TÁNH GIÁC VÀ NHỮNG BIỂU LỘ CỦA NÓ - DUDJOM LINGPA - NHỮNG LỐI VÀO THỰC TẠI TỐI HẬU

TÁNH GIÁC VÀ NHỮNG BIỂU LỘ CỦA NÓ

DUDJOM LINGPA (1835 – 1904)

NHỮNG LỐI VÀO THỰC TẠI TỐI HẬU

---o0o---

“Hãy nghe, hỡi người đại căn. Những phẩm tính của hiện diện tự nhiên quý báu là ánh sáng tĩnh lặng bên trong của phương diện nền tảng của pháp thân, Phật tánh.
TÁNH GIÁC VÀ NHỮNG BIỂU LỘ CỦA NÓ - DUDJOM LINGPA - NHỮNG LỐI VÀO THỰC TẠI TỐI HẬU

Vào một dịp khác, trong một kinh nghiệm thiền định về sự sáng tỏ toàn triệt, tôi gặp Manjushri Vadisimha (Văn Thù Sư Lợi, Sư Tử của Ngữ) và hỏi ngài câu sau: “Hỡi bậc Thầy, bậc che chở cho thế giới, con đã đến một quyết định về tình thế căn bản này đúng như nó là: mọi hiện tượng hình tướng của thế giới như một đồ chứa đựng và những vật được chứa trong đó không gì khác hơn là những xuất hiện hình tướng vốn tự-biểu lộ. Nhưng con xin ngài chỉ cho con những tên riêng và những cõi tịnh của tất cả chư Phật có thể hay không thể được xem là những đối tượng độc lập ra sao.”

Theo sự cầu xin của tôi, vị thầy ban cho sự trả lời sau đây; “Hãy nghe, hỡi người đại căn. Những phẩm tính của hiện diện tự nhiên quý báu là ánh sáng tĩnh lặng bên trong của phương diện nền tảng của pháp thân, Phật tánh. Với cái này như là một căn cứ, những cõi tịnh của chư Phật, những bổn tôn nam và nữ và vô số cung điện tự biểu hiện là toàn thiện như những thuộc tính tự nhiên của chính nền tảng của hiện thể. Đây là nguyên lý của trí huệ siêu việt (Bát nhã ba la mật). Trình bày chúng như là những sự vật có thể xem là khác với nền tảng là nguyên lý của phương diện thiện xảo.

 “Sự toàn thiện của những phẩm tính trong bản thân nền tảng của hiện thể là chân lý tối hậu; sự diễn giải những phẩm tính ấy thành hiện hữu như cái gì khác - những sự vật trong thế giới - thì ở cấp độ của chân lý tương đối.

“Lại nữa, nghĩa rốt ráo là sự phô diễn của những thân và trí huệ nguyên sơ như là sự hiện diện tự nhiên của bản thân nền tảng của hiện thể. Nghĩa tạm thời gồm mọi giải thích về những cõi tịnh của chư Phật, những danh hiệu của những bổn tôn nam và nữ... như là những sự vật khác với nền tảng ấy, nghĩa là, như những thực thể có bản chất với các tướng nhất định.

“Sau đây là một giải thích về thực tại tối hậu ở cấp độ tương đối, phù hợp với những phương thức của kinh nghiệm sanh tử. Chúng ta hãy xem xét cách tất cả các bậc chiến thắng được bao gồm trong năm thân. Trong thật tánh tối thượng, mọi hiện tượng của những hình tướng xuất hiện có thể có của sanh tử và niết bàn đều hiện diện một cách vốn có như là những thuộc tính tự nhiên, không thi thiết trong tánh Không tối thượng của nền tảng của hiện thể như là hư không căn bản - cái này được gọi là ‘pháp’(dharma). Do vô số loại tính cách và mức độ căn cơ, có vô số lối vào con đường tâm linh, vô số kinh nghiệm thiền định và vô số mục tiêu thì hiện hữu một cách vốn có như là những thuộc tính tự nhiên - cách này gọi là ‘thân’(kaya).

 “Sự phô diễn hiện tại tự phát của những thân và trí huệ nguyên sơ là vốn toàn thiện như là những thuộc tính tự nhiên được thọ hưởng. Đây là báo thân.

