TÂM BÌNH THƯỜNG CỦA ĐẠI ẤN (MAHAMUDRA) - Khenchen Thrangu Rinpoche

TÂM BÌNH THƯỜNG CỦA ĐẠI ẤN (MAHAMUDRA)

-Khenchen Thrangu Rinpoche

-----o0o-----

Trong một bình giảng, Gampopa nói, “Tâm bình thường thì không bị thấm dơ bởi bất kỳ sắc tướng nào, không rối ren bởi bất kỳ phóng chiếu cho là có thật nào, và không bị che khuất bởi mờ đục, chán nản, hay tư tưởng”. Tâm bình thường, ngài tiếp tục, thì không nhiễm ô bởi Pháp, không lấm dơ bởi thức thế gian, và không bao phủ trong một tâm nặng nề. Không nhiễm ô thậm chí bởi bất...
TÂM BÌNH THƯỜNG CỦA ĐẠI ẤN (MAHAMUDRA) - Khenchen Thrangu Rinpoche

TẠI SAO NÓ ĐƯỢC GỌI LÀ TÂM BÌNH THƯỜNG

Từ “tâm bình thường” được áp dụng cho bản tánh chân thật của tâm bởi Gampopa và những thiền giả vĩ đại và thành tựu khác. Ý của các ngài là, khi chúng ta thực hành đại ấn, chúng ta không tìm cách khôi phục lại cái gì bị che đậy, không cố gắng vứt bỏ những chướng ngại ngăn chúng ta có được cái gì. Thay vì thế, chúng ta chỉ đơn giản tìm kiếm bản tánh của tâm chúng ta, nó ở ngay trong tâm chúng ta. Có cái gì dễ đi vào hơn nó?

Chúng ta dễ nghĩ rằng bản tánh của tâm thì cực kỳ tinh tế, cực kỳ tinh khiết, hoàn toàn phi thường, và chúng ta cần xa lánh mọi sự cũ kỹ và quen thuộc để đến một cái gì chưa từng kinh nghiệm trước đây. Nhưng như thế là thiết kế, tạo tác; chúng ta sẽ không bao giờ khám phá bản tánh của tâm theo cách ấy. Thế nên để xua tan những quan niệm sai lầm như vậy, từ tâm bình thường được dùng để chỉ rằng nó đang và đã luôn luôn chỉ là bản tánh của tâm không có bất kỳ sửa sang tạo tác nào.

 NHỮNG TÍNH CÁCH CỦA TÂM BÌNH THƯỜNG

Trong một bình giảng, Gampopa nói, “Tâm bình thường thì không bị thấm dơ bởi bất kỳ sắc tướng nào, không rối ren bởi bất kỳ phóng chiếu cho là có thật nào, và không bị che khuất bởi mờ đục, chán nản, hay tư tưởng”. Tâm bình thường, ngài tiếp tục, thì không nhiễm ô bởi Pháp, không lấm dơ bởi thức thế gian, và không bao phủ trong một tâm nặng nề. Không nhiễm ô thậm chí bởi bất kỳ phương diện nào của Phật pháp nghĩa là tâm chúng ta không nhiễm ô bởi những hệ thống triết học của phân tích và suy luận, như suy nghĩ cái gì hiện hữu hay không hiện hữu. Tâm không thao tác hay tạo tác theo kiểu này, cũng không bị tác động bởi những kinh nghiệm tạm thời xảy ra khi thực hành. Thế nên tính cách đầu tiên là tâm không phải là cái gì mới cần được chế tạo.

Tính cách thứ hai của tâm bình thường là nó không chất đầy sự ồn ào của những phiền não hay sự lan man của tâm. Tâm bình thường thì không chế tác, thoát khỏi những lo toan như vậy.

Tính cách thứ ba của tâm bình thường là quang minh; nó không bị bao phủ trong một trạng thái mờ đục, tối tăm của tâm hay trong sự ý niệm hóa.

Nói gọn, chúng ta có thể nói rằng tâm bình thường không bị biến chất bởi cái gì khác – nó chỉ là chính nó. Không cần cố gắng để thoát ra khỏi cái chúng ta xem là xấu hay xoay nó về cái chúng ta xem là tốt. Nếu chúng ta chứng ngộ tâm bình thường, cái này được gọi là “trí huệ biết chính nó”; nếu không chứng ngộ nó, cho dù nó luôn luôn ở đây, thì được gọi là “vô minh đồng khởi”.

