TU TẬP TRỌN VẸN TRONG ĐỊNH - KHENCHEN THRANGU RINPOCHE - KINH VUA CỦA ĐỊNH - BÀI CA ĐẠI ẤN

Đức Phật bắt đầu với câu khẳng định rằng hiểu bản tánh của các sự vật - tu tập trong loại định này mang lại những phẩm tính và những hạnh lành lớn lao, nhưng điều này chỉ có kết quả khi chúng ta thực hành và áp dụng trạng thái định.
TU TẬP TRỌN VẸN TRONG ĐỊNH - KHENCHEN THRANGU RINPOCHE - KINH VUA CỦA ĐỊNH - BÀI CA ĐẠI ẤN

TU TẬP TRỌN VẸN TRONG ĐỊNH

KHENCHEN THRANGU RINPOCHE

KINH VUA CỦA ĐỊNH - BÀI CA ĐẠI ẤN

---o0o---

Chương 12 được gọi là “Tu tập trọn vẹn trong Định.” Đức Phật bắt đầu với câu khẳng định rằng hiểu bản tánh của các sự vật - tu tập trong loại định này mang lại những phẩm tính và những hạnh lành lớn lao, nhưng điều này chỉ có kết quả khi chúng ta thực hành và áp dụng trạng thái định. Những phẩm tánh Không được sinh ra chỉ bằng cách nói về tánh Không. Chỉ nói về tánh Không không hề mang lại hạnh lành vĩ đại. Chỉ khẳng định rằng bản tánh của mọi thứ là trống không, và rằng dấn thân vào hạnh lành không thêm vào tánh Không, hoặc thực hiện những hạnh xấu không giảm mất tánh Không - những hành động không có ảnh hưởng gì - những khẳng định như vậy không mang lại những phẩm tính tâm linh nào. Chúng ta phải tự kinh nghiệm trạng thái tánh Không thông qua tu tập trong định. Sự tu tập này vượt khỏi những cạm bẫy của những cảm xúc phiền não và của ba cõi: dục giới, sắc giới và Vô sắc giới. Đó là lý do tại sao chương này có tựa đề là “Tu tập trọn vẹn trong Định.”

Sau đó Bậc Chiến Thắng nói với Bồ tát Ánh trăng Trẻ trung: “Chàng trai trẻ, điều này nghĩa là, một vị Đại Bồ tát, người tước nguyện nhanh chóng chứng ngộ chân thật và trọn vẹn giác ngộ viên mãn vô thượng nên khéo léo trong việc nhận diện định (samadhi). Chàng trai trẻ, nhận diện định có nghĩa là gì? Nó nghĩa là tính như thị của tất cả các sự vật, tính bình đẳng, sự vắng mặt của tính bất bình đẳng, vô niệm (không có các tư tưởng), không khái niệm, tánh Không tạo dựng; giải thoát khỏi những thúc đẩy (hành), khỏi sinh và diệt; sự vắng mặt hoàn toàn của tư tưởng, khái niệm và sự hình thành khái niệm, giải thoát khỏi sự tập trung tư tưởng và khỏi những tạo tác trong tâm thức; sự vắng mặt hoàn toàn của sự phân biệt, sự vắng mặt hoàn toàn của tham, sân và si...”

Chương 13 được gọi là “Nhận diện Định.” Cả hai chương 12 và 13 tập trung vào chủ đề định. Chương 12 mô tả cách tu tập trong định, không chỉ là nói bằng miệng về tánh Không mà tự mình kinh nghiệm định. Chương 13 mô tả trọn vẹn trạng thái định là như thế nào. Đức Phật nói rằng nó là sự tu tập trong tính bình đẳng của tất cả mọi sự vật, không lập trình một thái độ khái niệm nào về tánh Không là gì mà chỉ đơn giản là đối diện bản tánh chân thật của các sự vật chính xác như nó là. Không sắp xếp trạng thái tự nhiên với sự diễn giải đã bị khái niệm hóa của chúng ta về cái gọi là tánh Không, chúng ta chỉ đơn giản an trụ trong cái vốn trống không. Chúng ta cũng không cần tạo dựng một sự diễn giải về cái gọi là tính sáng hay tính biết. Nói cách khác, chúng ta không cần hình thành một thái độ khái niệm mà chỉ cần nghỉ ngơi tự nhiên, đối diện bản tánh của các sự vật - điều kiện chân thực - như nó là.

