THAM ÁI CHƯỚNG NGẠI TÂM TỪ

Tâm từ lúc nào cũng có mặt trong ta. Với một tình thương ta sẽ thật sự có mặt trong giờ phút hiện tại này, ta không chỉ nhắm đến tương lai - đến những gì ta muốn, những gì ta sợ hãi, hay những gì ta phải bảo vệ. Trong giờ phút này ta có thể thực sự để cho sự việc được như nó là. Tâm từ giúp ta thoát ra ngoài lãnh vực của thời gian, của hi vọng, và thất vọng.
THAM ÁI CHƯỚNG NGẠI TÂM TỪ

THAM ÁI CHƯỚNG NGẠI TÂM TỪ

-Sharon Salzberg

-----o0o-----

Tâm từ lúc nào cũng có mặt trong ta. Với một tình thương ta sẽ thật sự có mặt trong giờ phút hiện tại này, ta không chỉ nhắm đến tương lai - đến những gì ta muốn, những gì ta sợ hãi, hay những gì ta phải bảo vệ. Trong giờ phút này ta có thể thực sự để cho sự việc được như nó là. Tâm từ giúp ta thoát ra ngoài lãnh vực của thời gian, của hi vọng, và thất vọng.

Tâm từ không hề bị lệ thuộc vào vấn đề mua chuộc hay là đổi chác. Tham ái thì nói rằng: “Tôi thương anh, tôi sẽ chăm sóc cho anh, tôi sẵn sàng cho anh tất cả, nhưng với điều kiện là anh phải làm đúng theo kỳ vọng của tôi và thỏa mãn những nhu cầu của tôi”. Tình thương đó thì rất bị giới hạn, vì nó chỉ dành riêng cho những ai có thể đáp ứng lại những gì mình muốn mà thôi. Ta thương một người nào, và nếu họ làm ta thất vọng, ta sẽ không còn thương họ được nữa. Thứ tình thương hạn hẹp ấy được đặt trên nền tảng của sự tham ái và dính mắc.

Nhiều khi ta tưởng rằng mình đang có tâm từ đối với một người nào, nhưng thật ra là ta đang có lòng tham ái và bị dính mắc với người ấy. Vì lý do đó mà tham ái còn được xem như một “kẻ cận thù” của tâm từ. Tham ái có thể đem lại cho ta một cảm giác tương tợ, nó có thể giả trang thành tâm từ - cho đến khi nào ta đụng đến mức giới hạn của nó. Tâm từ thì không có biên giới, nó rộng mở cho tất cả. Tâm từ không bao giờ phân biệt giữa chủ thể và đối tượng; nó không bao giờ cố gắng kiểm soát hoặc giam giữ đối tượng của nó; và nó cũng không hề bị đe dọa vì những mất mát hoặc bất cứ một sợ hãi nào.

Tâm từ được đặt trên nền tảng của sự vô tham. Sự vô tham - không dính mắc - ở đây không phải là một trạng thái thờ ơ, lạnh lùng, không còn để ý đến những gì đang xảy ra chung quanh mình. Không bị dính mắc cũng không phải là một sự cau có tránh né hay là một thái độ dửng dưng, mặc kệ. Ngược lại, nó là một trạng thái rất sinh động, rất cởi mở và tràn đầy. Năng lượng của sự vô tham được biểu hiện ra thành tình thương, mà thánh Mohandas Gandhi gọi đó là: “một năng lực tinh tế nhất trên vũ trụ”. Nó tinh tế vì nó có thể tự tại đi đến khắp mọi nơi, như không khí lan tràn ra khắp chốn - ngược lại với tham ái, bị kẹt vào một đối tượng duy nhất mà rồi không còn nhúc nhích gì được nữa. Chúng ta đạt được sự vô tham bằng cách thanh lọc tâm mình khỏi sự kềm tỏa của ái dục. Có vài phương cách có thể giúp ta thực hiện được việc này.

