CHỨNG NGỘ BẢN TÁNH CỦA NHỮNG HIỆN TƯỚNG - Khenchen Thrangu Rinpoche

CHỨNG NGỘ BẢN TÁNH CỦA NHỮNG HIỆN TƯỚNG

Khenchen Thrangu Rinpoche

-----o0o-----

Những tư tưởng và những hiện tướng chỉ là những biểu lộ của tâm. Bản tánh của chúng là đồng nhất với bản tánh của tâm. Bây giờ chúng ta có thể nghĩ rằng không cần theo đuổi kỹ thuật nào để thấu hiểu bản tánh của chúng. Tuy nhiên, có những lời dạy làm sao để nhận biết bản tánh của tư tưởng và của những hiện tướng. Chúng ta phải theo một số giai đoạn tham thiền nào đó...
CHỨNG NGỘ BẢN TÁNH CỦA NHỮNG HIỆN TƯỚNG - Khenchen Thrangu Rinpoche

  [196] Chúng ta có thể không chứng ngộ bản tánh của những hiện tướng bên ngoài ngay lập tức; tuy nhiên chúng ta có thể nhìn vào tâm và kinh nghiệm trực tiếp tánh Không của nó. Khi làm điều này, chúng ta có thể hiểu rộng ra bản tánh của những hiện tướng bên ngoài của tâm. Tại sao vậy? Bởi vì bản tánh của tâm và bản tánh của những hiện tướng là một. Bản tánh của tâm và bản tánh của tất cả hiện tượng là như nhau. Saraha nói, “Bởi vì chỉ mình tâm là hạt giống của tất cả, chính nó bộc lộ sanh tử và niết bàn.” Điều này nghĩa là mọi hiện tượng của sanh tử và mọi hiện tượng của niết bàn sanh khởi từ tâm. Bởi lý do này, khi chúng ta chứng ngộ bản tánh của tâm, chúng ta sẽ tự nhiên thấu hiểu bản tánh của mọi cái xuất hiện.

Những tư tưởng và những hiện tướng chỉ là những biểu lộ của tâm. Bản tánh của chúng là đồng nhất với bản tánh của tâm. Bây giờ chúng ta có thể nghĩ rằng không cần theo đuổi kỹ thuật nào để thấu hiểu bản tánh của chúng. Tuy nhiên, có những lời dạy làm sao để nhận biết bản tánh của tư tưởng và của những hiện tướng. Chúng ta phải theo một số giai đoạn tham thiền nào đó để đến sự chứng ngộ. Cách chúng ta làm điều này thì khá tương tự với cách chúng ta thấu hiểu vô ngã của những hiện tượng được dạy trong kinh. Bởi vì truy tìm bản tánh của những tư tưởng thì dễ hơn bản tánh của những hiện tướng, chúng ta bắt đầu với truy tìm bản tánh của những tư tưởng.

Chúng ta bắt đầu bằng cách an trụ ngắn trong bản tánh của tâm, trong quang minh và tánh Không không được đồng hóa với bất kỳ cái gì. Từ trong sự vững chắc của tham thiền ấy, chúng ta làm sao sanh khởi một tư tưởng mạnh mẽ như căm ghét hay kiêu căng. Rồi chúng ta nhìn vào nó và hỏi: Nó ở đâu? Nó ở trong chăng? Nó ở ngoài chăng? Cái gì là bản tánh của nó? Chúng ta không theo nó. Chúng ta không nghĩ về một sự cố quá khứ, hay trở nên bị quyến rũ bởi tư tưởng. Đúng ra chúng ta nhìn một cách trần trụi và trực tiếp tư tưởng và phân tích: Nó ở đâu? Nó trụ ở đâu? Nó dựa vào cái gì? Hình dạng là gì? Màu sắc nó là gì? Khi nhìn, chúng ta thấy rằng tư tưởng căm ghét hay kiêu căng này không thật sự hiện hữu. Khi chúng ta nhận biết nó là không thật, nó bình lặng, tức là nó tan biến vào vô ý niệm.

Chúng ta lập lại tiến trình này trở đi trở lại. Chúng ta để tâm chúng ta lang thang một chút từ trạng thái an trụ trong bình an và nghĩ đến người nào làm hại chúng ta. Chúng ta nghĩ đến việc làm hại chúng ta của người này trong quá khứ và chúng ta nổi giận. Rồi chúng ta nhìn vào cơn giận ấy. Nó ở đâu? Nó là gì? Nó đến từ đâu? Nó đi đâu? Nó thực sự là cái gì? Khi chúng ta nhìn và truy tìm, sự thiếu vắng cơ sở của tức giận sẽ hiện lên cho chúng ta. Khi điều đó xuất hiện và chúng ta thấu hiểu nó, bấy giờ chúng ta có thể nói rằng chúng ta đã chứng ngộ bản tánh của giận ghét, bản tánh của tư tưởng, hay bản tánh của tâm, bởi vì ba cái này là như nhau.

Chúng ta có thể làm như vậy với bám luyến hay tham muốn. Từ trong trạng thái của vững chắc tham thiền, chúng ta nghĩ đến cái gì hay ai đó chúng ta ước muốn. Khi tham muốn khởi lên, chúng ta nhìn vào bản tánh của nó. Nó là cái gì? Nó lưu lại chỗ nào? Nó đi đâu? Khi chúng ta khảo sát nó theo cách này, tư tưởng trở thành không tư tưởng – nó trở thành sự hợp nhất của quang minh và tánh Không. Khi chúng ta hiểu quang minh – tánh Không này, chúng ta đã hiểu bản tánh của tâm và bản tánh của tư tưởng; chúng ta đã cắt đứt những phóng chiếu và giải quyết mọi câu hỏi về bản tánh của tâm thực sự là gì. Chúng ta đã tìm thấy bản tánh của tâm là sự vắng mặt hiện hữu nội tại hay mọi đặc tính hay tướng thuộc về tâm và định nghĩa tâm. Chúng ta làm điều này trở đi trở lại mãi cho đến khi chúng ta có cái hiểu thực sự. Khi chúng ta có một số kinh nghiệm nhận biết sự vô tự tánh của tâm, bấy giờ những tư tưởng sanh khởi trong tham thiền, dù chúng có vẻ là những ngăn chướng lúc ban đầu, trở nên thành phần của tham thiền.