“Một ý định hữu thức phóng ra những thân lưu xuất không lìa khỏi bản tánh. Tuy nhiên, những lưu xuất hóa thân - của những bậc thầy giác ngộ, những nhà nghệ thuật, những vị thầy tái sanh và vật vô tri - biểu lộ theo một cách mà chúng không gì khác hơn là nền tảng của bản thân hiện thể. Bốn phương thức lưu xuất này biểu lộ qua liên hệ duyên sanh khi có sự đồng bộ của một thức quan niệm ra một cái tôi, giống như một thau nước (có thể phản chiếu), và những phẩm tính của hư không căn bản của Phật tánh, như những tinh tú trên trời.

“Thực ra, thế giới không nằm ngoài sự phô diễn của ba thân. Từ ngữ ‘pháp thân’ ám chỉ phương diện bản tánh tinh túy của nó như là tánh Không; ‘báo thân’ là phương diện bản tánh vốn sẵn của nó như hiện diện tự nhiên; ‘hóa thân’ là phương diện của sự biểu lộ riêng biệt của những hiện tượng hình tướng bề ngoài.

“Hơn nữa, từ ngữ ‘tự tánh thân’ hàm ý rằng chính nền tảng của hiện thể là bản tánh tinh túy của tất cả sanh tử và niết bàn, và rằng mọi sự là một vị trong cùng bản tánh tinh túy đó. Từ ngữ ‘thân’ hàm ý sự gom tụ mọi phương diện của trí huệ nguyên sơ và những phẩm tính tốt đẹp.

“Không có đổi dời nào trong ba thời,   bản tánh tinh túy của hiện thể là ‘bất biến’, vì nó không biến đổi thành cái khác. Nó là không thể tổn hại, vì nó không bị bất cứ cái gì làm tổn thương. Nó là bất diệt, vì không bị hủy diệt bởi chính nó hay cái gì khác. Nó là chân thực, vì nó an trụ như là nền tảng chung của tất cả sanh tử và niết bàn. Nó là không thể hư hỏng, vì những yếu tố tốt và xấu không làm nhiễm ô nó. Nó là bền vững, vì thoát ngoài mọi chao đảo. Nó hoàn toàn vô ngại, vì nó xuyên thấu bất kỳ cái gì, kế cả những che chướng vi tế cái biết (sở tri chướng). Nó hoàn toàn vô địch, vì không có đối tượng hay duyên nào vượt thắng được nó.

“Như vậy, bản tánh của kim cương bất hoại có bốn sự bảo đảm: trừ người có đạo tâm với nghiệp thích hợp và phước đức, không chúng sanh nào chứng ngộ được nó; một khi nó được chứng ngộ và đưa vào thực hành, không thể không có một tin cậy kiên cố vào nó; một khi đã có sự tin cậy, không thể nào không có giải thoát; và tất cả những ai đã tìm ra giải thoát không thể nào không giác ngộ Phật quả.

“Sự hiện diện vốn sẵn của năm thân này như là những thuộc tính tự nhiên của bản thân nền tảng của hiện thể là chân lý tối hậu; sự diễn giải về chúng như tách biệt với nền tảng này thì ở cấp độ của cái gọi là ‘chân lý tương đối’ và ‘con đường của phương tiện thiện xảo’.

“Sau đây là căn cứ để diễn tả những bổn tôn theo những gia đình hay bộ, tương đương với những loại chúng sanh bám chấp. Bởi vì bản thân nền tảng của hiện thế là thanh tịnh đến độ những méo mó của những khuôn khổ thói quen được xóa sạch trong hư không căn bản, từ ngữ ‘xóa sạch’ (sang) được sử dụng. Bởi vì trí huệ bổn nguyên và những phẩm tính tốt đẹp thường hiện bày, từ ngữ ‘hiện bày’ (gyay) được dùng [và do đó có Phật bộ (sang-gyay)]. Bởi vì hiện thể chúng sanh có bảy thuộc tính kim cương bất khả hoại,có Kim Cương bộ. Bởi vì nó tác dụng như nguồn của tất cả các thân và các phương diện của trí huệ nguyên sơ, có Bảo Sanh bộ. Bởi vì nó không bị nhiễm ô bởi bất kỳ tỳ vết khuyết điểm nào, nó là Liên Hoa bộ. Bởi vì những hoạt động giác ngộ được thành tựu trọn vẹn, có Nghiệp bộ. Từ ngữ ‘bộ’ hay ‘gia đình’ diễn tả những nhóm họp tương ứng theo kiểu mẫu này.

