranh vĩ đại của cuộc sống đem lại cho ta sự bền bỉ.

Sau khi vật lộn với tình trạng kiệt quệ trong nhiều năm trời, một nhân viên  hỗ trợ nhân đạo tên Elie Calhoun cuối cùng đã tìm ra một phương trình chăm sóc bản thân phù hợp với mình. “Tôi ghi nhớ ba điều” Elie, người đã dành những không thời gian dài tại nhiều trại tị nạn trên khắp thế giới, nói: “Thứ nhất, công việc tôi làm là để phục vụ. Thứ hai, công việc phục vụ yêu cầu lao động về cảm xúc. Cuối cùng, lao động cảm xúc thì cần được nghỉ ngơi. Khi tôi nhận ra công việc phục vụ đòi hỏi phải lao động cảm xúc, tôi đã hiểu tại sao mình mệt mỏi đến vậy. Tôi càng kết nối với nhiều người, tôi càng cần nhiều thời gian nghỉ ngơi thật sự nghiêm túc hơn” Một lần nữa, bằng việc nhận ra rằng chúng ta có lựa chọn trong cách ta đối đãi với bản thân và cách chúng ta muốn được đối xử, chúng ta có thể vận dụng sức mạnh đó tốt hơn và tăng cường độ bền bỉ của bản thân.

Một người phụ nữ làm việc trong lực lượng cảnh sát đã trình bày điều này một cách rất đẹp đẽ với tôi. “Trong công việc cảnh sát, sử dụng từ “kẻ thù” có thể làm bạn gặp rắc rối. Những thực tế đối với chúng tôi trong công việc này là kẻ thực sự thường không thể nhìn thấy và nghe được. Kẻ thù không phải là con người bằng xương bằng thịt. Nó là một điều không ai biết. Nó có thể là khoảnh khắc thế giới chợt dừng lại, khi hình ảnh một đứa trẻ mới sinh chết trong vòng tay của mẹ hay một thi thể bị chặt ra từng khúc của nạn nhân khiến bạn phải chật vật ép bản thân xem những việc đó là chuyện bình thường. Đó là khi việc gõ cửa một căn nhà gỗ phong cách cổ điển được thiết kế tỉ mỉ để báo tin về cái chết của một người trong gia đình đó biến trái tim của bạn thành một nỗi buồn vô tận.

Đối với nhiều sĩ quan, tôn giáo đóng một vai trò rất quan trọng. Một số người lí luận rằng một Thượng Đế từ bi không thể giáng tai họa khủng khiếp xuống nhiều người như vậy được. Một số ít trong chúng tôi cân bằng đời sống tâm linh của mình, cố gắng tìm kiếm trung đạo. Chúng tôi hi vọng, chúng tôi thực hành, chúng tôi cầu nguyện, chúng tôi thương thảo. Cuối cùng, kẻ thù đó không bao giờ có thể phá hủy tinh thần bất khuất trong tim chúng tôi. Chỉ cần có một chút kiên nhẫn để mọi việc đâu vào đấy.”

---o0o---

Trích: “An Nhiên Giữa Những Bộn Bề”

Tác giả: Sharon Salzberg

Dịch: Thanh Hằng

Nhà Xuất Bản Thanh Niên – 2020

Ảnh: Internet

Bài viết liên quan