TỪ KIẾP NÀY SANG KIẾP SAU - DEEPAK CHOPRA – SỰ SỐNG SAU CÁI CHẾT

TỪ KIẾP NÀY SANG KIẾP SAU

DEEPAK CHOPRA – SỰ SỐNG SAU CÁI CHẾT

-------o0o-------

Nghiệp đi theo một người từ kiếp này sang kiếp khác. Đối với họ, mỗi hành vi trong kiếp sống này đều dội vào kiếp sau, và những sự kiện rõ ràng ngẫu nhiên lúc này có cội rễ ở những quyết định trong quá khứ.
TỪ KIẾP NÀY SANG KIẾP SAU - DEEPAK CHOPRA – SỰ SỐNG SAU CÁI CHẾT

Chúng ta không kiểm soát được cõi sau sự sống cùng vì một lý do khiến chúng ta không kiểm soát được cuộc sống này. Chúng ta không có đủ ý thức. Những khe hở dốt nát trong tiềm năng đầy đủ của chúng ta quá lớn và mọi khe hở biến thành vô ý thức. Trong Phật giáo Tây Tạng một kiếp sống được liên kết chặt chẽ với kiếp sống khác. Khi một vị lạt ma chết, mọi người chờ đợi sẽ tìm được chuyển kiếp của ông. Những dấu hiệu được lưu lại để liên kết hai kiếp sống. Về phần mình đứa bé sẽ nhận ra ví dụ như các đồ chơi cũ của nó, và người lớn xung quanh nó có thể xác định chắc chắn là chuỗi nhận dạng không bị đứt.

Cũng tương tự khi nói rằng người Tây Tạng không rơi vào khe hở khi họ chết. Sự tiếp diễn được bảo đảm. Cuốn “Tử thư Tây Tạng” nổi tiếng mô tả rất kỹ lưỡng về người chết còn ý thức, với niềm tin rằng người chết phải được liên kết với dòng ý thức liên tục. Đối với độc giả phương Tây, cuốn sách này không dễ hiểu; nó mô tả quá nhiều cấp độ của ý thức, quá nhiều điểm đến có khả năng trong Bardo đến mức cần cả cuộc đời tu hành Phật pháp để có thể hấp thu tất cả các khả năng. Nói đúng ra là bởi vì người Tây Tạng không muốn dạo chơi bên ngoài hệ thống tín ngưỡng của mình; hệ thống này tán thành họ là ai và họ định đi đâu trên con đường giải thoát.

Đây là một ví dụ của sự lựa chọn theo khuôn mẫu cứng nhắc, so với nó người phương Tây chẳng khác gì một gã chơi bạc bất cần đời. Chúng ta không cố khư khư bám lấy ý thức nguyên vẹn, và mặc dù chúng ta có thể ấp ủ hy vọng quay trở về một cuộc sống giống như thứ ta đã rời bỏ, điều đó chỉ giống như chúng ta có thể khát vọng cái gì đó hoàn toàn mới mẻ. Bất luận thế nào, chúng ta thường không thừa nhận mơ ước của chúng ta quan trọng. Thiên đường và địa ngục sẽ tự lo chuyện của mình, thật trớ trêu, điều này có nghĩa là người phương Tây được giải phóng khỏi Nghiệp hơn là đại đa số người phương Đông, vẫn luôn luôn đinh ninh trong tâm trí mình niềm tin là Nghiệp đi theo một người từ kiếp này sang kiếp khác. Đối với họ, mỗi hành vi trong kiếp sống này đều dội vào kiếp sau, và những sự kiện rõ ràng ngẫu nhiên lúc này có cội rễ ở những quyết định trong quá khứ.

Điều này ngụ ý là có rất nhiều cách liên quan tới Nghiệp. Bạn có thể lựa chọn tỉnh thức như bạn thích, hoặc là không tỉnh thức. Nghiệp nối các sự kiện với nhau, nhưng điều này không đồng nghĩa với định mệnh. Ở phương Đông, luận điểm này thường bị bỏ qua và người ta thông thường cho rằng các hành vi tồi tệ giống như tội ác sẽ kèm theo hàng loạt trừng phạt, trong khi các hành vi tốt giành được phần thưởng cố định. Dù nghe có vẻ logic, điều này phủ nhận tự do lựa chọn.