“Sau đây là một giải thích về năm cõi tịnh, chúng tương ứng với sự bám trụ vào lãnh thổ của chúng sanh. Từ sự dầy đặc những phẩm tính tốt hiện diện tự nhiên trong nền tảng của hiện thể như là hư không căn bản, có cõi Phô Bày Dày Đặc (Tugpo Kodpa). Bởi vì nền tảng của hiện thể được phú bẩm niềm vui tối thượng, niềm vui này không do bất kỳ đối vật, điều kiện hay tác nhân nào đem tới, có cõi Niềm Vui Biểu Lộ (Ngonpar Gawa). Bởi vì nó được phú bẩm vinh quang đầy dẫy của trí huệ nguyên sơ và những phẩm tính tốt, có cõi Vinh Quang Phú Bẩm (Paldang Danpa). Bởi vì nó được phú bẩm trí huệ nguyên sơ của phúc lạc bất tận và tánh Không, có cõi Cực Lạc (Dewachan). Và bởi vì có sự trọn vẹn rốt ráo toàn thiện của mọi hoạt động tịnh hóa và tự do, có cõi Hoạt Động Trọn Vẹn và Rốt Ráo Toàn Thiện (Layrab Dzogpa). Từ ngữ ‘trường’(zhing) chỉ hư không căn bản; từ ngữ ‘cõi’(kham) chỉ cái không là gì khác hơn ‘cái cấu thành nền tảng’ của hiện thể. Bởi vì những phẩm tính tốt của nền tảng của hiện thể thì không thể đo lường, từ ngữ ‘vô lượng’ được dùng. Bởi vì chúng hoàn toàn lấp đầy toàn bộ sanh tử và niết bàn, từ ngữ ‘lâu đài’ (khang)được dùng.

“Khi ánh sáng vốn sẵn bên trong của nền tảng của hiện thể chúng sanh tỏa khắp như hư không căn bản đã hiển hiện rõ ràng bởi trí huệ tối thượng, toàn khắp và siêu việt, tức có Vairocana (Tỳ Lô Giá Na) ‘Sự Biểu Lộ Rành Mạch’ (Nampar Nangdzad), của mọi trí huệ nguyên sơ và mọi phẩm tính tốt của nền tảng của hiện thể, nghĩa là của Phật tánh như là ‘cái cấu thành nền tảng’ của chúng sanh. Bởi vì nó được phú bẩm bảy thuộc tính kim cương bất hoại và thoát khỏi dao động trong ba thời, tức có Akshobhya (A Súc Bệ) ‘Kim Cương Không Lay Chuyển’ (Mikyod Dorje). Bởi vì nó là cội nguồn của mọi yếu tố của con đường và quá, và được phú bẩm đầy dẫy phẩm tính tốt tuyệt hảo, tức có Ratnasambhava, ‘Nguồn của Quý Báu’(Rinch Jungdan). Amitabha,‘Sáng Tỏ Vô Cùng’ (NangwaTTiayay), ám chỉ phương diện vô cùng của nền tảng của hiện thể chúng sanh biểu lộ như là những hiện tượng hình tướng. Bởi vì tất cả những đề mục của thực tại hiện hữu theo cách tự hữu, tức có Amogasiddhi ‘Thành Tựu của Nghĩa’(Donyod Drubpa).

“Tánh Không kim cương tối hậu là hư không trong đó mọi hiện tượng của sanh tử và niết bàn biểu lộ trong phương diện đến và đi (dro), thế nên có Vajradakini. Ratnadakini là phương diện tính tự hữu của tất cả trí huệ nguyên sơ và những phẩm tính tốt, tương tự một nhà kho ngọc quý. Padmadakini biểu thị phương diện thoát khỏi mọi bám luyến. Karmadakini chỉ rằng mọi hoạt động của thân hiện diện tự nhiên và của trí huệ nguyên sơ là tự hữu, không do cố ý nỗ lực. Bởi vì những méo mó do những phiền não (phiền não chướng) và vô minh đối với cái ta có thể biết được (sở tri chướng) bị xóa sạch trong hư không căn bản và trí huệ nguyên sơ cùng những phẩm tính tốt hiển lộ, từ ngữ ‘Phật’ được dùng. Và bởi vì trong cõi hư không bao la (kha) của tánh Không tối thượng mọi hiện tượng hình tướng của sanh tử và niết bàn biểu lộ như những phương diện đến và đi (dro), từ ngữ ‘dakini’ (khadro, ‘người đi trên không trung’ hay ‘người nhảy múa trong không trung) được dùng.

