SỰ PHÂN TÁCH TUYỆT ĐỐI GIỮA SỐNG VÀ CHẾT - DEEPAK CHOPRA - CUỐN SÁCH CỦA NHỮNG BÍ MẬT

SỰ PHÂN TÁCH TUYỆT ĐỐI GIỮA SỐNG VÀ CHẾT

DEEPAK CHOPRA

CUỐN SÁCH CỦA NHỮNG BÍ MẬT

---o0o---

Sự phân tách tuyệt đối giữa sống và chết chỉ là một ảo tưởng. 
SỰ PHÂN TÁCH TUYỆT ĐỐI GIỮA SỐNG VÀ CHẾT - DEEPAK CHOPRA - CUỐN SÁCH CỦA NHỮNG BÍ MẬT

Sự phân tách tuyệt đối giữa sống và chết chỉ là một ảo tưởng. 

Điều khiến mọi người bận tâm về việc mất đi thể xác chính là cảm giác về một sự ngắt quãng hay phân tách đáng sợ. Sự ngắt quãng được tưởng tượng như thể bước vào cõi hư không; đó là một sự chấm dứt hoàn toàn mang tính cá thể. Tuy nhiên, quan điểm này, dù gây nên nỗi sợ hãi to lớn, lại hạn chế trong cái tôi. Cái tôi cần sự liên tục; cái tôi muốn hôm nay phải là sự mở rộng của hôm qua. Nếu thiếu sự liền mạch đó thì cuộc hành trình đi từ ngày này sang ngày khác sẽ mang lại cảm giác mất liên kết, điều đó khiến cho cái tôi sợ hãi. Tuy nhiên, bạn sẽ đau khổ đến mức nào khi một hình ảnh mới hay một khát khao mới xuất hiện trong tâm trí? Bạn chìm đắm trong trường tiềm năng vô tận để tạo ra những suy nghĩ mới, sau đó quay lại với một hình ảnh cụ thể từ hàng tỉ hình ảnh có thể hiện ra. Trong khoảnh khắc đó, bạn không còn là bản thể của bạn từng xuất hiện cách đây một giây nữa. Bạn đang bám víu vào một ảo tưởng về sự liên tục. Hãy từ bỏ khoảnh khắc hiện tại và bạn sẽ thuận theo lời tuyên bố của Thánh Paul là luôn sống cận kề cái chết. Bạn sẽ nhận thấy rằng mình không hề liên tục, mình thay đổi thường xuyên, đắm chìm trong đại dương của những tiềm năng giúp mang lại điều mới mẻ.

Cái chết có thể được xem là một ảo tưởng vì bạn đã chết thật sự. Khi bạn nghĩ về bản thể như tôi, cái tôi và của tôi thì bạn đang nghĩ đến quá khứ của mình, thời điểm vốn đã chết và không còn nữa. Ký ức về quá khứ là tàn tích của một thời đã xa. Cái tôi giữ cho nó không thay đổi bằng cách lặp lại những gì đã biết. Tuy nhiên, cuộc sống thực chất là điều không biết, bởi lẽ cuộc sống phải như thế thì bạn mới có thể lĩnh hội những suy nghĩ, khát vọng và trải nghiệm mới. Bằng cách lặp lại quá khứ thì bạn đang khiến cuộc sống không thể tự làm mới mình.

  Bạn có nhớ lần đầu tiên nếm thử một que kem hay không? Nếu không thì bạn hãy nhìn vào đứa trẻ lần đầu tiên được nhìn thấy que kem. Cái nhìn trên khuôn mặt đứa trẻ cho bạn thấy rằng nó đang đắm chìm trong cảm giác sung sướng. Tuy nhiên, đối với que kem thứ hai thì đứa trẻ lại không tỏ vẻ hào hứng như ban đầu, cho dù nó vẫn mong muốn có được que kem đó. Mỗi lần lặp lại sẽ làm giảm mức độ hào hứng, bởi lẽ khi quay lại với điều mà bạn đã biết thì trải nghiệm lúc ấy không giống như lần đầu tiên nữa. Đến hôm nay thì cho dù thích ăn kem đến đâu đi nữa, trải nghiệm ăn kem phần nào đã trở thành thói quen của bạn. Cảm giác nếm kem không hề thay đổi, nhưng chính bạn đã thay đổi. Cuộc mặc cả mà bạn đã thực hiện với cái tôi, mục đích để duy trì cái tôi, tôi và của tôi không đổi, là một cuộc mặc cả tồi – bạn đã chọn điều đối lập với sự sống, tức là cái chết.

Về mặt kỹ thuật thì ngay cả cái cây bên ngoài cửa sổ cũng là một hình ảnh đến từ quá khứ. Khoảnh khắc bạn nhìn thấy cái cây và xử lý hình ảnh ấy trong não thì cái cây đã dịch chuyển trên cấp độ lượng tử, thuận theo chu kỳ dao động của vũ trụ. Để sống một cách trọn vẹn thì bạn phải tự đưa mình vào lĩnh vực phi định xứ, nơi những trải nghiệm mới được sinh ra. Nếu ngưng giả định rằng bạn đang sống trong thế giới này thì bạn sẽ nhận thấy mình luôn sống trong sự không liên tục, một nơi phi định xứ được gọi là linh hồn. Khi chết đi thì bạn sẽ bước vào một thế giới chưa biết, trong khoảnh khắc đó, bạn sẽ có cơ hội rất lớn để cảm nhận rằng mình không còn sống nữa. Tại sao phải chờ đợi? Bạn có thể vẫn sống nếu muốn bằng cách trải qua một quá trình gọi là sự quy thuận. Đây là bước tiếp theo để chinh phục cái chết. Cho đến tận bây giờ trong chương này thì ranh giới giữa sự sống và cái chết là quá mong manh đến mức nó gần như biến mất. Quy thuận là hành vi xóa nhòa hoàn toàn ranh giới này. Khi bạn nhìn nhận bản thân như một chu kỳ hoàn hảo của sự sống trong cái chết và cái chết trong sự sống thì bạn xem như đã quy thuận – công cụ mạnh mẽ nhất của người thần bí để chống lại chủ nghĩa vật chất. Ở cấp độ thực tại duy nhất thì người thần bí sẽ từ bỏ mọi nhu cầu liên quan đến ranh giới và tập trung vào sự tồn tại. Chu kỳ này khép lại và người thần bí sẽ xem mình như thực tại duy nhất.

--o0o--

Trích: “Cuốn Sách Của Những Bí Mật”

Tác giả: Deepak Chopra

Dịch: Thế Anh

Nhà Xuất Bản Hồng Đức

Ảnh Internet

Bài viết liên quan