“Tôi quen nghĩ rằng nghiệp biến tôi thành một kiểu con rối,” một người bạn tôi có lần nhận xét. “Thực hiện hàng triệu lựa chọn trong quá khứ, mỗi lựa chọn có hậu quả riêng, làm sao tôi có thể thoát khỏi chúng? Mỗi lựa chọn xấu kéo tôi theo một cách, mỗi lựa chọn tốt theo cách khác. Số mệnh giữ chặt những sợi dây.”

Tôi hỏi “Làm thế nào anh thoát khỏi cách nghĩ như vậy?”

“Tôi từng không thể,” anh ta trả lời. “Nhưng một ngày nọ tôi sửng sốt. Nếu tôi là con rối thì đã làm sao? Tôi không cảm thấy những sợi dây. Tôi không nhìn thấy ai điều khiển chúng. Hơn hết tôi biết mọi quyết định tôi đưa ra là của tôi và chỉ của mình tôi. Tôi có thể vẫn là con rối của số mệnh nhưng điều ấy có nghĩa gì nếu tôi không thể nói được sự khác biệt?”

Thật khó tranh luận với thứ chủ nghĩa thực dụng thế này. Chỉ sau này tôi mới nghĩ ra những điểm yếu của nó. Nếu nghiệp giống như công việc vô hình của bộ não, chúng ta không thể phớt lờ nó chỉ vì nó vô hình. Bộ não của chúng ta sản sinh ra các kiểu suy nghĩ quấy rối và bóp méo. Chúng có thể trở nên mất cân bằng và ném chúng ta vào trạng thái chán nản hoặc mất trí hoàn toàn. Chúng là đối tượng của cảm nhận sai và ảo giác, không phải những chứng rối loạn dị dạng đã được đề cập có thể điều trị. Một cách căn bản hơn nữa, những gì chúng ta nói và làm thay đổi bộ não. Kết nối khó khăn của các neuron thần kinh thay đổi bởi kinh nghiệm, sao cho bộ não của người đã từng trải qua chẳng hạn như tai nạn khủng khiếp, sẽ trở nên khác với bộ não của người bình an. Các kinh nghiệm tích cực và tiêu cực khiến tâm trí nhìn thấy thế giới theo cách đặc biệt, rồi sau đó bộ não sẽ trở nên thích ứng.

Hãy ứng dụng điều này cho luân hồi. Lúc chết, những khía cạnh vô hình và hữu hình của nghiệp ăn khớp nhau. Phiên bản chuẩn ở Ấn Độ được kể lại như sau: Khi chết bạn rời khỏi xác nhưng vẫn nhận thức được mình là ai. Bạn có thể tiếp tục nhìn thấy căn phòng nơi bạn chết; bạn duy trì cảm xúc có cơ thể trong một thời gian (theo truyền thống, thi thể được để yên không động chạm đến ngay sau khi chết vì niềm tin rằng người chết vẫn tiếp tục cảm nhận được mọi tác động vào họ.)

Tiếp theo, như người chết đuối nhìn thấy cả cuộc đời mình trải qua trước mắt, nghiệp của một người bung ra như chỉ gỡ khỏi suốt, và các sự kiện của cuộc đời này diễu ngược lại qua màn ảnh của tâm trí. Bạn thể nghiệm lại tất cả các thời điểm trọng đại từ khi sinh ra, chỉ có điều lúc này rất sinh động và rõ ràng khiến bạn nhìn thấy chính xác từng thời điểm có nghĩa gì. Cái đúng và sai cũng hiển hiện rõ ràng, không có sự tha thứ hay những giải thích duy lý. Bạn chịu trách nhiệm cho mọi điều đã làm.