Một khi chúng ta thấu hiểu rằng bản tánh của tư tưởng cá nhân, bản tánh của tâm, và bản tánh của pháp tánh điều như nhau, bấy giờ chúng ta xoay qua hiện tướng của sắc thanh hương vị… và xác định bản tánh của chúng là gì. Những hiện tướng này có vẻ là những sự vật có hình dáng màu sắc riêng. Chẳng hạn, tâm bắt đầu xuất hiện như là núi, sông, nhà cửa. Từ quan điểm đại ấn, chúng ta nói rằng những hiện tướng này sanh khởi qua sức mạnh của những khuynh hướng tiềm ẩn.

Trong truyền thống kinh, như chúng ta đã thấy, có một tiến trình phân tích lý luận để xác định rằng những đối tượng có bề ngoài này thực sự không hiện hữu. Chúng ta bắt đầu phân tích này với một hiện tượng lớn ở bên ngoài, như một trái núi. Khi phân tích trái núi chúng ta bắt đầu hiểu rằng nó được tạo thành bằng những phần tử, những phần tử này lại được tạo thành bằng những phần tử nhỏ hơn, và tiếp tục như vậy, cho đến khi một cái gì không thể giảm trừ nữa. Cuối cùng chúng ta chứng ngộ phần tử không thể giảm trừ nữa này cũng không hiện hữu. Qua phân tích rất tỉ mỉ, chúng ta khám phá rằng đối tượng có bề ngoài không thật sự ở đó.

Trong truyền thống thực hành những lời dạy tinh túy chúng ta không nhìn và phân tích những đối tượng bên ngoài; mà chúng ta nhìn cái tâm nắm hiểu những hiện tướng này, phân tích và xác định bản tánh của tâm ấy. Chúng ta nhận biết tánh Không là bản tánh của tâm ấy. Chúng ta cũng hiểu tánh Không ấy là bản tánh của đối tượng được nắm hiểu bởi tâm ấy. Khi một sắc tướng với màu sắc hình dạng xuất hiện với thức của con mắt chúng ta, thay vì phân tích sắc tướng ấy, chúng ta nhìn vào cái tâm đang thấy nó. Chúng ta hỏi: Cái tâm mà sắc tướng xuất hiện với là cái gì? Nó có màu sắc hình dạng gì không? Nó là loại sự vật gì? Nó ở đâu? Chúng ta khám phá rằng tâm đang thấy thì không thể tìm ra. Bấy giờ chúng ta thể nghiệm rằng nếu cái tâm đang thấy không hiện hữu thì đối tượng bên ngoài cũng không hiện hữu. Phương pháp này cũng áp dụng với thanh, hương, vị, vân vân.

Chúng ta đã diễn tả chúng ta làm việc với những hiện tướng của năm thức giác quan như thế nào. Cảm giác sự vật là thích thú hay đau đớn thì thế nào? Đôi khi những sự vật có vẻ rất vui thích, và những lúc khác sự vật có vẻ khốn khổ. Chúng ta nghiên tầm cái tâm kinh nghiệm sướng khổ theo cùng cách ấy. Chúng ta tìm kiếm cái tâm cảm nhận sướng hay khổ. Chúng ta không tìm thấy cái gì. Hơn nữa, kinh nghiệm sướng hay khổ được tan vào sự hợp nhất của quang minh và tánh Không. Nếu chúng ta làm điều này trở đi trở lại mãi, chúng ta thấu hiểu rằng bản tánh của tư tưởng và hiện tướng là pháp tánh, thực tại. Nó là bản tánh của chính cái tâm.

Loại bỏ những nghi ngờ về gốc rễ của sanh tử và Niết bàn

[200] Nếu chúng ta biết, làm thế nào tham thiền về bản tánh của tâm, điều đó ích lợi, nhưng nếu không học để nhận biết quang minh – tánh Không là bản tánh của tư tưởng và hiện tướng, bấy giờ những tư tưởng và những hiện tướng sẽ có vẻ là những chướng ngại cho thực hành tham thiền. Chừng nào chúng ta có thể chú tâm vào bản thân cái tâm, chúng ta sẽ có thể tham thiền một cách phẳng lặng. Nhưng nếu chúng ta không học làm thế nào tham thiền với những hiện tướng khởi lên từ các thức hay với những tư tưởng và cảm xúc sanh ra, tiến trình sẽ gập ghềnh, khó khăn, và ồn ào khi chúng ta làm việc với chúng. Sẽ só xung đột bên trong. Thế nên cực kỳ lợi lạc nếu tham thiền về bản tánh của tư tưởng và hiện tướng và khám phá bản tánh ấy là quang minh – tánh Không.

-----o0o-----

Trích: Những Điểm Thiết Yếu Của Đại Ấn Nhìn Thẳng Tâm

Tác Giả: Khenchen Thrangu Rinpoche

Ban dịch thuật Thiện Tri Thức, 2014

Ảnh: nguồn Internet

Bài viết liên quan