Một phương pháp để thanh lọc tâm mình khỏi năng lực của ái dục là đừng cố gắng kiểm soát những gì ta không thể kiểm soát được. Có một lần, đứa con gái bảy tuổi của một người bạn tôi, nửa đêm giật mình thức giấc la khóc. Bạn tôi chạy sang hỏi, “Con sao vậy? Bộ con nằm mơ thấy gì ghê lắm hả?”. Nó đáp, “Dạ, con nằm mơ thấy mình chạy chơi đuổi theo con chó ra ngoài vườn, rồi có một bầy ong khổng lồ bay lại bao vây tấn công con, và con chết”.

Bạn tôi thấy khó tin, hỏi nó, “Con chết thật hả! Thường thường thì mẹ nằm mơ thấy mình sắp chết thôi, chứ chưa bao giờ thấy mình thật sự là chết cả. Nó giống như thế nào?”. Đứa bé gái suy nghĩ một hồi rồi đáp: “Con thấy đau khổ lắm, nhưng rồi con thôi không chống cự nữa, và con thấy yên trở lại”.

Chúng ta cần phải hiểu rõ nguyên nhân nào đã khiến ta chống cự, và làm thế nào để ta chấp nhận được chuyện sanh tử của mình. Buông bỏ những cố gắng vô ích để chống lại sự thay đổi là một trong những năng lực của vô tham, của một tình thương chân thật.

Và ta cũng có thể thanh lọc tâm mình khỏi năng lực của ái dục bằng cách thực hành bố thí. Tham ái là một năng lực hướng nội, nó chỉ biết lôi kéo mọi vật về phía mình, giữ cho riêng mình. Chúng ta cần phải chuyển đổi thái độ ấy ra thành một chiều hướng ngược lại, cởi mở và ban cho. Bố thí không phải chỉ đơn giản là một hành động ban tặng cho người khác tài vật. Nó còn có nghĩa là một sự chăm sóc, bảo vệ, ân cần và thương yêu. Bố thí cũng không phải chỉ là một hành động giữa hai người, mà nó còn là một trạng thái của nội tâm, một thái độ rộng lượng đối với chính mình, như ta nói với kẻ khác.

Chúng ta cũng còn có thể thanh lọc tâm mình khỏi năng lực của ái dục bằng cách thực tập lòng biết ơn. Thay vì cứ mang một mặc cảm là ta không có được đầy đủ, hoặc sẽ không bao giờ là đủ, ta có thể ý thức rằng thật ra thế giới này đã ban cho ta quá nhiều, đầy đủ hết với những gì chúng ta đang có.

Chúng ta có thể thanh lọc tâm mình khỏi năng lực của ái dục bằng cách chọn một lối sống đơn giản, biết những gì là thật sự cần thiết cho hạnh phúc. Hạnh phúc chân thật không thể có mặt ở bất cứ một nơi nào bên ngoài hoặc ở một người nào khác. Vì cái gì rồi cũng thay đổi, nên hạnh phúc của ta nương tựa vào chúng cũng sẽ chỉ là tạm bợ mà thôi. Sống đơn giản là khả năng có được một con tim thương yêu trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Sống với sự vô tham, không dính mắc, có nghĩa là ta thể nhập vào với sự sống của mình một cách thật tự nhiên, không cần một dụng công nào hết. Khi đức Đạt Lai Lạt Ma được giải Nobel về hòa bình, có người phê bình rằng trao cho ngài giải hòa bình cũng như ban cho bà mẹ thiên nhiên một giải thưởng về nghệ thuật vậy. Đối với tất cả chúng ta, thương yêu là một trạng thái rất tự nhiên của mình. Chúng ta bao giờ cũng tự tại và có thể tiếp xúc được với hết tất cả, vì đó chỉ là một phản ánh của con người thật của mình mà thôi.

-----o0o-----

Trích: Thiền Tập Về Thương Yêu - Nghệ Thuật Sống Hạnh Phúc

Tác Giả: Sharon Salzberg

Người Dịch: Nguyễn Duy Nhiên

NXB: Phương Đông, Năm 2018

Ảnh: nguồn Internet

Bài viết liên quan