Ở đây, Đức Phật cũng đề cập rằng chúng ta cần biết đặc tính thật của từng uẩn trong năm uẩn, không phải theo cách mê lầm thông thường, mà là hiện trạng của chúng. Khi hiểu biết mười tám yếu tố hoặc thành phần ấy, chúng ta không chỉ có khả năng liệt kê những đặc điểm của chúng mà cần có một hiểu biết về bản tánh của chúng, chính xác như chúng là. Tương tự cũng đúng với mười hai nhân duyên.

 

Lúc này, Đức Phật đề cập đến những sự hỗ trợ của định: chính niệm, rõ biết, thận trọng, chú tâm, và vân vân. Giữa những sự trợ giúp này, chính niệm là quan trọng nhất khi tu tập định. Kho báu A Tỳ Đạt Ma (Treasure of Abhidharma) mô tả chính niệm như là “Không bao giờ quên điều cần áp dụng và điều cần loại bỏ.” Chúng ta luôn luôn được dạy là cần duy trì rõ ràng trong tâm rằng nếu một điều gì đó là xấu, nó cần được loại bỏ, và nếu một điều là tốt, nó cần được áp dụng, đặc biệt trong việc tu tập định.

Có một ví dụ về tác động của chính niệm. Bồ tát Tịch Thiên vĩ đại đã nói: “Khi chúng ta tu tập thiền định, có những tên trộm đến và ăn cắp. Có những tên cướp cố gắng cướp đi sự giàu có của chúng ta.” Những tên trộm cướp này là những cảm xúc phiền não và suy nghĩ của chúng ta - cảm giác mờ đục (hôn trầm), kích động (trạo cử) và vân vân.”

Ví dụ, hãy xem xét một người vừa giàu có, vừa có nhiều tài sản. Những kẻ trộm cướp muốn cưỡng đoạt sự giàu có của người ấy, trước tiên sẽ nhận định xem anh ta là loại nào. Nếu anh ta khỏe mạnh, thông thái và cân bằng, và cũng có hiện diện của tâm và tính bình ổn, đám trộm cướp sẽ suy nghĩ “Chúng ta không có nhiều cơ hội để ăn cắp từ một người nhà thế này. Chúng ta tốt hơn là nên tránh xa anh ta. Nếu chúng ta lại gần đến mức có thể đánh cắp của anh ta, chúng ta sẽ bị bắt. Chúng ta nên quên chuyện này đi.” Mặt khác, nếu người giàu có ấy yếu đuối, vô tâm, cẩu thả, lười biếng, không quá mạnh mẽ và chú tâm, chúng sẽ suy nghĩ: “Chúng ta có cơ hội ở đây. Chúng ta có thể lấy của người này.” Bọn chúng sẽ lại gần hơn và chờ thời cơ. Ngay khi thời cơ đến, bọn chúng sẽ ăn cắp hoặc cướp bằng vũ lực, bọn chúng có thể làm tất cả và chuồn đi với toàn bộ tài sản của anh ta.

Tương tự, khi một người thực hành tu tập trong thiền định, những tên trộm và những tên cướp ẩn dụ phục kích sẵn, chờ đợi một cơ hội. Nếu chúng ta cẩn trọng, chú tâm, và hiện diện, thì những cảm xúc phiền não này không có thời cơ để có chỗ đứng. Nhưng nếu chúng ta lười biếng, lơ đãng, cẩu thả, và thích lãng phí thời gian, thì những cảm xúc phiền não chắc chắn sẽ sẵn sàng sinh khôi và chiếm lĩnh. Sự giàu có và hạnh lành của sự thực hành thiền định của chúng ta sẽ bị cướp mất, khiến chúng ta hoàn toàn trở nên thiếu thốn, không có những phẩm tính tâm linh nào, bị những cảm xúc phiền não làm chủ hết lần này đến lần khác.

Do đó, chính niệm là vô cùng quan trọng, trong thực hành thiền định sơ bộ, trong phần tu tập thiền định chính và trong những hoạt động của giai đoạn thành tựu. Sự hiện diện của tâm hay là chính niệm luôn luôn là quan trọng nhất, bởi vì, từ đó mà những phẩm tính tốt đẹp tự phát. Bồ tát Tịch Thiên nói: “Những ai duy trì chính niệm sẽ tự nhiên sở hữu những phẩm tính chú tâm, thông thái, và rõ biết. Do đó, hãy luôn luôn cố gắng có chính niệm.”

---o0o---

Trích: “Kinh Vua của Định – Bài Ca Đại Ấn”

Jamgon Kongtrul Rinpoche

Bình giảng: Khenchen Thrangu Rinpoche

Dịch Việt: Hoàng Lan

Nhà Xuất Bản Tôn Giáo – Thiện Tri Thức – 2021

Ảnh: Internet

Bài viết liên quan