“Phương diện nền tảng của pháp thân, Phật tánh, trở nên hiển lộ rõ ràng như là nguyên lý thấm nhập khắp tất cả sanh tử và niết bàn. Đây là phương diện nền tảng của trí huệ vốn sẵn như là tự do tối thượng đối với những giới hạn. Tất cả thực hành sadhana liên quan tới thực tại tối hậu được gồm như sau.

“Đạt đến sự làm chủ bẩm sinh, nhờ một tin chắc sâu xa vào phương diện trí huệ vốn sẵn (hay tánh giác vốn sẵn) như là bản tánh trong đó những nguyên lý tâm linh cao nhất đều hợp nhất, là lấy bản tánh nền tảng của thực tại làm sự quy y tối hậu và vô thượng.

“Trải qua vô số đời từ vô thủy, phạm vi trí năng của con đã bị hạn cuộc ngặt nghèo do quan niệm cái ngã là thật và bám chấp những đối tượng giác quan. Bây giờ con đã đạt đến quyết định rằng sanh tử và niết bàn là ảo ảnh của chỉ một trí huệ vốn sẵn duy nhất, bấy giờ phạm vi tâm thức bình thường của con đã lớn lên. Đây là cái thiêng liêng nhất trong mọi phương cách phát Bồ đề tâm.

“Tâm thức bình thường của những quan niệm nhị nguyên đối tượng và chủ thể là con quỷ lớn nhất của đời sống bị quy định khiến người ta lang thang trong vòng sanh tử. Trí huệ phân biệt siêu việt xua đuổi nó vào tánh Không, trong đó không có vật gì hiện hữu. Làm hiển lộ trí huệ siêu việt thấu hiểu vô ngã và vô tự tánh tạo thành vòng che chở của Bồ đề tâm, không bị đánh bại hay hủy diệt.

“Làm trút xuống sự ban phước tối thượng của trí huệ (hay tánh giác) nguyên sơ vốn sẵn vào trong cõi tối tăm của sự không nhận biết trí huệ (hay tánh giác) vốn sẵn tạo thành giai đoạn thực sự của việc cầu ban phước.

“Với sự chứng ngộ rằng những hiện tượng hình tướng sanh khởi là sự trang hoàng của trí huệ vốn sẵn, sự phô bày tự-xảy ra của những kinh nghiệm giác quan tạo thành hành động cúng dường.

“Sự chuyển di từ ‘địa’ của tất cả kinh nghiệm bình thường vào pháp thân là phương diện địa ban đầu của Phật quả. Trí huệ siêu việt biết bản tánh nền tảng này đúng như nó là và đồng thời tri giác những sự vật trong sự đa thù của chúng, và như vậy bao gồm cái thức biết tất cả và giác ngộ toàn vẹn. Hai phương diện này của trí huệ siêu việt trở nên rõ ràng là sự hợp nhất những bí mật của tất cả các bậc chiến thắng và con cháu thừa kế của các ngài. Những cấp đầu tiên của chứng ngộ, con đường của phương tiện thiện xảo là chúng hội các vị giữ gìn giáo pháp; từ sự làm chủ địa thứ tám và các địa cao hơn của chứng ngộ, đó là chúng hội của những Bồ tát; và Phật quả thật sự, đó là chư Phật và những cõi tinh độ của chư Phật.