Khi tất cả mọi phán xét đã được thực hiện - chúng đều là tự phán xét, không phải những sắc lệnh thần thánh - bạn tìm thấy mình trong các Loka khác nhau, các thế giới phản ánh một kiểu phần thưởng hay trừng phạt do các hành vi của bạn mang lại. Một linh hồn không được chỉ định vào một Loka vĩnh viễn mà chỉ ở đó theo thời gian Nghiệp quy định. Trong quãng thời gian này, bao gồm cả hạnh phúc và đau khổ, bạn sẽ nghiền ngẫm về mình và tự đi đến những kết luận riêng. Không có lực lượng nào bên ngoài cho bạn biết cuộc sống của bạn có ý nghĩa gì hoặc làm thế nào kéo dài đến bước tiếp sau. Bạn có thể đau khổ trong Loka địa ngục tưởng như suốt cả vĩnh hằng hoặc bạn có thể rời bỏ ngay lập tức. Thời gian thuần túy có tính chủ quan, và cái bạn thực sự thể nghiệm là chính nhận thức của bạn tạo ra vấn đề nan giải và mâu thuẫn. “Tại sao tôi ở đây? Cái gì khiến tôi đau khổ? Tôi có đáng phải đau khổ không? Có cách nào chạy thoát không?”

Những người đứt kết nối với chính mình sẽ bị cõi sau sự sống ngăn trở như trong hiện tại. Các cảm giác bị xa lánh, cô đơn, gặp nạn, bị số phận quăng quật, mất kiểm soát, hoặc bị quyền thế sỉ nhục sẽ va chạm vào nhau. Trong màn sương hỗn độn này, họ không thể chịu trách nhiệm cho những động lực và ham muốn của mình, và cõi sau sự sống có thể đe dọa hay gây cản trở cho họ.

Bị đứt kết nối là ảo ảnh từ viễn cảnh của linh hồn, và dù nó lâu đến đâu, cuối cùng người ta cũng chuẩn bị rời bỏ vùng Loka. Tri giác, tượng trưng bằng ánh sáng, bắt đầu hé mở. Một cách sáng tỏ, bạn nhận thức ra “Tôi tồn tại” là nền tảng của mình, chứ không phải những việc bạn làm. Bạn không đồng nhất với việc trở thành một cá nhân xác định nữa; giờ đây bạn đồng nhất với trạng thái có ý thức, và các khả năng mới mẻ tràn ngập tâm trí. Nghiệp bạn mang kiếp sống trước đó đã cạn kiệt và các hạt giống nghiệp tươi mới đã sẵn sàng đâm chồi.

Sự đầu thai kiếp mới đi vào tâm trí bạn dần dần. Suốt một thời gian dài (nói một cách chủ quan) bạn thể nghiệm phúc lạc, hay Ananda; bạn đạt đến tồn tại thuần túy, mang lại cảm giác hài lòng cho mình bất kể nghiệp tốt hay xấu. Bạn nằm trong chính khe hở như một người ở giữa hai ý nghĩ, chỉ có điều lúc này bạn nhận thức được vô số khả năng để lựa chọn. Bạn lựa chọn kiếp sau như thế nào? Thông qua quá trình giống như lựa chọn ý nghĩ tiếp theo. Chúng ta thường xuyên làm việc này nhưng không biết chúng ta làm như thế nào; ý nghĩ tiếp theo xuất hiện từ kẽ hở vô tri thuần túy.

Bạn sẽ chứng kiến khi giấc mơ của một nhận dạng mới bắt đầu choàng lên bạn, và bạn sẽ rơi vào kiếp sau trong sự khuất phục hoàn toàn các hành vi quá khứ mà bạn vẫn hầu như không biết gì. Nhưng mỗi người trong chúng ta có thể đóng vai trò tích cực hơn trong việc đầu thai như thế nào. Trong kẽ hở khi mỗi khả năng đối diện chúng ta, sự lựa chọn nằm giữa các khả năng. Các lễ nghi tỉ mỉ trong “Tử Thư Tây Tạng” không được thiết kế để đưa một người tốt lên thiên đường tươi đẹp và kiếp sống tiếp theo tốt hơn. Chúng được thiết kế để khiến cho tự do lựa chọn trở nên hiện thực, con người hoàn toàn tỉnh thức trong khe hở sao cho nghiệp có thể được hình thành, kiểm soát hoặc thậm chí hoàn toàn hóa giải.

-------o0o-------

Trích: “Sự Sống Sau Cái Chết - Gánh Nặng Chứng Minh”

Tác giả: Deepak Chopra

Người dịch: Trần Quang Hưng

Nhà Xuất Bản Văn Hoá Sài Gòn, 2009

Ảnh: Nguồn internet

 

Bài viết liên quan