 CÁI NGƯỜI TA THAM THIỀN VỚI TÂM BÌNH THƯỜNG

Chúng ta tham thiền về tâm bình thường bằng cách nhận biết nó là tâm bình thường. Chúng ta biết nó là cái gì – trống không và quang minh. Qua sức mạnh của những khuynh hướng thói quen chúng ta mất dấu của tâm bình thường. Chúng ta duy trì sự nhận biết tâm bình thường bằng chánh niệm và cảnh giác. Như thế Gampopa nhấn mạnh sự thực hành tâm bình thường chỉ đơn giản là không trở nên xao lãng và lang thang khỏi nó.

Nếu tâm bình thường là phổ quát và không tạo tác, thì cái gì để phân biệt một thiền giả với một người không tỉnh giác về tâm bình thường? Gampopa giải thích rằng dù tâm bình thường là bản tánh của cả hai thiền giả và người thế gian, nhưng người thế gian đã không nhận lãnh những chỉ dạy về nhận biết và làm việc với tâm bình thường, trong khi với thiền giả thì có. Không nhận biết tâm bình thường, người thế gian kinh nghiệm mọi loại quan niệm nhị nguyên, còn thiền giả nhận biết tâm bình thường nên giải thoát khỏi mọi quan niệm nhị nguyên, và mọi kinh nghiệm trở thành một kinh nghiệm của đại lạc.

Gampopa cũng bàn luận người thực hành Pháp mà không có những chỉ dạy về tâm bình thường, nghĩa là người khai triển hiểu biết và những phẩm tính tốt qua một con đường quy ước hơn. Khi so sánh với thiền giả có những lời chỉ dạy và thực hành tâm bình thường, chúng ta sẽ nói rằng người thực hành Pháp bình thường thì không khác nhiều với người bình thường thế gian.

Chúng ta sẽ không tốn một số thời gian để ghi nhận cái gì không phải là tâm. Đúng ra chúng ta cần thấy nó là cái gì mà không có gì thêm hay bớt. Tâm bình thường không bị nhiễm ô. Nó không phải là một việc tạo ra cái gì mà Pháp cho là tốt, như trí huệ hay quang minh. Tâm bình thường là tâm như nó là, không có sự can thiệp của đam mê hay gây hấn. Đó chỉ là tâm chúng ta tự nhìn thấy nó. Đó không phải là một việc nhìn cái gì khác, hay cố gắng an định chính nó hay làm cái gì cả. Chỉ đơn giản là tâm chúng ta nhìn vào chính nó và nghỉ ngơi trong đó. Và cách điều này được duy trì và mở rộng là qua chánh niệm. Chánh niệm nhận xét tư tưởng nào đó dâng trào và sắp đưa chúng ta đi và chỉ là không đi với nó.

Chẳng hạn, tôi nói cái ly nước trên bàn trước mặt tôi là một cái ly. Tôi thấy nó là một cái ly. Nếu tôi phân tích nó một cách khái niệm, tôi sẽ ngừng và nghĩ về nó, và rồi nói đây là một cái ly và nó chứa đầy nước. Tôi có thể đi vòng vo như vậy. Ngược lại, tôi có thể chỉ thấy một cái ly và nước. Nếu tôi cường điệu, tôi có thể nói nó không chỉ là thủy tinh, nó là kim cương; và nó không chỉ là nước, mà là cam lồ chữa lành của những bổn tôn. Ngược lại, tôi có thể nghĩ rằng cái này không có tên là ly và tạo thành bằng cát, và đây không phải là nước, mà là thuốc độc. Tôi có thể trở nên kích động về nó. Nhưng đó không phải là cái chúng ta đang nói. Chúng ta đang nói chỉ nhìn và thấy nó là một cái ly và có nước trong đó.

Cũng như thế với tâm chúng ta. Chúng ta không phải nhìn vào nó và cường điệu nó bằng cách nói nó kỳ diệu thay hay ghê tởm quá. Nó chỉ là tâm chúng ta, và không cần nghĩ về nó là tốt hay xấu. Nó chỉ là cái nó là, tất cả là vậy.

-----o0o-----

Trích: Những Điểm Thiết Yếu Của Đại Ấn Nhìn Thẳng Tâm

Ban Dịch Thuật Thiện Tri Thức, 2014.

Ảnh: nguồn Internet

Bài viết liên quan