“Con đường của phương tiện thiện xảo giải thích ‘địa’của mọi kinh nghiệm bình thường - sự không nhận biết tánh giác vốn sẵn - là Maheshvara và mọi khuôn khổ tư tưởng khởi lên từ đó là những hộ pháp của những giáo lý và tám loại thiên và long. Với phương diện địa ban đầu của pháp thân trở nên rõ ràng, những phương diện của trí huệ nguyên sơ tối thượng và tự hữu sanh khởi như là năng lực được xếp thành phạm trù và như thế được làm thành con đường phương tiện. Thực hành sadhana thực sự làm rõ ràng trạng thái giác ngộ tối hậu của Phật quả; tất cả những sadhana và mạn đà la được xếp vào trong cái này và thành tựu trong đó.

“Giai đoạn triệu thỉnh là làm rõ ràng bản tánh nền tảng, nghĩa là, làm sự chuyển di từ mọi hiện tượng của ba cõi sanh tử đến sự phô diễn của thật tánh tối thượng và độc nhất.

“Trụ vững trong địa của con một cách trực tiếp, thoát khỏi chuyển dời, biến đổi trong ba thời, là cầu xin ở lại (thỉnh Phật trụ thế).

“Hành vi đảnh lễ khi gặp ‘cái thấy’ mặt đối mặt là hành  vi hoàn thành một cảm thức sửng sốt khi gặp khuôn mặt thật sự của chính con, phương diện địa ban đầu của pháp thân, cái thấy hùng vĩ nhất của những cái thấy.

“Sự phô diễn của những hiện tượng trong thật tánh của thực tại là hành vi tối thượng của cúng dường.

“Sự tán thán tối hậu là cảm thức của ngạc nhiên thán phục và tin chắc khi con thấy, đúng như nó là, bản tánh nền tảng của sanh tử và niết bàn là Đại ToànThiện.

“Sự phô bày của thân giác ngộ là vô số hiện tượng hình tướng biểu lộ riêng biệt rõ ràng. Sự phô diễn của ngữ giác ngộ là sự hoàn thiện và thành tựu trọn vẹn tự nhiên của chúng. Sự phô diễn của tâm giác ngộ là bản thân hư không căn bản như là tánh thanh tịnh bổn nguyên, không có những giới hạn của những tạo tác ý niệm. Đó là những đặc tính của tánh giác (hay trí huệ) vốn sẵn như là Đại Toàn Thiện - những phẩm tính tốt phát khởi từ sự thấu suốt rằng sự phô diễn của các thân và tánh giác nguyên sơ này là không do tìm kiếm mà vốn hiện diện, những phẩm tính thành tựu sự làm chủ đối với bốn loại hoạt động giác ngộ. Một cách tương tự, hãy hiểu rằng bốn quán đảnh thì đồng thời hoàn thiện và trọn vẹn trong sự tự hữu của sắc tướng, ngữ, tâm, trong những phẩm tính và những hoạt động giác ngộ.

 

“Hiểu và chứng ngộ trạng thái hoàn thiện toàn vẹn đúng như nó là, đó chính là Đại Toàn Thiện. Trước đây con đã lang thang trong vòng luân hồi do thiếu một cái hiểu như vậy. Dù xưa nay vốn đã có toàn thiện, nhưng cái này đã bị che tối do không nhận biết tánh giác vốn sẵn. Giống như nước vốn tự do trôi chảy, đã bị giới hạn lại, bị đóng thành băng, hay như vàng và ngọc đã bị bỏ qua không được nhận biết và như vậy không dứt được cảnh đói nghèo.

“Một cách rốt ráo, tánh giác hay trí huệ nguyên sơ và những phẩm tính của nền tảng của hiện thể, Phật tánh, là toàn thiện và viên mãn như là năng lực nguyên tuyền của nền tảng đó, những diễn giải về những cái ấy tức là những mạn đà la riêng biệt của những yếu tố nâng đỡ và được nâng đỡ chính là những phương tiên thiện xảo để đưa những người chưa được điều phục–những người gán cho sự vật tính thường còn-trên con đường tương đối của nỗ lực đi đến hư không căn bản vốn không có nỗ lực. Thế nên, được trang bị bởi ba yếu tố then chốt - quang minh, thanh tịnh và tánh Không - người ta được đưa đến hư không căn bản của mục đích tối thượng.”

Nói rồi, ngài biến mất.

---o0o---

Trích: “Những Lối Vào Thực Tại Tối Hậu”

Tác giả: Dudjom Lingpa

Dịch: Nguyễn An Cư

Ảnh: Internet

Bài viết liên quan